30. Tất Cả Chỉ Là Một Chữ ‘Tu’
Tuổi thơ nuôi dưỡng
on vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên như các bạn đồng trang lứa. Nhưng cũng có khi, con lủi thủi một mình để trò chuyện với nội tâm, làm bạn với mây trời – hỏi nhau vô vàng những lạ lẫm của cuộc đời chỉ vì không dám thổ lộ cùng ai. Con tò mò về một nền minh triết phương Đông, về cuộc đời của Đức Phật và về đời sống tâm linh. Để rồi, từ đó con cố đọc – đánh vần và hiểu cho bằng được những quyển sách – quyển kinh mà chị con thỉnh ở chùa. Con hứng thú với những bài pháp thoại mà ngày đó con xem bằng đĩa CD và nghe trên chiếc băng cassette.
Nhân quả nghiệp báo – bài học đầu tiên…
Ngoài sự giáo dục của gia đình, nhân quả - nghiệp báo là điều một đứa trẻ như con luôn tâm niệm. Đó cũng là khi con biết phân biệt cái gì là thiện, cái gì là ác; cài gì nên và không nên làm. Biết được sự vận hành của nhân quả, con thấy cuộc sống thú vị hơn nhiều so với những trò chơi công chúa hay trốn tìm, nhảy dây,… Con bắt đầu nãy lên ý tưởng ‘kiếm phước’, vì con quá ham thích những cái quả tốt đẹp – thứ mình cần. Mặc dù từ bé, con may mắn được mang trong mình lòng trắc ẩn, nhưng để
kiếm phước con lại càng hăng hái trao gửi yêu thương. Muốn quả về sự hạnh phúc ấm no, những dịp Tết có tiền lì xì hoặc khi dư tiền quà bánh, con luôn hào phóng cúng dường Tam Bảo và tặng cho những cô chú nghèo khổ hay ngồi xin trước cổng chùa. Có khi quyên góp cùng với nhà trường giúp đỡ những bạn vượt khó học giỏi. Muốn tích góp sự trí tuệ, con trở nên tinh tấn lễ Phật – đọc kinh, có cả ngồi yên lặng rồi đọc vài trang sách hướng dẫn hít vào – thở ra. Đó là những gì con thường làm, khi trốn một mình trên căn gát nhỏ.
Bọn trẻ trong xóm chúng con thường hay rủ nhau đi hái cây cỏ mang qua đình cho ông Hai làm thuốc. Có những buổi trưa hè, cả đám qua đình để phụ chặt thuốc Nam. Sở dĩ, mấy bạn kia hái thuốc là vì biết sẽ được ông Hai cho bánh trái, có khi vì thương bọn trẻ mà ông cho tiền. Con tham hơn, hái thuốc vì để kiếm phước cho bản thân mình, ước muốn khi giúp người khác bản thân con về già cũng sẽ có được sức khỏe giống ông Hai. Đạo Phật đối với tuổi thơ con là một chỉ dẫn ân cần, giúp người ta tha hồ kiếm phước. Mặc dù khái niệm kiếm phước giúp con hào hứng hơn để làm những việc tốt – lành, nhưng thật ra con thấy những điều đó diễn ra một cách rất bình dị và tự nhiên mà không có sự miễn cưỡng hay cố gắn nào cả. Tuổi thơ con trôi qua mang đậm ký ức tâm linh tươi đẹp, mang đậm ký ức đình – chùa và ký ức của tình người gửi vào trong từng vị thuốc.
Cội nguồn tâm linh…
Mặc dù tuổi thơ là vậy, nhưng vì những thú vui tuổi mới lớn
- lên trung học, đã có những khi con đánh rơi hạt giống bồ-đề. Trong những cuộc vui ấy, con nhận ra một sự trống trải tột cùng. Một sự trống vắng – có những cảm xúc không thể gọi tên. ‘Thật ra, mình đang tìm kiếm điều gì? Làm thế nào để vượt thoát những đợt sóng ngầm âm ỉ trong tâm’. Thế rồi vào Đại học, con quyết định lên Sài Gòn. Hẳn nhiên là đi học, nhưng với con học
ở trường là phụ - học ở chùa là chính. Đại học chỉ là cái cớ để con có cơ hội được lên Sài Gòn tham dự những khóa tu. Từ đó con nhận ra – ‘pháp môn’ là thứ con khao khát tìm kiếm bấy lâu. Chỉ có pháp môn phù hợp mới là thứ có thể giúp con làm bạn với những sự bất an.
Chánh Niệm – có mặt trong giây phút hiện tại là bài thiền tập vi diệu. Một lần nữa, giáo pháp đã giúp con trở về với gốc rễ tâm linh, làm bạn – gọi tên với chính những cảm xúc trong mình. Lạ thật, cũng là ngồi yên hít thở, nhưng con cảm nhận hơi thở bây giờ lại có chất liệu và sâu sắc hơn những ngày thơ. Thở
- không còn là ước muốn để trí tuệ phát sinh, mà là nhận diện bản chất thật nơi mình. Lễ Phật - tụng kinh - không còn là mong cầu thắng trí, mà là tiếp xúc với Phật tánh và ứng dụng vào đời những lời dạy của bậc Tôn sư.
Tập sự - xuất gia…
Tuổi thơ và tuổi trẻ con trôi qua một cách êm đềm như thế ấy. Những ngày còn là sinh viên, nhu cầu thỏa mãn tâm linh trong con quá mạnh mẽ vì vậy phần lớn thời gian con đều về chùa công quả, tham dự những khóa tu. Và ngày con thưa Thầy tập sự, bao nhiêu lý tưởng – ước nguyện trong lòng chỉ có thể vỏn vẹn trong vài chữ: ‘Thưa Thầy… cho con… tu’. Tuy là một đứa nói nhiều, nhưng trong giờ phút thiêng ấy, con chỉ biết cuối đầu để cho những giọt nước mắt mặc tình tuông rơi. Như sở nguyện, con được tu một cách đúng nghĩa. Đời sống tại Tu viện là nơi con được nâng đỡ bởi Tăng thân - Thầy tổ và cả pháp môn hành trì. Một nơi mà con vừa có cơ hội tu, vừa có cơ hội học và phụng sự Tam Bảo.
Nhân duyên thù thắng…
Khi đọc ‘Đại đệ tử Phật – bước thầy con theo’, con đặt biệt
xúc động trước đức hạnh và nguyện lực của Tôn giả Ananda. Tâm thức con từ đó luôn khởi nguyện học theo hạnh của Ngài. Con không may mắn sanh ra trong thời đại của Đức Phật, vì vậy con đã nguyện cầu Tam Bảo gia trì cho con có được cơ hội gần gũi những bậc đạo hạnh chân tu – giống như Tôn giả Ananda đã từng hầu cận Đức Thế Tôn. Nhân duyên hội đủ, con may mắn được thị giả Thầy và học được rất nhiều từ Thầy cũng như quý tôn túc mỗi khi quý Ngài về Tu viện. Con luôn sống với lòng biết ơn vô hạn, con chưa bao giờ dám nghĩ rằng có một ngày con lại được gần gủi những bậc thầy khả kính, được sống trong Chánh Pháp nhiệm màu.
Vì con muốn tu…
Tuy vậy, là một tập sự tánh khí trẻ con, con không khỏi tránh phải sự vô tư, đồng thời cũng là những yếu kém vụng về cần chuyển hóa. Có khi con hờn trách đủ điều, có khi con lại cảm thấy ghê sợ tất cả mọi người. Lớn lên trong một gia đình êm ấm, con chưa bao giờ đương đầu trước những thử thách lớn lao! Sau biết bao lần đối diện trước những cái khó, Thầy hay trìu mến dạy rằng: ‘Hãy tinh tấn - tu là ở chỗ này đấy con’. Con chợt nhớ lại ngày mình xin Thầy tập sự - ‘con muốn tu’. Thì ra, không phải đây cũng là ước nguyện của mình đang thành hiện thực đó sao? – Tu đấy! Nhưng mà tu như thế nào? - Pháp môn đâu!
Quay về nương tựa…
Đâu rồi cô bé tràn đầy nhựa sống, năng lượng vui tươi ? Đâu rồi những tháng ngày trôi qua êm đẹp? Mỗi khi khó khăn, con không muốn suốt ngày vùi mình trong một gốc, con không muốn suốt ngày trốn khóc ở hồ sen. Con không muốn nhịn uống nhịn ăn vì sợ phải đối diện với mọi người. Con sợ lắm những ám ảnh đến nổi giật mình bật dậy ngồi khóc lúc giữa đêm… Thật sự vấn đề đang nằm ở đâu? Con đã trải qua những tháng ngày đầy
tiêu cực, đối diện với hàng ngàn câu hỏi tại sao, trách vấn mọi người, trách vấn bản thân. Có những ngày con chỉ muốn chạy về nhà ôm mẹ. Từ đó con nhận ra rằng, mình cần phải - quay vào bên trong.
Con từng không thể hiểu nổi chính bản thân mình, con luôn cảm thấy mình khác biệt so với số đông. Từ đó, bắt đầu tìm đến những liệu pháp tâm lý thì biết rằng con thuộc nhóm ‘Người nhạy cảm cao – Highly sensetive person (HSP)’, đồng thời đang mắc phải hội chứng ‘Rối loạn lưỡng cực’. Hiểu được đâu là nguyên do khiến vấn đề của bản thân trở nên trầm trọng, con tự thương lấy mình. Mặc dù nhạy cảm đã mang đến cho con một trái tim giàu lòng trắc ẩn, một sự đồng cảm sâu sắc với cuộc đời, nhưng đồng thời nếu không duy trì một đời sống nội tâm vững chãi con cũng rất dễ dàng bị tổn thương, dễ dàng bị những biến thiêng bên ngoài rút cạn năng lượng. Con như một anten có thể bắt được mọi tần sóng của bất kỳ ai, cảm nhận được cảm xúc của họ đối với mình, vì vậy con đã rơi vào cái bẩy của của xúc - vui buồn thái quá - rơi vào tình trạng rối loạn lưỡng cực kéo dài 3 năm.
Pháp môn đã giúp con chuyển hóa thật nhiều trong ngần 3 năm ấy để có thể hoàn toàn chữa lành những tổn thương. Thay vì chỉ biết nhìn vào những khó khăn, con tập nhìn về những điều kiện hạnh phúc, những phước duyên mà con đang thừa hưởng – ‘mình đã được thương yêu ra sao, mình đã học được những gì… hãy lấy ra xài đi!’. Những khó khăn đối với một tâm hồn mỏng manh yếu đuối như con, nó trở nên kinh khủng biết dường nào, nhưng chưa bao giờ con nghĩ đến việc bỏ Thầy hay bỏ chùa ra đi chỉ bởi vì… con muốn tu. Con đã thấy rõ, dường như những phước duyên mà con có được cũng tỉ lệ thuận với những thử thách chông gai. Nhưng để thỏa ước nguyện và lý tưởng tu học, con sẳn sàng chấp nhận những gian truân trên con đường tầm cầu giáo pháp.
Con tập trở về tiếp xúc sâu sắc với thực tại như những ngày
đầu tiếp cận pháp môn – làm mới từng hơi thở, từng bước chân và tập nở nụ cười trong Chánh Niệm. Có lẽ những lúc khó khăn như vậy, con mới thật sự thấy được giá trị của việc hành trì. Mỗi bước chân thiền hành, con cảm nhận được tình thương nơi Đất Mẹ. Mỗi hơi thở ra vào, con thấy được tuệ giác Đức Thế Tôn. Con tập nhìn lại chính mình hơn là nhìn vào người khác, con tập im lặng hơn là phản ứng để bảo vệ cho cái tôi của mình. Vốn dĩ hành trình tu học là để tìm lại chính mình chứ không phải tìm kiếm đồng minh – thay vì tìm đối tượng bên ngoài để được cứu vớt cảm xúc, con chọn nương vào hải đảo tự thân. Sau bao lần bài thi cứ lập đi lập lại, con nhận ra rằng bài học của mình là bài học về phát khởi tình yêu thương. Mình có khổ đau hay những muộn phiền, phải chăng trái tim mình chưa đủ lớn?
Kinh thương yêu – là bản kinh đồng hành với con vượt qua sự nghèo nàn trong tâm thức, vượt qua sự vị kỷ hẹp hòi của một cái tôi. Cũng là những giọt nước mắt, nhưng hôm nay không còn là giọt nước mắt của oán trách muộn phiền, đây là những giọt nước mắt của sự thấu hiểu, bao dung. Bỏ qua mọi sự đúng cùng sai, con tập sám hối với chính bản thân mình, tập sám hối với tất cả mọi người dù vô tình hay cố ý tổn thương nhau. Bổng một ngày con nhận ra rằng, đời tu mình trở nên thật thú vị. Trạng thái an lành hạnh phúc – đó chưa hẳn là tu. Tu là khi ‘biết hành xử đúng như Chánh Pháp trong những hoàn cảnh thách thức và khó khăn’ như lời Sư Ông Làng Mai dạy. Chánh Pháp - mấu chốt giúp con nhìn lại bản thân mình.
Chánh Pháp là thứ có thể giúp bất kỳ ai hành trì trở nên thấu hiểu, bao dung, ánh nhìn trở nên an hòa, rộng mở. Chánh Pháp là thứ có thể giúp chúng ta vượt thoát những muộn phiền, những tà kiến nhị nguyên. Con nhận diện mỗi khi tâm mình lệch ra ngoài quỹ đạo của Chánh Pháp, con biết chỉ cần nhận diện thôi là bản thân tự biết phải làm gì. Nhận diện thật ra là một lĩnh vực của Chánh Niệm. Có những khi con không đủ bản lĩnh để lắng nghe và làm bạn với chính nội tâm mình. Nhưng càng trốn tránh
thì càng lắm muộn phiền, chi bằng ngồi xuống ôm ấp những đau thương. Thì ra việc đương đầu trước thử thách bên ngoài chưa hẳn là khó, khó ở chỗ chúng ta phải đủ bản lĩnh sống an hòa với những khốn khổ nội tâm.
Bài học từ quý Ôn…
Đầu năm 2019, Ôn Nguyên Hạnh (viện chủ chùa Việt Nam – Houston, Texas) về thăm Tu viện, đi cùng có Ni sư Liễu Hà (trụ trì chùa Báo Ân – Orlando, Florida) và một vài vị Phật tử. Con mặc áo tràng ra đón Ôn, con cuối đầu chào và Ôn đã nở nụ cười thật tươi: ‘Ôn chào con’. Đón Ôn, nhưng tập khí nên bước chân con vội vội vàng vàng… khi nhìn lại con thấy mình đã cách Ôn một khoảng khá xa. Ngại ngùng, con đứng lại. Lặng nhìn từng bước chân Ôn, sao thanh thoát nhẹ nhàng và an lạc quá! Khoảnh khắc này không biết phải diễn tả làm sao! Con với tay đẩy nhẹ chiếc cổng bước vào khu nội viện, Thầy cũng đã có mặt nghinh đón Ôn. Dìu Ôn bước lên từng bật thang Thất Vô Sự, bước đến cửa – Ôn từ tốn quay gót dép vào trong, mũi dép hướng ra ngoài. Ôn đứng, đưa mắt nhìn xuống đôi dép rồi ôn tồn hỏi:
- Con có biết tại sao khi vào nhà mình lại để dép quay ngược lại thế này không?
Mặc dù trước giờ vẫn đễ dép như thế mỗi khi bước vào nhà, nhưng nghe Ôn hỏi con lại lúng túng vì thật sự chưa hiểu ý nghĩa của việc này:
- Dạ thưa Ôn, để lúc ra khỏi nhà mình dễ đi hơn ạ!? Ôn gật đầu cười:
- Cái gì khó mình làm trước, cái gì dễ mình làm sau. Con nhớ nha.
Cũng như mọi lần thi giả, con pha trà mời quý Ngài rồi ngồi hầu phía sau. Ôn quay sang nhìn con, đặt tay trên nền nhà bảo: ‘Con lại ngồi cạnh Ôn’. Mặc dù về thăm Tu viện, thăm Thầy,
nhưng trong suốt buổi nói chuyện Ôn lại quan tâm một đứa bé như con thật nhiều. Con có cảm tưởng, rằng Ôn dành rất nhiều tình thương cho tuổi trẻ. Ôn hỏi vì sao con muốn đi tu? Con sang Làng Mai dự khóa tu đã học được những gì?... Rồi qua những lời tâm sự ấy, Ôn dạy bảo con thêm nhiều điều. Vì con tên Bông, nên Ôn đã kể cho con nghe câu chuyện về chú điệu cũng tên Bông. Ôn dạy rằng, trong tu học con đừng vội vàng như điệu Bông mà đánh rơi hạt giống bồ-đề.
Trước khi về, con theo Ôn lên chùa Lễ Phật – lễ Tổ. Xuống sân, đứng trước tôn tượng đức Bồ-tát, Ôn nói:
- Bé Bông, con có biết đây là Bồ-tát gì không? Ngài là Bồ-tát Quán Tự Tại. Con xem Ngài ngồi tự tại chưa. Con lúc nào cũng hãy ngồi tự tại giống như Ngài nhé.
Con cảm thấy thật thương Ôn, giống như cách mà Ôn thương tuổi trẻ. Ôn đã lên xe, con chấp tay thành kính:
- Con cảm ơn Ôn vì đã có mặt cho con.
- Ôn sẽ luôn có mặt cho Be smile – be happy.
Ôn là người đem đến cho con nhiều kỷ niệm nhất trong khoảng thời gian thị giả. Con vẫn nhớ hình ảnh từng bước chân Ôn, con vẫn nhớ bàn tay đầy ấm áp. Mỗi khi chiêm nghiệm lại những lời Ôn dạy, con lại hiểu một cách sâu sắc hơn. Những lời dạy của những bậc trưởng thượng, bao giờ cũng bình dị nhưng chất chứa bằng tất cả kinh nghiệm tu-hành. Con thường tự hỏi tại sao, con còn quá nhỏ nhưng lại phải đối diện với những thử thách lớn lao? Nhớ đến lời Ôn dạy ‘cái gì khó mình làm trước’, con nhận ra rằng tuy khó đó, mà dễ đó. Khó là ở chỗ con phải khép mình vào giới luật, khó là ở chỗ con không được sống buông lung, phải vượt qua mọi ham muốn thường tình, phải vượt thắng bản năng. Dễ là ở chỗ con sẽ trang bị đủ hành trang để bước vào đời, để con không phải ‘xúc sự diện tường’ trong quá trình hành đạo mai sau. Tu - đối với con như một hành trình khám phá nội tâm, như một chuyến hành hương trở về với ngôi nhà đích thực dành cho những
ai thệ nguyện sống một đời tỉnh thức.
‘Tu rất khó, nhưng biết cách tu thì rất dễ’ – đó cũng là lời Ôn Thái Hòa dạy con trong một lần thị giả. Tất cả những gì quý Ngài dạy, đều không vượt ra ngoài một chữ ‘tu’. Vậy khó hay dễ là sự chọn lựa của bản thân mình. Mình chọn cái khó, hay sẽ chọn cách tu? Vạn pháp vốn sinh động và có mặt trong mọi hình thái cuộc đời, pháp của Phật cũng vậy. Thật không thể khác đi, khi Đức Phật đã nói rằng: ‘Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy’ – Kinh Tăng Chi.
Không còn than van…
Ba năm tập sự sẽ là khoảng thời gian đẹp nhất đời con. Với biết bao sự nuôi dưỡng từ tình thương và tuệ giác nơi Thầy, với biết bao cơ hội được gần gủi, học hạnh từ quý Ôn. Những buồn vui lui tới không còn là gánh nặng trong con. Ba năm là quá đủ để chữa lành cho một tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương. Để rồi, gần ba năm sau khi xuất gia, con trở thành phiên bản tốt hơn – là chính mình hơn. Mỗi ngày sống trong tỉnh thức, con biết mình cần gì và phải làm gì để không cô phụ lý tưởng xuất gia. Bồ-đề tâm – hạnh nguyện – lý tưởng phụng sự và sự nhiệt tâm tu hành là điều kiện cần và đủ giúp con thành tựu mọi ước nguyện của mình trên bước đường tu.
Chấp nhận mọi sự như vốn nó đang là, lại là một pháp môn hữu hiệu giúp con đứng vững trước mọi sự đổi thay. Có những sự đổi thay vô cùng vi tế, nhưng cũng có những đổi thay quá lớn khiến cả thế giới bàn hoàn. Con không thể tin rằng, có một ngày con lại đủ bản lĩnh chấp nhận sự ra đi của người thân mình – trong vòng hai năm ngắn ngủi mà năm người con yêu quý đã lần lượt ra đi. Đó có phải là một sự chuẩn bị để đón chờ những bài học lớn lao hơn? Con dần trở nên buông bỏ, lặng lẽ trước những biến động của cuộc đời. Hãy thôi than vãn, nếu yêu thương người khác – hãy tự lo liệu chính mình. Nếu muốn duy
trì mạng mạch của Chánh Pháp – hãy biết tu trì, phát triển định tuệ tự thân.
Bài học tiếp theo…
Xuất gia, Thầy gửi con đi học tại một trụ xứ mới. Tuy không được gần Thầy, cũng ít cơ hội được thị giả quý Ôn nhưng con lại được thọ học với những vị giáo thọ nhiệt tâm với học trò. Cơ hội mới để con được cầu pháp nơi quý Ngài. Bên cạnh con là những người bạn đồng học – đồng tu. Chúng con đã nâng đỡ nhau thật nhiều trong khoảng thời gian Sơ Cấp Phật học. Chưa bao giờ trong quá trình học tập, con lại nhận về những cơn bão của lời khen. Có khi con cảm thấy vui thích, có khi con cảm thấy sợ hãi trước cái bẫy này! Liệu mình có đang thừa cớ tô bồi cho bản ngã? Liệu mình có đang tự mãn với chính bản thân mình? Con tin với sự gia trì của Tam Bảo, con sẽ tinh tấn thực tập để không rơi vào cái bẫy của những thành tựu. Thành tựu nho nhỏ nào đó, cũng sẽ là một bài học đánh đố dành cho con. Tiêu cực là cái có thể dễ dàng nhận biết và vượt qua, nhưng cái bẫy của những tích cực vượt qua mới là khó.
Con biết ơn mọi nhân đã duyên cho con được là con của ngày hôm nay. Ngoài Thầy Tổ, giáo thọ sư,… đời tu chúng con còn được dung dưỡng bởi tình huynh đệ, nghĩa đồng môn. Bốn ân mang nặng, chúng con chỉ nguyện sống cho tròn…
Chặng đường dài đệ huynh mình gặp lại Búp sen chào ôn lại chuyện ngày phai Bàn tay ai viết nên bao hoài bão
Phút tương phùng chớ vội biệt từ nhau.
Lý tưởng nào đã và đang thực hiện Hoa trái nào trong chuyển hóa thân tâm
Có an vui trong nghịch cảnh - thuận phiền Hay rong ruổi lãng quên miền tỉnh thức?
Lý tưởng nào đã và đang thỏa nguyện Có lợi mình, lợi người – lợi cả hai?
Dẫu ra sao… nhưng đạo vẫn còn dài
Tín - nguyện - hạnh sẽ đưa đường dẫn lối. Bừng giọt sáng rọi tâm hành u tối
Vượt bản năng ra khỏi mọi nguồn mê Hạnh anh nhi đệ huynh hãy nương về Cùng dung dưỡng mãi bồ đề quyến thuộc.
Trung Tuệ
(Quận 12, TP.HCM)