Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Lá bắt đầu rơi. Trời heo hút gió mây. Thời gian đang vận hành theo vòng quanh của vũ trụ để chuyển mang một mùa Vu lan nữa lại đến. Vâng! Mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2011, Phật lịch 2555 đang đến. Hàng năm vâng lời Phật dạy, làm người con thảo, nên chúng ta thường dâng tứ sự, cúng dường trai tăng lên Thập Phương Thường Trú Tăng để hồi hướng phước báo đến Cha Mẹ quá vãng như Tôn giả Mục Kiền Liên đã thực thi trong kinh Phụ Mẫu Báo Trọng Ân. Năm nay, chúng ta có thể tô điểm thêm trong vườn Tâm Hiếu của người Phật bằng cách “Dâng Hoa Lương Hoàng Bảo Sám” trong mùa Vu Lan báo hiếu này.

Lương Hoàng Bảo Sám còn gọi là Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp, là một phương pháp sám hối rất hữu hiệu và nhẹ nhàng để chuyển hóa những tâm niệm sai lầm thành trong sáng, thanh cao và đề cao tâm nguyện mình và người cùng làm bồ đề quyến thuộc với nhau, chứ không mệt mõi nhàm chán hay bi quan. Đây là một phong cách nhìn rất hướng thiện. Bên cạnh đó, Lương Hoàng Bảo Sám cũng là một phương cách giúp chúng ta đền trả tứ ân, đặc biệt ân Cha mẹ - Bậc sanh thành và dưỡng dục nên thân thể tứ đại của chúng ta.   

Niệm Ân Cha Mẹ

LẠY CHO CHA MẸ

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, tiếp theo, phải tưởng niệm ân đức dưỡng dục của cha mẹ trong việc sinh và dưỡng thật sâu và nặng.

Chỉ có cha mẹ mới tự lãnh nguy hiểm để phần yên ổn cho con.

Lớn lên thì huấn luyện tâm tánh nhân từ và tư cách lễ độ. Tha thiết cầu thầy dạy bảo để mong con thông suốt nghĩa lý sách vở của thánh hiền cũng là cha mẹ.

Chỉ có Cha mẹ mới kỳ vọng từng giờ từng phút, mong con bằng người. Sự cung cấp thì gia bảo cũng không tiếc đối với con.

Thậm chí lo cho con và nghĩ về con quá độ mà có kẻ thành bịnh. Và dầu nằm không xuống, vẫn miên man nghĩ đến con.

Ân cha mẹ, thế gian này thật không có cái thứ hai. Nên Đức Phật đã nói, thiên hạ không có cái ơn nào hơn cha mẹ. Người xuất gia chưa đắc đạo thì phải nỗ lực vào sự tu học, làm lành không nghỉ,

Tích đức không ngừng, quyết chí báo bổ cho được cái ơn cù lao dưỡng dục.

Vì Cha Mẹ Đãnh Lễ

Đại chúng hãy cùng nhau đồng một nỗi thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của thân thể, phụng vì tất cả cha mẹ bà con và thân thuộc của cha mẹ, bà con từ vô thủy đến giờ, quy y và đảnh lễ các đấng Đại Từ bị phụ của thế gian “Nam Mô Di Lặc Phật… Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”.

“Đệ tử chúng con chí thành quy y và đãnh lễ hết thảy Tam Bảo khắp cả mười phương, cùng tận hư không giới, nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà đồng gia nhiếp thọ, làm cho cha mẹ bà con và thân thuộc của cha mẹ bà con chúng con, từ nay sắp đi cho đến ngày giác ngộ, được diệt sạch tội chướng, hết sạch thống khổ, lọc sạch phiền não, trường từ ác đạo mà tự tại vãng sanh, đích thân phụng sự chư Phật mà đối diện nhận lãnh sự quyết đoán của các ngài về sự thành Phật của mình, tứ đẳng và lục độ không rời hành vi, tứ biện và lục thông hết cả chướng ngại, thực hiện mười thứ trí lực của Phật nên trang nghiêm thân thể bằng hết thảy tướng tốt và tướng phụ, cùng ngồi đạo tràng cùng thành chánh giác”. (trang 419-423)

Cách trả hiếu

LẠY CHO CHA MẸ QUÁ KHỨ

Hôm nay, tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, nếu ai bị cha mẹ mất sớm, côi cút từ nhỏ, thì chỉ tưởng niệm không mà thôi, không thể gặp lại được. Vì lẽ thần thông không có, hiên nhãn cũng không, không làm sao biết được cha mẹ hết quả báo nhân gian này rồi đã phải thác sanh vào đường nẻo nào. Vậy chỉ còn một cách là nỗ lực làm phước mà truy báo. Làm phước không ngừng thì hiệu quả quyết chắc đạt được. Nên trong kinh có nói, làm phước cho người quá cố cũng như tiếp tế cho người đi xa: Làm người làm trời thì tăng thêm phước báo, sanh ba ác đạo hay tám tai nạn thì tức khắc và vĩnh viễn thoát khỏi thống khổ những chỗ ấy, sanh gặp Phật thì nghe chánh pháp là đốn ngộ liền, cha mẹ nhiều kiếp và bà con nhiều đời thì giải trừ lo sợ và đồng đều giải thoát, nên đó là cách trả ơn tối thượng chí từ chí hiếu của những người có trí. Đại chúng hãy hoài niệm một cách chân thành thống thiết, gieo xuống đất tất cả năm bộ phận của cơ thể, phụng vì cha mẹ quá khứ và bà con xa xưa mà quy y và đãnh lễ các đấng Đại từ bi phụ của các thế gian: “Nam Mô Di Lặc Phật… Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”.

“Đệ tử chúng con chí thành quy y và đảnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận hư không giới, nguyện xin Tam bảo đem năng lực từ bi mà nhiếp thọ và cứu vớt, làm cho cha mẹ quá khứ và bà con nhiều đời của chúng con, từ nay sắp đi cho đến ngày giác ngộ, diệt hết tội lỗi, thoát hết tội báo và sạch hết phiền não, triệt hạ ba thứ chướng ngại và loại trừ năm thứ sợ hãi, làm hạnh bồ tát để cảm hóa tất cả, dùng tám giải thoát mà tẩy sạch tâm trí và đem bốn đại nguyện mà tiếp độ muôn loài, trực tiếp nhìn thấy dung nhan từ bi của Phật và trực tiếp lãnh nhận, chánh pháp vi diệu của ngài, không đứng dậy khỏi chỗ ngồi mà sạch hết tất cả phiền não, tùy ý du hành hết thảy quốc độ, hạnh nguyện sớm viên mãn để sớm bước lên tuệ giác vô thượng”. (trang 423-427).

Lại nữa, hôm nay tất cả đại chúng cùng sám hối trong đạo tràng này, phải tăng thêm sự dụng tâm, tập trung thính giác đến tột độ mà nghe kỹ. Tín tướng Bồ Tát lại bạch Phật, có kẻ hình thù cực xấu: Thân đen, tai xanh, mà gồ, mặt phồng, mũi tẹt, mắt vàng, răng thưa, miệng thối, bụng lớn, lưng nhỏ, vế ngắn, chân ủng, chân tay co quắp, lưng gù, xương nổi, phi áo, mạnh ăn, ghẻ, thủng, phung, lác, bao nhiêu gớm ghiếc đều tập hợp nơi thân kẻ ấy: muốn thân với người mà người không để ý, người khác làm bậy mà mình bị họa lây; không bao giờ thấy Phật đà, không bao giờ nghe Phật pháp, không biết bồ tát, không hiểu thánh hiền, từ chỗ đau khổ này đến chỗ đau khổ khác không được dừng nghỉ, như thế là do tội gì gây ra? Đức Phật dạy,

  • Kẻ ấy vì quá khứ làm con thì bất hiếu cha mẹ
  • Làm tôi thì bất trung quân vương
  • Làm người trên thì không thương kẻ dưới
  • Làm kẻ dưới thì không cung kính người trên
  • Đối với chúng bạn thì bất tín
  • Đối với xóm làng thì bất nghĩa
  • Hành chánh thì không thể chức vụ
  • Tư pháp thì không kể luật lệ

Tâm ý điên đảo, mất hết chừng mực, sát hại quần thần, khinh khi trưởng thượng, đánh nước, kích thành, phá lủy, trộm cướp, cưỡng đoạt, ác nghiệp quá quắt, nhưng vẫn chưa hết, khen mình, chê người, hiếp kẻ cô thế, lấn người già cả, vu khống hiền lương, phỉ báng thiên sư, khinh khi người trên, lừa đảo kẻ dưới, hết thảy tội nghiệp, phạm đủ tất cả: vì là quả báo của nhiều tội nên bị như trên (trang 184-186).

Cha Mẹ Gây Tội

Lại nữa, đệ tử chúng con chí thành quy y và đãnh lễ hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, cùng tận hư không giới, nguyện nhờ năng lực của Phật đà, năng lực của Phật pháp, năng lực của Bồ Tát, năng lực của Bồ Tát, năng lực của Thánh hiền, làm cho Cha mẹ bà con của chúng con, những người hiện đang chịu sự đối đầu của oán kết trong lục đạo, cùng với những người liên hệ của họ, đều đến tập hợp nơi đạo tràng này, chung nhau sám hối tội cũ, giải trừ oán kết. Nếu ai vì có hình hài chướng ngại nên không đến được thì nguyện nhờ thần lực của Tam Bảo đưa anh linh của họ đến đây, để họ đem tâm từ bi mà nhận sự sám hối ngày nay của chúng con, mong rằng hết thảy oán đối đối với Cha mẹ và tất cả. Xin được giải tỏa.

Mình Gây Tội đối với Cha mẹ, Bất hiếu nên sám hối

Toàn thể đạo tràng đại chúng hãy tâm nghĩ, miệng nói như sau:

“Đệ tử chúng con từ vô thủy đến ngày nay, đối với cha mẹ nhiều đời và bà con nhiều kiếp, vì ba độc căn mà làm mười ác nghiệp, hoặc vì không biết, hoặc vì không tin, hoặc vì không tu, nói tóm lại, vì vô minh mà gây ra mọi thứ oán kết, tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con chí thành sám hối, nguyện xin tiêu diệt. Vô thủy đến giờ, hoặc vì tham ái, hoặc vì tức giận, hoặc vì ngu ngốc, vì ba độc căn này mà gây ra đủ thứ tội lỗi không những đối cha mẹ bà con, mà còn đối với chúng sanh trong cả lục đạo, tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con tàm quý sám hối, nguyện xin ban cho sự hỷ xả tất cả. Nguyện xin cha mẹ bà con, tất cả quyến thuộc, hãy đem tâm từ bi mà nhận sự sám hối này. Ban cho sự hỷ xả, không còn ý tưởng thù bận. Như vậy, trộm cắp, tà dâm, nói láo, mười thứ ác nghiệp, năm thứ tội nghịch, không tội chi không làm, cho đến vọng tưởng thác loạn vịn theo đối cảnh mà tạo ra đủ thứ tội lỗi. Tội lỗi như vậy vô lượng vô biên, có thứ đối với cha mẹ mà có, có thứ đối với anh chị em mà có, có thứ đối với cô dì chú bác mà có, và có từ vô thủy đến giờ. Tội lỗi như vậy, trong nhân, sự oán kết nhiều hay ít, trong quả, sự oán đối lâu hay mau, chỉ duy mười phương chư Phật và Đại Địa Bồ Tát mới thấy hết và biết hết. Những số lượng oán kết nhiều ít, những số lượng oán đối lâu mau, ngày nay chúng con hổ thẹn, nghẹn ngào buồn tủi, tự trách, mà cải vãng tu lai, không dám gây nữa. Nguyện xin Cha mẹ bà con đem lòng ôn nhu, lòng hiền hòa, lòng thích điều thiện, lòng hoan hỉ, lòng che chở, lòng như lòng chư Phật mà nhận sự sám hối ngày nay của chúng con, ban cho sự hỷ xả tất cả, để oán kết ba đời hết sạch trong một lúc”.

Từ đây sắp đi cho đến ngày giác ngộ, từ biệt tam đồ, đoạn tuyệt tứ sanh, hòa đồng với nhau như nước với sữa, vô ngại với nhau in như không gian, vĩnh viễn làm thân thuộc chánh pháp cho nhau, làm bà con từ bi với nhau, cùng nhau tu tập vô lượng giác tuệ, thành tựu đầy đủ kho tàng công đức, dũng mãnh tinh tiến không ngừng không nghỉ, làm bồ tát hạnh không chán không mệt, đồng đẳng tâm chư Phật, đồng đẳng nguyện chư Phật, được ba thứ bí mật của Phật Đà, chứng pháp thân đầy đủ năm thành phần, thực hiện tuệ giác vô thượng mà thành đấng chánh biến tri.” (trang 270-275)

Nguyện xin Tam bảo đem nước đại bi mà rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho hết thảy chúng sanh hiện chịu khổ trong A-tì địa ngục và tất cả các địa ngục khác, làm cho họ thân tâm thanh tịnh; rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho chúng con cùng sám hối trong đạo tràng hôm nay, cùng cha mẹ, sư trưởng và thân quyến của chúng con, làm cho thân tâm thanh tịnh tất cả. (trang 242)

Kinh Lương Hoàng Bảo Sám, Hòa Thượng Thích Trí Quang, Phật Lịch 2553, Ấn Tống.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm