Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Hiểu đúng về vô ngã (anatta) trong Phật giáo - ChúngTa.com

 

 

Giáo Lý Vô Ngã (Anatta: No-self) là giáo lý trọng yếu trong Phật Giáo. Giáo lý Vô Ngã được chứng ngộ bởi Đức Phật, và nó là sợi chỉ đỏ thấu suốt trong tiến trình đưa hành giả đến giác ngộ, từ nhận thức đến thực hành. 

 
Trong bài này, chúng ta chỉ bàn đến vấn đề thực tập. Sự thực tập này chỉ nhấn mạnh ở mức độ sơ khởi: Hiểu rõ giáo lý Vô Ngã, và áp dụng sự hiểu biết này vào lối nghĩ và hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Muc đích của sự thực tập này là để " giảm thiểu " khổ đau trong đời sống. Nói giảm thiểu, vì những phương pháp đơn giản như suy nghiệm một bài kinh hoặc thơ ngắn, chuyên chở tinh thần giáo lý Vô Ngã, có thể giúp chúng ta hạ giảm những khổ đau, chứ không thể giải phóng toàn triệt khổ đau trong cuộc sống. Muốn diệt trừ khổ đau một cách tận gốc rễ trong đời sống, chúng ta phải thực hành triệt để phương pháp thiền định hay quán chiếu thực tại dựa trên căn bản giáo lý Vô Ngã. 

Trước hết, giáo lý Vô Ngã khẳng định rằng: Không có một sự hiện hữu nào trên thế gian này, từ tâm lý đến vật lý, có tính chất trường tồn bất biến (permanence). Nói cách khác, mọi sự mọi vật luôn luôn ở trong trạng thái chuyển biến hay vô thường (impermanence). Nguyên lý Vô Ngã này là hệ luận (corollary) của nguyên lý Duyên Sinh (conditioned genesis or interdependence), nghĩa là mọi sự mọi vật đều nương nhau mà hình thành, và không có một hiện hữu nào có thể có tính trường tồn vĩnh cửu, độc lập bởi chính nó. 

 

Inline image

 

Do vì Duyên Sinh, bản chất của mọi sự mọi vật là Vô Ngã. Như thế, Vô Ngã không có nghĩa là không có gì hết (Nothingness). Đây là nhận thức rất quan trọng mà người Phật tử phải cần nắm vững, để xóa tan ý niệm sai lầm, mà phần lớn những người không hiểu Phật Giáo cho rằng Vô Ngã là trống rỗng, là không có gì hết.

Nhận thức Vô Ngã liên hệ gì đến giảm thiểu khổ đau trong đời sống của chúng ta ? 

 

Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩ thâm sâu về cội nguồn của khổ đau. Khổ đau (Dukkha) là một trạng thái kinh nghiệm rất phức tạp và đa dạng. Tùy theo trình độ nhận thức cuộc sống và kinh nghiệm khổ đau của cá nhân, mỗi người có một định nghĩa riêng biệt về ý nghĩa khổ đau. Theo Phật Giáo, khổ đau, trước tiên là những kinh nghiệm phổ biến mà tất cả mọi người trong chúng ta đều phải trải qua, đó là: Sinh, lão, bịnh, tử, thương nhau mà phải xa nhau, và ghét nhau mà phải chung sống với nhau. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa bao hàm những kinh nghiệm khổ đau trong đời sống đó là sự không vừa ý (unsatisfactoriness). 

 

Inline image

 

" Sự không vừa ý " ở đây không chỉ giới hạn trong ý nghĩa thông thường rằng mình không vừa ý với những gì đang có, mà nó còn nói lên ý nghĩa sâu xa rằng mình không thể nắm bắt thực tại của cuộc sống, hoặc hiện hữu theo ước muốn của mình. Thực tại của con người và cuộc đời là vô thường,biến chuyển. Tuy nhiên chúng ta lại bắt thực tại phải theo ý của mình; nghĩa là những gì mình yêu thích và quý mến luôn luôn tồn tại mãi mãi với mình. Nói cụ thể hơn, chúng ta muốn chúng ta sống mãi, trẻ mãi, giàu mãi, và ở với những người mình yêu thương mãi mãi v. v... Đấy là những ước muốn con người không bao giờ có thể thực hiện hay thỏa mãn được. Nói rõ hơn, đây là những vọng tưởng mù quáng dựa trên niềm tin cố định rằng những thứ hạnh phúc mà chúng ta ước muốn đó sẽ ở mãi với chúng ta. 

 

Inline image

Chính những vọng tưởng ( Vô minh) này là sự khổ đau thông thường và sâu sắc nhất. Chính vì vậy, khi giải thích về ý nghĩa sâu sắc của khổ đau, trong kinh điển Phật Giáo, nhất là các kinh điển Nguyên thủy (Nikayas) thường nhấn mạnh: Sự bám víu vào Ngũ Uẩn là khổ (The attachment of the five aggregates); nghĩa là chấp chặt và bám víu vào hiện hữu, và cho nó là  thường hằng vĩnh cửu, hay có bản ngã đích thực. 

 

Quán chiếu lại ý nghĩa khổ đau trong đời sống, chúng ta nhận ra rằng khổ đau sâu sắc trong đời sống đó là sự sợ hãi, lo âu của chúng ta về những sở hữu hạnh phúc mà chúng ta có, đồng thời, chúng ta sợ hãi lo âu về sự mất đi của cái " Ta ". 

 

Hai sự lo âu và sợ hãi về sự mất đi sở hữu '' Hạnh phúc của Ta " và " Ta " thật ra chỉ là một - chúng ta ước muốn hạnh phúc trường tồn cho Ta là vì Ta. Lấy một ví dụ cụ thể hiển nhiên nhất đó là Sự Chết. 

Inline image

Hầu hết chúng ta đều sợ chết và đau buồn khi nghĩ đến mình phải chết. Lý do làm cho chúng ta sợ hãi hoặc đau buồn vì sự chết của chúng ta có nhiều, tuy nhiên điểm căn bản làm nền tảng cho sự lo sợ và đau buồn là chúng ta sợ mất những cái " Ta ", hoặc những sở hữu hạnh phúc của những cái " Ta ". Mức độ bám chặt về ý niệm " Ta " càng sâu, thì sự lo âu và sợ hãi về cái chết của chúng ta càng lớn. Và ngược lại, ý niệm bám chặt về cái " Ta " ít đi, thì mức độ sợ hãi và lo âu về cái chết của chúng ta càng giảm thiểu .Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta " đang chết ", hoặc chúng ta là vô ngã và vô thường, chắc có lẽ chúng ta không còn sợ hãi và lo âu về cái chết, hoặc ít nhất mức độ sợ hãi và lo âu đó sẽ giảm rất nhiều. 

 

Inline image

 

Phương pháp giúp cho chúng ta áp dụng giáo lý Vô Ngã trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều, nhưng cách thức đơn giản nhất mà ai cũng có thể thực hiện được là đọc một bài thơ ngắn hay tụng một bài kinh ngắn, mang nội dung của giáo lý Vô Ngã, ví dụ chúng ta có thể tụng bài kệ trong kinh Kim-Cang: 
 
Sự hiện hữu của tất cả pháp, 
Như sương sa, như điện chớp, 
Như bọt sóng, như giấc mộng. 
Là người đệ tử Phật, 
Nên thường quán như vậy. 
 
Những ảnh tượng " sương sa ", " điện chớp ", " giấc mộng " v.v....giúp chúng ta nhận thức được như thật bản chất Vô Ngã của con người và cuộc đời. Do sự đọc tụng bài kệ lâu ngày, và sự huân tập ý nghĩa của nó trong tiềm thức, nó sẽ giúp ta loại dần những vọng tưởng về ý niệm Ngã và kết quả là giảm thiểu khổ đau. 

Một phương pháp khác tương đối dễ dàng mà ai cũng có thể thực tập được, đó là sự quán chiếu về bông hồng. Nhìn vào bông hoa hồng, chúng ta không chỉ dừng lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhất thời của nó, mà còn phải quán chiếu tiến trình sinh khởi và hủy diệt của nó. Tiến trình sinh khởi của hoa hồng, đại khái là sự kết hợp của cây, nước, phân bón, ánh sáng mặt trời, v.v...Và tiến trình hủy diệt của nó là sự héo tàn, rơi rụng, để rồi tiến tới một chu kỳ mới với sự sinh trưởng của một đóa hoa khác. Như vậy quán chiếu một bông hoa hồng thôi, chúng ta có thể quan sát được tính chất chung trong tiến trình của đời sống. Bông hoa hồng là biểu tượng của sự thành công và hạnh phúc của chúng ta, và sự héo tàn của nó có thể ví như sự mất đi hạnh phúc, hoặc sự thất bại của chúng ta trong cuộc sống. Ước muốn đóa hoa hồng xinh tươi mãi mãi là một ảo tưởng. Do đó chấp chặt rằng hạnh phúc mãi mãi là của Ta là điều không thể có. 

Như vậy, hiểu biết rõ ràng giáo lý Vô Ngã và áp dụng nó trong đời sống, không phải để chúng ta chán nản hay bi quan về cuộc sống. Ngược lại, hiểu và thực hành ý nghĩa Vô Ngã trong đời sống sẽ giúp chúng ta sống trong cuộc đời mà không bị sóng gió của cuộc đời làm xiêu ngã. Mặt khác, hiểu và thực hành giáo lý Vô Ngã trong cuộc sống, chúng ta trở nên từ bi và vị tha hơn đối với đồng loại. Chúng ta sẽ giảm bớt những ích kỷ nhỏ hẹp và những tật đố vốn do ý niệm bản ngã sinh khởi. Đạo Phật cuối cùng như chúng ta thấy, nổ lực xây dựng hạnh phúc đời sống con người bằng cách giúp con người trực diện với căn bịnh sầu thảm của nó, căn bịnh vọng tưởng về ý niệm Ngã. Đạo Phật không hứa hẹn cho chúng ta một thế giới thiên đường tuyệt hảo. Đạo Phật chỉ giúp chúng ta khởi hành từ đây, trong bản tâm của chúng ta, và tại đây, trong thế giới này. 

Xin mạn phép đăng lại những lời giáo lý này để tri ân vị Thầy đã giúp chúng tôi khai tâm luyện trí. 

TRANG PHAN

 

 

 

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." />

ReplyReply allForward

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm