Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

“Hạt Bụi Vô Minh” là nhạc và lời của Sư Bà Diệu Từ, Viện Chủ Chùa Diệu Quang, Orange County. Đây là một trong hàng trăm bài nhạc sư bà đã sáng tác. Khi nghe qua các bài nhạc của sư bà, cũng như bài nhạc này, hình như ai là phật tử cũng cảm nhận được đây là những bài pháp tuyệt vời được đúc kết, chưng cất thành vần thơ tiếng nhạc. Chúng ta hãy lắng lòng mình thật tĩnh lặng để nghe bài pháp thoại “Hạt bụi vô minh” tâm sự về chân thật của cuộc đời và vũ trụ bao la xung quanh chúng ta.

Ta là hạt bụi vô minh ở trong trời đất, ở trong trời đất... Là nắng lên cao, là sao trên trời, là nước ngọt ngào, là gió lung linh. Đã tạo nên hình trong cõi vô minh. Ta từ đâu mà đến, từ đâu mà đến? Đến rồi đến rồi, đến rồi... “

Vâng, chúng ta đã đến rồi. Để hiện diện giữa cuộc đời này, đa phần chúng ta đều từ nghiệp lực lôi kéo. Như kinh dạy “Ái bất nhiễm bất sanh ta bà” nghĩa là do sát đạo dâm vọng, do một niệm bất giác hốt nhiên minh giác mà thành đối đãi nhị biên, rồi có thế giới sanh khởi và tiếp tục, chúng sanh sanh khởi và tiếp tục và nghiệp báo sanh khởi và tiếp tục.[1] Cảm nhận được điều này nên Nữ nhạc sĩ ni trưởng Diệu Từ đã thán rằng: “Ta là hạt bụi vô minh ở trong trời đất, ở trong trời đất”. Hình hài tứ đại đã hiện diện như một dấu chấm vô cùng nhỏ, không đáng kể giữa vũ trụ cũng từ một niệm vô minh tùy hỉ việc ái dục của cha mẹ mà gá vào bào thai, trở thành một đốm đất nước gió lửa di động lai vãng giữa trời đất mênh mông này. Hình hài này như một con rối khi máy tắt thì con rối đứng yên. Khi bật máy thì con rối hoạt động. Nhưng để múa rối được, nhạc sĩ đã nhận ra nguồn động lực chỉ huy hoạt động của con rối là do tánh giác, tánh biết, tánh chân không diệu dụng của đại thừa, mà thiền tông gọi là “chủ nhân ông”, Lăng Nghiêm gọi là “chân ngã” hay “kiến tinh”, Hoa Nghiêm gọi là “Ta là tất cả. Tất cả là ta”. Từ đó, nhạc sĩ đã cảm nhận một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng rằng “Ta là nắng lên cao, là sao trên trời, là nước ngọt ngào, là gió lung linh”. Phải chăng điều này đã hợp với ý của Thiền lão Thiền sư rằng:

“Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chân”.

(Thùy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân).[2]

Tất cả đều là chân như bản tánh. Nắng trên cao, sao trên trời, nước ngọt ngào, gió lung linh, con rối, trúc biếc, hoa vàng, trăng trong, mây bạc, là gọi chung hữu tình và vô tình đều từ tâm. Nơi đây để chúng ta nhận rõ nghĩa của ngã-chân ngã, tục đế-chân đế. Bởi “giác bất ly thế gian” nên nhạc sĩ thiệp vào đời, hiểu tâm sự của người, trân trọng và không gây đau khổ cho ai.

Điều mình không muốn đừng tạo cho ai. Điều mình không muốn đừng tạo cho ai. Đừng làm nổi trôi tâm người đau khổ, đừng làm nổi trôi tâm người phiền não”.

Nói về quan điểm vũ trụ xung quanh, khoa học gia Terence Dickinson nói rằng: “Có hàng ngàn tỷ dãy ngân hà trong vũ trụ. Giống như hoa tuyết lấp lánh, mỗi ngân hà có một dáng vẽ và kiến trúc đặc thù, đã cống hiến thêm trong cái đa dạng vô tận của vũ trụ hùng vĩ mênh mông này”.

(There are the estimated 100 billion galaxies in the known universe. Like snow-flakes, each spiral galaxy has a unique shape and structure, offering almost infinite variations on a single elegant theme)[3].

Dù vũ trụ thật bao la nhưng các nhà khoa học gia cũng biết rằng: “Khi so sánh với thọ mạng con người, các ngôi sao giống như các ngọn núi vững chắc. Nhưng thật ra trong khái niệm thời gian vô tận này thì ngay cả những ngôi sao và núi to đều là vô thường”.

(In comparison to human life span, the stars seem as enduring as mountains. But we now know that over vast stretches of time, neither stars nor mountains are permanent)[4].

Dù ngôi sao, núi non, vũ trụ vô thường, nhưng tâm hồn an-nhi-hạnh của nhạc sĩ luôn tự tại an lạc, nên nhạc sĩ đã thốt lên rằng: “Ta về... Từ có mà không, từ không mà có, càn khôn bất diệt, vũ trụ bao la... Ta là người ở chốn vô minh. Là vua của vạn loài hữu tình, là tịnh, vũ trụ muôn màu, tự tại hư vô... ».

Từ «không mà có» để tạo vẽ thẫm mỹ cho cuộc đời và vũ trụ, nên nhạc sĩ muốn gởi thông điệp cho chúng ta rằng : Chúng ta phải biết giác tỉnh tu tập, sống cống hiến sức mình cho đạo, cho đời, cho cộng đồng, xã hội  và con người. Vâng! Nhạc sĩ đã trang bị cho mình và người một hành trang: « Đã trót sinh ra, đã trót sinh ra, góp mặt cho đời, góp mặt cho đời, phải biết tu thân, phải biết tu tâm, sống đạo làm người, hạnh phúc vô biên ».

Với cái nhìn «Ta từ đâu mà đến, từ đâu mà đến. Từ chốn ấy về, từ đâu mà đến, từ đâu mà đến ? Từ chốn ấy về, từ có mà không, từ không mà có. Tinh thần bất diệt, vũ trụ muôn màu đều là của ta », nhạc sĩ như đã cảm nhận được vẽ đẹp bên trong và ngoài của sự vận hành sanh trụ dị diệt. Vẽ đẹp chân thường giữa các hoa vô thường này. Thật là

 «Đất bằng sau nhiều năm;

Thực vật đều thơm ngát.»

(Thiền Sư Chân Không)[5].

 Trưa Hè Chùa Hương Sen, ngày 2 tháng 8 năm 2010

Thích Nữ Giới Hương

[1] Xin mời xem “Luân Hồi trong Lăng Kính Lăng Nghiêm”, Thích Nữ Giới Hương, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn, 2008, trang 64-5.

[2] Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, THPGHCM, 1992, trang 60.

[3] Terence Dickinson, The Universe and Beyond, 4th edition, 2004, trang 153

[4] Như trên, trang150.

[5] Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, THPGHCM, 1992, trang 138.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm