Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Tết Nguyên Đán là dịp các Phật tử hay chúc nhau về sức khỏe, sắc đẹp và tiền bạc. Hiện nay các chùa Nam Tông và Bắc tông đã lưu tâm và phổ biến việc thờ cúng tượng Thánh tăng Sivali bởi lẽ tôn giả được xem là đệ nhất tài lộc trong hàng các thánh tăng đệ tử của Đức Phật.

Image result for chú tiểu dễ thương

 

 Tượng ngài Sivali với bình bát đầy đủ thực phẩm

Trong Đại Phật Sử có mô tả hình ảnh tăng già thời Đức Phật như sau: Tôn sư Đức Phật Thích Ca tọa lạc chính giữa, bên trái có bốn mươi vị Tỳ kheo do ngài Mục-kiền-liên (đệ nhất thần thông) làm trưởng chúng đừng hầu và bên phải có bốn mươi vị Tỳ kheo do ngài Xá-lợi-phất (đệ nhất trí tuệ) làm trưởng chúng trong đó có tôn giả Sivali (đệ nhất tài lộc). Cuộc đời Tôn giả Sivali được ghi lại như sau:

 ĐỜI QUÁ KHỨ CỦA TÔN GIẢ SIVALI

Một trăm ngàn kiếp về thưở quá khứ dưới thời Đức Phật Liên Hoa Thắng Như Lai (Padumuttara), lúc bấy giờ ngài là một cư sĩ cùng với những người khác đến dự pháp hội thuyết pháp của Đức Phật. Khi thấy Đức Phật ban danh hiệu ‘tài lộc đệ nhất’ cho một vị Tỳ-kheo, Ngài cũng muốn được như vị Tỳ-kheo kia nên thỉnh Đức Phật về nhà thiết lễ cúng dường rất lớn suốt trong bảy ngày. Đối trước Đức Phật, ngài phát nguyện:

“Bạch Đức Thế Tôn! Với phước báo của sự cúng dường trong bảy ngày này, con không cầu phước báu giàu có sung túc, con chỉ mong sẽ được trở thành vị đệ tử tài lộc đệ nhứt trong Tăng đoàn của Đức Phật thời tương lai, giống như vị Tỳ-kheo trước kia được Đức Thế Tôn thọ ký” và được Đức Phật thọ ký rằng “Nguyện của ông sẽ được thành tựu dưới thời Đức Phật Gotama (Phật Thích-ca)”.

Qua nhiều đời, ngài thác sanh trong cõi trời và người. Đến thời Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassi), ngài thọ sanh tại một ngôi làng gần thành phố Bandhumati. Lúc bấy giờ, người dân thành phố Bandhumati cùng ‘đua’ với vua của họ để sắm lễ vật cúng dường Đức Phật, nhưng họ thiếu hai món là mật ong và sữa đông; vì vậy họ sai một người đứng canh ngay con đường dẫn vào thành phố.

Lúc đó, có người đàn ông (sau này là tôn giả Sivali) mang bình sữa vào phố bán để mua vài món đồ. Dọc đường, ông gặp người muốn mua này và mua với giá hậu hỉ một đồng tiền. Ông ta nghĩ: “Những thứ này không đáng giá bao nhiêu tại sao ông ta lại trả tiền cho ta cao như vậy”. Nghĩ thế, ông không bán. Người mua lại trả giá lên hai đồng tiền, ông cũng không bán. Biết người này đang cần và để tăng giá cao, ông vẫn cứ nói: "Không bán với giá này". Người mua cứ trả giá tăng dần tăng dần đến một ngàn đồng tiền. Thấy lạ, ông hỏi: “Những thứ này chẳng đáng giá là bao sao ông chịu mua với giá quá cao như vậy?” Khi nghe người mua kể việc người dân thành phố đang ‘đua’ với vua của họ để cúng dường Phật, nếu không có hai món này họ sẽ thua nhà vua, ông hỏi “Vậy chỉ có người thành phố mới cúng dường  Đức Phật, còn người nhà quê như tôi đây có cúng dường Đức Phật được không?”

Sau khi nghe người nọ giải thích rằng ai cũng có thể cúng dường, ông nói: “Người dân thành phố của ông đang cúng dường Đức Phật, vậy có ai cúng dường một ngàn đồng tiền trong một ngày không?”, “Không”, “ Này ông bạn, ông có biết là mật ong và sữa của tôi đang mang đây đáng giá một ngàn đồng tiền không?”, “Tôi biết.”, “Vậy thì ông hãy báo cho mọi người rằng có một người nhà quê sẽ đích thân cúng hai món này lên Đức Phật, các ông không phải tìm kiếm nữa và xin ông hãy làm chứng cho tôi rằng hôm nay tôi là người cúng dường vật đáng giá và đắt tiền nhất”.

Nói rồi, ông mua năm loại hương thơm (bằng tiền mua thức ăn đi đường) rồi trộn chung với mật ong và sữa, ngồi chờ tới lượt cúng dường của mình. Đến lượt, đối diện Đức Phật, ông bạch: “Bạch Đức Thế Tôn quang minh, vật phẩm cúng dường này là của một người nghèo khó như con, xin Ngài từ bi nạp thọ phẩm vật khiêm tốn này”. Đức Phật thọ nhận và chú nguyện, rồi chia cho sáu trăm tám mươi ngàn Tỳ-kheo mà vẫn còn chia không hết.

Khi thấy Đức Phật thọ thực xong, ông đảnh lễ bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay, mọi người dân của thành phố Bundhamati đều biết con cúng dường cho Ngài. Con nguyện nhờ phước báo này mà con sẽ nhận được nhiều tài lộc, có nhiều tùy tùng và danh tiếng trong kiếp sau”. Đức Phật thọ ký cho ông rồi trở về tịnh xá.

ĐỜI HIỆN TẠI CỦA TÔN GIẢ SIVALI

Dựa theo kinh Tăng-nhất A-hàm đã mô tả khi mới sinh ra, hài nhi Sivali đã cầm viên minh châu tuyệt đẹp sáng chói. Với thiên nhãn thông và túc mạng thông, Đức Phật Thích Ca đã tiên đoán rằng:

“Hình ảnh viên minh châu này chứng tỏ đứa bé đã có vô lượng phước báu. Sau này khi tuổi trưởng thành sẽ dẫn năm trăm đồ chúng cầu học với Ta và sau khi xuất gia tu đạo sẽ chứng quả A-la-hán. Trong hàng Thánh Thanh văn đệ tử, Sivali sẽ là bậc Phước Đức Đệ Nhất.”


Như lời thọ ký của Đức Phật, vào lúc hai mươi tuổi, Tôn giả Sivali đã cùng năm trăm người bạn xuất gia. Chỉ sau một thời gian ngắn tu tập, Tôn giả đắc quả A-la-hán và được phước báu khiến mình và mọi người xung quanh lúc nào cũng có đầy đủ bốn món vật dụng (y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men chữa bệnh). Đến nỗi hễ mỗi khi chư tăng đi hoằng pháp ở những vùng hẻo lánh, dân cư thưa thớt, nhưng nếu có tôn giả Sīvali đi cùng thì những món vật dụng tự nhiên phát sanh đầy đủ. Đó là do nhờ oai lực quả phước thiện của tôn giả Sīvali, đã cảm đến chư thiên, thị hiện ra xóm làng, thị thành và dân cư đông đúc để dâng cúng tứ sự. Và sau khi tăng đoàn đi khỏi nơi ấy thì xóm làng, kinh thành và thí chủ cũng biến mất.

Theo Tích truyện Pháp cú[1] và cuốn Cuộc Đời Thánh Tăng Sivali[2] có kể rằng một thuở nọ, Đức Phật cùng đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng đông đảo đến ngự đến khu rừng, nơi ở của Ngài Đại Đức Revata. Khi Đức Phật cùng Đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng đi đến đoạn đường có lối rẽ. Ngài Đại Đức Ananda bạch với Đức Phật rằng:

- Kính Bạch Đức Thế Tôn, có hai con đường, Đức Thế Tôn nên ngự đi con đường nào trong hai con đường này:

- Một con đường dài 30 do tuần, đầy nguy hiểm và có nhiều phi nhân, không có nơi khất thực và chỗ ở.

- Một con đường dài 60 do tuần, được an toàn, vì có làng xóm, chỗ ở và khất thực dễ dàng.

Đức Thế Tôn dạy:

- Này Ananda, Sīvali có đi trong đoàn Tỳ Khưu phải không?

- Bạch Đức Thế Tôn, có Ngài Đại Đức Sīvali cùng đi trong đoàn.

Đức Thế Tôn dạy:

- Như vậy, Chư Tỳ Khưu nên đi theo con đường dài 30 do tuần. Để biết rõ được quả phước thiện của Sīvali.

Đức Phật cùng đoàn Tỳ Khưu Tăng đông đảo ngự theo con đường dài 30 do tuần. Tất cả Chư Thiên hay tin Đức Phật cùng đoàn Tỳ Khưu Tăng đông đảo, trong đó có Ngài Đại Đức Sīvali kính yêu của họ, đang ngự dọc theo con đường này, nên vô cùng hoan hỷ. Cứ mỗi do tuần, Chư thiên lại hoá ra một kinh thành trù phú có dân chúng đông đúc, có những ngôi chùa lớn, trong mỗi ngôi chùa, lại hoá ra một cái cốc lớn dành cho Đức Phật và những cốc nhỏ dành cho những vị Tỳ Khưu. Trong các cốc đó có đầy đủ những vật dụng cần thiết của bậc xuất gia, để tiếp đón Đức Phật và đoàn Tỳ Khưu Tăng.

Khi Đức Phật cùng chư Tỳ Khưu Tăng đi đến đâu Chư Thiên lại hóa ra các cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, hộ độ cúng dường 4 món vật dụng đầy đủ sung túc.

Tất cả Chư Thiên đến hầu đảnh lễ Đức Phật xong, bạch Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài Đại Đức Sīvali của chúng con ở đâu?

Khi gặp được Ngài Đại Đức Sīvali, tất cả Chư Thiên vô cùng hoan hỷ, cho nên các món vật dụng y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men chữa bịnh phát sanh đến Chư Tỳ Khưu Tăng dồi dào, sung túc cho đến khi Đức Phật và đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng rời khỏi nơi ấy.

 Đức Phật cùng đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng mỗi ngày đi được 1 do tuần, cứ mỗi do tuần Chư Thiên hóa ra các kinh thành trù phú, dân cư đông đúc như vậy để hộ độ Đức Phật và đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng, trên suốt quảng đường dài 30 do tuần, cho đến khu rừng, nơi trú ngụ của Ngài Đại Đức Revata.

Ngài Đại Đức Revata hay được tin Đức Phật cùng đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng đông đảo đến thăm, Ngài dùng thần thông hóa ra ngôi chùa lớn để Đức Phật thuyết pháp và là nơi hội họp của Chư Tỳ Khưu Tăng; hóa ra cốc Gandhakuti đầy đủ tiện nghi dâng lên Đức Phật, và những cốc nhỏ khác cho những vị Tỳ Khưu. Cũng bằng thần thông, Ngài Đại Đức Revata hóa ra một con đường lớn và xinh đẹp để đón rước Đức Phật và Chư Tỳ Khưu Tăng. Đức Phật cùng đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng ngự đi trên con đường đó đến ngôi chùa lớn, rồi Đức Phật ngự tới cốc Gandhakuti, tất cả chư Tỳ Khưu mỗi vị vào nghỉ một cốc nhỏ đã hóa sẵn.

Chư thiên ở trong rùng vô cùng hoan hỷ đón rườc Đức Phật và Chư Tỳ Khưu Tăng, trong đó có Ngài Đại Đức Sīvali vô cùng kính yêu của họ. Chư thiên cũng hóa thành những cận sự nam, cận sự nữ biết được đã quá giờ thọ thực nên họ chỉ làm nước trái cây dâng lên Đức Phật cùng Chư Tỳ Khưu Tăng. Mỗi ngày Chư Thiên hoan hỷ cúng dường 4 món vật dụng đến Đức Phật và Chư Tỳ Khưu Tăng. Rất đầy đủ sung túc. Do quả phước thiện của Ngài Đại Đức Sīvali, suốt nữa tháng Đức Phật cùng đoàn Chư Tỳ Khưu Tăng ngự ở khu rừng luôn được Chư Thiên kính yêu và dâng lên các món y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc chữa bịnh một cách đầy đủ, dồi dào sung túc chưa từng có bao giờ.

Một hôm Chư Tỳ Khưu hội họp bàn về chuyện Ngài Đại Đức Sīvali có nhiều quả báu phước thiện đặc biệt nhất, không chỉ phát sanh 4 món vật dụng đến Ngài Đại Đức Sīvali mà còn đến cả Chư Tỳ Khưu Tăng dù bao nhiêu cũng vẫn sung túc đầy đủ. Thật là điều phi thường! Không chỉ có các hàng cận sự nam cận sự nữ đem 4 món vật dụng đến cúng dường Ngài Đại Đức Sīvali và Chư Tỳ Khưu Tăng, mà còn có cả Chư Thiên, Long Vương… cũng đem 4 món vật dụng lên dâng cúng Ngài Đại Đức Sīvali và Chư Tỳ Khưu Tăng nữa. Các Tỳ Khưu đang bàn luận, khi ấy Đức Thế Tôn ngự đến bèn hỏi:

- Này Chư Tỳ Khưu, các con đang bàn về chuyện gì thế?

- Chư Tỳ Khưu bạch Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang bàn về quả phước thiện đặc biệt nhất của Ngài Đại Đức Sīvaliđã làm cho phát sanh 4 món vật dụng đến Ngài Đại Đức và Chư Tỳ Khưu Tăng dù nhiều bao nhiêu cũng vẫn đầy đủ sung túc.

Nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn chủ trì một buổi hội Chư Đại Đức Thánh Tăng. Đức Thế Tôn tuyên dương cho toàn thể các hàng đệ tử biết rằng:

- Này Chư Tỳ Khưu, Sīvali là bậc Thánh Thanh Văn đại Đệ tử có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Như Lai.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này Chư Tỳ Khưu, Sīvali có tài lộc nhiều là do nhờ quả báo của phước thiện đã tạo ở những kiếp quá khứ.

Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Thế Tôn cùng 500 vị Tỳ-kheo đến giảng pháp ở trụ xứ của Tôn giả Revata và phải băng qua một sa mạc hoang vu không an toàn dài khoảng 30 dặm; nơi đây không có dân cư để cúng dường thực phẩm. Trước lúc khởi hành, Đức Phật đã hỏi Tôn giả A-nan xem có Sivali đi cùng không, bởi lẽ Đức Phật biết rằng nếu có Tôn giả Sīvali hiện diện trong tăng đoàn hoằng pháp thì dù có đến nơi xa vắng hoang vu, tăng đoàn sẽ không bị đói và không bị nguy hiểm. Bởi vì do phước báo đặc biệt “Phước Lộc Đệ Nhất” của Tôn giả mà các vị thiện thần (devatā) sẽ tùy duyên hóa hiện thành làng mạc, dân cư đông đúc an toàn bảo vệ cũng như hóa hiện có nhiều người cúng thí để cúng dường tứ vật dụng lên Đức Thế Tôn và tăng đoàn.

Đức Phật đã từng giảng về lý nhân duyên liên kết của quá khứ-hiện tại-tương lai. Quá khứ làm nhân cho hiện tại. Hiện tại là quả của quá khứ và nhân của tương lai. Tương lai là quả của hiện tại và tiếp nối. Hiện tại tôn giả Sivali sở dĩ được mệnh danh là Phước Lộc Đệ Nhất, sự hiện diện của ngài sẽ khiến tất cả mọi người xung quanh đều no đủ, đó là do nhân thắng duyên quá khứ nhiều kiếp, nhiều đời ngài đã gieo trồng như Đại Phật Sử đã kể chuyện tiền thân của ngài Sivali đã thành tâm cúng dường liên tiếp bảy ngày lên Đức Phật Liên Hoa Thắng Như Lai để nguyện tương lai làm vị tài lộc đệ nhất trong tăng đoàn của Đức Phật. Tích Chuyện kinh Pháp Cú cũng đã kể dưới thời Đức Phật Tỳ-bà-thi, tiền thân của tôn giả Sivali đã cúng dường 1000 đồng tiền, mật ong và bơ sữa tươi (vo thành viên như  thuốc quý) và năm loại hương thơm để cầu tài lộc đầy đủ trong tương lai. Ngoài ra còn có nhiều chuyện tiền thân Asātarūpa (Jataka 100), Thánh nhân ký sự (Apadāna), Chú giải trưởng lão Tăng kệ, Chú giải kinh Tăng chi bộ, và vv…đã mô tả nhân duyên tạo phước quá khứ của ngài, đặc biệt nhấn mạnh mặc dù tiền thân của Tôn giả Sīvali nghèo nàn quê mùa và lễ phẩm tuy đơn sơ, nhưng ngài đã cúng dường với tất cả lòng thành kính, không vì hám lợi mà bán món hàng cúng dường của mình cho người khác, không vì hám tiền nhiều mà bỏ mất cơ hội cúng dường Đức Thế Tôn để tạo nhân tốt cho quả hiện tại và tương lai.

Trước nắng xuân rực rỡ của năm mới 2020, bắt đầu những ngày của năm, kính chúc quý Phật tử luôn gieo nhân lành để gặt quà lành thì Thần Tài Sivali sẽ đến với tất cả.

Nam Mô Đệ Nhất Phước Báu Tôn Giả Si-va-li tác đại chứng minh.

Xuân Hương Sen, ngày 01/01/2020

Thích Nữ Giới Hương

(This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

 

[1] Tích truyện Pháp cú, tập 2, Thiền viện Viên Chiếu, dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr. 69.

[2] Cuộc Đời Thánh Tăng Sivali - Tỳ khưu Viên Minh & Tỳ khưu Khánh Hỷ. http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/5497-Cuoc-doi-Thanh-Tang-Sivali.html

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm