Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

(Tài liệu Khóa Tu Học cho Bậc Lực của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ)

  1. PHÂN LOẠI A-HÀM VÀ NIKÀYA

Kinh tạng Nikàya (Pàli) và A-hàm (Hán tạng) là những bộ kinh thuộc Phật giáo truyền thống, còn gọi là Kinh tạng Nguyên thủy. Đó là những bộ kinh chứa đựng những gì Đức Phật đã tuyên thuyết trong 12 năm đầu như Tổ Thiên Thai nói:

“Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,

A Hàm thập nhị phương đẳng bát,

Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm

Pháp hoa, Niết bàn cộng bát niên.”

Các Sử gia đều coi Kinh tạng A Hàm hay Nikaya là tài liệu đáng tin cậy nhất và gần gũi nhất để xác định những gì mà Đức Phật tuyên thuyết đầu tiên vì thế gọi năm bộ kinh này là Kinh tạng Nguyên Thủy (nguyên là nguyên sơ và thủy là đầu tiên).

Nội dung các kinh này nói về những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã, vô thường, vv….

A HÀM

A-hàm, Hán dịch là Pháp quy, nghĩa là nơi quy thú của muôn pháp, còn dịch là "Vô tỷ pháp", nghĩa là pháp tối thượng, cũng dịch là "giáo", là "truyền", nghĩa là giáo pháp được lần lượt truyền trao nhau, gồm có 4 bộ:

a/. Trường A-hàm (Dirghagama) 22 quyển, do ngài Phật-đà-da-xá (Buddhayasas), Trúc Phật Niệm và Đạo Hàm dịch vào năm 413.

b/. Trung A-hàm (Madhyamagama) 60 quyển, do ngài Tăng-già-đề-bà (Sanghadeva) và Tăng-già-la-xoa, Đạo Từ dịch vào năm 398. Bộ này là nền tảng của Hữu bộ.

c/. Tạp A-hàm (Samyukta-agama) 50 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) và Pháp Dũng dịch vào năm 443.

d/. Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama) 50 quyển được Đàm-ma-nan-đề, Trúc Phật Niệm và Đàm Tung dịch vào năm 384.

Bốn bộ A-hàm là bốn loại tùng thư nghĩa là do đoàn thể công khai kiết tập cùng một lúc hoàn thành vào tháng thứ tư sau Phật diệt độ.

NIKAYA

 Nikàya bộ gồm 5 quyển:

a/. Trường bộ kinh (Dìgha - Nikàya).

b/. Trung bộ kinh (Majhima - Nikàya).

c/. Tương ưng bộ kinh (Samyutta - Nikàya).

d/. Tăng chi bộ kinh (Angttara - Nikàya).

e/. Tiểu bộ kinh (Khuddaka - Nikàya).

  1. SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA A-HÀM VÀ NIKAYA

DI-SA-TẮC NGŨ PHẦN LUẬT ghi : " Đây là kinh dài, nay tập thành một bộ, gọi là Trường A-hàm. Đây là kinh không dài không ngắn, nay tập thành một bộ, gọi là Trung A-hàm. Đây là kinh nói cho các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên tử, Thiên nữ nghe, nay tập thành một bộ, gọi là Tạp A-hàm. Đây là từ một pháp đến mười một pháp, nay tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A-hàm".

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA 10 ghi:

 "Tăng Nhất nói về nhân quả trời người,

Trung A-hàm nói về nghĩa sâu xa của chân tịch,

Tạp A-hàm nói về các Thiền định,

Trường A-hàm phá ngoại đạo".

Bốn bộ A-hàm hay năm bộ Nikaya đều nói đến những ý này.

Trường A-Hàm tương đương với Trường Bộ - chép những bài pháp dài.

Trung A-Hàm và Trung Bộ chép những bài pháp bậc trung.

Tương Ưng Bộ tương đương với Tạp A-Hàm - chép những lời kinh có nội dung tương tự nhau.

Tăng Nhất và Tăng Chi - chép những bài sắp xếp theo con số.

Riêng Tiều Bộ Kinh thì Pàli tạng mới có - ghi chép những câu kệ vắn tắt.

  1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM của A-HÀM và NIKAYA
  2. Cả hai truyền thống A-hàm và Nikàya đều thuộc truyền thống Nguyên thủy, mặc dù con đường truyền bá có khác nhưng nội dung thì không khác nhau mấy. Tư tưởng của hai truyền thống đều giữ được phong cách và hương vị của thời Nguyên thủy Phật giáo.
  3. Cả hai được giữ gìn bằng phương thức khẩu truyền suốt một thời gian khá dài khoảng 400 năm sau Phật nhập diệt.
  4. Thể loại văn tường thuật, ký sự, dùng điệp từ và trùng cú nên rất dễ chán khi đọc. Tuy nhiên các kinh phản ánh tư tưởng, học thuật, sinh hoạt, tập quán, tôn giáo... của xã hội đương thời.
  5. Diễn đạt tư tưởng Phật học một cách thiết thực gần gũi với tâm lý con người, những ví dụ dễ hiểu và lý luận giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Nhất là những định nghĩa căn bản của thuật ngữ Phật học rất rõ ràng.
  6. Trên phương diện Văn học sử, người ta tìm thấy ở đây hình ảnh sống động nhất và chân thật nhất về cuộc đời Đức Phật và giáo đoàn Phật giáo ngày xưa. Kinh phản ánh quan điểm của Phật về các vấn đề tu tập, phương cách sống, lối ứng xử, về các vấn đề lý luận, xã hội... rất dễ trích dẫn và dễ nhớ.
  7. Về mặt Tư tưởng sử, chúng ta không tìm thấy những quan niệm như Phật tánh, Tam thân v.v... trong kinh điển Nguyên Thủy, nhưng phương pháp mà Phật chỉ dạy để liễu sanh thoát tử, chứng nhập Niết-bàn thì không thể không nghiên cứu trong Kinh A-hàm mà có thể tìm hiểu chính xác đượcTư tưởng Nguyên thủy chứa đựng tư tưởng gốc hay tư tưởng nền của tư tưởng Đại thừa hay còn gọi là PG phát triển.
  8. Về phương diện công năng, lời Phật dạy có thể được gọi là “sữa pháp,” có khả năng nuôi lớn đạo đức, trí tuệ và hạnh phúc của con người.

8.Về phương diện đối tượng, lời Phật dạy được gọi là “mưa pháp” tưới mát đều cho mọi loài, không phân biệt chủng loại, tôn giáo, giới tính, hay lão ấu.

9.Về phương diện đặc tính, lời Phật dạy được gọi là “biển pháp” vừa mênh mông, bao la, vừa sâu thẳm, về tư tưởng, triết lý và đời sống tâm linh.

10.Về phương diện ứng dụng thực tiễn, kiến thức của đức Phật được sánh ví với những chiếc lá trong rừng nhưng lời Phật dạy qua kinh điển như “những chiếc lá trong lòng bàn tay.” Nghĩa là đức Phật không dạy chúng ta những điều mông lung, vô ích, mà chỉ giới thiệu cho chúng ta những cẩm nang hay tấm bản đồ của an vui và giải thoát, theo đó, chúng ta phải tự thực hành để tự mình đạt được mục đích tối thượng.  Dĩ nhiên chúng ta có nhiều cách tiếp cận Phật pháp nhưng một trong những cách cần thiết cho cuộc sống đời thường của mọi người là “đến với lời Phật dạy qua phương diện ứng dụng.”

Tóm lại, A-hàm và Nikaya còn gọi là kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Đọc kinh A Hàm và NIkaya giúp chúng ta cảm nhận được tính chân thật của Phật giáo, bởi vì địa điểm nhân vật mà kinh chép đều gắn liền với những sự thật lịch sử, Đức Phật mỗi ngày đều trước y trì bát trong nhân gian khất thực độ nhựt, đó là Đức Phật của nhân cách hóa, xã hội hóa. Kinh A Hàm còn chép rằng: "Đức Thế Tôn phải chăng là thay trời hành đạo?" Do đây có thể chứng minh kinh A Hàm khẳng định Đức Phật xuất hiện ở nhân gian, chư Phật chẳng phải ở trên trời thành Phật. Nhân gian cuối cùng là nơi thích hợp để tu hành hơn cảnh giới ở các cõi trời.

Đây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.

  1. ĐỊNH NGHĨA KINH A HÀM và NIKAYA

A Hàm hay Nikaya, tiếng Hán dịch là Pháp Quy. Quy là quay về. Pháp Quy nghĩa là tất cả vạn pháp quy về một loại kinh này. A Hàm là một khu rừng bát ngát mênh mông, bao la, bởi lẽ trong A-hàm và Nikaya chứa bao nhiêu ngàn bài kinh thuyết minh về đường lối hiền ngu, tội phước.

Thuyết là nói. Minh là làm cho tỏ ra, sáng ra, mở ra, phân tích nguyên do chân ngụy dị đồng, soi tỏ đường lối của kẻ ngu và người trí. Hiền thì thích làm phước, còn kẻ ngu thì thích làm tội. Cho nên trong khu rừng này thuyết minh về đường lối, đường đi của các bậc hiền và đường đi của người ngu để cho chúng ta đừng đi vào đường ngu, tội, mà chúng ta chọn lấy đường thánh hiền.

A-hàm và Nikaya có khả năng cứu tế đạo và đời, nghĩa là không những ích lợi cho người trong chùa, mà cả người thế gian. Những người tại gia cũng cần phải học kinh này để cứu tế cả đạo và đời. Đạo là đời sống của những người xuất gia, còn đời là đời sống của những người thế gian chưa cạo đầu.

  1. KINH VỀ BẢY ĐIỂM QUAN YẾU ĐỂ CHO NGÔI TAM BẢO ĐƯỢC HƯNG LONG

 Kinh Trường A Hàm rất dài, hay bốn bộ A-hàm rất dài, chúng ta chọn một kinh để học. Đó là bài kinh Bảy điểm quan yếu để cho ngôi Tam bảo được hung long

Đức Phật cùng với một nghìn hai trăm năm mươi tỳ kheo ngự tại núi Kỳ Xà Quật, thành La Duyệt. Vua nước Ma Kiệt Đà muốn chinh phục nước Bạch Kỳ xây đại thành đến thỉnh ý Thế Tôn. Lúc đó, Đức Phật không có khuyên là nên đánh nhau, nên chinh phục hay là không bởi vì nếu bảo người ta đi chinh phục nghĩa là đánh lấy nước kia thì bao nhiêu người chết, bao nhiêu sự chiến tranh lại sinh ra nhiều chuyện hận thù. Còn nếu bảo họ đừng làm thì vua, quan thế gian, họ sẽ không hài lòng và chưa chắc họ đã chịu nghe.

Thế cho nên Đức Phật mới bảo các ông đại thần cứ ngồi yên đấy để nghe cuộc pháp đàm hay vấn đạo giữa Đức Phật với tôn giả A-nan thôi.

Đức Phật bèn hỏi tôn giả Anan rằng, Anan có nghe ở xứ Bạch Kỳ có bảy việc như sau:

Việc thứ nhất, dân trong nước mỗi khi có việc gì thì cùng nhau bàn luận. Về việc cai trị dân trong nước thì cùng vua, quan và dân cùng nhau bàn thảo để cai trị trong nước chứ vua không có độc tài, các quan cũng không có quyền riêng, mà những việc cai trị trong nước là có cái ý chung của tất cả mọi người.

Việc thứ hai là trong nước ấy vua tôi hòa thuận trên kính dưới nhường.

Việc thứ ba là toàn thể dân chúng ấy người ta lễ độ, biết tôn trọng luật pháp.

Việc thứ tư, trong nước các con cái biết hiếu thảo với cha mẹ, kính thuận với các bậc bề trên.

Việc thứ năm là người ta tin tưởng trên thì có thánh hiền dưới thì có quỷ thần cho nên người ta biết kính trọng các chùa và các đền miếu.

Việc thứ sáu là các người nữ nghiêm chỉnh, không có giỡn cười tà bậy.

Việc thứ bảy là mọi người tôn kính đạo đức, biết phụng thờ những người xuất gia tu đạo.

Ấy là bảy việc của nước Bạch Kỳ người ta có tinh thần sống như thế. Ngài Anan thưa rằng:

“Dạ có, con có nghe người ta nói người dân Bạch Kỳ có thực hành bảy việc ấy trong nước Bạch Kỳ như vậy. Nghe đến đây, vị quan tham sứ được cho đi sang để hỏi ý kiến của Phật liền bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu mà dân ở đó người ta chỉ có được một trong bảy điều thì người ta cũng là một nước văn minh hùng mạnh rồi, huống chi là người ta có cả bảy điều ấy.” Vậy thì không có nên đem quân sang đánh nước Bạch Kỳ.

Thế là quan đại thần công sứ nghe câu chuyện ấy liền về thưa lại với nhà vua rút lui, thôi không động binh đánh nhau nũa. Nhân có việc ấy cho nên Đức Phật mới dạy các tăng ni đây là điều mà chúng ta phải học và phải thọ trì. Phật dạy rằng: Này các tỳ kheo, chánh pháp sẽ không tổn hoại nếu mà tất cả đại chúng cũng có bảy việc như thế này. Nếu mà chúng ta có bảy việc này thì ba ngôi Tam Bảo sẽ hưng thịnh ở thế gian, sẽ là nơi nương tựa của tất cả người đời. Cho nên nếu mà tăng ni tu bảy điểm này thì ngôi Tam Bảo sẽ hưng thịnh, nghĩa là chúng ta những người ngồi đây đều có bổn phận thực hiện bảy điểm này.

Đó là bảy việc của người dân trong nước thực hiện, còn trong chùa hay trong gia đình thì bảy việc này ứng dụng thế nào?

  1. Trên Dưới, Trẻ Già Hòa Thuận Và Tôn Trọng Lẫn Nhau

Trên thì có sư trụ trì, rồi đến phó trụ trì, rồi đến các vị dưới kế tiếp. Thế thì cả từ trên xuống dưới đều hòa thuận.

Đây Phật dạy tất cả chúng ta tăng ni trong cuộc sống hàng ngày phải trên dưới trẻ già, có trên có dưới, có trẻ có già, có bổn phận đối với từng người mà phải hòa thuận phải tôn trọng lẫn nhau để làm gì, để ngôi Tam Bảo được vững và được hưng thịnh ở thế gian.

Bằng cách nào mà trong tập thể, cái miệng chúng ta lúc nào cũng cười hòa thuận, con mắt cũng cười, toàn thân cũng vui vẽ nhé để cho những người chung quanh trong ban tổ chức được hòa ấm.

  1. Công Việc Phật, Pháp Và Tăng Thì Tất Cả Phải Đồng Ý Cùng Làm

Xây chùa, đúc tượng, hay mua các thứ cúng dường Phật. Những cái đó gọi là việc Phật, Phật sự. In kinh ấn tống là việc pháp. Cúng dường quý thầy cô, đưa quý thầy cô đi khám bịnh, giúp hồ sơ đi thọ giới, đi học, đi thi, may y áo… Đó là về tăng sự.

Phật tử là chúng hộ pháp nên cùng hòa đồng ý tưởng trong cách thức ủng hộ Tam Bảo, chứ đừng có người này muốn làm việc này, người kia muốn làm việc kia thì không nên. Không nên tỏ dáng bực dọc, phiền nhọc, bất mãn mà hãy tỏ ra sự dịu dàng vui vẽ hòa theo ý kiến trong Phật Pháp Tăng sự.

iii. Hiểu Rõ Và Tôn Trọng Giới Luật Với Nội Quy

Giới luật với nội quy khác nhau cái gì? Giới luật là lời Phật nói đã 2600 năm tức là lời này đã áp dụng trong khắp không gian và thời gian. Khắp không gian là trong khắp trái địa cầu dù là Ấn Độ, dù là Trung Quốc, dù là Việt Nam, khắp trái địa cầu đều phải vâng lời mà khắp thời gian nghĩa là suốt cả 2600 năm cho đến mãi mãi về sau cứ phải vâng lời những điểm chính yếu ấy.

Còn nội quy là riêng từng địa phương, từng hoàn cảnh ví dụ như ngày xưa ở bên Ấn Độ thì Phật dạy chư tăng đi khất thực nhưng bây giờ ở Việt Nam không thích hợp với việc này nữa, làm không được. Như hiện tại bây giờ có những vị sư giả mạo ở các nơi, nên lòng Phật tử  không còn tin việc đi khất thực nữa. Do vậy ở những địa phương này, chư tăng chư ni hòa hợp đồng ý lập ra một nội quy với nhau, để trong một thời gian ấy, ở địa phương ấy, chúng ta sống thế nào cho hợp với lòng dân và lợi ích cho ngôi Tam Bảo. Thế đấy là từng địa phương, thế rồi từng ngôi chùa, từng ban tổ chức lại có các quy luật riêng phù hợp cho tổ chức của mình.

Đức Phật dạy tất cả tăng ni và Phật tử nên sống đúng pháp đúng luật.

  1. Kính Phục Những Vị Có Kiến Thức Rộng Và Có Khả Năng Phục Vụ Đại Chúng

Kiến là thấy, thức là biết. Người thấy rộng, biết rộng, có trí tuệ, khả năng hơn chúng ta, tức là người ta có tài phục vụ được đại chúng. Đối với ban tổ chức chúng ta phải biết kính trọng và kính trọng người có tâm phục vụ đại chúng, người tận lòng phục vụ đại chúng.

  1. Ai Nấy Phòng Hộ Tâm Ý, Lấy Hiếu Kính Làm Đầu

Chúng ta phải phòng hộ từ tâm ý của mình và biết kính trọng hiếu thuận lẫn nhau. Khởi tâm mình thấy phiền cô đó, ghét cô đó, khởi tâm thấy không ưa, thấy khó chịu, thấy ghét, thế thì vội vàng lại nhắc mình – “Phải phòng hộ tâm ý của mình, đừng có bực dọc tức tối như thế không được”. Vì khi nó bực dọc tức tối thì nó sẽ bật ra lời nói, nó sẽ có cái tia mắt độc ác nhìn người kia, thế là động đến người ta. Thế cho nên phải đề phòng từ ở trong tâm chứ đừng để nó hiện ra tia mắt, nó đã hiện ra lời nói thì không gỡ được nữa vì người kia đã phiền đã nhọc rồi.

Cho nên mình phòng ngay ở trong tâm như thế gọi là phòng hộ tâm ý, mà cái phòng hộ này mình phải để ý, đối với người trên mình lấy hiếu, đối với bạn bè mình lấy kính, kính trọng lẫn nhau hiếu thuận lẫn nhau, lấy cái việc ấy làm đầu, nghĩa là dẹp cái bực dọc, cái tức tối của mình lại mà lấy cái thuận hòa của vị kia, đối với bề trên gọi là hiếu, đối với chị em là kính trọng lẫn nhau để đừng hiện ra cái tướng bất hòa, phải phòng hộ từ ở trong tâm.

  1. Thường Hành Thiểu Dục Tri Túc

Ít muốn và biết đủ hai chữ này nó từa tựa giống nhau như hai chữ từ  và bi, chỉ có khác nhau chút xíu. Ít muốn là khuyên mình đừng đòi, đừng ước mong nhiều. Còn biết đủ là khuyên mình vui với những cái mình hiện tại đang có. Mình có cái áo vá thì vui với cái áo vá miễn là mình ấm thì thôi. Ít muốn là đừng cho tâm của mình dong duỗi, đòi cái này đòi cái kia, muốn cái này muốn cái kia. Thế cho nên hai cái ít muốn và biết đủ từa tựa giống nhau nhưng nó cũng có một chút khác như thế.

Biết đủ là vui với hiện tại, vui với những cái mình đang có.

Ít muốn là đừng có khởi tâm muốn cái này, muốn cái kia, mơ màng đòi cái này cái khác.

Phật dạy chúng ta làm thế nào để ngôi Tam Bảo được hưng long ở thế gian mà lại dạy chúng mình ít muốn biết đủ là sao? Tại vì nếu cứ chạy đi tìm cầu, áo thì đòi áo đẹp, ở thì đòi phải nhà kiểu này kiểu kia, ăn thì phải ăn sang, ăn những thứ mà thiên hạ khen là sang trọng, chẳng những ăn để khỏe mạnh mà còn ăn để ngon miệng, để cho sang trọng. Hôm nay ăn thứ này chán thì mai lại đòi thứ khác, cứ như vậy cho nên cái tâm nó rong rỡ, tìm cầu thì tâm ấy không thể bình an được, nó mở ra nhiều các hệ lụy và ngay cái tâm ấy nó cũng không bình an. Nếu một người không bình an ở trong đại chúng có yên được không? Không! Thế cho nên mở ra những phiền nhọc trong chúng. Cho nên đây Phật dạy tất cả dù già dù trẻ, dù trên dù dưới, ai cũng cứ quay về phòng hộ cái tâm của mình, sống biết đủ, sống ít muốn, cho cái tâm nó bình an.

Một người bình an, hai người bình an, cả chúng bình an thì cả đại chúng an hòa yên ổn. Còn nếu người này sùng sục chuyện này, người kia sùng sục chuyện kia thì cả chúng ấy sùng sục, không thể yên được. Cho nên cứ mỗi người lo bảo vệ cái tâm an ổn của mình thế thì trong chúng sẽ an.

  • Trước Hãy Vì Người Rồi Sau Đó Mới Vì Mình, Không Theo Danh, Không Cầu Lợi

Trong tất cả việc làm của mình nên để ý bốn việc như sau: 1. Trước vì người. 2. Sau vì mình. 3. Không theo danh. 4. Không cầu lợi.

Bất luận là làm một việc gì thì chúng ta trước hết phải vì người chứ đừng có vì mình. Phật nói một cách dung hòa hơn là trước là vì người, sau là vì mình, chứ không phải bỏ hẳn mình đi không nói tới. Nhưng mà tu tập cái điểm trước là vì người, rồi sau là vì lợi ích cho mình. Nhưng mà dù vì mình, dù vì người thì cũng đừng có theo danh cầu lợi. Ấy thành ra bốn khía cạnh.

Vậy đây có bảy điểm quan yếu mà chúng ta cần phải giữ để cho ngôi Tam Bảo được hưng long. Đây cũng là bảy thứ bi trí để bước lên ngôi thánh hiền mà trong kinh Trường Bộ, Đức Phật đã tặng cho ta.

Tăng Nhất A-Hàm (472 bài kinh) và Tăng Chi Bộ Kinh (9557 bài kinh) là những bài kinh nói về nhừng pháp số như số 1 (tậm), 2 (chân và vọng), 3 (ba thọ), 4 (tứ đế, tứ đại), 5 (ngũ uẩn), 6 (lục đạo, lục căn), 7 (thất giác chi), 8 (bát chánh đạo)… Đây là cách giảng pháp của tài tình của Đức Phật. Ngài sắp xếp phân loại để thính chúng không chán, thầy mới lạ và để tâm học.

  1. KINH TẠP A-HÀM hay TƯƠNG ƯNG BỘ BINH

Tạp A Hàm là những pháp thoại mà Đức Thế Tôn chỉ dạy cho hàng đệ tử và Thiên long bát bộ hoặc ngoại đạo, như những phương pháp tu hành thực tiễn và các đệ tử làm thế nào để noi gương đức hạnh của Thế Tôn.

Nội dung của Tạp A Hàm hay Tương Ưng Bộ Kinh, chia làm sáu phần:

  1. Không phóng dật

Một lòng tu tập miên mật vì sắp chết như nhìn chăm chăm chén dầu nếu không sẽ bị đổ.  Như kinh số 37, Thế Tôn dạy chư đệ tử phải khéo nhiếp tâm niệm, an trú tứ niệm xứ, như có một người tham sống sợ chết, tay vin vào một cái bát đựng đầy dầu, theo sau là một người chờ nếu có một giọt dầu rơi xuống, thì lập tức rút dao chém chết người ấy, người ấy cho dù đi ngang qua con đường đầy những dục vọng quyến rũ của thế gian, thì vẫn không dám lơi tâm thất niệm, không dám quên cái bát dầu, không dám nhìn đông ngó tây.

Kinh số 266, Thế Tôn còn rõ ràng chỉ ra… “Việc ta đã làm, các con nay cũng phải làm theo, dưới gốc cây, trong căn nhà trống thanh tịnh, giữa đồng nội yên tĩnh, hãy xa lìa tục sự, trải tòa mà ngồi, hãy nỗ lực thiền định, cẩn thận chớ buông lung, chớ để hối hận về sau”.

  1. Tự lực

Hãy tự mình là hải đảo của chính mình, tự mình cầu giải thoát và tư duy, không nên rong ruỗi tìm kiếm bên ngoài.

Kinh số 266 chép, người có trí tuệ dùng sức mạnh của mình để né tránh rắn độc và giặc hại, lại tự mình tạo chiếc bè để vượt qua khỏi dòng nước xoáy, để đến bờ bên kia an ổn khoái lạc.

Kinh số 1355 còn chép một đoạn đối thoại giữa Thiên thần với một vị Tỳ kheo, biểu hiện tinh thần tu đạo là nên nương vào tự lực.

Có một vị Tỳ kheo con mắt bị bệnh, nghe lời khuyên của thầy thuốc ngồi bên hồ nước ngửi mùi thơm của hoa để trị bệnh, bị chủ nhân của hồ nước - Thần giữ hồ nước xem như là người ăn trộm. Thần nói với vị Tỳ kheo đó rằng, giống như người có chiếc áo tinh khiết, chỉ cần dính một ít nhiễm ô cũng khiến người khác chú ý, cũng vậy, nay thầy giữ giới nghiêm mật, nhưng sao lại bị đánh lừa, bị quyến rũ bởi hương thơm của hoa? Thầy cần phải nhiếp tâm thanh tịnh, chánh niệm tĩnh giác hơn.

Sau khi nghe lời khuyên như vậy, vị Tỳ kheo đó nhờ vị thần nên thường nhắc nhở mình, Thần lại đáp: “Tôi không phải là người hầu của thầy, thầy nên tự biết nên làm thế nào để chế ngự vọng tâm của mình”.

  • Cứu cánh

Đức Thế Tôn chỉ bảo cho chúng ta mục đích của sự tu hành là cầu giải thoát. Như trong kinh số 797, Thế Tôn dạy bảo cho chúng ta con đường tu tập vượt khỏi trói buộc thế gian là con đường tu tập Thánh đạo tám ngành (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định).

Tu tâp được từng điều một của tám điều chân chánh này thì chúng ta an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

  1. Trí huệ

Đức Phật chỉ ra trí tuệ hay lý duyên khởi là chân lý có sẵn. Ngài là bậc đã tìm thấy nó và nói lại cho chúng sanh. Nếu ai muốn tu tập theo sẽ tự mình giải thoát và trí tuệ. Kinh số 324:

“Nếu chư Phật xuất hiện hoặc không xuất hiện giữa thế gian này, thì pháp duyên khởi này vẫn là thường trú, Như Lai nhờ giác ngộ giáo pháp này mà thành Vô Thượng Chánh Giác, rồi truyền bá chân lý này cho nhân gian, qua đó chỉ ra cho chúng sanh con đường đi đến giác ngộ”.

Ngoài ra, tinh thần của trí huệ này biểu hiện một cách sinh động như trong kinh số 1352, chứng minh về sự tùy cơ dụng công như sau:

Có một vị Tỳ kheo đi hoằng pháp xa phải ngủ tạm qua đêm trong một khu rừng. Bấy giờ có một người ăn trộm dưa đang ẩn gần đó thấy trăng sáng hiện ra, lập tức ứng khẩu làm một bài thơ:

“Trăng sáng mày chớ ra,

Đ ta hái xong dưa,

Ta đem dưa đi rồi,

Mặc tình mày ẩn hiện”.

Vị Tỳ kheo ấy nghe rồi, tâm nghĩ rằng, ngay cả đứa ăn trộm cũng có thể làm thơ, ta lẽ nào không biết sao? Liền ứng khẩu làm một bài thơ:

“Ác ma mày chớ xuất hiện,

Đợi ta đoạn phiền não,

Phiền não đoạn xong rồi,

Mặc tình mày ẩn hiện”.

Sau khi đọc xong bài thơ thì vị Tỳ kheo ấy thanh thản, nhẹ nhàng, lặng lẽ nhập định.

  1. Lý nhân quả

Hễ còn tạo nghiệp là còn kẹt trong lý nhân quả. Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.

Trong kinh số 69, Thế Tôn dạy rằng Đức Phật cũng giống như người thế gian, nhưng khi phàm phu và Thánh nhân trúng mũi tên, cả hai đều mang nỗi đau đớn của thân xác. Thánh nhân không phải vì đã chứng nghiệm giáo pháp mà không cảm thấy đau, chỉ khác là Thánh nhân không bị cái đau của tham sân si làm chi phối chánh niệm mà thôi, cho nên tránh được nỗi khổ của tâm.

  1. Tính nhất quán

Bổn kinh ghi chép rất nhiều về sự nghiệp truyền giáo của Thế Tôn trong 49 năm, mà những tư tưởng như là “duyên khởi”, “Tứ thánh đế”, “Thập nhị nhân duyên”, “Bát chánh đạo”, “Tứ niệm xứ”, “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” và “Trung đạo” v.v… lại thông suốt toàn bộ kinh, bàng bạc trong các thời thuyết pháp cho bất luận đệ tử hay ngoại đạo. Có thể thấy, thông qua kinh Tạp A Hàm, chúng ta hiểu được tính chất viên mãn của giáo lý Thế Tôn, không thể vì người nghe, sự việc, thời gian địa điểm không đồng nhau mà nội dung có khác nhau.

Tinh thần của Tạp A-hàm hay Tương Ưng Bộ Kinh là không phóng dật, tự lực cứu cánh, trí huệ, lý nhân quả và nhất quán, chính là những nội dung chính chẳng những trong 12 năm đầu mà cả trong 49 năm Đức Phật thuyết pháp nữa.

THAM KHẢO

Pháp Thoại A-Hàm, 1992, Sư Bà Hải Triều Âm

Bàn về Bốn Bộ A-Hàm, Lương Khải Siêu, Gs. Định Huệ dịch

Khái Quát Lịch Sử Truyền Bá Kinh Điển và Những Đặc Điểm của Kinh tạng Nikàya, Thích Viên Giác

Khái Quát về Nguồn Gốc Kinh A-hàm, Thích Nguyên Hiền

Kinh A-hàm với Phật Giáo Nhân Gian, Hoằng Ấn, Không Nguyên dịch

Tinh Thần Nội Hàm của Kinh Tạp A Hàm, Quách Thủ Nhân, TN Dũng Liên dịch.

Website: quangduc.com; buddhismtoday.com

A Hàm - Mưa pháp Chuyển Hóa Phiền Não, 2 tập, Thích Nữ Giới Hương

Xin xem sách: http://www.huongsentemple.com/index.php/kinh-sach/tu-sach-bao-anh-lac/174-a-ham-mua-phap-chuy-n-hoa-phi-n-nao

CÂU HỎI

  1. Xin trình bày sự khác và giống nhau giữa A-hàm và Nikaya
  2. Vì sao hệ thống kinh A-hàm hay Nikaya trong hệ thống Phật giáo Nguyên Thủy dễ hiểu hơn các kinh Đại Thừa phát triển?
  3. Giải thích rộng định nghĩa của Kinh A-hàm hay Nikaya?
  4. Trình bày ý nghĩa một bài kinh A-hàm hay Nikaya mà bạn thích (bất cứ bài kinh nào trong 4 bộ A hàm hay 5 bộ Nikaya). Xin nói ý nghĩa ứng dụng của bài kinh đó trong đời sống tu tập và lãnh đạo của Gia đình Phật tử.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm