Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Inline image

Ni sư Diệu Nhân, tên thế tục là Ngọc Kiều, là con gái của Phụng Loát Vương. Lúc còn nhỏ, bà được vua Lê Thánh Tông nuôi trong hoàng cung. Lớn lên gả cho nhà họ Lê. Khi chồng mất, bà không tái giá. Một hôm bà than:

- Ta xem tất cả pháp trong thế gian như giấc mộng, huyễn ảo, huống là các thứ phù vinh mà đáng trông cậy sao?

Rồi bà đem tất cả tư trang ra bố thí, cạo tóc xuất gia. Sau khi đắc pháp với Thiền sư Chân Không, bà làm trụ trì Ni Viện Hương Hải ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Việt.

Có người đến cầu học, ni sư dạy:

- Chỉ tánh mình trở về nguồn, nhanh chậm liền tùy đó mà vào.

Thường ngày, ni sư chỉ thích ngồi lặng lẽ, có bệnh kỵ âm thanh và màu sắc. Có người học hỏi:

- Tất cả chúng sanh bệnh nên ta bệnh, tại sao lại kỵ thanh sắc?

Ni sư dùng mấy câu kinh Kim Cang trả lời:

Nếu dùng sắc thấy ta,

Dùng âm thanh tìm ta,

Người ấy hành tà đạo,

Không thể thấy Như Lai .

 - Tại sao ngồi yên ?

 - Xưa nay không đi .

- Thế nào chẳng nói ?

- Đạo vốn không lời .

Một hôm (vào năm 1113), ni sư có bệnh, nói kệ dạy chúng:

Sanh già bệnh chết

Xưa nay lẽ thường.

Muốn cầu thoát ra

Mở trói thêm ràng.

Mê đó tìm Phật

Lầm đó cầu Thiền.

Thiền, Phật chẳng cầu,

Uổng miệng không lời .

Nói kệ xong, ni sư cạo tóc, tắm rửa, ngồi kiết già viên tịch.

(Thiền Sư Việt Nam)

Đọc tiểu sử của Thiền sư ni Diệu Nhân, chúng ta có cảm nghĩ gì?

-      Trong sách sử Thiền, hầu hết đều là các vị Thiền sư, rất hiếm mới có một vị Ni được ghi lại trong sử liệu. Đây là sử của chúng ta. Nhìn qua Thiền sử Trung Hoa, hầu như không có vị nữ nào được ghi chép đầy đủ. Trong thực tế không phải là không có người nữ giỏi trong Thiền. Như chuyện Bà lão đốt am, như chuyện Bà lão bán bánh bao và ngài Chu Kim Cang, như chuyện Bà lão có tha tâm thông biết tâm của chư vị tỳ kheo đến trọ chỗ của bà. Đây là những bà lão không tên tuổi, không phải là người xuất gia, mà còn giỏi như vậy.

-      Chúng ta nhận biết con đường tu của mình khế hợp với những lời dạy của thiền sư ni Diệu Nhân:

+ Đạo vốn không lời: tâm không lời, trống rỗng, lặng yên, thì ngay đó là nhận ra chân lý, nhận ra Phật, nhận ra bản tâm.

 

Inline image

+ Không cần tới hình sắc, hay âm thanh, Vì hình sắc hay âm thanh là bên ngoài <chỗ đó>.

+ Sanh, già, bệnh, chết là luật tiến hóa tự nhiên. Khởi tâm muốn thoát ra, lại là thêm tự trói chặt.

+ Đi tìm Phật bên ngoài là mê. Đi cầu Thiền từ bên ngoài là lầm. Ta quay lại nhận ra bản tâm mình vốn trong sáng sạch trơn. Thì không uổng công.

+ <Xưa nay không đi>, tức là không có đến thì không có đi, không có sanh ra, cũng không có chết đi. Lúc nào cũng trụ yên. Trụ ở đâu? Niết bàn, không đến không đi, chỗ vô tướng, chỗ vô nguyện, chỗ trống không, chỗ bất động, chỗ thênh thang khắp cả pháp giới. Mình nhớ tronh kinh Bát nhã ba la mật, Phật nói: Như Lai không đến không đi, không sắc tướng, không âm thanh, không ba đời v.v...

+ Sanh tử tự tại: thiền sư ni Diệu Nhân ngồi kiết già viên tịch. Ra đi trong tỉnh thức, tức là trong Định, tức là nhập niết bàn. Trên đời có mấy ai ra đi như thế? Tất cả các vị thiền sư xưa đều ra đi tự tại. Sống thì tỉnh thức, ra đi cũng tỉnh thức, an nhiên, nhẹ nhàng, như chiếc lá vàng khô rồi rụng theo cơn gió thoảng.

Cuộc đời của thiền sư, như đóa hoa quỳnh, trong trắng nở tròn đầy trong đêm tối, hương tỏa phảng phất. Nhưng trên đời có mấy ai hay, biết thưởng thức hương sắc đóa hoa quỳnh. Khi mặt trời lên, đời nhìn thấy đóa hoa quỳnh, thì hoa đã phai tàn, rũ cánh, giã từ trần gian. Để lại cho ai nỗi niềm ngơ ngẩn?

 31 Thien Su Ni Dieu Nhan    

CẢM ĐỀ

Lợi ích cho đời,

Đúng thời mới nở,

Trăm năm một thuở,

Như đóa vô ưu.

Đêm tối một mình,

Tỏa hương thơm phức,

Mấy ai thưởng thức,

Như đóa hoa quỳnh.

 

Inline image

 

Như cánh chim bay,

Không lưu dấu lại.

Huy hoàng lộng lẫy,

Như ráng chiều nay.

Giữa biển bùn đen,

Vươn lên như sen.

Thiền sư một đời,

Chiếc nhạn ngang trời.

 

 Thích Nữ Triệt Như

09-06-2020

Lịch sự kiện trong tháng

Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc