Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

TRỤ TRÌ CHÙA HỒNG ÂN - HUẾ


(1905 - 1997
)


- Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Ủy viên Thường trực Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế.


I. THÂN THẾ VÀ THIẾU THỜI
Ni trưởng, thế danh Hồ Thị Hạnh, sinh năm Ất Tỵ (1905), là con gái út của quan Đông các Đại học sĩ Hồ Đắc Trung và cụ bà Châu Thị Lương, thuộc gia đình có truyền thống nhiều đời kính tin Tam Bảo.


Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc trong buổi  giao thời giữa hai nền văn hóa, nên thiếu thời Ni trưởng đã được hấp thụ một nền giáo dục dung hòa cả hai truyền thống Đông, Tây. Thân phụ muốn con du học Pháp quốc nhưng Ni trưởng không đi, vì chí hướng của Ni trưởng là muốn góp phần nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống Á Đông, nêu cao tính bình đẳng nam nữ cũng như tìm cầu giáo lý Phật đà.


Để thực hiện hoài mong đó, Ni trưởng nghĩ chỉ có cuộc sống tự lập mới mong thực hiện được. Vì thế, Ni trưởng nhiều lần xin phép cha mẹ cho xuất gia nhưng đều nhận được sự từ chối của song thân, do một mặt lúc này (1920) tại Huế chưa có chùa Ni mà chỉ có các vị lớn tuổi mới được vào chùa Tăng làm cô vãi nấu bếp và mặt khác song thân sợ con mình phận nữ nhi con nhà quyền quý đương thời sống trong sự nâng niu như cành vàng lá ngọc, không thể chịu đựng được sự khổ nhọc trong chiếc áo nâu sồng. Trước trở ngại lớn lao đó, Ni trưởng đành ở lại nhà cho tròn hiếu đạo chờ dịp thuận tiện, song thân mong con mình yên bề gia thất, khuyến khích tham dự các buổi tiệc, dạ hội nhưng Ni trưởng từ chối duy một mực nuôi chí xuất trần.
Năm 23 tuổi (1928), vì cảm bội ơn dưỡng dục của song thân nên Người thuận lời gá nghĩa kết duyên với ông Cao Xuân Xang (ông vừa mất vợ, một mình nuôi đàn con dại bơ vơ), một thời gian sau ông Cao Xuân Sang cũng qua đời. Từ đây, ngoài việc vừa nuôi đàn con côi của người bạn đời, vừa làm Phật sự.


II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Sau bao thăng trầm của cuộc đời, vốn sẵn có lòng muốn xuất gia và nhận được sự ưng thuận của thân mẫu nên vào năm 27 tuổi (1932), Ni trưởng quy y với Hòa thượng Tâm Huyền tại chùa Báo Quốc (Huế) và được Bổn sư đặt Pháp danh là Trừng Hảo, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông.


Sau khi Hòa thượng Tâm Huyền viên tịch, Ni trưởng xin cầu pháp với Hòa thượng Giác Tiên tại chùa Trúc Lâm (Huế), và được Hòa thượng truyền Thập giới với Pháp tự là Diệu Không. Lúc ấy, Ni trưởng vẫn để tóc làm Phật sự trong hình thức cư sĩ hộ đạo.
Bấy giờ, Ni trưởng thường xuyên giao dịch với người Pháp trong hội An Nam Phật Học mà Ni trưởng là một sáng lập viên. Sau mười hai năm khi thọ Thập giới vào mùa thu năm Giáp Thân (1944), Ni trưởng được cho đăng Đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Thuyền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên - Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm Đàn đầu Hòa thượng.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO 
Bản chất thông minh lại thêm ý chí cầu học nên Ni trưởng thọ giáo với Hòa thượng Thập Tháp - một vị Cao tăng thời bấy giờ. Các vị Cao tăng cùng học lớp Đại học với Ni trưởng thời đó là các vị Hòa thượng, Thượng toạ ở cấp lãnh đạo Giáo Hội ngày nay như Hòa thượng Mật Nguyện (viên tịch), Hòa thượng Trí Thủ (viên tịch), Hòa thượng Mật Thể (viên tịch), Hòa thượng Mật Khế (viên tịch), Hòa thượng Mật Hiển (viên tịch), Hòa thượng Đôn Hậu (viên tịch) … Trong thời gian này, Ni trưởng được học qua các bộ Kinh - Luật Đại thừa của Phật giáo, vừa học vừa dạy Kinh điển bằng Hán văn cho Ni chúng lúc bấy giờ như quý Ni trưởng Thể Yến, Diệu Viên, Đàm Vy và một số nữ Phật tử như bà Cự Thục…, tiếp đến có các vị như : Ni trưởng Viên Minh, Đàm Minh, Diệu Trí, Diệu Tấn. Cứ như thế nhiều vị học Ni lớp này tiếp đến lớp khác trong số đó ngày nay có nhiều vị đang trụ trì các Ni viện khắp nơi trong nước.
Năm 1933, Ni trưởng là một sáng lập viên của hội An Nam Phật Học.


Năm 1937, với hình thức cư sĩ nhưng Ni trưởng tích cực hoạt động ủng hộ cho các trường Phật học đào tạo Tăng tài như trường Đại học Tây Thiên, Trung học Tường Vân, Tiểu học Báo Quốc và Tiểu học Ni chúng đầu tiên tại chùa Từ Đàm. Đồng thời Ni trưởng còn giữ chức vụ Quản lý Tòa soạn Báo Viên Âm – Cơ quan truyền bá Phật giáo tại Trung phần lúc bấy giờ.
Năm 1938, chùa Từ Đàm làm trụ sở Phật giáo Trung phần nên Ni trưởng mua đất làm trụ sở cho Ni chúng ở khuôn viên chùa Diệu Đức.


Đến năm 1939, Ni trưởng hợp tác với Ni trưởng Diệu Tịnh mở trường gia giáo tại chùa Bà Ba Xoàn (chùa Tân Hòa) ở Cái Tàu Hạ thuộc tỉnh Sa Đéc. Ni trưởng thỉnh Hòa thượng Trúc Lâm vào làm Giáo thọ sư cho Ni chúng trong ba tháng, sau ba tháng Ni trưởng Diệu Tịnh dời Ni trường về chùa Vạn An tiếp tục học chín tháng nữa. Hòa thượng Trúc Lâm hoan hỷ ở lại dạy cho Ni chúng xong khóa học mới trở lại Huế.


Năm 1941, Ni trưởng cộng tác với quý Thượng tọa như : Thượng tọa Tố Liên, Trí Hải lập Ni trường tiểu học Bồ Đề Gia Lâm - Hà Nội, Ni trường đang phát triển thì chiến tranh Việt – Pháp nổ ra nên các vị Giáo thọ Ni phải trở về Huế.


Năm 1944, quý Hòa thượng Thuyền Tôn, Tường Vân, Quốc Ân mở Đại giới đàn tại Tổ đình Thuyền Tôn và Ni trưởng được thọ Tam đàn Cụ túc giới, từ đó Ni trưởng chính thức đứng vào hàng ngũ Tăng già.


Năm 1945, Ni trưởng cùng Ni trưởng Thể Yến an cư tại chùa Châu Ê (chùa Khải Ân) - mùa An cư đầu tiên trong cuộc đời xuất gia của Ni trưởng.


Năm 1946, Ni trưởng trở về chùa Diệu Đức và xây cất nhà hậu để Ni chúng có nơi An cư nhập Hạ; cùng năm này Ni trưởng thỉnh Hòa thượng Thuyền Tôn chọn đất để xây chùa Hồng Ân. Đến năm 1951, chùa Hồng Ân hoàn thành, Ni trưởng về đây trông coi và dạy dỗ Ni chúng đồng thời dạy học cho Ni chúng ở Ni trường Diệu Đức.


Năm 1953, Ni trưởng về trụ trì chùa Diệu Hỷ và quản lý nhà in Liên Hoa (tờ báo của Giáo hội lúc bấy giờ), đồng thời giảng dạy giáo lý cho Phật tử tại chùa Diệu Đế.


Sau đó tiếp tụ hoạt động cho Ni bộ, Ni trưởng vào Sài Gòn cộng tác với bà Nguyễn Hữu Pha (tức Diệu Huấn) mở Ni trường Dược Sư và mời Giáo thọ Ni từ lục tỉnh lên làm Giám viện.
Năm 1952, đáp ứng yêu cầu của chư tôn Hòa thượng là phải mở Ni trường gần chùa Ấn Quang (trụ sở Giáo hội Tăng già lúc bấy giờ) nên Ni trưởng hợp tác cùng với quý Ni trưởng vận động xây cất chùa Từ Nghiêm. Khi chùa Từ Nghiêm hoàn thành, Ni trưởng cùng quý Ni trưởng khắp nơi thành lập Ni bộ Việt Nam đầu tiên trong hệ thống Ni chúng của Phật giáo Việt Nam.


Năm 1956, Ni trưởng vào Nha Trang cùng quý Hòa thượng mở Giới đàn cho Ni chúng thọ giới.


Năm 1960, Ni trưởng tổ chức một lớp học ngắn hạn cho Ni chúng tại Qui Nhơn và thỉnh Hòa thượng Huyền Quang giảng dạy cách thức làm trụ trì cho Ni chúng và đào tạo các giảng sư Ni.
Tiếp đó, Ni trưởng dự Đại hội Hoằng pháp ở Nha Trang và cùng quý ngài như Hòa thượng Trí Thủ, Thượng tọa Thiện Minh, Hòa thượng Huyền Quang, Thượng tọa Trí Nghiêm thành lập Phật Học Ni Viện Nha Trang với sự ngoại hộ tích cực của bà Nguyễn Diệu,bà Võ Đình Thụy.
Năm 1962 hoàn thành Phật Học Ni Trường Nha Trang, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Trí Thủ, Ni trưởng thành lập ban Giảng huấn gồm Ni trưởng Diệu Ấn làm Giám viện và quý Ni trưởng Huyền Học, Viên Minh, Thể Quán, Ni sư Thể Thanh, Như Hoa thay nhau làm giảng huấn cho Ni trường. Sau này, Ni trường đặt tên lại là Diệu Quang theo ý của Hòa thượng Trí Thủ để tưởng niệm Ni cô Diệu Quang vì đạo pháp hy sinh. Từ đó Phật học viện Ni thành Ni trường Diệu Quang.


Năm 1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo đòi quyền tự do tín ngưỡng đối với chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, Ni trưởng phát nguyện tự thiêu nhưng Ngài Quảng Đức không chấp thuận và bảo Ni phải nhường cho Tăng. Ni trưởng vâng lời Tăng dạy và tiếp tục đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh đến lúc thành công.


Năm 1964, Ni trưởng cùng Hòa thượng Trí Thủ xây trường Mẫu giáo Kiều Đàm - Sài Gòn (tức Kiều Đàm Ni viện quận 3 – TP. HCM hiện nay). Cũng vào năm này, thiên tai bão lụt nặng nề tại các vùng Quảng Nam – Đà Nẵng gây thiệt hại đau thương cho đồng bào, bao đứa trẻ lâm vào cảnh cơ nhỡ, côi cút, không cha mẹ và nhà cửa. Trước thực trạng đau lòng đó, Ni trưởng cùng quý Ni trưởng nhanh chóng thành lập các Cô Nhi viện như : Tây Lộc - Huế, Cô Nhi viện Tuy hòa, Cô Nhi viện Diệu Định – Đà Nẵng, Cô Nhi viện Quách Thị Trang – Sài gòn để tiếp nhận trẻ cơ nhỡ, côi cút vào Cô Nhi viện nhằm tránh thiên tai bão lụt và khắc phục phần nào của nỗi đau chiến tranh.


Các Cô Nhi viện này đặt dưới sự trông coi của quý Ni sư đã phần nào xoa dịu nỗi đau của chúng sanh theo đúng tinh thần đại bi, lợi tha của Phật giáo. Bàn tay của quý Ni sư như bàn tay mẹ hiền nên các em ở Cô Nhi viện đã được an ủi, vỗ về dần dần trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.


Tiếp những năm sau đó, chiến cuộc ngày càng khốc liệt, bao cảnh đau thương xé lòng xảy ra hằng ngày trên đất nước thân yêu, đáp ứng nhu cầu của xã hội lúc ấy, Ni trưởng cùng quý Hòa thượng lập ra các ban cứu trợ nạn nhân chiến cuộc mà Ni trưởng là người tích cực nhất trong các công việc từ thiện này. Ni trưởng cũng lập ra nhiều Ký Nhi viện từ Trung vào Nam.
Bận rộn với hạnh nguyện lợi tha vì đời nhưng Ni trưởng không xao lãng việc đào tạo dạy dỗ Ni chúng. Ni trưởng tiếp tục cho xây Ni viện Diệu Giác - Sài Gòn, chùa Diệu Tràng -  Sài Gòn… để tiếp độ Ni chúng.


Năm 1970, Ni trưởng mở lớp Trung đẳng Phật học cho Ni chúng các nơi về học tại Ni trường Diệu Đức - Huế.


Năm 1973, Ni trưởng cùng quý Sư bà mở lớp nội trú cho học Ni để thuận tiện chỗ học hành nhưng cả hai lớp ấy phải giải tán vì thời cuộc chiến tranh.


Năm 1975, các công tác từ thiện xã hội, các lớp học Ni trường… tạm thời ngưng hoạt động, Ni trưởng tranh thủ thời gian rảnh rỗi này để dịch thuật, trước tác Kinh luận, viết sách và làm thơ. Ngoài ra, Ni trưởng còn góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa để in Kinh sách Phật giáo và Nguyệt san Liên Hoa do Hòa thượng Đôn Hậu làm chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Tâm làm Chủ bút, Ni trưởng làm Quản lý và Biên tập viên (đây là tờ báo Phật giáo tồn tại lâu nhất tại miền Trung); cũng như cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như : Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa…


Ni trưởng dịch thuật các bộ Luận lớn như : 
1. Thành Duy Thức Luận Thuật Lý.
2. Du Già Sư Địa luận.
3. Đại Trí Độ Luận.
4. Hiện Thực Luận.
5. Trung Quán Luận lược giải.
6. Kinh Lăng Già Tâm Ấn.
7. Kinh Duy Ma Cật.
và chỉnh lý lại các tác phẩm Ni trưởng dịch từ trước năm 1975.


Ngoài việc dịch thuật, Ni trưởng còn là một thi sĩ. Thơ văn của Ni trưởng đậm đà hạnh nguyện lợi tha vì đời của người con Phật rất có giá trị trong văn học Phật giáo nước nhà.
Vào tháng 10 năm 1976, trong một cơn bệnh nặng đột ngột tưởng sắp về cõi Phật nhưng sau đó hồi tỉnh lại. Có lẽ cõi Ta-bà đau khổ đang cần sự hiện hữu của Ni trưởng nên bệnh của Ni trưởng dần được hồi phục, sức khỏe trở lại bình thường, tâm trí vẫn sáng suốt dù tuổi đã cao.
Năm 1978 lại một cơn bạo bệnh, tim đã ngừng đập, chư Tăng vây quanh tiếp dẫn nhưng sau thời Kinh hộ niệm, lúc này Sư cô Bảo Châu đau đớn khóc thét lên thì Ni trưởng giật mình tỉnh dậy. Kể từ đấy, Ni trưởng thường dạy: “Khi đã thấy cảnh tịnh độ rồi thì tôi xem đời này toàn là giả”. Có lẽ nhờ thấy giả mà Ni trưởng kham nhẫn được mọi sự.
Năm 1986 tuy tuổi già sức yếu, Ni trưởng vẫn đứng ra để hướng dẫn việc trùng tu chùa Đông Thuyền. Chùa này được tạo lập dưới đời các chúa Nguyễn vào năm Gia Long thứ II đã được trùng tu một lần.


IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Gần năm năm ngọa bệnh nhưng Ni trưởng luôn hoan hỷ với mọi người, với sự săn sóc chu đáo của đệ tử, dưới sự cố vấn tận tình của y bác sĩ như bác sĩ Lê Văn Bách... Mặc dù già bệnh nhưng tinh thần Ni trưởng vẫn minh mẫn, mỗi khi ai có việc quan trọng đến thỉnh ý, Ni trưởng đều dạy những lời khuyên sáng suốt.


Thời gian này, Ni trưởng còn cúng dường chùa Hồng Đức, trường mẫu giáo và cơ sở dạy nghề vừa mới xây năm 1996 cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế để sử dụng trong việc đào tạo Tăng tài.


Như củi hết lửa tắt, như đi cuộc hành trình đã đến đích, Ni trưởng an nhiên thâu thần viên tịch vào lúc 2 giờ khuya ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu (23 tháng 9 năm 1997), trụ thế 93 tuổi đời với 53 hạ lạp. 


Suốt cuộc đời, Ni trưởng không ngừng đóng góp những việc có ích cho đạo, cho đời với tâm nguyện còn hơi thở là còn phục vụ.


V. LỜI KẾT
Ở trong phú quý mà không vướng vinh hoa, học nhiều mà không sở tri chướng, thuyết pháp mà không là pháp sư, tọa thiền mà không là thiền sư, trước tác dịch thuật mà không là học giả, giúp đời mà không là chuyên gia xã hội, giữ giới mà không câu nệ, độ người mà không vướng mắc đệ tử, ở cảnh động không mất thiền, cảnh tịnh không bỏ rơi chúng sanh, cuộc đời hành đạo của Ni trưởng thật đa dạng mà không lưu dấu vết, vì cõi lòng của Ni trưởng như hư không. Sự nghiệp vật chất Ni trưởng lưu lại đã nhiều nhưng cái đáng nói hơn, cái đáng nói nhất, cái thâu tóm cả cuộc đời Ni trưởng là tấm lòng vì Đạo pháp và thương tưởng hậu lai để hậu thế noi theo “Thực tế lý địa bất thọ nhất trần, Phật sự mông trung bất xả nhất pháp”.


Văn chương có hạn làm sao mà diễn hết… Ôi! Một cuộc đời quảng đại, một tâm hồn bao dung như lời kinh muôn thuở:
 “ Hư không hữu tận,
  Ngã nguyện vô cùng.”
và hạnh nguyện luôn luôn mang theo canh cánh bên lòng:
 “ Quảng độ chúng sanh,
   Mãn Bồ-đề nguyện.”

Phụ lục THƠ của Ni trưởng Diệu Không


KHUYÊN NGƯỜI PHẬT TỬ
 Mở lòng đón nhận cõi hư không
 Hòa với muôn dân một thể đồng
 Có sẽ thành không, không sẽ có
 Hai đường chẳng chấp mới viên dung
 Viên dung các pháp chớ nên thiên
 Ngã chấp tiêu ma sạch ái triền
 Quá khứ vị lai đừng để ý
 Hiện tiền không trú chỉ tùy duyên
 Tùy duyên trả hết nợ non sông
 Oán cũng đừng than, ơn chẳng trông
 Soi sáng tâm linh tròn nghĩa vụ
 Đèn lòng muôn thuở sạch như không
 Như không tâm trí nhẹ nhàng bay
 Hạnh phúc nào hơn hạnh phúc này
 Nhắn kẻ tu tâm người luyện tánh
 Tịnh trần độ tịnh chính là đây
Hồng Ân 10/10/1978


KHUYÊN NGƯỜI HÀNH ĐẠO
 Biết khổ nên ta mới quyết tu
 Làm cho tâm trí thảy không ngu
 Thương đời thương đạo là thương Phật
 Giải thoát tâm linh khỏi ngục tù
 Ngục tù ngã chấp hóa tham sân
 Chấp của riêng ta mới độn đần
 Xả hết tư tâm thành chánh đạo
 Sống đời vô ngã sạch lân lân
 Lân lân vô ngại với muôn dân
 Hòa với muôn dân không ngại ngần
 Thương ghét không ham thành giải thoát
 Làm tròn bổn phận chẳng cần ân
 Ân oán gây bao cảnh khổ đau
 Phải đâu hạnh phúc ở sang giàu
 Trở về Phật tánh thường thanh tịnh
 Mới thoát ra ngoài cảnh bể dâu
10/10/1978


TỊNH ĐỘ
 Ta-bà Tịnh độ ở đâu xa
 Chỉ tại lòng ta niệm chánh tà
 Chánh niệm trang nghiêm thành Tịnh độ
 Tà tâm vận chuyển hóa Ta-bà
 Vô tâm, chánh trí là tâm Phật
 Hữu ý, mê tình ấy tánh ma
 Tà, chánh đều vong – Vô lậu giới,
 Ta-bà Tịnh độ ở tâm ta.


TỰ THUẬT
 Đạo nhơn bất vụ cả hư danh
 Mật khế tâm nguyên chuyển trược thanh
 Thâm nhập chơn như vô quái ngại
 Hòa đồng diệu pháp ẩn không sanh
 Liễu tâm vô trú thường thanh tịnh
 Ngộ ấn song vong tuyệt đấu tranh
 Như thị hòa quang chiếu vũ trụ 
 Hiển dương bất nhị đạt viên thành.

NHẬP THIỀN
 Trần tịnh tâm không dị nhập thiền
 Sơn tình bất dự bạch vân duyên
 Khê thanh giải liễu tâm vô trú
 Nguyện nguyện giai y hạnh Phổ Hiền
 Tâm tịnh trần không cảnh tự thanh
 Ta-bà Tịnh độ bổn viên thành
 Liễu tôn bất nhị tình tiêu tận
 Vạn pháp tuy tồn chỉ giả danh
 Phòng khư thâu lai đắc tự do
 Duyên trần vô trú cảnh thân sơ
 Khê thanh tùng lục phong xuy động
 Sơn sắc như in Bát-nhã đồ.


HỒNG ÂN XUẤT HẠ MẬU NGỌ
 Đông tàn xuân hựu lai
 Đình tiền kiến chi mai
 Vô thường thường như thị
 Sanh tử mạc quan hoài.


CHUẨN BỊ HẬU SỰ NI TRƯỞNG DIỆU KHÔNG
 Văn tưởng niệm
 Nhớ giác linh xưa
 Tuy không con vua cháu chúa
 Cùng dòng lá ngọc cành vàng;
 Muốn giàu sang, tính việc trăm năm,
 Chán gì nơi môn đăng hộ đối,
 Thích hoa nguyệt,  toán bề ân ái hưởng
 Nào thiếu chi khách tài tử xứng đôi.
 Nhưng túc căn sẵn có
 Cảnh trần sớm cảnh tỉnh kiếp phù du,
 Nên thiện chủng thọ sanh 
 Cõi tịnh quyết quy chân thoát tục.
 Thông minh rất mực,
 Nề nếp Nho phong
 Thân liễu bồ bèn lìa chốn khuê phòng
 Phận Ni nữ cố tìm thầy học đạo
 Nương tựa nhờ hồng ân Tam Bảo
 Chỉ bày có Thiện hữu Minh sư,
 Chẳng bao lâu rõ được lý thật hư
 Tâm hoa bừng nở
 Pháp Đại thừa tỏ ngộ
 Thọ Cụ túc giới tam đàn
 Bấy giờ thấy đầy đủ cơ duyên
 Nhẹ gót lên đường hóa độ.
 Không nề gian khổ, trải bao năm tích cực
  xông pha, 
 Nghĩ chi đến an thân lợi dưỡng
 Chẳng ngại khó khăn, đã đôi phen lao lực
  lao tâm
 Đầy tinh thần vị tha vô ngã
 Buổi nhiễu nhương, không sờn lòng nản chí
 Trước tín đồ vang dội tiếng Pháp âm
 Thời nguy nan mặc hãm hại mưu thâm,
 Cùng bạn lữ giương cao cây đuốc tuệ.

(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/62/ni-truong-thuong-dieu-ha-khong.html)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm