Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

41 Phap Kính


Trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn, thuộc Trường Bộ Kinh, khi ngài A Nan hỏi Đức Phật về hậu vận của các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sau khi mệnh chung, họ đi về cảnh giới nào. Đức Phật cuối cùng dạy phương thức dùng Pháp Kính để biết hậu vận của chính mỗi người, bằng vào lòng tin đối với Tam Bảo khi còn sống.

Chúng ta đọc lại đoạn kinh này sau đây:

“8. Này Ananda, thật không có gì lạ, vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này thời Ananda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai. Này Ananda, vì vậy ta sẽ giảng Pháp kính (Gương chánh pháp) để Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: "Đối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác".

  1. Này Ananda, Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: "Đối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác".

 Này Ananda, vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với đức Phật: "Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

Vị ấy có chánh tín đối với chánh pháp: "Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu".

 Vị ấy có chánh tín đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân chánh tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trực tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời, cụ túc giới hạnh, được bậc Thánh mến chuộng, được viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, những giới hạnh đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị ảnh hưởng bởi đời sau, hướng dẫn đến thiền định".

Này Ananda, chính Pháp kính này mà Thánh đệ tử sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau: "Đối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác".

 

Nếu chúng ta đọc phớt qua, có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng: “A sao dễ quá!

Chỉ tin Tam Bảo thôi, thì mình đã quy y Tam Bảo rồi, vậy chắc là mình xem như được quả Dự Lưu!”

Tuy nhiên, suy gẫm lại. Không phải đơn giản. Trong giới hạn của bài chia sẻ này, cô chỉ gợi ý để các em tìm hiểu, khảo sát thêm, như là phương thức <Văn- Tư- Tu>, hay <Như Lý Tư Duy> mà Đức Phật vẫn thường sử dụng.

CHÁNH TÍN ĐỐI VỚI PHẬT:

Trước nhất cô giải thích sơ lược về 10 danh hiệu của Đức Phật.

-      A la hán: bậc đã sạch hết lậu hoặc, hay đã chấm dứt tam độc: tham, sân, si; hay bậc đã đoạn trừ tất cả pháp ác, bất thiện.

-      Chánh đẳng giác: trí huệ giác ngộ hoàn toàn, thông suốt tất cả những chân lý rốt ráo chi phối con người và vũ trụ.

-      Minh Hạnh túc: minh là trí tuệ sáng suốt, hạnh là đức hạnh, hạnh sống; túc là đầy đủ. Nghĩa chung là hoàn toàn đầy đủ trí tuệ và đức hạnh.

-      Thiện thệ: khéo léo vượt qua (các cõi luân hồi sinh tử)

-      Thế gian giải: thông hiểu tất cả những sự kiện trên thế gian.

-      Điều Ngự trượng phu: bậc tài trí anh hùng điều phục được tâm mình và tâm người khác.

-      Thiên nhơn sư: bậc thầy của cõi Trời và cõi người.

-      Phật: đấng giác ngộ, tỉnh thức hoàn toàn.

-      Thế Tôn: bậc cao qui trên đời.

Đây là 10 danh hiệu theo kinh Đại Bát Niết Bàn. Có chỗ nói 2 danh hiệu đầu khác: Như Lai ứng cúng, Chánh biến tri.

Như Lai ứng cúng: bậc đến từ chỗ như như bất động, xứng đáng được cúng dường.

Chánh biến tri: trí huệ hiểu biết đúng chân lý và phổ quát cùng khắp.

Phần này đòi hỏi mình phải nhận ra rõ ràng đức hạnh cao quí và trí tuệ thấu suốt vũ trụ và nhân gian của Đức Phật. Thì lòng tin của mình mới gọi là chánh tín. Trong 1 bài kinh khác, Đức Phật có phân biệt người phàm phu xưng tán Như Lai về các mặt: không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, khổ hạnh, v.v.. Người trí xưng tán Như Lai về thành đạt các tầng Thiền, thì mới là chánh tín đối với Đức Phật.

+ Sau đây, ta xét tới CHÁNH TÍN ĐỐI VỚI CHÁNH PHÁP.

 

Inline image

Đặc điểm của chánh pháp là:

-      Do chính Đức Phật giảng dạy.

-      Thiết thực: áp dụng trong đời sống con người, không mơ hồ, viển vông, không bí hiểm.

-      Đó là những chân lý đúng muôn đời

-      Ta phải đến tận nơi, thấy nghe, học, thực hành rồi mới tin.

-      Kết quả: đưa tới giái thoát, không còn phiền não.

-      Người có trí phải tự mình hiểu biết và tu tập.

Như vậy phần này đòi hỏi ta phải có trí tuệ trước nhất, đễ học hỏi, nghe giảng, thực hành, chứng nghiệm rồi mới là thấy chánh phápThấy tức là chánh tín đối với chánh pháp.

CHÁNH TÍN ĐỐI VỚI CHÚNG TĂNG:

 Chúng Tăng có những đặc điểm:

-      Là đệ tử Đức Phật

-      Chân chánh tu hành: giới luật trong sạch.

-      Chân trực tu hành: hạnh tu chân thật, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy.

-      Chân trí tu hành: trí tuệ hiểu đúng chân lý.

-      Chân tịnh tu hành: tâm thanh tịnh, dừng lặng, như trong định.

-      Bốn đôi tám vị: nhiều vị giảng như thế này: A la hán đạo có 4 bậc, mỗi bậc có 2 vị (người đã đạt quả Tu đà hoàn/ Tư Đà hàm/ A na hàm/ A la hán, và người đang hướng tới quả Tu đà hoàn/ Tư đà hàm/ A na hàm/ A la hán). Điểm này, có thể cần phải tham khảo thêm.

-      Đáng được cúng dường, chiêm ngưỡng, giới hạnh đầy đủ, không tỳ vết, không ô nhiễm, đưa tới giải thoát v.v....

Phần này có thể là khó khăn đối với chúng ta. Vì sao? Tăng ở đây không phải giới hạn trong tăng đoàn thời đức Phật còn tại thế. Chúng Tăng thời nào cũng là đệ tử đức Phật, Nhưng trong thực tế, không phải vị nào cũng đạt được những điều kiện: giới hạnh không tỳ vết, không ô nhiễm. Vậy làm sao chúng ta có được hoàn toàn lòng tin?

Trong văn kinh có một ý như thế này “được người trí tán thán”. Chúng ta phải là người trí thì mới thấy được chúng Tăng là ruộng phước muôn đời. Nếu còn phân biệt người này lỗi này, người kia lỗi kia, thì đó là lấy tâm phàm phu mà xét người khác. Khi mình nhìn thấy trọng trách của Tăng là nối tiếp gieo rắc giòng giõi giác ngộ thì mình mới có được chánh tín nơi chúng Tăng. Khi nào không còn Tăng thì Phật và Pháp cũng sẽ không còn.

Tóm lại, Pháp Kính, muốn ứng dụng cũng không phải đơn giản. Nhất là tự mình phải nhận biết chính mình đối với Tam Bảo ra sao?

Và mình cũng không thể đoán biết tâm của người khác ra sao?

Kết luận lại, cũng theo qui luật nhân quả, muốn cho đời sau sanh vào cõi trời hay cõi người có thuận duyên để tiếp tục tu nữa thì phải:

 

+ đặt trọn niềm tin, một cách chân thật và sáng suốt vào trí tuệ và đức hạnh của đức Phât Thích Ca, và chư Phật.

+ đặt trọn niềm tin vào chánh pháp, là những chân lý muôn đời do Đức Phật giảng dạy, sau khi mình học hiểu và thực hành có kết quả đúng.

+ đặt trọn niềm tin vào chúng Tăng, là những bậc có trí tuệ và đức hạnh đang trên đường đi tới mục tiêu giải thoát. Vì lý do là tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ, giải thoát.

Vậy hôm nay cô nhắc lại cho các em một bữu bối thần diệu, có thể soi chiếu thấy tới đời vị lai, mà Đức Phật với lòng từ mẫn, đã ban cho mình.

Thích Nữ Triệt Như

28- 6- 2020

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm