Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Trước khi chia xẻ bài thiền "ngồi (navel gazing) nhìn rốn, tư duy về rốn thì chỉ thấy rốn, Không có từ tâm của Trần Đình Hoành. 
 
Tôi xin (không biết tại sao tôi cần phải xin?) thưa thốt, bàn ra....
 
Tôi chỉ bàn về chuyện nhìn rốn của chính mình cho nó an toàn chứ làm cách nào mà nhìn rốn người thì đa số quý vị kinh nghiệm hơn tôi nên tôi không dám múa rìu qua mắt thợ.
 
Theo kinh nghiệm sống chết của tôi và nhất là các cụ sắp đến lúc hạ thổ té mà không xin phép trước. 
 
Xin nhớ kỷ điều tôi xin nói:
 
Trước khi biết mình té MẮT NHÌN VÀO RÚN à quên vào Rốn của mình chứ đừng nhớ quen thói nhìn xuống RÚN người, nghe chưa?
 
Người biết Nhu Đạo (Judoka) kinh nghiệm với lý thuyết võ học này.  Nhưng dù không bao giờ tập võ, chưa tập lộn trong khi té lần nào nhưng nếu bất cứ lý do gì bị té hai mắt (phải cả 2?) cùng nhìn vào rốn rồi thì thoải mái để thân thể ta tự lộn tròn tự nhiên như con mèo...đầu sẽ không đập xuống đất, cổ không bị va chạm, tay chân không chống chọi, gãy. 
 
Không nên đứng dậy liền mà nằm thoải mái tư duy...thiền chừng 8 giây như boxer bị KO, lợi dụng câu giờ/giầy dưỡng sức trước khi đứng lên.
 
Nhưng mà làm sao nhớ để nhìn vào rốn trước khi té?
 
Thứ nhất vì theo thói thường tâm lý chung, chúng ta sợ té vì chưa bao giờ tập té.  Chúng ta không muốn té nhưng không biết té vì không học té. 
 
Té vì sợ té!
 
Té vui lắm, dễ mấy khi được té cho chúng cười?
 
Muốn nhớ thì hàng ngày cứ tơ tưởng ngắm rốn, khi nằm ngủ thì ngắm rốn bằng tâm thay vì bằng mắt...là vô tình luyện công phu rồi đó.
 
Lúc say mê, đắm đuối nhìn rốn thì rốn sẽ thở với ta và an ủi lòng ta.
 
Rốn không bao giờ là tâm viên ý mã!
 
 
Một lần nữa XIN quý vị một tràng pháo tay với tiếng vỗ của một bàn tay của quý vị.
 
Trứ 

****

Không có từ tâm – Tại sao?


Chào các bạn,
Tiếng Mỹ có cụm từ “to contemplate your navel” (suy ngẫm rốn của bạn) hay “navel gazing” (nhìn rốn), hay một từ có vẻ khoa học hơn, omphaloskepsis, có nghĩa là “nhìn rốn suy tư” – omphalo là chữ Hy Lạp có nghĩa là rốn, skepsis nghĩa là nhìn, quan sát, phản ánh. Các cụm từ này để chỉ hình ảnh ngồi Thiền, và có nghĩa diễu cợt là ngồi nhìn rốn, tư duy về rốn thì chỉ thấy rốn.
Dù đã có nhiều người Tây phương ngồi Thiền, đa số người Tây phương vẫn cho đó là hành vi tốn thời giờ vô ích. Trong thời kỳ quân đội Miến Điện cai trị độc tài, chẳng hạn, nhiều bài bình luận trên báo chí Tây phương nói về các sư trong hệ thống Phật giáo Miến Điện như những người chỉ biết ngồi nhìn rốn trong Chùa và vô cảm với dân chúng bị đàn áp bên ngoài.
Đây cũng là một câu hỏi thường xuyên với những người năng động và ngồi Thiền: Nếu Thiền là để dập tắt mọi xung động, mọi xúc động, có thể nào Thiền làm cho chúng ta thành vô cảm?
Câu trả lời là: “Vâng, rất có thể Thiền làm cho chúng ta thành vô cảm, nếu chúng ta hành Thiền mà không hiểu Thiền.”
Đọc lại truyện Thiền “Không có từ tâm”:
Một người phụ nữ ở Trung Quốc đã cấp dưỡng một vị sư hơn 20 năm. Bà đã làm một chòi nhỏ cho sư và lo việc ăn uống khi sư thiền định. Cuối cùng bà thắc mắc là không biết vị sư đã tiến bộ được gì trong suốt bao nhiêu năm.Để tìm câu trả lời, bà nhờ một cô gái đầy ham muốn giúp một tay. “Vào ôm ông,” bà bảo cô gái, “rồi hỏi đột ngột: ‘Làm gì bây giờ?’ ”
Cô gái vào gặp sư và, chẳng nề hà gì, đến vuốt ve sư, hỏi sư phải làm thế nào về việc đó.
“Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông,” vị sư trả lời đầy thi vị. “Chẳng nơi đâu có hơi ấm.”
Cô gái trở về và báo cáo lại điều sư nói.
“Nghĩ đến việc tôi nuôi ông này cả 20 năm!” bà than một cách giận dữ. “Ông ta chẳng tỏ vẻ gì quan tâm đến nhu cầu của cô, chẳng hề muốn giải thích tình trạng của cô. Ông ta không cần phải đáp lại ham muốn, nhưng ít ra ông ta cũng phải tỏ lộ được một tí từ tâm.”
Bà liền đi ngay đến chòi của vị sư và đốt nó.
Việc người phụ nữ giận dữ đến đốt chòi, là để diễn tả tính cách nghiêm trọng của vấn đề, lỗi lầm nghiêm trọng của vị sư: “Nhiều vị sư ngồi Thiền cả mấy mươi năm mà chẳng hiểu tinh yếu của Thiền và, do đó, hoàn toàn lạc đường mà không biết.”
Đương nhiên không phải chỉ là sư, mà là cả muôn vạn người đang ngồi Thiền có thể đang lạc như thế. Vì vậy, đây là vấn đề nghiêm trọng.
Cô gái đến làm chuyện quyến rũ thì chẳng có gì đáng nói, vì có lẽ là nhào đến ôm sư như thế thì chẳng quyến rũ ai được, đừng nói là sư, (trừ khi đó là quán bia ôm hay cà phê ôm).
Nhưng câu trả lời của sư cho cô gái chỉ rõ ra cách tư duy của sư và hướng quan tâm của sư. Có lẽ mọi người trong tình trạng của sư đều thắc mắc ngay tức thì: “Cô này có bệnh tâm thần không? Chẳng lẽ cô yêu mình quá nhưng không biết cách nói, ngoại trừ cách tỏ tình thô thiển này? Hay là cô có vấn đề gì? Dù sao thì đây cũng là điều không bình thường và không tốt cho cô này.”
Người quan tâm đến cô gái có lẽ sẽ nói gì đó, hỏi chuyện với cô một chút, hy vọng là có thể hiểu thêm một chút gì để vừa giúp cô này vừa giải quyết vấn đề cho mình.
Nhưng sư, ngồi Thiền (lạc đường) đã lâu, nên chẳng quan tâm đến ai cả, mà chỉ nghĩ đến chính mình: “[Tôi là] một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông, chẳng nơi đâu có hơi ấm.” Đây là một câu nói về chính mình, đầy hãnh diện, với một cô gái rất có vẻ tâm thần.
Sư (1) tập trung vào chính mình và (2) không hề quan tâm đến người khác. Đây là vấn đề lớn của sư và cũng là của Phật pháp. Đó là, cái tôi (ngã) của sư quá lớn vì sư tập trung vào chính cái ngã của mình trong bao năm, và cái ngã lớn của sư che mắt sư nên sư không thấy được người khác, không quan tâm về người khác, và sư vô cảm.
Đây là phản lại Thiền 180 độ – Thiền là vô ngã (không tôi) và từ tâm thương yêu chúng sinh vô hạn.
Con đường Bồ tát là gì?
Bồ tát tự độ mình để độ mọi chúng sinh. Bồ tát tu tập để giải thoát chính mình và giúp mọi chúng sinh giải thoát.
Bồ tát thương yêu mọi chúng sinh vô hạn. Tấm lòng Bồ tát tĩnh lặng, như mặt hồ lặng như gương, một hạt cát rơi vào mặt hồ là mặt gương gợn sóng. Bồ tát cảm nhận mọi đau khổ từ rất lớn đến rất nhỏ của mọi chúng sinh. Yêu thì cực kỳ nhạy cảm đến mọi đau khổ của người mình yêu. Không nhạy cảm thì không yêu. Bồ tát Quán Thế Âm, chẳng hạn, có nghìn tay nghìn mắt là để thấy được mọi đau khổ của thế gian và có thể cứu khổ cho mọi chúng sinh ở thế gian.
Bồ tát nhạy cảm với từng nỗi khổ của người khác, nhưng Bồ tát không xung động – không nhảy choi choi – lòng vẫn tĩnh lặng để thấy mọi sự rõ ràng như nó là (as it is) và biết nên làm gì để giúp người đau khổ.
Bồ tát rất nhạy cảm với mọi nỗi khổ của thế nhân. Từ tâm vô hạn là trái tim Bồ tát.
Hơn nữa, chúng ta nói “Bồ tát độ mình và độ người”. Đó là cách nói cho dễ hiểu, nhưng Bồ tát không phân biệt mình và người. Bồ tát độ mình chính là độ người, Bồ tát độ người chính là độ mình. “Nếu Bồ tát còn thấy mình, thấy người… thì đó không phải là Bồ tát.” (Nhược Bồ tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ tát) (Kinh Kim Cang, Đoạn 3 – Đại thừa chính tông).
Bồ tát không thấy mình, không thấy người. Mình chính là người, người chính là mình. Cái đau của người chính là cái đau của mình, mà mình có thể thấy được từng li. Và mình độ người cũng là độ chính mình, mình chỉ độ mà chẳng làm ơn nghĩa gì cho ai cả.
Đó là tư duy Bồ tát, tư duy đầy yêu người như yêu chính mình, đau với người như đau với chính mình, giúp người giải thoát cũng chính là giúp mình giải thoát.
Mình và người là một. Tình yêu vô hạn làm hai người thành một.
Và đó là Thiền.
Ngồi Thiền để tập trung vào hơi thở (hay vào gì đó) chỉ là cách rất căn bản để giữ tâm trí không đi lang thang như khỉ chuyền cành, giúp tâm trí tĩnh lặng dễ hơn.
Nhưng ngồi Thiền như thế chẳng đưa chúng ta đến đâu cả, và rất có thể đưa ta thành chàng ngố vô cảm.
Thiền là tĩnh lặng và yêu người vô hạn. Nếu ta ngồi Thiền và không luôn nhớ đến đỉnh điểm này của Thiền (“Thiền là tĩnh lặng và yêu người vô hạn”), thì ta rốt cuộc cũng chỉ là “Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông, chẳng nơi đâu có hơi ấm.”
Chúc các Bồ tát luôn từ tâm vô hạn.
Metta,
Hoành
© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm