Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 anh dep nhat ve phat 041109417

28. Thư Gởi Như Lai

Bùi Nguyễn Ngọc Ánh

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Lá thư này con kính dâng lên Ngài với những lời chân thành nhất tự cõi lòng của con, nơi chứa đựng biết bao nhiêu nỗi ưu tư đầy trắc ẩn mà giờ đây con chỉ có thể biết bộc bạch với Ngài. Được viết ra những lời tâm sự từ sâu thẳm trong trái tim, được Đức Thế Tôn lắng nghe, được sự chia sẻ từ các huynh đệ đồng tu, con như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực, được tưới mát bởi dòng nước của sự bình yên và hơn hết những nỗi mệt nhoài trong tâm hồn con giờ đây được rũ bỏ trôi theo dòng chảy của tự nhiên.

Thưa Thế Tôn, may mắn thay, kiếp sống này con được gặp Ngài, được sống trong một ngôi nhà vô cùng nguy nga tráng lệ của đạo pháp, ngôi nhà luôn đầy ắp châu báu của tình yêu thương không chỉ từ Đức Thế Tôn mà tình thương ấy còn đến từ các huynh đệ đồng tu của con trên toàn thế giới. Được hòa mình vào đạo pháp của Như Lai, con nguyện luôn tinh cần và tỉnh thức, điều đó có thể giúp con chế tác được chánh niệm, nâng đỡ con sống hạnh phúc trọn vẹn trong mỗi giây, mỗi phút.

Giống như chiếc lá kia trên đầu cành có tác dụng tạo ra chất dinh dưỡng để nuôi sống chính mình, nuôi sống những chiếc lá khác và toàn thể thân cây. Chiếc lá ấy trọn đời của nó chỉ toàn

 

tâm vào việc yểm trợ nuôi lớn thân cây mà không hề mảy may một ý niệm hiềm hận hay ganh ghét. Chúng con, những người con Phật, đang hàng ngày thực tập những phẩm hạnh cao quý của chiếc lá ấy để từng phút, từng giây, từng sát na không ngừng chế tác ra nguồn năng lượng từ, bi, hỷ, xả không những nuôi dưỡng bản thân con mà còn nâng đỡ, chữa lành tâm thức cho mọi người để từ đó nhân loại này, xã hội này mỗi ngày càng tươi đẹp và lớn mạnh hơn.

Khi xưa, với lòng yêu thương chúng sanh vô hạn, Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ để đi đến một nơi hoang vắng và cũng chính một mình Ngài từ bỏ được những nhiễm ô, phá ma quân mà đạt được sự giải thoát viên mãn ngay chính trong lòng cuộc đời. Ngày nay, chúng con được sống trong một thế giới mới, thế giới của những tiện nghi và công nghệ phát triển, một thế giới mà chỉ cần một cú nhấp chuột thôi cũng có thể thay đổi cả cuộc đời của một con người. Thế giới này có quá nhiều những bất ổn, quá nhiều những bạo động mà hằng ngày chúng con vẫn thấy đâu đó các tin tức xấu xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kính bạch Đức Thế Tôn!

Con nhớ rất rõ, khi Ngài còn tại thế, trong những năm đầu, Ngài và hàng đệ tử xuất gia là những du tăng sống bằng cách khất thực và thường cư trú qua đêm ở các gốc cây trong những khu rừng nhỏ. Một đoàn thể với lối sống hoàn toàn thanh tịnh mà mỗi khi được nhắc đến trong con lại dâng lên một niềm xúc động khó tả. Tuy sống đơn giản nơi am tranh vách lá là thế nhưng trong Tăng đoàn mà Ngài đã dựng lập và nâng đỡ có biết bao nhiêu vị đã chứng được các quả vị Bồ đề.

Thế nhưng, bên cạnh những vị thánh tăng ngày đêm tinh chuyên tu tập và hành trì thì cũng vẫn còn tồn tại đâu đó những vị ác tăng. Con nhớ mãi các câu chuyện về vị Tỳ kheo Devadatta do vì căn tính bất tịnh nên vẫn còn đọng lại những vũng nước

 

của sự nhơ nhớp, hiềm hận, ganh ghét đã nhiều lần ám hại Ngài. Thế nhưng, nhờ tấm lòng nhân từ và khoan dung mà Ngài đã hóa giải được mọi hiểm nguy xảy ra với chính bản thân mình mà không cần bất kì một phép thần thông biến hóa nào cả. Dù cho những sự việc ấy đã xảy ra cách nay hơn 25 thế kỷ nhưng ngày nay những cảnh tương tự vẫn tiếp tục nhan nhản xảy ra hòng làm phương hại cho Đạo Pháp, bởi con nghĩ cái “bản năng” sâu kín của con người và cái “bản chất” căn bản của tập thể xã hội từ nghìn xưa đến nay dường như vẫn không biến đổi nhiều. Tham vọng, hận thù, bám víu, chiến tranh, tranh dành, mưu mô, hung dữ, xảo quyệt, lường gạt... thì cũng vẫn thế, hoặc giả còn có phần gia tăng hơn.

Thưa Thế Tôn, con nghĩ có lẽ cũng chính do cái được cho là bản năng của con người đang làm nguy hại cho chánh pháp. Họ ra sức mỉa mai, phê bình, lên án các ngôi chùa nhất là những ngôi chùa được đầu tư xây dựng nhiều. Lôi kéo người này bất thành, họ quay sang người khác lôi kéo, để rồi nhờ vào hiệu ứng đám đông hòa cùng sự vô minh kém trí nghèo tuệ của một bộ phận dân số mà giờ đây cả tăng đoàn phải sống trong sự e dè bởi nếu một vị tu sĩ nào sơ suất làm không vừa lòng họ thì đó cũng có thể là một chủ đề để bàn tán trong dư luận. Nhưng người đời họ nào hiểu được rằng, những vị tu sĩ, cũng là những con người bình thường, khác chăng chỉ ở bộ trang phục hay cái đầu không tóc, đôi lúc họ cũng đối diện với những phút giây xao xuyến khi bắt gặp cảnh người người tay trong tay dạo phố hay những phút giây tủi hờn khi gặp những chuyện bất trắc. Tuy nhiên, đó chỉ là những giây phút mau đến rồi cũng chóng đi. Bởi chúng con hiểu rằng chúng con – những người tu tại gia hay quý thầy – những vị tu sĩ đã rời xa cuộc đời thế tục không bao giờ đơn côi vì đã có Đức Thế Tôn - người cha vĩ đại của toàn thể nhân loại - đang ngày đêm sát cánh ở bên chúng con mỗi giây, mỗi phút, mỗi hơi thở, mỗi tế bào.

Con xin phép được gọi Người bằng một tiếng cha, tiếng gọi

 

đã gắn bó sâu đậm trong tim của mỗi người con Việt Nam, một tiếng tuy với âm điệu đơn sơ nhưng chứa chan biết bao tình cảm mà cả cuộc đời Ngài hy sinh để chúng con có được con đường đầy cỏ lạ và hoa thơm để tiếp bước như ngày hôm nay. Cha ơi, cha có thể giúp cho người con ngu muội này hiểu tại sao người đời trong xã hội ngày nay lại bán rẻ lương tâm mình như thế? Tại sao ngày càng nhiều ngôi nhà cao tầng, chung cư, quán nhậu, bar, club mọc lên như nấm,… cốt để phục vụ nhu cầu ăn chơi sa đọa của con người thì dân chúng lại cho đó là bình thường? Thế mà chỉ một ngôi chùa vừa mới dựng lên thì họ lại bắt đầu xúm lại để nói rằng xây chùa to, Phật lớn phí tiền của dân?

Nhưng cha ơi, cha có biết không, những nơi mà họ cho là Chùa to Phật lớn, chính là những ngôi chùa mà hằng năm, thậm chí hàng tháng, hằng ngày là nơi quay về tu tập của biết bao người từ các bạn trẻ sinh viên đến các cụ già lớn tuổi. Nếu không có sức chứa đủ rộng thì khi các hành giả về tu tập họ sẽ lưu trú ở nơi nào? Tuổi trẻ được tiếp xúc với Phật pháp là điều vô cùng đáng trân quý, cánh cửa tuệ giác từ đó mở ra từng chút một, từng ngày một và chính nhờ nơi cửa Phật mà nhiều hạt giống tốt được gieo vào tâm thức các bạn, lòng từ trong các bạn sẽ được sinh sôi nảy nở với trái tim hiểu biết, để cuộc sống ngày một hoàn thiện và thăng hoa đến con đường chân - thiện - mỹ, đó cũng là tiền đề để các bạn có thể vững bước chân trên vạn nẻo đường đời.

Kính thưa cha,

Giờ đây, con đang quán chiếu mọi vật như những cơn sóng trên đại dương, có lên có xuống, có sinh có diệt và kể cả có sai có đúng. Con cũng hiểu được rằng sở dĩ mà Tăng đoàn ngày càng bị những kẻ ngoại đạo tấn công ắt cũng có những nguyên nhân khác. Pháp mà cha đã cất công truyền dạy lại cho chúng con là Pháp hành. Thế nhưng, ngày nay con thấy rằng, có một

 

bộ phận dân chúng khi đến những nơi trang nghiêm như các tu viện, chùa chiền không phải để học Phật pháp mà để tham quan, du lịch nhằm thỏa trí tò mò, hiếu kỳ. Xã hội mà chúng con đang sống ngày nay quá xem trọng hình thức, luôn mải mê chạy theo với các kỷ lục, các chức danh bề ngoài, chỉ chú trọng tô vẽ cái phần xác mà quên đi bồi đắp cái hồn.

Mọi người hay lầm tưởng một ngôi chùa to là chốn kinh doanh, lôi kéo số đông, cho rằng đó là nơi báng bổ thần thánh, có thể điều đó không sai trong bối cảnh xã hội ngày nay nhưng một con sâu làm rầu nồi canh đã ảnh hưởng đến toàn bộ tăng đoàn thanh tịnh. Họ đã quên đi những lợi ích cực kỳ to lớn của việc phát triển cơ sở tu tập. Họ hay so sánh việc xây bệnh viện và chùa, xây trường học và tu viện. Thế nhưng, đâu ai biết rằng các việc đó vẫn đang phát triển song song đó thôi. Phải chăng những suy nghĩ tiêu cực đó đến từ sự chèn ép hay sân si, ác cảm với một số cá nhân rồi tự đánh đồng, thêu dệt một thành mười, mười thành trăm rồi từ đó đa số hóa thành một tập thể chung của Đạo Phật.

Thưa cha,

Từ rất lâu con đã ý thức được rằng khi một tự viện, một tượng Phật được dựng lên nghĩa là nơi đó đang dung chứa những chúng sanh đang đau khổ và lạc loài, u mê không lối thoát tìm lại được niềm tin và lẽ sống. Tiếng chuông chùa ngân vang như là lời cảnh tỉnh cho những ai đang lầm đường lỡ bước mau chóng dừng lại mà tìm về chánh giác, sám hối mọi lỗi lầm trước dung nhan của Đức Phật.

Một ngôi chùa dựng lên con thấy đâu đó hình ảnh những bác xe ôm, cụ bán vé số đứng trước cổng chắp tay trong lời khấn nguyện thiện lành gửi trọn đời sống tâm linh của mình vào nơi cửa Phật. Một ngôi chùa dựng lên, con thấy hình ảnh mỗi tối bà con cùng nhau tay xách giỏ đựng áo tràng lễ về chùa tụng kinh

 

mà không phải tụm năm tụm bảy đánh bài, chơi bạc. Và một ngôi chùa dựng lên cùng với phương pháp tu tập đúng đắn và những vị Thầy khả kính đã mở ra những con đường mới, những lối đi vững chãi cho biết bao mảnh đời đau khổ tìm lại được lẽ sống mới.

Quán chiếu lại cuộc đời con, nhờ tìm về với Phật pháp mà đời sống con đã có nhiều chuyển biến tốt đẹp hơn, con đã biết nhìn vạn vật với đôi mắt khách quan và nhận ra cảnh vật quanh mình đẹp đẽ, nhiệm mầu biết bao. Kính thưa Thế Tôn, đôi lúc nhìn thấy một bông hoa khô héo từ gốc đến ngọn ven đường con tưởng chừng cây hoa ấy đã chết, ấy vậy mà chỉ sau một đêm mưa, nó lại bật sức sống, lá lại xanh và nở rộ những đóa hoa xinh đẹp. Con người cũng như những đóa hoa ấy, nếu không biết chăm bón, nuôi dưỡng thì sẽ bị sâu bọ, côn trùng phá hoại, ngược lại nếu biết tự nuôi dưỡng, thúc liễm thân tâm thì chắc chắn đến một ngày nào đó sẽ nhận được hoa thơm, trái ngọt. Con vốn dĩ luôn tâm niệm rằng mỗi một cá thể, mỗi nhân sinh đến với cuộc đời với những sứ mệnh khác nhau. Ai cũng có những đau khổ, những khó khăn, thử thách, quan trọng là chúng ta biết nhận ra những vấn đề ấy bằng con mắt quán chiếu của Phật giáo để rồi từ những khó khăn ấy là bàn đạp vững chắc, là một nhân duyên thiện lành để chúng ta tu tập tinh tấn hơn, hướng đến một tương lai tươi sáng. Thế Tôn biết không, cuộc đời con cũng đã từng như thế, đã trải qua biết bao đau khổ từ tệ nạn bạo lực gia đình, vì có nhiều biến động như thế nên tuổi thơ của con cũng đã ghi dấu những điều tồi tệ nhất, có thể xem như đó là một khoảng thời gian đau khổ và tuyệt vọng nhất trong con. Có đôi lúc con như ngất lịm trong cơn đau khổ tột cùng và khi đó con chỉ muốn từ giã cuộc sống, không muốn tiếp tục cuộc đời với những bất hạnh này. Không như bạn bè cùng trang lứa, gia đình chính là mái ấm yêu thương, yên bình để quay về, nhưng con thì không được như thế, mỗi lần nhớ đến những sự việc mà con đã trải qua thì lòng con lại quặng lên từng cơn đau mà không thể nào ngăn được đôi dòng lệ tuôn trào. Đó chính là

 

những chuỗi ngày dài đằng đẵng con và mẹ phải sống trong đau khổ và nỗi ám ảnh. Con đã từng chìm vào giấc ngủ cùng nước mắt, và con đã từng cô đơn đến thế ...

Có lẽ trong cuộc đời này, ai cũng có những ước mơ, những hoài bão cho riêng mình và con cũng thế, điều duy nhất con luôn mong mỏi, khắc khoải thành hiện thực chính là con sẽ trở lại trong vòng tay ấm êm của ba, được sống hạnh phúc trong gia đình như ngày giông bão chưa từng xảy ra, ba của con sẽ biết dừng lại và chuyển hóa những tham lam, ái dục và sân hận đang tồn tại trong tâm thức ông ấy. Con mong mỏi, khắc khoải cuộc đời sẽ trả lại cho con người ba tảo tần sớm hôm, luôn yêu thương gia đình như ba đã từng làm. Nhưng con hiểu, mãi mãi sẽ không bao giờ tồn tại hai chữ “giá như”, tất cả duyên đến rồi duyên sẽ tàn như những con sóng bạc đầu ở biển cả trong tích tắc sẽ hòa mình vào dòng nước cuốn trôi. Cái bi kịch của cuộc đời, cái bi kịch của hôn nhân là ở đó. Khi tình yêu mới chớm nở, mới đến với nhau thì cặp đôi nào cũng dường như hiểu nhau từng chân tơ kẽ tóc. Người kia muốn gì, người này chỉ cần nhìn vào mắt đã hiểu, đâu phải nói nhiều. Cứ tưởng rằng về ở với nhau thì sẽ ngày càng gắn bó khăng khít và thấu hiểu tận nguồn nhau hơn... Thế mà trái lại, vô số cuộc hôn nhân cứ lần lần tan vỡ mà lý do được đưa ra rất phổ thông là: Không hiểu nhau! Và ba với mẹ con là một điển hình. Con người là một giống loài khác biệt nhất trong thế giới của sự sống. Chẳng thế mà ông bà xưa đã từng nói, trâu bò ở với nhau lâu thành quen, người ở với nhau lâu sinh chuyện! Chắc có lẽ cũng không sai.

Thế Tôn đã từng dạy chúng con rằng: “Kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau. Con người gặp nhau là bởi chữ Duyên, sống và yêu nhau là bởi chữ Nơ.”

Có rất nhiều cặp vợ chồng, đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay. Những người dung tục sẽ nói người kia là trăng

 

hoa, đểu cáng… nhưng thật ra nếu biết quán chiếu, nhìn sâu vào từng vấn đề, chúng ta không khó nhận ra rằng chỉ là người ta đã trả xong nợ và đã đến lúc phải rời đi. Chuyện tình cảm không thể cưỡng cầu.

Thế nhưng, thật may mắn, vào lúc tuyệt vọng nhất trong cuộc đời, con đã được tìm được minh sư, tìm được chánh pháp để vực dậy tinh thần của con. Con được học về nhân quả để hiểu rằng mọi điều trên thế gian không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên biến mất, tất cả chỉ là biểu hiện dưới nhiều trạng thái khác nhau. Những lời dạy của Thế Tôn như ngọn đuốc sáng giúp con bước ra khỏi bóng tối, loại bớt hạt giống tiêu cực và tưới tẩm những hạt giống tốt trong con. Thế Tôn đã nói về nhân duyên sinh bao trùm lên tất cả thế giới vũ trụ và chúng sinh. Nhân duyên trên đời thật đặc biệt, kết nối những con người xa lạ với nhau thân tình-thân ái. Tất cả, suy cho cùng đều là chữ “duyên,” nó giải thích được sự cảm mến, tâm tính giữa người với người, có một sợi dây vô hình chung mang con người gần nhau hơn. Cuộc sống có cái duyên là điều lạ mà thú vị. Người ta gieo duyên để có thể gặp nhau dù lâu dài hay ngắn ngủi, chạm nhau một giây thôi cũng gọi là duyên bởi không phải vô tình mà trong hàng ngàn vạn người, ta được thấy người đó. Cũng vậy, nhờ có duyên lành mà con đã được bén duyên với Phật pháp, từ đó con ngộ ra rất nhiều bài học cho tự thân con để con có thể tự chữa lành tâm thức đang bị tổn thương trong con. Con sẽ cố gắng hoàn thiện mình ngày một tốt hơn để trở thành sự tiếp nối đẹp đẽ của Thế Tôn, của gia đình tâm linh và của cả gia đình huyết thống. Giờ đây, con đã biết mình nên làm gì để có thể xứng đáng để trở thành một Phật tử, một người con ngoan của Đức Thế Tôn. Con sẽ rèn giũa bản thân con thật tốt để có thể góp chút ít năng lượng bình an gửi tặng cho mọi người.

Từ những bài học mà Thế Tôn đã dạy, con đã học được cách yêu đời, yêu sự sống. Con được dạy cách trân trọng mọi thứ trong cuộc đời, trong đó có mạng sống của chính con. Giờ đây

 

con đã sống một cách chánh niệm hơn, con biết ơn ánh sao hôm, biết ơn tia nắng sớm, con vui khi nghe tiếng chim, xem hoa nở, con thấy bình yên khi ngắm bãi cỏ xanh... Con cũng có thể lan tỏa suy nghĩ và hành động tích cực của bản thân đến những người chung quanh mình để cuộc sống thêm nhiều niềm vui và ý nghĩa. Thấu hiểu quy luật vận hành của vũ trụ, con nhận thức rõ rằng, cứ làm tốt thì kết quả tốt, làm xấu thì kết quả nhận được là xấu, và cuộc sống là một chuỗi nhân- quả luân phiên nhau. Khi thực hành thuận theo luật nhân quả, con có thể tìm được sự bình an nội tại, thân khỏe hơn, tâm thanh thản hơn và có khả năng giúp người khác cải thiện cuộc sống tốt hơn về các phương diện này. Từ đó, con điềm tĩnh, thanh thản và bình an hơn, dù ngoài kia, hoàn cảnh có lúc thăng trầm, nhưng đó không phải là tất cả cuộc sống của con. Giữa đất trời mênh mông, bao la và rộng lớn, mỗi con người chúng ta đều chỉ là những hành khách qua đường, rất nhiều người đời và sự tình chúng ta không cách nào có thể làm chủ nổi cho được. Ví như thời gian đã trôi qua, ví như người đã rời xa! Thế nên, sống chân thành, chánh niệm, trân trọng từng giây từng phút của cuộc đời là con đã đạt được đỉnh cao của sự hạnh phúc, không vội vàng, bất chấp, hơn thua với đời nữa, con đã có thể đứng thật vững trên đôi chân bé nhỏ của mình để thiết lập một đời sống mới an vui hơn, nhẹ nhàng hơn, một đời sống trải rộng sự biết ơn và trân trọng, một đời sống của bao dung và sẵn sàng tha thứ…Một đời sống tỉnh thức và làm chủ tâm mình.

Thế Tôn ơi! Con cảm ơn Người đã lắng nghe những gì con tâm sự. Được nói ra hết những tâm tư trong lòng, con thật sự thấy tâm hồn mình vô cùng nhẹ nhõm. Qua bức thư này, con cũng xin thành kính gửi lời tri ơn sâu sắc nhất từ tận đáy lòng con tới tất cả quý thầy và quý sư cô trên toàn thế giới – những người lái đò thầm lặng đã và đang chèo lái những con thuyền ngày ngày chuyên chở chánh pháp, đưa những người con lầm đường lỡ bước cập đến bến bờ của sự bình an và giải thoát. Con tin rằng, dù ít

 

hay nhiều thì sức mạnh của Phật pháp cũng sẽ đủ để đánh thức những tâm hồn đẹp đã ngủ quên. Mong rằng mỗi người đều là một mảnh ghép của sự yêu thương để mỗi sớm mai trở về, chúng ta mãi luôn là những người “biết đủ, biết thương, biết buông, và biết cách tử tế với trái tim lương thiện như thuở ban đầu”.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Con,

Lệ Ánh

Bùi Nguyễn Ngọc Ánh

(Bình Tân, TP.HCM)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm