Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

VIỆN CHỦ CHÙA PHƯỚC HÒA


(1930 - 2004)


I. THÂN THẾ
Ni trưởng Như Hải thế danh Lý Thị Huyền, sinh năm 1930 (Canh Ngọ) tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Xuất thân trong gia đình Nho giáo là con thứ ba của cụ ông Phạm Văn Chuân và cụ bà Lý Thị Liễm.


II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Năm 17 tuổi (1947), vốn sớm giác ngộ cảnh đời giả tạm nên có chí nguyện xuất gia, Ni trưởng theo Sư trưởng trụ trì chùa Kim Sơn, quận Phú Nhuận, Sài Gòn-Gia Định để thế phát xuất gia. Sẵn tinh thần cầu học và qua sự chỉ dạy của Bổn sư cùng huynh đệ đồng môn, Ni trưởng đã tiếp thu nhanh chóng  giáo lý Phật đà.


Năm 23 tuổi (1953), Ni trưởng đã cùng một số chư huynh đệ được thọ Tỳ-kheo-ni Bồ-tát giới. Khi chính thức dự vào hàng cập đệ thì pháp lữ tình thâm càng thêm khắn khít để sách tấn nhau tu học và chia sẻ những khó khăn trong mọi cảnh ngộ của bốn huynh đệ thích tử côn bằng (Như Đăng, Như Thông, Như Nguyện). Nếu người ta biết một Ni trưởng Như Đăng đạo cao đức trọng, phước huệ sâu dày; Ni trưởng Như Thông cần cù chịu thương, chịu khó; Ni trưởng Như Nguyện anh minh sáng suốt và kiên trì, thì cũng có một Ni trưởng Như Hải đơn giản và hoạt bát.


Do phát nguyện trọn đời hiến thân cho Phật pháp nên Ni trưởng đã cùng với chư huynh đệ cầu pháp với Hòa thượng Thích Nhật Minh (Viện chủ Tổ đình Linh Sơn - là cậu của Ni trưởng Như Đăng). Thời gian này, đoàn Quan Âm Cứu khổ của quý Ni trưởng có mặt trên mọi nẻo đường đất nước đem hạnh nguyện của mình nhằm giảm bớt phần nào nỗi đắng cay cuộc đời.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO 
Mùa thu năm 1961, Ni trưởng cùng Ni trưởng Như Đăng về chùa Phước Hòa, tỉnh Ba Xuyên (nay là huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) để nuôi dạy đồ chúng tu học. Do tình hình thời cuộc lúc bấy giờ, việc đi lại rất khó khăn nên có những lúc không thể trực tiếp làm việc từ thiện mà phải qua các hình thức khác nhưng cũng đều xuất phát từ ý nguyện lợi lạc quần sanh. Các hoạt động Phật sự của quý Ni trưởng khác đều có sự đóng góp yểm trợ từ bên trong của Ni trưởng Như Hải nơi Phước Hòa Ni Tự. Tại đây, có khoảng thời gian là chỗ ẩn náu của những người tham gia Cách mạng nhưng ít ai biết đến vì quý Ni trưởng đã âm thầm hoạt động, chỉ có các vị này mới tường tỏ và là nhân chứng sống của lịch sử.


Thời gian âm thầm lặng lẽ trôi, mọi ý niệm chỉ còn lại khoảng không như thuở ban đầu chưa tác ý, bậc chân tu ra đi nhẹ nhàng như gió thoảng, Ni trưởng Như Đăng đã làm tròn ý nguyện và công hạnh của mình và ra đi để lại ngôi Già lam và môn đồ, kể từ đây đôi vai gầy của Ni trưởng phải gánh nặng trọng trách. Sau những năm tháng gánh vác Phật sự tại chùa, Ni trưởng cảm nhận được Ni chúng có thể tự bảo ban sắp xếp nhau cùng tu học nên người nhập thất tu trì, an tâm dưỡng trí chuyên phần kệ Kinh.

III. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Ngày qua ngày sức khoẻ dần yếu đi, thế rồi cơn bạo bệnh ập đến nhanh như gió bão. Mặc dù mang trọng bệnh nhưng Ni trưởng vẫn kiên trì nương huyễn thân hành đạo và dạy đồ chúng theo tinh thần Bách Trượng “Nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực”. Chính vì thế mà đã có những lúc tưởng chừng như ngã quỵ bởi cơn đau hoành hành nhưng ý chí đã thôi thúc và là động lực mãnh liệt giúp Ni trưởng đứng vững trong từng niệm. 
 “ Người đã hóa thân trong từng niệm huyễn, 
  Trong cõi vô cùng thị hiện tử sanh.” 
Rồi một ngày!
 “ Thân tứ đại nhơn duyên giả hợp, 
  Luật vô thường công lệ xưa nay,
  Nương huyễn thân hóa độ khách trần, 
  Công hạnh mãn thu thần viên tịch.”


Ni trưởng đã an nhiên thâu thần viên tịch vào lúc 7 giờ 10 phút ngày mùng 7 tháng 10 năm Giáp Thân (2004). Trụ thế 74 năm, hạ lạp 51 tuổi. 
 “ Sân chùa lát đát lá rơi, 
  Bóng chiều đã đổ hồn chuông nơi nào, 
  Chiều nay khấn vái chắp tay,
  Sâu trong từng niệm một màu tang thương.”

(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/55/ni-truong-thuong-nhu-ha-hai.html)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm