Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Các tác phẩm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh | Diệu Pháp Âm

 

 

 

 

 

Trí tuệ và yêu thương là thông điệp trong triển lãm thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh

ẢNH TRINH NGUYỄN

NGUYÊN TÁNH NGUYỄN HIỀN-ĐỨC

Thực hiện 22 tháng 01 năm 2022

 

Góc trưng bày với những bức thư pháp về hòa bình, sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết cho độc giả trẻ

ẢNH TRINH NGUYỄN

 

Bức thư pháp viết một câu thơ trong truyện Kiều. Câu thơ nhắc luôn giữ gìn lời nói hay lời hứa của mình với người khác cho trọn vẹn

ẢNH TRINH NGUYỄN

 

 

 

 

 

 

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VIÊN TỊCH
TẠI CHÙA TỪ HIẾU Ở HUẾ, THỌ 95 TUỔI

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Huế, theo thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai nói với BBC tối thứ Sáu 21/01 giờ châu Âu.

Sư cô Chân Hiến Nghiêm, người Anh, hiện có mặt tại Pháp cho BBC News Tiếng Việt biết vào lúc 20:55 giờ London tối thứ Sáu rằng "lễ tang thầy của chúng tôi sẽ được tổ chức ngay từ sáng Thứ Bảy, ở Huế và kéo dài 5 ngày".

Thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai cho hay thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 00:00 giờ ngày 22/01, năm 2022, ở tuổi 95, theo giờ Việt Nam ở chùa Từ Hiếu, Huế.

"Đây là ngôi chùa thầy quy y đúng 80 năm về trước."

Thông bạch, cáo phó còn nói "nhà tác giả và nhả thơ, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trên 100 cuốn sách, và sách của thầy được dịch sang 40 ngôn ngữ".

Các cuốn in bằng tiếng Anh, The Miracle of MindfulnessPeace is Every StepAnger, và How to Love, đều nổi tiếng thế giới.

Một bài trên BBC News tiếng Anh hồi 2018 gọi ông là "người cha của môn Chánh niệm" (The Father of Mindfulness).

Các sách báo quốc tế đặt ông vào vị trí là một trong số các "lãnh tụ tâm linh, tinh thần" - The Guardian ở Anh coi ông là 'exiled spiritual leader'- có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài một quốc gia.

BBC News Tiếng Việt hồi tháng 8/2010 có bài mô tả chuyến thăm của thiền sư đến London thuyết giảng về Phật giáo cho đa số người nghe là dân Anh và châu Âu:

"Những người Việt Nam mới gặp phái Làng Mai có thể ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy đa phần tăng ni theo ông là người Phương Tây. Nhưng đây không phải là chuyện lạ vì thực ra, Phật giáo cũng từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam. Và nếu sau này, người thay thế Thiền sư Nhất Hạnh là một đệ tử Tây Phương thì cũng hợp lý bởi Làng Mai trước hết là một sản phẩm của xã hội châu Âu. Thông điệp của Thích Nhất Hạnh ngay từ thời Chiến tranh Việt Nam cũng đã vượt lên vị trí địa lý của xứ sở quê ông."

Trang BBC Religion viết về cuộc đời ông như sau:

Sinh năm 1926, ông quy y năm 16 tuổi và đúng tám năm sau đã lập ra Viện Phật giáo Ấn Quang ở Sài Gòn.

Năm 1961, Thích Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ học và dạy môn tôn giáo so sánh ở các đại học Columbia và Princeton. Ông trở về Việt Nam hai năm sau đó để tham gia dẫn dắt các nỗ lực Phật giáo vì hòa bình.

Tháng 2/1964, ông lập ra dòng Tiếp Hiện, và đến 1966 lại rời Việt Nam ra thế giới để kêu gọi hòa bình trong khi cuộc chiến Việt Nam lan rộng.

Năm 1967, mục sư Martin Luther King đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình, ca ngợi ông như sau

"Vị sư nhỏ bé từ Việt Nam nhưng là học giả có trí tuệ rất lớn. Ý tưởng vì hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ có thể tạo ra động lực cho đối thoại giữa các đạo giáo, vì tình huynh đệ của thế giới, vì nhân loại."

Năm 1969, thầy Thích Nhất Hạnh dẫn phái đoàn Phật giáo vì Hòa bình tới Hòa đàm Paris, và lập ra Tăng đoàn Phật giáo Thống nhất (Unified Buddhist Church - UBC) ở Pháp. Từ đó hình thành cộng đồng tu tập đầu tiên năm 1975, và sau đó là cơ sở Làng Mai ở miền Nam nước Pháp từ 1982.

Các cơ sở khác về sau được mở ra ở nước khác, gồm cả Việt Nam.

Nhưng việc 'bén rễ' của hệ phái này ở Lâm Đồng bất thành và tăng ni của tu viện Bát Nhã theo Làng Mai bị chính quyền gây khó khăn, phải bỏ đi năm 2009.

Xem thêm bài phỏng vấn của BBC năm 2009 về sự kiện tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng.

Một cơ sở sau đó ra đời tại Thái Lan, trong vùng núi thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima.

Xem bài tường thuật của BBC từ cơ sở này năm 2018.

Tháng 8/2017, chính quyền VN lại cho phép thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm quê hương và ông ở lại đó cho đến khi qua đời.

Tuy được ca ngợi trên thế giới, cách nhìn về ông và trung tâm Làng Mai do ông sáng lập đã và đang khá khác nhau trong cộng đồng người gốc Việt ở hải ngoại, với nhiều lời khen và cũng có cả chỉ trích.

Quan hệ của Làng Mai với nhà nước Việt Nam hiện hành và những chức sắc của Giáo hội Phật giáo theo con đường 'xây dựng chủ nghĩa xã hội' cùng Đảng Cộng sản cũng không hoàn toàn êm đẹp, tuy đã cải thiện đáng kể từ sau sự kiện Bát Nhã.

Mới trong tháng 11/2021, trang Phật giáo Việt Nam đăng bài của ông Trần Đăng Khoa "Mừng Thiền sư Thích Nhất Hạnh 95 tuổi".

Bài có đoạn "nhân ngày sinh nhật ông, tôi lại nhớ đến cuốn sách rất thú vị: "Những bước chân an lạc".

"Cuốn sách tập hợp một số bài báo trong hàng vạn bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới."

"Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an... Thích Nhất Hạnh cho rằng, chỉ có tình thương yêu mới xóa bỏ được mọi hận thù.một trong những công lao lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là đã hiện đại hóa đạo Phật, đưa đạo Phật đi vào cuộc đời."

(Theo BBC News)

DI HUẤN CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH:
Tâm tang im lặng, miễn tất cả phúng điếu

 

Nam Mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni

Kính khải bạch Chư Tôn Trưởng lão Hòa Thượng, Chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị Thân hữu, Thiền sinh và Phật tử cư sĩ các giới khắp nơi trên thế giới,

Sau những năm tháng an dưỡng tại chốn Tổ Từ Hiếu từ ngày 26 tháng 10 năm 2018, Thiền Sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh Niên Trưởng Trú Trì Tổ Đình Từ Hiếu, Khai Sơn Đạo Tràng Mai Thôn Quốc Tế đã thâu thần thị tịch vào lúc 01:30 giờ sáng ngày 22 tháng 01 năm 2022, nhằm ngày 20 tháng chạp năm Tân Sửu.

Chúng con mạn phép được thay mặt Môn đồ Pháp quyến kính xin thông báo di huấn của Thiền Sư:

  1. Quý Thầy tại Tổ Đình Từ Hiếu và Tăng Thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ theo nghi thức tâm tang và kính xin chư Tôn Đức đồng hộ niệm cho các buổi Lễ Nhập Kim Quan và Lễ Trà Tỳ.

                        - 8h00 ngày 23.01.2022 Lễ Nhập Kim Quan

                        - 7h00 ngày 29.01.2022 Lễ Trà Tỳ

  1. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
  2. Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

Theo di huấn của Thiền Sư, chúng con kính xin thông báo để Chư Tôn thiền đức và quý vị thân hữu, thiền sinh và Phật tử cư sĩ các giới khắp nơi trên thế giới được liễu tri và đồng hộ niệm cho Lễ Tâm Tang được trang nghiêm thanh tịnh. Chúng tôi xin quý vị hoan hỷ miễn các phúng điếu vòng hoa, trướng liễn.

Kính xin quý vị xem thêm chương trình chi tiết của tang lễ tâm tang và khóa tu im lặng trên trang nhà của Làng Mai (www.langmai.org) và trong tập cẩm nang cho tang lễ và khóa tu.

Chúng tôi thành kính tri ân.

Phật lịch 2566, Tổ Đình Từ Hiếu, ngày 22 tháng 01 năm 2022

(nhằm ngày 20 tháng chạp năm Tân Sửu)

Phật lịch 2566, Tổ Đình Từ Hiếu, ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng chạp năm Tân Sửu)



Nguyên văn phóng ảnh:

 

 

LỜI CHIA BUỒN VỀ SỰ VIÊN TỊCH

CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH NHẤT HẠNH

ngày 22 tháng 1, 2022



Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rất đau buồn khi biết rằng người bạn và là người anh tinh thần của Ngài - Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Ngài gửi lời chia buồn đến các đệ tử của Ngài ấy ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.

Trong bức thông điệp phân ưu của mình, Đức Ngài đã viết:

"Trong sự phản đối ôn hòa của Ngài ấy đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, sự ủng hộ của Ngài ấy dành cho Martin Luther King; và hơn hết là sự cống hiến của Ngài ấy trong việc chia sẻ với những người khác - không những chỉ về cách mà chánh niệm và lòng từ bi đã góp phần vào sự an lạc nội tâm, mà còn cả về cách mà các cá nhân trưởng dưỡng tâm hồn đã đóng góp vào nền hòa bình thực sự của thế giới, Hoà Thượng đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

"Tôi tin chắc rằng, cách tốt nhất mà chúng ta có thể tri ân Ngài ấy là tiếp tục sự nghiệp của Ngài ấy để thúc đẩy nền hòa bình trên thế giới."
(dalailama.com)

 

 

‘TÂM TANG’ TĨNH LẶNG CHO THIỀN SƯ NHẤT HẠNH

22/01/2022

 

Tổ đình Từ Hiếu đang bày trí hôm 22/1 năm 2022 để chuẩn bị cho tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra dưới hình thức ‘tâm tang’ để mọi người ‘tưởng nhớ đến ông một cách nhẹ nhàng, tĩnh lặng’, Đạo tràng Mai thôn và Tổ đình Từ Hiếu cho biết trong một bản cáo bạch chung.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước kiểm soát sẽ để môn đồ pháp quyến Thiền sư toàn quyền tổ chức tang lễ theo ý nguyện của ông và sẽ hết lòng hỗ trợ để thực hiện tang lễ ‘theo nghi thức cấp cao của Giáo hội’, theo công văn vừa được loan báo.

Trước đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay còn được gọi là ‘Sư Ông Làng Mai’ – nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng thế giới – đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế ở tuổi 95 sau nhiều năm bị đột quỵ.

Công văn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ‘vị cao Tăng của Phật giáo Việt Nam có nhiều công lao trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp’ và là ‘vị Thiền sư hướng đạo của Phật giáo đồ trên thế giới’.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng là người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vốn bị chính quyền đàn áp và Đạo tràng Mai thôn của ông độc lập với giáo hội nhà nước.

Khóa tu 7 ngày

Nghi thức ‘tâm tang’ này được tổ chức theo di huấn của chính Thiền sư Nhất Hạnh. Theo đó, tang lễ sẽ không có nghi lễ, không kèn trống, không vòng hoa, không trướng liễn theo truyền thống mà trở thành ‘khóa tu im lặng trong 7 ngày’.

“Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng,” bản cáo bạch viết.

Sau lễ trà tỳ (tức hỏa thiêu) vào ngày 29/01, Thiền sư sẽ không được an táng trong các bảo tháp như truyền thống mà xá lợi của ông sẽ được chia ra để ở Tổ đình Từ Hiếu và các tự viện của Làng Mai trên khắp thế giới, cũng theo cáo bạch.

Theo thời khóa tang lễ mà VOA có được, thì hoạt động chủ yếu trong 7 ngày tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, tụng giới luật. Riêng ngày cuối cùng sẽ có các nghi lễ ‘cung tuyên tiểu sử, cung tiễn, lễ phất trần, lễ rước kim quan’.

Hình ảnh phát trực tiếp từ Tổ đình Từ Hiếu trên trang mạng xã hội của Làng Mai cho thấy trong ngày 22/1, khi chưa tẩm liệm, nhục thân Thiền sư trong trang phục nâu sồng nằm ngay ngắn trên một chiếc giường nhỏ trong gian thất nhỏ, không đắp mặt, hai tay khép lại. Phía đầu giường là bàn thờ nhỏ đặt dưới một di ảnh lớn. Một số pháp tử quỳ xung quanh trong khi một số khác đến lễ lạy, chiêm bái rồi lui ra.

‘Không khí yên ắng’

Có mặt ở Tổ đình Từ Hiếu ngay sáng sớm ngày 22/1, anh Phạm Châu Thương, pháp danh Tâm Đạo Hỷ, cư sỹ tiếp hiện của Pháp môn Làng Mai đến từ thành phố Hồ Chí Minh, cho biết anh đã mua vé bay ra Huế ngay trong đêm sau khi biết tin Sư Ông Làng Mai viên tịch.

Theo lời anh mô tả thì ‘mọi người đang đổ về Từ Hiếu nhưng không khí rất là yên lặng’. “Nếu ai đó đi vào chùa sẽ không biết là đang có lễ tang của một vị cao tăng. Mọi người vào, đảnh lễ, vãn cảnh rồi ngồi nghỉ theo từng nhóm rất là yên lặng,” anh nói với VOA.

Theo lời anh thì chính quyền sở tại có cắt cử công an đến giữ gìn trật tự và ngay trong buổi sáng, ‘các vị cao tăng ở Huế đã có mặt đầy đủ’ nhưng không có vòng hoa.

“Trong không khí yên lặng bao trùm đó thì tất nhiên bất cứ ai đến viếng đều không thể ồn ào,” anh Thương, vốn đi theo Pháp môn Làng Mai từ năm 2005 khi lần đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước, nói thêm.

Anh cho biết trong lúc nhà chùa đang dựng rạp, đặt bàn thờ, làm long vị để chuẩn bị phát tang vào ngày mai thì đã có nhiều người ‘xin vào đảnh lễ nhục thân của Sư Ông nhưng không được vì không gian chật hẹp’.

“Cho nên các Phật tử cứ tùy nghi. Có người đứng đảnh lễ từ xa. Có người đi một vòng thiền hành. Có người đứng ở vòng ngoài vái vọng xong rồi về,” anh cho biết.

Kể về giây phút cuối cùng của Thiền sư, anh nói với VOA là anh nghe quý Thầy kể lại rằng ‘Sư Ông nằm yên, mắt yếu dần và đi thôi chứ không có biểu hiện gì’.

‘Để tang trong lòng’

Vị cư sỹ tiếp hiện này giải thích rằng ‘tâm tang là để tang trong lòng’ và cho biết đây là tập quán trước giờ của Tăng thân Làng Mai và đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh ‘hướng dẫn cho các đệ tử khi Thầy còn khỏe’.

“Bản thân tôi theo Thầy đã lâu, tôi chấp nhận hình thức (tâm tang) này,” anh nói và cho biết anh đã thuyết phục được gia đình làm ‘tâm tang’ khi cha anh qua đời.

“Bảy ngày khóa tu là để mọi người trở về sống với giây phút hiện tại như điều mà Sư Ông luôn nhắc nhở các xuất sỹ và cư sỹ,” anh nói thêm. “Đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ bậc Đạo sư chứ không phải nghi lễ, cúng kiếng rìng rang hay than khóc.”

Theo anh Thương giải thích vì việc tổ chức ‘tâm tang’ cho Thiền sư Nhất Hạnh là vấn đề ‘được cả hội đồng giáo thọ Làng Mai quyết định vì đây là điều mà chúng tôi lĩnh hội từ Thầy’.

Riêng ngày tang lễ cuối cùng, anh cho biết sẽ làm theo nghi lễ truyền thống theo ý nguyện của quý Thầy Tổ đình Từ Hiếu.

Do đó, trong những ngày tang lễ, anh nói hàng cư sỹ và xuất sỹ sẽ ‘theo đúng thời khóa, giữ sự yên lặng, đi lại nhẹ nhàng’ và ‘làm những điều thiện để hồi hướng công đức cho Thầy’.

Anh Thương trở thành cư sỹ tiếp hiện, tức hàng đệ tử tại gia ‘tiếp xúc với giây phút hiện tại’ từ năm 2013 (Triết lý của Làng Mai là sống sâu sắc ở giây phút hiện tại). Anh cùng vợ đã tổ chức ‘tăng thân tại gia’ ở thành phố Hồ Chí Minh được 10 năm để truyền pháp môn cho giới trẻ bên cạnh công việc chính của anh là chủ một công ty du lịch.

Anh cho biết nhóm tăng thân tại gia của anh ở thành phố Hồ Chí Minh vào tối ngày 22/10 sẽ có buổi ngồi thiền ‘để gửi năng lượng bình an đến Sư Ông’ và cũng để ‘ôn lại công hạnh, những lời dạy của Sư Ông để xem mình học được những gì, đã tiếp nối được những gì của Thầy’.

“Các tăng thân, đạo tràng của Làng Mai trên khắp thế giới cũng làm như vậy,” anh cho biết.

‘Thầy không mất đi’

Giải thích về thái độ có phần bình thản này, vị cư sỹ tiếp hiện này nói: “Có thể mọi người cũng có đau buồn trong lòng, nhưng có lẽ chúng tôi đã được Thầy dạy khá kỹ về không sinh, không diệt, không sợ hãi.”

Chúng tôi đều hiểu rằng ‘Thầy không mất đi mà sẽ còn được tiếp nối trong chính các học trò’.

“Tôi quán chiếu điều này khá thường xuyên nên khi người thân mình mất và bây giờ là Sư Ông, dù có buồn nhưng tâm lý đã chuẩn bị nên tâm khá an,” anh nói.

Khi được hỏi Pháp môn Làng Mai sẽ tiếp nối thế nào nếu không còn Thiền sư Nhất Hạnh làm người dẫn đường, anh nói: “Giáo pháp Thầy đã dạy hết, trao hết rồi. Nếu thực hành lời dạy của Thầy, sống theo giáo pháp đó, thì nó sẽ được trao truyền cho thế hệ tương lai.”

“Giáo pháp còn mãi không phải vì Sư Ông còn sống hay không,” anh nói thêm và cho biết đó là lý do anh duy trì sinh hoạt tăng thân tại gia ‘để cố gắng trao truyền những gì mình đã học được cho các bạn trẻ’.

Anh Thương cho biết hiện giờ có rất nhiều môn đồ pháp quyến của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nhiều nơi trên thế giới muốn đến Huế tham dự tang lễ nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh ‘chắc chắn nhiều người sẽ về không kịp’ dù tang lễ được kéo dài đến 7 ngày.

“Ví dụ như các vị bên Thái Lan, mỗi tuần có hai chuyến bay, một chuyến là ngày hôm nay thì đi xét nghiệm bằng PCR sẽ không kịp, còn để đến chuyến sau thì quá trễ vì về còn phải cách ly ba ngày nữa nên họ đang tính đi đường vòng qua Singapore,” anh nói.

 

 

 

 

 

 

BÁO CHÍ QUỐC TẾ ĐỀ CAO SỰ CỐNG HIẾN

CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH 

CHO LỐI SỐNG HẠNH PHÚC

ĐỨC HOÀNG

Hôm nay, đồng loạt các hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới và trong nước đưa tin về sự viên tịch và ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mội vị Thầy hướng dẫn tâm linh, cho một lối sống an trú hiện tại với phương pháp thiền Chánh niệm.

Tờ tạp chí kinh doanh Inc. (Mỹ) từng đăng bài viết có tiêu đề "Vị thiền sư làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ: Nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về cách sống"

 

 

Thiền sư trong một buổi chia sẻ với lãnh đạo World Bank - Ảnh: Làng Mai

Tờ tạp chí kinh doanh Inc. (Mỹ) từng đăng bài viết có tiêu đề "Vị Thiền sư làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ: Nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về cách sống". Bài viết của tác giả Susan Steinbrecher nhận định Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những bậc thiện tri thức của Phật giáo được công chúng quốc tế yêu kính hàng đầu hiện nay.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được người phương Tây biết tới trước tiên qua những bài học về cách sống an yên, tĩnh tâm, cách sống tỉnh thức để đạt tới những điều ý nghĩa trong đời sống.

Thiền sư đã đưa những bài học trong Phật giáo một cách giản dị, dễ hiểu và thiết thực tới công chúng phương Tây, đã làm thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận của hàng ngàn người phương Tây qua năm tháng bằng những bài giảng của mình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là tác giả của những đầu sách bán chạy luận bàn về Phật giáo, về thiền, về cách sống tỉnh thức. Trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, những bài học của Thiền sư càng trở nên có ý nghĩa thiết thực.

Những điều mà Thiền sư truyền đạt thông qua các cuốn sách và bài giảng của mình như đưa lại câu trả lời cho những câu hỏi rất lớn và rất khó về đời sống, về đời người, những câu hỏi lớn lao muôn thuở đã và đang "ám ảnh" con người xuyên suốt dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian.

Những bài học mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh đời sống hiện đại nhiều áp lực và biến động hôm nay.

Bài viết trên tờ tạp chí Inc. nhận định Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với công chúng quốc tế qua những bài giảng ý nghĩa về cuộc sống.

Tờ tạp chí Inc. cũng đã nhiều lần đăng tải những điều tinh túy trích dẫn từ các cuốn sách hay bài giảng của thiền sư; về sự trân trọng cuộc sống trong khoảnh khắc của hiện tại; về cách để tìm thấy niềm vui, sự bình an và nuôi dưỡng tình yêu thương trong nội tâm...

 

 

Tờ tin tức The Huffington Post (Mỹ) cũng đã đăng khá nhiều bài viết về những thông điệp ý nghĩa mà thiền sư Thích Nhất Hạnh từng gửi gắm qua những lần thuyết giảng lúc sinh thời (Ảnh: Time).

Tờ tin tức The Huffington Post (Mỹ) cũng đã đăng khá nhiều bài viết về những thông điệp ý nghĩa mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng gửi gắm qua những lần thuyết giảng lúc sinh thời. Bài đăng của tác giả Michelle Cove trên tờ The Huffington Post nhấn mạnh vào bài học về cách lắng nghe mà bà đã có dịp tiếp thu từ thiền sư lúc ngài còn tại thế.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tin rằng để giải quyết những vấn đề của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng, thậm chí là của nhân loại, chúng ta cần học được nghệ thuật của việc lắng nghe một cách sâu sắc.

Việc lắng nghe sâu sắc đòi hỏi người nghe phải thực sự hiện diện trước người mà họ đang đối thoại, lắng nghe bằng một tấm lòng yêu thương, rộng lượng, để người nói có thể thoải mái trút bỏ tâm sự, giãi bày tất cả những gì chất chứa trong lòng, để họ muốn mở lòng chia sẻ nội tâm.

Thiền sư khuyên rằng chúng ta không nên vội vã bày tỏ quan điểm, ý kiến, hay đưa ra lời khuyên trước những gì ta vừa được nghe, thay vào đó chỉ nên tiếp tục lắng nghe một cách sâu sắc. Khi một người lắng nghe một cách chân thực để thực sự thấu hiểu đối phương một cách sâu sắc và đầy đủ, chỉ riêng hành động đó thôi đã giúp làm giảm đi những nỗi đau khổ ở người đang chia sẻ.

Bài học về sự lắng nghe sâu sắc có thể làm thay đổi trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta. Không chỉ riêng tác giả Michelle Cove mà còn nhiều tác giả khác từng chia sẻ trong những bài viết của họ, rằng họ đã chứng kiến những sự đổi thay kỳ diệu trong công việc và cuộc sống khi thực hành việc "lắng nghe sâu sắc".

Những khi trong công việc hay trong đời sống cá nhân của họ nảy sinh vấn đề, các tác giả này đều đã thử thực hành việc "lắng nghe sâu sắc" và nhận thấy hiệu quả bất ngờ trong việc đối thoại, xử lý vấn đề phát sinh với đồng nghiệp, với người thân.

Tờ tin tức The Guardian (Anh) cũng đã nhiều lần đăng tải những bài viết chuyên sâu về các bài học được Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra với công chúng phương Tây.

The Guardian đặc biệt quan tâm tới những bài thuyết giảng của Thiền sư về lối sống tỉnh thức, nhằm đạt được sự cân bằng, an yên, tĩnh lặng trong đời sống hiện đại, khi chúng ta đều đang sống giữa những bộn bề, lo toan, áp lực trong công việc, trong cuộc sống.

Lúc sinh thời, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ của thế giới đã mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới để giảng giải cho họ về cách sống tỉnh thức, cân bằng, về phương pháp thiền với hy vọng có thể tìm được sự phát triển bền vững cho tập đoàn, để họ có thể đóng góp những điều tốt đẹp vào sự phát triển của nhân loại.

Đồng thời, những tập đoàn công nghệ lớn này những mong thiền sư đưa ra những chỉ dẫn, để giúp nhân viên của họ có thể tìm ra cho cá nhân mình những hướng phát triển bền bỉ, để tìm được niềm vui và sự cân bằng giữa công việc và đời tư.

 

 

Hướng dẫn thiền tại trụ sở của Google - Ảnh: Làng Mai

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng đưa ra những lời khuyên về việc thực hành lối sống tỉnh thức và việc tập thiền ngay cả ở nơi làm việc, về cách mỗi người cần tự đối thoại với nội tâm của chính mình, học cách tự chăm sóc cho thân và tâm của mình để đạt được sự cân bằng.

Thiền sư cũng nhấn mạnh về ý nghĩa của "tính không", rằng mỗi chúng ta trong một số giai đoạn cần học được cách dừng lại để trải nghiệm sự tĩnh lặng tối cao của đời sống, để hiểu hơn về những gì là phù phiếm, hư vô, ảo ảnh trong cõi đời này, dám tạm rời xa khỏi guồng quay không ngừng của công việc và đời sống thường nhật để cân bằng lại bản thân và trở nên an lạc.

 

 

Bậc Thầy hướng dẫn về Thiền Chánh niệm

Ngoài ra, Thiền sư cũng nhấn mạnh rằng các tập đoàn công nghệ cần phải hiểu được tính hai mặt của những phát minh, tiến bộ trong khoa học, phải hiểu về cách mà những phát minh này tác động tới đời sống con người và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của con người.

Tờ tin tức The Guardian đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhân vật nổi tiếng và truyền cảm hứng nhưng cả cuộc đời mình, Thiền sư đã luôn chủ động sống bên ngoài sự quan tâm lớn của truyền thông - công chúng.

Dù vậy, Thiền sư vẫn luôn bằng cách này hay cách khác không ngừng chuyển tải những thông điệp tốt đẹp và ý nghĩa tới công chúng thông qua những cuốn sách, những bài thuyết giảng của mình.

The Guardian cũng đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nỗ lực rất lớn để có một đời sống giản dị và tĩnh lặng, thiền sư tránh những cuộc giao tế ồn ào, ông chỉ nhận trả lời phỏng vấn với những nhà báo đã có thời gian tập thiền với mình, những người này về cơ bản đã hiểu phần nào về thiền và những nội dung cơ bản của lối sống tỉnh thức bằng chính trải nghiệm thực hành của họ.

Dù có lối sống tĩnh lặng, tránh xa những ồn ào, xô bồ, nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh không hề "quay lưng với thế gian", lúc sinh thời, bằng nhiều cách khác nhau, thiền sư đã luôn nỗ lực chuyển tải những bài học và thông điệp ý nghĩa tới công chúng với hy vọng rằng mỗi người đều có thể gieo những nhân lành trong đời sống của mình để qua thời gian, những nhân lành ấy rồi sẽ trổ quả:

"Nếu chúng ta bắt đầu luyện tập cách sống tỉnh thức, chúng ta sẽ được trải nghiệm niềm vui, sự an lạc, sự biến đổi trong chính mình, chúng ta sẽ có thể sửa mình, để tìm thấy nguồn cảm hứng trong đời sống này. Tiền tài, danh vọng không thể mang lại hạnh phúc đích thực nếu chúng ta không biết sống và quan tâm tới thân - tâm của mình để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, sửa đổi tâm tính".

Một số câu nói truyền cảm hứng của thiền sư Thích Nhất Hạnh


"Khi ta yêu thương ai đó, điều tuyệt vời nhất mà ta có thể mang lại là sự hiện diện của ta. Làm sao ta có thể yêu thương người khác khi ta không hề hiện diện trong đời sống của họ?".
"Khi chúng ta sống tỉnh thức, thực sự trải nghiệm khoảnh khắc của hiện tại, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng về những gì đang diễn ra một cách sâu sắc, chúng ta sẽ bắt đầu thực sự chấp nhận được những gì đang diễn ra trong đời sống của mình, bắt đầu có được niềm vui, sự an yên và tình yêu thương dành cho cuộc sống".

"Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường".

"Bạn cần phải yêu thương theo cách khiến người bạn yêu thương cảm thấy họ được tự do".

"Vẻ đẹp đích thực là khi ta được là chính mình. Bạn không cần phải được những người khác công nhận. Bạn cần phải chấp nhận được chính mình trước đã".

"Chúng ta cần học cách sống cuộc sống này một cách sâu sắc. Chúng ta cần thở sâu từng nhịp để thấy rằng mình có sự bình an, niềm vui, sự tự do trong từng nhịp thở".

"Những điều không như ý, thậm chí khốn khổ mà bạn gặp phải trong đời sống có thể rất nặng nề, nhưng đừng đợi cho tới khi bạn không còn gì đau khổ nữa mới cho phép mình được cảm thấy hạnh phúc, an lạc".

"Kiên nhẫn chính là biểu hiện của yêu thương đích thực. Nếu bạn thực lòng yêu thương một ai đó, bạn sẽ cần kiên nhẫn với người đó".

"Việc buông xả đưa lại cho chúng ta sự tự do, sự tự do là điều kiện duy nhất để cảm thấy hạnh phúc, an lạc. Nếu trong trái tim mình, chúng ta vẫn còn bám giữ lấy những nỗi giận dữ, sự âu lo, điều tham vọng, chúng ta sẽ không thể đạt được sự tự do trong tâm mình".

"Để sự việc bộc lộ bản chất thật của nó trước mắt chúng ta, chúng ta cần phải từ bỏ định kiến của mình về sự việc trước đã".

"Hy vọng là điều quan trọng bởi nó có thể khiến hiện tại trở nên bớt khó khăn hơn. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai rồi sẽ tốt hơn, chúng ta sẽ có thêm nghị lực để chịu đựng những khó khăn của ngày hôm nay".

"Sự giận dữ giống như cơn bão phát xuất từ đáy sâu của nhận thức. Khi bạn bắt đầu cảm thấy cơn giận dữ thành hình, hãy chuyển sự tập trung của bạn vào nhịp thở".

"Chúng ta phải không ngừng học hỏi. Chúng ta phải giữ tâm thức cởi mở để có thể học hỏi. Và chúng ta còn cần phải sẵn sàng xả bỏ những điều cố chấp, định kiến của mình để có thể trở thành một con người thấu hiểu sâu sắc bản chất thực của con người và sự việc".

"Lắng nghe và thấu hiểu những xúc cảm nội tâm của bản thân mình chính là cách để giải quyết phần lớn những vấn đề mà chúng ta gặp phải".

"Những xúc cảm đến rồi đi giống như những đám mây trên bầu trời trong một ngày nhiều gió. Tỉnh thức trong từng hơi thở chính là chiếc mỏ neo vững chãi trong cuộc đời này".

Đức Hoàng/Dân Trí tổng hợp

Văn 22 Tháng Một, 2022

CUỘC ĐỜI CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

“Tôi đi tu chỉ vì tôi muốn dành trọn thì giờ của mình để giúp những người khác.”

Văn Tâm

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai, nước Pháp vào năm 70 tuổi (1996). Ảnh: Simon Chaput.

 Thích Nhất Hạnh

Tên khai sinh: Nguyễn Xuân Bảo.

Năm 1926: Sinh tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Năm 1942: Xuất gia tại chùa Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đây cũng là nơi ông sống những năm cuối đời.

Năm 1967: Được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Năm 1982: Thành lập Làng Mai tại miền Nam nước Pháp.

Năm 2018: Trở về an dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu cho đến lúc qua đời vào ngày 22/01/2022.

Lời tòa soạn: Khi bắt đầu viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh, chúng tôi phát hiện ra nhiều ghi chép, phỏng vấn của ông về các giai đoạn cuộc đời và quan điểm của mình. Ở một chừng mực nào đó, chúng tôi nghĩ rằng có thể tạo một bài viết mà chính ông là người kể chuyện về cuộc đời của mình. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi sắp xếp các đoạn được trích từ nhiều nguồn khác nhau (phỏng vấn, sách, thư, v.v.) ở những thời điểm khác nhau về cùng một giai đoạn hoạt động nhất định. Các đoạn có dấu ngoặc kép trong bài là nguyên văn (hoặc được dịch từ tiếng Anh) của ông. Các đoạn in nghiêng là chú thích của người viết về bối cảnh ở từng thời kỳ. Độc giả có thể xem chi tiết hơn về các đoạn trích dẫn trong phần chú thích.

Xuất gia tại chùa Từ Hiếu (1926 – 1949)

Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 trong một gia đình có bố làm quan trong triều đình Huế.

“Tôi đi học tiểu học ở ngôi trường có chương trình song ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp. Chúng tôi cũng có một vài giờ học tiếng Trung ở trường. Chúng tôi học tiếng Pháp. Tôi phải học lịch sử, địa lý bằng tiếng Pháp. Và tôi cũng phải học lịch sử và địa lý Việt Nam bằng tiếng Việt nữa.

Chúng tôi biết về sự tồn tại của phong trào phản kháng bí mật, chống lại người Pháp và chế độ thuộc địa. Tôi đã chứng kiến những thanh niên, trai cũng như gái, bị bắt chỉ vì họ là thành viên của lực lượng kháng chiến. Khi tôi lớn lên, tôi cũng chứng kiến những người đói ăn. Có một khoảng thời gian mà mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thấy rất nhiều xác chết trên đường phố bởi vì người ta không có gì để ăn. Học sinh phải đi xin gạo. Và vào buổi trưa, chúng tôi đến từng nhà xin từng bát cơm. Chúng tôi chia cơm thành từng bát nhỏ hơn cho những người đang chết đói…” [1]

“Vào năm bảy hay tám tuổi, tôi được chiêm ngưỡng hình vẽ Bụt trong một tập san về Phật giáo, người ngồi an nhiên trên cỏ, mỉm cười và bình an hơn bất cứ ai xung quanh tôi lúc bấy giờ. Hình ảnh đó đã cuốn hút tâm trí tôi ngay lập tức. Vì vậy mà tôi khao khát trở thành một nhà sư như Bụt.

Ban đầu, gia đình chưa sẵn sàng với ý định xuất gia của tôi vì bố mẹ tôi nghĩ rằng cuộc đời tu hành rất vất vả. Tôi vẫn nuôi dưỡng mong ước đó, và đến năm tôi 16 tuổi, gia đình đã cho phép tôi xuất gia [tại chùa Từ Hiếu].

Tôi luôn cảm thấy mình sẽ không hạnh phúc nếu không trở thành một thầy tu. Chúng tôi gọi cảm giác đó là tâm trí của người mới bắt đầu (beginner’s mind) – một ý định sâu kín, một mong muốn sâu sắc nhất mà một người có thể có. Và có thể nói rằng kể từ đó đến nay, tâm trí của người mới bắt đầu ấy vẫn sống trong tôi.” [2]

 

Thích Nhất Hạnh, 16 tuổi tại Huế khi vừa mới xuất gia. Ảnh: PVCEB.

 “Khi còn là một chú tiểu mới mười sáu tuổi, thầy tôi đã dạy tôi cách đóng cửa với sự chú tâm một trăm phần trăm. Một hôm thầy sai tôi đi làm một việc. Tôi hăng hái, hấp tấp, đi nhanh ra và khép cửa vội vàng.

Thầy kêu tôi lại: ‘Này con, con lại đây’.

Tôi trở lại, đứng vòng tay chờ.

Thầy tôi nói: ‘Con đi ra lại và khép cửa cho đàng hoàng coi’.

Đó là bài học đầu tiên của tôi về thực tập chánh niệm. Khi đó tôi đi ra trong chánh niệm, ý thức từng bước đi, nắm lấy cánh cửa trong chánh niệm, và mở cửa trong chánh niệm. Kể từ đó thầy không còn phải dạy tôi cách đóng cửa lần thứ hai.” [3]

“Tôi sống trong một ngôi chùa có không khí khá giống như một gia đình. Sư phụ giống như một người cha và các thầy giống như những người anh em lớn nhỏ của mình. Nó như một gia đình. Tôi không có ham muốn tạo dựng gia đình, vì rõ ràng là tôi đã có thời gian hạnh phúc của một chú tiểu. Tôi hay nói với các nhà sư và đệ tử trẻ của mình rằng nếu con thấy hạnh phúc trong hai năm đầu đời đi tu thì thầy nghĩ rằng con sẽ còn hạnh phúc khi trở thành một nhà sư.” [4]

“Ngày xuất gia và được thọ giới sa di, tôi được trao pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Phùng Xuân nghĩa là gặp mùa xuân.” [5]

“Chúng tôi là sự nối tiếp của Bụt và chư tổ sư, trong đó có Trúc Lâm đại sĩ, thiền sư Lâm Tế, thiền sư Liễu Quán và thiền sư Nhất Định.” [6]

 

Thích Nhất Hạnh vào những năm 1950. Ảnh: PVCEB.

Rời Huế vào Sài Gòn (1949 – 1955)

Sau ba năm thọ giới, Thích Nhất Hạnh được gửi vào Phật Học Viện Báo Quốc. Chỉ một thời gian sau, ông cùng bạn đồng môn vào Sài Gòn để tìm hiểu về triết học, văn học, ngoại ngữ, những thứ chưa được giảng dạy ở trường Báo Quốc. [7]

Năm 25 tuổi (1951), Thích Nhất Hạnh thọ Tỳ-kheo trở thành một tu sĩ Phật giáo. Tiếp đến, ông dạy thiền học và giảng dạy về đạo Phật tại Phật Học Viện Ấn Quang ở Sài Gòn trong những năm 1950. Cũng từ đây, ông bắt đầu công cuộc làm mới đạo Phật bằng các nghiên cứu, giảng dạy và viết sách trước tình trạng đàn áp tôn giáo của chính quyền và sự suy thoái của Phật giáo. [8]

 

Thích Nhất Hạnh, ngoài cùng bên phải, chụp cùng những vị học tăng tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Ảnh: PVCEB.

“Chúng tôi đã đau khổ vì tình trạng chính trị của đất nước. Chúng tôi lại càng đau khổ vì tình trạng của đạo Phật. Hồi ấy chúng tôi đã nói tới vấn đề hiện đại hóa đạo Phật. Hồi ấy chúng tôi đã cố gắng mọi cách gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc để phục hồi sinh lực dân tộc trong ước vọng xây dựng xứ sở. Tôi đã làm báo, đã viết sách. Nào báo Hướng Thiện, nào báo Liên Hoa, nào báo Sen Hái Đầu Mùa.”

Làm báo (1955 – 1959)

“Năm 1955, tôi được Tổng hội Phật giáo Việt Nam giao cho chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam. Lúc đó, tôi đã có dịp gây ý thức về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc. Tôi cũng đã thấy rõ tính cách rời rạc phân tán của tổ chức đạo Phật, nên đã cố gắng viết tất cả những gì tôi nghĩ về một nền Phật giáo thống nhất toàn vẹn.

Hơn hai năm sau, tờ báo bị đình bản. Lý do là hết tiền. Nhưng kỳ thực, đó là vì các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Trung và miền Nam không chịu đựng được những loạt bài nói về vấn đề thống nhất thực sự. Trong một buổi họp, họ đã lấy cớ hết tiền để kết liễu sinh mệnh của tờ báo. Họ có nói: ‘Ai lại tờ báo của Tổng hội mà đi dạy Tổng hội về vấn đề thống nhất bao giờ’.” [9]

 

Một trong những bài viết trong số báo cuối cùng (số 28) của tờ Phật giáo Việt Nam, phát hành vào tháng 4/1959. Số báo đầu tiên phát hành vào tháng 9/1956. Ảnh: Thư viện Hoa Sen. 

“Thế là chúng tôi mất khí giới cuối cùng. Chính trị thì khôn ngoan, tìm đủ mọi cách cho tiềm lực dân tộc không có cơ hội phát hiện. Tổ chức Phật giáo thì thủ cựu, chia rẽ. Chúng tôi, những người trẻ tuổi, không có tiền bạc. Không có uy thế, không có một ‘miếng đất để cắm dùi’, làm sao thực hiện được ước mộng? Sau một thời gian ốm đau tưởng chết, tôi rút về nằm ở ngôi chùa nhỏ bé và an tĩnh ở Blao [Đà Lạt].” [10]

Đến Hoa Kỳ (1961 – 1963)

Không lâu sau đó, ông cùng những người bạn thành lập Phương Bối, một chỗ tu tập và sống cuộc đời đạm bạc cách Sài Gòn hơn 180 cây số. Nơi này chỉ tồn tại được một thời gian thì lại bị chính quyền đàn áp do nghi ngờ dính líu đến các hoạt động chống chính quyền. Trước tình hình đó, Thích Nhất Hạnh phải trốn về Sài Gòn để lánh nạn. Năm 1961, vì thời cuộc bức bối, ông sang Hoa Kỳ nghiên cứu về Phật giáo ở Đại học Princeton rồi giảng dạy tại Đại học Columbia.

 

Quang cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn để phản đối chiến tranh và chính sách đàn áp tôn giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh: Malcolm Browne/ AP.

Mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm lên đến đỉnh điểm vào năm 1963. Phật giáo phản kháng bằng nhiều cuộc biểu tình, tự thiêu trên đường phố nhằm gây chú ý trước tình trạng đàn áp tôn giáo.

Thích Nhất Hạnh lúc này ở Mỹ cũng bắt đầu bận rộn với việc vận động cho quyền tự do tôn giáo và chống chiến tranh ở quê nhà. Ông xuất hiện trên truyền hình, gặp ký giả, dịch các tài liệu về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, vận động các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc can thiệp vào tình hình bi đát ở nước nhà.

Dấn thân với các hoạt động xã hội (1963 – 1966)

Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, Thích Nhất Hạnh trở về Sài Gòn vào tháng 12/1963 theo lời mời của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.

 

Người dân tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn năm 1963. Ảnh: Marv Godner.

“Dọc theo con đường dài từ phi trường Tân Sơn Nhất về nhà, tôi chứng kiến lại một cách hiện thực tình trạng chậm tiến của xứ sở này. Những dãy nhà còn lụp xụp ngổn ngang, đầy nhóc những người, những bác xa phu cong lưng đạp xích lô, mồ hôi nhễ nhại.

Dân nông thôn đã đổ xô lên Sài Gòn quá nhiều. Chắc chắn là vùng quê ít chỗ có được an ninh. Những hình ảnh đó khiến tôi nao nao. Việt Nam đang ở trong một giai đoạn lịch sử quyết liệt. Không biết chúng tôi có thể làm được cái gì để đóng góp vào trong cái hướng đi mới của một dân tộc vừa thoát khỏi một chế độ độc tài hay không.” [11]

 

Thích Nhất Hạnh vào năm 1966. Ảnh: PVCEB.

 “Xã hội chúng tôi đã bị phân hóa quá, bởi vì chiến tranh [...]. Ngày nay quần chúng nghi ngờ mọi thiện chí, mọi hứa hẹn. Chúng tôi nhận thấy ngoài chất liệu tôn giáo, không còn có chất liệu nào có thể tạo dựng được đoàn kết tính và xã hội tính.” [12]

“[...] trong hàng chục năm qua, người dân đã nghe quá nhiều những hứa hẹn cải tiến xã hội nhưng nếp sống cơ cực vẫn hoàn cơ cực. Thêm vào đó, chiến tranh làm cho ruộng vườn hư nát, làm cho cơ nghiệp sụp đổ, làm cho an ninh bị đe dọa.

Người dân quê đã bị đánh lừa nhiều lần khiến họ không còn tin tưởng ở một lời hứa hẹn đường mật nào nữa. Họ đã bị lợi dụng. Và họ đã sợ hãi phần đông những người cán bộ mà họ tiếp nhận từ trung ương. Họ [những cán bộ] chẳng làm được việc gì đáng kể. Họ chỉ tuyên truyền qua loa chính quyền, và được đào tạo cấp bách, non nớt, không hiểu được tâm lý quần chúng, không có tâm niệm phụng sự, họ nói và làm những điều phật ý nông dân.” [13]

“Người Mỹ đã tin tưởng quá ở mãnh lực đồng tiền và chính phủ của ông Diệm, đã tin tưởng quá ở sức mạnh bạo lực.

 

Một ấp chiến lược vào năm 1961, nơi các hộ dân đang sống rải rác được tập trung vào một khu vực để tránh các cuộc tấn công của Việt Cộng. Ảnh: AP.

Ấp chiến lược [...] nhắm tới một mục tiêu quân sự và chính trị chứ không nhắm tới mục tiêu xã hội. Chính vì thế mà những tuyên truyền về cách mạng xã hội đều không được ai nghe theo. Chúng tôi thấy rõ điều đó và đã quyết định với nhau rằng một phong trào dựng lại xứ sở cần được đặt trên một căn bản hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi muốn mở một mặt trận chống lại nghèo đói, ngu dốt, bịnh tật và vô tổ chức.” [14]

“Tương lai đất nước chúng tôi tùy thuộc vào rất nhiều ở những nỗ lực hiện tại để cải tiến xã hội nông thôn. Chủ quyền độc lập của xứ sở chúng tôi [...] chỉ có thể đảm bảo khi nào chúng tôi có thể đứng vững trên hai chân của chúng tôi.” [15]

 

Thích Nhất Hạnh dạy trẻ em tập đọc bằng một bài hát về Quán Thế Âm Bồ Tát tại một làng tự nguyện những năm 1960. Ảnh:

PVCEB.

“Chúng tôi đã làm xong một dự án về một tổ chức đào tạo, những ‘làng tự nguyện’. Những người này [những thanh niên] sẽ được huấn luyện kỹ lưỡng, có đủ kiến thức về xã hội về tôn giáo và nhất là về phương pháp thực hiện các dự án chống nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt và vô tổ chức.

Họ sẽ hành động không vì lương bổng, quyền hành mà vì tình thương, ý thức và trách nhiệm và ý thức tự nguyện. Chỉ với chất liệu tâm lý do chí nguyện đó, họ mới có thể thành công. Mà những người trai trẻ như thế [...] không hiếm ở đất nước này đâu. Tôi dám chắc [...] là có hàng vạn hay hàng chục vạn. Tôi đã gần gũi họ trong những ngày gần đây, và đã thấy trong mắt họ sáng lên trong niềm tin mới. Chỉ trong mấy tháng nữa chúng tôi khai giảng trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, và ngôi trường này sẽ là một trường chuyên nghiệp thông thuộc một viện đại học trẻ trung vừa mới thành lập. Ban giảng huấn của trường gồm toàn những người trẻ tuổi, tất cả đều nao nức về công việc sắp thực hiện.” [16]

 

Trụ sở đầu tiên của trường Thanh niên Phụng sự Xã hội tên là Chùa Lá, sau được ông đặt tên là chùa Pháp Vân. Ảnh: PVCEB.

“Chúng tôi hiện có hai làng thí điểm tại miền Nam, hai làng tại miền Trung – một tại Khánh Hòa, một tại Thừa Thiên.“ [17]

“Ba tiếng ‘làng tự nguyện’ gợi cho chúng ta hình ảnh một khu làng mà trong đó dân chúng tự tổ chức lại nếp sống kinh tế, giáo dục và y tế của họ theo những tiêu chuẩn phát triển cộng đồng.

Họ chấm dứt thái độ tiêu cực và trông chờ, phải có những người bạn có óc tổ chức, có kiến thức căn bản về sinh hoạt xã hội nông thôn sống ngay trong xóm làng, làm chất men cho tinh thần tự nguyện phát khởi. Ở khu làng thí nghiệm này, chúng tôi đã được dân làng chấp nhận [sau một khoảng thời gian thí nghiệm] như là anh em bà con của họ, cái nhà mà tôi đang ở đây là một cái nhà bốn gian, ba gian là trường học, một gian là trạm y tế. Tất cả đều do các nông dân trong làng tạo dựng, với sự có mặt của chúng tôi.” [18]

 

Học viên của trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Ảnh: PVCEB.

 “Ban đầu thì phải nghiên cứu về tình trạng chung của làng về các mặt y tế, giáo dục, kinh tế, xã hội. Rồi tùy theo tình trạng mà bắt đầu công cuộc cải tiến. Phải đánh thức ước muốn của dân làng dậy bằng những công tác trình diễn chứng minh. Và tự nhiên dân làng hưởng ứng. Tuy vậy cũng công tác đầu phải làm ở nhiều làng vốn không phải là những công tác y tế và giáo dục.

[Về giáo dục], ban đầu, một công tác viên về làng, và làm quen với vài em bé trong lúc chơi đùa, câu cá, hát hò. Rồi anh công tác viên đó hỏi thăm về sự học hành của các em, và rốt cuộc là các em bằng lòng để cho anh dạy cho mà học thay vì đi chơi rong suốt ngày. Họ ngồi dưới gốc cây, kê một tấm gỗ để viết chữ. Thế rồi chỉ một tuần sau, số học trò tăng lên mười mấy em.

Khi học trò đông quá mà chỗ học thiếu thốn, các phụ huynh họp lại để giải quyết vấn đề trường ốc. [...] Một buổi họp như thế cố nhiên đưa đến kết quả là sự quyết định dựng một ngôi trường cho làng. Và người thì cho tre, người thì cho gỗ, người thì cho gạch, người thì cho công. Vật liệu không hiếm. Ban đầu chỉ cần là trường bằng tre, tranh và đất thôi. Khi mà dân làng ý thức được sự cần thiết, thì tự nhiên khả năng của thôn quê để tự cải tiến trở nên lớn lao. [...] Họ không cầu xin của Chính phủ hay của viện trợ một xu nào.” [19]

Năm 1965, cuộc chiến ở miền Nam ngày càng leo thang.

 

Ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ ở Đà Nẵng vào tháng 3/1965. Ảnh: PVCEB.

 “Tháng Sáu năm 1965, tôi đã viết một lá thư cho mục sư Martin Luther King để giải thích vì sao các nhà sư Việt Nam lại tự thiêu. Tôi nói rằng đó không phải là một vụ tự sát. Để tiếng nói được lắng nghe trong tình trạng đất nước lúc đó là rất khó khăn. Đôi khi chúng tôi phải tự thiêu mình để tiếng nói được lắng nghe. Đó là sự từ bi. Đó là hành động của tình yêu thương và không tuyệt vọng.” [20]

Sự thành công của “làng tự nguyện” đã gây được ấn tượng với Tổng hội Phật giáo. Tháng 9/1965, tổng hội cho phép thành lập trường như một phân viện của Viện Đại học Vạn Hạnh. Tuy nhiên, sau lời kêu gọi hòa bình của Thích Nhất Hạnh vào năm 1966 thì trường bị loại khỏi viện đại học này vì ông bị cho là thân cộng sản. Mặc dù vậy, trường vẫn tiếp tục phát triển.

“Chúng tôi đã lập được trường Thanh niên Phụng sự Xã hội đào tạo trên 600 tác viên và hàng ngàn trợ tác viên và cảm tình viên (làm việc công quả mà không nhận phụ phí), thành lập các làng hoa tiêu và làng tự nguyện để nâng cao phẩm chất của sự sống ở nông thôn về cả bốn mặt giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức.

Chúng tôi đã có những công tác tại các xóm nghèo Mã Lạng Quốc Thanh, Cầu Bông Bàn Cờ, và các lớp trung học miễn phí đêm (bắt đầu từ năm 1961, của Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn). Chúng tôi bắt đầu lập làng Tình Thương [...] với hơn 100 sinh viên Phật tử. Chúng tôi đã tổ chức những đoàn sinh viên đi lạc quyên để cứu lụt và cứu đói [vào năm 1964] dọc theo hai bờ sông Thu Bồn lên đến Thượng Nguồn.”

Đến năm 1966, Thích Nhất Hạnh trở thành một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào Phật giáo trong nước. Ông còn là một trong những người sáng lập ra Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Pháp Hội (sau chuyển thành Viện Đại học Vạn Hạnh vào năm 1966), [21] nhà xuất bản Lá Bối và Dòng tu Tiếp Hiện (một dòng tu thể hiện sự dấn thân của Phật giáo vào đời sống).

 

Sáu đệ tử trong Dòng tu Tiếp Hiện cũng là thành viên của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội được Thích Nhất Hạnh truyền giới trước khi ông xuất ngoại vào năm 1966. Ảnh: PVCEB.

 Vận động cho hòa bình (1966 – 1975)

Ngày 12/5/1966, Thích Nhất Hạnh khi ấy 40 tuổi rời Việt Nam để vận động cho hòa bình tại quê nhà.

“Chiều mai tôi phải đi rồi.” [22]

“Đêm nay, trời sáng tỏ một cách kỳ lạ. Tôi chưa đi mà đã nhớ nhà rồi. Tôi đi rồi tôi lại về thì có sao đâu. Lòng tôi hơi xao xuyến một chút, nhưng mà vẫn yên tĩnh. [23]

Tôi tới Hoa Kỳ để kêu gọi chấm dứt thả bom. Thời điểm đó, nửa triệu quân lính Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam, trong số đó có trên năm mười ngàn quân nhân đã bị giết hay mất tích trong chiến tranh. Đất đai, rừng núi, sông ngòi bị tàn phá và ô nhiễm vì các chất độc hóa học.

Khi ấy tôi đã là một giáo thọ và nhà văn được biết tiếng trong nước. Tôi có ý định ở lại Hoa Kỳ trong ba tháng để kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Nhưng sau ba tháng, tôi được biết là chính quyền Việt nam không cho phép tôi trở về nước vì tôi đã cả gan lên tiếng kêu gọi hòa bình.” [24]

 

Thích Nhất Hạnh lên đường sang Mỹ để vận động ngừng chiến tại Việt Nam. Ảnh: PVCEB.

 “Chúng tôi bị kẹt giữa hai bên lâm chiến và chúng tôi buộc phải lên tiếng. Nhưng đa số chúng tôi không có đài phát thanh, không có đài truyền hình, không có báo chí để nói lên thực trạng. Những ai dám kêu gọi chống chiến tranh đều bị bắt. Cho nên có những người đã tự thiêu để thu hút công luận, để công luận không còn thờ ơ trước nỗi đau của đa số dân chúng không muốn chiến tranh.” [25]

“Chỉ khi đó báo chí mới thấy rằng đa số người dân Việt Nam không chấp nhận chiến tranh. Đó là lý do vì sao tôi quyết định đi sang các nước Tây phương để nói cho thế giới biết những đau khổ của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.” [26]

“Trong năm đầu tiên, tôi đã nằm mơ về đến nhà gần như mỗi đêm. Tôi đã thấy mình leo lên một ngọn đồi xinh đẹp, rất xanh, rất hạnh phúc, và đột nhiên tôi thức dậy và thấy mình sống lưu vong. [...] Một năm sau đó thì giấc mơ như thế dừng lại.” [27]

 

Thích Nhất Hạnh dành toàn thời gian để tranh đấu cho hòa bình ở quê nhà từ năm 1966. Ảnh: PVCEB

 “Đúng một năm sau khi tôi viết thư cho mục sư King thì tôi gặp ông ấy ở Chicago. Chúng đã có một cuộc thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Và chúng tôi đồng ý rằng nếu không có cộng đồng chúng tôi không thể tiến xa trong cuộc vận động của mình.” [28]

Năm 1967, Martin Luther King đã đề cử Thích Nhất Hạnh cho Giải Nobel Hòa bình.

“Tôi nhớ lần cuối cùng tôi gặp mục sư King tại Thụy Sĩ, trong một hội nghị do Hội đồng Thế giới các Giáo hội (World Council Churches) tổ chức, lấy tên là Pacem in Terris (Hòa bình trên Trái đất). [...] Đó là năm 1968. Mục sư đã mời tôi lên ăn sáng để đàm đạo: vì bận họp báo nên tôi lên trễ nửa giờ. Ông vẫn cố giữ thức ăn sáng cho nóng. Trong buổi gặp gỡ này, tôi đã có dịp nói với ông là: các bạn ở Việt Nam rất yểm trợ ông và xem ông như một vị Bồ Tát sống, ông rất hoan hỷ khi nghe như thế và sau này mỗi khi nghĩ tới buổi họp mặt ấy, tôi lại thấy hài lòng vì đã nói được với ông câu ấy, bởi vì chỉ mấy tháng sau ông bị ám sát.” [29]

“Khi tôi nghe về vụ ám sát mục sư King, tôi không thể tin được. Tôi nghĩ: ‘Người Mỹ đã tạo ra King nhưng không có khả năng bảo vệ ông ấy’.” [30]

 

Thích Nhất Hạnh cùng mục sư Martin Luther King trong một cuộc họp báo về chiến tranh Việt Nam ở Chicago vào ngày 31/5/1966. Ảnh: PVCEB.

 Thành lập tăng đoàn ở hải ngoại (những năm 1980 – 2018)

“Sau khi được biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa không muốn tôi trở về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sau đó, tôi đi sang châu Âu, châu Á và châu Úc. Cuối cùng tôi dừng lại ở Paris và thiết lập một trung tâm tu học để tiếp tục công tác kêu gọi hòa bình.” [31]

 

Thích Nhất Hạnh và tu sinh ở Làng Mai vào năm 1990, lúc đó ông 64 tuổi. Ảnh: Simon Chaput.

 Trong khi lưu vong, Thích Nhất Hạnh vẫn liên lạc và sắp xếp những hoạt động nhân đạo tại Việt Nam và ở các nước khác.

“Chúng tôi đã lập trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (từ 1965 đến 1975), Ủy ban Tái thiết và Phát triển Việt Nam (từ 1971 đến 1975 dưới sự lãnh đạo của hòa thượng Thiện Hòa).

Trong chương trình Máu Chảy Ruột Mềm trên biển Nam Hải, [chúng tôi] đã điều động vớt được 600 thuyền nhân trên biển (1976). Tiếp đó là chương trình thầm lặng cứu người bằng ghe đánh cá trên vịnh Thái Lan [...] (1976 – 1978). Chúng tôi đã thành lập Chương trình Cứu trợ xã hội Hiểu và Thương và hoạt động âm thầm từ năm 1975 tới 2009.” [32]

Và nhiều chương trình nhân đạo khác. Tuy nhiên, ông không lên tiếng trực tiếp và mạnh mẽ khi chính quyền đàn áp tàn nhẫn đồng môn của mình ở quê nhà sau năm 1975.

 

Thuyền nhân Việt Nam trên tàu Roland. Con tàu do Thích Nhất Hạnh và môn đồ thuê để vớt những người Việt Nam trôi dạt ngoài khơi biển Singapore vào năm 1976. Ảnh: PVCEB.

 “Trong gần 30 năm hành đạo tại Tây phương, tôi đã truyền Năm Giới cho hàng trăm ngàn người Âu, Mỹ, Nga, Úc, Trung Hoa, Nhật Bản… Người nào cũng pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm, thế hệ thứ 43 của phái Lâm Tế và cũng là thế hệ thứ chín của dòng Liễu Quán.”

Trở về Việt Nam sau 40 năm ở hải ngoại (2005)

Từ thập niên 1990, chính quyền Việt Nam mở cửa với thế giới. Những thuyền nhân, những người đã ra đi sau năm 1975 được kêu gọi quay về quê hương đóng góp cho kinh tế. Những nhân vật nổi tiếng được chính quyền mời về nước để thu hút những người Việt đã bỏ xứ ra đi.

 

Thích Nhất Hạnh chủ trì một buổi lễ truyền đăng công nhận những môn đồ trở thành giảng sư dạy về thiền định. Ảnh: Simon Chaput.

 Suốt thời gian bốn mươi năm, chúng tôi đã cố gắng dàn xếp để trở về Việt Nam. Cuối cùng, tháng Giêng 2005, tôi được phép trở về quê hương.

Phái đoàn cùng về Việt Nam với tôi gồm hai trăm người. Tôi muốn trở về Việt Nam như một tăng thân, một tăng thân đích thực chứ không phải như một tế bào (bị rách ra khỏi cơ thể như lúc ra đi), để trình bày pháp môn thực tập hiểu biết và thương yêu, bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi thực tập vững vàng, tinh tấn và chân thực thì chúng tôi có thể chuyển hóa sự nghi ngại của chính quyền.” [33]

Các hoạt động tu tập của ông trong lần đầu trở về nước đã gây được ấn tượng với chính quyền nhưng vẫn luôn bị công an Việt Nam giám sát vô cùng chặt chẽ. Thích Nhất Hạnh cùng môn đồ được phép tổ chức nhiều buổi nói chuyện công khai với công chúng, bao gồm các đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế và Hà Nội.

Nói về chính trị (2007)

 

Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai thiền hành tại Hồ Gươm vào năm 2005. Ảnh: PVCEB.

 

Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh đi trên một con đường ở Huế trong lần đầu tiên trở về nước vào năm 2005. Ảnh: PVCEB.

 

Vào tháng 10/2007, khoảng 10.000 nhà sư Myanmar đã xuống đường để biểu tình phản đối chính quyền quân sự độc tài ở đất nước này. Các nhà sư trong ảnh đi trong vòng tay của người dân tại Yangon. Ảnh: AP.

 “Trưa ngày 9/10/2007, tạp chí Time có đến vấn tôi về những biến cố ở Miến Điện và về vấn đề hâm nóng Trái Đất. [...] Tôi có nói các vị xuất gia bên ấy đã can đảm đứng dậy đưa đường chỉ lối cho toàn dân về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Các vị đã tỏ ra xứng đáng là những người lãnh đạo tâm linh của đất nước.

Tuy đang bị đàn áp, tù đày hoặc giết chóc, nhưng tâm của họ rất an, vì họ đã làm được việc họ phải làm: Cung cấp cho đất nước và dân tộc họ vai trò lãnh đạo tâm linh. [...] Các tầng lớp dân chúng trong nước mỗi khi nghĩ đến các vị ấy là thấy lòng mình xúc động. Chính năng lượng của tình thương và của niềm tin ấy sẽ là động lực nuôi dưỡng hành động của họ để mang lại nhân quyền và dân chủ cho đất nước họ. Thế giới đang yểm trợ Miến Điện, như thế giới đã từng yểm trợ cuộc tranh đấu của Phật tử và đồng bào Việt Nam trong những năm sáu mươi [...] Không phải chỉ một Phật tử đứng lên mà toàn thể các Phật tử cùng đứng lên một lượt. Bây giờ Miến Điện cũng thế. Không phải chỉ một thầy đứng lên mà tất cả các thầy đều đứng lên. Đây mới thật sự là lãnh đạo tâm linh.” [34]

 

Thích Nhất Hạnh được đón chào nồng nhiệt trên hầu hết các quốc gia mà ông đặt chân đến. Ảnh Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh tại Indonesia. Ảnh: PVCEB.

 “Đất nước và dân tộc không thể không có một chiều hướng tâm linh. Đời người cũng không thể thiếu vắng một chiều hướng tâm linh. Thiếu một con đường tâm linh, ta sẽ không có khả năng đối diện với khổ đau, chuyển hóa khổ đau và hiến tặng được gì cho cuộc đời. Người không có đường đi là người đi trong bóng tối. Có đường đi rồi, ta sẽ không còn lo sợ.

Tăng thân của tôi và tôi đã thực tập quán chiếu khổ đau không những cho phe cộng sản hay phe chống cộng mà của cả những người lính Hoa Kỳ, vì họ đã bị đưa tới một đất nước xa lạ để giết người và bị giết. Tôi không hận thù bởi vì tôi có hiểu biết về thương yêu. Rất nhiều người trong chúng tôi đã sống sót được nhờ thực tập hiểu biết và thương yêu đó.

Kinh nghiệm của tôi từ những cuộc chiến tại Việt Nam đã khiến cho tôi tin tưởng vững chắc rằng bạo lực không thể loại trừ được khủng bố. Và lắng nghe sâu có sức mạnh hơn bom đạn. Khủng bố sinh ra do tri giác sai lầm. Quân khủng bố có tri giác sai lầm về họ và về chúng ta. Vì thế nên họ muốn tiêu diệt chúng ta, trừng phạt chúng ta.

Nếu hiểu được cách tư duy, cũng như cách nhận thức của họ thì chúng ta có thể giúp họ loại bỏ tri giác sai lầm. Loại trừ tri giác sai lầm là nền tảng của công cuộc chuyển hóa bạo động, khủng bố và xây dựng hòa bình.” [35]

Nói về môi trường và kinh doanh (2007)

 

Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh trên đỉnh núi Vulture Peak linh thiêng của Phật giáo ở Ấn Độ vào năm 2008. Ảnh: Borje Tobiasson.

 “[Về hiểm họa trái đất bị hâm nóng], sẽ có nhiều những người trong chúng ta chết vì tâm bệnh (vì lo sợ, tuyệt vọng mà sinh bệnh ngày càng nhiều), trước khi hiểm họa kia đi tới.

Trong buổi giảng [vào tháng 10/2007 tại trường Đại học San Diego], tôi đã đưa ra phương pháp thực tập mà Đức Thế Tôn chỉ dạy: Nhìn nhận và chấp nhận sự thật mà đừng trốn tránh nó [...]: Tôi thế nào cũng phải già, phải chết, phải bệnh. [...] Tôi không mang theo được gì hết ngoài thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của tôi. Đó là gia tài duy nhất mà tôi có thể mang theo. Thực tập chấp nhận được như thế, mình sẽ có bình an, mình sẽ có khả năng sống lành mạnh và từ bi, không còn gây đau khổ cho mình và cho người khác.” [36]

“Mẹ ta, Trái Đất, Hành tinh xanh, đã từng bị khốn khổ nhiều lần, đã từng khổ đau vì thầy đàn con dại dột. Chúng ta tàn phá Đất mẹ như một loài vi trùng tàn phá một cơ thể con người, vì Đất mẹ cũng là một cơ thể. Nhưng có những loài vi khuẩn rất thân hữu và có ích cho cơ thể con người. Hàng tỉ con như thế đang có mặt trong ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa, chúng giúp bảo vệ cơ thể và chế tác những sinh tố mà ta cần đến. Loài người có thể là những sinh vật có khả năng bảo vệ cơ thể Đất mẹ như thế, nếu loài người tỉnh thức, biết sống có trách nhiệm và từ bi. Đạo Phật ra đời là để ta học sống có trách nhiệm và từ bi. Ta phải thấy được tính cách tương tức, đồng sinh cộng tử giữa ta với Đất mẹ.” [37]

 

Thích Nhất Hạnh trồng cây bồ đề ở Ấn Độ vào năm 2008. Ảnh: PVCEB.

 “Đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng thế. Kinh doanh với tâm từ bi, với ý thức trách nhiệm là điều có thể làm được. Kinh doanh với tâm từ bi không làm suy yếu khả năng cạnh tranh mà trái lại có thể gia tăng lợi tức. Ngoài ra ta có thể thêm bạn và hạnh phúc hơn. [...] Còn chỉ lo thu lợi mà làm ảnh hưởng tới môi trường tức là ta không còn từ bi và sẽ gây tàn hại sinh vật. Nếu biết rằng ta đang tàn hại sinh vật thì lương tâm ta bất an và sinh ra nội kết. Mặc dầu làm ra nhiều tiền, nhưng lương tâm ngày càng bất an thì một ngày nào đó ta sẽ không còn hạnh phúc được nữa.” [38]

Tổ chức các “trai đàn chẩn tế” tại Việt Nam (2007)

Năm 2007, Thích Nhất Hạnh cùng môn đồ được trở về nước lần thứ hai. Trong chuyến đi này, ông đã tổ chức các buổi cúng cầu siêu quy mô lớn ở nhiều nơi.

 

Đông đảo Phật tử và công chúng đón tiếp Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến về nước năm 2007. Ảnh: PVCEB.

 “Những oan ức và khổ đau của hàng triệu người Việt trong và sau thời gian chiến tranh đã dồn chứa lại, và năng lượng tiêu cực ấy đã đè nặng lên đời sống của dân tộc trong bao nhiêu thập niên.

Tại các trai đàn chẩn tế, chúng ta đã hết lòng chế tác năng lượng từ bi, của tha thứ, của bình an để mong chuyển hóa được thứ năng lượng tiêu cực kia. Ta đã mời những người đã chết, đi bằng hai chân của chúng ta. Ta đã mời các vị ấy nhìn bằng hai mắt của chúng ta để thấy rằng non sông cẩm tú vẫn còn đó, và chúng ta nguyện nỗ lực giữ gìn để đừng đánh mất non sông ấy.” [39]

 

Thích Nhất Hạnh trong lễ truyền Năm Giới tại chùa Bằng trong chuyến về nước vào tháng 5/2008. Ảnh: PVCEB.

Vụ việc Bát Nhã (2005 – 2009)

Không lâu sau chuyến về Việt Nam lần thứ ba vào năm 2008, xung đột lớn xảy ra giữa những môn sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai và các môn đồ của chùa Bát Nhã cùng tu tập tại ngôi chùa này ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Chính quyền Việt Nam bị cáo buộc có nhúng tay vào vụ việc.

Sau khi chùa Bát Nhã được mở rộng làm nơi tu tập cho môn sinh theo pháp môn Làng Mai từ năm 2005 thì đến giữa năm 2008, trụ trì chùa Bát Nhã không chấp nhận những môn sinh Làng Mai nữa (trước đó trụ trì đã xin hiến chùa cho thiền sư Thích Nhất Hạnh để truyền dạy pháp môn Làng Mai tại Việt Nam). [40] Sau khi trụ trì chùa Bát Nhã từ chối các môn sinh Làng Mai, chính quyền ra quyết định trục xuất 379 tu sinh ra khỏi chùa sau hàng loạt các vụ bạo động ở đây do đám đông được cho là “người dân" gây ra.

Đến tháng 9/2009, tu viện Bát Nhã bị một nhóm người đến đập phá. Các môn sinh Làng Mai tin là những người này có sự ủng hộ của công an. Toàn bộ tăng ni theo pháp môn Làng Mai bị đuổi hết ra khỏi chùa sau nhiều tháng bị cắt điện và nước. Họ đến tạm lánh ở chùa Phước Huệ được một thời gian, nhưng sau đó cũng phải rời khỏi ngôi chùa này. [41]

Xã hội hiện giờ đầy dẫy tệ nạn: tham nhũng, lạm quyền, ma túy, bạo động, đĩ điếm, gia đình đổ vỡ, tự tử, thác loạn. Chúng ta tu tập và tổ chức cho người khác tu tập để đối phó, ngăn ngừa và gột sạch những tệ nạn ấy, và đó là cách thức yêu nước yêu dân của chúng ta. Chúng ta là công dân của một nước độc lập, có hiến pháp, có luật pháp, chúng ta phải có quyền làm việc ấy. Không ai có thể tước đoạt quyền công dân ấy của chúng ta.”

Vụ việc này bắt đầu không bao lâu sau Lá thư Làng Mai số 31, đăng vào tháng 2/2008. [42] Báo Công an Nhân dân cũng sử dụng bức thư này để phỉ báng Làng Mai và Thích Nhất Hạnh vì cho rằng ông muốn can thiệp quá sâu vào quản lý tôn giáo và chính trị khi nêu nhiều quan điểm liên quan đến đảng, “công an tôn giáo” và Ban Tôn giáo Chính phủ. [43]

Trong bức thư gửi tu sinh trong nước vào tháng 12/2009, Thích Nhất Hạnh đã viết: [44]

“Muốn có dân chủ và nhân quyền người dân phải biết tranh đấu, và cuộc tranh đấu có thể phải kéo dài trong nhiều thập niên. Chúng ta là những người tu, chúng ta không có mặt trong những phong trào tranh đấu chính trị mà chỉ tranh đấu trong phạm vi văn hóa và đạo đức.

 

Đồ dùng của các tu sinh theo pháp môn Làng Mai bị ném ra sân của Tu viện Bát Nhã trong sự kiện xảy ra vào năm 2009. Ảnh: RFA.

Có rất nhiều vị tôn túc trong giáo hội rất muốn che chở cho các con Bát Nhã của Thầy. Các vị ấy đã cố gắng lên tiếng nhiều lần, thậm chí đã đưa ra đề nghị bảo lãnh để cho các con có pháp lý tu học, nhưng vì giáo hội không có giáo quyền thật sự cho nên những đề nghị ấy đã bị Công an và Ban Tôn Giáo Nhà nước bác bỏ. Đất nước chúng ta chưa thực sự có tự do tôn giáo, và nhà nước đang quản lý chặt chẽ guồng máy giáo hội, và giáo hội bất lực không che chở được ngay chính con em của mình.

 

Thích Nhất Hạnh trong một bức ảnh chụp tại Làng Mai vào năm 2009. Ảnh: PVCEB.

Đầu năm 2010, trong một bài viết, Thích Nhất Hạnh đã gọi vụ việc ở chùa Bát Nhã là một “công án thiền”. Những nhận định của ông trong bài viết này cũng phản ánh về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam: [45]

“Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta không cho mình tu? Tại sao các bậc tôn túc muốn che chở bảo lãnh cho mình tu mà nhà nước lại không cho bảo lãnh? Mình có biết chính trị là cái gì đâu và chẳng tha thiết gì tới chuyện chính trị, tại sao người ta cứ nói là mình làm chính trị và tại sao cứ nói Bát Nhã là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia? Tại sao phải giải tán cho được Bát Nhã dù phải áp dụng những biện pháp như thuê côn đồ, vu khống, lừa gạt, đánh đập, đe dọa? Tại sao họ là những người đáng bậc cha chú mình mà họ nỡ làm như thế đối với mình? Nếu nhà nước không cho mình tu chung như một Tăng thân nữa mà bắt mình phải mỗi người đi một ngả thì làm sao trong tương lai mình có thể có lại một Tăng thân? Tại sao ở các nước khác người ta có tự do để thực tập pháp môn, còn ở đây thì không? Những câu hỏi như thế dồn dập đi tới.”

Đặt mình thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông lên tiếng:

“Nhưng tại sao mình [những giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam] bất lực không che chở được cho họ? Tại sao mình phải sống và hành xử như một nhân viên của chính quyền? Tách rời chính trị khỏi tôn giáo, giấc mơ này đến bao giờ mới thực hiện được? Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân. Một đạo Phật thật sự có uy quyền lãnh đạo tinh thần, người ta rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được một tổ chức Giáo Hội mà người ta có thể kiểm soát được, sai xử được.”

 

Thích Nhất Hạnh có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng ở nhiều đất nước. Thích Nhất Hạnh cùng tu sinh tổ chức thiền định tại quảng trường Trafalgar, Anh Quốc, vào ngày 31/3/2012. Ảnh: PVCEB.

 

Di nguyện về tang lễ (2012)

Năm 2012, trong buổi tụ họp nhân ngày sinh của mình tại Làng Mai, Thích Nhất Hạnh nói với môn đồ về việc chôn cất ông sau khi qua đời:

“Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền.

Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao? Thầy nhiều hơn cái nắm tro đó. Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có Thầy, trong các vị cư sĩ quen biết đều có Thầy.

Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám Pháp Địa Xúc là có Thầy. Không được nhốt Thầy, bỏ Thầy vào trong một cái hũ nhỏ rồi đặt Thầy vào trong một cái tháp. Thầy không muốn Thầy có một cái tháp. Tốn đất chùa vô ích.” [46]

Nói về chia rẽ Hàn Quốc – Triều Tiên (2014)

Năm 2013, Thích Nhất Hạnh đến Hàn Quốc. Tại đây, ông đã chia sẻ suy nghĩ của mình về xung đột ở hai miền đất nước này. [47]

“Vũ khí hạt nhân cản trở mối quan hệ tốt đẹp giữa miền Nam và miền Bắc. Nó cho thấy sự sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ trong chúng ta. Chúng ta sẽ không chế ra vũ khí hạt nhân nếu chúng ta không sợ hãi và giận dữ.

Để giữ hòa bình, điều đơn giản không phải là gỡ bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ trong chúng ta. Nếu chúng ta có thể giảm chúng đi thì hòa hợp là một điều dễ dàng.”

 

Thích Nhất Hạnh trò chuyện trên một chương trình truyền hình ở Seoul vào ngày 13/5/2014. Ảnh: Yonhap.

 Theo ông, chìa khóa cho sự hòa giải thù hận là lắng nghe với tâm từ bi.

“Lắng nghe với tâm từ bi làm cho các bên đau khổ ít đi. Nếu chúng ta nhận ra rằng họ cũng như mình thì chúng ta không còn giận nữa.

Nếu bạn là chính trị gia, bạn có thể sẽ muốn học cách thương lượng trong Phật giáo. Đạo Phật có những chỉ dẫn rất rõ ràng và cụ thể về truyền thông phục hồi và việc mang sự hòa giải trở lại.”

Sức khỏe suy yếu (2014 – 2018)

Tháng 11/2014, sức khỏe của ông đã suy yếu. Ông trải qua một cơn xuất huyết não nặng, phải điều trị tại bệnh viện ở Pháp trong nhiều tháng. Đến tháng 4/2015, ông trở lại Làng Mai và sức khỏe hồi phục khá tốt.

 

Thích Nhất Hạnh cùng tăng thân Làng Mai vào mùa hè năm 2014. Ảnh: PVCEB.

Năm 2015, ông gửi thư đến Liên Hiệp Quốc chia sẻ về vấn đề biến đổi khí hậu. [48]

“Chúng ta phải tiêu thụ như thế nào để nuôi dưỡng lòng từ bi trong ta. Hiện nay nhiều người trong chúng ta đang tiêu thụ một cách rất bạo động. Những khu rừng đang bị tàn phá để làm đồng cỏ nuôi gia súc lấy thịt hay để trồng ngũ cốc làm rượu, trong khi hàng triệu người trên thế giới đang chết đói. Nếu ta giảm ăn thịt và uống rượu xuống 50% thì đó là một hành động thương yêu, thương yêu chính mình, thương yêu Trái Đất và những loài khác.

Những thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và cạnh tranh đã gây ra sự tàn phá và chia cách rất lớn. Chúng ta cần tái lập sự truyền thông thật sự với chính mình, với đất Mẹ và với những chủng loại khác trên hành tinh này với tư cách là những đứa con cùng chung một mẹ. Chúng ta cần phát minh ra nhiều kỹ thuật tân tiến hơn để bảo vệ hành tinh này. Chúng ta cần những cộng đồng thật sự và cần sự hợp tác với nhau.”

Trở về tổ đình Từ Hiếu và qua đời (2018 – 2022)

Ngày 29/8/2017, Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam kể từ lần thăm gần nhất năm 2008. Lúc này, ông đã 91 tuổi và sức khỏe đã suy yếu rất nhiều.

Trong lần trở về vào năm 2018, ông đã xin ở lại chùa Từ Hiếu, ngôi chùa mà ông đã xuất gia vào năm 16 tuổi, cho đến lúc qua đời.

“Tôi đã quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này.” [49]

Giữa tháng 9/2020, sức khỏe của thiền sư Nhất Hạnh suy yếu nặng. Trong bối cảnh hạn chế nhập cảnh do dịch bệnh COVID-19, chính quyền Việt Nam đã ưu tiên cho các đại đệ tử của ông được nhập cảnh vào Việt Nam để chuẩn bị hậu sự cho ông. [50]

 

Thích Nhất Hạnh trong chuyến đi về nước vào năm 2017. Ảnh: Báo Giác Ngộ.

 

Thích Nhất Hạnh gặp các huynh đệ của mình trong chuyến về nước vào tháng 10/2018 và quyết ở lại cho đến khi qua đời. Ảnh: AFP.

 

Thích Nhất Hạnh cùng Dalai Lama trong một bức ảnh chụp vào năm 2006. Ảnh: Bhuvan Lall.

 Cho đến nay, Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, truyền pháp môn Làng Mai ra khắp thế giới. Ông là một trong số ít người Việt Nam có ảnh hưởng đối với quốc tế. Khi nói đến Phật giáo trên thế giới, danh tiếng và tầm hưởng của Thích Nhất Hạnh chỉ đứng sau Dalai Lama. Nhưng đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa cho phép pháp môn Làng Mai của ông được truyền dạy ở trong nước.

Vào lúc 0 giờ, ngày 22/01/2022, thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời tại tổ đình Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên – Huế, khép lại cuộc đời đầy sống động khi mùa xuân đang đến rất gần, như pháp tự mà ông được đặt: “Phùng Xuân”.

Chú thích

  1. San Francisco Chronicle. (1997, October 12). Stop Running, Start Beinghttps://www.newspapers.com/image/462657065/?terms=Thich%20Nhat%20Hanh&match=1
  2. OPRAH. (2010, March). Oprah Talks to Thich Nhat Hanh. OPRAH. https://www.oprah.com/spirit/oprah-talks-to-thich-nhat-hanh/2
  3. Thích Nhất Hạnh. (n.d.). Quyền lực đích thực, trang 35. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/images/file/ltSSv51G0QgQALcT/quyen-luc-dich-thuc.pdf
  4. Xem [1]
  5. Trích Pháp thoại của Thích Nhất Hạnh, ngày 3/3/1996 tại thiền đường Nến Hồng, (Luật Khoa thay từ “Thầy” trong nguyên văn thành “tôi” để phù hợp với bài viết).
  6. Thích Nhất Hạnh. (2016). Tay thầy trong tay con, trang 95. NXB Lao động, (Luật Khoa thay từ “chúng ta” trong nguyên văn thành “chúng tôi” để phù hợp với bài viết).
  7. Philip Taylor. (2007). Modernity and Re-enchantment Religion in Post-revolutionary Vietnam, trang 299. ISEAS.
  8. Plum Village. (n.d.). The Life Story of Thich Nhat Hanhhttps://plumvillage.org/about/thich-nhat-hanh/biography/
  9. Thích Nhất Hạnh. Nẻo về của ý, trang 6. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/images/file/zO41v51G0QgQAIxA/neo-ve-cua-y.pdf, (Luật Khoa thay thế từ “chúng ta” trong nguyên văn thành “chúng tôi” để phù hợp với bài viết).
  10. Xem [6] 11.  Xem [9], trang 115.
  11. Xem [9],trang 123. 13. Xem [9],trang 121.
  12. Xem [9],trang 122 và 123. 15.  Xem [9], trang 119.
  13. Xem [9],trang 124. 17.  Xem [9], trang 123
  14. Xem [9],trang 113. 19.  Xem [9], trang 123. 20.  Xem [2], trang 4.
  15. Cư sĩ Cao Hữu Đính (1917 – 1991), https://vnbet.vn/chu-ton-thien-duc-cu-si-huu-cong-phat-giao-thuan-hoa-tap-2/cu-si-cao-huu-dinh-1917-–-1991-phap-danh–tam-nguyen-3876.html
  16. Xem [6],trang 171.
  17. Xem [6],trang 165.
  18. Xem [3],trang 108.
  19. Xem [3],trang 209.
  20. Xem [3],trang 109.
  21. Xem [2], trang 4
  22. Xem [2], trang 4.
  23. Xem [6], trang 22, (Luật Khoa đã thay đổi từ “thầy” thành “tôi” để phù hợp với nội dung của bài viết).
  24. Xem [2], trang 5.
  25. Xem [3], trang 210.
  26. Xem [6], trang 44 và 45.
  27. Xem [3], trang 210.
  28. Xem [6], trang 50 và 51.
  29. Xem [3], trang 102.
  30. Xem [6],trang 57.
  31. Xem [6],trang 59.
  32. Xem [3],trang 176.
  33. Xem [6], trang 166.
  34. BBC News Tiếng Việt. (2009, July 4). Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2009/07/090704_batnha_tension
  35. Sài Gòn Giải Phóng. (2010, January 12). Bát Nhã bình yênhttps://www.sggp.org.vn/bat-nha-binh-yen-185953.html
  36. Làng Mai. (2008). Lá thư Làng Mai số 31. Làng Mai. http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai31-2008.pdf
  37. Báo Công an Nhân dân. (2009, October 19). Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc)https://web.archive.org/web/20220122034304/https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Su-that-ve-Tu-vien-Bat-Nha-%28Bao-Loc%29-i152099/
  38. RFA. (2009, December 30). Thư Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi tu sinh Bát Nhãhttps://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/Nhat-hanh-letter-to-prajna-monks-12302009120955.html
  39. Làng Mai. (2010). Bát Nhã là một công án thiềnhttps://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/thay-nhat-hanh-len-tieng-bat-nha-la-mot-cong-an-thien/
  40. Làng Mai. (2012). Thông Bạch Ngày Tiếp Nối 2012https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/thong-bach-ngay-tiep-noi-11-10-2012/
  41. The Korean Times. (2013, May 14). Nhat Hanh shares secrets to peaceful mindhttp://www.koreatimes.co.kr/www/news/culture/2013/05/293_135674.html
  42. Làng Mai. (2015). Thông điệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi đến Liên Hiệp Quốchttps://langmai.org/cong-tam-quan/thong-bach/thong-diep-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-goi-den-lien-hiep-quoc-ve-van-de-bien-doi-khi-hau/
  43. Tuổi Trẻ. (2018, October 30). Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Về nước để được sống nơi đất Tổ.”https://tuoitre.vn/thien-su-thich-nhat-hanh-ve-nuoc-de-duoc-song-noi-dat-to-2018103018402829.htm
  44. VOA. (2020, September 17). Thiền sư Thích Nhất Hạnh suy yếu, đại đệ tử được phép về thămhttps://www.voatiengviet.com/a/thi%E1%BB%81n-s%C6%B0-th%C3%ADch-nh%E1%BA%A5t-h%E1%BA%A1nh-suy-y%E1%BA%BFu-%C4%91%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BB%87-t%E1%BB%AD-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ph%C3%A9p-v%E1%BB%81-th

Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/

Văn Tâm

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH - TANG LỄ TĨNH LẶNG

CỦA NGƯỜI KHỞI XƯỚNG 'PHẬT GIÁO DẤN THÂN'

22 tháng 1 2022

 

Theo thông tin từ Làng Mai, lễ nhập kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra vào sáng 23/1.

Tang lễ sẽ diễn ra trong 7 ngày theo hình thức một khóa tu im lặng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 00:00 giờ ngày 22/01, năm 2022, ở tuổi 95, theo giờ Việt Nam, ở chùa Từ Hiếu, Huế, theo thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai.

"Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi - tâm niệm cúng dường - để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng"- theo Tu viện Vườn Ươm - Làng Mai.

"Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp," vẫn theo thông báo của Làng Mai.

Phật từ chùa Từ Hiếu tại Huế, Việt Nam và tăng thân Làng Mai trên khắp thế giới hiện đang chuẩn bị cho tang lễ thiền sư.

Ngày 22/1, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gửi 'lời chia buồn sâu sắc trước sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh'.

Thông cáo viết: "Trong hơn 60 năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình cho đất nước của mình và trên khắp thế giới. Những lời giảng dạy của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ.

"Nhiều quan chức Hoa Kỳ, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, đã vinh dự được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lòng từ bi và tâm huyết của ông đối với đa nguyên tôn giáo đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người ông từng gặp.

"Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Thông qua những lời dạy và tác phẩm văn chương của ông, di sản của ông sẽ còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau."

Người khởi xướng 'Phật giáo dấn thân'

Truyền thông quốc tế ngày 22/1 tràn ngập thông tin về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng những đóng góp quý báu của ông cho Phật giáo và hòa bình thế giới.

Trang New York Times viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh:

"Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lưu vong khỏi Việt Nam sau khi phản đối chiến tranh vào những năm 1960 và trở thành một tiếng nói hàng đầu trong phong trào mà ông gọi là "Phật giáo dấn thân", áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào cải cách chính trị và xã hội."

 

Chụp lại hình ảnh, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới thuyết giảng tại Sydney, Úc tháng 10/1966

Vào thập niên 1960, trong cuốn sách "Hoa sen trong biển lửa", thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra khái niệm 'Phật giáo dấn thân'. Theo đó, ông áp dụng những lời dạy của đức Phật cùng thiền định để làm vơi bớt những khổ đau trong xã hội, trong môi sinh và trong chính trường, theo trang Phật giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích:

"Khi còn ở Việt Nam, những nhà sư trẻ tuổi chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi đưa đạo Phật vào xã hội. Điều này chẳng dễ dàng gì bởi xã hội truyền thống không trực tiếp hình thành Phật giáo dấn thân. Chúng tôi phải tự làm lấy. Đó là lý do Phật giáo dấn thân ra đời.

 

Chụp lại hình ảnh,

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn ngồi thiền trước Nhà thờ Trinity ở Quảng trường Copley, Mỹ ngày 15/9/2013. Khi gió tạt vào micro lúc thiền sư đang giảng, Sư huynh Pháp Nguyên giơ chiếc nón lá lên để che chắn

"Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền," vẫn theo trang Phật giáo.

Triết lý này được thể hiện sâu sắc qua cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Lên tiếng phản đối chiến tranh

Từ đầu thập niên 60, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bắt đầu viết và lên tiếng phản đối chiến tranh, theo New York Times.

Năm 1964, ông xuất bản bài thơ 'Lên án' (Condemnation) - (tạm dịch) - trên một tuần báo Phật giáo. Bài thơ có đoạn:

"Bất cứ ai đang nghe, hãy là nhân chứng của tôi:

Tôi không thể chấp nhận cuộc chiến này.

Tôi không bao giờ có thể, tôi sẽ không bao giờ.

Tôi phải nói điều này một nghìn lần trước khi tôi bị giết.

Tôi giống như con chim chết vì người bạn đời của nó,

rỉ máu từ chiếc mỏ gãy của nó và kêu lên:

"Hãy coi chừng! Quay lại và đối mặt với kẻ thù thực sự của bạn

- tham vọng, bạo lực hận thù và tham lam."

Bài thơ khiến ông được gọi là "nhà thơ phản chiến", và ông bị tố là một nhà tuyên truyền thân Cộng sản.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lưu trú tại Pháp khi chính quyền miền Nam Việt Nam không cho phép ông trở về sau khi ký kết Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973.

Mãi đến năm 2005, chính quyền Cộng sản Việt Nam mới cho phép ông về giảng dạy, thực hành và đi du lịch.

Trong một cuộc nói chuyện tại Hà Nội năm 2008, ông nói rằng cuộc chiến tranh Iraq là kết quả của sự sợ hãi và hiểu lầm, trong đó bạo lực sinh ra bạo lực.

Ông nói: "Chúng ta biết rất rõ rằng máy bay, súng và bom không thể xóa bỏ những nhận thức sai lầm. Chỉ có lời yêu thương và sự lắng nghe từ bi mới có thể giúp mọi người sửa chữa những nhận thức sai lầm. Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta không được đào tạo theo kỷ luật đó, và họ chỉ dựa vào lực lượng vũ trang để loại bỏ khủng bố."

Nhà đấu tranh dân quyền, Mục sư Martin Luther King Jr. đã đề cử thiền sư Thích Nhât Hạnh cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, nhưng giải thưởng không được trao cho bất kỳ ai vào năm đó.

"Cá nhân tôi không biết có ai xứng đáng hơn vị sư hiền lành đến từ Việt Nam này," Mục sư King viết cho Viện Nobel ở Na Uy. "Những ý tưởng của ông ấy về hòa bình, nếu được áp dụng, sẽ xây một tượng đài cho chủ nghĩa đại đoàn kết, cho tình anh em thế giới, cho nhân loại."

'Cái chết không có thật'

Năm 2018, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Huế, miền Trung Việt Nam, sống những ngày cuối cùng tại chùa Từ Hiếu, nơi ông xuất gia khi còn là một thiếu niên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bác bỏ khái niệm về cái chết. Ông viết trong cuốn sách 'Không diệt, không sinh. Đừng sợ hãi: "Chúng không có thật".

"Đức Phật dạy rằng không có sinh; không có diệt; không có tới; không có đi; không có giống nhau; không có khác biệt; không có bản ngã vĩnh cửu; không có sự hư vô. Chúng ta thì chỉ nghĩ là có mọi điều này."

Ông viết, sự hiểu biết đó có thể giải phóng mọi người khỏi nỗi sợ hãi và cho phép họ "an hưởng cuộc sống và trân trọng cuộc sống theo một cách mới".

Chụp lại video,

Để thở có chính niệm - câu chuyện tu tập tại Làng Mai ở Thái Lan

Văn 22 Tháng Một, 2022

BÊN BẾP HỒNG CỦA MẸ

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Sáng nay, đang giữa chừng câu chuyện, Thầy bỗng dừng lại rồi nói: “Quý vị thấy ngôn ngữ có kỳ diệu không? Bây giờ đây Nhất Hạnh đang ngồi trong Thiền viện Vạn Hạnh. Như giọt nước rơi vào giữa chậu nước!”.

Thưa Thầy, 40 năm không chỉ giọt nước mà cả chậu nước – hay là biển nước? – cùng mơ giấc mơ đoàn tụ. Chúng tôi, những người đọc Thầy 30 năm trước và vẫn đọc Thầy 30 năm qua, đang đứng chào trên đường về của Thầy đây.

Ngày đó chúng tôi đã lắng nghe Thầy Nói với tuổi hai mươi và cùng Thầy Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Thầy là Tâm Quán. Thầy là Nguyễn Lang. Thầy là Trần Thạc Đức. Rồi Thầy hóa thân thành làng B’su Danglu để tác phẩm Đạo Phật ngày mai có thể đi vào cuộc đời.

Ngay khi bước vào cổng tam quan, Thầy đã ngước nhìn lên bầu trời xanh trên mái cao thiền viện và mỉm cười. Trời hôm nay xanh thật là xanh. Và đâu có cái lọng vàng nào trên lối đi của Thầy. Mà dẫu có lọng vàng thì cũng không làm sao che được mắt Thầy màu trời xanh như ngọc bích trên đầu kia.

Chúng tôi đã trải qua những phút giây cảm động khi chứng kiến Thầy đảnh lễ trước bàn thờ Phật. Thầy Minh Châu ngồi trên xe lăn bên cạnh Thầy. Và Thầy đã cúi xuống quỳ lạy thật lâu; qua cái lạy của Thầy, thấy 40 năm dồn lại, thấy cả một đời người dồn lại. Chính vào giây phút đó, trong tôi có một ý thức sáng rõ rằng Thầy đang hiện hữu ở đây, lúc này, hiện hữu cùng chúng tôi, hiện hữu với chúng tôi. Chúng ta cùng ở trong một chậu nước, cùng ở trong một biển nước. Như đã từ bao giờ. Và như là mãi mãi.

Cũng trong giây phút ấy, những câu thơ của Thầy bỗng trở về trong tâm trí tôi:

mười năm vườn xưa xanh tốt

hai mươi năm nắng dọi lều tranh

mẹ tôi gọi tôi về

bên bếp nước rửa chân

hơ tay trên bếp lửa hồng

đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống.

tôi không bao giờ khôn lớn

kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm

mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã

trong khu vườn cải hoa vàng

mẹ và em còn đó

gió chiều như hơi thở

mơ gì một mảnh tương lai xa xôi?

Thầy đã chuẩn bị bao nhiêu lâu cho một chuyến trở về? Phải bao nhiêu chuyến trở về trong tâm thức để có một chuyến trở về thực tại? 40 năm, bếp lửa bà mẹ quê nghèo trong thơ Thầy vẫn không thôi soi chiếu tâm tưởng mỗi người chúng tôi:

tôi biết có những nhà nghèo

nhưng trấu hồng ngún cháy ngày đêm

trong bếp hồng âm ỉ

tôi sẽ nhớ lời em không quấy động bếp lành

một nắm rơm đặt vào

đợi khói tỏa màu xanh,

em nhìn xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi

cũng đủ gọi về lửa đỏ.

Giá như Tết này Thầy về được Phương Bối để sống lại đêm giao thừa đầu tiên ở đó hơn 40 năm trước! Nhưng mà xuân này, dù không về Phương Bối, Thầy đi đến đâu trên quê mình thì bếp vẫn hồng ánh lửa.

Thầy có vui sướng không?

Thiền viện Vạn Hạnh, tháng 01-2005

Văn 22 Tháng Một, 2022

TẢN MẠN VỀ THI SĨ-THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

HOÀNG HƯNG

Sáng nay nhà thơ-văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng gọi cho tôi qua messenger nói chuyện về Thầy Thích Nhất Hạnh. Ngay sau đó, có điện thoại Viber của nhà ngữ học Hoàng Dũng nói tôi viết mấy dòng về Thầy cho Văn Việt.

Sự ra đi của Thầy là cái tin lan truyền khắp FB và báo chí Việt Nam và thế giới. Tôi cũng vừa đưa lên FB bài viết tức thời của báo New York Times về sự kiện này. Tôi không muốn nói nhiều về việc ấy. Vì từ lâu tôi đã thấm nhuần tư tưởng cốt yếu của Thầy: “Không chết, không sợ hãi”, “Không sinh, không diệt”.

Tình cờ, hai người gọi cho tôi đều khiến tôi nghĩ đến câu chuyện một Thích Nhất Hạnh-Thơ, nhà thơ Thích Nhất Hạnh, người yêu thơ và nặng lòng với thơ Việt Thích Nhất Hạnh.

Ngay từ những năm 1970 sống ở miền Bắc, tôi đã biết đến một thi sĩ với những vần thơ tự do khá mới mẻ “chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện” bên cạnh những bản dịch tuyệt bích thơ tứ tuyệt Lý Trần.

Lần đầu tiên diện kiến, vào năm 2005 khi Thầy đưa tăng đoàn về Việt Nam, là trong buổi pháp thoại của Thầy ở Viện Goethe. Ấn tượng này đã được ghi lại gần như tức thời qua bài thơ “Bậc thầy” (bài này đã in trong tập Hành trình, NXB Hội Nhà văn, HN 2005, bản tiếng Anh “The Master” in trong chapbook “Hoang Hung, Poetry & Memoirs” do International Poetry Library of San Francisco xuất bản, và đọc trong đêm thơ-văn “Echoes of Vietnam” tháng 3 năm 2012 ở Santa Cruz. Người cùng tôi dịch sang tiếng Anh và người đọc bản tiếng Anh trong đêm ấy là nhà thơ Ellen Bass, hiện đang là Đồng Chủ tịch Hội các nhà Thơ Mĩ (Co-chanceller, Academy of American Poets):

 BẬC THẦY

Kính gửi Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thầy vào như hơi gió

Tăng đoàn rạng rỡ tuệ quang

 

An tịnh – mỉm cười

Đã về – đã tới

Bây giờ – ở đây

 

Tự do ngay phút này – hoặc không bao giờ nữa

Quả thực hình ảnh khinh khoái hiếm thấy của một thiền sư và ánh sáng trên gương mặt các học trò của Thầy chinh phục tôi nhiều hơn những lời thuyết giáo.

Năm 2012, được mời sang dự Kỉ niệm 30 năm Làng Mai, vợ chồng tôi đang đi vơ vẩn trên đồi thì Thầy từ thiền đường đi ra. Tôi vừa cúi chào, Thầy đã tiến tới tươi cười: “Nhà thơ đã làm được bài thơ nào chưa?” Làm sao Thầy biết khi chưa từng gặp mình ngoài đời? Chưa kịp định thần thì Thầy đã mời vào trong cốc.Tôi hồn nhiên thưa: “Thưa Thầy, tôi không quy y, không là Phật tử”. Thầy mỉm cười: “Phật tử đâu ở cái tướng?”. Tôi lại nói: “Thưa Thầy, tôi tiếc là mình không được gặp Thầy sớm hơn, nếu không chắc tôi đã đi theo Thầy. Bây giờ thì muộn rồi, thôi chắc xin hẹn Thầy kiếp sau!” (trong một bài thơ viết trên sông Hằng, tôi chả có lời nguyện “cho tôi chết giữa dòng để hóa thân thành nhà thơ hay thiền sư lang bạt đó sao?). Thầy mỉm cười, bảo: “Làm Thơ cũng Tu được mà!”.

Biết tôi có biết tiếng Pháp, thầy (qua sư cô Chân Không) nhờ tôi xem lại bản dịch cuốn sách “Bình thơ” tập họp những bài bình thơ mỗi dịp đầu Xuân của Thầy, do một người Pháp gốc Việt chuyển. Thầy yêu thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Cầm… đến thế! Nhưng chuyển thơ Việt sang tiếng Pháp thì quả thật là khó!

Lòng yêu thơ Việt, nhạc Việt của Thầy cũng là lòng liên tài! Nhiều năm sau 1975, Thầy gửi quà giúp các nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam như Hoàng Cầm, Lê Thương… Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chính là người đem những bài thơ Hoàng Cầm sang Pháp cho Thầy qua cô “Cần Thơ” (tức sư cô Chân Không – người thay mặt Thầy liên lạc với nhà thơ). Từ đó dẫn đến vụ án oan “Về Kinh Bắc”. Thầy cũng là người tác động đến các trí thức Pháp nổi tiếng viết thư cho ông Lê Đức Thọ đề nghị trả tự do cho Hoàng Cầm!     

Câu cuối cùng Thầy cầm tay tôi nói sau buổi sáng dắt tay tôi đi thiền hành trên đồi táo của Viện Phật học ứng dụng mà thầy mới lập ở Đức: “Hưng nhớ nhé, Thơ đi bằng hai chân: chánh niệm và hơi thở”. Một công án! Tôi sẽ phải giải công án này trong phần còn lại của đời mình.

Khi từ trên đồi táo xuống, tôi nhìn thấy ánh mắt “ghen tị” của nhiều đệ tử đã theo thầy lâu năm qua bao nhiêu gian khó. Tôi vội giải thích: “Thầy đến với tôi vì có cái duyên Thơ”.

Tôi đọc được cái bản nguyên Thi sĩ trong vị Cao Tăng.

*** 

 Trong buổi gặp ở Làng Mai 2012, Thầy cho tôi cuốn Thơ của Thầy.

Xin ghi nhanh vài ấn tượng, nhận xét về Thơ Thích Nhất Hạnh.

Những bài thơ đầu tiên trong tập CHO BỒ CÂU TRẮNG HIỆN đầy cảm xúc, cảm giác của một tâm hồn thi sĩ đối với đất nước, dân tộc, nhân dân trong thời kì đau thương khốc liệt nhất, không giấu nổi nỗi đau và sự căm giận cái ác đang gieo chết chóc và tàn phá trên quê hương (đúng với tinh thần Phật giáo “dấn thân”, “nhập thế”); đồng thời đã sáng lên ánh sáng minh triết về hạnh phúc, về nụ cười, về hiện hữu:

 … Bàn chông

Hầm sụp

Đoàn xe lửa giật mình

Tan hoang khu làng bom dội

Tầm vông nhọn – tiếng trực thăng đè trên ngực lép

Mây xám mùa trăng loạn, đã từ hôm nao xẩy cảnh

trẻ con đầu nát, thiếu phụ thây tan?

Đất sụp dưới chân anh, anh ngồi đó được sao?

Ôi tiếng kêu thương! tiếng kêu thương hai mươi năm của vết thương sâu trên thân hình Việt Nam nhức nhối

Chủ nghĩa và nhân danh

Những sợi dây nghiệp báo ai đem về ràng buộc lấy

thân hình dân tộc?

(Sài Gòn ơi đập tan đi ảo ảnh)

 

… Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:

Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát,

thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh.

Tôi đã về. Có tiếng hát ca, bàn tay trên liếp cửa

Hỏi rằng: “Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?”

Gió thì thầm: em nên hát ca

Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu

Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười,

Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?

Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau

Tôi tìm em. 

(Như đêm dông tố loạn cuồng

Rừng sâu đen tối

Những cành cây sờ soạng

Đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi

Thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)

Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu

Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.

(Bướm bay vườn cải hoa vàng)

 Ý thơ của Thích Nhất Hạnh đã được chuyển thành “Tâm ca” của Phạm Duy, thể hiện rõ nhận thức minh mẫn của thiền sư về “Kẻ thù” đích thực của dân tộc Việt Nam:

 Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta tên nó là gian ác

Kẻ thù ta tên nó là vô lương

Tên nó là hận thù

Tên nó là một lũ ma

Kẻ thù ta đâu có phải là người

Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa

Kẻ thù ta mang lá bài tự do

Mang cái vỏ thật to

Mang cái rổ danh từ

Mang cái mầm chia rẽ chúng ta

 Thơ cuối đời của Thiền sư ở Pháp, đẫm chất Thơ và Thiên nhiên, Thiền vị đầy hương Việt:

 Thơ đi theo mưa, về trên từng đọt Lá

Nắng thành mầu Xanh, thơ mầu Hồng

Nắng chở trên cánh Ong tới trút Ấm lên đài hoa

Thơ theo nắng về rừng xa uống Mật

Tưng bừng, xôn xao, bướm ong về chật đất

Nắng làm nên khúc Múa, thơ làm nên lời Ca

Mồ hôi giọt xuống đất khô, thơ bay trên luống cày

Cán cuốc trên vai, thơ vào ra theo nhịp thở

Nắng rụng bên Sông, bóng Chiều ngập ngừng bỡ ngỡ

Thơ đi về chân trời, nơi vầng Sáng đang đắp chân mây

Mặt trời xanh rờn một rổ rau tươi

Mặt trời dẻo thơm trong bát cơm gạo Tám

Thơ trong ánh mắt em thơ, thơ trong mầu da nắng sạm

Thơ nơi từng cái Nhìn chăm chú

Thơ nơi từng bàn tay vun xới miền đồng chua nước mặn xa xăm

Mặt trời cười tươi trên bông hướng dương

Mặt trời trĩu nặng nơi trái đào Tiên tháng tám

Thơ nơi từng bước chân thiền quán

Thơ nơi từng dòng chữ

Thơ nơi từng nắp hộp kín đáo nuôi tình Thương.

 (Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)

 Những triết lý về tiểu ngã-đại ngã, chuyển hoá luân hồi, không phân biệt… được chuyển tải đầy cảm xúc lãng mạn trong Thơ, không giống chút nào thứ Thơ-Thiền truyền thống.

 Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi

Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới

Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây

Làm đọt lá trên cành xuân

Làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp

vui mừng trong tổ mới

Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng

Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá.

Tôi còn tới để khóc để cười

Để ước mong để lo sợ

Sự xuất nhập của tôi là hơi thở

Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần

của hàng triệu trái tim.

Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước

Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du

Tôi là con ếch bơi trong hồ thu

Và cũng là con rắn nước trườn đi

Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái

Tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra,

hai bàn chân bằng hai ống sậy

Tôi cũng là người chế tạo bom đạn

Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á phi.

Tôi là em bé mười hai

Bị làm nhục nhảy xuống biển sâu

Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim

chưa biết nhìn biết cảm

Tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay

Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn

trong trại tập trung cải tạo

Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân,

ấm áp cỏ hoa muôn lối

Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt,

ngập về bốn đại dương sâu.

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi

Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng

tôi khóc tôi cười

Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một

Hãy nhớ gọi đúng tên tôi

Cho tôi giật mình tỉnh thức

Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ

Cánh cửa Xót Thương.

 (Hãy gọi đúng tên tôi)

 Lại có những bài dí dỏm, màu sắc hiện đại:

 Phi cóc tính

Quả vị đầu tiên mà ta tu chứng

Là quả vị phi cóc tính

Nếu bạn bỏ cóc vào đĩa

Chỉ trong vài giây

Cóc sẽ nhảy ra.

Nếu bạn bắt cóc bỏ vào đĩa trở lại

Trong vài giây

Cóc lại sẽ nhảy ra

Giữ cóc trong đĩa

Thật là rất khó.

Bạn và tôi

Chúng ta đều có Phật tánh trong tâm

Đó thật là một niềm an ủi

Nhưng bạn và tôi

Chúng ta cũng có cóc tánh trong tâm

Vì vậy cho nên

Quả vị tu chứng đầu tiên của chúng ta

Là đạt tới

Phi cóc tính.

Hay những bài mang hình thức “Kệ” hay “Thiền ca” giản dị, rất “đời thường” mà sâu sắc, có sức hấp dẫn tuổi trẻ và người phương Tây:  

 Giận nhau

Giận nhau trong tích môn

Thở nhìn bản môn cười

Trò ghét thương đắp đổi

Sông nước cứ đầy vơi

Giận nhau trong tích môn

Nhắm mắt nhìn mai sau

Trong ba trăm năm nữa

Em đâu và ta đâu?

Nằm chơi

Nằm chơi trong bản môn

Gối đầu trên núi tuyết

Hai tay ôm mây hồng

Thành núi đồi trùng điệp

Đổ rác

Đổ rác chốn bản môn

Nhìn cái nhìn bất nhị

Gửi gắm về tương lai

Bông hoa đầu thế kỷ.

Cô đơn

Cô đơn trong tích môn

Hãy ôm niềm hờn tủi

Ru nhẹ lời ca dao

Tuyết hoa rơi đầy núi.

 (Tích môn bản môn)

 Xin kết thúc với một bài thơ “Thiền” mà tôi thật sự tâm đắc:

Ngồi đây lắng tiếng chim bay

Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang

Phương tây vừa khuất quạ vàng

Phương đông thỏ ngọc đã ngang đỉnh đồi

Trước sau có một mình tôi

Nghe như có tiếng đất trời gọi nhau

Xuất thiền lặng lẽ giây lâu

Lá xanh rèm liếp bên lầu sáng trăng

Sông xưa giờ đã thuận dòng

Gió theo tám hướng lòng không bận về

(Lòng không bận về)

 Cùng một cảm xúc vũ trụ của bậc hành giả, nhưng Không Lộ thiền sư mười thế kỷ trước muốn hét lên một tiếng lạnh cả thái hư “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”, còn Nhất Hạnh thiền sư hôm nay lại lặng lẽ nghe tiếng đất trời gọi nhau; người trước gửi chí vào câu thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán, người nay trải lòng qua nhịp lục bát Việt dịu mềm. Một bài thơ Thiền thật sự Việt Nam!

Văn 22 Tháng Một, 2022

THÍCH NHẤT HẠNH (1926-2022):NGƯỜI ĐÁNH KHẼ TIẾNG CHUÔNG TỈNH THỨC CHO THẾ GIỚI

(Để tưởng niệm Thầy, xin đăng lại bài này)

NGUYỄN HỮU LIÊM

Trong suốt quá trình lịch sử Việt, trên bình diện triết và đạo học, trí thức Việt chỉ có giao lưu với thế giới Âu Mỹ trên con lộ một chiều. Văn hóa Việt chỉ du nhập và tiếp thu những sản phẩm tư tưởng từ Tây phương – chứ chưa hề có nhân vật nào có khả năng khai mở một dòng tri thức từ Việt Nam để đem gieo giống tư duy ra hải ngoại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Nhất Hạnh) có lẽ là người đầu tiên và duy nhất đã làm dược chuyện này.

Đó không phải là một đánh giá chủ quan quá cao – mà là một sự thể học thuật khách quan.

Hãy đi vào Wikipedia, trang tự điển bách khoa trên mạng, gõ tìm “Thich Nhat Hanh”, để đọc danh sách những cuốn sách bằng Anh ngữ mà Nhất Hạnh là tác giả.  Hầu hết các tác phẩm trên đều đã được chuyển ngữ ra các ngôn ngữ lớn trên thế giới.

Hãy đi vào các hiệu sách ở Âu Mỹ, trên những kệ sách về tôn giáo và triết học, để nhìn thấy hàng loạt sách Nhất Hạnh được trưng bày ngang với tầm nhìn của khách hàng.

Hãy đi vào các phòng sách giáo khoa của các đại học ở Hoa Kỳ và Âu châu để thấy những tác phẩm Nhất Hạnh là các đầu sách bắt buộc phải đọc cho sinh viên về các khoa tâm lý, triết học, tôn giáo và văn hóa.

Ở các phân khoa triết học và tôn giáo tổng hợp Đông Tây, tư tưởng Nhất Hạnh đứng vị trí cao trọng hàng đầu – có lẽ chỉ có đứng đằng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây tạng trong dòng triết học Phật giáo và Á Châu.

Hạt giống tư tưởng mà Nhất Hạnh gieo cho khối nhân loại Tây phương là hai ý niệm Từ bi và Tỉnh thức. Có thể nói rằng, phong trào Chánh Niệm – Mindfulness – vốn đang lan tỏa trên nhiều bình diện văn hóa và tâm lý hiện nay ở Âu Mỹ được khởi động và phát huy bởi Nhất Hạnh.

Đây là một hiện tượng văn hóa không mang nội dung hay hình thái tôn giáo – dù rằng gốc rễ của hai ý niệm về Tỉnh thức và Từ bi mang nội dung Phật giáo Đại thừa và truyền thống Thiền định Đông phương.  Nhất Hạnh đã khai mở nền móng ý niệm Tỉnh thức từ gốc rễ Thiền của đạo Phật qua lăng kính và truyền thống Thiền của Việt Nam. Do đó, ta có thể nói rằng, tư tưởng và thực hành Chánh Niệm mà Nhất Hạnh khởi xướng và rao giảng khắp thế giới chính là tư tưởng Việt Nam.

Tính ưu việt của tư duy đạo học và triết học Chánh niệm mà Nhất Hạnh truyền bá là khả thể vươn thoát khỏi tư tưởng nhà Phật truyền thống vốn đã từng mang nhiều sắc thái tôn giáo huyền bí. Nhất Hạnh – không những chỉ là một tu sĩ Phật giáo, mà là một triết gia Tỉnh thức – đã thành công trong việc kiến tạo một hệ thống tư tưởng tâm lý học và đạo học mới.  Bằng một hệ quy chiếu và tiêu chuẩn tư duy hiện đại, với một thể loại ngôn từ cập nhật, mang bản sắc thực nghiệm, tư tưởng Nhất Hạnh đã thẩm thấu sâu sắc vào tâm lý cũng như ý thức con người Âu Mỹ hiện nay.

Chìa khóa thành công của Nhất Hạnh nằm nơi sự khai mở được lớp vỏ huyền bí của ý niệm Thiền định và tâm Từ Bi để chỉ thẳng vào trái tim Đạo lý mà trong đó đức tin thần học nay đã được chuyển hóa và nâng cao thành khả thể khai sáng cho tri thức và hành động.

Từ đó, với Nhất Hạnh, phong trào Chánh niệm đang lan tỏa ở Âu Mỹ hiện nay là cả một trào lưu Hiện sinh mới cho các tầng lớp quần chúng ưu tú và trẻ trung nơi các khối nhân loại Tây Âu. Đây là một con lộ sinh thức thực tiễn trên nền tảng Tiếp-Hiện (Inter-Being) cho một đời sống Tinh thần không Tôn giáo – Spirituality without Religion.

Khi các thế hệ trí thức trẻ cấp tiến Âu Mỹ từ bỏ tôn giáo truyền thống cha ông, họ đã đi vào một khoảng trống sâu và lớn ở năng lực Tinh thần; khi mà triết học Tây Âu nay đã khô cạn hết niềm hứng khởi siêu hình mà chỉ còn loay hoay với phân tích ngôn ngữ, thì Nhất Hạnh đã mang đến cho khối nhân loại đó – vốn đang khao khát một đời sống Tinh thần – một bát nước Chánh niệm đơn giản và tươi mát nhưng không thiếu chiều sâu về bản thể và nhận thức luận.

Nhất Hạnh không nhân danh Chân lý, không tự cho mình là bậc Thầy để trao truyền kiến thức. Mà khác đi. Như là một người đánh khẽ tiếng chuông Tỉnh thức, Nhất Hạnh chỉ là người hướng dẫn cộng đồng nhằm khơi mở một câu chuyện bình dị, bắt đầu một cuộc đối thoại đơn giản – tất cả đều nhằm nhắc nhở nhân loại rằng, mọi sự Thật hay Ảo tưởng, Giác ngộ hay Vô minh, tất cả chỉ là hiện thân cho một tầm mức khai sáng nơi trình độ Tự ý thức và bản sắc sinh hiện trong Chánh niệm của từng cá nhân.

Nếu một ngày nào đó, bạn đi về một làng quê xa xôi ở miền Trung Việt Nam, bạn có thể sẽ thấy một em bé chăn trâu, ngồi bên ngôi mộ vắng giữa cánh đồng trơ trọi, chăm chú đọc Thả một bè lau của Nhất Hạnh, hay bạn bước vào một tiệm sách ở phố xá đông đúc Hà Nội hay Đà Nẳng, hay Tokyo, hay Madrid, bạn sẽ thấy độc giả đang đứng nhìn từng bìa sách của Nhất Hạnh – thì bạn nên nhớ rằng, ở cùng thời điểm ấy, trong một căn hộ nhỏ ở Paris, hay nơi một ghế đá công viên ở Munich, hay là trong thư viện đại học Stanford, California, một sinh viên tâm lý học nào đó đang nghiên cứu The Miracle of Mindfulness (Phép lạ của Tỉnh thức), hay là một phụ nữ trung niên, một nhà giáo đã nghỉ hưu ở San Diego, Mexico City, đang đọc và thưởng thức về một bản sắc ý nghĩa của Chánh niệm với Understanding Our Mind (“Để hiểu về tri thức”). Khi đó, bạn sẽ thấy câu chuyện gieo hạt giống Tỉnh thức của Nhất Hạnh đã được lan truyền và phổ cập hóa trên thế giới như thế nào.

Và cũng lúc ấy, bạn cũng sẽ hiểu tại sao khối nhân loại cấp tiến tiền phong Tây phương đang đón nhận Nhất Hạnh với vòng tay lớn.  Từ Jack Cornfield, nhà văn nổi tiếng, đến Jim Yong Kim, nguyên chủ tịch Ngân Hàng Thế giới, đến Marc Benioff, nhà sáng lập công ty Salesforce… là những học trò lừng danh của Nhất Hạnh. Họ không phải là những đệ tử theo truyền thống thầy-trò cũ. Họ đến với Nhất Hạnh trong tinh thần tư duy và đạo học duy lý và tỉnh thức. Như bà Elizabeth Gilbert, một nhà văn Mỹ, được trích trong Wikipedia tiếng Việt, đã phát biểu về Nhất Hạnh rằng:

Nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói Thầy đã đưa từng người chúng tôi vào trong yên tĩnh chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc nhưng chưa khám phá hay khẳng định. Khả năng Thầy đã phát khởi trạng thái này trong tất cả chúng tôi, chỉ bằng sự hiện diện của Thầy – đây là một năng lực thiêng liêng. Và đấy là lý do ta tìm đến một Sư phụ: Với hy vọng là công đức của Thầy sẽ soi rạng cho ta sự cao quý khuất lấp nơi chính mình.

Đến với từng người, từng cá nhân, từng nhóm nhỏ, hay với những khóa giảng cho cả ngàn người, từ hơn nửa thế kỷ qua, Nhất Hạnh đã đi khắp địa cầu, gõ nhẹ từng tiếng chuông, gieo hạt giống Tỉnh thức cho nhân loại.

Từ nay, lịch sử tư tưởng và triết học Tây phương và Thế giới đã ghi thêm tên một triết gia quen thuộc, một nhà đạo học tiên phong – một con người đến từ Việt Nam: Thích Nhất Hạnh.

NHL.

California ngày 5 tháng12, năm 2019.

Nguyễn Hữu Liêm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIỀN SƯ NHẤT HẠNH,

NGƯỜI MANG ĐÔNG PHƯƠNG VÀO TÂY PHƯƠNG

22/01/2022

 

Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được thừa nhận là “một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có nhiều ảnh hưởng nhất trong thời đại này”. Hòa thượng viên tịch lúc 0 giờ ngày 22 tháng Giêng, 2022 (giờ Việt Nam), tại chùa Từ Hiếu, Huế, thọ 95 tuổi, theo thông báo của Làng Mai trên trang Facebook chính thức "Thích Nhất Hạnh" và trang web Làng Mai plumvillage.org.

Giáo sư Phật học người Úc, John Powers, cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là một trong “13 vị thầy góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trên toàn thế giới trong quá trình 2500 năm lịch sử Phật Giáo”.

Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” - “mindfulness”.

Tạp chí Times, trong bài viết dài về vị Thiền sư, thừa nhận Hòa thượng Nhất Hạnh là người đầu tiên phổ biến những khái niệm này như một phương pháp tu tập.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng, một Giáo thọ của Làng Mai, giải thích:

“Khái niệm sống chánh niệm, sống tỉnh thức, đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong những nước nói tiếng Anh. Đấy có lẽ là thành tích mà trước đây ít có người nào trong giới Phật giáo ở Đông phương có thể tạo ra được ở các nước Tây Phương.”

Thành tựu này, vẫn theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, là do đạo Phật “được tiếp cận như một cách sống hơn là một tôn giáo.”

“Thiền sư Nhất Hạnh đã trình bày đạo Phật như là một cách sống, hơn là một tôn giáo. Thầy Nhất Hạnh gọi đó là cách sống tỉnh thức - Tây phương gọi là ‘mindfulness’, và cách mà ngài dạy, cho thấy ai cũng có thể áp dụng được cả.”

Những đệ tử theo học Thiền sư Nhất Hạnh mở trung tâm thiền tập ‘chánh niệm’ khắp nơi. Canada có “Làng Cây Phong,” một trung tâm tu tập theo giáo pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chủ tịch Làng Cây Phong là ông Trịnh Đình Tấn, nói rằng “cách hướng dẫn của Sư Ông Nhất Hạnh không câu nệ tôn giáo, màu da, sắc tộc.”

“Cách hướng dẫn của Sư Ông không có câu nệ tôn giáo, màu da, sắc tộc… Khi hướng dẫn, Sư Ông luôn kêu gọi người Tây phương và những người tôn giáo khác trở về với tôn giáo của mình. Đó là điều rất khác biệt với các lãnh đạo tôn giáo khác, và là điều khiến người Tây phương kính nể.”

Trong khi hầu hết người Tây phương đều công nhận tầm vóc của vị Thiền sư đã đưa Phật giáo đến với thế giới phương Tây, những phát biểu của ông về chiến tranh Việt Nam, và cả những chuyến về thăm lại Việt Nam của ông trước đây, vẫn còn là điều tranh cãi, giữa những người Việt Nam.

Trong một phỏng vấn cách đây vài năm, ông Võ Văn Ái, một nhà hoạt động nhân quyền, cũng là phát ngôn nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có trụ ở ở Paris, nói rằng “dường như là Thiền sư đi với con đường của nhà nước.” Ông Ái nói rằng ông vẫn luôn tôn trọng Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng sau này cảm nhận nơi nhà sư “một sự thay đổi quá lớn về thái độ chính trị.”

Ông Trịnh Đình Tấn, Chủ Tịch Làng Cây Phong, trong cuộc phỏng vấn trước đây, thì cho rằng “nên coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, không phải một nhà hoạt động chính trị.”

“Mọi người cứ coi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người làm chính trị, thực ra thì Thầy Nhất Hạnh có thể gọi là nhà thơ, nhà văn hóa, hay một sử gia, nhà văn hay nhà đạo học, đều được. Đối với tôi, Thầy chính là một vị chân tu.”

Nhà báo Ngô Nhân Dụng có cùng quan điểm, “có lẽ mình nên coi Thầy Nhất Hạnh là một ông thầy tu giản dị.”

“Tôi không nghĩ ông có tham vọng trở thành một quốc bảo hay một vị thầy gì ghê gớm cho lắm. Tôi nghĩ rằng tất cả các vị thầy tu, tu cho đàng hoàng, đều là thầy tu lớn cả.”

Thiền sư Nhất Hạnh sống lưu vong 39 năm cho đến lần về thăm lại Việt Nam đầu tiên năm 2005 sau những cuộc thương thảo kéo dài với chính phủ Hà Nội.

Năm 2007, ông về nước lần thứ hai, tổ chức ‘Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế’ ở cả ba miền Việt Nam, cầu siêu cho đồng bào tử nạn và chiến sĩ trận vong của cả hai miền Nam – Bắc.

Năm 2008, ông về Việt Nam lần thứ ba, làm diễn giả chính cho Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2017, từ Thái Lan ông trở về Việt Nam lần thứ tư để tĩnh dưỡng sau khi bị đột quỵ do xuất huyết não năm 2014.

Ngày 26 tháng 10, 2018, ông trở về Việt Nam ‘lần cuối cùng,’ để tĩnh dưỡng cho đến ngày ‘nhập diệt ở chốn tổ’ là Tổ đình Từ Hiếu ở Huế.

SATURDAY, JANUARY 22, 2022

2280. NHẤT HẠNH (1926-2022) Đoản văn BÔNG HỒNG CÀI ÁO

 

Trong ảnh: Thiền sư Nhất Hạnh

Thiền sư Nhất Hạnh đã viên tịch vào ngày 22.1.2022 tại Việt Nam. Chúng tôi xin phép đăng lại một đoản văn nổi tiếng của ông được viết vào năm 1962: BÔNG HỒNG CÀI ÁO. (PCH0


Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời !

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Ðể dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Ðạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Ðạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Ðòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Ðể mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Ðể khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Ðó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Ðể mai này anh chị đừng có than thở rằng: Ðời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Ðáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Ðể chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962.

Nhất Hạnh.  Nguồn: Làng Mai

 

Nguồn: Trung tâm Thúy Nga

Bấm vào ảnh để nghe/xem

2278. Tranh ĐINH TRƯỜNG CHINH Phác thảo chân dung Thiền sư Nhất Hạnh

 

 

PHÁC THẢO CHÂN DUNG THIỀN SƯ NHẤT HẠNH

đinh trường chinh - 21.1.2022

NHỮNG CÂU NÓI SÂU SẮC

CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH

CẬP NHẬT NGÀY: 22 THÁNG MỘT, 2022 LÚC 13:53

 

Vanvn- Sau 5 năm từ Thái Lan trở về Việt Nam và tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu ở TP Huế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch lúc 0h ngày 22.01.2022 (tức 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), trụ thế 96 năm.

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, một nhà hoạt động xã hội, một nhà văn. Ông từng có nhiều bài nói chuyện trước công chúng và viết nhiều cuốn sách về đạo Phật, về cách sống.

Những câu nói của ông hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc và đáng suy ngẫm.

Dưới đây là một số trích dẫn hay từ các cuốn sách, những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:

  1. Hành động bất bạo động được sinh ra từ nhận thức về đau khổ, được nuôi dưỡng bởi tình thương, và chính là cách hiệu quả nhất để đối đầu với nghịch cảnh.

(Love in Action: Writings on Nonviolent Social Change)

  1. Sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên hành tinh xanh xinh đẹp này trong giây phút hiện tại, biết trân quý sự bình an và vẻ đẹp có sẵn ngay bây giờ.
  2. Chúng ta thường nghĩ rằng hòa bình là sự vắng mặt của chiến tranh, rằng nếu các quốc gia hùng mạnh sẽ giảm các kho vũ khí của họ thì chúng ta có thể có hòa bình.

Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu vào các loại vũ khí, chúng ta thấy rằng vũ khí nằm trong tâm trí của chúng ta, trong thành kiến ​​riêng, nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết.

Ngay cả khi chúng ta vận chuyển tất cả các quả bom lên mặt trăng thì gốc rễ của chiến tranh và gốc rễ của những quả bom vẫn còn đó, trong trái tim và khối óc của chúng ta, và sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ tạo những bom mới.

Hoạt động cho hòa bình chính là phải nhổ gốc rễ của chiến tranh từ chính trong chúng ta và từ trái tim của con người.

(Living Buddha, Living Christ)

  1. Chỉ biết đau khổ thôi thì không đủ. Cuộc sống đầy khổ đau nhưng cũng rất tuyệt vời …

Làm thế nào có thể mỉm cười khi trong lòng đầy những buồn đau? Bạn hãy học cách mỉm cười với nỗi buồn của mình bởi vì bạn đâu phải chỉ là nỗi buồn ấy.

  1. Bạn chỉ đẹp khi là chính bạn. Bạn đâu cần sự công nhận của người khác. Bạn chỉ cần chấp nhận chính mình mà thôi.
  2. Tự do có được nhờ tu tập và thói quen. Bạn phải rèn luyện mình cách bước đi như một người tự do, ngồi như một người tự do và ăn như một người tự do. Chúng ta phải rèn luyện bản thân về cách sống như thế nào.
  3. Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng từ bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến. Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn.
  4. Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình.
  5. Khi một người làm bạn đau khổ, ấy là vì ẩn sâu bên trong, nỗi đau khổ của anh ta đang tràn trề. Anh ta không đáng bị trừng phạt. Anh ta cần sự giúp đỡ.
  6. Bởi vì bạn đang sống nên mọi thứ đều có thể thành sự thật.
  7. Đừng nghĩ rằng những kiến thức bạn hiện có là bất biến, sự thật tuyệt đối. Tránh hẹp hòi và bị ràng buộc với những quan điểm bạn đang có. Thực hành tinh thần không cố chấp vướng mắc về quan điểm để có thể được cởi mở đón nhận quan điểm của người khác.

(Living Buddha, Living Christ)

  1. Hãy cười, thở và bước đi thật chậm.
  2. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi.
  3. Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.
  4. Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc.
  5. Nếu chúng ta bình an, chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể cười. Và mọi người trong gia đình, trong xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính sự bình an của ta.

 

ĐĂNG DƯƠNG/VNN (tổng hợp)

 

 

 

 

 

 

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH…

https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/profile_mask2.png

NGÔ NHÂN DỤNG



          

Trong cuốn “Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi” (dịch tiếng Anh: No Death, No Fear), Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thật. Biết như vậy thì mình không còn sợ cái chết nữa. Các đệ tử của ông đang cần suy ngẫm điều này sau khi nghe tin thầy qua đời.

Tháng Hai năm 2019, tuần báo Time ở Mỹ viết, “Vị sư dạy Thế giới về Sống Tỉnh Thức đang chờ ngày chấm dứt cuộc đời;” nhận xét rằng: “Nhất Hạnh được nhiều người Tây phương gọi là cha đẻ của mindfulness. Ông dạy rằng ai cũng có thể là những vị bồ tát, bằng cách sống hạnh phúc trong những công việc tầm thường – như khi gọt một trái cam hay nhấp một hớp trà, một cách tỉnh thức.”

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không phải chỉ đóng góp vào việc phổ biến phương pháp “Sống Tỉnh Thức.” Ông đã nối kết các tư tưởng sâu xa trong kinh điển đạo Phật Bắc Tông (thường gọi là Đại Thừa) với những các phương pháp hành trì được Nam Tông chú trọng, như Thiền hành và Thiền Minh Sát, Vipassana.

Đây là một truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, từ nhiều đời. Thích Nhất Hạnh cho thế giới nhìn thấy và công nhận có một nền Phật Giáo Việt Nam mà ông là người tiêu biểu, bên cạnh các truyền thống Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, vân vân, đã được truyền bá rộng từ trước.

Nước Việt Nam là nơi Phật giáo Nam Tông và Bắc tông đều có mặt. Một kinh căn bản được Phật giáo Nam Tông hành trì là Anapana đã được Thiền sư Khương Tăng Hội ở Giao Châu dịch thành An Bang Thủ Ý từ thế kỷ thứ ba. Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường khuyên nọi người thực tập “thiền hành,” một phương pháp mà các vị tăng sĩ Thái Lan, Miến Điện, Campuchia thực tập mỗi ngày.

Đối với giới truyền thông Tây phương thì nói đến Thích Nhất Hạnh là họ nghĩ tới “mindfulness,” và ngược lại. Ngày nay, mindfulness đã thành một phong trào, từ sinh hoạt tâm linh, văn hóa, xã hội, đến cả trong kinh doanh và quân sự!

Đầu tháng Tư, 2019, nhật báo New York Times loan tin quân đội Mỹ cũng tập mindfulness. Tướng Walter Piatt, chỉ huy quân Mỹ ở Iraq mỗi buổi sáng ngồi thở chậm và đều, bắp thịt cằm thả lỏng và mắt chăm chú nhìn vào một cây dừa. Ông cho thuộc cấp tập “quán niệm” để cải thiện khả năng chú ý và ngăn ngừa bệnh tâm thần do căng thẳng gây ra vì chiến trận. Ông đã đọc kết quả các cuộc nghiên cứu của bà Amishi Jha, một giáo sư tâm lý học ở Đại học Miami.

Hải quân Hoàng Gia Anh, quân đội các nước Hòa Lan và New Zealand cũng đang áp dụng mindfulness trong chương trình huấn luyện. Trong tuần đầu tháng Tư, khối NATO có một cuộc hội thảo về phương pháp mindfulness ở Berlin.

Cứ 10 người Mỹ thì có 6 người đã thử tập Mindfulness. Các công ty Google, Apple, General Mills, Goldman Sachs và Aetna đang cho nhân viên thực tập. Năm 2012 có $260 triệu đô la “đầu tư” vào Mindfulness. “Công nghệ quán niệm” mỗi năm thu nhập $1.2 tỷ đô la.

Từ năm 2006, Công ty General Mills ở Golden Valley, Minnesota, bắt đầu có những buổi ngồi thiền nửa giờ vào buổi sáng, nghe chuông và theo dõi hơi thở. Công ty bán lẻ Target, tại trụ sở ở Minneapolis, có những buổi tập quán niệm hàng tuần. Ông tổng giám đốc trông thấy một nhân viên vừa đi vừa ngó vào iPhone, cũng nói đùa, “Này, đi đứng cho mindfully nhé!”

Một phần tư trong số 50,000 nhân viên của Aetna đã tập quán niệm ít nhất một lần. Và hãng bảo hiểm y tế này nói họ thấy hiệu quả. Họ tính ra thành các con số và tiền: Những người tu tập thấy giảm bớt trạng thái căng thẳng (stress) được 28 phần trăm, 20% ngủ ngon hơn, và 19% bớt đau nhức. Nhờ thế năng suất làm việc tăng lên, trung bình mỗi người một tuần làm việc thêm 62 phút. Tính ra, mang lại thêm $3,000 đô la một năm!

Tại Thung Lũng Điện Tử, California, Công ty Intel bắt đầu chương trình Awake@Intel từ năm 2012. Google có người đặc biệt phụ trách chương trình dạy quán niệm, tại trụ sở có những phòng cho nhân viên vào ngồi thiền bất cứ giờ nào. Năm 2013 Google đã mời Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, cùng hơn 100 tăng ni Làng Mai từ Pháp qua đến giảng và dạy thực tập. Ông nói với họ: “Chúng ta đang bị tràn ngập thông tin. Có lẽ mình không cần nhiều thông tin như thế!”

Mindfulness được điện tử hóa với hàng ngàn “apps” để tập quán niệm qua computer. Công ty Headspace sản xuất một app trong số này, đã được cài trên máy bay của tám công ty hàng không, cho hành khách tập thiền. Headspace đang thiết kế những “phòng thư giãn cá nhân,” giống như phòng điện thoại công cộng đời xưa, để ai muốn thì ghé vào đó thiền quán trong chốc lát.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được mời nói chuyện về quán niệm với các nhân viên và một số đại biểu quốc hội Mỹ. Ở Mỹ, ông đã hướng dẫn các khóa tu cho cảnh sát viên, cho nhân viên coi nhà tù, có người sau đó đã tu tập trở thành giáo thọ. Tu viện Làng Mai ở Pháp đã làm mẫu cho các tu viện khác ở Bắc Mỹ và Âu châu. Tại nước Mỹ có các tu viện Bích Nham (New York), Lộc Uyển (California), Mộc Lan (Mississippi).

Đạo Phât và việc hành trì thiền quán đã được truyền sang Mỹ và các nước Tây phương từ nhiều thế kỷ. Đại sư Vivekananda đã đi giảng tại Mỹ và Anh trong những năm 1894 đến 1896. Ông nói, “Tôi mang tới Phương Tây bản thông điệp mà Đức Phật đã tặng cho người Phương Đông.” Trong thế kỷ 20, Jiddu Krishnamurti cũng từ Ấn Độ đã qua Mỹ dạy thiền quán mà không cần gọi đó là Phật Giáo. Thiền sư Shunryu Suzuki từ Nhật Bản đem theo truyền thống “Zen” phái Tào Động, lập ra thiền viện lớn đầu tiên trên đất Mỹ. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khai thị đạo Phật Tây Tạng cho hàng triệu người tập sống Từ bi và Trí tuệ.

Nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh ảnh hưởng rộng nhất vì ông dạy các điều giản dị, cụ thể, ai cũng có thể làm, ngay trong đời sống bình thường. Thiền, Zen, không còn là một bí quyết dành cho các tu viện. Ai cũng có thể thực tập. Nhiều người đã thấy là chính họ chuyển hóa; không những bản thân mình hạnh phúc hơn mà còn sống với người chung quanh hòa hợp hơn.

Người sáng lập công ty Salesforce là Marc Benioff (tài sản $10 tỷ mỹ kim), đi dự một khóa tu của Thích Nhất Hạnh, thấy chính mình thay đổi. Ông mời hòa thượng, hoặc các tăng ni Làng Mai đến dạy nhân viên về Hiểu và Thương (Từ Bi, Trí Tuệ) nhiều lần. Năm 2015 ông gửi máy bay riêng đưa hòa thượng từ Pháp qua San Francisco trị bệnh; nhường một ngôi nhà của ông cho các tăng ni tạm trú cả năm trời.

Trong cuốn sách đầu tiên gây ảnh hưởng trong giới tập thiền Tây Phương, Thích Nhất Hạnh kể lại kinh nghiệm tu tập của mình khi vào chùa Từ Hiếu. Mỗi khi làm bất cứ việc gì, chú tiểu đều đọc mấy câu thơ ngắn. Đó là những bài “kệ” nhắc nhở người sa di ý thức mình đang làm gì và chỉ chú tâm vào cử chỉ, hành động mình đang làm mà thôi. Nhờ thế, tâm an lạc, gọi là có chánh niệm, Thích Nhất Hạnh nói giản dị, là “sống trong giây phút hiện tại.” Cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” viết từ thời 1960, nay đã được dịch ra bốn, năm chục thứ tiếng, bản tiếng Anh là Zen Key.

Theo đúng truyền thống Bắc Tông, ông đã nhấn mạnh rằng tập sống quán niệm không chỉ nhắm tìm hạnh phúc riêng cho mỗi người. Phải tập sống an lạc với những người chung quanh, từ gia đình tới những người cộng sự, với xã hội và với cả trái đất đang nuôi dưỡng mình.

Thích Nhất Hạnh vốn là một thi sĩ, nhà văn và một thầy giáo. Ông sử dụng thứ ngôn ngữ truyền đạt dễ dàng, nhanh chóng. Ông chia sẻ những rung động, xao xuyến, âu lo của con người bình thường, nên những lời ông nói đi thẳng vào tâm hồn họ. Như khi ông nói, “Đức Phật là một người giác ngộ, yêu thương và tha thứ. Có nhiều lúc các bạn cũng thấy lòng mình như vậy. Thế thì, hãy vui sống lúc mình là Phật đi.”

Những người tập mindfulness không nhất thiết phải theo đạo Phật. Như Vivekananda nói ở Mỹ hơn 100 năm trước, “Tôi tới đây không phải để mời các bạn theo một tín ngưỡng mới. Tôi mong quý bạn giữ tín ngưỡng của mình. Một người theo Methodist sẽ thành một người Methodist tốt hơn; một người Presbyterian thành người Presbyterian tốt hơn …” Thích Nhất Hạnh luôn luôn khuyên người phương Tây không nên bỏ đạo. Cho nên trong các khóa tu ở Làng Mai bên Pháp, có các mục sư, có linh mục, cả người Hồi Giáo và Do Thái Giáo đến tham dự.

Vivekananda và Thích Nhất Hạnh đều theo đúng truyền thống Phật giáo. Đức Phật cống hiến một cách sống, chứ không có ý lập ra một tôn giáo mới. Người tu tập theo Đức Phật có thể chia sẻ kinh nghiệm tâm linh với tín đồ các tôn giáo khác. Cuốn Living Buddha, Living Christ của Thích Nhất Hạnh xuất bản trước đây 20 năm đã được hàng triệu người mua trong mấy năm đầu.

Trở về Việt Nam sống những ngày cuối cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể giúp Phật giáo ỏ quê hương mình tìm đường trở về nguồn. Cách sống trong Làng Mai đưa người Việt trở về gần với Phật giáo dân tộc hơn. Như một ni cô kể, “Tại Làng Mai, chúng tôi cười đùa vui vẻ suốt cả ngày, nhưng không một ai trong chúng tôi có tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu cá nhân. Không ai trong chúng tôi có xe hơi hoặc điện thoại riêng…” Chắc ai cũng mong muốn được sống hạnh phúc giản dị như thế, dù ít người làm được!

 

* Đa tạ Anh PHẠM VĂN HƠN đã gửi cho chúng tôi bài này vào chiếu 22/01/2022.

Nguyễn Hiền-Đức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LỜI MAI ĐÂY CAO NGÚT TRƯỜNG SƠN –

NHẠC PHẠM DUY

 

 

Bình thơ đêm Giao thừa Quý Tỵ 10.02.2013

tại Xóm Mới Làng Mai –

Thiền sư Nhất Hạnh nói về nhạc sĩ Phạm Duy

 

  1. TÌM NHAU

Bụt là người. Và vì vậy cho nên một người có thể trở thành Bụt. Đây là điều rất là quan trọng. Bài Tìm Nhau này nói về việc chúng ta đi tìm chúng ta. Và nếu chúng ta tìm được chúng ta, chúng ta biết chúng ta là ai rồi thì chúng ta cũng tìm ra được Bụt. Đây là một bài thiền quán.

Con đã tìm ra Thế Tôn

Con đã tìm ra con

Khi mình tìm ra được mình thì đồng thời mình tìm ra được Thế Tôn. Trong cuộc sống bận rộn có thể mình không có thì giờ để đi tìm, để biết mình là ai. Nếu mình chưa tìm được mình thì làm sao mình tìm được Bụt? Đây là một sự thực tập thiền quán.

 

 

 

  1. BẾP LỬA HỒNG

Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày ba mươi Tết (thật ra là hăm chín Tết do năm nay không có ba mươi). Bây giờ là 15h30’ chiều (giờ nước Pháp). Chỉ 2h30’ nữa Việt Nam đón giao thừa. Buổi bình thơ này là một buổi thực tập cho chúng ta có cơ hội nhìn trở lại. Có thể là trong năm chúng ta bận rộn. Và chúng ta không có thì giờ để nhìn lại chính chúng ta và cách sống của chúng ta. Giờ cuối năm là giờ linh thiêng. Chúng ta cần phải buông bỏ hết. Ngồi yên để nhìn lại, để chúng ta có một cơ hội sẽ làm hay hơn trong năm tới. Đề tài của chiều hôm nay là Bếp Lửa Hồng.

Bếp Lửa Hồng tượng trưng cho sự đoàn tụ, cho sự ấm áp, cho tình thương, cho hạnh phúc. Bếp lửa đó nằm ở đâu? Nó nằm ở đây (Pháp) hay ở bên nhà (Việt Nam)? Có những người trong chúng ta thật sự không có một bếp lửa. Nghĩ tới nhà thì chúng ta không có hạnh phúc. Tại vì chúng ta không có một bếp lửa hồng. Chúng ta chưa thật sự có một bếp lửa. Có thể trong gia đình còn có đủ mẹ cha và anh chị. Nhưng mà liệu tối hôm nay mọi người có nhìn mặt nhau được hay không, có nói chuyện với nhau được hay không? Có đủ tình thương không? Có đủ hạnh phúc không?

 

Bếp lửa là một hình ảnh rất là thân quen. Chúng ta ai nấy đều mong muốn có một bếp lửa hồng, có một cái tổ ấm. Chính người xuất gia cũng vậy. Chúng ta cũng mong muốn có một chỗ ấm áp, ngồi chung với nhau trong tình huynh đệ. Huống hồ những người ở ngoài đời cuộc sống bận rộn, đi ngang qua bao khổ đau thì họ rất mong ước có một chỗ quay về để có thể cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Chúng ta đã hiểu rằng, chúng ta đã biết rằng nếu không có hiểu nhau thì chúng ta không thể thương nhau, chấp nhận nhau được. Mà trong đạo Bụt, Đức Thế Tôn dạy rất rõ. Nếu mình không hiểu được mình và thương được mình thì mình không thể hiểu được và thương được người khác, dù người đó là bố của mình, mẹ của mình hay là anh chị em của mình hay là người đồng bào của mình. Vì vậy cho nên từ Hiểu và từ Thương rất quan trọng.

 

Nhạc sĩ Phạm Duy/ Tranh hí họa: Họa sĩ Chóe

Chất lửa phải từ trong trái tim đi ra. Đạo Bụt dạy chúng ta làm ra lửa, làm ra tình thương, làm ra sự hiểu biết. Và khi chúng ta học giáo lý đạo Bụt thì chúng ta có thể chế tác được lửa, ngọn lửa ở trong trái tim của chúng ta. Đó là ngọn lửa của thương yêu, của hạnh phúc. Và nếu chúng ta có ngọn lửa đó rồi thì chúng ta mới châm cho trái tim của những người khác.

Gánh nước đêm ba mươi Đối với văn hoá Việt Nam, hình ảnh ngọn lửa đi đôi với hình ảnh của gánh nước. Gánh nước đêm ba mươi. Có nhiều địa phương ở Việt Nam, đêm ba mươi gánh nước là một nghi lễ. Dù cho mấy cái chum, cái lu trong nhà đầy rồi thì mình vẫn phải đi gánh nước ở giếng như thường. Và đêm ba mươi người ta gặp nhau ngoài giếng, gánh một gánh cuối cùng và người ta kể chuyện cho nhau nghe. Người ta nói hy vọng của nhau đối với năm mới sắp tới. Do đó gánh nước đêm ba mươi trở thành một đề tài thi ca. Nếu chúng ta sinh ra trong thời đại mới này thì chúng ta nên biết là ở trong nhà ngày xưa có người em gái, người mẹ đi ra giếng gánh cho đầy chum, đầy lu, đầy vại. Đó là chuyện phải làm trong ngày Tết. Cũng như Tây Phương người ta đổ xăng, đổ dầu cho đầy. Lu nước, chum nước tượng trưng cho những tiện nghi về vật chất. Nếu trong nhà đầy nước thì có nghĩa là chúng ta có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, chúng ta có lương bổng đàng hoàng. Chúng ta có ruộng vườn, trâu bò, ao cá. Vì vậy tối ba mươi thế nào cũng phải có những chum nước đầy, vại nước đầy. Điều này người nào làm cũng được. Không cần phải là người giàu. Bất cứ người nào dù nghèo cách mấy cũng có thể lấy thùng đi gánh một đôi nước về. Đó là điều bình đẳng. Và giếng trong làng đóng vai một vị Đại Bồ Tát cung cấp nước cho tất cả dân ở trong làng mà không hề kỳ thị. Người giàu cũng nước đó. Người nghèo cũng nước đó. Người già cũng nước đó. Người trẻ cũng nước đó. Người sang cũng nước đó và người hèn cũng nước đó. Vậy nên nhìn vào cái giếng chúng ta có thể thấy đó là một vị Bồ Tát không kỳ thị, không phân biệt, là một nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho cả làng.

Thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên có viết bài thơ Khúc Quê nói về chuyện đi gánh nước đêm 30. Có thể là chúng ta chưa từng thấy, chưa từng nghe, chưa từng làm. Nhưng chúng ta phải biết được chuyện ngày xưa cha ông của chúng ta ăn Tết như thế nào. Và lệ đi gánh nước đêm ba mươi là một nghi lễ. Dầu cho nước trong nhà đã đầy rồi thì vẫn phải đi gánh như thường. Nó có nghĩa là mối quan tâm hàng đầu của mình là làm thế nào để có được điều kiện vật chất đầy đủ để mà sống. Đó là mối quan tâm đầu tiên của con người.

Khúc quê

Đập vỡ thời gian hoa lửa rơi rơi

Mọi ẩn nấp xô bật tường rêu nhú lời cỏ biếc

Bấc se se ngập ngừng ngoài sân đợi tết

Nước tràn mái , tràn thùng, em gánh tiếp niềm tin

Giếng ngời ngời gương mặt của đêm đêm cháy sáng

Đêm giũ mình bóng tối

Những cát bụi không còn nơi ẩn trốn

Hạnh phúc từ ngực người nhuộm thắm cỏ hoa

Cả ngàn nhà, nước từ giếng chia ra

Cười nói dội vang vang hồi âm của đất

Có một thiên đường đêm ba mươi rất thật

Trừ tịch chia đều mọi ngõ trầm hương

Khói bay trong nhà, khói bay hàng hiên về em nhé

Giao thừa đang điểm

Có một tiếng gàu bỏ quên ngoài giếng

Chạm vào tôi ngân mãi khúc quê mùa !

Mối quan tâm thứ hai là làm sao để có một Bếp lửa hồng. Nghĩa là phải có tình thương, phải có niềm tin, phải có hạnh phúc. Và cái bếp lửa hồng này từ đâu mà có? Ai cung cấp cho mình sức nóng đó? Ai cung cấp cho mình ngọn lửa đó? Làm thế nào để thắp lên ngọn lửa trong trái tim? Làm thế nào để thắp trái tim của mình lên?

“Thắp tim lên” là cách dùng từ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Ai là người sẽ thắp trái tim của mình lên?

Ai là người giúp cho mình hiểu, mình thương để mình có thể hiểu và thương người khác?

Đó là ngôi chùa ở trong làng.

Ngôi nhà, trung tâm thực tập là nơi người ta tinh luyện, tu tập để người ta chế tác ra cái hiểu và cái thương. Những khoá tu của chúng ta ở Làng Mai đã được tổ chức ở khắp Âu châu, Mỹ châu và các châu khác. Những khoá tu đó đem lại rất nhiều niềm tin cho người ta về tương lai. Có nhiều người khi mới tới với khoá tu họ rất là đau khổ. Họ có nhiều tuyệt vọng, chia rẽ, hận thù, kỳ thị. Họ không có đủ chất liệu thương yêu và tin cậy. Nhưng mà sau một khoá tu năm ngày, bảy ngày thì tự nhiên họ thấy có sự chuyển hoá. Và họ mỉm cười được. Mắt họ sáng lên. Như vậy chúng ta - những người tổ chức khoá tu, hướng dẫn tu học - chúng ta đã châm (mồi) lửa vào trong trái tim của họ để cho họ đem về nhà. Vì vậy cho nên trung tâm tu tập là một vị Bồ Tát.

Nếu mình được tham dự vào chuyện giữ bếp lửa hồng đó thì mình là người có hạnh phúc. Mình giữ bếp lửa hồng đó không phải cho chính mình mà thôi. Mình giữ cho dân cả xóm, cả tỉnh, cả nước. Do đó việc có cơ duyên tới với nhau, sống chung trong tình huynh đệ làm nên một bếp lửa hồng để mình có dư lửa cho chính mình, để có dư lửa phân phát cho người chung quanh là hạnh phúc của những người tu. Trước khi Thầy nói tiếp thì chắc có lẽ mình nên hát chung với nhau bài Vui Bếp Lửa Hồng. Tại vì đó là chủ đề của buổi sinh hoạt tối nay. Bài này lời và nhạc của Xuân Tiên. Và quý thầy Xóm Thượng thêm một vài lời.

 III. VIỆT NAM! VIỆT NAM!

Chúng ta vừa nói tới những quan tâm thường nhật. Làm sao để có được những điều kiện vật chất như là công ăn việc làm, lương bổng, nhà cửa và những tiện nghi tình cảm. Làm sao để có một cuộc sống lứa đôi, một cuộc sống gia đình có hạnh phúc. Nhưng nếu chúng ta có thì giờ để quán chiếu thì chúng ta sẽ thấy rằng ngoài những mối quan tâm thường nhật, cái "daily concerns". Mỗi người trong chúng ta còn có một mối quan tâm khác, mối quan tâm tối hậu, cái "ultimate concern". Chúng ta muốn vươn lên một cái gì cao hơn cuộc sống thường ngày. Chúng ta biết rằng ở Việt Nam bây giờ ước mơ của dân chúng là có được một nền dân chủ. Chúng ta đã có độc lập, chúng ta đã có tự do với ngoại bang. Nhưng có một điều mà chúng ta chưa có là tự do dân chủ. Hầu hết nhà tri thức và những người trẻ đều nghĩ rằng nếu mà có dân chủ thì chúng ta đạt tới hạnh phúc hoàn toàn rồi. Và vì vậy mục tiêu mà người Việt Nam đang hướng tới là Dân Chủ và Tự Do.

Nhưng mà nghĩ cho cùng thì chúng ta thấy rằng có những nước ở Tây phương họ có dân chủ, họ có tự do nhưng mà họ cũng còn nhiều đau khổ lắm. Trong nước họ có nhiều đảng phái và các đảng phái được tự do hoạt động. Họ có tự do thật, họ có dân chủ thật nhưng khổ đau trong xứ họ cũng rất là nhiều. Vậy nên ngoài cái Độc Lập – Tự Do – Dân Chủ thì chúng ta muốn cái gì nữa? Đó là hạnh phúc chân thật, là tình thương. Mà tình thương là cái mà chúng ta phải chế tác.

Hôm nhạc sĩ Phạm Duy qua đời… Nhạc sĩ Phạm Duy là một nhạc sĩ lớn của nền Tân Nhạc Việt Nam. Giữa ông và Thầy có một mối giao tình khá mật thiết. Hôm đó Thầy nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một người chuyên môn nghiên cứu về Huế gọi là Huế học. Những ngày chót của nhạc sĩ Phạm Duy thì Nguyễn Đắc Xuân đã ở bên giường bệnh và tiễn Phạm Duy vào những phút giây cuối cùng. Khi Phạm Duy tịch rồi thì Nguyễn Đắc Xuân có gửi thư cho thầy và nói rằng “Phạm Duy đã rời cõi tạm để đi tới cõi vĩnh hằng”. Ý nói là cõi mình đang sống đây chỉ là cõi tạm. Và trong cuộc sống này có 100 năm thì mình phải biết đầu tư cho cái cõi vĩnh hằng. Chia ra hai cõi. Một cõi gọi là cõi Tạm. Và một cõi gọi là Vĩnh Hằng. Trong dân gian người ta cũng nói “sống gửi thác về”. Nó có một nghĩa tương đương như vậy. Sống là gửi tạm ở đây thôi. Còn thác là về chỗ đó, chỗ vĩnh hằng. Thầy có gửi cho Nguyễn Đắc Xuân một câu thư pháp để đưa vào cho gia đình Phạm Duy. Câu của Thầy viết là “lời mai đây cao ngút Trường Sơn”. Đó là chữ của Phạm Duy.

Vào năm 1964, khi Thầy gặp Phạm Duy nói chuyện thì anh có tiết lộ cho Thầy biết là anh đang có mơ ước làm một trường ca gọi là Trường Ca Trường Sơn. Phạm Duy rất là nổi tiếng về Trường Ca Con Đường Cái Quan và Trường Ca Mẹ Việt Nam. Hai Trường Ca đó chưa được phép hát tại Việt Nam. Trường Ca Con Đường Cái Quan nói về con đường xuyên Việt từ Bắc vào Nam, con đường lập quốc, nối liền 3 miền với nhau. Trong đó có biểu lộ niềm mong ước đất nước được thống nhất. Rồi khi Phạm Duy sáng tác Trường Ca Mẹ Việt Nam thì có Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ và Biển Mẹ. Trong thời gian sáng tác thì đất nước còn chia đôi. Con sông Bến Hải chia đôi đất nước làm 2 miền. Trong Trường Ca Mẹ Việt Nam, khúc nói về những con sông chia rẽ buồn lắm. Cùng một mẹ mà chia rẽ ra làm hai. Phạm Duy còn tiết lộ sau Trường Ca Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam thì anh sẽ sáng tác một trường ca thứ ba gọi là Trường Ca Trường Sơn.

Con Đường Cái Quan thì anh nói nhạc đó là nhạc hiện thực, tả chân, tả thực. Nốt nhạc có nhiều dấu thăng. Đến Mẹ Việt Nam thì nhạc có tính cách biểu tượng, tượng trưng. Và trong đó có nhiều nốt giáng. Và khi anh sáng tác Trường Sơn thì nhạc ngụ ngôn, ví dụ. Và nó sẽ có những dấu không có theo tiết tấu thông thường, nó tự do. Phạm Duy có chia sẻ là Trường Ca Trường Sơn sẽ nói về chiều cao tâm linh của đất nước. Tại vì chúng ta đã có những người cha, người anh vươn lên rất cao trên đỉnh tâm linh. Chúng ta không phải chỉ khám phá và thực hiện được những gì ta ước mơ trong đời sống hằng ngày là những tiện nghi vật chất, tiện nghi tình cảm mà chúng ta đã khám phá được chiều sâu, chiều cao tâm linh. Vào đời Lê, đời Lý, đời Trần, chúng ta đã vươn lên rất cao. Nhờ có đạo Bụt mà chúng ta đã đi tới một đời sống tâm linh rất là cao. Cho đến nỗi một ông vua đã đi xuất gia trở thành một vị xuất sĩ. Chúng ta đã có những người cha, người anh vươn tới được như vậy. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một người cư sĩ nhưng đã trở thành thiền sư. Và các vua Trần Thái Tông, Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông đều là những người có ngồi thiền, có tu học và sáng tác. Mẹ Việt Nam là nói về những người mẹ. Và Trường Sơn là nói về những người cha. Phạm Duy nói rất rõ là “có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng hình ảnh của một người đang đi từng bước. Đang đi thì tự dưng dừng lại vì thấy dưới chân có một con giun, con trùng. Và nếu mình bước lên thì sẽ dẫm chết con giun, con trùng đó.”

Nếu bắt đầu ngay đoạn đó thì chúng ta biết là từ bi, từ bi không những với loài người mà còn đối với những loài cỏ cây, đất đá và cầm thú. Tâm linh là như vậy. Chúng ta biết đạo Bụt là một đạo chuyên về tình thương, bất bạo động. Chiều hôm nay chúng ta nói về chuyện tâm linh, chuyện đạo đức của nhạc Phạm Duy. Vào những năm 1960, chính xác là 64-65, những hạt giống đạo đức, những hạt giống tâm linh của Phạm Duy được tưới tẩm rất nhiều. Cho nên Phạm Duy đã sáng tác được những bài nhạc thấm nhuần tinh thần tâm linh, đạo đức. Trong đó có 10 bài Tâm Ca. Cuộc vận động của đạo Bụt đã khôi phục lại quyền làm người trong những năm 1963-1964 và đã gây cảm hứng rất lớn cho nhiều văn nghệ sĩ. Ngọn lửa tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức đã đi vào trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Trong bài Chung Khúc của Trường Ca Mẹ Việt Nam. Chúng ta hát như thế này:

Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời

Việt Nam hai câu nói bên vành nôi

Việt Nam nước tôi.

Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người

Việt Nam, hai câu nói sau cùng khi lìa đời

Đây là những câu chứng tỏ là Phạm Duy muốn đi, Phạm Duy muốn đất nước đi trên con đường của tình thương hơn là con đường của gươm giáo và hận thù.

Việt Nam không đòi xương máu

Việt Nam kêu gọi thương nhau

Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu

Tức là hoà giải với nhau. Bỏ gươm xuống để tới với nhau.

Việt Nam trên đường tương lai

Lửa thiêng soi toàn thế giới

Phạm Duy có nói rất rõ. Lửa thiêng đây là ngọn lửa của Hoà thượng Quảng Đức đem từ bi xoá bỏ hận thù. Trên con đường xây dựng tương lai thì Việt Nam đóng góp cho thế giới bằng ngọn lửa thiêng đó. Không có làm khổ người. Lấy thân làm đuốc. Lấy từ bi để làm khí giới.

Lửa thiêng soi toàn thế giới

Ngọn lửa của Hoà thượng Quảng Đức không chỉ soi sáng cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam mà là cho tất cả thế giới.

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tức là không chỉ tranh đấu cho đất nước riêng của mình mà là tranh đấu cho cả nhân loại. Và con đường tranh đấu là con đường bất bạo động, con đường tình thương. Chứ không phải là con đường gươm giáo.

Tình yêu đây là khí giới.

Tình thương đem về muôn nơi

Rất là rõ ràng. Khí giới của mình là tình thương và mình muốn khắp nơi trên thế giới đều được thừa hưởng tình thương đó.

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người.

Tức là tình người, tình anh chị em là mục đích, là chí hướng của Việt Nam. Việt Nam không phải chỉ để cho Việt Nam mà thôi. Việt Nam phải phụng sự thế giới, phụng sự theo con đường bất bạo động, tâm linh và tình thương. Có rất nhiều người ở Việt Nam muốn dùng bài này để làm Quốc Ca nhưng mà chuyện đó chắc phải chờ đợi. Bài Quốc Ca cũ thì có xương, có máu quá nhiều. Bài này thì không đòi xương máu mà chỉ kêu gọi thương yêu mà thôi. Nếu mà tuổi trẻ muốn thì nội trong vòng ba mươi năm thì có thể có được bài này.

Các thầy, các sư cô có thể hát bài này được không? Mấy anh chị sinh viên có nhớ, có biết bài này hay không?

  1. TÂM CA

Năm 1964, Thầy thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH). Và từ đó các thầy trẻ, các sư cô trẻ, những người thanh niên Phật tử đã đi vào nông thôn để giúp cải thiện đời sống miền quê. Đó là những chiến sĩ hoà bình. Thầy cũng thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh và mời thầy Minh Châu về làm Viện Trưởng. Trường TNPSXH thường tổ chức những buổi nói chuyện của văn nghệ sĩ. Và Phạm Duy được mời tới rất là thường. Phạm Duy đã sáng tác Mười bài Tâm Ca trong thời điểm này. Bài Tâm Ca đầu là Tôi Ước Mơ. Đó là một bài thơ của Thầy Nhất Hạnh và Phạm Duy phổ nhạc. Bài đó rất đơn sơ. Khi đó chiến tranh đang tiếp diễn khốc liệt và trong nước không ai dám mở miệng ra nói hoà bình hết. Thì bài này là bài thơ đầu tiên dám nói về hoà bình.

Sáng nay vừa thức dậy

Nghe tin em gục ngã

Nơi chiến trường

Nhưng trong khu vườn tôi, vô tình

Khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa

Em mình chết ngoài chiến trường nhưng mà cây tường vi vẫn nở thêm một đoá.

Tôi vẫn sống, vẫn ăn và vẫn thở

Nhưng đến bao giờ mới được nói thẳng điều tôi ước mơ?

Đầu đề bài thơ là Hoà Bình. Phạm Duy có can đảm đặt nhạc bài đó. Tiếp theo là 9 bài khác. Và trong 9 bài, bài nào cũng có ước vọng về hoà bình, có ước vọng nuôi lớn tình thương, đem từ bi để xoá bỏ hận thù.

Bài Tiếng Hát To thì Phạm Duy có nói là tôi muốn tiếng hát của tôi nó át được tiếng súng. Tiếng hát này là tiếng hát của tình thương. Đây là tâm ca thứ hai sau bài Tôi Ước Mơ - Hoà Bình.

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già

Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo

Đây không phải là tiếng kêu gọi chiến tranh giết nhau. Đó là tiếng kêu gọi thương nhau.

Lời tôi thay cho tiếng đạn bay

Lời tôi xây cho vững tay cày

Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy

Lời ca êm ru giấc ngủ say

Trẻ em đi ngủ trong tiếng súng nổ bên bờ ruộng.

Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa

Một miền quê, một miền quê tim héo và khô

Lời tôi ca khâu vá tình thương

Mình nhớ lại bài Kim Chỉ của Xuân Diệu.

Chúng ta là cây kim,

Chúng ta là sợi chỉ,

Để may lại cuộc đời

Cho liền trong vạn kỷ

...

Mình thế gian rách nát,

Ôi cái áo ăn mày

Chúng ta là kim chỉ

Thương khó những đêm ngày

Đó là công việc của tình thương. Lời tôi ca khâu vá tình thương nghĩa là làm cho êm dịu lại những nỗi khổ niềm đau và đem mọi người lại với nhau.

Lời hôm qua chắp nối Con Ðường

Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn

Lời hôm qua chấp nối Con Đường tức là Con Đường Cái Quan. Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn tức là Mẹ Việt Nam. Và lời mai đây cao ngút Trường Sơn là muốn nói đến Trường Ca Trường Sơn mà Phạm Duy chưa có cơ hội viết trước khi lìa đời. Hứa với Thầy rồi. Sẽ làm ra một Trường Ca lớn nói về chiều cao tâm linh của dân tộc, nói về người cha lớn của Việt Nam. Nhưng mà tại vì cuộc đời nó kéo đi. Lỗi một phần cũng tại Thầy. Tại vì Thầy bỏ nước đi kêu cứu hoà bình. Thành ra ở nhà không có ai tưới tẩm hạt giống cho Phạm Duy. Không có ai mời Phạm Duy tới ăn cơm chay… Cho nên trong đám tang của Phạm Duy, thầy gửi về cho Phạm Duy câu chót của bài Tiếng Hát To này.

Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.

Phạm Duy anh chết rồi nhưng anh chưa chết đâu. Anh phải tái sinh trở lại. Anh phải bảo con cháu anh làm cho được chuyện anh đã hứa với tôi. Phải sáng tác cho được Trường Ca Trường Sơn. Chúng ta đã có Độc Lập, chúng ta đã có Thống Nhất. Chúng Ta đã có Mẹ Việt Nam, Con Đường Cái Quan thì giờ đây chúng ta phải vươn lên đến Trường Sơn. Chúng ta phải có một nếp sống tâm linh có hạnh phúc để có thể đóng góp cho hoà bình của thế giới.

Tôi sẽ hát to hơn những kẻ

Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù

Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu

Lời rất là đạo vị.

Lửa âm u ai đốt từ lâu

Miền quê tôi khan tiếng kêu gào

Lời tôi ca như nước nhiệm mầu

Thành mưa rơi cho dứt niềm đau

Đúng là Cam Lộ. Đó là chiều hướng tâm linh trong nhạc Phạm Duy. Lời tôi ca như nước nhiệm mầu. Đó là Cam Lộ Thủy. Thành mưa rơi cho dứt niềm đau. Thấy rất là rõ. Khi mà một nhà nhạc sĩ được tưới tẩm những hạt giống tốt, tâm linh, thương yêu thì có thể sáng tác như vậy. Cả triệu người hát theo. Rất tiếc là Thầy bỏ nước đi kêu gọi hoà bình nên ở nhà không có ai chăm sóc và tưới tẩm tiếp tục. Đây là những bài ca có thể gọi là chống chiến tranh:

Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè

Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa

Hỏi thăm em, em có mẹ cha

Hỏi thăm em, em có ông bà

Hỏi thăm em, em có cửa nhà

Một ngày qua em mất cả ba

Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười

Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi

Cùng em côi tôi có bàn tay

Và đôi môi tôi hát ăn mày

Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy

Cùng ngủ ven sông hay gối bụi câỵ

Có rất nhiều trẻ em đói, chỉ còn đôi môi để hát những câu “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, cho con xin một bát cháo, chén cơm”. Chúng ta thấy những lời thơ này có đạo vị, bắt đầu có chất liệu tình thương. Tâm ca số 3 là Ngồi Gần Nhau. Mình không phải làm gì nhiều. Mình chỉ cần tới ngồi gần nhau.

Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu

Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu

Ngồi gần ngồi gần nhau, xin nói cho nhau một điều

Ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều

Phải tới ngồi gần nhau thì mới có cơ hội hiểu nhau.

Ngồi gần tình thương yêu, nghe rõ tiếng Bụt kêu.

Phạm Duy trong thời gian được tưới tẩm những hạt giống tốt đã sáng tác như vậy. Còn đây là Giọt mưa trên lá – Tâm ca số 4

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già

Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.

Đứa con trai vừa mới chết trên chiến trường.

Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà

Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về

Đây là nói về ước mơ.

Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa

Đứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười

Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la

Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già.

Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì

Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế

Như vậy rất là đẹp.

Tâm ca số 5 - Để lại cho em (thơ Nguyễn Đắc Xuân) là lời thú thật với thế hệ trẻ: các anh đã làm ăn bê bối, để lại cho các em một đất nước chia lìa, chiến tranh.

Để lại cho em này nước non mình

Để lại cho em một nước đẹp xinh

Một miền oai linh hiển hách

Chỉ còn dư vang thần thánh

Để lại cho em hèn kém của anh

Để lại cho em cuộc sống mệt nhoài

Để lại cho em hồn nước tả tơi

Đường đời quanh co kẹt lối

Để lại cho em một nước phân lìa

Để lại cho em một giống nòi chia

Hận thù nhân danh chủ nghĩa

Bạo tàn vênh vang bề thế

Để lại cho em giọt máu dân lành

Để lại cho em từng nấm mồ xanh

Chập chờn bay trong bại thắng

Ngọn cờ khăn sô mầu trắng

Để lại cho em một bãi sa trường.

Đó là lời thú tội của một người anh bất lực. Không để lại cho đất nước một điều gì tốt đẹp mà lẽ ra thế hệ trẻ đáng được hưởng. Bài Tâm Ca số 7 phổ nhạc từ một ý thơ của Thầy: “kẻ thù ta không phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”

Bài này là một bài hát phản chiến. Hồi đó thanh niên đã hát trên đường phố Sài Gòn. Năm 1966 Thầy đã gặp Mục sư  Martin Luther King, Jr. Thầy đã đọc cho Mục sư nghe trong một cuộc biểu tình ở Memphis thì mục sư đã giăng câu này ra để đi biểu tình.

My ennemy is not people.

If I kill people who shall I live with?

Có lẽ trong khoá tu xuất sĩ, mình có thì giờ mình sẽ hát bài Tâm Ca này.

Khi Thầy đi qua Tây Phương để kêu gọi thế giới giúp một tay để chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam thì Phạm Duy cũng được nghe dư âm đó và Phạm Duy cũng viết vài bài nói về tình trạng đó. Những bài đó không phải là Tâm Ca mà là Tâm Phẫn Ca. Tức là sự phẫn nộ của tâm. Trong đó có bài Tôi không phải là gỗ đá. Đại ý là tôi thấy người dân chết mỗi ngày mỗi đêm. Đâu phải là tôi không biết. Tôi không phải là gỗ đá. Thành ra tôi phải nói thôi. Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ phản chiến của Thái Luân là Bi Hài Kịch và bài Đi Vào Quê Hương (thơ Hoa Đất Nắng). Thái Luân là một sĩ quan trong Quân đội Việt Nam Cộng Hoà khi chứng kiến sự chết chóc của đồng bào đã viết nên những bài thơ phản chiến rất là bi đát. Và Phạm Duy có can đảm phổ nhạc một số các bài như vậy.

  1. RONG CA

Năm 1988 thì thầy gặp Phạm Duy ở California. Hồi đó ông mới sáng tác 10 bài mới. Gọi là Rong Ca. Rong là rong chơi. Lúc đó ông đã 71 tuổi. Và ông tập hợp tất cả những bài nhạc của ông để in thành một tập gọi là Ngàn Lời Ca. Ở trên này đề là kính tặng Thầy Nhất Hạnh, Phạm Duy - 1989. Trong tập nhạc này có một băng cassette trong đó có Mười bài Rong Ca. Trên con đường lái xe từ Los Angeles đi lên San Francisco thì Thầy đã bỏ vào trong máy và Thầy nghe 10 bài. Thầy đã chiêm nghiệm và thấy trong đó Phạm Duy đã bắt đầu có những cái mà Thầy gọi là "ultimate concern". Tức là những mối quan tâm về siêu hình, về sống chết, về tâm linh.

Dầu cho không làm được Trường Ca Trường Sơn nhưng mà vẫn khắc khoải. Tại vì Phạm Duy có kể rằng năm 1988 có dịp đi San Francisco thì tự nhiên nhớ là chỉ còn có 12 năm nữa là tới năm 2000 và lúc đó có thể là mình đã chết rồi cho nên mới đặt vấn đề là sau khi chết mình sẽ đi đâu, thành cái gì và thấy rằng cuộc sống 100 năm quá ngắn. Phạm Duy tự nhận mình là một người tình, một người tình già. Vậy nên Rong Ca Đầu Tiên mang tên là Người Tình Già Trên Đầu Non.

Người tình già trên đầu non

Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn

Giữa đám mây xanh xao chập chờn

Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn

Người tình già trên đỉnh khơi

Muốn lãng quên trăm năm một đời

Trong bài này Phạm Duy tìm cách để hiểu thế nào là thời gian, tìm cách vượt thoát thời gian. Tại vì thấy 100 năm sống ở cõi đời này quá ít, nó không có nghĩa gì hết. Cái đó thuộc về những ưu tư tối hậu.

Người từng là nắng mùa Xuân

Ðã dắt em đi trên đường trần

Ðã vuốt ve em trong Hạ mềm

Rồi lạnh lùng Thu đến... lìa em

Tức là mình sẽ phải chết.

Người trở thành cây mùa Ðông

Lá úa rơi vun cao cội nguồn

Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần

Ðầu cành khô bỗng hoa nở tràn

Đó là hình ảnh của một cây mai. Tới mùa Đông thì tất cả những lá mai rụng xuống và tự nhiên những bông mai nở tràn ra đầy. Hình ảnh đó cho Phạm Duy ý tưởng là có thể mình sẽ đầu thai thành những người trẻ. Mình chết đi đây tức là không phải mình hết mà mình sẽ đầu thai. Và Phạm Duy có nhắc tới lời nói trong dân gian là “lá rụng về cội". Trở về cội thì mình phải có thì giờ để hoá thành đất. Hoá thành đất rồi thì mới luân hồi ra thành những bông hoa mai của năm mới. Chứ đâu thể rớt xuống rồi thành hoa liền được. Nhưng mà Phạm Duy nóng lắm, muốn mình thành mai lập tức cho nên trong bài đó những câu như vậy.

“Người ta thường có ý nghĩa lá rụng về cội khi nói tới tuổi già. Trong cái băng nhạc tình của tuổi Bảy mươ này, tôi lại muốn nói rằng cái quan trọng không phải là sự về cội nguồn của những chiếc lá chết. Cái quan trọng là làm sao để hoa vẫn nở rộ trên những cành khô. Chúng ta là những người tình của bách niên 1900, là những lá vàng khô đang chết, nhắn nhủ người tình của thế kỷ thứ 21 là những nụ hoa đang hé…”

Ở đây có một khoảng cách giữa mình và thế hệ của những người trẻ. Phạm Duy không thấy rõ là những người trẻ bây giờ đang là sự tiếp nối của mình và mình sẽ không bao giờ chết. Bài Người tình già trên đầu non là một cái suy nghiệm về thời gian. Mộ Phần Thế Kỷ - bài thứ hai có đưa ra hình ảnh hoa và rác. Những rác của thế kỷ 20 nếu mình biết cách thì mình có thể biến rác thành hoa được. Thành ra Phạm Duy cũng có những cách tư duy, chiêm nghiệm, thiền quán của Phạm Duy. Chỉ có cái là không có người hướng dẫn. Nhưng trong sự sống, thực sự đã có những giây phút Phạm Duy có cái nhu yếu làm thoả mãn niềm quan tâm về tối hậu.

Người đi trong mùa Đông

Lòng bâng khuâng như làn sương

Theo người phu đi dọn xác chiến trường

Người phu sau thời gian

Một trăm năm đã gần xong

Anh bình tâm đi lượm xác trên đường

Những xác úa một thời

Có bóng dáng triệu người

Phiêu diêu nơi Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai

Hết Thế Chiến, lại là

Anh em trong một nhà

Lấy chém giết để giải hoà trong quốc gia

 

Người đi trong mùa Đông

Đội khăn tang, mang tình thương

Theo người phu đi đào lỗ bên tường

Vùi sâu trong mộ chung

Hoặc vùi nông trong mộ hoang

Anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường

Vùi chôn bao lầm than

Một trăm năm, bao trẻ em

Mang bộ xương, theo Thần Đói lên đường

Những ác chúa từng miền

Những xác ướp bạo quyền

Chôn ngay đi, vứt chúng vào hố lãng quên

Vứt Phát Xít vào mồ

Ném Mác Xít vào mộ

Hãy lấp kỹ cả tội hèn trong chúng ta

Biết lấp kỹ thì chúng sẽ trở thành hoa màu cho thế kỷ 21.

Đó là tư duy của Phạm Duy, là thiền quán của Phạm Duy. Và có thể trên rác bạo động, hận thù đó mình sẽ có đoá hoa của tình thương nở lên cho những người trẻ của thế kỷ 21. Cái đó là meditation chứ gì nữa.

Trong bài Trăng Già – Rong Ca số 8 - thì hơi tội nghiệp. Có câu là “Trăng ơi, im lặng suốt đời. Mà sao ta cứ đứng ngồi không yên.” Rất là là tội nghiệp. Đây là sự bất an. Rất tiếc là không có (thầy trò) mình đó để mình chỉ cho nhạc sĩ thở theo An Ban Thủ Ý, an tịnh tâm hành, an tịnh thân hành, an tịnh những cái cảm thọ. Đứng ngồi không yên là tại vì không biết an trú trong hiện tại. Không biết điều phục chăm sóc cái thân hành và tâm hành. Trong bài Rong ca số 9 - Ngựa Hồng -  thì có một câu rất là hay. Ngựa Hồng ngày xưa đã từng ra trận, đã có những thời oanh liệt. Nhưng mà sau trở thành ra kéo xe cho những người giàu có, cho vua chúa và trở thành nô lệ. Hai con mắt bị che thành ra không thấy được gì nữa. Người ta bắt chạy đâu thì chạy đó thôi. Ngày xưa đã vinh quang trong chiến trường bây giờ trở thành kiếp nô lệ, nạn nhân của tham nhũng, nạn nhân của bạo quyền. Một bữa nọ, có một con ngựa rừng nó đi ngang qua. Nó nói “Tại sao mày dại như vậy? Cuộc sống của một con ngựa tự do trên rừng sướng biết bao nhiêu mà lại đem thân mạng làm một nô lệ như vậy?” Nó khuyên một câu thì con Ngựa Hồng này tỉnh ngộ. Nó đưa chân đá vỡ yên cương, tìm đường thoát thân.

Ngựa Hồng vươn lên phi qua lỗ bé trôn kim

Thong dong đi vào cõi không!

Phạm Duy thấy cuộc sống này chật hẹp, thấy thế giới của tích môn này chật hẹp. Trăm năm không đủ và có nhu yếu muốn vươn tới một cõi, gọi là cõi lớn, cõi không. Phạm Duy có cái đó chứ không phải không. Phạm Duy là con nhà Phật tử. Rất tiếc là không có thầy, có bạn, có tăng thân ở bên. Thành ra không có làm tròn ước mơ của mình là Trường Ca Trường Sơn. Vì vậy mình phải nói với Phạm Duy là anh không có đi đâu hết. Anh phải ở đây cùng với con cháu anh làm cho tôi được Trường Ca thứ ba là Trường Ca Trường Sơn.

Bài Rong Ca số 10 - Rong Khúc cũng là một sự chiêm nghiệm. Bài này mình sẽ nghe con trai của Phạm Duy là Duy Quang hát. Cả hai cha con đều mất tháng trước. Đây là bài chót của Rong Ca. Có thể là tiếng chào tạm biệt của Phạm Duy trước khi ra đi:

Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới

Anh đã đi theo nắng từ trời vui

Anh xuống nơi chơi lúc Người mới tới

Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời

Đây là một tư duy rất truyền thống. Tại vì những người tài ba, những thi sĩ, những văn sĩ luôn luôn nghĩ mình là một ông tiên sống ở trên thiên đình. Vì có cái lỗi gì đó mà bị đày xuống cõi này, cõi hạ giới. Hoặc là uống rượu, uống trà làm rơi cái ly bể rồi Thượng Đế nói “mày không có chánh niệm cho xuống dưới ở”. Ở Việt Nam hay các nước Á Châu hay có tín ngưỡng đó. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình là một vị tiên trên thượng giới tại vì một cái lầm lỡ nào nên bị đày xuống cõi cõi ta bà này.

Cuộc đời trần gian

Chỉ có 100 năm

Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã

Anh đã đi qua bốn bể gần xa,

Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá

Hay cuốn bay theo gió sa mạc già

Ở nơi dương thế... mặn mà.

Dương thế này cũng được tại vì mặn mà.

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần

Anh đã quên đi những nẻo đường tiên

Tức là không biết kiếp trước mình ở trên thượng giới, không biết con đường tiên đẹp như thế nào. Giờ đây chỉ biết rong chơi những nẻo đường trần thôi. Đường trần thì gặp bụi bặm, gặp những điều không như ý. Có một sự phân biệt rất rõ ràng. Đường tiên trên kia thì nhẹ hơn, không có bụi. Đường trần dưới này thì có bao nhiêu trắc trở. Trong khi đó tại Làng Mai thì chúng ta biết rằng cũng con đường đó tùy theo cách đi của chúng ta. Nếu đi theo cách này thì đó là con đường tiên. Nếu đi theo cách kia, nó là con đường trần. Rất tiếc là Phạm Duy chưa thấy được cái điều đó.

Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời

Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi.

Tức là sống cũng không có uy nghi, không có giới luật lắm. Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi. Câu này nói rất là nhiều.

Đã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu

Anh cũng theo Em bước vào khổ đau

Cố nhiên là chưa học Tứ Vô Lượng Tâm thì làm sao biết yêu được. Cho nên yêu là tạo ra đau khổ cho người và tạo đau khổ cho mình. Chưa biết yêu, chưa biết thương cho nên khổ là chuyện bình thường. Vì vậy người nào mà chưa học cách thương của Bụt là phải học gấp. Phải có Từ-Bi-Hỷ-Xả để thương mới không có khổ.

Khi thấy ai trong cõi trần khô héo

Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu

Đời mà chìm sâu

Cũng muốn leo cao

Chìm thì rất là sâu mà leo thì muốn leo cho thật là cao. Và cố nhiên leo cao thì ngã đau.

Anh bước khoan thai lối rừng hun hút

Đưa đón chân Anh có lửa hoàng hôn

Anh dẫn Em vươn tới miền an tĩnh

Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn

Ở nhịp trần gian... quay cuồng.

Thế giới này có những phiền não, có những hệ lụy. Cho nên lâu lâu thấy mình cần phải đi tới một chỗ nào yên tĩnh. Miền yên đó chính là thượng phương. Thượng phương tức là chùa. Thành ra mình giữ một ngôi chùa cho thanh tịnh để cho người đời tìm tới khi mà họ đau khổ, họ hệ lụy. Họ tới họ thở không khí đó họ đỡ khổ.

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình

Yêu nhều lắm. Mà càng yêu thì càng rắc rối

Anh đã theo Em đi gặp bình minh.

Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều

Như đã đưa Em tới đỉnh tình yêu

Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất

Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn

Biết là mình sắp chết. Càn khôn là đất trời lớn. Tức là tiếng giả biệt. Em ở lại nhé. Anh phải đi…

Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn

Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường

Trong đây phân biệt hai cõi. Một là cõi lớn. Và cõi này là cõi tạm. Cõi tạm chỉ có 100 năm thôi rồi mình phải tới cõi lớn. Điều đó là điều Phạm Duy cần phải được nhắc nhở. Chúng ta ở Làng Mai là chúng ta biết rất rõ Ta Ba là Tịnh Độ. Sinh Tử là Niết Bàn tùy theo cách chúng ta nhìn ta sống. Nhìn như thế này, sống như thế này thì cõi này là cõi Sinh Tử, khổ đau nhưng mà nếu có Trí Tuệ, có Chánh Niệm thì nhìn như thế này, sống như thế này thì đây là Tịnh Độ, đây là Niết Bàn. Cõi lớn cũng ở đây mà cõi tạm cũng ở đây. Điều đó là điều Phạm Duy chưa có học được.

Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn

Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường

Không biết mình có vào cõi lớn được không mà dắt người khác. Mình phải vào cõi lớn được đã. Mà ngay trong giây phút này chưa vào cõi lớn được thì khi chết đi làm sao mình vào được, dắt ai được. Cho nên ngay trong hiện tại mình phải có khả năng tiếp xúc với cái cõi lớn. Rồi mình mới có thể giúp người khác cùng đi vào cõi lớn. Còn trong 100 năm đó, mình không có khả năng tiếp xúc thì làm sao mình giúp người khác. Cho nên tư duy này vẫn là lưỡng nguyên. Cõi lớn, cõi tạm nó cũng ở đây. Tùy theo cách nhìn của mình mà nó là cõi tạm hay cõi lớn.

Một đường hành tinh

Đi thăm những Thái Dương

Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai

Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa

Đi về quá khứ, đi tới tương lai, mình có khả năng chưa mà dám nói mình sẽ đưa người yêu đi vào quá khứ, đi tới tương lai. Ngay đi vào hiện tại cũng chưa được. Hiện tại nắm chưa được mà sao đi vào quá khứ hay tương lai.

Ta sẽ quên như có mình nơi đó

Ta sẽ quên như có Ta nơi này

Nơi đó, nơi này tức là cõi Địa Cầu trong 100 năm. Khi mà bước vào cõi lớn thì không có quay lại đây nữa tại vì có nhiều hệ lụy, có nhiều đau khổ quá. Không muốn nhớ là đã có thời gian trong 100 năm mình đã ở chỗ đó. Muốn quên. Không cần nhớ nữa. Thành ra nó đi lại bài Rong Ca đầu Người tình già trên đầu non “Muốn lãng quên trăm năm một đời”.

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần

Ta vút bay theo những nẻo đường tiên

Đường trần mình không đi nữa. Mình đi chỗ khác để có thể đi theo những nẻo đường tiên.

Ta vứt sau ta những nẻo đường trần

Ta vút bay theo những nẻo đường tiên

Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình

Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.

Nẻo xanh với Phạm Duy tức là nẻo đó. Nhưng với chúng ta thì nẻo xanh đó là ngay chỗ này.

Giờ mời đại chúng nghe anh Duy Quang - hát bài này. Đây cũng là lời tạm biệt của Thầy đối với Phạm Duy. Anh không có đi đâu hết. Anh ở lại đây với chúng tôi. Anh phải tiếp tục cùng với con cháu. Anh phải làm cho được điều đã hứa với Thầy là viết cho được Trường Ca Trường Sơn.

Thầy có viết 1 lá thư cho Phạm Duy nhờ phổ nhạc Bài kinh ca ngợi Bụt Amitabha và Lời nguyện cầu hướng về đất mẹ. Lá thư đó phải chuyển vào nhà thương. Lúc đó Phạm Duy yếu rồi không có cơ hội để đặt nhạc cho hai bài kia. Rất là uổng.

Đại chúng nghe Duy Quang hát bài Rong Khúc

Từ cõi xa xôi, muôn ngàn thế giới

Anh đã đi theo nắng từ trời vui

Anh xuống nơi chơi lúc Người mới tới

Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời

Cuộc đời trần gian

Chỉ có 100 năm

Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã

Anh đã đi qua bốn bể gần xa,

Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá

Hay cuốn bay theo gió sa mạc già

Ở nơi dương thế... mặn mà.



         Anh đã rong chơi khắp nẻo đường trần

Anh đã quên đi những nẻo đường tiên

Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời

Anh đã cho Anh sống thật đầy vơi.



Đã chót đưa Em tới nguồn yêu dấu

Anh cũng theo Em bước vào khổ đau

Khi thấy ai trong cõi trần khô héo

Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu

Đời mà chìm sâu

Cũng muốn leo cao

Anh bước khoan thai lối rừng hun hút

Đưa đón chân Anh có lửa hoàng hôn

Anh dẫn Em vươn tới miền an tĩnh

Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn

Ở nhịp trần gian...quay cuồng.



          Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình

Anh đã theo Em đi gặp bình minh.

Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều

Như đã đưa Em tới đỉnh tình yêu



          Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất

Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn

Nhưng nếu Em yêu muốn vào cõi lớn

Anh sẽ cho Em dắt tay lên đường

Một đường hành tinh

Đi thăm những Thái Dương

Anh dắt tay Em đi vào Ngàn Mai

Anh khoác vai Em bước về Ngàn Xưa

Ta sẽ quên như có mình nơi đó

Ta sẽ quên như có Ta nơi này

Và lộ trình Ta... miệt mài.



          Ta vứt sau ta những nẻo đường trần

Ta vút bay theo những nẻo đường tiên

Nhưng nếu mai sau, ai gọi Người Tình

         Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THÔNG ĐIỆP THƯƠNG YÊU

CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

THIỀN SƯ NHẤT HẠNH chia sẻ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Phiên tả từ pháp thoại của Thầy Làng Mai ngày 01-02-2004

tại tu viện Lộc Uyển

(Hình ảnh trong tập này do Nguyễn Hiền-Đức chèn thêm vào)

Hôm nay chúng ta sẽ được nghe quý thầy, quý sư cô hát nhạc Trịnh Công Sơn. Bây giờ mời đại chúng nghe Sư cô Chân Không hát bài Nắng Thủy Tinh.

“Màu nắng hay là màu mắt em, mùa thu mưa bay cho tay mềm, chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm, rồi có hôm nào mây bay lên (...) ngàn cây thắp nến nến hai hàng, để nắng đi vào trong mắt em”.

Trịnh Công Sơn sinh năm Kỷ Mão, 1939. Thân phụ là một người yêu nước, đã tham gia kháng chiến chống Pháp nên đã bị cầm tù nhiều năm ở Lao Thừa Phủ, vì vậy Trịnh Công Sơn được tiếp nhận hạt giống yêu nước và dũng cảm từ ba mình.

Sở dĩ Trịnh Công Sơn dám nói những gì mình nghĩ qua những bài hát ông sáng tác là nhờ Trịnh Công Sơn có sự can đảm, có lòng yêu nước, yêu dân. Có nhiều người cũng có cùng cảm nghĩ như Trịnh Công Sơn nhưng không dám nói ra. Thế nên có những bài hát của ông được gọi là phản chiến, phản chiến nhưng kỳ thực không phải là phản chiến. Những lời nói của ông là những lời nói rất trung thực. Thấy những người anh em của mình, anh em miền Nam cũng như miền Bắc, chết mỗi ngày, Trịnh Công Sơn rất đau khổ nên đã nói ra sự thực đó.

Yêu nước, yêu dân, can đảm, đó là những hạt giống chúng ta có thể nhận thấy trong Trịnh Công Sơn. Trong mỗi con người chúng ta cũng vậy, cũng có hạt giống yêu nước thương dân. Vì vậy nghe Trịnh Công Sơn, chúng ta có cảm nhận như Trịnh Công Sơn đang nói dùm cho ta.

 

 

 

Tượng Trịnh Công Sơn đặt tại sân nhà vẫn luôn đầy hoa

 

Mẹ Trịnh Công Sơn là "người bạn trung thành" suốt đời của ông.

Mẹ của Trịnh Công Sơn là một người mẹ kiểu mẫu, một phật tử rất thuần thành, đi chùa thường xuyên, có lòng từ bi rất lớn, đã chịu đựng bao nhiêu khó khăn, gian khổ để nuôi con. Thân phụ của Trịnh Công Sơn bị tai nạn mất năm Trịnh Công Sơn mới 15 tuổi,  bà phải một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi tám đứa con. Đã có rất nhiều người đàn bà đi ngang qua cuộc đời của Trịnh Công Sơn, nhưng không có ai ở lâu với Trịnh Công Sơn cả, chỉ có một người duy nhất ở lâu với Trịnh Công Sơn đó là mẹ ông. Trịnh Công Sơn luôn luôn quay về nương tựa mẹ, một tình mẫu tử rất bền bỉ. Lớn rồi mà vẫn thấy mình là đứa con nít cần có mẹ. “Mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con bơ vơ một mình”. Trịnh Công Sơn có lần than thở, có lần ký thác tâm sự của mình rằng đứng trước một xác chết, một thây người vừa ngã xuống vì súng đạn, Trịnh Công Sơn không nghĩ đó là ta hay địch, cộng sản hay quốc gia. Trịnh Công Sơn chỉ biết đó là một người đồng bào, một người anh em vừa mới chết, là nạn nhân của một cuộc chiến tranh thảm khốc vô nghĩa. Đây là nguyên văn của Trịnh Công Sơn:

“Khi tôi đứng bên một xác người, tôi không nghĩ đó là ta hay là địch, mà đó là một thân phận chịu đựng sự vô nghĩa của chiến tranh”.

Thấy người nào chết cũng thương hết vì người nào cũng là đồng bào của mình. Hát và nói ra như vậy rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng đã làm những bài thơ như vậy, những bài thơ nói về kháng chiến, nói về sự vô lý của chiến tranh và nói rằng anh em một nhà không nên bôi mặt đá nhau. Những bài thơ đó được xuất bản trước những bản nhạc của Trịnh Công Sơn vài năm, được đăng trên các tờ báo Hải Triều Âm và Thiện Mỹ nhưng người ta gọi đó là thơ phản chiến. “Anh nhân danh ai, em nhân danh ai, mà giết nhau?” và tôi kêu gọi hai bên đều trở về quỳ dưới chân mẹ sám hối. Những bài thơ đó, nếu quý vị muốn đọc lại thì tìm trong cuốn “Thơ Từng Ôm Và Mặt Trời Từng Hạt”.

Mẹ của Trịnh Công Sơn đã trao cho Trịnh Công Sơn những hạt giống rất lành và rất đẹp, đầy tình người, đầy tình thương yêu. Trịnh Công Sơn là người thực tập giới thứ nhất rất tốt, bởi vì nhận thức của Trịnh Công Sơn về sinh mạng con người rất phù hợp với nhận thức của Đức Thế Tôn. Trịnh Công Sơn nói rằng không ai có quyền quyết định sinh mạng của con người, không ai có quyền cho người này chết hay người kia sống. Tôi xin đọc nguyên văn của Trịnh Công Sơn để quý vị có thể thấy rõ điều này:

“Chúng ta là một con người, chúng ta không phải là thượng đế, chúng ta không có quyền định đoạt số phận của người khác. Ta không thể nói người này đáng được sống, người kia đáng giết. Mình không có quyền cho phép ai chết cả, ngay cả giải quyết số phận của một ngọn cỏ cũng phải suy nghĩ, ngắt đi một bông hoa bên vệ đường cũng phải suy tư, huống chi số phận con người quá lớn và chúng ta không có quyền quyết định số phận con người”.

Đó là giới thứ nhất, bảo vệ sinh mạng. Lời nói này là lời nói của Bụt, của Đức Thế Tôn. Trịnh Công Sơn đã đại diện Đức Thế Tôn để nói lên điều này. Vì vậy Trịnh Công Sơn không tham dự vào cuộc chiến, đó cũng là chuyện đương nhiên. Hạt giống của nhân ái, của từ bi mà mẹ nhạc sĩ đã trao cho nhạc sĩ được thấy rất rõ trong những bài hát của Trịnh Công Sơn. Những bài hát chuyên chở lòng nhân ái và tình người đó, chúng ta có thể hát để tưới tẩm hạt giống từ bi và để làm tan rã những chất liệu hận thù trong ta. Những bài hát củaTrịnh Công Sơn nói về tình người giống như những bài kinh mà ta có thể tụng được. Tôi bắt đầu thương Trịnh Công Sơn khi nghe Khánh Ly hát bài Tình ca của người mất trí.

“Tôi có người yêu chết trận Plei-me

Tôi có người yêu ở chiến khu "Đ"

Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội

Chết vội vàng dọc theo biên giới

Tôi có người yêu chết trận Chu Prong

Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông

Chết ngoài ruộng đồng

Chết rừng mịt mùng mình cháy như than…”

Người yêu, người thiếu nữ đó là ai? Là bất cứ người nào. Họ là người Nam. Họ là người Trung, tất cả đều là người yêu của tôi và họ chết thì tôi điên. Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam và tình yêu này là tình yêu đối với một người, mà cũng là tình yêu chung cho cả dân tộc. Nghe bài này chúng ta thấy rất rõ, rằng người yêu trong bài hát đó là tất cả những người con trai Việt Nam, những người con trai sinh ra ở miền Bắc, những người con trai sinh ra ở miền Nam, và những người con trai sinh ra ở miền Trung. Vì cuộc chiến tương tàn mà những người này phải chết, thế nên ta thương hết tất cả những người này, vì tất cả là người yêu của mình.

Thiền là chánh niệm, chánh niệm là khả năng nhận biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Có những người muốn làm lợi trên chiến tranh, có những người muốn bưng bít sự thật đang xảy ra, sự thật đang xảy ra là anh em một nhà đang giết nhau, thảm kịch đang xảy ra cho đất nước, mà chúng ta không được phép nói lên. Khi Trịnh Công Sơn hát lên và nói lên niềm đau đó của dân tộc, của người trẻ tức là Trịnh Công Sơn đang thực tập thiền, “anh có biết, chị có biết những gì đang thực sự xảy ra không?” Đó là những chuyện ta đang giết nhau. Chúng ta đang chết vì một cuộc chiến tranh, chiến tranh vì ý thức hệ với vũ khí của ngoại ban. Lời hát đó một mặt nói lên được lòng yêu nước, yêu dân, một mặt nói lên được sự can trường của nhạc sĩ, nói lên được lòng từ bi và ý nguyện bảo vệ sự sống, bảo vệ giống nòi. Đó là hạt giống tốt mà Trịnh Công Sơn đã tiếp nhận từ ba và từ mẹ.

Nếu biết ơn Trịnh Công Sơn đã viết cho mình những bài ca rất đẹp đó thì mình phải biết ơn ba mẹ Trịnh Công Sơn. Bởi vì chúng ta, người nào cũng có cội nguồn, gốc rễ và cội nguồn, gốc rễ của chúng ta là ba mẹ, ông bà chúng ta. Chúng ta thấy rằng tình yêu trong bản tình ca đó, không phải là một cá nhân, mà cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã ngã gục trong chiến tranh ý thức hệ, rất tàn ác. Năm 15 tuổi, thân phụ Trịnh Công Sơn bị tai nạn chết, tất cả mọi người đều lên chùa Phổ Quang để làm lễ cầu siêu, thầy trụ trì chùa Phổ Quang hồi đó là hòa thượng Chánh Pháp. Hòa thượng là một vị kinh sư nổi tiếng ở Huế, tụng kinh rất hay, âm nhạc Phật Giáo rất giỏi. Có nhiều ngày, vì nỗi đau mất cha, Trịnh Công Sơn đã ở luôn trong chùa từ sáng đến tối. Ở lại chùa nghe kinh, kệ và gần gũi quý thầy cho niềm đau lắng xuống. Chùa Phổ Quang ở gần Bến Ngự và nhà của Trịnh Công Sơn cũng ở gần đó, nên Trịnh Công Sơn thường thích qua chùa.

Trịnh Công Sơn cũng đã quy y với Hòa thượng chùa Phổ Quang với pháp danh là Nguyên Thọ. Nguyên là suối nguồn, Thọ là  trao truyền, được trao truyền từ suối nguồn. Trao truyền cái gì? Trao truyền lòng nhân ái, từ bi và dũng cảm. Nếu không thấy được gốc rễ của Trịnh Công Sơn thì chúng ta chưa thấy Trịnh Công Sơn một cách sâu sắc. Bổn sư của Trịnh Công Sơn là Hòa thượng Chánh Pháp. Hòa thượng là người quen của thầy Nhất Hạnh. Làng Mai chúng ta cũng có một cuốn băng tụng kinh của Hòa thượng tụng với sư anh của thầy Nhất Hạnh là Thượng tọa Chí Niệm ở chùa Linh Mụ và trong cuốn băng ấy có cả công phu sáng mà hầu hết quý thầy, quý sư cô Làng Mai đều đã được nghe. Tiếng của hai thầy rất hay. Chắc chắn Trịnh Công Sơn đã nghe quý thầy tụng rất nhiều lần, và âm nhạc của kinh kệ đã đi vào trong máu huyết củaTrịnh Công Sơn, cho nên sau này âm nhạc của Trịnh Công Sơn có âm hưởng của kinh kệ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn kể lại rằng Trịnh Công Sơn cũng hay tới Chùa Hiếu Quang. Quý vị có biết chùa Hiếu Quang là chùa nào không? Chùa Hiếu Quang là chùa có vị kinh sư rất giỏi mà tiếng tụng kinh của ngài có thể nói là hay bậc nhất ở Huế, đó là một trong ba vị kinh sư nổi tiếng nhất ở Huế, có giọng tụng cao nhất. Bây giờ ta cũng đang có cuộn băng những bài xướng, tán, tụng và hô canh của hòa thượng Hiếu Quang. Trịnh Công Sơn cũng đã được nghe hòa Thượng Hiếu Quang tán tụng.

Hôm qua Ni sư Như Minh có điện thoại về Huế, thượng tọa Phước Toàn và thượng tọa Hải Ấn cho biết vào khoảng năm 1955 đến 1958 Trịnh Công Sơn đi chùa rất nhiều. Nhiều khi ở luôn trong chùa và ngủ lại qua đêm. Thường là lên chùa Hiếu Quang và chùa Phổ Quang. Lúc đó hòa thượng Hiếu Quang có mở một lớp dạy tán tụng tại chùa Phổ Quang và Trịnh Công Sơn đã tham dự vào lớp học đó, đã học tụng kinh và học tán với hòa thượng Hiếu Quang và Bổn sư của mình. Theo thượng tọa Huệ Ấn, đương kim trụ trì chùa Phổ Quang, là đệ tử thầy Chánh Pháp, cho biết tuy thầy Huệ Ấn là người xuất gia nhưng là em của Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn tuy là cư sĩ nhưng là anh đồng sư của thầy Huệ Ấn vì Trịnh Công Sơn quy y trước.

Trịnh Công Sơn thông minh và có năng khiếu tán tụng. Trong khi cùng học chung với các sư chú khác, các sư chú tán chưa được thì Trịnh Công Sơn đã tán được rồi, Trịnh Công Sơn học rất mau. Vì thế ta biết rằng Trịnh Công Sơn nắm được kỹ thuật tán tụng từ trong nhà chùa. Thượng tọa Chân Thức (ngày xưa là thị giả của đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết) Thượng tọa Phước Toàn, Thượng tọa Huệ Ấn cũng đã từng chơi với Trịnh Công Sơn. Điều này chứng tỏ Trịnh Công Sơn đã được nuôi dưỡng nhiều ngày, nhiều năm trong không khí thiền môn và cũng đã nghe âm nhạc Phật giáo rất nhiều.

Có rất nhiều bản nhạc của Trịnh Công Sơn vừa có thể hát được vừa có thể tụng được. Giữa âm nhạc của nhà chùa và âm nhạc Trịnh Công Sơn có một sự tiếp nối rất lạ kỳ. Chúng ta sẽ nghe tụng bài “Quy y Phật” bằng chữ Hán, rồi nghe tụng bài “quay về nương tựa” bằng tiếng Việt và sau đó nghe tụng bài “Đại bác ru đêm”, ta sẽ thấy được đều đó. Hôm nay Trịnh Công Sơn đang có mặt với chúng ta, đang tu với chúng ta, đang nghe pháp thoại với chúng ta.

“Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người  phu quét đường dừng chổi đứng nghe,

Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy

Đại bác qua đây con thơ buồn tủi

Nửa đêm sáng chói, hỏa châu trên núi

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe

Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình

Hầm trú tang hoang ôi da thịt vàng

Từng đêm trông sáng, làm mát quê hương

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe

Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng

Đại bác như kinh không mang lời nguyền

Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng

Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe .

Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng

Đại bác nghe quen như câu dạo buồn

Trẻ thơ chưa lớn để thấy quê hương.

Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng

Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

Cửa nhà Việt nam cháy đỏ cuối thôn.

Hàng vạn chuyến xe claymore, lựu đạn,

Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành

Từng vùng thịt xương có mẹ có em”.

Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta được học rằng, trong tâm thức có nhiều hạt giống. Chúng ta có hạt giống của thương yêu, của tha thứ, của hy vọng, nhưng chúng ta cũng có những hạt giống của giận hờn, của tuyệt vọng, của khổ đau. Những bài kinh có tác dụng tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp, hạt giống hiểu biết, hạt giống thương yêu. Một số bài hát của Trịnh Công Sơn cũng có tác dụng tưới tẩm những hạt giống hiểu biết và thương yêu trong ta và những bài hát đó người tu có thể hát được.

Trịnh Công Sơn có rất nhiều tuệ giác của đạo Bụt. Nghe cho kỹ, chúng ta có thể nhận diện được tuệ giác đó trong nhạc Trịnh Công Sơn. Ở Làng Mai chúng ta thực tập an trú trong giây phút hiện tại, không để tâm buồn khổ về những chuyện quá khứ, không để tâm lo lắng về những sợ hãi trong tương lai. Bụt dạy chúng ta trở về giây phút hiện tại để sống với giây phút đó cho sâu sắc. Giáo lý đó gọi là hiện pháp lạc trú. Trong giây phút hiện tại có đủ những mầu nhiệm của sự sống, nếu chúng ta biết trở về với sự sống hiện tại thì chúng ta có thể tiếp xúc được với sự sống và chúng ta được nuôi dưỡng bằng sự sống đó. Nhờ vậy chúng ta có đủ bình an và vững chãi để chuyển hóa được những nỗi khổ, niềm đau trong ta. Trịnh Công Sơn cũng có được tuệ giác này. Tuệ giác của hiện pháp lạc trú. Đức thế Tôn luôn luôn khuyên chúng ta trở về sống với giây phút hiện tại mà đừng đi tìm hạnh phúc ở tương lai. Hạnh phúc đã có mặt sẵn trong giây phút hiện tại rồi.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo, phóng viên hỏi Trịnh Công Sơn thế nào về chủ nghĩa hiện sinh, Trịnh Công Sơn nói: “hiện sinh chân chính không phải là xấu”. Hiện sinh có nghĩa là phải để ý tới giây phút hiện tại. Hiện là bây giờ, sinh là sự sống, sự sống trong giây phút hiện tại. Trịnh Công Sơn nói rằng“Bụt là nhà hiện sinh” vì Ngài khuyên chúng ta trở về sống với giây phút hiện tại, và Bụt Thích Ca là bậc thượng thừa, bậc thượng thừa của chủ nghĩa hiện sinh. Đây là nguyên văn của Trịnh Công Sơn:

“Hiện sinh chân chính đâu phải là xấu, mình cho rằng bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống”.

Trịnh Công Sơn đã đưa ra ví dụ là khi tôi và anh uống một ly bia, thì chúng ta hãy hưởng trọn vẹn sự sung sướng của ly bia, hoặc khi ăn cơm mình hãy tập trung vào chén cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tức là ăn cơm có chánh niệm, có ý thức; nghĩa là khi ăn chỉ nghĩ đến chuyện ăn thôi mà đừng nghĩ đến chuyện khác. Thực tình, khi con người tỉnh thức trong từng sát na một thì chủ nghĩa hiện sinh không còn là gì cả. Sống nếp sống tỉnh thức trong từng giây phút là điều Trịnh Công Sơn hướng tới. Người này sống bình tĩnh trong từng sát na chứ không sống vội vàng. Chúng ta thấy rằng Trịnh Công Sơn đã nắm được giáo lý hiện pháp lạc trú.

Có điều, Trịnh Công Sơn không có tăng thân cho nên Trịnh Công Sơn không được bảo hộ và sống đúng theo tuệ giác này. Mặc dù có tuệ giác nhưng bạn bè cứ mời đi uống rượu, mời đi chơi hằng ngày thì làm sao sống được với tuệ giác ấy. Chúng ta thật may mắn là chúng ta làm được những gì mà Trịnh Công Sơn muốn làm. Ông đã đưa được tuệ giác này vào trong bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Chọn những bông hoa và những nụ cười

Tôi nhặt gió trời, mời em giữ lấy

Để mắt em cười tựa lá bay.

Và như thế tôi sống vui từng ngày

Và như thế tôi đến trong cuộc đời,

Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi.

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi

Đường đến anh em, đường đến bạn bè

Tôi đợi em về, bàn chân quen quá

Thảm lá me vàng lại bước qua.

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Cùng với anh em tìm đến mọi người

Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát

Để thấy tiếng cười rộn rã bay.

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi

Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời,

Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới

Để lá reo mừng tựa vẫy tay.

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên,

Nhìn rõ quê hương và nghĩ lại mình

Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống

Vì đất nước cần một trái tim.”

Nếu sống được như tuệ giác của bài hát này thì chúng ta có khả năng mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Cho nên có thể nói Trịnh Công Sơn đã kiến đạo, kiến đạo tức là thấy đạo, thấy con đường để trở về sống sâu sắc từng giây từng phút của cuộc sống hằng ngày. Kiến đạo rồi ta phải tu đạo nữa thì mới chứng đạo được. Muốn tu đạo, phải có tăng thân, có bạn đồng hành cùng có chung tuệ giác với mình. Ba bốn người, năm sáu người bạn quyết tâm sống theo cái thấy này thì chúng ta có hạnh phúc rất rộng lớn và có thể làm chỗ nương tựa cho nhiều người. Cho nên nếu có khả năng, có điều kiện may mắn, chúng ta nên thành lập một nhóm gồm những người bạn cùng chung tuệ giác, để cùng nâng đỡ nhau, cùng nhau sống theo tuệ giác ấy. Nhóm người đó gọi là tăng thân.

Tăng thân là yếu tố căn bản che chở, bảo hộ, giúp mình có thể sống được với tuệ giác của mình. Mình phải nương vào tăng thân, vào nhóm người đó để có thể sống vui vẻ, hạnh phúc và khi nương vào nhóm người đó thì gọi là quy y Tăng, hay nương tựa Tăng. Trong chúng ta, người nào có tăng thân để nương tựa thì người đó có cơ hội rất lớn để sống với cái thấy của mình. Vì kiến đạo là mới thấy đạo thôi, còn muốn chứng được đạo thì phải tu đạo. Chúng ta rất tiếc là Trịnh Công Sơn không có tăng thân. Có lần Vĩnh Trinh than phiền với bạn: “Anh ơi, anh khuyên anh của em dùm một chút, ảnh uống rượu nhiều quá, sáng giờ là ba chai rồi đó”. Những người kia không khuyên được vì họ cũng là những người uống rượu. Do đó mình cần phải có tăng thân để dìu dắt, nâng đỡ và bảo hộ cho mình. Cho nên quý vị nào có tuệ giác, muốn sống đúng theo tuệ giác của mình, sống vững chãi, thảnh thơi và làm chỗ nương tựa cho người khác thì phải có tăng thân để quay về nương tựa. Người nào chưa có tăng thân thì người đó vẫn mồ côi như thường.

Trịnh Công Sơn có nhiều bạn bè rất nổi tiếng, và tài ba của Trịnh Công Sơn rất được nhiều người thán phục, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn cô đơn. Trịnh Công Sơn cũng than thở là có những giờ phút Trịnh Công Sơn rất đau khổ. Dù dưới sân khấu có hàng ngàn thính chúng vỗ tay tán dương, nhưng trên này Trịnh Công Sơn vẫn đau khổ như thường. Thỉnh thoảng Trịnh Công Sơn cũng thấy rằng mình cần rút lui để có sự tĩnh lặng, nhưng Trịnh Công Sơn chưa được học phương pháp thiền tọa, thiền hành, cho nên nhiều khi ông cảm thấy rất cô đơn. Trong tuyển tập những bài ca “không năm tháng” do nhà xuất bản Âm Nhạc ấn hành năm 1998, có một bài của Trịnh Công Sơn mà tôi đọc thấy rất thương. Bài đó nói lên những giây phút đau khổ nhất của Trịnh Công Sơn, những giây phút ấy thường rơi vào trước giấc ngủ.

 

 

Tôi thường rơi vào một cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hốt hoảng thấy mình lơ lững giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm khi quanh tôi mọi người đã ngủ yên và tôi đau đớn nhận ra rằng có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh”.

Có nhà phê bình nói rằng người tình đầu tiên và cuối cùng của Trịnh Công Sơn là cô đơn, dù Trịnh Công Sơn có nhiều người bạn biết thưởng thức và công nhận tài ba của ông. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao Trịnh Công Sơn không giải tỏa được niềm cô đơn đó. Có lần Trịnh Công Sơn nói rằng tình yêu không bằng tình bạn, trong tình yêu không có cái vĩnh cữu. Nói cái tuyệt đối trong tình yêu chẳng qua là phóng đại cho lãng mạn lên thôi, thực sự không có sự tuyệt đối trong tình yêu. Tình yêu sinh ra rồi chết đi, tình yêu đôi khi tạo cho mình những nỗi thất vọng, có khi dẫn đến tuyệt vọng. Trịnh Công Sơn có viết một câu rất ngộ nghĩnh:

“Với tôi trong tình yêu không có sự bất tử, người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó mà thôi. Nhưng tuy như vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu.

“Trong tình yêu không có sự bất tử, nhưng trong sự bất tử lại có tình yêu”. Đọc tới đây tôi hiểu liền lập tức. Người yêu đích thực của mình là người có khả năng tháo gỡ được cho mình ra khỏi trình trạng tuyệt vọng, khó khăn. Khi thấy được tính chất đó trong người yêu thì mình biết là trong tình yêu có sự bất tử.

Trịnh Công Sơn nói rằng: “may thay trong đời người ngoài tình yêu còn có tình bạn”. Nói đến Trịnh Công Sơn, chúng ta không thể không nói đến tình yêu. Nhưng Trịnh Công Sơn được nuôi dưỡng bằng tình bạn nhiều hơn và Trịnh Công Sơn có nói rằng sở dĩ Trịnh Công Sơn có viết những bài tình ca hay là nhờ mình bị phụ tình. Đây là lời của Trịnh Công Sơn chứ không phải do tôi đặt ra. “Cái may ở đời là bị phụ tình”.

Nếu Trịnh Công Sơn không bị cô Diễm cho leo cây thì Trịnh Công Sơn đâu viết được bài “Diễm xưa”, cho nên mình phải cám ơn cô Diễm và những cô khác nữa. Trong chúng ta ai cũng có hạt giống của tình thương yêu, ai cũng khao khát muốn yêu và muốn được yêu. Trong chúng ta lại có những người đã từng bị phụ bạc cho nên bài hát của Trịnh Công Sơn đã ru nỗi niềm đó trong lòng chúng ta, “Ru ta ngậm ngùi”. Trịnh Công Sơn nói gì về tình bạn? “Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu”. Có một chỗ nào đó Trịnh Công Sơn nói: “Tôi với Khanh Ly giống như hai người bạn trai, chia cho nhau những dĩa cơm, những miếng bánh”. Trịnh Công Sơn được nuôi bằng tình bạn chứ không phải tình yêu. Tình yêu chỉ giúp cho Trịnh Công Sơn viết thành những ca khúc mà thôi. “Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn tình yêu”..

Trong đạo Bụt chữ Từ Bi là thương yêu bắt nguồn từ chữ Maitri và Karuna (tiếng Phạn). Maitri là Từ, Karuna là Bi. Mà Maitri có nguồn gốc từ Mitra, có nghĩa là bạn. Người yêu của mình phải là bạn mình, phải hiểu mình và mình phải hiểu người đó. Hai người đi như một đôi bạn thì mình mới có hạnh phúc. Nếu hai người không hiểu nhau, không có sự thông cảm nhau, nếu tôi không thể hiểu em, em không thể hiểu tôi thì cái đó có thể tạm gọi là tình yêu, nhưng trong đó không có tình bạn, mà không có tình bạn thì không phải là tình yêu đích thực. Vì vậy ai đang yêu thì nên đặt câu hỏi: “Trong tình yêu này có tình bạn không?” Nếu không có tình bạn thì tình yêu này chưa phải là tình yêu đích thực.

“Tình bạn có bộ mặt thật hơn tình yêu, trong tình bạn sự bội bạc có, nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu, vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và phục sinh lại một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.”

Tình bạn có công năng cứu chữa. Đúng vậy! Một người bạn có thể cứu chữa cho ta mặc dù đã có lúc ta có rất nhiều lầm lỡ. Dù ta đã sa vào hầm hố của khổ đau, người bạn của ta cũng có thể kéo ta ra khỏi hầm hố đó. Có khi mình nằm trong vực sâu đen tối và người bạn đó tới thả một chiếc thang dài xuống cho ta leo lên vùng chan hòa ánh sáng để tìm lại được màu trời xanh và tiếng suối, tiếng chim. Khả năng cứu chữa đó là tình bạn. Và Đức Bụt Thích Ca cũng có tình bạn, tình bạn rất lớn, tình bạn đó có khả năng cứu chúng ta ra khỏi những trạng huống khó khăn tuyệt vọng. Nếu học theo được tình bạn này thì chúng ta là sự nối tiếp của Đức Thế Tôn, và chúng ta có khả năng đưa cách tay của tình bạn ra để cứu giúp những người khác. Những giờ phút có thể nói là hạnh phúc nhất của Trịnh Công Sơn là giờ phút ngồi với bạn, vì ngồi như vậy thì không cần phải đối phó, không cần phải nói gì, không cần phải làm gì hết. Sự có mặt của bạn bên mình đem đến cho ta sự an ủi, không cần phải giữ gìn, không cần phải đối phó. Nếu anh có một người bạn như vậy thì quá quý. Trịnh Công Sơn có một số người bạn như vậy nhưng sao anh lại cô đơn? Vì giây phút đó ít quá, Trịnh Công Sơn đã nói như thế này:

“Trong âm nhạc có những dấu lặng, tức dấu nghỉ không có âm thanh, nếu không có những dấu lặng đó thì là một tai họa. Âm nhạc mà không có khoảng cách im lặng thì chẳng qua đó là sự rối loạn mà thôi”.

Trịnh Công Sơn nói, khi ngồi bên cạnh một người bạn yên lặng không nói gì hết cũng giống như một dấu lặng trong âm nhạc. Không nói gì mà hay hơn nói. Đoạn đó rất hay, tôi muốn đọc lại cho quý vị nghe:

“Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc, nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta sự thoải mái, thảnh thơi tựa hồ như là niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải lấp đầy khoảng trống bằng câu chuyện gắng gượng và nhạt nhẽo”.

Trịnh Công Sơn đã có những giây phút đó, giây phút ngồi với bạn mà không cần làm gì cả, chỉ để được nuôi dưỡng bằng tình bạn. Tất cả chúng ta đều rất cần tình bạn như vậy. Sự ồn ào làm cho Trịnh Công Sơn mệt mỏi dù sự ồn ào đó là để tán thưởng hay ca ngợi mình, cho nên Trịnh Công Sơn rất cần những giờ phút yên lặng. Tuy nhiên Trịnh Công Sơn chưa học được cách ngồi một mình để hưởng sự yên lặng, nên Trịnh Công Sơn cần một người bạn ở bên cạnh, để cảm thấy mình hưởng được sự yên lặng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã học ngồi thiền, nhưng ngồi thiền một mình chưa thấy vui lắm. Ngồi thiền thì đâu được nói chuyện thế mà ngồi ba bốn người vẫn vui hơn. Có phải như vậy không?

Trong khi ta ngồi yên như thế, sự có mặt của nhau nuôi dưỡng được tất cả mọi người trong đó. Có một lần ở tu viện Cấp Cô Độc, trong khi các thầy đang chuẩn bị khóa an cư mùa mưa, thì có khoảng ba bốn trăm thầy từ Kosambi tới. Gặp lại các huynh đệ mừng quá, nên các thầy nói chuyện rất ồn ào. Ngồi trong phòng nghe ồn, Bụt hỏi thầy Xá Lợi Phất: “Có chuyện gì mà ồn như cái chợ vậy? Thầy xá Lợi Phất trả lời: “Có một số huynh đệ từ Kosambi tới; gặp nhau, mừng quá nên họ cười nói ồn ào, mất hết uy nghi, xin Đức Thế Tôn tha lỗi cho họ. Đức Thế Tôn bảo: “Không được, làm ồn như thế thì phải đi chỗ khác tu học, không thể ở đây, tôi không thể ở chung với những người ồn ào như vậy.” Ta thấy trong lòng đức Thế Tôn chủ yếu muốn dạy cho những người đó nên Đức Thế Tôn nói không thể ở đây, phải đi chổ khác tu học. Sau đó thầy Xá Lợi Phất ra báo tin cho các huynh đệ là “Đức Thế Tôn không muốn cho quý vị ở đây, vì từ đầu giờ vào đây quý vị ồn quá làm mất không khí thanh tịnh của nhà thiền.” Nghe thế quý thầy yên lặng, quyết định đi tới một địa phương khác gần đó để an cư.

Trong suốt mùa an cư đó, các thầy nhớ lời Bụt dạy không nói chuyện, không cười giỡn, người nào cũng hạ thủ công phu, cho nên cuối mùa an cư họ chuyển hóa rất nhiều, mặt người nào cũng sáng rực ra, nụ cười nào cũng rất tươi tắn. Sau mùa an cư họ muốn đến cám ơn Đức Thế Tôn đã quở trách họ và nhờ lời quở trách đó mà họ tinh tấn hơn, nên đã thành công trong tu tập. Thầy Xá Lợi Phất vào thưa với Bụt: “Bạch Đức Thế Tôn, các thầy đã an cư xong rồi và họ muốn vào chào Đức Thế Tôn”. Đức Thế Tôn cho quý thầy vào. Lúc đó khoảng 7 giờ chiều. Đức Thế Tôn chắp tay chào các thầy. Ba trăm thầy đó với hai trăm thầy ở địa phương cùng ngồi với Đức Thế Tôn trong thiền đường rất lớn. Thầy trò ngồi với nhau như vậy từ 7 giờ tối cho tới 12 giờ khuya. Ngồi yên lặng không nói gì hết.

Thầy Anan, thị giả của Bụt, tới gần Bụt và bạch:“Bạch Đức Thế Tôn, gần tới nửa đêm rồi, Đức Thế Tôn có dạy gì cho các thầy không?” Đức Thế Tôn vẫn ngồi yên và thầy trò ngồi yên như thế cho tới 3 giờ sáng. Ngồi yên bên nhau, không nói gì hết, thầy Anan lại nóng ruột nên đến bạch với Đức Thế Tôn một lần nữa:“Ba giờ sáng rồi, Ngài có muốn khai thị cho các thầy điều gì không?” Đức Thế Tôn vẫn ngồi yên với các thầy cho đến 5 giờ sáng. Lúc này thầy Anan tới “Bạch Đức Thế Tôn, trời rạng đông rồi, Ngài có muốn nói gì với các thầy không?” Đức Thế Tôn nói: “Thầy muốn tôi nói gì nữa. Thầy trò ngồi với nhau như vậy chưa đủ hay sao.”

Thầy trò huynh đệ ngồi với nhau, thấy được và trân quý sự có mặt của nhau là một hạnh phúc rất lớn, rất được nuôi dưỡng. Tuy không có âm thanh nhưng giá trị bằng 10 lần âm thanh. Trong tác phẩm “Tỳ Bà Hành” cũng có một câu nói tương tự “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.” Người nữ đó đàn tỳ bà, có lúc nàng im bặt và trong thời gian im lặng đó, giữa hai nốt nhạc rất hùng hồn, rất thấm thía. Còn hay hơn có âm thanh nữa.“Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.” Thử thời là bây giờ, vô thanh là không có âm thanh. Không có âm thanh mà hay hơn là có âm thanh. Trịnh Công Sơn đã thấy được điều đó. Ngồi với bạn bè không cần nói năng gì, chỉ cần có sự thông cảm và hưởng sự có mặt của nhau là đủ rồi. Tôi nghĩ sự an ủi lớn nhất của Trịnh Công Sơn là những giờ phút ngồi với bạn bè. Nhưng nếu bạn không biết ngồi chỉ biết uống rượu thôi thì những giây phút đó không còn quý nữa.

Chúng ta nghe lại bài Tình ca của người mất trí”

Tôi có người yêu, chết trận Pleime

Tôi có người yêu ở chiến khu Đ

Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội

Chết vội vàng dọc theo biên giới

Tôi có người yêu chết trận Chu Prong

Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông

Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mù

Chết lạnh lùng mình cháy như than

Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam

Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm

Gọi tên anh tên Việt Nam

Gần nhau trong tiếng nói da vàng.

‎ Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam

Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn

Thừa đôi tay dư làn môi

Từ nay tôi quên hết tiếng người

Tôi có người yêu, chết trận A Sao

Tôi có người yêu nằm chết cong queo

Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu

Chết nghẹn ngào mình không manh áo

Tôi có người yêu, chết trận Ba Gia

Tôi có người yêu vừa chết đêm qua

Chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò

Không hận thù nằm chết như mơ.‎

Trịnh Công Sơn bị ám ảnh bởi cái chết. Chúng ta và nhiều người khác cũng thế. Vì sống trong hoàn cảnh đó, chúng ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu người trẻ, bao nhiêu đồng bào của mình chết. Trịnh Công Sơn là người rất yêu đời và không muốn chết, nhưng ông biết rất rõ rằng một ngày nào đó mình sẽ chết. Có lần một ký giả phỏng vấn ông: “Nhạc sĩ có dự án nào cho tương lai không? Những ngày sắp tới, nhạc sĩ sẽ làm gì?” Trịnh Công Sơn trả lời: “Sắp tới tôi phải làm việc nhiều hơn để lẫn trốn sự ám ảnh về cái chết”. Cái chết ám ảnh nhạc sĩ và ông nghĩ rằng để đừng bị cái chết làm ám ảnh mãi thì phải làm việc thật nhiều. Và Trịnh Công Sơn nghĩ rằng mình có sứ mạng là phải chuyển tới những người thương, những người hâm mộ mình một thông điệp, thông điệp của tình thương, của lòng nhân ái. Đó là lời nguyện của Trịnh Công Sơn.

Nếu lời nguyện của Đức Bồ Tát Địa Tạng là đi vào địa ngục để cứu độ chúng sanh, lời nguyện của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm là lắng nghe tiếng kêu đau thương của muôn loài để tìm tới cứu khổ, thì lời nguyện của Trịnh Công Sơn là gởi tới những thính giả của mình thông điệp của tình yêu thương, tức là tưới tẩm hạt giống thương yêu và tha thứ nơi mọi người. Trong cuộc đời mà ai cũng được dẫn đạo bằng hướng đi như vậy thì thật là quý hóa. Tuy Trịnh Công Sơn đã được tiếp nhận hạt giống thương yêu từ mẹ, từ chùa nhưng chưa có cơ hội học hỏi và thực tập về phương pháp thiền quán để có thể tiếp xúc được với tự tính vô sinh bất diệt của mình. Vì vậy cho nên Trịnh Công Sơn chưa vượt thoát được nỗi ám ảnh của cái chết.

Tôi không bị ám ảnh bởi cái chết vì tôi có tuệ giác về sống chết, tôi đã thiền quán và tôi đã tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt của mình. Quý vị hãy nhìn lên đám mây trên bầu trời. Đám mây đó chiều nay hoặc ngày mai sẽ biến thành mưa. Đám mây đó từ đâu mà có? Có phải từ không mà trở thành hay không? - Không. Đám mây đó từ nước ao hồ, sông biển do sức nóng mặt trời bốc hơi lên ngưng tụ mà thành. Đám mây không phải từ không mà trở thành . Có lần Trịnh Công Sơn nói rằng, chúng ta từ hư vô tới và chúng ta sẽ trở về hư vô. Nói như vậy tức là chưa có tuệ giác của người tu thiền. Chúng ta không phải từ hư vô tới và chúng ta cũng không đi về hư vô.

Trong Thánh Kinh có nói chúng ta từ hạt bụi tới và chúng ta sẽ trở về cát bụi. Trịnh Công Sơn cũng có cùng quan điểm đó “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Hạt bụi không phải hư vô, hạt bụi cũng không đủ để hóa kiếp thân tôi. Nhiều nhân, nhiều duyên kết hợp lại tôi mới biểu hiện, chứ một nhân, một duyên thì tôi không thể nào biểu hiện được. Theo đạo Cơ Đốc thì Thượng Đế là nhân và là nhân duy nhất để có hiện hữu, nhưng trong đạo Bụt ý niệm về nguyên nhân duy nhất là vô lý. Không có cái gì có thể phát sinh ra từ một nhân duy nhất. Ví dụ như bông hoa này, phải có hạt giống của hoa, phải có đất, có phân, có ánh sáng mặt trời, phải có đám mây biến thành nước mưa… tức là nhiều nhân, nhiều duyên mới có thể làm cho bông hoa biểu hiện được. Thành ra ý niệm một nguyên nhân duy nhất không phù hợp với sự thật. Sự thật là đa nhân đa duyên “trùng trùng duyên khởi”.

Rất tiếc là Trịnh Công Sơn trong những năm tháng đó đã không có cơ hội lên chùa để học hỏi thêm về thiền quán. Trịnh Công Sơn có gởi cho tôi một tập nhạc đề là “Tặng thầy Nhất Hạnh”. Bây giờ tôi vẫn còn giữ. Tôi cũng có viết thư cho Trịnh Công Sơn yêu cầu Trịnh Công Sơn phổ nhạc dùm một số bài kinh. Vì tôi biết rằng nếu Trịnh Công Sơn phổ nhạc những bài kinh này thì Phật tử đọc, tụng, hát sẽ hay lắm, sẽ được nhiều lợi lạc. Thế nhưng thư của tôi bi thất lạc, đến khi Trịnh Công Sơn nhận được thư đó thì ông đã bị bệnh nặng nên không làm được. Thật đáng buồn! Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn đang còn đó. Trịnh Công Sơn đang nghe lời tôi nói, mai mốt Trịnh Công Sơn sẽ sáng tác những bài thơ, bài nhạc, bài kinh theo tinh thần của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đang ở đây, đang ở trong quý vị. Trong số các thượng tọa, ni sư từ Việt Nam sang có Trịnh Công Sơn trong đó. Đừng tưởng Trịnh Công Sơn chết rồi. Trịnh Công Sơn đang sống hùng mạnh hơn bao giờ hết. Đám mây kia không phải từ hư vô tới và nó cũng không phải trở thành hư vô. Mai mốt nó sẽ biến thành mưa. Nó chỉ biến đổi hình thức thôi.

Bây giờ xin quý vị quán chiếu với tôi: giả dụ 2/3 đám mây kia gặp khí lạnh trở thành mưa, rơi xuống, một phần biến thành dòng, thành khe, một phần đi vào trong ruộng lúa xanh tươi. Đứng trên cao, đám mây kia nhìn xuống và nhận ra mình đang ở dưới đó. Một phần của mình biến thành ruộng lúa xanh tươi, một phần biến thành dòng suối. Rồi đám mây nói:“Chào em, tôi biết em là tôi, em là sự tiếp nối của tôi”. Như vậy đám mây kia đâu chết, khi không còn hình thức của đám mây nữa thì nó biến thành một hình thức khác, hình thức của dòng suối hay hình thức của đám mạ xanh tươi. Thế nên trong đạo Bụt nói bản tánh của chúng ta là “vô sinh bất diệt”, chúng ta chỉ thay đổi hình thức thôi. Tự tánh của đám mây cũng vô sinh bất diệt. Trịnh Công Sơn cũng vô sinh bất diệt.

Nếu ta có con mắt của Bụt, nếu ta có con mắt của thầy thì ta có thể thấy Trịnh Công Sơn có mặt một cách rất đích thực ngay trong thính chúng này. Quý vị có thấy được Trịnh Công Sơn trong trái tim mình hay không? Ngày hôm qua thầy nghe thầy Thông Hội hát nhạc Trịnh Công Sơn. Người ta thường hỏi: “Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?” Câu hỏi đó làm tốn rất nhiều bút mực và nước bọt để giải thích. Thông thường muốn trả lời câu hỏi đó phải trả lời một câu hỏi khác là “Trong giây phút hiện tại chúng ta đang đi về đâu?” Chúng ta tưởng rằng sau khi thân xác này tàn hoại chúng ta mới đi, nhưng kỳ thực bây giờ chúng ta đang đi, chúng ta đang trở thành một cái khác.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tranh hí họa: Họa sĩ Chóe

Hãy tưởng tượng Trịnh Công Sơn lúc 5 tuổi và Trịnh Công Sơn lúc 25 tuổi, hai người rất khác nhau, và khi Trịnh Công Sơn 45 tuổi thì lại khác nữa. Chúng ta chuyển biến, sinh diệt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Đứng về phương diện năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ta so sánh ta trước khi vào đây và ta bây giờ là đã có sự khác nhau rồi. Bao nhiêu sinh diệt, bao nhiêu biến chuyển đã đi qua trong chúng ta và chúng ta luôn luôn được tiếp nối. Nước mưa tiếp nối đám mây, sương mù cũng tiếp nối đám mây. Khi chúng ta nâng một tách trà lên để uống, nếu có chánh niệm, có tuệ giác của Bụt, thì chúng ta thấy rằng mây đang nằm đây trong ly trà này. Thay vì đang uống nước chúng ta đang uống mây. Đây là một sự thật rất khoa học. Nó không phải chỉ là thi ca mà thôi.

Tôi đang uống mây và đám mây chiều nay có thể trở thành một bài thơ, hay ngày mai mây trở thành bài pháp thoại. Mây biến hóa vô cùng. Cho nên ta phải có khả năng nhận diện sự có mặt của Trịnh Công Sơn dưới những hình thái biểu hiện khác của Trịnh Công Sơn. Thế nên ta không thể nói Trịnh Công Sơn chết được. Vì sự thực không có cái gì chết đi cũng không có cái gì sanh ra. Chết nghĩa là từ trở thành không, Trịnh Công Sơn không phải từ có trở thành không. Đã không có từ không mà trở thành thì cũng không thể nào từ mà trở thành không được. Nếu quý vị vừa mới mất một người thân mà quý vị tưởng người thân đó không còn nữa là quý vị lầm. Người thân đó bây giờ đang biểu hiện dưới một hình thức khác. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy được người thân của mình và ta nói: “Chào em, chị rất hạnh phúc nhận ra em dưới một hình thức mới”. Đó là diệu dụng của thiền quán.

Trong những năm 80, 90 nếu Trịnh Công Sơn có được tuệ giác đó thì Trịnh Công Sơn sẽ không bị ám ảnh bởi cái chết, vì Trịnh Công Sơn biết rõ mình không bao giờ chết cả. Trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, mình đã hiến tặng những lời nói, những lời ca, những tư duy và những hành động của mình cho đời và đó là sự tiếp nối của mình. Đó gọi là ba nghiệp. Ba nghiệp là thân, khẩu, ý. Cũng như cây đèn cầy, khi được thắp sáng lên thì trong mỗi giây phút nó đều hiến tặng ánh sáng, sức nóng và hương thơm. Con người cũng vậy, trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, chúng ta đã hiến tặng tư duy, lời nói và hành động của ta. Nếu tư duy của ta đầy tham, sân, si thì những hiến tặng của ta sẽ không có giá trị, chúng sẽ làm hư xấu cuộc đời, như thế chúng ta sẽ không có sự tiếp nối đẹp đẽ. Còn nếu tư duy của ta có lòng thương yêu, có lòng nhân ái, có tha thứ, bao dung thì sự tiếp nối của ta sẽ đẹp đẽ.

Trịnh Công Sơn đã hiến tặng tư duy của mình qua nhiều hình thái khác nhau. Hình thái mà ta dễ thấy nhất là những ca khúc của ông. Trịnh Công Sơn đã cống hiến những ngôn từ, hành động, cử chỉ biết thương yêu, chăm sóc, biết tha thứ, bao dung. Có lần ngồi chơi với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một quán cà phê ở Huế, cô bé bán quán bưng tới cho Trịnh Công Sơn một ly cà phê, nhưng vô tình, bé làm đổ hết ly cà phê vào chiếc áo vest của Trịnh Công Sơn, bé sợ xanh mặt, bà chủ tới la bé rất dữ dội. Cô bé sợ quá co rúm người lại. Rất tội nghiệp! Trịnh Công Sơn thấy vậy thương quá, liền nói: “Không phải nó làm đổ đâu, chính tôi làm đổ đó”. Và Trịnh Công Sơn móc túi lấy tiền ra trả cho ly cà phê ấy để cho bà chủ đừng la bé. Sau khi trả tiền Trịnh Công Sơn đứng dậy, nháy mắt cô bé đó rồi ra đi. Đó là một hành động biểu dương lòng tốt của tình thương trong Trịnh Công Sơn. Những cái đó không bao giờ mất đi cả. Đó là nghiệp. Chúng ta đừng hiểu nghiệp là xấu. Nghiệp có thể xấu mà cũng có thể là tốt. Nghiệp xấu gọi là ác nghiệp, nghiệp tốt gọi là thiện nghiệp.

Trịnh Công Sơn đã làm ra những thiện nghiệp và những thiện nghiệp ấy đang tiếp tục đi về tương lai. Chúng ta có thể nhận diện sự có mặt của Trịnh Công Sơn qua những thiện nghiệp mà Trịnh Công Sơn đã tạo tác ra qua những tư duy, lời nói và hành động của ông. Trịnh Công Sơn chưa bao giờ giết người. Trịnh Công Sơn không kỳ thị, Trịnh Công Sơn có can đảm dám nói ra sự thật, yêu nước, yêu dân. Ba mẹ Trịnh Công Sơn phải hãnh diện về điều đó.

Quý vị đã nghe và đã thấy Trịnh Công Sơn có mặt trong mình và bây giờ tôi muốn chia sẻ để quý vị thấy mình cũng có mặt trong Trịnh Công Sơn. Có một lần Trịnh Công Sơn được nhà báo hỏi: “Anh có bao giờ hình dung ra thân xác và tâm hồn mình lúc ở bờ bên kia chưa?”- “Chưa! Đó là tại do lười biếng mà ra.” Do không chịu quán chiếu. Mình có tự do, có thiền đường mà không chịu tham khảo đề tài sống chết, để rồi mai mốt khi nằm trên giường không biết mình đi về đâu. Trịnh Công Sơn công nhận mình làm biếng, không chịu giành thời gian để quán chiếu sâu sắc về vấn đề sinh tử. Các cô, các chú có thấy mình có trong Trịnh Công Sơn không?

Trịnh Công Sơn nói: “… Vì do lười biếng mà ra cả, mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì hết cho những ngày sắp tới, như thể là khi muốn về Huế là cứ bỏ đồ đạc vào vali mà đi thôi”. Ra Huế thiếu gì thì tính sau. Điều đó rất con người. Và ta thấy sự lười biếng đó nằm trong tất cả chúng ta. Chúng ta giãi đãi, làm biếng, như thể là mình sẽ sống cả ngàn năm và mình có cả ngàn năm để thiền quán, nhưng kỳ thực chúng ta không biết mình sống được bao lâu. Vì vậy chúng ta phải tinh tiến và phải làm thay cho Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn chưa làm được thì mình phải làm cho Trịnh Công Sơn. Thầy cũng đang làm cho Trịnh Công Sơn, các thầy, các sư cô cũng đang làm cho Trịnh Công Sơn. Quý vị cũng phải làm cho Trịnh Công Sơn. Chúng ta phải đưa Trịnh Công Sơn đi tới. Bởi vì Trịnh Công Sơn không phải là Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là quý vị. Khi người ta hỏi Trịnh Công Sơn: “Không biết có cõi nào mà sau khi chết mình đi về hay không?” Thì Trịnh Công Sơn trả lời:

Nếu có một sự tiếp nối ở một cõi khác, một thế giới khác thì chắc là vui lắm. Và tôi nghĩ nếu thực sự có một cõi khác với cõi đời này thì tôi hy vọng chúng ta sẽ được rong chơi mãi mãi”.

Rong chơi là từ của Trịnh Công Sơn. Mình ở trên cuộc đời này là để rong chơi, và nếu hết cuộc đời này có một cõi khác, mình cũng sẽ tiếp tục rong chơi. Đó là hy vọng. Cõi đó gọi là thiên quốc hay thiên đường. Nhưng nếu Trịnh Công Sơn nhưng nếu biết quán chiếu sâu hơn thì sẽ thấy được rằng thân xác này chẳng qua là sự chấm dứt của một giai đoạn biểu hiện và mình sẽ được biểu hiện lại dưới một hình thức khác trong giai đoạn kế tiếp. Đám mây khi không còn là hình thức của đám mây nữa thì nó tiếp tục làm con suối hay làm tảng băng. Làm mây bay trên trời cũng vui mà làm mưa rơi xuống ruộng đồng cũng vui. Tại sao phải sợ?

Trịnh Công Sơn có thể rong chơi mãi mãi trên thế gian nầy mà không cần phải giả định có một thế giới khác hay có một cõi nào khác nữa. Không có cái gì tự nhiên mà có, cũng không có cái gì từ có trở thành không. Trịnh Công Sơn là một thực tại. Trịnh Công Sơn là mãi mãi. Trịnh Công Sơn tha hồ rong chơi, nếu không dưới hình thức của một người Huế, thì dưới hình thức của người Thụy Sĩ. Làm người Huế cũng vui mà làm người Thụy Sĩ cũng vui. Làm một bông hoa thủy tiên cũng hay, làm một bông sen cũng hay. Hình thức nào của sự sống cũng đẹp cả.

Khi Trịnh Công Sơn thấy được điều đó thì Trịnh Công Sơn sẽ thấy được tự tánh của mình là vô sinh bất diệt, mình có thể rong chơi mãi mãi hoài hoài. Mong rằng các thầy, các sư cô, các sư chú, các đạo hữu nắm được chân lý này và thấy được tự tánh vô sinh bất diệt của mình. Cho nên đối với tôi, Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chết. Nếu thắp một nén hương cho Trịnh Công Sơn thì chúng ta không nên thắp bằng sự tiếc thương mà thắp bằng ý thức là Trịnh Công Sơn đang còn đó với mình và mình có thể mang Trịnh Công Sơn đi về tương lai, để Trịnh Công Sơn có thể tiếp tục sứ mạng của mình, sứ mạng chuyên chở thông điệp thương yêu. Chúng ta hãy cùng hát với nhau bài “Nối vòng tay lớn” để tưới tẩm hạt giống của tình huynh đệ, của hy vọng và của tình thương yêu trong ta.

* * * * *

Lịch sự kiện trong tháng

Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc