Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Thánh Duyên là ngôi quốc tự có vị trí đẹp, nơi trời mây sông nước quyện hòa cùng phong cảnh Bụt. Chùa tọa lạc tại Thúy Vân sơn, ngọn núi được vua Thiệu Trị xếp hàng thứ chín trong 20 cảnh đẹp của xứ Huế, thuộc phường Đông Am, tổng Diên Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nay là làng Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khi trùng kiến chùa vào năm 1836, vua Minh Mạng đã dụ rằng: “Những danh lam thắng tích ta không có quyền để chúng lụi tàn, mất hết dấu tích, không lưu lại cho thế hệ mai sau. Huống gì quang cảnh nơi đây đều do Hoàng tổ của ta (Minh Vương Nguyễn Phúc Chu) vì triều đình, vì thần dân mà tạo dựng, nhằm mục đích khuyến khích mọi người tu tâm, tích thiện, tạo phước điền”.
Chùa được vua đặt tên là Thánh Duyên vì: “Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm; duyên bổn thị nhân, nhân bổn thị duyên, hữu thị duyên nãi khuyếch thiện nhân chi quảng bị”. Chính vua Minh Mạng đã ngự chế câu đối ấy và cho lồng chép vào nội dung văn bia để khắc vào bia đá “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ” vẫn còn ở chùa.
Cổng tam quan chùa Thánh Duyên được xây dựng theo dạng cổ lâu đặc trưng của Huế.
Kiến trúc chùa Thánh Duyên hài hòa với địa thế của ngọn núi nơi ngôi chùa tọa lạc. Bia đề tên núi “Thúy Vân sơn” bắt đầu những bậc tam cấp lên chùa. Cổng tam quan dạng cổ lâu đặc trưng chùa Huế có thiết trí thờ Hộ pháp Vi Đà.
Chính điện là tòa nhà ba gian hai chái, cao rộng và thoáng đãng. Phần mái được lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của Huế trang trí bằng cù giao, lưỡng long, vân hóa long tinh xảo.
Nội điện thờ Phật cùng nhiều vị hiền thánh thiện thần khác. Gian chính ở giữa thờ Tam Thế Phật: Quá khứ, hiện tại và vị lai; phía trước thấp hơn bàn thờ Phật là bàn thờ bài vị vua Minh Mạng.
Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh Vương, mỗi bên gần sát vách thờ 5 tượng; tiếp đến vào phía trong thờ 2 dãy tượng Thập Bát La Hán, mỗi bên 9 tượng.
Đại hùng bửu điện là gian nhà rường đặc trưng.
Dãy bên trái có tượng Bồ Đề Đạt Ma tọa thiền, đối diện bên phải là tượng Địa Tạng ngồi trên con sư tử xanh. Phía sau chính điện là nhà tổ, thờ các thế hệ tăng cang và thập phương thiện tín của chùa.
Nằm giữa lưng chừng núi, cách chính điện khoảng chừng 50 mét là Đại Từ Các. Đây cũng là ngôi nhà rường nằm trong tổng thể kiến trúc theo hình thế núi: Chùa, gác, tháp. Sau khi trùng tu, các Đại Từ được chia làm 3 gian: Gian giữa phía trước thờ Phật (A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc), phía sau là pho tượng Chuẩn Đề Bồ Tát, gian bên phải thờ đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí.
Công trình cao nhất nằm trong tổng thể kiến trúc chùa Thánh Duyên là tháp Điều Ngự hình khối tứ giác có 3 tầng, cao khoảng 13 mét. Điều Ngự là một trong mười danh xưng của Đức Phật nhưng Điều Ngự cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm. Khi tâm đã được chế ngự thì không có việc gì không làm được, đây chính là ý nghĩa của việc vua Minh Mạng cho dựng đình Tiến Sảng phía đằng sau tháp. Trên đỉnh tháp ngày xưa có dựng trụ đồng đặt pháp luân chuyển động theo gió, kèm theo hệ thống chuông lắc. Khi gió thổi pháp luân xoay, âm thanh của tiếng chuông sẽ vang vọng gần xa.
Tháp Điều Ngự hình khối tứ giác có 3 tầng, cao khoảng 13 mét, là một trong mười danh xưng của Đức Phật nhưng Điều Ngự cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm.
Là quốc tự nên sau khi được trùng tu dưới triều Minh Mạng, nhiều vị cao tăng đã được sắc cử làm tăng cang và trụ trì ở đây để lo Phật sự như Hòa thượng Liễu Đạo Chí Tâm, Hòa thượng Tánh Khoát Huệ Cảnh, Tánh Thông Nhất Trí, Hòa thượng Vĩnh Thừa, Hòa thượng Giác Nhiên, Hòa thượng Mật Hiển. Hiện nay Hòa thượng Hải Ấn giữ nhiệm vụ làm trụ trì chùa nhưng người đang sống và coi sóc công việc của ngôi tự lại là Đại đức Thích Minh Chính.
Sau một thời gian dài bị đồi phế, Thánh Duyên đã được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế trùng tu năm 2003 để trả lại vẻ đẹp vốn có cho ngôi chùa. Nhiều văn vật, pháp tự, pháp khí có giá trị như chuông đồng, bia đá và các bài thơ của các vị vua triều Nguyễn chạm trên vách đố bằng gỗ theo lối nhất thi nhất họa vẫn được bảo tồn và lưu giữ cẩn thận, đặc biệt là những pho tượng bằng tre hay bằng đồng rất có giá trị.
Trong số gần 70 pho tượng tại chùa, đáng chú ý hơn cả là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng và bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất Việt Nam được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2008.
Vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, quốc tự Thánh Duyên đã từng là đạo tràng lớn của Giáo hội. Chùa một thời được Chư tôn đức trong sơn môn Tăng già Thừa Thiên dùng làm nơi tu học cho chư tăng vào các mùa An cư kiết hạ. Đến thời kỳ hội An Nam Phật học ra đời, khuôn hội Tịnh độ cũng đã được thành lập tại đây. Bỏ lại đằng sau sự huy hoàng của quá khứ, chùa Thánh Duyên ngày nay đang hòa mình vào đời sống dân dã của làng quê. Chùa vẫn là nơi du khách thập phương vãn cảnh dù đông hay hè, là nơi Phật tử lui tới cúng dường đức Phật và cũng là nơi nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ, giúp thế hệ tương lai của đất nước hướng thiện.
Đến chùa vào ngày Rằm, mồng một, các em thanh thiếu niên quây quần bên thầy Thích Minh Chính vui chơi cũng như trong bữa cơm chay đạm bạc. “Nhìn thấy Phật ắt tâm hồn sẽ hướng Phật, để các em vui chơi và sinh hoạt ở chùa giúp các em tránh sa vào các trò chơi không tốt sau giờ học và cũng là phương cách nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện, giúp các em có ích cho cộng đồng, trở thành người tốt khi trưởng thành”, thầy Minh Chính chia sẻ. Bỏ qua sự tĩnh lặng và uy nghiêm của một ngôi quốc tự, Thánh Duyên giờ đây gần gũi với người dân hơn bao giờ hết. Nó không xuất phát bởi vị trí nằm giữa xóm thôn hay là chốn viếng thăm quen thuộc của du khách thập phương mà bởi sự mở lòng vốn có của nhà Phật.
Bài viết có tham khảo Giới Hương (Phỏng dịch) (1994); Văn bia chùa Huế.
Theo Vinh Dự - Hoài Lương­ - baotintuc.vn
 

Không chỉ là mộc

Đăng ngày 20/11/2012 lúc 8:50 am
 
Rời khỏi Đại Nội (Hoàng Thành), trời nắng; tôi bảo người bạn Huế rằng muốn qua quán nào ngồi nghỉ cho mát. Người bạn cười: “Trong thành không có càphê máy lạnh đâu nhé, muốn mát thì mời qua cầu Trường Tiền sang bờ nam sông Hương nhé!…” Nói vậy rồi bạn chở tôi vô một con phố vắng. Đây rồi, càphê “Mộc”.
Một chút mặt nước, tim tím những bông hoa súng
Những quán càphê trong thành nội Huế đa phần là giản dị, yên ả; như cuộc sống, như con người ở nơi đây. Quán nơi đây cũng thường vắng bởi không phải chỗ trao đổi công việc, chỉ là chỗ ngồi quen của những kẻ thích vơ vẩn cùng mây, những người nhởn nhơ đi dạo, hay đôi lứa tâm tình; tất nhiên dành cho cả những lữ khách như tôi.
Vườn cây đẹp mà không quá chỉn chu, tự nhiên mà không hoang dại; được sắp đặt khéo léo có tiết chế với những đồ gốm tạo nên tính “mộc”.'
Còn chỗ này, dành cho ai thích… nắng.
“Mộc” là tên quán – đơn giản và ngắn gọn thế thôi. Không rõ ý người đặt “mộc” là cây, hay “mộc” là thô mộc; hay cũng có thể là cả hai. Bước qua hai trụ cổng rất “mộc” xây bằng những viên gạch vỡ già lửa là không gian quán thoáng đãng, ngập tràn nắng gió, xanh ngắt màu hoa cỏ. Kiến trúc chính của quán chỉ là một cái nhà mái ngói khung thép, không có tường, không có cửa. Nói tới khung thép thì nghe có vẻ công nghiệp, nhưng thực tế tất cả lại rất gần gũi và giản dị; tất cả hoà quyện với nhau một cách hài hoà, khéo léo, tự nhiên. Từ sự đơn giản của bộ mái khung thép, tới sự chăm chút cho chi tiết của những chiếc ghế được thửa – chứ không phải đồ mua sẵn, từ sự thô mộc của những mảng gạch trần tới sự mềm mại của tấm khăn trải bàn, từ màu đỏ mạnh mẽ của bàn ghế tới màu trắng nhẹ nhàng của những chiếc ô che, từ những vệt nắng hay những vạt cây xanh… “Mộc” gây thiện cảm đầy tự nhiên như thế!
Hai trụ cổng rất… Mộc được xây bằng những viên gạch vỡ già lửa, với logo quán bằng chữ “Mộc” theo lối chữ triện.
Tôi ngắm những góc quán lốm đốm nắng, cảm nhận những cơn gió len lỏi qua những hàng cây thổi qua. Trời nắng đấy nhưng nắng chẳng lọt vào được nhiều, bởi bị che chắn rất khéo léo bởi mái ngói, ô che, mành, và những tán cây. Mộc đấy, nhưng không chỉ có mộc. Bên cạnh những viên gạch trần với chất thô nhám của đất nung, sự đơn giản trong đường nét hình khối kiến trúc, sự giản dị trong chất liệu và cách bài trí…; thì ở đây vẫn có sự sang trọng lịch lãm nhất định của những bộ bàn ghế với chi tiết gợi nhắc một chút gì xưa cũ, của tấm khăn trải bàn, của những chiếc ô che nhã nhặn và lãng mạn.
Lối vào giản dị xoà bóng cây xanh
Mộc đấy, bởi quán nhiều cây thế cơ mà – nhưng không chỉ có mộc. Ở đây có đủ kim – mộc – thuỷ – hoả – thổ rất rõ ràng nhé! Khung mái, bàn ghế là “kim” này; cây xanh, hoa cỏ là “mộc” (tất nhiên rồi), mặt nước tim tím hoa súng kia là yếu tố “thuỷ” đàng hoàng nhé, màu đỏ ấn tượng của bàn ghế kia đúng là “hoả” rồi, và những viên gạch – ngói, những đồ gốm đang im lặng trong nắng kia tất nhiên thuộc về thổ.
Những góc “mộc” chan hoà cùng thiên nhiên, với nắng, với gió và cây xanh.
Những lớp mái không hồi giật cấp tạo nên những khe hở và sự chuyển động thú vị.
Những vệt nắng liên tục chuyển động trên những bức tường, trên mặt sàn, trên mặt bàn và trên những tán lá. Ngoài kia nắng quá, có lẽ ngại đi thật rồi. Nhìn lên thấy bầu trời xanh ngắt đẹp tuyệt, nhưng mà… ở đây cũng thích. Hay là… gọi thêm ly nữa?
Theo Hà Thành - Báo SGTT

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm