Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

51 Bi An Gia Ma Thien

Thuở xa xưa, trong ký ức lan man của cô, có nhiều cái lại sâu sắc, tới giờ vẫn chưa quên. Ba cô thích đọc sách, có sách tiếng Việt, có sách tiếng Pháp. Ba cô thì ngủ trên một bộ ván gõ, rất lớn, hơn giường “king size” bây giờ. Mỗi tối, sau khi tụng kinh lễ Phật trước bàn Phật xong, ba cô vô mùng, ngồi xếp bằng trên bộ ván gõ. Má cô thì ở phòng bên kia với mấy đứa em nhỏ của cô. Có lần cô hỏi ba cô:

- Ba ngồi chi vậy?

 - Ba tu. Chỗ cái “gap” đó.

- Cái “gap” là cái gì?

- Ở giữa hai câu nói, kêu là cái “gap”.

Lúc đó, chắc cô đang học đệ tam, đệ nhị gì đó, cũng 17- 18 rồi, mà cô không hiểu gì hết, cũng không thắc mắc để hỏi thêm. Nên ba cô cũng không giải thích thêm nữa. Lúc đó chắc đầu óc cô chỉ lo học cho cái bằng Tú tài thôi, và có chút thì giờ rảnh là thơ với nhạc, là mộng với mơ. Cho nên cái “gap” nó rơi vô nằm im trong ký ức dài hạn cho tới bây giờ.

Cô mới vừa tìm hiểu cái “gap” là cái gì. Thì ra đó là cái khoảng trống giữa hai vật, khoảng trống giữa hai câu nói, khoảng trống giữa hai ý nghĩ. Tới đây chắc các em đã nhận ra nó rồi.

Chỗ đó là chỗ mà Thiền nhắm tới. Làm sao đạt được nó là đạt được tất cả.

 

Kinh Nikàya, Đức Phật dạy:

-      “Không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng” khi giác quan tiếp xúc với đối tượng. Tức là không khởi ra ý nghĩ nào hết, thì tâm ngay đó ở trạng thái trống không.

-      “Dứt tầm, dứt tứ” thì cũng vô chỗ cái “gap” của tâm.

-      “Đi tuệ tri đi, đứng tuệ tri đứng v.v... trong kinh Niệm xứ cũng vậy. Chỉ có cái biết thôi, thì cái biết trống không.

Trong Tổ sư Thiền, chư Tổ thường bất ngờ tác động vào các giác quan của đệ tử. Nếu ngay đó, người đệ tử sững sờ, bặt hết suy tư, tâm bất chợt dừng lại, vị này sẽ rơi vào trạng thái Biết rõ ràng, không lời nói thầm. Đó là trạng thái Định sát na, nếu nó chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Nếu Định kéo dài vững chắc thì là mức độ định sâu, sẽ có kiến giải. Thí dụ: ngài Mã Tổ vặn mũi ngài Bá Trượng. Ngài Trần Tôn Túc đóng nhanh cánh cửa đập vào chân ngài Vân Môn. Hai trường hợp này, hai vị nhận ra trạng thái tâm yên lặng trống rỗng qua tánh xúc chạm. Trường hợp ngài Huệ Năng khi nghe ngài Hoằng Nhẫn giảng kinh Kim Cang, hay ông Bàhiya nghe Đức Phật giảng pháp, hai vị ở trong trạng thái định sâu, nên cả hai có kiến giải về trạng thái tâm của mình.

 

Pháp môn Thiền Công Án về sau cũng khai triển chỗ đó:

 

Inline image

Khi cho thiền sinh tham khảo công án, là các vị thiền sư muốn cho học trò mình bế tắc trí năng, dừng suy tư, khi đó liền vào chỗ tâm biết trống không tĩnh lặng hoàn toàn. Thí dụ những câu bí hiểm tréo ngoe, ngược luận lý, không thể giải thích: “Cầu trôi nước đứng”, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, bản lai diện mục (bộ mặt thật xưa nay) của ông là gì?”, “Con có Phật tánh không? – Có. Con chó có Phật tánh không? - Không”, “Tiếng vỗ của một bàn tay” v.v...

 

Thiền Thoại đầu cũng vậy, mục tiêu là làm sao cho người đệ tử nhận ra khoảnh khắc biết rõ ràng mà hoàn toàn yên lặng, trước khi suy nghĩ, hay trước khi nói. Hay là cái khoảnh khắc trống rỗng giữa hai niệm.

Nói chung, là cái trạng thái Biết Không Lời, hoàn toàn tĩnh lặng của tâm ở giữa hai niệm. Gọi là cái “gap”.

Thí dụ: Ai kéo cái thây chết? Phải nhận ra trước khi khởi niệm nói câu này, thì là cái gì?

Tóm lại, chỗ quan trọng nhất của Thiền là làm sao cho tâm của mình hoàn toàn yên lặng và có cái biết rõ ràng chính cái trạng thái tâm mình lúc đó. Tuy nhiên vì mình thường hay khởi niệm, nên khó nhận ra cái khoảng trống giữa hai niệm, chính là cái “gap”, chỗ này là cái Biết không lời, là niệm chân như (theo ngài Mã Minh nói) hay niệm vô niệm (theo Lục tổ Huệ Năng). Trạng thái tâm đó lại chính là bản thể thanh tịnh của tâm mỗi người. Vì nhiều đời, nhiều năm tháng chúng ta huân tập thói quen nói thầm, nên bây giờ chúng ta phải kiên nhẫn thực tập trở lại một thói quen mới: tâm dừng lại, đứng yên, không nói thầm.

Inline image

 

Bao nhiêu mẫu chuyện bí ẩn của Thiền, các trường hợp Ngộ, hay sáng đạo, các cách giải thích khó hiểu: không thể nghĩ bàn, không thể nói tới v.v... đều là chỉ cho chỗ đó. Là chỗ ngoài lý luận, ngoài lời. Thực sự nó không có tên. Nhưng muốn giảng ra, người ta phải cho nó tên. Nó cũng là một tiến trình từ thô sơ đơn giản, trong một khoảnh khắc (tạm gọi là “gap”)  đi tới vững chắc hơn (samatha), kéo dài và sâu sắc (samàdhi).

 

Kinh gọi nó là Chánh niệm/ Chánh niệm tỉnh giác/ Chánh niệm như vậy

Niệm chân như/ Niệm vô niệm

Định/ Tánh Giác/ Phật tánh

Tâm Không/ Tâm Như/ Niết bàn/ Pháp thân

Kinh Pháp Hoa gọi là Viên ngọc châu trong chéo áo/ viên ngọc châu trên búi tóc/ Phật tri kiến

Mình tạm đặt tên là cái Biết Không Lời/ Nhận thức biết không lời

Kết luận, chỗ phát huy trí huệ siêu vượt, chỗ tâm hoàn toàn khách quan, vô ngã, là “chỗ đó”. Từ có nhận thức rõ ràng về tâm biết tĩnh lặng trong sáng này, mình cứ kiên nhẫn thực hành hoài trong đời sống hằng ngày là mình sẽ đạt được tất cả: sức khỏe tốt, hài hòa trong tất cả hoàn cảnh sống, chính mình an lạc và đem an lạc tới cho tất cả mọi người khi mình tiếp cận.

Có vô số con đường đi tới kinh nghiệm Biết không lời. Từ đây đi mãi sẽ tới mục tiêu cuối cùng.

Con đường đi không khó phải không các em?

Thích Nữ Triệt Như

18- 7- 2020

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm