Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Trên hành tinh trái đất này cõi người chúng ta có năm châu là Châu Á, Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Phi, Nam và Bắc cực.

Đức Phật đã bảo ngài Mục Kiền Liên minh hoạ bức tranh của kiếp người có tám khổ như sanh, lão, bịnh, tử, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thịnh. Nào là có cảnh chiến tranh, xe tăng thiết giáp, súng đạn, có nạn lũ lụt, cháy nhà, cảnh em bé sơ sinh, lớn lên, nằm ở giường bịnh, già yếu chống gậy và cái chết, quan tài chờ đợi.

Khi tinh trùng của người cha kết hợp với tiểu noãn của người mẹ, thần thức gá vào và lúc đó bắt đầu một kiếp sống mới. Và tùy theo nghiệp lực nặng hay nhẹ của mình mà tinh trùng hay trứng đó là của loài người hay loài thú.

Cũng như loài động vật, con người sanh từ bụng mẹ (bào thai của con người). Chỗ sanh bất tịnh là tử cung, cạnh vòng ruột già, ruột non, trong máu tanh, nước nhớt và vừa là thức ăn. Đây là nơi bắt đầu thành thân, thật chẳng đáng tự hào chút nào!

Đức Phật dạy sắc thân chúng ta từ bất tịnh nghiệp đời trước mà sanh. Nghiệp chuyển nơi thức đem vào thai mẹ và có năm trùng không tịnh. Năm trùng không tịnh là:

  1. Chỗ sanh bất tịnh: thân này chẳng phải hoa sen, chiên đàn mà được nuôi lớn trong máu mủ. Ở bên cạnh phân uế, từ đường tiểu tiện dơ dáy mà ra.
  2. Chủng tử bất tịnh: do hai giọt tinh cha, huyết mẹ làm thể chất.
  3. Tướng bất tịnh: Thân này không gì ngoài chín lỗ (hai lỗ mắt, hai lỗ mũi, miệng, tai…) và 32 thể trược (tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu).
  4. Tánh bất tịnh: Từ dâm dục uế nghiệp mà sanh, lấy ái dục làm thể chất. Nếu không tu các pháp quán để cải biến, thì dù có lấy hết nước biển cả để rửa, cũng không thể sạch.
  5. Cứu cánh bất tịnh: Nghiệp tận mệnh chung có chín tướng đáng chán hiện ra gọi là cửu tưởng:
  6. Trướng tưởng (sau khi tắt hơi rồi, không còn thức thứ tám trì giữ mạng căn, nên thi thể bắt đầu phồng lên).
  7. Thanh tưởng (rồi xanh tái đen).
  • Hoại tưởng (da thịt bắt đầu bở toét như bánh mì nhúng nước nứt nở và mềm bủng ra).
  1. Huyết đồ tưởng (các thứ nước, máu mủ trong thân chảy ra).
  2. Nồng lãng tưởng (thi thể nát bét rồi, nên mùi hôi thối xông ra).
  3. Hám tưởng (da thịt rục rã).
  • Tán tưởng (thịt tan, còn xương).
  • Cốt tường (xương cũng mòn dần).
  1. Thiêu tưởng (tro bụi của xương cũng tan theo hư không và không còn để lại dấu vết gì).

Chúng ta có năm trùng bất tịnh đó, nhưng khi chui ra từ thai nhơ máu mũ của mẹ lại quên hết. Ra đời chỉ biết khóc, rồi lớn lên chịu đựng bao nhiêu bất tịnh khổ sở của thân cũng quên hết, tranh đấu cực nhọc cho cuộc sống để rồi chuẩn bị đi đến già bịnh. Nuôi thân bằng cơm gạo, rốt cuộc trả về cho lòng đất, chết là dấu chấm cuối cùng. Nhưng chúng ta không phải là dấu chấm, hay chấm phẩy mà là dấu phảy liền. Vì đâu đã hết liền, đâu phải chết là hết. Tinh thần lại mê muội lại đi đầu thai, lại vào bào thai, để lại ở bụng mẹ ra gọi là sanh, rồi khi chết bỏ vào quan tài gọi là tử; hoặc đầu thai vào trứng gà, bụng cá… gọi mình là gà, cá. Khi ở địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, khi ở cõi trời, cõi người, cứ thế xoay vần trong ba vòng “Hoặc-Nghiệp-Khổ”, xoay vần sanh tử luân hồi như đã từng trải qua từ lịch kiếp, nên sách này được biên soạn với tựa đề Vòng luân hồi (the Cycle of Life).

Chúng ta thường ở trong tam đồ, bát nạn từ lịch kiếp. Tam đồ là: địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh. Bát nạn là: 

  1. Nạn trời vô tưởng (vì sống lâu mà không gặp Phật).
  2. Bắc câu lư châu: Phía bắc của núi tu-di. Giữ thập thiện được an vui, nhưng không chịu khó tu học nên có nạn chẳng được gặp Phật.
  3. Nạn sanh trước và sau Phật: Phật trước đã qua. Phật Di lặc lại chưa đến. Lại ở chỗ chẳng có Phật nào truyền bá.
  4. Nạn thế trí biện thông: Tâm trí lanh lợi, chỉ ưa đắm kinh sách ngoại đạo, ngoại điển, chẳng tin chánh pháp xuất thế. Thế là bị chướng nạn đối với Phật pháp.
  5. Nạn si, lung, âm và á: điếc, đui, câm và ngọng.
  6. Súc sanh.
  7. Ngạ quỷ.
  8. Địa ngục.

Chúng ta hãy tập quan sát mình đang ở trong những nạn và những báo chướng bất tịnh như thế. Tập quan sát sự thật và biết thân phận chúng ta như thế, để tránh không bị ảo kiến đánh lừa (kiến trược). Lo luyện tâm, khôi phục quyền tự chủ, để kiến tạo đạo nghiệp.

Cũng đồng nghiệp làm kiếp người, nhưng có nhiều biệt nghiệp riêng. Có chúng sanh bần tiện, cao sang, xinh đẹp, xấu xí và may mắn, bất hạnh… đều do hạnh nghiệp chánh kiến hay tà kiến, thiện hạnh hay ác hạnh ở thân, miệng và ý. Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật dạy Mạt Lợi, hoàng hậu của vua Ba Tư Nặc rằng:

Này Mạt Lợi phu nhân! Kẻ hay phẫn nộ, hễ trái tai gai mắt liền nổi nóng, sừng sộ, gây sự, sẽ tái sanh với hình dung xấu xí. Nếu lại keo kiệt không bố thí, mai sau chịu nghèo khổ túng thiếu. Thấy ai được lợi dưỡng cung kính hơn mình thì tức tối ganh tị, cảm quả báo làm người hèn hạ, không uy tín.

Này Mạt Lợi phu nhân! Người hay bất mãn phẫn nộ nhưng chăm bố thí thì tái sanh tuy dung sắc xấu mà giàu sang.

Những ai tâm từ hoà, chăm bố thí, không ganh tị tật đố sẽ tái sanh được dung sắc thù thắng, giàu sang và có uy tín lớn.

Này Mạt Lợi, bố thí đem phước báu thế gian. Quả báo đến có hai cách. Có người phải bôn ba mới kiếm ra tài vật (do người đến xin, mình không sốt sắn giúp. Khi họ cầu khẩn, mình mới chịu bố thí hay giúp đỡ). Có người ngồi mát ăn bát vàng (vì xưa kia đã tận tình đích thân đi tìm những khổ nạn để cứu vớt, không phải đợi người đến tận nơi, cầu xin, mới giúp). Người có tâm vị tha luôn nghĩ đến nhu cầu của người xung quanh, mong giải quyết hộ. Xem nỗi khổ của người như là của mình. Những người này đời sau mơ ước điều gì đều như ý. Như vậy, tuy đồng nghiệp là người nhưng theo biệt nghiệp từng người mà có khác. Đây là những nhân quả sai biệt của loài chúng sanh, gọi là con người.

Đây là những việc làm bố thí của trời người, hưởng phước của trời người, nhưng nếu bố thí có trí tuệ Bát Nhã, quán tam luân không tịch[1] sẽ chuyển phước này trở thành diệu dụng bồ tát hạnh, để viên mãn biển phước trang nghiêm của tuệ giác.

Cũng trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật giảng lý nhân quả cho ngài Xá Lợi Phất rằng: nếu chúng ta hứa hẹn với ai một điều gì mà không giữ, thì mai sau sẽ bị thất vọng. Nếu đúng như lời hứa thì mai sau sự nghiệp sẽ thành tựu như ý. Nếu mình bố thí nhiều hơn lời mình đã hứa thì quả báo khó nghĩ bàn. Hứa là tạo niềm hy vọng. Thất hứa với ai là đem thất vọng cho người đó nên quả báo mình sẽ bị tuyệt vọng đau khổ.

Nếu chúng ta, những người xuất thế thọ giới là những vị đã hứa với Tam bảo (Phật, pháp, tăng) sẽ là điểm tựa vững chắc cho chúng sanh nương. Chúng ta sẽ ban cho chúng sanh nơi nương tựa tinh thần, niềm an ủi, khích lệ tinh thần để đi lên. Nếu chúng ta thất hứa, phẩm hạnh không xứng đáng là nơi nương tựa của mọi người thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Ngược lại hẳn công đức vô biên.

Trước kia nếu chúng ta là người có nhân cách kém cỏi. Bản ngã thường phình to cho đây là ta, của ta, tôn giáo ta, chùa của ta, Phật tử của ta; kia là tôn giáo khác, người khác… rồi không có cái ta nào chịu thua cái ta nào. Như thế là tạo sự phân hoá, chia rẽ cộng động và thù ghét lẫn nhau. Nếu bây giờ biết nghe pháp theo lời Phật tu, thoát khỏi sự kềm tỏa của bản ngã thì chúng ta trở nên cao thượng, độ lượng. Xưa kia nhỏ mọn ích kỷ, bây giờ rộng rãi, bố thí, dễ tha thứ hơn. Trước kia hay nổi nóng đáng ghét và bây giờ thì dễ trầm tĩnh gần gũi hơn. Trước kia hay xúc động và bây giờ thì dễ bình thản an định hơn. Từ đây tâm từ bi của chúng ta được tăng trưởng, xem nhẹ của cải vật chất và biết quý trọng những giá trị tinh thần. Người biết tự điều tâm ý như thế thường sống thuận theo ý kiến của mọi người, giống như lời bày tỏ của tôn giả A-nậu-lâu-đà: “Con không sống bằng tâm của con mà con sống bằng tâm của huynh đệ”.

Đây cũng chứng minh hệ quả của văn minh nhân loại. Khi tư duy chúng ta càng phát triển cao hơn, lý trí dần dần vượt khỏi sự kềm toả của bản ngã và nhận ra sự đồng thể tướng và tánh chung của tất cả, lấy vạn pháp làm mình, lấy tâm huynh đệ, tâm chúng sanh làm tâm mình ‘vạn pháp duy tâm’.

Thân ta có tướng cứng là địa đại, thẩm ướt là thuỷ đại, hơi ấm là hoả đại và lay động là phong đại. Do bốn đại này ràng buộc mà chia tâm tính diệu minh vắng lặng cùng khắp (Phật tánh bản lai) của chúng ta thành hạn định trong cái hộp (tướng của sáu loài) của cái thấy, nghe, hay, biết. Xét từ đầu đến đuôi, thân này tạo thành năm thứ ô trược, nghĩa là loài người chúng ta bị buộc trong năm lớp vô minh này:

1) Hiện đang ở trong kiếp trược, quyết định đang bị vô lượng khổ áp bức của kiếp sống vô thường ngắn ngủi, ô nhiễm.

2) Kiến trược là đang bị cái xảo trá chỉ huy, cái thấy không như thật nữa vì bị mang nghiệp. theo nghiệp loài nào mà có cái thấy bị trược của loài đó.

3) Phiền não trược là tham dục, sân hận các thứ tâm độc kích thích đủ loại phiền não nung nấu ngày đêm.

4) Chúng sanh trược là cứ cam phận sống đắng cay, chết đọa đày trong cái võ của sáu loài chúng sanh, mang hết thân chúng sanh này đến chúng sanh kia. Chúng ta không bao giờ ngờ rằng mình có đường lối thoát ly, thoát khổ, vì bản tánh mình vốn tự chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh.

5) Mạng trược là mạng sống ngắn ngủi, nhưng chúng ta không biết đến ma lực vô thường như lửa cháy bốn bên mà cứ rong chơi nô đùa, sống thích thú si mê, không có tỉnh ngộ.

Chúng ta không biết rằng dầu cõi người đang bị năm trược bao phủ, nhưng trong sáu cõi hay bảy cõi thú chỉ có lòai người mới có thể ra được vòng lửa sanh tử. Bởi vì con người có duyên nghe Phật pháp, hiểu và biết phương pháp để đi ra khỏi nhà lửa sanh tử, trong khi cõi trời thì bị ham mê hưởng phước thú vui dục lạc nên không có lo tu; còn các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì đau khổ quá, không có tinh thần đâu để hiểu và để tu. Thế nên, trên bức tranh bánh xe luân hồi, chúng ta thấy lửa đỏ bao phủ xung quanh bánh xe, không có lối thoát. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy một đường đi nhỏ như sợi chỉ trắng mãnh từ vòng nghiệp, có bốn chúng cầm đèn đi lên ngang qua cõi người và thoát ra khỏi bánh xe lửa đỏ. Trong khi năm cõi khác hoàn toàn kín mít chìm trong lửa.

 

(Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)

[1] Tam luân không tịch là không thấy người cho, không thấy người nhận và không thấy vật được cho hay được nhận.

Ta là người bố thí không có, chỉ là đất nước gió lửa. Người nhận cũng là đất nước gió lửa và việc bố thí cũng không. Ba cái đều không, nên không có việc gì tự hào, tự cho ta là hay là giỏi.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm