Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 image tinh tai ngam nhung loai hoa cua nha phat 164613620253728

 40. Thư Gởi Một Người Bạn

Uyên Lâm

Những năm tháng tuổi trẻ trôi qua như thoi đưa. Xuân rồi Hạ, rồi Thu, rồi Đông rồi lại Hạ. Nhìn lại nhiều khi tự

hỏi mình đã làm được gì? Nếu chết ngày mai thì mình đã làm được bao nhiêu cho đời sống tâm linh?

Hai năm đại dịch. Nhiều người đã ra đi. Mình may mắn chưa bị bệnh nhưng nhiều khi mình cảm thấy đời sống hàng ngày đè nặng trên hai vai mình.

Ngủ dậy đi làm, đi làm về ăn rồi lại ngủ để đi làm.

Mình đang sống ở nơi được gọi là thiên đường nhưng đối với mình thiên đường này thật sự rất mong manh.

Bây giờ mình có sức khỏe thì mình có nhà, có xe, có bảo hiểm và có những thứ căn bản có thể mua được bằng tiền.

Nhưng một khi chẳng may mất công việc hay mất sức khỏe thì hầu như mất tất cả.

Cùng một lúc mình đang bào mòn tuổi trẻ để kiếm thêm tiền. Rồi khi già hơn một chút nữa, mình lại bỏ tiền ra để kiếm lại một chút sức khỏe. Nhưng đến lúc đó có thể đã quá trễ.

Ở Mỹ, mình thường nghe câu, “Thời gian là tiền bạc.” Có lúc trong cuộc đời, mình đã có rất nhiều thời gian, nhưng lúc ấy mình lại lo lắng vì không có tiền và công việc làm.

 

Bây giờ mình có công việc làm ổn định nhưng rất hạn hẹp về thời gian. Muốn nghỉ hai tuần để hành thiền cũng là một chuyện khó. Phải sắp xếp, phải xin phép. Mình biết mục đích chính của đời người là tu tập, là giác ngộ nhưng mình bị kéo theo cái vòng lẩn quẩn bận rồi của cuộc đời và những cám dỗ của nó.

Ưu tiên của mình là gì? Cái gì là quan trọng nhất? Có thật sự muốn làm người giàu nhất trong nghĩa địa (giống như lời Steve Jobs nói)?

Mình muốn sống chậm lại. Mình muốn có thời gian để sống tỉnh thức. Mình có thể sẽ không giác ngộ trong đời sống này nhưng mình muốn đi trên đường giác ngộ.

Là một người cư sĩ sống trong thế giới Ta Bà lúc nào cũng cảm thấy mình đứng giữa hai thế giới. Đời và Đạo. Bản Môn và Tích Môn. Một suy nghĩ thành Phật. Một suy nghĩ thành Dạ Xoa.

Mình muốn sống tỉnh thức. Mình muốn sống có Chánh niệm; để những gì khởi lên trong tâm đến rồi đi mà không đồng hoá nó là tôi, nó là của tôi.

Mình ngẫm lại cái gì làm chướng ngại trên con đường tu. Sĩ diện, quan tâm quá nhiều về người khác nghĩ gì về mình.

Vì sĩ diện mà mình phải cố gắng bằng bạn, bằng bè. Vì sĩ diện mà phải phấn đấu để mua nhà sang, xe đẹp. Phải đẹp, phải ấn tượng, phải duyên dáng, phải thông minh, dí dỏm…vân vân. Trong khi cái giá trị cốt lõi mình nên quan tâm là sự giác ngộ, là “duy tuệ thị nghiệp.”

Đã nhiều lần bỏ cái giá trị cốt lõi để chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài. Đã nhiều lần hối hận trở về ngẫm vô thường rồi lại bị cái hào nhoáng kéo đi.

“Một niệm sinh tỉnh thức. Một niệm xuống Ta Bà.”

Con nguyện tu trong phút giây này. Trong quá khứ đã từng nhiều lần lầm lỡ. Trong tương lai không biết có giữ được mình. Nhưng trong phút này con còn Chánh niệm thì còn tu. Con tu

 

trong phút giây này. Cho dù có lúc con quên, con vẫn cứ muốn tiếp tục trở về giống như bông sen sinh ra trong bùn nhưng không dính mùi bùn.

Nhiều khi mình muốn bỏ đi lên núi, về quê để có thể tu miên mật nhưng đó cũng không phải là cách. Đi đâu thì tâm tham

,tâm sân, tâm si cũng đi theo mình. “Wherever I am, there you are.” Vì vậy con muốn đứng lên ở chỗ mình đã ngã xuống, để cuộc sống không bị cuốn trôi đều đều trong vô minh.

Những suy nghĩ tưởng chừng như khá lan man là đúc kết của những kinh nghiệm bản thân và là những thăng trầm trong bốn mươi năm cuộc đời. Bốn mươi năm không phải là một thời gian quá dài nhưng cũng đủ để thấm được vui buồn ở đời. Ở một cái tuổi chưa hẳn đã già nhưng đã mất đi khá nhiều nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Nhớ lại nhiều năm trước khi mình là một cô bé lững thững mới bước chân đến Mỹ. Cô bé ấy là quá khứ của mình nhưng nhiều khi có cảm giác như hư hư thật thật. Mình biết chắc nó đã xảy ra nhưng nhìn lại quá khứ thấy tựa hồ như một giấc mớ.

Ai nói qua Mỹ thì sướng chứ thật ra đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời mình. Mình có cảm giác như một con cá đang bơi thoải mái trong một cái hồ quen thuộc, thình lình bị bỏ vào biển lớn. Thật sự là đuối. Lúc ấy nghe người Mỹ nói tiếng Anh quả thật giống như vịt nghe sấm. Mỗi lần đọc sách là cực hình vì phải tra từng từ trong từ điển. Có những từ trong chuyên môn cũng không có trong từ điển. Có lúc mình tự nghi ngờ chính mình. Mình có cảm tưởng là mình sẽ không bao giờ hiểu được tiếng Anh. Và lúc đó có lúc mình đã cảm thấy bế tắc. Vì muốn nói được tiếng Anh mình phải có bạn người nước ngoài. Nhưng mình không thể có bạn nước ngoài được vì chỉ biết đủ để xã giao mà không đủ nói và hiểu để có thể kết bạn. Cuộc đời nhiều khi trái cẳng ngỗng như thế. Lúc thật sự cần thì khó có thể có. Lúc không thật sự cần thì lại có rất dễ dàng.

 

Ví dụ một người tay trắng muốn khởi nghiệp thật sự là khó. Nhưng một người có tiền, có tiếng tăm, có những mối quan hệ thì tự nhiên họ lại kiếm ra tiền và đầu tư rất dễ dàng. Hay muốn mượn tiền rất dễ dàng. Trong khi các bạn bè đồng trang lứa trải qua một cuộc sống êm đềm ở Việt Nam thì mình đã phải “bươn chải” từ nhỏ vì chuyện đèn sách. Cái khó khăn nhất đối với mình lúc đó là không có sự lựa chọn để thất bại. Cái áp lực mình bỏ lên hai vai chính mình lúc đó cũng để lại dư âm đến bây giờ: là tính hay lo thái quá. Mãi sau này khi đọc sách Phật mình mới hiểu rằng nếu một người sống không tùy duyên thì sẽ tạo ra rất nhiều khổ đau cho chính mình. Cuộc đời nó có những sự vận hành của nó mà có khi ra khỏi tầm kiểm soát của chính mình. Những sự vận hành đó người đời có thể gọi là nghiệp quá khứ, là số mệnh. Mặc dù đúng là có nghiệp quá khứ, nhưng Phật giáo không khuyến khích mình buông theo số phận. Có một vị Thầy nói là khi mình cố gắng trong hiện tại tức là đó là nghiệp hiện tại của mình. Nghiệp quá khứ nó ngoài vòng kiểm soát của mình nhưng mình vẫn có thể xoay chuyển nghiệp quá khứ bằng cách nỗ lực trong hiện tại. Nhưng nếu đã cố hết sức mà vẫn không được thì phải học cách buông, cách chấp nhận. Đó là sống theo tùy duyên thuận pháp trong đạo Phật. Nếu không chấp nhận thì chỉ có khổ và khổ. Nhưng cũng không phải cái gì mình cũng đổ thừa nghiệp được. Có những người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nổ lực vượt qua nó. Có những người tuy vẫn còn khó khăn nhưng vì biết chấp nhận hoàn cảnh nên nó không ảnh hưởng đến tâm thức họ. Thân khổ nhưng tâm vẫn lạc quan.

Vì không hiểu đạo Phật nên mình đã phải trải qua thời học sinh thật khổ sở. Cái khổ này chính do mình tạo ra vì mình muốn thành tích phải đúng như ý mình. Mình muốn điều khiển cái mà không phải lúc nào cũng điều khiển được. “Học tài thi phận.” Nếu bây giờ mình có dịp khuyên những em bằng tuổi mình lúc đó thì mình sẽ khuyên như thế này: Các em cứ học hết sức của mình nhưng kết quả nó ngoài vòng kiểm soát của chính

 

mình. Nếu thất bại lần này thì cứ cố gắng lần sau.

Trong khoảng thời gian mới chân ướt chân ráo tới Mỹ thì mình cũng bắt đầu tìm hiểu về con đường tâm linh. Đó chỉ là một sự tình cờ. Mình có một người dì rất thích đọc sách. Lúc mình chuẩn bị qua Mỹ thì được dì tặng cho một cuốn sách, “Tạng Thư Sống Chết.” Cuốn sách đó mình để đó nhưng không bao giờ mở ra. Ngay cả lúc ông ngoại mất một cách bất thình lình thì mình cũng không bao giờ nghĩ sâu về cái chết. Mình chỉ biết lúc đó mẹ vật vã vì buồn nhưng mình tuy buồn nhưng vẫn còn rất là vô tư.

Cũng không nhớ chính xác là lúc nào mình bắt đầu đọc Tạng Thư Sống Chết (bản dịch của Ni Sư Trí Hải). Mình chỉ nhớ loáng thoáng là chưa có cuốn sách nào làm mình chấn động như thế. Có cảm giác là nó thay đổi cả tâm sinh quan mình lúc đó và mở ra những triết lý về cuộc đời mà mình không thể nào tự nghĩ ra được. Nhưng cũng đôi lúc khi đọc về những sự thật của cuộc đời, nó cho mình một cảm giác buồn. Nỗi buồn của nhân sinh. Trước khi đọc cuốn sách ấy mình chưa từng nghĩ là có một ngày mình sẽ chết. Cuốn sách là cơ hội đầu tiên mình nghĩ về vô thường. Và lần đầu tiên mình sợ chết. Trong đoạn đầu của bài viết mình có nhắc về chuyện phải sống giữa Đời và Đạo, giữa Bản Môn và Tích Môn. Lúc này là cái lúc mình thấy thật sự bối rối. Vì khi đọc sách và quán chiếu, mình thấy đời sống con người thật mong manh, sống nay chết mai. Nhưng lúc này mình khoảng 14-15 tuổi, tương lai tưởng chừng như trải dài phía trước. Xung quanh mọi người cùng ba mẹ đang kỳ vọng vào tương lai của mình. Chỉ có tương lai và hy vọng và sự nỗ lực. Không có thời gian để suy nghĩ sâu hơn về mục đích của đời người, về sự vô thường của đời người. Việc học và thành công lúc đó thật quan trọng đối với mình. Nhưng khi ngẫm về vô thường thì thấy nó cũng không có gì quan trọng. Có biết bao người đẹp, giàu, ở đỉnh cao quyền lực đã ra đi bất thình lình như Công Nương Diana. Có bao người thành công

 

như Robin Williams hay Anthony Bourdain đã tự kết liễu cuộc đời của mình. Những người đã ở đỉnh cao của danh vọng nhưng cũng chưa tìm ra được chân hạnh phúc.

Mặc dù đã hiểu được vô thường ở tầng tri thức nhưng mình vẫn bị cuộc đời cuốn trôi cũng giống như con chuột cảnh chạy trên bánh xe. Có lúc thấy giật mình vì vô thường và muốn thoát ly tu tập nhưng cái guồng máy không lồ của cuộc đời nó kéo lê mình.

Rồi lại lo lắng thì cử để tốt nghiệp trung học. Rồi lại tất tả để xin vào đại học. Mình có thể chọn một trường đại học rẻ gần nhà nhưng vì sĩ diện mình đã chọn một trường xa nhà với học phí đắc đỏ. Cái câu mình nói khổ vì sĩ diện ở đầu bài, đây là một bài học xương máu cho mình. Vì sĩ diện nên mình chọn trường đại học đắt tiền để khi mọi người hỏi có thể tự hào nói về nó. Không biết mình học hành như thế nào ở cái trường này, miễn là khi nghe đến trường này thì mọi người mặc định mình là học sinh giỏi. Ôi tuổi trẻ bồng bột! Ôi sĩ diện! Ôi cái ngã! Vì cái sai lầm này mình khổ rất nhiều trong những năm đại học và cả những năm về sau. Vì học trường giỏi nên mọi người trong gia đình có những kỳ vọng nhất định cho người ’giỏi’ này. Chỉ có thể là bác sĩ, dược sĩ, gì đó sĩ…v.v. Mình bị đóng vào một cái khung của sự kỳ vọng và mình ở trong cái khung đó một cách tự nguyện. Người ta sẽ cố thoát ra một cái gông nếu đó là gông sắt, nhưng nếu là gông vàng hay nạm kim cương thì người ta sẽ tự nguyện ở trong đó. Cũng giống như cõi Ta Bà. Nhiều khi đối diện với mất mát có thể người ta có thể thấy vô thường rõ hơn và tìm cách thoát ra cõi Tạm. Nhưng nếu như đời lúc nào cũng màu hồng thì rất hiếm người tìm cách thoát thân. Một trường hợp ngoại lệ là Đức Phật. Vì mình thích những lời khen và những lời ca tụng nên mình bằng lòng sống để đáp ứng kỳ vọng của người khác, vô tình tạo một áp lực lớn trong mình.

Cùng với việc học thì mình cũng tham gia một số khóa tu, khóa thiền. Năm thứ hai đại học mình muốn bỏ hết để vào

 

trường thiền. Nhưng vì đã lỡ mượn tiền học của chính phủ nên không thể bỏ ngang được. Mình không có sự lựa chọn nên phải tiếp tục học mặc dù chẳng thấy hứng thú với việc học. Mình biết có một chuyện cực quan trọng mình phải hoàn thành trong đời này (việc tu tập) nhưng mình vẫn làm những việc mà một người bình thường phải làm (học và ra trường). Lúc đó mình chuẩn bị xin vào trường Dược nhưng vì học lâu quá mình quyết định chọn ngành Y tá. Mình tưởng chọn Y Tá sẽ đơn giản ngắn gọn hơn Dược nhưng cũng không hẳn như vậy. Nó có những rắc rối khác mà cái đầu non nớt của mình lúc đó không mường tượng được. Vậy là mình miễn cưỡng học xong đại học. Mình thấy trường hợp mình tương tự giống như những anh chàng tôn thờ một người yêu lý tưởng. Nhưng sau đó bị bắt lập gia đình với một cô khác. Hầu như các ngày anh sống theo một lập trình đã lập sẵn với đời sống ra đình. Nhưng khi rãnh rỗi thì hình bóng của cô người yêu cũ lại hiện về. Mặc dù bằng lòng với đời sống đại học, mình thỉnh thoảng lại mơ tưởng về đời sống hành thiền.

Thấm thoát rồi cũng xong đại học. Mình tưởng như là hạnh phúc như không thể hạnh phúc thêm được. Niềm vui chưa được bao lâu thì phải lo thi để lấy bằng, cùng lúc xin việc làm. Sau một chuyến nghỉ ngắn về Việt Nam, mình được nhận vào một bệnh viện. Mình đã bắt đầu công việc trong cuộc đời trưởng thành như thế. Tưởng là một cái kết hoàn mãn sau những ngày dồi mài kinh sử nhưng đó chỉ là những bắt đầu cho những khó khăn. Ngoài những giờ huấn luyện ròng rã cho những kỹ năng mới, đó là lần đầu tiên mình đối diện với cái bệnh, cái chết. Mặc dù mình tỏ ra bình thường nhưng không ít nhiều nó ảnh hưởng đến tâm lý mình. Mỗi lần trước khi đi làm là mình cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Mình lo lắng vì mình ở trong một môi trường mà mình có thể làm sai và hoàn toàn ngoài khả năng kiểm soát của mình. Kỹ năng là như vậy nhưng mỗi bệnh nhân đều khác nhau. Có bệnh nhân mình làm được nhưng có bệnh nhân mình không làm được. Lo lắng thái quá dẫn đến trầm cảm nhẹ. Hồi đó

 

mình không biết đó là trầm cảm nhưng chỉ biết có một cảm giác không được hạnh phúc. Mình có công việc ổn định và có tiền và có thể thăng chức nhưng mình hoàn toàn không thấy hạnh phúc. Ngay cả có người muốn có việc làm như mình mình cũng không thấy hạnh phúc. Khi sức khỏe tinh thần què quặt thì những lời khen cũng không còn nhiều ý nghĩa. Nhìn lại thấy ít ai tự tử vì đói. Thường người ta tự tử vì một cảm giác tiêu cực nào đó làm cho người ta không thấy hạnh phúc.

Không hạnh phúc, lo lắng nhưng vẫn phải đi làm đều đặn vì mình có nợ để trả. Món nợ sinh viên làm mình bị kẹt, mất tự do. Muốn đổi qua công việc khác cũng không được. Nó đưa mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Và mình thấy bế tắc. Có lúc mình đã từng hối hận vì sĩ diện học trường giỏi mới có món nợ như thế này. Tự mình trói buộc mình. Mình làm ra tiền nhưng cũng xài rất nhiều tiền vì công việc căng thẳng. Và cuối cùng một ngày mình đổ bệnh. Mình bị đau bụng nhưng mình sợ có thể là đau ruột thừa. Mặc dù có bảo hiểm sức khỏe nhưng phải đợi một tháng bảo hiểm mới hiệu quả. Mình đi cấp cứu thì thật ra bệnh không nặng như mình tưởng. Chỉ bị rối loạn đường ruột do lối sống thiếu ngủ, căng thẳng. Nhưng lúc đó mình hoảng thật sự. Nỗi sợ vô thường lúc trẻ trở lại và trở lại mạnh mẽ hơn xưa. Mình sợ có thể ngày mai mình chết đi nhưng chưa bao giờ có cơ hội để vào trường thiền. Vì vậy mặc dù nợ tiền học, tiền bệnh viện, mình bỏ hết để đi tu thiền. Chuyện mình làm có vẻ như rất tốt nhưng ngẫm nghĩ lại thì mình đã không tùy duyên lúc này. Duyên chưa đến để vào trường thiền vì mình còn nợ nhưng mình vẫn bất chấp (Sau này khi ra khỏi trường thiền thì mình cũng trả một giá rất đắt đúng nghĩa đen vì cái nợ nó tăng lên do không trả sớm). Nhưng mình cũng học một bài học vô giá từ trường thiền. Mình học cách không đồng hóa với những cảm thọ, cảm xúc khởi lên trong mình. Cảm xúc bắt nguồn từ suy nghĩ. Suy nghĩ càng nhiều, cảm xúc đi lên càng mạnh. Khi cảm xúc mạnh thì những suy nghĩ càng tiêu cực. Nếu có thể dừng

 

suy nghĩ hay nhận diện cảm xúc thì mới cắt được cái vòng lẩn quẩn ấy. Đức Phật đã từng dạy đệ tử của Ngài ’khi đi chỉ biết đi, khi nhìn chỉ biết nhìn’…vv. Mười mấy năm qua mình chỉ cố thực hành điểm này. Nghe thì đứa Bé ba tuổi cũng hiểu, nhưng thực hành đến tám mươi tuổi mình chưa chắc thực hành được.

Mình hay nhắc nhở chính mình ’Cái gì có sinh thì sẽ có diệt’ (Whatever is born will die). Mình nhắc nhở mình nên tiếp cận với thiện tri thức vì có thiện tri thức thì mình đã hoàn thành được một nửa đường Đạo. Đọc sách thánh hiền mỗi ngày cũng là một cách nhắc nhở mình. Sự thật thì tâm của mình thật sự vô thường. Ý trước khởi niệm tốt, ý sau đã khởi niệm ác. Mình chỉ biết giây phút này. Quá khứ hay tương lai mình cũng không nắm bắt được. Chỉ có phút giây này. Có khi con mê nhưng nếu phút giây này nhớ được con sẽ trở về. Vài dòng lan man xin gởi bạn và cũng gởi cho chính mình. Mong bạn và mình lúc nào cũng nhớ đường trở về.

Uyên Lâm

(Houston, Texas)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm