Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

CAO HUY THUẦN

 Image result for hinh tri tue va phat hoc

Hồi nhỏ, tôi học một bài tập đọc trong Quốc văn Giáo khoa thư lớp ba, phỏng theo một chuyện ngụ ngôn mà chắc ai cũng biết. Một bác nông phu cày ruộng ven rừng, dùng roi quất vào lưng con trâu, sai khiến thế nào trâu cũng ngoan ngoãn vâng theo. Từ ven rừng, một con cọp thấy vậy, ngạc nhiên hỏi con trâu: “Mày to xác thế kia, thằng người ấy nhỏ choắt, sao mày để nó sai khiến như vậy?”. Trâu đáp: “Nó nhỏ choắt nhưng nó có trí khôn". Cọp không biết trí khôn là gì, bảo bác nông phu: “Này, trí khôn là gì, lấy ra tao xem. Bác nông phu nói: “Thưa ông, trí khôn tôi để ở nhà”. “Thì mày về lấy, đem tới đây!”, cọp nóng ruột ra lệnh. Bác nông phu nói: “Nhưng tôi đi rồi thì ông xơi mất trâu của tôi. Nếu ông vui lòng để tôi trói ông lại vào gốc cây kia, rồi chạy về nhà cũng không muộn.” Cọp bằng lòng. Bác nông phu trói cọp lại, lấy hèo phang vào ông hổ, vừa phang vừa nói: “Trí khôn của tao đây!”.

Đó là bài học thời con nít. Lớn lên, đọc chuyện nước ngoài, mê cái chuyện Orphée trong thần thoại Hy Lạp. Orphée là thần của thi thơ và âm nhạc. Tiếng hát và tiếng đàn của chàng chinh phục tất cả, người, thú, cây cối, đá cuội, giông bão, biển khơi,.. Dĩ nhiên rồi, phụ nữ nào cũng mê chàng, nhưng chàng chỉ yêu một người và cưới làm vợ: Eurydice. Chẳng may, Eurydice bị rắn cắn chết. Đau khổ, chàng nhất quyết đi tìm lại vợ, dù phải vào tận âm cung. Con chó ngao gác cổng âm cung nghe tiếng đàn của chàng, mời chàng vào. Bao nhiêu thần linh trong ấy đều bị chàng chinh phục, đồng ý cho phép Eurydice trở lại dương thế. Chỉ với một điều kiện: Orphée không được ngó lui nhìn Eurydice đi ở sau lưng, như vậy cho đến khi thấy ánh sáng ban ngày. Điều kiện gì mà dễ ợt! Orphée đi thẳng, đã đến gần cổng của con chó ngao, bỗng sinh nghi, sao không nghe bước chân ai ở đàng sau, chẳng lẽ mấy bác thần kia lừa mình? Chàng ngó lui: lập tức Eurydice biến mất.

Hai chuyện nhỏ, tưởng chẳng có gì liên quan vói nhau. Vậy mà đó là hai vế của một vấn đề mà ai có chút tìm hiểu vê tôn giáo đều biết.

Chuyện thứ nhất, trẻ con đều hiểu: bác nông phu là “khôn”, con cọp là "ngu”. Nhưng câu chuyện ấy nói “trí khôn” chứ đâu chỉ “khôn”? Trẻ con bỏ qua mất chữ “trí”: con người có “trí khôn” vì con người có “trí”. Ai đọc các chuyện tiền thân của Phật đều để ý: chuyện nào cũng nói về“người trí”. Trí tuệ là khả năng quan trọng tột cùng trong đạo Phật. Dù là kinh sách bác học, dù là chuyện kể bình dân, đâu cũng bàng bạc lời dạy về trí tuệ.

Chuyện thứ hai, hồi trẻ tôi cũng hiểu vấn đề là hoài nghi, nhưng chỉ hiểu ngang mức triết lý, nhất là vừa học Descartes ở ngưỡng cửa đại học. Lớn hơn nữa rồi mới biết: đau đớn vô cùng là hoài nghi trong lĩnh vực tâm linh, khi sinh nghi nảy ra trong lòng tin của mình. Đây là tình trạng mà các tôn giáo độc thần đều biết.

Hai vế mà tôi muốn nói ở đây là trí tuệ và lòng tin. Vấn đề chung liên kết hai vế là hoài nghi. Thế nào là hoài nghi trong lòng tin? Có chăng hoài nghi trong ánh sáng của trí tuệ? Tin, là vượt qua lý trí? Lý trí không cần đến niềm tin? Đây chỉ là một kinh nghiệm sống của tôi, nói ra không ngoài mục đích chia sẻ kinh nghiệm riêng với bạn bè.

Lòng tin: tất cả các tôn giáo độc thần đều đặt tất cả sức mạnh trên lòng tin. Đạo Do Thái, đạo Thiên chúa, đạo Hồi đều tin có Thượng Đế. Đạo Thiên chúa tin Giê-su đã và sẽ sống lại. Đạo Hồi tin thiên thần Gabriel đã đọc kinh Coran cho Mohamed chép. Sự thật của đạo này là chuyện không thể có được đối với đạo khác. Thánh Phao Lồ, trong Thư gửi cho dân Corinthiens (1, 22 và 23) viết rằng người Do Thái xem như “chuyện động trời” (“scandale”) khi nghe nói đức Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá là con của Thượng Đế, do Thượng Đế gửi xuống trần, còn người ngoại đạo thì cho đó là chuyện “điên” (“folie”). Điên? Xì-căng-đan? Đối với cái gì? Với lý trí. Với lòng tin, đó là chuyện hiển nhiên. Lòng tin quả quyết: lý trí là sai, lý trí không hiểu. Ý nghĩa của chữ “scandale” trong thư của thánh Phao Lồ là như vậy. Nó báo trước tín điều “quia absurdum” được khắc ghi trên Nhà thờ thời Trung cổ ở Âu châu. “Tôi tin vì đó là phi lý”. Lòng tin phát khởi từ trái tim. “Khi tôi có đầy đủ trọn vẹn lòng tin, nếu tôi không có tình thương, tôi sẽ chẳng là cái gì cả”, thánh Phao Lồ viết thế trong thư. Sau này, thế kỷ XVII, Pascal hạ một câu mà lớp trẻ chúng tôi lẩm nhẩm như bùa: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu được.” Sao mà đúng khiếp thế! Nghe rạo rực cả lòng. Lúc trẻ, tưởng như ông ấy nói trong lĩnh vực yêu đương. Đâu phải! Con tim không phải chỉ biết yêu, mà còn biết hiểu, biết thấy, thấy cả cái chỗ tối tăm nhất mà lý trí cho là phi lý.

Con tim - nghĩa là lòng tin - còn hiểu được cái “phi lý” đối với luận lý cổ điển khi Giáo hội Thiên chúa thiết lập tín điều “Thượng Đế ba ngôi”, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thiên Thần, sau khi Giê-su mất. Lòng tin được thánh Augustin (354-430) đặc biệt đề cao - ai không tin thì không hiểu: “Hiểu là phần thưởng của lòng tin. Đừng tìm hiểu để rồi mới tin, mà phải tin để hiểu, bởi vì ai không tin sẽ không hiểu.” Lòng tin là động lực đầu tiên: nó là đầu tiên bởi vì nó là do ân huệ của Thượng Đế. Thượng Đế ban cho ân huệ ấy một cách vô tư, hồn nhiên, chẳng phải vì con người có gì xứng đáng để được hưởng. Vì thế, “phúc thay cho ai không thấy mà tin”. Tin như thế mới là tin, tin những gì mình thấy thì quá tầm thường. Thượng Đế là tất cả, là mục đích. Con người nhỏ nhoi.

Thế nhưng tiến bộ của lịch sử dần dần mở mang lý trí của con người. Các lý thuyết gia tôn giáo cũng phải tìm cách đưa lý trí vào thần học. Đạo Hồi có Averroès. Đạo Do Thái có Maimonide ở thế kỷ XII. Đạo Thiên chúa có thánh Diomas d'Aquin ở thế kỷ XIII. Vị thánh này muốn đưa Aristote - vừa được khám phá - vào Thần học, mở ra một cuộc cách mạng nhỏ lúc đầu bị phủ nhận: lý trí và lòng tin không thể tách rời ra khỏi nhau, lý trí không thể xác quyết sự thật nằm sâu trong nền móng của lòng tin, nhưng có thể chỉ cho thấy sự thật ấy là có thể có. Bằng kinh nghiệm về thế giới hữu hình, con người có thể lý luận để đạt đến tri thức về trật tự thiên nhiên, thì cũng như thế, lý trí có thể, bằng những phương cách riêng của mình, vươn đến tận nguồn gốc của trật tự ấy tức là Thượng Đế, tuy không thể chứng minh được. Như vậy, lòng tin và lý trí không mâu thuẫn nhau, cả hai đều đến từ Thượng Đế, cả hai đều là ân huệ của Thượng Đế, mà Thượng Đế thì không mâu thuẫn.

“Thần học có lý tính” (“théologie rationnelle”) ấy của thánh Thomas khó mà trụ được dưới thời Phục Hưng ở Âu châu, khi lý tính được phát triển như một khả năng độc lập, dưới ảnh hưởng rực rỡ của tư tưởng Hy Lạp đã mất dấu từ lâu bỗng được khai quật ra ánh sáng. Sau đó thì ai cũng biết: với Galilée, với Copernic, lòng tin không làm cho mặt trời xoay quanh quả đất và khoa học không kể chuyện trăng sao bằng cổ tích hay bằng một giấy khai sinh không có thị thực, mà bằng cái kính không biết tưởng tượng, thấy gì nói nấy. Ở thế kỷ XVII, Pascal bị dằn vặt dữ dội giữa con người bác học của ông và con người sùng tín trong ông, giữa lý trí và lòng tin, vừa chống đối vừa bổ túc, vừa thù nghịch vừa bất khả phân ly. Cuối cùng thì ông phải thừa nhận sự hiện hữu của Thượng Đế là không thể chứng minh được bằng lý tính và “tôi tin vì đó là phi lý”. Bọn trẻ chúng tôi ngày trước, mê quá, nói một câu tiếng Tây chưa ra hồn nhưng miệng thì leo lẻo “le coeur a des raisons...” muôn đời tươi rói của ông.

Hãy yêu rồi mới biết tin là gì. Yêu là bước đầu. Yêu Thượng Đế thì Thượng Đế yêu lại, nghĩa là thấy Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế vô hình thì đến thế nào, từ đâu? Từ thần khí của Thượng Đế. Ngôn ngữ yêu thương ấy tiếp nối nguồn gốc, tiếp nối Pascal, nhắm vào trái tim. Bởi vì không phải cái lý là mạnh nhất trên đời: chính là cái phi lý. Ai muốn hiểu thế giới ngày nay thì hãy nghĩ đến chữ "passion”. Nhưng đây là tôi nói đến trái tim non của chúng tôi ngày trước, đẹp và trong trắng như của Pascal, không phải của bọn ném bom hay ném thù hận. Trái tim ấy là đối tượng của tôn giáo, ngôn ngữ bay lên như cánh của thiên thần. Tôi trích một câu trong quyển sách đang đọc:

“Thần khí đến chẳng cho ai hay biết, mang tình thương của Thượng Đế đến ngự trong lòng. Ai không từ chối tình thương ấy đều trở thành người yêu của Thượng Đế duy nhất, bởi vì Thượng Đế duy nhất đã thương họ đầu tiên”.

Không từ chối tức là đã yêu và được yêu, mà lại còn được yêu như là những người đầu tiên, trước cả những người đã yêu thực sự. Lấy lý trí ra mà đọc câu ấy, thấy nó thiếu lô-gích. Nhưng đó là lô-gích của trái tim. Hồi trẻ, tôi rất thấm ngôn ngữ này và có cảm tưởng hiểu ý nghĩa đến tận xương tủy. Đồng lõa với Pascal, tôi hạ bệ lý trí. Trưởng thành hơn, có chút kinh nghiệm sống, tôi mới biết sợ trái tim, không phải vì nó đã già - có bao giờ nó già đâu - mà vì đưa lên thiên đường là nó mà đưa xuống địa ngục cũng là nó. Nó biết thấy, nhưng nó cũng biết mù, mù mà cứ đòi dẫn đường, lại còn độc quyền lãnh đạo.

* *

Trái tim không phải là chữ “tâm” trong đạo Phật. Niềm tin trong đạo Phật cũng không phải gửi đến một Đấng Cao Xa nào, mà gửi đến con người. Cứu cánh của một bên là Thượng Đế, của bên kia là giải thoát. Tự mình giải thoát. Tự mình thắp đuốc. Đuốc ấy là trí tuệ.

Trí tuệ dạy: đừng tin vào những gì vì người khác nói, đừng tin một điều gì vì được tập quán lưu truyền, thậm chí đừng tin một điều gì vì nghĩ rằng đó là uy thế của kinh điển, thậm chí đừng tin một điều gì vì nghĩ rằng đó là do thầy mình nói ra. Ai bắt đầu học đạo Phật đêu biết đó là lời Phật dạy trong kinh Kalama. Vậy thì tin vào cái gì? Cái gì, việc gì tự mình chứng nghiệm. Tự mình chứng nghiệm rằng việc đó là bất thiện và đưa đến đau khổ. Tự mình chứng nghiệm rằng việc đó là thiện và đưa đến hạnh phúc. Tham sân si, cứ chứng nghiệm đi rồi biết có đau khổ hay không. Bỏ tham, bỏ sân, bỏ si, chứng nghiệm đi rồi thấy có nhẹ nhàng hơn không. Chứng nghiệm trên sự việc, nên cái biết ấy của trí tuệ là biết xác thực. Đối tượng của trí tuệ là sự việc, là sự kiện, là cuộc đời, là con người, là chính ta, không phải là một “Đấng siêu hình” mà không ai dám nói mình biết rõ. Trên sự việc, cái biết của trí tuệ có thể phát triển đến tột cùng, bằng năng lực của quán, của định, của thiền.

Mắt thịt, mắt chư thiên

Vô thượng mắt trí tuệ

Từ đây trí khởi lên

Tuệ nhãn là tối thượng.

Ai chứng được mắt ấy

Giải thoát mọi khổ đau.

Đâu phải là chuyện cao xa! Tây phương ngày nay, cái từ “mindfulness” đã thành phổ thông. Có gì đâu: đó là chánh niệm, chánh định, chánh tư duy áp dụng vào xã hội hỗn tạp ngày nay. Đó là công việc của trí tuệ. Một phút trước khi cuồng tín ném bom hoặc ném hận thù, biết lấy gì ngăn lại ngoài một tích tắc mindfulness? Nơi cái tích tắc ấy, địa ngục biến thành thiên đường. Phép lạ đến từ trí tuệ, không từ đâu khác. Trí tuệ là khó đạt, đạo Phật đòi hỏi cái khó, đúng vậy. Nhưng đi không phải là đến ngay: đi là chứng nghiệm, mỗi bước là mỗi thấy, rõ hơn, thấy rồi lại càng tin, chắc hơn, nhưng đó là tin ở mình. Cái khác giữa đạo Phật và các tôn giáo độc thần là cái vị thế chủ nhân của con người trí tuệ. Tôi mượn một câu trong quyển sách best-seller mà tôi đang đọc vì tác giả, bà Barbara Taylor, là mục sư. Bà viết: “Trong đạo của tôi, đức tin là thiết yếu - đặc biệt là tin những điều khó tin. Trong đạo Phật lòng tin là một sự lựa chọn. Cứ thử đi rồi thấy, đức Phật nói thế. Cứ đi theo con đường ấy một thời gian rồi tự mình quyết định cái gì là thật. Lời mời gọi đó làm tôi rung động. So sánh với đạo của tôi, hình như truyền thống của tôi rất ít đặt tin tưởng trên khả năng của tôi để quyết định cái gì cho mình”.

Câu này tiếp ngay sau đó: “Hay là có thể truyền thống của tôi ít tin tưởng trên chính khả năng của mình để chống lại cái cách quán xét như vậy.”

Cách soi chiếu vào trí tuệ để tìm cái biết rốt ráo, mỗi người tự làm, tự biết, không ai tuyên truyền áp đặt thực chứng của mình lên ai được, bởi vì như vậy là phản trí tuệ, mâu thuẫn với chính trí tuệ. Giống như hoa hồng của Gandhi, cái gì mà hoa làm là tự thơm, ai muốn hưởng mùi của hoa hồng thì cứ hưởng, hoa không bắt ai phải đừng thở nữa mùi hoa lan, hoa huệ. Bà Barbara Taylor kể lại chuyện về ngài Đạt Lai Lạt Ma mà báo chí đã đăng. Ba nhân vật đạo Do Thái đến gặp ngài ở Dharamsala. Ngài hỏi: “Ông là Do Thái phải không?” Sau khi người kia đáp phải, ngài nói tiếp: “Đạo Do Thái và đạo Phật có nhiều chỗ giống nhau lắm. Ông nên học thêm nữa cả hai tôn giáo để trở thành người Do Thái tốt hơn.” Bà Taylor bình phẩm: Thật khó tưởng tượng một đối thoại như thế giữa một nhà truyền giáo Thiên chúa và một người Phật tử. Nhà truyền giáo ấy có thể bị chỉ trích là đã bỏ lỡ một cơ hội để cứu vớt một linh hồn.

Tôi đã hai ba lần nói đến quyển sách của bà mục sư mà chưa nói đến tên của sách. Nhan đề của quyển sách tôi đang đọc là Holy Envy mà tôi không dịch nổi. Nhưng tôi hiểu ý nghĩa nhờ tiểu đề bổ túc thêm ở dưới tên sách: Tìm thấy Thượng Đế nơi tôn giáo của các người khác. Tác giả vừa là mục sư vừa là giảng viên môn Tôn giáo học tại một đại học ở Mỹ. Khác với bao nhiêu đồng đạo và đồng nghiệp của bà, nhờ dạy cho sinh viên - và dĩ nhiên nhờ một thái độ cấp tiến sẵn có - bà thấm được cái hay nơi các tôn giáo khác nhưng đồng thời bà vẫn giữ niềm tin nơi tôn giáo của bà, cả hai khuynh hướng ấy giúp bà tìm được Thượng Đế rất khó tìm nơi chốn siêu hình. Tôi cũng nhờ đọc sách của bà mà hiểu được cái hay nơi tôn giáo của bà, hay nói cho đúng hơn, cái hay nơi cách bà diễn dịch tôn giáo của bà. Một ví dụ là vấn đề hoài nghi mà tôi đã nêu ra từ đầu. Đây là một cái khác căn bản giữa trí tuệ và lòng tin.


* * *



Vấn đề đã đặt ra ngay trong Thánh kinh. Sau khi Giê-su chết, Ngài hiện về lại trước mặt các tông đồ, đưa hai bàn tay ra, đưa sườn ra để chứng thực rằng đó là những vết thương của chính Ngài, tất cả đều tin ràng Ngài đã sống lại. Tông đồ Thomas không có mặt lúc đó, khi nghe kể lại, nói: “Nếu tôi không để tay trên những dấu đinh, nếu tôi không để tay trên sườn, tôi không tin.” Tám ngày sau, Giê-su hiện về lại, nói với Thomas: “Đưa ngón tay vào đây và thấy bàn tay của ta; đưa tay đây và đặt vào sườn ta: hãy chấm dứt nghi ngờ, hãy tin.” Thomas sờ vào vết thương, đúng là của thầy mình. Giê-su nói: “Vì ông thấy ta, ông tin. Phúc thay cho ai không thấy mà tin.”

Tuyệt vời câu nói mà thánh Augustin đã tuyên thuyết lại. Tôi hiểu đến tận xương tủy câu nói ấy. Nhưng đó là niềm tin cá nhân, niềm tin chủ quan, niềm tin riêng tư nơi mỗi người, không thể chứng minh cho người khác. Bất khả chứng minh, niềm tin đó, ngay cả ở nơi các vị thánh cũng có lúc chao đảo, nghi hoặc, thánh Augustin cũng không tránh khỏi. Bao nhiêu vị khác cũng đã để lại chứng từ: Jean de la Croix (1542-1591), Jean Taulet (1300-1361), Thérèse d’Avlla (1515-1582), Thérèse de Lisieux (1873-1897)... tất cả đều đã trải qua những “đêm tối tăm”, những “đêm không sao”, những “đêm tối tâm linh”, “đêm tối”, “bóng tối”, cô đơn cùng cực, không chút ánh sáng. Paul Claudel, nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao danh tiếng của Pháp giải thích: “Không phải chỉ một lần là họ đi đến ánh sáng ngay. Họ đi đến ánh sáng bằng con đường bóng tối. Cũng không phải họ từ giã bóng tối một lần là xong. Đó là một cuộc đi đi về về thường xuyên giữa bóng tối và ánh sáng”.

Gần ta hơn cả là Mẹ Teresa mà cả thế giới đều khâm phục. Bỗng cả thế giới chấn động khi nghe tin bà thánh ấy nghi ngờ về chính Thượng Đế của bà trong thư từ bút tích để lại, được tìm thấy mười năm sau khi bà mất. Trên trời không có Thượng Đế, trên trời trống rỗng. “Nếu một ngày kia tôi trở thành một bà thánh, chắc chắn tôi sẽ là thánh của bóng tối, tôi sẽ tiếp tục vắng mặt trên thiên đường”. Bóng tối của hoài nghi theo đuổi bà suốt đời. Ngày bà được phong thánh (2003), tờ báo La Croix đưa tít: “Một đêm dài của tranh đấu tâm linh”.

Chẳng lẽ chỉ có thánh mới có đêm đen và bóng tối, còn người thường thì không có sao? Ngược đời, nhưng có thể không phải là không hợp lý. Trang giấy mà tôi đang viết đây là có một cách xác thực, ai cũng thấy như thế, tiếng Pháp gọi là "certitude". Niềm tin siêu hình, như tin có Thượng Đế, là quyết đoán trong nội tâm của cá nhân, tiếng Pháp gọi là “conviction”. Hai cái khác nhau, bản chất khác nhau. Không dựa trên một sự thực hiển nhiên, cũng không dựa trên một sự biết khách quan, lòng tin đương nhiên là có hàm chứa hoài nghi. Ngược đời nhưng hợp lý, càng tin sâu xa chừng nào càng hoài nghi đớn đau chừng đó. Chỉ có những người tin Thượng Đế một cách hời hợt mới vỗ ngực ta chẳng bao giờ hoài nghi và bắt thiên hạ phải vỗ ngực theo. Đó là những người mà Tây phương gọi là “intégristes”, “fondamentalistes”, tự cho mình là trung thành với cái gốc, tất cả hoa lá ở trên đều là phản bội. Lòng tin rất dễ biến thành cực đoan khi tự cho mình là chân lý duy nhất.

Đó là điều mà bà Barbara Taylor phiền trách. Hoài nghi bàng bạc trong khắp quyển sách. Có lúc bà hoảng sợ, sợ Thượng Đế của mình nổi giận khi thấy bà thấm cái hay trong đạo Phật. Nhưng bà có bỏ Thượng Đế của bà đâu, cái độc đáo của bà là bà tìm thấy Thượng Đế của bà trong cái hay đó. Quyển sách là best-seller là vì vậy: vì nó hợp với thời đại toàn cầu hóa, khi đạo Phật chẳng hạn thấm cái hay của mình vào xã hội Mỹ. Vậy thì hoài nghi cũng phải được suy nghĩ một cách khác, như một chuyện bình thường, chẳng có gì đớn đau, cũng chẳng phải là ma quỷ để chối bỏ. Trong cái nhìn đầy “trí tuệ” đó, cách diễn dịch Thánh kinh của bà rất hợp với thời đại. Đây là đoạn đối thoại giữa Giê-su và Nicodemus.

Một chức sắc Do Thái tên là Nicodemus đến gặp Giê-su vào lúc ban đêm. Nicodemus nói: “Chúng tôi biết ngài là thầy đến từ Thượng Đế, bởi vì không ai có thể làm được phép lạ như ngài nếu không được ở cùng với Thượng Đế.” Nicodemus mở đầu tán dương như vậy. Nhưng, bà Taylor kể, ông ta bị Giê-su giáng cho một đòn karatê: “Không ai có thể thấy Vương quốc của Thượng Đế nếu không được sinh ra từ trên ấy.” Câu trả lời có vẻ lạc đề vì Nicodemus đâu có tỏ ý muốn thấy Vương quốc của Thượng Đế. Đúng vậy, nhưng Giê-su muốn Nicodemus biết cái chuyện đầu tiên phải biết là ai đến từ Thượng Đế và ai không đến từ Thượng Đế. Nicodemus không đến từ Thượng Đế thì đừng hòng thấy vương quốc của Thượng Đế. Nicodemus ngẩn ngơ, không hiểu Giê-su muốn nói gì. Ai cũng được sinh ra từ bụng mẹ cơ mà, làm sao sinh ra từ Thượng Đế được? Ông hỏi: “Làm sao mà có người sinh ra lại được khi đã thành người lớn rồi? Làm sao lọt vào được bụng mẹ lần thứ hai để lại được sinh ra?” Rõ là ngớ ngẩn! Chàng Do Thái này chỉ hiểu nghĩa đen, không hiểu nghĩa bóng: “sinh ra lại” là sinh ra lại từ Thần Khí của Thượng Đế. Giê-su phải cắt nghĩa: “Đừng ngạc nhiên nếu ta nói với ông rằng ông phải được sinh ra từ trên ấy”. Và tiếp theo là câu căn bản, câu tuyệt vời của đối thoại: “Gió thổi theo hướng nó chọn, ông nghe tiếng gió nhưng ông không biết gió đến từ đâu và đi đến đâu. Cũng đều như vậy với bất cứ ai sinh ra từ Thần Khí.”

Bà Taylor giảng: Nicodemus đến để tìm hiểu; Giê-su đẩy ông lại vào bóng tối. Như một thằng ngốc, ông ta chẳng hiểu gì cả. ông ta đi đến từ bóng tối, ông ta ra về cũng trong bóng tối. Chi tiết ấy, chẳng mấy ai chú ý. Chỉ giải thích: bác Do Thái kia không hiểu vì ông ta không có lòng tin! Vì ông ta còn ngờ vực! Ông ta không biết rằng ông phải rửa tội để được sinh ra lại từ trên ấy. Nhưng, bà Taylor giảng rất hay, tại sao không hiểu sâu hơn? Thông thường, ông thầy đưa ra một câu hỏi và chờ đợi một câu trả lời đúng. Nhưng, “bạn nghĩ sao nếu Giê-su không phải là một ông thầy kiểu đó? Bạn nghĩ sao nếu mục đích Ngài nhắm không phải là để làm sáng tỏ cho Nicodemus mà để làm ông ta tối tăm thêm, như vậy để vạch ra giới hạn giữa những gì con người có thể hiểu về Thượng Đế và những gì không thể hiểu được?” Câu tiếp theo: “Giê-su nói: “ông không biết”, không phải vì Nicodemus ngốc, mà bởi vì ông ta không phải là Thượng Đế. Ý nghĩa là như vậy và như vậy là người”. Vậy thì cứ hoài nghi, cứ “học đi trong Bóng Tối” và hãy tìm ánh sáng cách khác. Như bà. Như câu nói của ngài Đạt Lai Lạt Ma. Đừng cực đoan. Và tuyệt đối tránh độc tôn.


* * *


Nói “nghi ngờ” là nói đến lòng tin. Với trí tuệ, không thể có nghi ngờ được. Nghi ngờ thì phải đoạn diệt. Đó là một trong năm chướng ngại mà người hành thiền phải cắt đứt để đạt đến trí tuệ. Như trăng tròn thì đuổi mây, trí tuệ đuổi vô minh. Đuổi bóng tối. Bước một bước là bóng tối lùi một bước. Bóng tối trước mặt không phải là “nghi” mà là vì ta chưa bước tới. Bước tới chắc chắn là ánh sáng, bởi vì ánh sáng ấy là ta chứ không có ai khác. Bắt đầu đi là ta, trước mặt là ta, mục đích nhắm đến là ta, kết cục là ta, nhưng là ta giác ngộ. Giác ngộ là không có hoài nghi. Hoài nghi và trí tuệ là tương phản. Cái này có thì cái kia phải đi.

Khi Tây phương bắt đầu nghiên cứu đạo Phật, họ tranh luận nhiều nhất trên khái niệm “Niết-bàn”. Bây giờ thì họ hiểu Niết-bàn không ở đâu khác ngoài ta, trong ta. Ta hiểu, ta thấy, ta chứng được lời Phật là đúng, ấy là giải thoát, ấy là Niết-bàn. Vài phút trước khi Phật “nhập Niết-bàn”, Phật còn giục hai ba lần phải hiểu Phật, Phật đâu có nói phải tin Phật? Phật từng dặn dò: tin mà không hiểu là phản Ngài.

Vậy thì, phải chăng trong đạo Phật không có niềm tin? Ô hay, không có niềm tin thì tại sao tôi lên chùa? Tại sao tôi lạy Phật, tại sao tôi tụng kinh, tại sao tôi niệm A Di Đà để cầu nguyện cho mẹ tôi? Con người, khi có mặt trên trái đất, đã đứng trước huyền bí. Đố ai chẳng từng có lúc cảm thấy rờn rợn trước im lặng của hoàng hôn hay trước cái chết. Đố ai gạt phăng được mọi linh thiêng trong mọi hoàn cảnh, đố ai đến cuối cuộc đời không đếm ngày tháng còn lại với một câu hỏi thấm chất tâm linh. Chỉ có điều là những huyền bí của con người tiền sử tan dần cùng với ánh sáng của trí tuệ, và riêng tôi, tôi chỉ còn giữ lại những linh thiêng gì giúp ích cho tôi trong đời sống ở đây và bây giờ mà tôi chứng nghiệm được. Bỏ tham sân si, tôi thấy nhẹ nhàng, làm sao tôi không tin lời Phật được? Càng bỏ, càng thấy nhẹ nhàng, càng nhẹ nhàng càng thấy giải thoát không phải là cái gì cao xa mà rất gần gũi, gần gũi như nghe lời Phật nói bên tai: từ đó mầu nhiệm tỏa ra như là có thật. Tôi thương mẹ tôi nên tôi cũng gửi đến cho mẹ tôi cái không khí mầu nhiệm mà tôi cảm thấy mỗi lần cầu nguyện cho mẹ. Như vậy có gì trái với trí tuệ?

Và cứ thế tôi đi. Càng thấy lời Phật là mầu nhiệm, càng tin chắc mà đi. Nếu có con cọp nào chặn đường đòi ăn thịt, tôi sẽ nói với nó trí khôn tao giấu dưới chuông mõ trong chùa. Và đi là đi thẳng, mặt nhìn đàng trước, chẳng có gì bán tín bán nghi để ngó lui đàng sau. Ánh sáng là đàng trước thì đàng sau là cái bóng của mình, chỉ có mình đó thôi, tin hay không tin thì sự thật vẫn thế, thấy sự thật đó mà đi. Và nếu muốn đi vững hơn nữa, không ai cấm tôi gãy một tiếng đàn thần. Hay đúng hơn là hai tiếng: “Nam mô”.


Chú thích:

(1) Barbara Brown Tay tor, Holy Envy. Finding God in the Faith of Others, Harper Collins Publishers, 2019.

(2) Nhan đề một quyển sách khác của cùng tác giả, Learning to Walk in the Dark.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm