Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 12 Nhân Duyên hay lý Duyên Khởi là một giáo lý chính của Đạo Phật. Nhân là đưa đến kết quả (năng sanh). Duyên là giúp nhân thành quả (sở sanh). 12 nhân duyên còn gọi là 12 hữu chi (có cành nhánh), 12 trùng thành (gặp nhân duyên tạo thành), 12 kinh cước (chỉ móc nối với nhau), 12 liên hoàn (liên đới và trở lại). Tùy khả năng đọan một khoen là cả vòng 12 khoen tan rã.

Sao mai vừa mọc ngày mồng 8 tháng 12, bồ tát Cồ Đàm chứng ngộ lý Duyên khởi tức 12 nhân duyên này. Từ đó, ngài dùng ánh sáng duyên khởi làm đuốc soi đường, mở cửa bồ đề cho thế gian chúng sanh.

12 vòng (khoen) nhân duyên là

1.      Vô minh

2.      Hành

3.      Thức

4.      Danh sắc

5.      Lục nhập

6.      Xúc

7.      Thọ

8.      Ái

9.      Thủ

10. Hữu

11.  Sanh

12. Lão tử

 

  1. VÔ MINH

Vẽ hình ảnh bà già mù chống gậy đi trong rừng xương. Rừng xương vì xương sống, xương sườn chúng ta đã bỏ từ bao kiếp luân hồi.

Mù là không sáng, khởi niệm quên lửng chân không diệu tánh. Rừng là cũ kỹ, rậm rạp là nhiều. Con đường toàn xương chúng ta đã đi từ vô thủy, chúng ta đã biết chán chưa? Chúng ta còn đăm đăm trước mắt chuyện con rắn, con heo, con gà trước mắt, còn tham lam, giận hờn cả ngày, đâu có thời gian nhận được mình là bà già mù đi trong rừng xương.

Quán duyên khởi, thấy mối tương quan của vạn pháp, huyễn sanh, huyễn diệt. Người có trí biết thương kẻ đồng nghiệp, tha thứ khoan dung những mê dại, một lòng từ bi hỉ xả để độ tha.

Vô minh là khởi vọng niệm, khiến quên mất chân tánh và mất sự sáng suốt của trí tuệ. Do vô minh nên mới tạo nghiệp thiện hay ác để tiếp nối vòng luân hồi sanh tử là hành. Cho nên vô minh (hoặc, nhân) duyên với hành (nghiệp, quả).

Thập triền (phẩn, phú, hôn trầm, thụy miên, hỷ du, trạo cử, vô tàm, vô quý, khan và tật đố). Triền là dây trói buộc chúng sanh, khiến chúng ta không ra khỏi sanh tử được mà bị ràng buộc hoài, không thoát khỏi được sợi dây ái nhiễm, dục nhiễm để lên bờ giải thoát an lạc. Thập triền này là thức ăn của vô minh. Khi vô minh bị đoạn trừ thì minh khởi.

Chúng ta cần phải trau dồi trí óc, thay đổi hiểu biết và chuyển hoá mình bằng những kho tàng tri kiến của các bậc cổ đức, cần mở mang và hoàn thiện tâm hồn bằng những dấu vết bước đi thánh thiện của người xưa.

Chìa khóa hạnh phúc là tánh giản dị, khiêm cung. Từ đó, đầu óc chúng ta mới rảnh rang để lo sự nghiệp tâm linh, không nuôi dưỡng ba con gà, rắn và heo (tham, sân, si) trong tâm nữa.

  1. HÀNH

Trong kinh Pháp Cú, Đức phật dạy: nếu chúng ta nói hay hành động với tâm thanh tịnh hay ô nhiễm thì an vui hay khổ não sẽ theo liền với mình như bóng theo hình hay như bánh xe lăn theo bước chân con bò.

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Ta nói hay hành động

Khổ não sẽ theo ta

Như bánh xe lăn theo

Bước chân của con bò.”[1]

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Ta nói hay hành động

An vui sẽ theo ta

Như bóng chẳng rời hình.”[2]

Như anh thợ gốm đang nắn chiếc bình. Nắn khéo thì bình đẹp (thanh tịnh). Nắn vụng thì bình méo (ô nhiễm).

Hãy nắn cẩn thận tức là chính thân miệng ý hiện tại đang tô điểm hoặc bóp méo tương lai của chúng ta. Làm thiện thì cuộc đời mai sau sẽ huy hoàng. Mê dại xấu ác thì thảm hại đau thương đang chờ đợi, tức hành vi hiện tại đem quả báo mai sau nên Hành duyên Thức, nghĩa là những hành vi hiện tại có năng lực tiềm ẩn, điều khiển thúc đẩy tâm thức trong chiều sâu, để dẫn dắt hữu tình đi đến tương lai. Nghiệp thường xuyên thay đổi theo tâm biến hoá của mình như người thợ tùy sở thích mà nắn vạn hình ngàn kiểu.

Nương lời dạy của Đức Phật, biết rõ hành uẩn duyên sanh, vô thường vô ngã, nhờ định lực, hành vô hành, đắc vô đắc, có thể dừng bước trên con đường sanh tử vô tận.

Kinh Tương Ưng III, Phẩm Tham Luyến[3], Đức Phật dạy:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.”

Đức Phật dạy sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư là tâm suy nghĩ về sắc thanh hương vị xúc pháp, 6 trần gọi là Hành. Tư là động lực đưa đến tái sanh, tức là tùy bàn tay khéo vụng mà thành bình đẹp xấu.

Ý nghiệp là căn bản sanh tử. Tâm trong sạch là gốc giải thoát. Ý thanh khiết là nền tảng tiến hóa. Ý nghiệp niệm niệm phan duyên, kích động sáu căn, dung thông khắp cơ thể. Bao nhiêu nghiệp thiện ác nặng nhẹ, ý đều làm chủ. Ý nghiệp vi tế rất khó khăn cho chú mục đồng chăn giữ. Chúng ta phải tự điều phục tâm mình như kinh Pháp Cú dạy:

“Người dẫn thủy, dẫn nước

Kẻ làm cung, nắn tên

Người thợ mộc, uốn ván

Bậc chí thiện, tự điều.”[4]

Tâm ta như một dòng sông. Sự chuyển động của dòng sông là tổng hợp của tất cả những chuyển động từng giọt nước. Cũng thế, tâm chúng ta là một chuỗi thiện ác, vui buồn yêu ghét. Sự liên tục xê dịch, đổi dời, triền miên chuyển động biến hóa này là Hành ấm. Rời các niệm tưởng suy nghĩ không có hành ấm nên nói hành vô ngã.

  1. THỨC

Tranh vẽ cảnh chú khỉ nhảy từ cành này sang cành khác. Cành cũ (nghiệp cũ) đã khô cằn, cành mới trĩu đầy quả (có thể lành hay độc). Tâm thức thật thể ở khắp pháp giới, nhưng vì vô minh cứ gặp cảnh là thọ khổ vui, khởi yêu ghét. Không ngờ như vậy là đã mắc chỗ đầu thai đưa đến danh sắc. Thân sau gọi là tái sanh. Thân này là hậu quả của năm uẩn cũ. Thần thức theo nghiệp chịu báo tái sanh để đền ơn hay trả oán hoặc hưởng phước hoặc chịu tội gọi là thức duyên danh sắc.

Tâm thức là một chuỗi biến đổi duyên sanh làm sống bào thai và là cái biết của sáu giác quan sau này. Nếu định nghiệp sắp làm con trai thì thân trung ấm dấy niệm thương mẹ. Nếu là con gái thì thân trung ấm dấy niệm thương cha. Nhơn lòng yêu làm hạt giống, nạp tưởng điên đảo nên thai để gá vào mẹ, nên nó là hành duyên thức. Cái hành nó chuyền níu qua thức.

Khi thần thức hoan hỉ với lúc cha mẹ giao hợp, ba hơi nóng hay điểm này (cha, mẹ, trung ấm) hòa hợp với nhau như một điểm hồ đặc ở trong tử cung. Thức ấy là tinh thần; tinh cha huyết mẹ là vật chất. Bấy giờ trong bào thai có ba nguyên tố là mạng sống, hơi ấm của ba lửa (cha, mẹ, thần thức) và thức tức tánh biết, tánh Phật mà khi cuộc vào thân người thì gọi là thức A-lại-da. Khi đầu thai, thức này đến trước nhất, rồi lần hồi nảy sanh bảy thức kia. Thức tâm là danh (phần vô hình), phôi thai là sắc (hữu hình) nên bảo thức duyên danh sắc, thức leo qua danh sắc.

Lớn lên khi sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh phân biệt sáu thức. Nếm mật ong thì ngon ngọt, ăn ‘cơm không’ ta thấy vị lạt nhạt nhẽo. Các thực phẩm mỗi thứ, một vị nhưng khi bài tiết ra, chúng chẳng khác nhau. Cái tô so với cái tách là lớn nhưng so với cái chậu lại bé. Tâm phân biệt theo nghiệp mà nhuốm màu vạn vật. Thế giới sáu trần chính nó tạo ra toàn những bất đồng.

      Đường ngọt, muối mặn, khổ vui, động tĩnh chung quy cũng chỉ là nhân duyên sanh nên vô ngã, vô thường, khổ và không. Chỉ cần chúng ta luôn tự chủ và sáng suốt. Những cảm giác khởi lên chúng ta ghi nhận, biết rồi để mặc chúng tan đi với tánh cách vô thường của chúng. Vọng tâm như con khỉ nhảy nhót, ưa thích rồi chán bỏ, rồi lại ưa thích rồi lại chán bỏ… giác quan tiếp xúc sự vật. Yêu và ghét phát sanh, thế là có tâm si mê đứng đấy, nhưng với chánh niệm thì đấy là lúc trí tuệ phát sanh. Chánh niệm bắt buộc phải có mặt ở một nơi mà các giác quan bị quấy rầy. Đừng ngại, giác ngộ không có nghĩa là điếc hay mù, chỉ cần chánh niệm, không dính mắc. Bản chất là ảo ảnh nên sáu trần tự trôi qua. Điều cần yếu là phải học cách kiểm soát và làm chủ con khỉ.

      Tám thức phân biệt tài tình tuyệt diệu.

  1. Nhãn thức tâm vương là chủ tể biến ra thế giới màu sắc, hình tướng.
  2. Nhĩ thức tâm vương biến ra thế giới âm thanh.
  3. Tỵ thức tâm vương biến ra thế giới thơm hôi.
  4. Thiệt thức tâm vương biến ra thế giới ngọt chua.
  5. Thân thức tâm vương úm bala biến ra thế giới nóng, lạnh, trơn và rít.
  6. Ý thức là hoàng đế tâm vương tài ba lanh lẹ, quán xuyến vào các pháp trần, chiếu rọi quá khứ, hiện tại, vị lai và thống lý cả năm quốc gia trên.

Năm thức trên tuần nghiệp theo duyên biến ra năm trần cảnh, kiến hoặc chấp năm trần là thật. Ý thức phân biệt xấu đẹp hay dở là tư hoặc. Kiến hoặc, tư hoặc là gốc trầm luân.

Ai tinh tấn chăm quán vô ngã, vô ngã sở thì ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí, mở đường cho tạng thức trở về đại viên cảnh trí, thành chánh đẳng chánh giác. Thật ra nhãn thức không nhìn thấy cảnh bên ngoài đâu. Nhãn thức sanh vì những điều kiện như:

  1. Thần kinh: chúng ta đang nhìn sự vật ở thần kinh trong con mắt. Do ánh sáng mặt trời chiếu vào bông hoa ở ngoài vườn, phản chiếu qua con ngươi vào thị giác thần kinh.
  2. Bóng ảnh: tâm liền thấy một bóng ảnh gọi là nhãn thức đã sanh.
  3. Nghiệp người: bóng ảnh theo nghiệp người mà có nhãn thức biết của loài người. Ví như do cha mẹ, gia đình, nhà trường đã dạy ta hoa vàng vàng gọi là hoa vạn thọ…Trước kia ta yên chí là ta thấy bông hoa thật ở ngoài vườn. Đâu ngờ mình chỉ thấy bóng ảnh ở thần kinh của nghiệp người, theo duyên hiện lên gọi là nhãn thức sanh; rồi lại theo duyên tan đi, gọi là nhãn thức diệt.

Bóng ảnh này không phản ảnh trung thành sự thật đâu. Nó theo duyên ánh sáng mặt trời, giả hiện trong lòng mắt đang tối của loài người. Mắt cua tròn xoe lồi ra ngoài, hẳn lãnh tia sáng một cách khác. Bông hoa hiện lên trong mắt cua, hẳn là một hình sắc khác. Các công nghệ sản xuất gương hiện nay minh chứng điều đó cảnh vật tuần nghiệp phát hiện. Thế cho nên, nhãn thức hư vọng vô ngã và nhãn thức hư vọng theo nghiệp giả hiện thế nào thì cái thấy qua năm thức (nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) kia cũng vậy.

  1. DANH SẮC

Phật dạy vẽ một chiếc thuyền đang chở bốn thùng đồ vật (đất, nước, gió và lửa). Vọng thân như con thuyền đang trôi trên dòng sông sanh tử.

Danh là tâm (sắc là đất nước gió lửa) chính những yêu ghét mừng giận của chúng ta hàng ngày đưa chúng ta đi đầu thai, như khỉ theo nghiệp leo trèo mà có lên hay xuống. Đức Phật gọi bào thai là danh sắc.

Tâm là danh, người chèo lái con thuyền tức thức A-lại-da. Một khi thân đã thành tựu hoàn mãn rồi, thức này sẽ lần hồi nảy sanh bảy thức kia. Cái nghiệp (vọng thân) của mình như thuyền đang trôi trên dòng sông sanh tử. Có Danh Sắc bào thai thì có sáu căn. Nên danh sắc duyên lục nhập.

  1. LỤC NHẬP

Lục Nhập là sáu căn (bào thai hoàn mãn ra khỏi bụng mẹ). Phật dạy vẽ nhà có sáu cửa vì sáu trần sẽ từ cái nhà sáu căn đi thẳng vào tâm.

Căn nhân trần phát ra cái biết và trần nhân căn mới có tướng hiện; từ đó thức phân biệt là đầu mối chia chẻ nhị biên, khiến ngã tánh sai lầm mọc rễ. Chủ thể nhận thức (tâm) và đối tượng nhận thức (cảnh) dựa nhau đồng khởi là do môi giới sáu căn.

Kinh Lăng Nghiêm[5], mười phương Như Lai khác miệng đồng lời xác nhận rằng: “Đầu nút câu sanh vô minh khiến luân hồi sanh tử chính là sáu căn, cho nên y sáu căn mà cởi gỡ thì được tịch thường đạo quả an vui giải thoát” (Tri kiến lập tri tức vô minh bản; tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn).

Thế thì sở dĩ bây giờ chúng ta là chúng sanh và Phật là bậc thánh vì với ngài khi sáu căn tiếp xúc sáu trần ngài không khởi niệm, còn chúng ta là chúng sanh thì mở tung các căn như căn nhà mở toang các cửa để thu nạp và lãnh trần cảnh, rồi tính toán khôn dại, hơn thua, lợi hại. Thế là vô số tham, sân, si khởi dậy và tạo ra nghiệp sát, đạo, dâm, vọng…

Do có sáu căn mở toang tiếp cảnh ngoài nên có xúc chạm, vì thế lục nhập duyên chuyền níu qua xúc.

  1. XÚC

Căn trần xúc chạm (mắt xúc sắc, tai xúc thanh, mũi xúc hương, lưỡi xúc vị, thân xúc chạm và ý xúc pháp) nhưng nguy hiểm nhất là nam nữ hai thân xúc chạm. Đây là nguồn chảy thành biển trầm luân sanh tử thế gian.

Thân này là quả của dục nhiễm. Rồi trong lúc có thân, chúng ta lại tiếp tục tạo vô số các nhân mới để tạo quả vị lai. Hàng ngày yêu thích cái áo này, ký tên với cây viết này mới chịu, làm việc với người mình hạp, chỉ thoả mãn với món ăn mình thích, chỉ nói chuyện hay email với người mình ưa… những việc nho nhỏ đó đều biểu lộ chủng tử ái nhiễm, lòng tham ái của con gà hay bồ câu và ta cứ vô minh, vô tình hay cố ý tạo những hạt giống chủng tử đó.

Thế nên bổn phận đầu tiên của người xuất gia là hộ sáu căn (hộ mắt đừng để thấy sắc ái nhiễm, hộ tai đừng nghe tiếng bậy, hộ lưỡi đừng thốt lời ám muội, hộ mũi đừng ngửi hương son phấn, hộ thân đừng đam mê xúc chạm, hộ ý đừng để tư tưởng bất chính khởi lên). Quán thân do bốn đại đất nước gió lửa giả hợp, không ta, không người, không thọ và không mạng.

Sự xúc chạm là pháp không có. Chỉ có sự có mặt hai duyên căn trần. Rộng quán sát sẽ thấy tất cả vạn pháp đều không tự có. Thực sự chỉ là sự có mặt của duyên. Ai am hiểu sự thật này là hiểu Phật pháp.

Không nhận thức được thật tướng của các pháp, không thấu đáo được chân tướng của chính mình, không có chánh kiến là vô minh. Bà già mù vô minh vẫn ngự trị muôn loài cho tới bao giờ chúng ta chịu mở mắt theo ánh sáng giác ngộ của Như Lai.

  1. THỌ

Hàng ngày chúng ta thọ cơm ăn, thọ nước uống, thọ dưỡng khí hơi thở, thọ hơi ấm mặt trời. Rồi chấp thủ đất, nước, gió, lửa vô thường này là ta. Thân kiến là gốc tất cả tà kiến. Cho thân là ta nên mỗi khi căn chạm cảnh, tâm liền thọ trần mà có khổ vui. Tất cả chỉ có thọ ấm vọng lãnh nạp hư phát minh mà thôi. Thọ uẩn là yếu tố kích thích, trói buộc và sai sử chúng ta rõ ràng nhất.

Thọ thì khổ vì có nhận lãnh là có khổ. Thọ thân này là thân riêng của ta. Thọ tâm này là tâm riêng của ta là cái thọ đầu tiên để từ đó có những cái thọ khác. Nào là thọ cái ăn, thọ cái mặc, thọ nơi ở, thọ sắc, thanh, hương, vị, xúc, thọ những cái làm ta thích thú, thọ những cái cần thiết, thọ những cái không cần thiết, rồi thọ những cái xa xỉ, thọ những cái thừa thãi, vô ích vì thói quen góp nhặt tham lam không thể bỏ qua. Mỗi chúng sanh, mỗi cuộc đời là một chuỗi những thọ nhận liên tiếp.

Thọ cuộc đời là một trường đau khổ (khổ đế: tám khổ). Còn nhiều nỗi khổ khác do thọ mà ra như nhận được của quý thì nơm nớp sợ mất, lo giữ nhưng chắc gì còn với mình? Người giàu sợ mất của. Người có địa vị sợ mất địa vị. Người có người yêu sợ mất người yêu. Người có danh vọng sợ mất danh vọng. Thọ thuận thì vui, thọ nghịch thì khổ. Thọ không thuận không nghịch thì si. Đây là lạc thọ, khổ thọ và si thọ. Tóm lại ba thọ đều là khổ.

Thân vô ngã (vọng thân vì bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), tâm cũng vô ngã (là vọng tâm vì thọ, tưởng, hành và thức là không). Thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt, độc lập và tách rời. Chúng luôn đi đôi, quan hệ liên đới chặt chẽ, đồng xuất phát từ một tạng thức u mê nhưng tài tình kỳ diệu.

      Hàng ngày sáu căn tiếp xúc sáu trần, thọ khổ vui, tưởng yêu ghét, hành suy nghĩ và thức phân biệt. Ai cũng biết thọ chỉ là cảm giác nhân duyên sanh. Đã là cảm giác thì hẳn hư vọng. Nhân duyên sanh là trong chấp ngã (cho thân này là thật), ngoài chấp pháp (cho sáu trần là thật). Ví dụ: Mắt nhìn thấy một người thân thương, tâm vui (thọ lạc, vui vì gặp thuận cảnh, đưa đến ái ngã); Nhìn ra vườn thấy ai dẹp những chậu hoa cúc dễ thương của mình đi, bực bội (khổ thọ, vì chạm cảnh trái ý). Nhìn cảnh không buồn không vui (si thọ vì chấp có ta đang nhìn cảnh ấy). Nếu vui từ tâm ra thì sao không thường vui, nếu vui từ cảnh ra thì can hệ gì đến ta, rõ ràng thọ trống rỗng hư vọng không thật thể. Hàng ngày sáu căn tiếp xúc sáu trần, nuôi dưỡng ba độc tham sân si. Các tổ có tuệ giác nên bình thản, gọi là xả thọ.

Chúng sanh cho thọ là vui nên càng thọ càng tốt, càng vui hơn. Đức Phật dạy thọ thì khổ.

  • Hoại khổ: ta gọi vui (lạc thọ), Phật gọi là hoại khổ vì vạn pháp tánh chất vô thường, quá khứ đã qua, hiện tại đang mất, thấy vui chỉ là do pháp trần lạc tạ ảnh tử.
  • Khổ khổ: ta gọi khổ (khổ thọ), Phật gọi khổ khổ vì thân sanh già bịnh chết đã khổ còn thọ thêm cảnh khổ bên ngoài.
  • Hành khổ: ta gọi bình thường, không khổ không vui (si thọ), Phật gọi là hành khổ vì si mê cho căn trần là thật, chấp ngã chấp pháp càng huân càng dày thì quyết định chỉ đi đến tam đồ khổ báo, thế nên cả ba thọ đều khổ.

Thọ khổ là khổ, vì tăng trưởng sân não.

Còn bình thường huân tập ngu si không tuệ, nên thọ si là khổ.

Còn vui thì tăng trưởng lòng tham, lún sâu vào biển vô minh, khó nghĩ tới sự ngóc đầu ra, nên lạc thọ cũng là khổ.

Dòng sông là những giọt nước đang xê dịch. Thân thể ta là một dòng sông. Vô biên tế bào đang chuyển biến. Tâm ta cũng là một dòng sông. Các cảm thọ sanh diệt, diệt sanh không ngừng, theo sự hoạt động của sáu giác quan. Cảm thọ vui đưa đến tham luyến, khổ đưa đến chán bỏ. Mỗi cảm thọ đều kích thích tham và sân nổi dậy. Có chánh niệm thì tình trạng thay đổi. Cảm thọ được diễn biến chiếu soi dưới ánh sáng của ý thức. Chánh niệm không nhận cảm thọ là ta nữa, không nói tôi ưa thứ này, tôi chịu thứ kia, tôi vui, tôi khổ.

Kết quả đầu tiên là khôi phục lại chủ quyền, do đây cảm thọ đã mất đi ma lực của nó

Kết quả thứ hai là thấy được nguồn gốc của cảm thọ là vô minh. Do chấp ngã, chấp pháp mà có cảm thọ.

Kết quả thứ ba là biết tự tánh cảm thọ hư vọng, không có bản chất, chỉ là những cảm giác sanh và diệt theo nhân duyên.

Có khi tu tập cả chục năm qua rồi mình vẫn chưa thấu đáo được những ý nghĩa này. Xin hãy suy nghĩ.

Cả ngày gắt gỏng cau có do nguyên nhân vì thức khuya, thiếu ngủ, đây là cảm thọ khổ gốc từ sinh lý. Bị một người bạn hiểu lầm, bực tức, thọ khổ, đây gốc là từ tâm lý. Đi về thấy ai bày trong phòng mình rác bẩn, đồ đạc lộn xộn bừa bãi, phát cáu, đây là thọ khổ vì vật lý. Được khen ta vui, quán chiếu, khám phá ra căn bản thọ vui là từ ngã ái và lạc thọ này đưa đến ảo tưởng. Có tỉnh ra mới tránh được những tự hào, tự mãn vô ích. Một khi lạc thọ ảo hoá tan biến nhường chỗ cho những niềm vui lành mạnh có tác dụng nuôi dưỡng giác ngộ, trưởng dưỡng thánh thai, thế nên cảm thọ rõ ràng bất định. Khổ vui tùy theo bản chất mọi người.

Bởi vậy, Phật dạy vẽ tranh luân hồi minh họa sự xúc thọ như người bị mũi tên độc bắn vào mắt. Nếu người khôn thì rút ra rồi, nhưng chúng ta cứ cắm mũi tên ấy tự đâm vào mình từ sáng đến chiều, ngày này sang ngày khác cho nát thây ra, nếu có ai hỏi thì rút ra đâm vào người khác nữa. Ví dụ có người nói vu oan cho ta, tức là mình bị một mũi tên đâm vào mắt, vào tim, chúng ta đâu có chịu quên lời nói trái tai ấy đâu. Mỗi lần nhớ là một lần đâm sâu vào mắt. Chưa đủ, ta lại điện thoại hay email cho người ở Sa Đéc, Cà Mau… rồi Ấn độ, Hoa kỳ… kể nỗi oan khổ của mình cho người khác nghe, thế là đưa tiếp những mũi tên khác đâm vào mắt người khác. Cứ thế mỗi ngày chuyển không biết bao nhiêu mũi tên đi để tự đâm vào mắt người mà không biết, lời thị phi đó chỉ là trò chơi của động và tĩnh, là làn sóng âm ba, là cái không có. Chỉ khi ta xả thọ mới an ổn tinh thần, tìm được sự thanh thản mát mẻ. Một thiền sư nói rằng:

“Thị phi rơi rụng như hoa sớm

Để lòng băng lạnh với gió sương.”

Hàng ngày quán chiếu thân, tâm và cảnh đều giả nên an định tinh thần. Mũi tên có bay đến, nhưng ta không nhận và không giữ, thế là chúng tự gẫy và rụng xuống như hoa rơi. Nếu không thế thì dù xuất gia vẫn sâu kết phiền não, gồng gánh trọn đời.

“Kẻ hơn mua oán,

Thua ngủ không yên,

Hơn thua đều xả,

Tự tại bình an.”[6]

Yêu tương tư là mũi tên cắm phập sâu nhất.

“Thương em mười kiếp vẫn chờ

Trăm ngàn năm nữa vẫn thương em mà”.

Vì lạc thọ và ái ngã đưa đến tham đắm, dấn vào biển vô minh, cho nên đời đời, kiếp kiếp ràng buộc gặp nhau hoài. Mũi tên này nhiều vị độc, mũi tên tình ái. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Có ba loại người không sợ trời sập là kẻ điên, kẻ say và người đang yêu” vì những kẻ này bị tên cắm quá sâu, đắm nhiễm mà không màng gì đến sự nguy hại xung quanh.

Tứ Niệm Xứ là kiện tướng để hàng phục vọng tưởng hay thọ tưởng ái nhiễm này. Chúng ta từ nhiều kiếp quay cuồng chỉ vì bốn đảo:

1) Thân bất tịnh mà cứ quý chuộng mê say cho là nơi nương tựa;

2) Thọ thì khổ mà cứ khao khát, những mong càng được nhiều càng hay;

3) Tâm vô thường, vọng tưởng mà cứ tin chắc là một phiến thủy chung sáng suốt;

4) Pháp không thật mà cứ cho nội sáu căn, ngoại sáu trần, chặng giữa là sáu thức là thật.

Quán chiếu thuần thục mới không nô lệ sáu trần, khôi phục lại quyền an nhiên tự tại.

Tứ niệm xứ dạy chúng ta dùng hơi thở quán chiếu sự có mặt của khổ vui, của tình cảm ái nhiễm, rồi từ từ điều phục. Hơi thở nhẹ nhàng an tịnh dần dần. Thân tâm nhẹ nhàng an tịnh dần dần. Cứ như thế chúng ta an tịnh hoá cả ba thọ, ba tưởng. Chánh kiến thấy rõ nguồn gốc, bản chất và hậu quả của những cảm thọ khổ vui, nên giải thoát được sự khống chế của nó. Đối trị thọ với chánh niệm là không nhận các thọ là mình. Biết nguồn gốc thọ là vô minh, tánh nó là hư vọng.

      Quang trạch được khu rừng năm ấm sẽ được hưởng bình an, thong thả đi trong đời không bị dính mắc, là con đường đưa đến Niết Bàn.

      Hãy quán có thọ thì có khổ. Có lãnh thọ nhiều thì khổ nhiều. Có lãnh thọ ít thì khổ ít. Đức Phật dạy như nhiên để nó đến rồi đi, thọ mà không thọ. Các tổ có tuệ giác nên bình thản gọi là xả thọ.

  1. ÁI

Như người say rượu, đã uống mấy chai rồi, say lỉ bỉ, mấy chai không nằm ngổn ngang lăn dưới đất. Trên bàn một chai để sẵn, sắp sửa uống và còn mấy chai nữa sắp hàng chờ đợi. Ý nghĩa bức tranh này cho ta biết khát khao thọ cảm vẫn vô tận trong lòng muôn thú, trong lòng chúng sanh, quá khứ cũng thọ ái dục, hiện tại vẫn thọ và mãi đến vị lai. Ái dục ngọt ngào khiến càng say sưa đắm đuối, mất chánh kiến.

      Tri giác khởi liền sau thọ. Yêu thích tham luyến tiếp liền sau thọ vui. Ghét bỏ xa lánh tiếp liền sau khổ thọ. Do đó, hết yêu đến ghét, hết ghét lại yêu, cứ vậy triền miên niệm niệm vọng tưởng. Thật ra tưởng tức không, vì rời đối tượng hiện tại và các pháp trần nhớ về quá khứ, vị lai, tưởng quả tình không có, chỉ đối duyên tạm có, duyên diệt ảo tưởng liền tan.

Ngài Quán Tự Tại bồ tát thấy nghe hay biết đủ thứ, không bị che mờ, không bị chi phối, tất cả hay dở, lành dữ đều bay qua như gió thoảng, như hư không. Được như vậy nên hết khổ. Lời nói là hư vọng, chỉ là trò chơi động tĩnh, trò chơi của khí hơi, do không khí chuyển động (làn sóng âm ba) mà thính giác thần kinh tự biến ra âm thanh để phân biệt. Trí tuệ Bát Nhã biết lời nói là gió thoảng nên không bận lòng, không ôm không khí chuyển động đó để suy nghĩ rồi sinh oán ghét hay thương yêu.

Thực hành sâu xa Bát Nhã không có nghĩa là chìm nghỉm trong tư lự đó mà là tâm an định tự tại không gián đoạn. Tâm an định một phiến. Tưởng uẩn không lúc nào bị chi phối. Thế là hết khổ. Chúng ta khi đang quán thì tưởng uẩn trừng lặng. Nhưng khi xúc sự vẫn nhận vọng tưởng là mình. Thế là thực hành Bát Nhã chưa sâu nên hễ đụng chuyện liền khổ.

“Ái bất nhiễm bất sanh ta bà” vì nhân ái nhiễm nên chúng ta hiện diện ở đây. Vì thế, Đức Phật dạy ở khoen ‘xúc’ rằng sự xúc chạm của nam nữ là cội nguồn chảy thành biển trầm luân sanh tử thế gian.

Loại tình cảm được đề cập đến nhiều nhất trong các thi ca nhân loại đó là tình yêu nam nữ. Đây là loại tình cảm mãnh liệt hơn các loại tình cảm khác bởi vì nó liên quan đến bản năng sâu kín của con người. Con người luôn muốn chiếm đoạt về mình mẫu người có thể  đem lại hạnh phúc cho mình, đây là tâm lý vị kỷ. Tình nam nữ có sự thôi thúc âm thầm của hoạt động tình dục, một loại hoạt động gây khoái cảm xác thịt rõ rệt nhất là duyên hệ lụy ràng buộc của nhiều đời, là nguồn máy để tạo ra bánh xe luân hồi quay chuyển. Nếu không có thiện căn thâm sâu, không có nguyện lực kiên cố, không có thiện tri thức hỗ trợ thì tăng cũng như tục khó thoát khỏi lưới ái nhiễm này.

Nhìn sâu vào thì tình yêu cũng chỉ là bản chất ích kỷ tăng thêm ngã ái, ngã luyến; người thương mình nên mình thương lại và đây cũng là sự hưởng thụ của bản năng con người. Chính bản năng thích hưởng thụ đã thúc đẩy nam nữ tìm đến nhau để mưu cầu hạnh phúc và ngược lại nó cũng thúc đẩy họ làm khổ lẫn nhau (biết bao nhiêu vợ chồng cãi cọ, gây gổ, đánh nhau, li dị, ngoại tình; nhưng ngược lại cũng có những cặp có tình thương chân chính, có sự hy sinh, độ lượng, vị tha… thì tình yêu chân thật đó có thể giảm bớt đi màu sắc bi quan của bản năng ích kỷ).

Mặt trái của ái (yêu) là ố (ghét). Yêu thích điều này, chán ghét điều khác, nên thọ duyên ái ố. Ca dao Việt Nam có câu:

                        “Thương nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.”

Hay:

“Thuơng nhau trái ấu cũng tròn

Ghét nhau bồ hòn cũng méo.”

Yêu cũng nhớ mà ghét càng nhớ hơn. Tâm vướng mắc dù thân không ở gần nhau nhưng vẫn mang nỗi không ưa trong lòng. Ràng buộc khổ não đâu có chịu xả ra mà càng mong nhớ thì càng si mê. Càng mê càng khổ, càng khổ càng mê. Cứ thế đi đến vô cùng. Chúng ta có hai câu thơ:

“Vũ vô kềm tỏa năng lưu khách,

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.”

Mưa không có dây nhợ nhưng có khả năng lưu giữ bước chân khách.

Mỹ sắc của giai nhân không phải sóng lớn ba đào nhưng có thể dìm chìm anh hùng hào kiệt.

Đây là sức mạnh của ái tình và lòng ái nhiễm.

Kinh Pháp cú có rất nhiều lời dạy của Đức Phật về lòng ái nhiễm như:

“Dòng ái dục chảy khắp,

Như dây leo mọc tràn,

Thấy dây leo vừa sanh,

Dùng kiếm tuệ đoạn gốc.”[7]

“Ai sống trong đời này,

Ái dục được hàng phục,

Sầu khổ tự tiêu dần,

Như nước giọt lá sen.”[8]

“Biết thân như bọt nổi,

Giác thân to huyễn hóa,

Bẻ mũi tên ma ái,

Vượt tầm mắt tử thần.”[9]

“Người nhặt hoa dục lạc,

Tâm ái nhiễm mê cuồng,

Đắm say trong dục vọng,

Bị nô lệ tử thần.”[10]

“Do vậy chớ yêu ai,

Ái biệt ly là khổ,

Những ai không yêu ghét,

Không có thể buộc ràng.”[11]

“Luyến ái sinh ưu tư,

Luyến ái sinh sợ hãi,

Ai giải thoát luyến ái,

Không ưu không sợ hãi.”[12]

“Tham ái sinh ưu tư,

Tham ái sinh sợ hãi,

Ai giải thoát tham ái,

Không ưu không sợ hãi”.[13]

Trong Tương Ưng: “Từ vô thủy luân hồi, này các Tỳ Kheo, không dễ gì tìm được chúng sanh trong thế gian này lại không lần nào làm cha hay làm mẹ.”

Tuần báo News Week ra ngày 03 tháng 11 năm 2003, Robert J. Samuelson, một kinh tế gia nổi tiếng nói:

“Thường những người trẻ thì muốn già hơn, còn người già thì muốn trẻ hơn. Đây chẳng qua chỉ là một đoạn đường trong nỗ lực kiếm tìm hạnh phúc thiên thu bất tận của con người”.

Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy rất rõ về giới dục nhiễm[14] này:

“Nếu chúng sanh lục đạo các thế giới, cái tâm không ái nhiễm, dục vọng không theo dòng sanh tử tiếp tục. Nếu tu theo pháp tam muội cốt để ra khỏi trần lao, nếu không trừ lòng ái nhiễm thì ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ lòng ái nhiễm thì không ra khỏi trần lao được. Dù có nhiều trí thiền thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ lòng ái nhiễm thì cũng lạc vào ma đạo. Hạng trên thành ma vương, giữa thành ma dân, dưới thành ma nữ. Các bọn ma này cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô thượng.

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thế gian có nhiều loại ma này, giả làm thiện tri thức, khiến các chúng sanh sa vào hầm ái kiến, bỏ mất con đường bồ đề. A-nan, nếu ông dạy chúng sanh tu pháp tam-ma-đề trước hết phải đoạn dục vọng trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các đức Như Lai, Phật, Thế Tôn. Thế nên A-nan, nếu không đoạn lòng ái nhiễm, tà hạnh mà tu thiền định thì cũng như nấu cát, nấu đá mà muốn thành cơm. Dẫu trải qua trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng, đá nóng. Vì cớ sao? Vì đó là giống cát, giống đá, không phải là bản nhân của cơm vậy.

Ông đem thân tâm cầu diệu quả của Phật, dầu được diệu ngộ cũng chỉ là gốc dục vọng, cỗi gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi, còn đường nào tu chứng niết bàn. Chắc phải khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống ái nhiễm cho đến tính đoạn cũng không còn nữa thì mới trông mong chứng quả bồ đề của Phật. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Đức Phật. Không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba tuần.”

Ma ba tuần là ma ở trên cõi trời dục giới hay phá hoại bậc tu hành bằng hình thức hiện mỹ nữ hay dùng danh lợi để lung lay chí nguyện người tu hành.

  1. THỦ

Tâm đã có thủ chấp, yêu ghét đã quyết định thì hăng hái tạo nghiệp, nên Đức Phật dạy vẽ một người đang cố vươn mình lên để hái trái (có thể quả độc hay lành), không biết buông xả, để tìm niềm an vui tinh thần.

Bởi lòng tham ái càng ngày càng thấm, càng nhiều, nên cứ bôn ba theo đuổi tìm kiếm khắp nơi, giáp xứ, để tiến thủ lấy công việc làm ăn, ở và lo bảo thủ lấy tên tuổi công danh, sự nghiệp, người thương… nên nói ái duyên thủ. Hễ yêu muốn sự chi thì nó chuyền leo đến để bám giữ. Ái và thủ thuộc hoặc.

Con người là năm thủ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) nghĩa là có thói quen tự cột chặt vào năm uẩn. Bao nhiêu tập khí vô minh đều nhận là tôi: thân tôi, tôi khổ, tôi vui, tôi ưa thích, tôi nóng tánh… nên cứ bị kích thích, tạo nghiệp. Gốc khổ không phải ở năm uẩn mà ở chỗ cứ vơ lấy năm uẩn nhận là mình. Nếu giác tỉnh, bình tĩnh, sáng suốt, không thủ chấp thì năm thứ mê này sẽ tan dần. Muốn tỉnh giác phải vâng theo lời Phật, tu các pháp quán: sắc ấm là kiên cố vọng tưởng, thọ ấm là hư minh vọng tưởng, tưởng là dung thông vọng tưởng, hành ấm là u uẩn vọng tưởng và thức ấm là vi tế tinh tưởng.

  1. HỮU

      Hễ có thủ chấp liền tạo nghiệp nên vẽ một thiếu phụ mang thai (tạo nghiệp là gieo vào tạng thức một cái nhân để ngày mai có quả báo trong sáu nẽo luân hồi, như cái thai là nhân sau này thành hài nhi).

      Giữ năm giới là nhân sanh về cõi người. 10 thiện là lên cõi trời. Có thêm thiền định thì lên sắc và vô sắc giới. Tất cả những hành vi thiện lành mà không có trí tuệ Bát Nhã soi sáng, đều có một năng lực tiềm ẩn để trổ quả trong tương lai, kéo dài hành trình sanh tử, nghĩa là khi chúng ta làm một Phật sự hay phước thiện gì mà không quán tam luân không tịch (ta không, người không và sự bố thí là không) hay quán đây diệu dụng để trang nghiêm biển phước bồ đề mà thường chúng ta muốn hưởng quả lành của việc làm đó, thì chúng ta sẽ được quả. Do đó, chúng ta cứ đi lên để hưởng phước thiện ở cõi trời, người và a-tu-la, nhưng cũng có khi đi xuống để đền nợ, trả oán, chịu quả ở cõi địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh, do đó bánh xe luân hồi lăn hoài từ vô thủy (không chỗ bắt đầu) không khi nào ngừng đến vô chung (không chỗ kết thúc).

  1. SANH

Vẽ đứa trẻ sơ sanh từ bụng mẹ sanh ra. Đã có thân hình ắt có sợ hãi, có già bịnh. Đây là một ổ phiền não, là nguồn gốc của tất cả khổ đau.

Vũ trụ là một cơ thể sống thống nhất với nhau, trong đó mọi vật thể dường như đều có một sức sống thầm kín thâm sâu, ẩn dấu bên trong, dù đó là chất hữu cơ hay vô cơ (hữu tình hay vô tình).

Tất cả đều theo quy trình sanh, trụ, dị và diệt. Ngay cả sự hủy diệt của một hành tinh, cũng chỉ là sự sinh hoá kế tiếp theo sau của vũ trụ. Ngay cả một chiếc lá vàng rơi rụng, một gốc cây khô già cỗi, một bô lão nằm xuống… cũng không nằm ngoài tiến trình sống của nhân loại và vạn hữu. Tất cả đều sống và đều sinh hoá vô tận.

Krishna Murti, nhà văn và triết gia Ấn độ đã nói rằng: “Sáng nay hoa lá vĩnh viễn, vượt thời gian và tư tưởng, bao dung tình yêu và niềm vui… Hoa sẽ chết đi chiều nay, nhưng ẩn tàng sự sống. Cánh hoa nào cũng chết, nhưng chết trong sự sống. Cánh hoa nào cũng sẽ rơi nhưng rơi trong sự sanh khởi…”

Trong vòng quay của hữu tình và vô tình, sự sống được biểu hiện rõ nét nhất nơi đời sống của sinh vật qua quá trình giao phối của hai giao tử đực và cái, nam và nữ, cha và mẹ để cho ra đời những dòng giống tiếp tục duy trì chủng loại đó gọi là sanh.

Nếu định nghiệp sắp làm con trai thì trung ấm thân dấy niệm thương mẹ, nếu là con gái thì dấy niệm thương cha. Lấy lòng yêu làm hạt giống, nạp tưởng điên đảo nên thai để gá vào mẹ.

Khi thần thức hoan hỉ với lúc cha mẹ giao hợp, ba hơi nóng hay điểm này (cha, mẹ, trung ấm) này nhập cục với nhau như một điểm hồ đặc ở trong tử cung. Thức ấy là tinh thần; tinh cha huyết mẹ là vật chất. Bấy giờ trong bào thai có ba nguyên tố:

1) Mạng sống có kỳ hạn của thai sanh.

2) Hơi ấm của ba lửa (cha, mẹ, thần thức lẫn giữa khối tinh huyết ấy kêu là nhất điểm chơn dương).

3) Thức: tánh biết, tánh Phật mà khi hòa nhập vào thân người thì gọi là thức Alaida. Khi đầu thai, thức này đến trước nhất, rồi lần hồi nảy sanh bảy thức kia.

  1. LÃO, BỊNH VÀ TỬ

Chết là cái chắc chắn đến với mỗi chúng ta, nhưng khi nó đến vẫn mang cho chúng ta một nổi bàng hoàng, một sự đau buồn to lớn… nhưng dù thế nào đi nữa, nó cũng là một sự cảnh tỉnh chúng ta rằng mạng sống con người thật ngắn ngủi, không thể đoán trước được và thật mỏng manh.

Chết là tiếng gọi chung từ tử thần, là một định nghiệp chung và là mẫu số chung cho tất cả chúng ta.

Chết nhắc cho chúng ta về bản chất phù du của mạng sống ngắn ngủi, khiến ta phải suy nghĩ lại về mình và khuyên chúng ta sống có ý nghĩa hơn, đừng lãng phí thời gian theo những theo đuổi tầm thường, theo những hoạt động vô tích sự, những lời nói sáo rỗng, những bảo thủ ngu dốt, những sở hữu vật chất tầm thường, vv… vì những cái này kết cuộc chỉ gây đau khổ cho chúng ta.

Khi linh hồn chúng ta đi ra khỏi thế giới này thì những sở hữu, những thành tựu, những danh tốt, tiếng thơm đều trở thành vô dụng, chỉ có bản chất đạo đức con người mới có tồn tại… chỉ có tính chánh trực, lòng tốt, kiên nhẫn, trí tuệ và sự hy sinh hết lòng vì người khác là còn mãi. Hãy tu tập những phẩm tánh cao thượng này, thì cái chết đến sẽ là một sự ra đi nhẹ nhàng, là một sự hoàn thành lớn và không có gì để sợ hãi. Chết sẽ là sự hoan hỉ nên đánh vang tiếng trống, vui mừng vì ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Sanh tử đã hết, gánh nặng đã đặt xuống, những việc cần làm đã làm xong. Không còn gì nữa.

Đức Phật dạy đối trị lòng tham ái xác thân bằng hạnh đầu đà và quán về cái chết (cửu tưởng quán). Tập thấy mình là một xác chết, một tử thi. Một cô gái trẻ đẹp đi qua chỉ là những bộ xương bọc thịt, phủ một lớp da, xức dầu thơm bên ngoài, nhưng bản chất vốn là 32 thể trược của máu mủ da thịt và đang chuẩn bị hoá dòi mủn nát trở về với cát bụi.

Niệm thân để đối kháng lại chỗ thấy biết rất sai lần của mình.

Cháu đưa đám ông, con đưa đám cha. Cứ thế nối dòng đào hố vô thường, kiếp kiếp đời đời không thay đổi tri kiến, không thay đổi lối sống.

Tập thấy cơ thể ta và người chỉ là những tập hợp vô thường đầy khốn khổ. Do đây giải thoát khỏi những hiểm nguy của tham ái.

Nghĩ đến cái chết, đến sự hủy diệt, ta sẽ không quyến luyến cuộc đời. Do đó, tâm được hoan hỉ và định tâm. Bởi biết sự vật đúng chân tướng của nó, ta không bị ràng buộc.

Nếu chúng ta không quán cái chết và tính tất nhiên của nó, chúng ta sẽ không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ trở nên mất chánh niệm khi cái chết đến, nhất là đối với người thân trong gia đình, bạn bè hay chính bản thân chúng ta ra đi. Vì vậy, hãy chuẩn bị hành trang tâm lý cho cái chết thanh bình. Nếu chúng ta để đời sống của chúng ta chạy theo vật chất thì chúng ta sẽ chết trong lo âu và tiếc nuối. Ngược lại, nếu chúng ta sống hết lòng phục vụ mọi người bằng tấm lòng từ bi thì chúng ta có thể chết với tâm an ổn, hạnh phúc. Thế nên, phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho sự chết là hãy sống một đời sống tận tụy phục vụ con người với trọn vẹn lòng yêu thương của mình.

Phần đông chúng ta bị nghiệp và các thứ cảm xúc ngăn che không cho thấy bản tánh. Những nghiệp báo tiếp tục trói buộc chúng ta vào vòng sanh tử không cùng tận. Bởi thế, mọi sự đang bấp bênh, tùy thuộc vào cách chúng ta đang sống, suy nghĩ ngay giờ phút này. Nếp sống hiện tại của ta có ảnh hưởng đến suốt kiếp vị lai.

Đó là lý do cấp thiết khiến ta phải chuẩn bị con đường của mình với thái độ thông minh. Cần tránh thảm kịch quay tròn khổ nhọc trong 12 nhân duyên. Kiếp sống này là thời gian và nơi chốn duy nhất cho chúng ta chuẩn bị. Chúng ta chỉ có thể thực sự chuẩn bị bằng cách trở về chân tâm. Tổ Liên Hoa dạy: ‘Đời người ngắn ngủi, đâu có thời giờ để tâm lang thang. Cần thấy nghe quán tưởng không xao lãng để cầu giác ngộ. Có ba dụng cụ là văn, tư, tu có thể giúp chúng ta thấy được sự thật ta là ai và thể hiện niềm vui giải thoát gọi là trí vô ngã.’

Sống và chết là một chuyển tiếp. Đức Phật không can thiệp vào đường đi của nghiệp lực. Đức Phật chỉ giảng về cơ cấu và tác động của nó. Nguồn gốc của tái sanh là tham sân si. Mà tham sân si được vẽ trên nền xanh hư vọng nghĩa là huyễn hóa không có, vì thế nhà thiền gọi là không gốc.

“Vốn từ không gốc,

Từ không mà đến,

Lại từ không mà đi,

Ta vốn không đến đi,

Tử sanh làm gì lụy.”

(Thiền sư Như Trừng Lân Giác)

“Sanh từ chỗ nào đến?

Chết sẽ đi nơi nào,

Biết được chỗ đi đến,

Mới gọi người học đạo.”

(Thiền sư Hương Hải)

Đức Phật dạy chúng ta có năm pháp bất định là

  1. Mạng sống bất định: mạng sống là tuổi thọ, chất ấm, thức thứ tám duy trì mạng căn, là năm uẩn, là sáu căn, sáu thức hoạt động, vv… Nó bất định vì chúng ta không biết khởi thủy của nó khi nào và chung cuộc khi nào. Nó không chủ thể, nó muốn không sinh hoạt nữa thì không sinh hoạt nữa, lúc đó gọi là mạng sống đã dừng.
  2. Bịnh tật bất định: do vi trùng xâm nhập vào thân thể làm cho đau ốm bịnh tật và theo đạo Phật là tứ đại khi hoà, khi không hoà, khiến cho thân thể khi khoẻ, khi bịnh, nên là bất định.
  3. Thời gian bất định: thời gian là sự biến dịch và vận hành thay đổi, ngày đêm sáng tối, quá khứ, hiện tại và vị lai không dừng và không định lại một chỗ. Thời gian như ngựa ruổi. Trần thế như mây mờ. Đức phật biết tiết kiệm tối đa dù chỉ một phút, vì chết có thể đến bất cứ lúc nào. Đối với người hiểu đạo thì thời gian là phương thuốc nhiệm mầu để cảnh tỉnh vô thường, bồi dưỡng, tẩm bổ trí tuệ và nở hoa kết trái.
  4. Chết bất định: muốn chết là chết không theo ý mình cho nên bất định. Có khi chết trẻ, có khi trung niên và có khi già mới chết. Có khi do bịnh mà chết, do tai nạn và có khi không có nguyên nhân gì cả cũng ngã lăn đùng ra chết. Chúng ta sanh một nơi ta biết, trú một nơi hay nhiều nơi ta định được nhưng chết thường khó định là nơi nào? Có thể là núi rừng hoang vắng, cao nguyên lộng gió, đại lộ đông xe cộ, sông suối biển khơi, nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên, chùa chiền tự viện… chẳng biết ngày nào. Chết là sự gián đoạn một kiếp người, chấm dứt của một hơi thở mà hơi thở thì rất mỏng manh.
  5. Nơi sanh bất định: đây là cảnh giới tái sanh bất định (chớ không phải bịnh viện được chọn để sanh con), là cảnh giới hiện diện sau khi chết. Chết không phải là hết mà là một gian đoạn chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Con người rời bỏ thể xác này đến một cảnh giới khác.

      Cứ thế mà làm nhân, làm quả quyện vào nhau khiến bánh xe quay liên tiếp không bao giờ dứt. Trong vòng luân hồi cái chết và sống làm duyên cho nhau. Chết nơi này, sanh nơi khác, chúng sanh có mặt ở một nơi thì cùng một lúc cũng có một chúng sanh vắng mặt ở một nơi. Có khi chết sanh lại chỗ cũ cũng có. Muốn biết nghiệp tái sanh của mình hãy nhìn nghiệp hiện tại của mình.

Mạng sống vốn bấp bênh, thân người luôn bịnh hoạn, thời giờ không ngừng trôi chảy, ngày giờ chết lại vô chừng, chỗ tái sanh thì bất định. Hãy sống thu thúc giới hạnh và thanh tịnh.

SƠ ĐỒ 12 NHÂN DUYÊN

Trong 12 nhân duyên, nhân làm duyên cho quả. Quả làm nhân cho duyên, tạo thành xâu chuỗi luân hồi vô tận mà sự sống và chết từ ngàn năm đã không ngừng tái diễn. Nếu chia theo nhân quả chuyền níu của quá khứ, hiện tại, tương lai và “Hoặc-Nghiệp-Khổ” thì vòng 12 nhân duyên được hiểu như sau:

 


Hai nhân      Vô minh: vọng hoặc che tối             -> Hoặc

quá khứ         Hành: vọng dấy nên ba nghiệp hiện hành chẳng dừng               ->Nghiệp

Năm quả     Thức: hạt giống nghiệp phát sanh ra thức.  

hiện tại        Thức là biết đối cảnh để phân biệt

                    Nghiệp thức là nghiệp quả, một nghiệp                             -                                > Khổ

Danh sắc: thức tâm là danh. Năm căn là           sắc

Lục nhập: sáu căn đều đủ. Tùy theo căn thì trần nhập vào căn nấy.                                       

 Xúc: căn nào đối trần nấy sanh xúc

            Thọ: căn xúc trần thọ tốt xấu.       

Bốn thứ này chỉ về sắc thân và sự cảm thọ của sắc thân trong sanh tử nên thuộc -> Khổ

Ba nhân      Ái: bởi lãnh thọ sanh ái

hiện tại    Thủ: vì tham ái đắm nhiễm, nên

                         theo đuổi kiếm tìm kiếm.      

                  là ái nhiễm đắm trước nên thuộc về -> Hoặc           

                    Hữu: do theo dõi mong cầu nên gây ra các nghiệp hữu lậu.             

Hai quả      Sanh: Vì đã có nghiệp nhân tất phải

vị lai                           với lấy cái thọ sanh đời sau

                 đây là các hành của thân khẩu ý nên thuộc    ->   Nghiệp

                   Già bịnh chết: đã có sanh thân tức chịu   

                    cái khổ của bịnh, lão tử.

                 đây là sự thọ quả trong sanh tử nên ->Khổ

      12 nhân duyên tùy ý đoạn được một cái nào thì các cái kia đều tan rã.

      Hễ nhân đã đoạn thì không còn hạt giống nữa.

Hễ duyên đã đoạn thì không còn cảnh phụ trợ.

      Đức Phật kết vòng 12 nhân duyên như sau:

“Hai pháp có thể biết và phải thông suốt là danh và sắc.

Hai pháp có thể biết và phải tận trừ là vô minh và ái dục.

Hai pháp có thể biết và phải thực tập là giới và định.

Hai pháp có thể biết và phải chứng ngộ là giải thoát và trí tuệ”.

 

(Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)

 

[1] Dhammapala, tr. Ven. Narada Maha Thera, Maha Bodhi in Sarnath, 2000, (versse) kệ số 1.

[2] Dhammapala, (versse) kệ số  2.

[3] Xem Web: www.buddhismtoday.com, phần 22b

[4] Dhammapala, (versse) kệ số 80.

[5] Nt, trang 354-7.

[6] Dhammapala, câu 201.

[7] Dhammapala, tr. Ven. Narada Maha Thera, Maha Bodhi in Sarnath, 2000, (versse) câu 344.

[8] Nt, câu 336.

[9] Nt, câu 40.

[10] Nt, câu 349.

[11] Nt, câu 211.

[12] Nt, câu 214.

[13] Nt, câu 218.

[14] Kinh Lăng Nghiêm, trang 553-5.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm