Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Thiện tri thức! Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tiếng Phạm, Trung Hoa dịch là Đại trí tuệ đáo bỉ ngạn. Đây cốt tâm hành, không cốt miệng niệm, miệng niệm tâm không hành như huyễn như hóa, như sương như chớp. Miệng niệm tâm hành, thì tâm miệng xứng nhau, bản tánh là Phật, lìa tánh không có Phật nào khác.

  Hôm sau, Sứ quân họ Vi thỉnh Sư giảng pháp, Sư thăng pháp tòa bảo đại chúng:

            - Tất cả hãy tịnh tâm niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

            Lại bảo:

- Thiện tri thức! Trí Bồ đề Bát nhã thế nhân vốn sẵn có, chỉ do tâm mê không thể tự ngộ, mới phải nhờ đại Thiện tri thức khai thị cho. Nên biết nơi người ngu kẻ trí, Phật tánh vẫn không khác, chỉ vì mê ngộ không đồng mà có ngu có trí. Tôi nay nói pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, khiến cho các người được trí tuệ. Hãy chí tâm lắng nghe, tôi sẽ nói:

Thiện tri thức! Người đời suốt ngày miệng niệm Bát nhã, mà không biết tự tánh Bát nhã, thì cũng như miệng nói ăn, bụng làm sao no được. Chỉ nói không ngoài miệng thì vạn kiếp cũng không kiến tánh, rốt cuộc không ích gì.

Thiện tri thức! Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tiếng Phạm, Trung Hoa dịch là Đại trí tuệ đáo bỉ ngạn. Đây cốt tâm hành, không cốt miệng niệm, miệng niệm tâm không hành như huyễn như hóa, như sương như chớp. Miệng niệm tâm hành, thì tâm miệng xứng nhau, bản tánh là Phật, lìa tánh không có Phật nào khác.

Sao gọi là Ma Ha? Ma Ha là lớn, tâm lượng rộng lớn như hư không, không bờ bến, không vuông tròn, lớn nhỏ, không xanh vàng đỏ trắng, không trên dưới ngắn dài, không giận, không vui, không phải, không trái, không thiện, không ác, không có đầu đuôi. Các cõi Phật đều như hư không, diệu tánh người đời vốn là không, không có một pháp nào thật có. Tự tánh chơn không cũng như vậy.

Thiện tri thức! Chớ nghe tôi nói không, bèn chấp vào không, cốt nhất đừng chấp không. Nếu không tâm mà tĩnh tọa, tức vướng vào cái không vô ký. Thiện tri thức! Hư không có thể dung chứa vạn vật hình tượng, nhật nguyệt tinh tú, sông núi đất liền, khe nguồn đầm suối, cỏ cây rừng rậm, kẻ thiện người ác, ác pháp thiện pháp, thiên đường địa ngục, hết thảy biển lớn và núi Tu Di đều ở trong hư không. Tánh không của người đời cũng vậy.

Thiện tri thức! Tự tánh có khả năng hàm chứa vạn pháp nên gọi là Đại, vạn pháp ở trong nhân tánh. Nếu thấy sự thiện ác của mọi người, mà tuyệt đối không lấy không bỏ, cũng không nhiễm trước, tâm như hư không, ấy gọi là Đại, nên gọi Ma Ha.

Thiện tri thức! Người mê nói ngoài miệng, bậc trí hành trong tâm. Lại có người mê, không tâm tĩnh tọa, trăm điều không nghĩ tới, tự xưng là đại, hạng người ấy không nên nói tới, vì đó là hạng tà kiến.

Thiện tri thức! Tâm lượng quảng đại, biến mãn khắp pháp giới, về dụng thì mỗi mỗi phân minh, ứng dụng ra thì biết được tất cả là một, một là tất cả, khứ lai tự do, tâm thể không ngại, ấy là Bát nhã. Thiện tri thức! Hết thảy trí Bát nhã đều từ tự tánh sanh, không từ ngoài vào, chớ dụng ý sai lạc, ấy gọi là chơn tánh tự dụng. Một chơn hết thảy đều chơn, tâm lượng là để dung chứa đại sự, không phải để làm những chuyện tiểu tiết[1]. Miệng chớ suốt ngày nói không mà trong lòng không tu hạnh ấy, khác nào dân thường tự xưng vua chúa, rốt cuộc chẳng được cái gì. Hạng ấy không phải đệ tử tôi.

Thiện tri thức! Bát nhã là gì? Bát nhã đời Đường dịch là trí tuệ. Ở mọi nơi mọi lúc, niệm niệm không ngu, thường thực hành trí tuệ, gọi là hành Bát nhã. Một niệm ngu, thì Bát nhã dứt, một niệm trí thì Bát nhã sanh. Người đời ngu mê không thấy Bát nhã, miệng nói Bát nhã mà trong tâm thường ngu, miệng thường tự bảo tôi tu Bát nhã, thường nói không, thì đó không phải chơn không. Bát nhã không hình tướng đấy là cái tâm có trí tuệ. Nếu hiểu như vậy thì gọi là trí Bát nhã.

Sao gọi là Ba La Mật? Đời Đường dịch là đáo bỉ ngạn, giải nghĩa là lìa sanh diệt. Chấp cảnh thì sanh diệt khởi, như nước có sóng, đó là bờ này. Lìa cảnh thì không sanh diệt, như nước chảy thông, gọi là bờ kia, nên nói là Ba la mật. Thiện tri thức! Người mê miệng niệm, mà trong tâm nghĩ điều sai quấy. Nếu có thực hành trong từng niệm, ấy gọi là chơn tánh. Ngộ pháp ấy gọi là ngộ Bát nhã, tu hạnh ấy gọi là hành Bát nhã, không tu là phàm phu, một niệm tu hành thì tự thân đồng với Phật.

Thiện tri thức! Phàm phu tức là Phật, phiền não tức Bồ đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau ngộ là Phật. Niệm trước vướng cảnh là phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ đề. Thiện tri thức! Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không ở, không đi, không đến, ba đời chư Phật từ đó mà ra. Hãy vận dụng Đại trí tuệ mà đả phá phiền não trần lao ngũ ấm. Tu hành như vậy nhất định thành Phật, biến ba độc thành Giới Định Tuệ.

Thiện tri thức! Pháp môn này của tôi từ một Bát nhã mà sanh ra tám vạn bốn ngàn trí tuệ. Vì sao? Vì người đời có tám vạn bốn ngàn trần lao. Nếu không có trần lao thì trí tuệ thường hiện, không lìa tự tánh. Ngộ được pháp này tức là vô niệm. Không nhớ không đắm, không khởi cuồng vọng, dùng cái tánh chơn như của mình, lấy trí tuệ quán chiếu, đổi hết thảy pháp không lấy không bỏ, tức là kiến tánh thành Phật.

Thiện tri thức! Muốn vào pháp giới thậm thâm và Bát nhã Tam muội, thì phải tu hạnh Bát nhã, trì tụng Kinh Kim Cang, sẽ được kiến tánh. Nên biết công đức này vô lượng vô biên, trong Kinh có khen ngợi rõ ràng, không thể nói xiết. Pháp môn này là tối thượng thừa, vì kẻ đại trí mà nói ra. Người căn nhỏ, trí nhỏ nghe thì tâm không tin, vì sao? Thí như Thiên Long giáng mưa cõi Diêm phù đề, thì thành ấp làng xóm đều tràn trề nước chảy, nếu mưa trên biển lớn thì không giảm không tăng. Hạng người Đại thừa, Tối thượng thừa nghe nói Kinh Kim Cang tâm liền khai ngộ, nên biết tự bản tánh có sẵn trí bát nhã, thường tự dùng trí tuệ quán chiếu nên không nương văn tự. Trăm sông ngàn dòng đều đổ vào biển làm một, trí Bát nhã bản tánh chúng sanh cũng vậy. Thiện tri thức! Kẻ căn nhỏ nghe Đốn giáo này thì như cây cỏ, gốc nhỏ bị mưa lớn phải gãy, không thể lớn lên. Kẻ tiểu căn cũng thế, vốn có trí Bát nhã không khác gì bậc đại trí, nhưng vì sao nghe pháp lại không tự khai ngộ được? Chính vì chướng ngại tà kiến nặng, gốc phiền não sâu, như đám mây lớn che cả mặt trời, gió không thổi tan được nên ánh sáng không hiện ra. Trí Bát nhã cũng không có lớn nhỏ, nhưng vì chúng sanh tự tâm mê ngộ không đồng.

Người mê chỉ thấy bề ngoài, tu hành tìm Phật, chưa ngộ tự tánh đấy là tiểu căn. Nếu khai ngộ Đốn giáo không chấp sự tu bề ngoài, chỉ nơi tự tâm thường khởi chánh kiến, phiền não trần lao không làm ô nhiễm được, tức là kiến tánh.

Thiện tri thức! Trong ngoài không trú, lai khứ tự do, trừ tâm chấp trước, thông suốt không ngăn ngại, nếu tu được hạnh ấy thì không trái với Kinh Bát Nhã. Hết thảy Khế Kinh, văn tự của Đại thừa, Tiểu thừa gồm 12 bộ loại, đều do người mà lập ra, do bản tánh trí tuệ mà kiến lập. Nếu không có người, thì hết thảy vạn pháp đều không có. Cho nên phải biết vạn pháp vốn do người mà hưng khởi, hết thảy Kinh sách đều do người mà lập. Do vì trong loài người có người ngu người trí, ngu là tiểu căn, trí là đại căn. Người ngu hỏi người trí, người trí nói pháp cho người ngu, tâm người ngu bỗng được khai phát, thì khi ấy kẻ ngu không khác gì người trí. Thiện tri thức! Chưa ngộ thì Phật ẩn mất trong chúng sanh, ngộ rồi thì chúng sanh thành Phật. Cho nên phải biết vạn pháp đều ở tự tâm, sao không do nơi tâm mà thấy ngay chơn như bản tánh. Kinh Bồ Tát Giới dạy: “Ta xưa nay tự tánh thanh tịnh”. Ai biết được tự tâm, thấy được bản tánh, thì đều thành Phật đạo. Kinh Tịnh Danh nói: “Tức ngay lúc ấy được lại bản tâm”.

Thiện tri thức! Tôi xưa nay ở nơi Hòa thượng Hoằng Nhẫn, vừa nghe qua một lời mà được ngộ, thấy được chơn như bản tánh, nên mới đem giáo pháp này lưu truyền cho những người học đạo đốn ngộ được trí Bồ đề. Hãy tự quán tâm, tự thấy bản tánh. Nếu tự mình không ngộ, thì phải tìm bậc Đại thiện tri thức, bậc giảng giải pháp Tối thượng thừa để nhờ chỉ thẳng đường chánh. Bậc Thiện tri thức là nhân duyên lớn, giáo hóa dẫn dắt khiến cho được kiến tánh. Hết thảy thiện pháp đều nhờ Thiện tri thức mà có thể phát khởi. Chư Phật ba đời, 12 bộ Kinh đều sẵn đủ trong tâm tánh. Nếu không có thể tự ngộ thì phải cầu Thiện tri thức chỉ dạy phương tiện cho. Người tự ngộ được thì không phải nhờ bên ngoài. Nhưng cứ một bề chấp cần phải có Thiện tri thức mới mong giải thoát thì phi lý. Vì sao? Vì tự tâm vốn sẵn đủ cái tri thức để tự ngộ. Nếu khởi tà mê, vọng niệm điên đảo thì dù có Thiện tri thức bên ngoài dạy bảo, cũng không cứu được. Nếu khởi trí Bát nhã chơn chánh quán chiếu, thì ngay trong một sát na, vọng niệm tiêu diệt. Nếu biết được tự tánh, một phen ngộ rồi liền đến đất Phật.

Thiện tri thức, trí tuệ quán chiếu thì trong ngoài trong suốt, tự biết được bản tâm tức là căn bản giải thoát, mà được giải thoát tức là Bát nhã Tam muội, Bát nhã Tam muội tức là vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy hết cả pháp mà tâm không ô nhiễm cũng không vướng mắc, ấy gọi là vô niệm. Hoạt dụng hết thảy chỗ mà không vướng mắc chỗ nào, chỉ cần thanh tịnh bản tâm, để cho sáu thức đi ra sáu cửa, đối với sáu trần không nhiễm, đến đi tự tại thông dụng vô ngại, ấy tức là Bát nhã Tam muội, tự tại giải thoát mới gọi là hạnh vô niệm. Nếu trăm việc không nghĩ tới, khiến cho dứt niệm, thì ấy là bị pháp trói buộc, gọi là thấy một bên.

Thiện tri thức! Người ngộ được pháp vô niệm này thì vạn pháp đều thông, người ngộ được pháp vô niệm thì thấy được cảnh giới chư Phật. Người ngộ được pháp vô niệm thì đến được địa vị chư Phật.

Thiện tri thức! Đời sau, người được pháp của tôi hãy đem pháp môn đốn giáo này đối trước người đồng kiến đồng hành mà phát nguyện thọ trì như phụng thờ chư Phật. Nếu trọn đời không thối chuyển thì nhất định được vào địa vị bậc Thánh. Nhưng cần phải trao truyền, không được ẩn giấu chánh pháp. Nếu không gặp người đồng kiến đồng hành, thì không được truyền, hại cho người kia mà rốt cuộc vô ích, sợ kẻ ngu không hiểu, chê bai pháp môn này mà trăm kiếp ngàn đời phải đoạn mất giống Phật.

Thiện tri thức! Tôi có một bài tụng Vô tướng, hãy nên tụng trì. Người tại gia, xuất gia chỉ cần nương đây mà tu hành. Nếu không tự tu, chỉ nhớ suông lời nói của tôi thì cũng vô ích. Hãy nghe tôi tụng:

Nói thông và tâm thông

Như nhật nguyệt trên hư không

Chỉ truyền pháp kiến tánh

Ra đời phá tà tông

Pháp không có đốn tiệm

Mê ngộ có chậm mau

Chỉ pháp kiến tánh này

Kẻ ngu không hiểu thấu

Nói ra tuy vạn thứ

Lý chỉ qui về một.

Nhà phiền não tối tăm

Thường nên sanh tuệ nhật

Tâm tà, phiền não đến

Tâm chánh, phiền não trừ

Tà chánh đều không vướng

Thanh tịnh đến Vô dư

Tự tánh vốn Bồ đề

Khởi tâm tức thành vọng

Tịnh tâm ngay nơi vọng

Chánh ý tiêu ba chướng

Người đời muốn tu đạo

Không có gì ngại ngăn

Thường tự thấy lỗi mình

Thì phù hợp với đạo

Mỗi loài tự có đạo

Vốn không ngăn bức nhau

Lìa đạo riêng tìm đạo

Suốt đời không thấy đạo

Bôn ba qua một đời

Rốt cùng phai áo não

Muốn thấy được chơn đạo

Làm chánh ấy là đạo

Tự mình không tâm đạo

Như đêm không thấy đường

Nếu người thật chơn tu

Không thấy lỗi thế gian

Nếu thấy người khác sai

Lỗi mình ngay bên tả

Người quấy ta đừng quấy

Ta quấy tự có lỗi

Chỉ bỏ tâm tà phi

Thì phá trừ phiền não

Ghét yêu chớ quan tâm

Duỗi dài chân nằm nghỉ

Muốn hóa độ cho người

Mình phải có phương tiện

Chớ để người nghi hoặc

Thì tự tánh hiện bày

Phật pháp ở torng đời

Không lìa đời giác ngộ

Lìa đời tìm chánh giác

Chẳng khác tìm sừng thỏ

Chánh kiến là xuất thế

Tà kiến là thế gian

Tà chánh đều bỏ hết

Tánh Bồ đề rỡ ràng

Tụng này là Đốn giáo

Cũng là Đại pháp thuyền

Mê nghe Kinh trọn kiếp

Ngộ chỉ một sát na.

            Tổ lại dạy:

            - Nay tại chùa Đại Phạm tôi nói pháp Đốn giáo này, xin nguyện chúng sanh khắp pháp giới, ngay nơi lời nói mà kiến tánh thành Phật.

            Bấy giờ quan Thứ sử họ Vi cùng các quan liêu, xuất gia, cư sĩ, nghe lời Sư dạy, không ai chẳng tỉnh ngộ, đồng thời đảnh lễ tán thán: Hay thay! Ngờ đâu đất Lãnh Nam này có Phật xuất thế.

 


[1] Như ngồi yên lặng. DG

Đánh máy: Trần Thị Minh Tâm

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm