Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 VIỆN CHỦ CHÙA DIỆU QUANG TAM KỲ- QUẢNG NAM

(1927 - 1992)

I. THÂN THẾ
Ni trưởng thế danh Võ Thị Lạc, Pháp danh Đồng An, Pháp tự Diệu Trí, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1927 (Đinh Mẹo) tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, là con thứ ba của cụ Võ Khắc Xương và cụ bà Hồ Thị Tùng. Gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo.
Vốn xuất thân trong gia đình Phật tử thuần thành, Ni trưởng sớm hiểu lẽ thường của đời là hợp tan, biến thiên vô định mà bờ giác lại dịu vợi nghìn trùng, nếu không gia tâm tầm cầu đạo pháp thì không thoát khỏi ràng buộc của cuộc đời.


II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Nhận thấy con mình có chí xuất gia nên song thân đã động viên Ni trưởng dõng mãnh phát tâm xuất gia trong tuổi đồng chơn. Hữu duyên đã đến, Ni trưởng được Hòa thượng Ni khai sơn Ni Viện Diệu Đức thâu nhận và độ cho xuất gia.


Thời điểm đó việc giới nữ xuất gia tại cố đô Huế là rất ít, một phần do định kiến và một phần do hoàn cảnh khách quan nên sự tu học của tu sĩ kém phần rộng rãi. Nhưng với lòng quyết chí cầu đạo, Ni trưởng vượt qua bao điều bất như ý đến với cửa Phật để hoàn thành tâm nguyện.
Năm 1949, Ni trưởng thọ Đại giới tại đại Giới đàn chùa Báo Quốc – Huế, đắc pháp với Hòa thượng (chùa Viên Thông - cố đô Huế) thuộc đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế. Từ khi sơ phát tâm đến khi đắc pháp, Ni trưởng thường ngụ tại Ni Viện Diệu Đức cùng chung tu học với quý Ni ở miền Nam, Ni trưởng nhận được sự mến chuộng của các đồng môn. Trải qua nhiều năm trau giồi kinh điển, nhờ sự giảng dạy của quý Hòa thượng nên Ni trưởng đã tốt nghiệp lớp Cao đẳng Phật học. Từ đó, Ni trưởng đem sở học của mình để giảng dạy cho giới Ni trẻ và Ni trưởng cũng thường xuyên trau giồi ngoại ngữ nhằm tạo thêm kiến thức trong sự nghiệp hoằng hóa độ sanh.


Trong suốt thời gian vừa tu học; vừa giảng dạy cho Ni giới tại Ni viện Diệu Đức, Ni trưởng vẫn luôn tâm niệm dù khó khăn đến đâu cũng không thể lay chuyển bổn nguyện và quyết tâm ở lại Ni viện để dìu dắt đàn em có trình độ như mình. Lúc này “củi quế gạo châu”, gia đình cố gắng san sẻ trợ duyên tứ sự để Ni trưởng an tâm lo Phật sự nhưng không vì thế mà Ni trưởng chủ quan, người vẫn sống với tương rau đạm bạc.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Với đồ chúng, Ni trưởng thường khuyên răn dạy bảo phải tinh tấn tu trì, Ni trưởng đã mở nhiều lớp Phật học để đào tạo giới Ni trẻ, đảm nhiệm chức vụ trong Ban Giám đốc cùng chung sức với quý Ni trưởng trong việc đào tạo mà không ngại gian lao khó nhọc. Tuy dáng vẻ mảnh khảnh nhưng vẫn nhiệt tâm trong công việc, thay nhọc cho quý Ni trưởng niên cao điều hành tất cả công việc trong Ni viện.


Ni trưởng thường nhắc nhở các Ni sinh luôn ghi nhớ lời Phật dạy, trọn đời kiên trì giới luật để cải hóa thân tâm và hoàn cảnh hầu báo đáp hồng ân Tam Bảo, phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc trong giai đoạn đầy đau thương của xã hội bấy giờ.
Có những lúc tưởng chừng Ni viện không trụ nổi do thời cuộc, viễn cảnh chia ly thầy trò sẽ xa nhau xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng nhờ sự lèo lái của quý Ni trưởng nên Ni viện sớm ổn định và Ni trưởng ở lại phục vụ cho Ni viện. Vì muốn du hóa khắp nơi, nên Ni trưởng đành từ giã Ni viện bắt đầu cho hành trình hóa đạo.


Năm 1974, cố Hòa thượng Từ Ý (Viện chủ chùa Hòa An, Tam Kỳ) nhận thấy tỉnh Quảng Tín (lúc đó) chưa có chùa dành cho Ni giới, nên Hòa thượng hợp tác với các Phật tử xây dựng một ngôi chùa đơn sơ, tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhằm mục đích để hướng dẫn giới xuất gia và tại gia, cũng là môi trường sinh hoạt Phật sự, có cơ duyên thuận tiện giảng dạy giáo lý của Đức Phật cho quần chúng địa phương. Hữu duyên đã đến, Ni trưởng trong lúc đang phục vụ cho Ni viện thì được Ni bộ cử nhận chùa Sư nữ Diệu Quang để hướng dẫn Ni chúng và tín đồ.


Nhận thấy hoằng hóa lợi sanh là bổn phận người con của đấng Như Lai, dù xuất gia tuổi nhỏ đến năm trưởng thành trong giới pháp, đến lúc này Ni trưởng phải rời xa quê hương thân yêu và Ni viện Diệu Đức trìu mến. Khi ra đi vì trọng trách Phật sự, lòng Ni trưởng không khỏi băn khoăn, suy nghĩ không biết mình có đủ khả năng để gánh vác Phật sự nơi xứ lạ quê người không? Nhưng với tấm lòng phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh trải qua bao thăng trầm, Ni trưởng vẫn cố gắng dìu dắt Ni chúng, tín đồ để chỉnh đốn hàng ngũ Ni giới tỉnh nhà trên tinh thần không phân biệt vùng miền, không phân biệt thân sơ giàu  
nghèo một lòng đào tạo lớp kế thừa để không hổ danh là hàng Thích tử.


IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Suốt cuộc đời, Ni trưởng dùng tấm thân mọn làm phương tiện để hoằng dương Chánh pháp và phục vụ xã hội. Ni trưởng cũng theo định luật vô thường thâu thần viên tịch vào ngày 20 tháng Chạp năm Tân Mùi (1992), hưởng thọ 66 tuổi, hạ lạp 44 năm.
Giác linh Ni trưởng đã tự tại nơi cõi Niết-bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh vẫn lưu lại nơi trần thế một tấm gương để Ni chúng học tập noi theo trên bước đường phụng sự đạo pháp. Quả thật: 
 “ Đạo nghiệp một đời ghi đá trắng,
  Pháp thân muôn kiếp ngự sen vàng.”

(http://nigioivietnam.com/Hanh-trang-Chu-ni-Viet-Nam/52/ni-truong-thuong-dieu-ha-tri.html)

Lịch sự kiện trong tháng

Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc