Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hoa quynh1

27.  Dạ `Quỳnh

Tâm Nhuận Phúc

Gia đình tôi có sáu anh chị em. Trước 1975, bố tôi là một công chức, mẹ tôi nội trợ, cho nên cuộc sống rất thanh

bạch. Cả nhà theo Đạo Phật kiểu truyền thống gia đình, giống như nhiều gia đình Việt khác. Bố mẹ hồi còn sống ở Sài Gòn hay đi chùa Phước Hải gần nhà, cho nên các con cũng đến đây để lễ Phật vào dịp Tết Nguyên Đán, Phật Đản, Vu Lan. Chúng tôi được dạy dỗ là ở hiền thì gặp lành, tin vào nhân quả. Niềm tin vào Phật Pháp đơn giản là thế, chứ anh chị em trong nhà chưa có duyên để nghiên cứu kinh sách Phật Pháp, hay đi tu học, được hướng dẫn thực hành thiền tập một cách căn bản. Mẹ tôi về già mỗi ngày đều niệm Phật, lần tràng hạt, ăn chay một tháng 4 ngày. Tôi có một ông chú uyên thâm Phật Pháp lắm, thấy mẹ tôi có niềm tin chân thành vào Tam Bảo, nên cũng thỉnh thoảng đem Tam Pháp Ấn, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo ra giải thích cho bà nghe. Nhưng có vẻ như mẹ tôi cũng không quan tâm đến việc tìm hiểu sâu hơn những khái niệm này. Chú tôi nói rằng mẹ tôi vẫn chưa thực sự khởi tín tâm.

Là một gia đình công chức đông con, nỗi lo lắng về vấn đề sinh kế là điều không tránh khỏi. Tôi còn nhớ hồi còn bé ngủ chung với bố mẹ, những buổi tối trước khi đi ngủ nghe hai người bàn bạc về chuyện làm sao trang trải đủ chi phí của gia đình, tôi cảm nhận được nỗi bất an này ngay từ thuở thơ ấu. Sau

 

1975, bố tôi mất sớm, cho nên nỗi lo đó còn tăng thêm, và đặt gánh nặng lên vai mẹ tôi và một vài anh chị lớn trong nhà. Mẹ tôi phải xoay sở đủ mọi cách để đưa gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế của cả nước. Chỉ sau khi một vài anh chị ra trường, đi làm, đem thêm đồng lương về phụ gia đình, mẹ tôi mới đỡ được gánh nặng. Tuy nhiên, nỗi lo thì vẫn theo đuổi mẹ tôi suốt đời, ngay cả khi gia đình đã hoàn toàn thoát ra khỏi nguy cơ đói nghèo. Và hình như những nỗi lo âu đó ảnh hưởng đến cả anh chị em chúng tôi nữa. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều bà mẹ, gia đình Việt Nam đã từng sống trong một đất nước Việt Nam phải trả qua quá nhiều đau khổ. Tôi thương mẹ tôi lắm, đã từng ước ao khi lớn lên, làm sao có thể giúp mẹ mình trút bỏ được những nỗi niềm bất an đó.

Đến nay, anh chị em chúng tôi đã vượt quá lục tuần. Dù không giàu có, tất cả chúng tôi đều có công việc ổn định, có một mức sống trung lưu trong xã hội Việt Nam. Một số chị lớn nay đã nghỉ hưu. Cùng theo vận nước và dân tộc nổi trôi, gia đình có người ở Mỹ, có người ở Việt Nam. Có người vượt biên, có người đi theo diện đoàn tụ gia đình. Chúng tôi vẫn có cảm giác gắn bó với nhau như thời ở chung một mái nhà. Truyền thống đại gia đình Việt Nam hình như vẫn còn trong nếp suy nghĩ. Thời đại internet, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau qua mạng xã hội viber, để mọi người chia sẻ chuyện gia đình, con cháu, chuyện nhà cửa, chuyện họ hàng… Anh chị em vẫn có thể nhìn thấy nhau qua màn ảnh, nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tuy xa mà gần…

Bà chị cả của tôi ở miền Nam Cali. Chồng mất sớm, chị sống chung với vợ chồng cậu con trai, niềm vui lớn nhất là nhìn hai đưa cháu nội lớn lên, giỏi giang trong học tập. Chị đã về hưu, ngoài việc chăm sóc cháu, bếp núc, chị có thú vui là trồng cây làm vườn. Mới đây, mấy bụi hoa quỳnh sau vườn nhà chị nở tám đóa hoa tuyệt đẹp. Chị chụp hình khoe cả nhà. Không những vậy, chị còn cảm hứng viết ra những câu thơ như sau:

 

Dạ Quỳnh

Tạc dạ bát hoa khai, Kim nhật bát hoa tận! Cánh hoa rời tan tác,

Nhụy, hương cũng tàn phai! Chỉ còn một nụ nhỏ,

Hứa hẹn của ngày mai!

Cả nhà hào hứng, thích thú quá! Cả đời làm chị lớn trong nhà, bận rộn quán xuyến từ gia đình riêng đến đại gia đình chung, lúc nào chị cũng tất bật. Chị là người quan trọng nhất, sát cánh cùng mẹ tôi đưa gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi bố mất. Ít khi thấy chị có thời gian cho chính mình, nhàn nhã trong tuổi già. Chuyện hoa quỳnh tối nở sớm tàn là khá bình thường, nhiều gia đình gốc Vịệt ở Cali trồng hoa quỳnh lắm. Nhưng nay chị tôi đã biết bỏ bớt lo toang, dành thì giờ ngắm hoa, làm thơ, mà thơ còn có thoảng chút đạo vị nữa. Có thể khi ngắm hoa, chị liên tưởng đến hai đứa cháu nội. Nhìn những cụm hoa tàn, chị nhận ra vẫn có một nụ hoa chờ ngày khai nhụy trọng tương lai. Thế hệ ông bà, cha mẹ rồi sẽ ra đi, nhưng đã có đám con cháu nối dõi, làm rạng danh gia tộc, giống nòi. Một cái nhìn có hậu theo nếp suy nghĩ truyền thống gia đình của nhiều người Việt cùng thế hệ…

Chúng tôi trao đổi bình luận qua viber, cùng nhau “bình thơ”, đề nghị thêm bớt chữ nghĩa, rồi khuyến khích mọi người hưởng ứng với đề tài thú vị này. Một bà chị khác ở Việt Nam sau đó đã viết một bài thơ khác cùng chủ đề:

Thương thay một đoá Quỳnh hương Trong đêm nở rộ ngát hương thơm lừng Bình minh rọi ửng tia vàng

Quỳnh hương rũ cánh hoa tàn còn đâu

 

Nhân sinh một kiếp qua mau

Trăm năm một thoáng vẹn tình thế gian Như Quỳnh tối nở, sớm tàn

Dư hương còn mãi vấn vương lòng người.

Cũng hay không kém! Là người có lối suy nghĩ giản dị, hồn nhiên, có lẽ nhờ vậy mà chị là người ít lo lắng nhất trong gia đình. Có đôi khi tôi ước muốn có được sự vô tư của chị. Là một giáo viên nghỉ hưu, cho nên bài thơ của chị dường như chứa đựng một ý nghĩa mang tính giáo dục. Hoa quỳnh dù chỉ nở trong một đêm, nhưng hương sắc của nó cũng làm ngây ngất lòng người, làm đẹp cho thế gian. Huống chi trăm năm một đời người, ta nên sống sao cho trọn nghĩa tình, sống sao cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa với chính bản thân, đem lại niềm vui cho bao người thân yêu. Đời sống của hoa, của người ngắn dài không quan trọng, miễn sao có ích cho đời, cho người mới là đáng trân quí. Quả là bài thơ của một nhà giáo có khác!

Và sau cùng, ông anh lớn trong gia đình vừa mới sang định cư tại Hoa Kỳ được vài năm cũng góp thêm một bài thơ nữa:

Xuân đến trăm hoa nở đầy sân, Xuân đi hoa rụng biết bao lần. Đêm qua quỳnh nở tươi như mới, Sáng dậy hoa tàn hết sắc xuân.

Một đêm thoáng chốc như năm vậy, Vạn sự vụt qua chẳng định thần.

Bao giờ cho đến ngày xưa ấy, Để ta về lại nhớ mùa Xuân.

Quỳnh đi quỳnh đến xa rồi,

 

Ta ngồi đợi mãi việc đời bể dâu. Giật mình chợt nghĩ lo âu,

Trăm năm một thoáng bạc đầu quỳnh ơi!...

Bài thơ rõ ràng được gợi hứng từ bài thơ thiền bất hủ Cáo Tật Thị Chúng của thiền sư Mãn Giác. Tôi bắt đầu nhận ra rằng Phật Pháp đã thấm nhuần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, nếp sống của các thành viên trong gia đình một cách nhẹ nhàng, thầm lặng. Trong thời đại bùng nổ thông tin internet, người Việt dù ở đâu không nhất thiết phải đến chùa mới gần được chánh pháp. Ở Việt Nam bây giờ, nhiều ngôi chùa to, tượng Phật lớn nhưng chỉ là nơi viếng cảnh du lịch, buôn thần bán thánh. Ngày nay, việc nghe pháp từ các vị tu hành thực sự am tường Đạo Pháp ở khắp nơi trên thế giới, hay đọc các bài viết sâu sắc về Phật Giáo của các nhà nghiên cứu trên mạng internet thật dễ dàng. Phật tử ở Việt Nam vẫn có thể xem trên Youtube các bài pháp thoại của các vị tăng ni sống ở Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu, Úc Đại Lợi… Với một niềm tin Tam Bảo sẵn có, có lẽ anh chị em tôi đã tự tìm hiểu thêm về Phật Pháp bằng nhiều phương tiện khác nhau, rồi tự áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Hình như ít nhiều giáo lý nhà Phật đã giúp chúng tôi buông bỏ bớt một số lo âu, vốn đã theo đuổi chúng tôi trong suốt thời thơ ấu khó khăn.Tu có khi đơn giản chỉ là thay đổi cách nhìn về đời sống cho đúng với thực chất. Nhận ra và chấp nhận vô thường trong cuộc sống đã là một bước tiến dài trên đường tu. Trong bài thơ đầu tiên, bà chị cả thấy hoa nở rồi tàn, nghĩ về sinh lão bệnh tử của đời người là đã bắt đầu thấy đạo. Bắt đầu buông bỏ những nỗi lo âu của đời sống là đang thực hành tâm xả ly. Trong bài thơ thứ nhì, bà chị ở VIệt Nam hướng mục tiêu của cuộc sống đến những việc làm tốt đẹp cho người, cho đời là đang tập sống với hạnh từ bi của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Riêng bài thơ thứ ba của ông anh tôi, dù bắt đầu với ý tưởng

 

của Thiền Sư Mãn Giác, nhưng hình như vẫn chứa đựng nỗi ưu tư về những đổi thay quá nhanh trong cuộc sống. Tôi hoàn toàn thông cảm với tâm trạng của anh, hiện đang phải thích ứng với đời sống mới như chạy đua, đầy căng thẳng ở Mỹ, trong khi năng lượng tuổi trẻ đã qua đi. Những người lớn tuổi đã có cuộc sống ổn định ở Việt Nam, khi sang Mỹ thường bị sốc với sự thay đổi này. Tôi cũng đã trải qua cùng tâm trạng hồi mới qua đây từ hơn chục năm trước. Rời quê hương ra đi chỉ vì nghĩ đến tương lai của con cái, chứ phải làm lại cuộc đời từ đầu khi tóc đã điểm sương thực sự là một áp lực lớn, không phải ai cũng vượt qua được. Tôi có nhiều người thân quyết định quay trở về Việt Nam sau một thời gian ở Mỹ, vì không thể hội nhập, đáp ứng với cuộc sống ở đây.

Nhưng thật may mắn, sang đến Mỹ ở ngay tại Little Saigon Quận Cam, tôi lại có duyên đọc và nghe Phật Pháp nhiều hơn. Dường như những nỗi lo âu trong cuộc sống mới thôi thúc tôi đi tìm sự bình an qua việc đi nghe các buổi giảng pháp được tổ chức bởi các nhóm đạo tràng ở vùng Nam Cali, hay nghe băng đĩa thâu lại các buổi pháp thoại. Ít có người nhận ra rằng ở Mỹ ngày nay, sự lựa chọn để tìm ra một vị thầy phù hợp với căn cơ hiểu đạo của từng Phật tử còn phong phú hơn nhiều so với trong nước Việt Nam. Tôi bắt đầu dần dần nhận ra sự chuyển hóa bắt đầu đến từ việc chuyển hướng cái nhìn vào bên trong chứ không phải ra bên ngoài. Tâm thức đóng vai quan trọng về khổ đau hay hạnh phúc trong đời người. Một minh họa rất hay cho vấn đề này là có người đang khát được tặng cho nửa ly nước. Vẫn với một sự thật trước mắt là nửa ly nước, nhưng có người buồn bã bảo rằng “tôi chỉ có nửa ly nước thôi, ít quá!”, trong khi có người lại hân hoan “tôi có đến nửa ly nước lận, nhiều quá!”. Không có ai đúng, ai sai trong hai cách nhìn, nhưng chắc chắn người thứ nhì sẽ có nhiều hạnh phúc hơn.

Chỉ cần đổi thái độ của mình đối với cùng một thực tế, ta đã có thể tạo ra sự an lạc trong tâm thay cho lo âu, bất mãn. Chỉ vì

 

thay đổi nhận thức, tôi bắt đầu nhận ra những niềm vui, hạnh phúc có trong cuộc sống ở Mỹ chứ không phải chỉ là lo toan. Có những niềm vui đơn giản, không mất tiền mua mà ở Việt Nam có tiền tỉ cũng khó được hưởng: quyền tự do, môi trường trong lành, thực phẩm an toàn, thiên nhiên sạch đẹp, con người đối xử văn minh với nhau…Nhớ khi còn ở Việt Nam, có quá nhiều nỗi lo khiến cho con người dễ trở nên bất an. Sống ở cái xứ sở giàu có và tự do nhất thế giới, hạnh phúc có khi ngay ở trước mắt, ngay trong giây phút hiện tại mà mình không chịu thấy. Chỉ cần “tri túc”- nhận biết mình đã đầy đủ- để dừng lại là sẽ có được sự an nhiên tự tại. Và khi mình thấy đủ, tự nhiên lòng mình sẽ rộng mở, hào phóng hơn để sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác. Làm sao ta có thể sẵn lòng cho đi của cải, vật chất của mình khi mà chúng ta cảm thấy bản thân và gia đình vẫn còn thiếu thốn?

Tôi còn nhận ra xa hơn rằng sự cho đi không chỉ bao gồm của cải vật chất, mà còn có cả yếu tố tinh thần nữa. Tôi đã từng nghe một vị thầy nào đó giảng rằng vô úy thí - giúp người khác vượt qua nỗi sợ hãi- còn tạo công đức nhiều hơn là bố thí của cải. Muốn làm được điều này, chính bản thân mình phải có được sự bình an. Làm sao chúng ta có thể cho đi cái mà mình không có? Chỉ khi tâm mình an lạc, mình mới có thể chia sẻ được sự bình an cho những người thân chung quanh.

Nói thì dễ, thực hành mới khó. Nhưng nếu có quyết tâm ta vẫn có thể dần dần thay đổi chính mình. Thầy tôi dạy rằng tu là việc của riêng từng người, tùy theo hoàn cảnh của từng người, và chỉ có cá nhân người đó mới tự quyết định được con đường mình đi. Không có ông thầy nào, đạo tràng nào có thể tu thay cho mình cả. Ý thức được điều này, tôi cũng đã bắt đầu có gắng thực tập, vì ý thức rằng thời gian của cuộc đời không còn nhiều. Chỉ cần trong những năm tháng còn lại, làm sao mỗi ngày tôi có được nhiều hạt giống an lạc hơn là khổ đau, như vậy là tốt lắm rồi.

Tôi nhớ lại ước mơ của mình ngày xưa, làm sao giúp cho

 

mẹ thoát khỏi những nỗi lo âu trong cuộc sống. Mẹ tôi nay đã mất rồi, cho nên tôi không còn cơ hội để thực hiện hoài bảo của mình. Trong một ngày giỗ mẹ, có lần tôi đã đứng trước bàn thờ và thầm khấn, như đang nhắc lại với mẹ lời dạy của thầy tôi: “Mẹ ơi, quẳng đi những gánh lo âu là việc thay đổi cái tâm của mình. Những bất trắc trong cuộc đời là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều mẹ có thể làm được, đó là không để những suy nghĩ lo âu ngự trị mãi trong tâm thức của mình. Có khi những điều bất an đã qua đi rồi, nhưng chính mình lại tự giữ nó trong tâm mà không hay. Mẹ có thể nhận diện và không để cho những nỗi lo làm chủ cuộc đời mình, mẹ nhé!”. Không biết mẹ tôi ở một cõi nào đó trong kiếp tái sinh có giao cảm với thông điệp của tôi hay không. Nhưng chính bản thân tôi cảm thấy nhẹ nhõm, bình an hơn rất nhiều.

Qua câu chuyện ngắm hoa quỳnh và làm thơ, tôi tin rằng gia đình mình đang thực hành Phật Pháp qua những việc làm giản dị. Tôi tin là với niềm tin vào Chánh Pháp, ông anh tôi sẽ mau chóng tìm lại sự an lạc cho cuộc sống trên đất Mỹ. Nếu mình thay đổi cách nhìn, cuộc đời luôn có những điều để hân hưởng. Tôi xin phép được viết tiếp một vài câu trong bài thơ của anh mình, kết hợp lại thành một bài thơ mới như sau:

Xuân đến trăm hoa nở đầy sân, Xuân đi hoa rụng biết bao lần. Đêm qua quỳnh nở tươi như mới, Sáng dậy hoa tàn hết sắc xuân.

Một đêm thoáng chốc như năm vậy, Vạn sự vụt qua chẳng định thần.

Bao giờ cho đến ngày xưa ấy, Để ta về lại nhớ mùa Xuân.

Quỳnh đi quỳnh đến xa rồi,

 

Ta ngồi đợi mãi việc đời bể dâu. Giật mình chợt nghĩ lo âu,

Trăm năm một thoáng bạc đầu quỳnh ơi! Sáng ra thấy ở sau nhà

Đào hoa mới nở đậm đà sắc xuân Xuân đi xuân đến bao lần

Hồn xuân ở mãi tự tâm mỗi người Chỉ cần nhìn lại chút thôi

Thấy xuân miên viễn rạng ngời cõi tâm…

Tâm Nhuận Phúc

(Anaheim, California)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm