Hương Sen Buddhist Temple
Trụ Trì: Thích Nữ Giới Hương
19865 Seaton Ave. Perris, Ca 92570
Tel: 951-
Website Chùa
HƯƠNG SEN -
Hoàng Cần mến,
Bức thư của HC rất hay, chân thành và thâm thúy.
Nếu không ngại năm 2015 sư phụ trách web chùa HS rồi, sư sẽ open mục Tâm sự bạn đạo và post lên để hy vọng bạn đọc có sự hiểu chân chính giống như HC nha.
Đối với vấn đề này, cách giải quyết của sư là chúng ta tự hoàn hiện mình trước và hỗ trợ đem Phật pháp cho những người xung quanh gần khu địa phương của mình trước, tron gkhả năng của mình. Theo phước duyên mà lan toả.
Cộng nghiệp của số đông rất khó chuyển, tuy nhiên phải chuyển biệt nghiệp của mình trước.
Chúc Tinh Tấn
Sư GH
Thư gửi Ni Sư Thích Nữ Giới Hương
Kính bạch Ni Sư,
Con là phật tử tại gia và đến với Phật pháp khá muộn ( Ngày Phật đản sinh năm 2011 con mới quy y Phật, tháng 10/11 con tham gia đoàn hành hương đất Phật do TT Thích Nhật Từ hướng dẫn).Do sống ở đất miền Trung được thường xuyên tham dự các khóa tu của nhiều chùa nên định kỳ được nghe các giảng sư thuyết pháp nên sự say mê và kính tin vào giáo lý của Đức Phật trong con tăng trưởng nhanh chóng.
Chương trình của các chùa con theo là pháp môn Tịnh Độ, song 3 năm qua con lại có duyên với kinh Diệu Pháp Liên Hoa do 1 lần con được tặng bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa của HT Thích Trí Tịnh dịch. Lần đọc đầu tiên cho tới nhiều lần sau này : Con đã lã chã nước mắt khi đọc đến phẩm có ngôi nhà lửa ; Rồi phẩm Hóa thành dụ ; Gã cùng tử bỏ cha đi lang thang nhiều năm , khi gặp lại hắn không thể tin đó là cha mình . Đức Phật phải dùng mọi phương tiện để cảm hóa , giác ngộ gã cùng tử , thậm chí Đức Phật phải ăn mặc rách rưới, cùng đi hót phân với gã cùng tử để giáo hóa dần dần trong hơn 20 năm mới trao trọng trách kế thừa tài sản quý giá của Ngài…Con khóc vì thấy tình thương, sự hy sinh và chăm lo cho chúng sinh của Đức Phật cao cả, bao la, chu toàn hơn cha mẹ thương và lo cho con của mình rất nhiều.
Nhờ Duyên với kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà càng đọc, con càng thấy say mê hồi hộp bởi Kinh như 1 bộ tiểu thuyết rất hay, rất hồi hộp và hùng dũng , có lúc cũng nín thở như phẩm Tùng Địa dũng Xuất, nàng rồng thành Phật…
Để hiểu rõ Kinh Diệu pháp Liên Hoa, con vào mạng nghe bài giảng của Cố HT Thích Thông Bửu năm 1997 – 2000, sau đó con lại có quyển Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải của HT Thanh Từ nên con không ù ù càng cạc như trước nữa.
Tạm hài lòng với sự tóm lược các bài giảng và phần văn xuôi của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Con vào mạng Đạo Phật Ngày Nay để tìm lời giải đáp cho 1 vấn đề con vẫn canh cánh trong lòng và hôm nay con xin trình bày với Ni Sư và cũng qua Ni Sư : con xin sự chỉ dạy của Ngài về vấn đề con rất muốn viết thư kính bạch với các vị Tôn Túc cao cấp trong giáo hội phật Giáo VN. Đó là : SỰ BÌNH ĐẲNG GIỮA TĂNG VÀ NI TRONG PHẬT GIÁO.
Khởi nguồn của ray rứt này là trong ĐẠI GIỚI ĐÀN PHƯỚC TRÍ TẠI ĐN TỔ CHỨC NGÀY 24-
Con thấy rằng : Vào thời Đức Phật : BÁT KÍNH PHÁP là rất cần thiết và hoàn toàn đúng vì các lý do sau :
Ni chúng đầu tiên tham gia Tăng Đoàn là người của hoàng tộc Thích Ca, dẫn đầu là là Hoàng Hậu – là Di mẫu của đức Phật ; Và Công chúa ,Là mẹ của La Hầu La cùng 1 đoàn 500,600 người nữ đều là người của Hoàng Tộc Thích Ca hoặc các cung nữ đã hầu hạ trong hoàng tộc, nơi quyền quý cao sang , cung vàng điện ngọc .Nên Phật chế ra Bát kính Pháp để diệt trừ tâm ngã mạn kiêu sa , quen tập quán sai khiến , xem thường người giai cấp dưới, người có địa vị thấp hơn mình….
Thế giới thời đó phân chia loài người thành gia cấp thống trị và bị thống trị -
Vậy Đức Phật cho giới nữ tham gia vào Tăng Đoàn là cuộc cách mạng vô cùng lớn lao ,đức Phật là người đi tiên phong, người khai mở con đường giải phóng cho phụ nữ toàn toàn thế giới.
Ngài mạnh mẽ xác quyết : Không có sự khác biệt giữa tất cả mọi người có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.
Kính bạch Ni Sư : Bây giờ đã qua gần 2600 năm sau khi Đức Phật ban hành BÁT KÍNH PHÁP cho Ni Giới mà Tăng Đoàn của Đức Phật vẫn tuân thủ Bát Kính Pháp cho giới nữ thì con nghĩ không hợp lý và lại lạc hậu so với sự phát triển của loài người trên toàn thế giới nói chung.
Con là phật tử tại gia và con không có tâm nguyện những kiếp tái sinh sau sẽ xuất gia nên con chỉ phát biểu suy nghĩ do con được thấy, được nghe từ phía Ni & Tăng con đã tiếp xúc mà thôi :
1. Hình ảnh Đại Lão Sư Bà gần 100 tuổi , ngồi xe lăn phải xếp hàng chờ dưới nắng hè miền Trung gay gắt để các vị Tăng trẻ đi xong mới được đi. ( chưa kể vào đại lễ đường còn phải vái lạy các vị Tăng trẻ )
2. Các vị Tăng trẻ hưởng đặc ân từ BÁT KÍNH PHÁP quá lâu , mà lại do Đức Phật chế ra , lại xã hội ngày càng phát triển đổi thay : Đội ngũ Tăng, Ni ở VN hiện ở lứa tuổi 60 trở xuống-
3. Các vị xuất gia thời nay đâu phải đi khất thực và nhặt các mảnh vải liệm người chết để tự may lấy y mặc ? ….Mà phải nói tu hành thời hiện đại nhiều vị cũng hiện đại chẳng kém đại gia mà lại không đổi mồ hôi, sôi nước mắt. Không phải lao tâm khổ tứ để có được của cải, vật chất.
Những yếu tố này cùng với thời đại sống làm cho đội ngũ Tăng trẻ nhiều người không còn giữ được BẢN CHẤT TU SĨ THEO GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT . Bề ngoài lời lẽ giao tiếp thấy không có gì đáng trách , nhưng giới tại gia chúng con vì vô vàn những tình huống cần tiếp xúc nên chúng con biết SỰ NGÃ MẠN, SỰ MẶC NHIÊN COI PHÁI NỮ LUÔN PHẢI DƯỚI QUYỀN , LUÔN PHẢI ĐỨNG SAU CÁC VỊ TĂNG TỪNG CHI TIẾT NHỎ ( như thứ tự xin chữ ký thôi )
Con hiểu muốn thay đổi lại :
Điều ( a ) trong BÁT KÍNH PHÁP : ”Dù cho thọ đại giới 100 năm : Một tỳ kheo Ni đối với Tỳ kheo (Tăng) thọ giới trong 1 ngày CŨNG PHẢI ĐẢNH LỄ , ĐỨNG DẬY, CHẮP TAY , XỬ SỰ ĐÚNG PHÁP “ thì đâu chỉ có GHPG VN mà là phải sự quyết nghị của lãnh đạo Phật Giáo toàn thế giới. Hoặc là con ước mơ đức Phật Di Lặc xuất hiện , nếu không cũng phải là vị đại Bồ Tát như Ngài Long Thọ mới định đoạt chỉnh sửa được luật do đức Phật Thích Ca Mâu Ni chế ra.
Như vậy thì riêng điểm này giới nữ xuất gia vẫn còn chịu sự thiếu bình đẳng ngày càng lớn trong 1 thế giới luôn tự điều chỉnh những điều không thích hợp.
Con kính mong nhận được những lời dạy bảo của Ni Sư về thắc mắc và ý định của con ạ.
NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT MA HA TÁT.
Phật tử : Nguyễn Thị Thìn
Pháp danh : Giác Phước Từ Quang.
(Lời tâm sự của một Phật Tử)
(Phật tử thắc mắc về Bát Kỉnh Phát)
Home |