15. Oan Trái
Phạm Thị Ngọc Hiền
Chẳng biết bà Kiên kiếp trước đã gây nên oan trái gì mà bây giờ phải chịu cảnh nuốt nước mắt trào ngược vào
lòng, khi nghe đứa con gái của bà nói thật từ trong tâm can của nó. Bà thật sự buồn khi có chồng và sinh ra hai đứa con, chẳng có đứa nào thuần tín Phật pháp cả. Tuy rằng chúng được vợ chồng bà nuôi nấng khôn lớn, đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn rồi ra làm việc hơn cả thời đại của bà. Đứa con trai đầu tuy không giúp đỡ gì cho vợ chồng bà nhưng nó không bao giờ nói những lời làm bà đau lòng. Bà cũng cho chúng đi Gia đình Phật tử như ngày xưa mẹ bà đã cho bà và các em cùa bà đi. Nhưng khác một nỗi là hồi nhỏ bà đi với một tâm trạng háo hức, vui mừng vì được đi chùa mặc dầu quần áo đoàn sinh mẹ bà toàn đi xin đã cũ kỹ, sờn rách nhưng bà vẫn vui. Mỗi sáng chủ nhật, bà phải làm hết công việc để buổi chiều chủ nhật đi sinh hoạt đoàn một cách gương mẫu, tinh tấn lắm. Còn được lãnh phần thưởng thi giáo lý nữa. Còn hai đứa con bà hồi nhỏ, thôi thì bà may quần áo đoàn đội mũ cho chúng đầy đủ. Vậy mà chiều chủ nhật nào bà cũng dụ dỗ này nọ, chúng mới đi. Đã vậy còn phiền tới mấy anh chị huynh trưởng tới nhà chở đi nữa chứ!
Chính vì nuôi con ăn học mà ngày nay, thời đại văn minh con gái bà theo nếp sống hiện đại từ tư tưởng cho đến cách ăn mặc. Bà có góp ý thì nó nói, “Thời đại này khác rồi, mẹ không
có quyền ý kiến về cách ăn mặc của con. Con thấy tự tin là được. Nếu mẹ không đồng ý thì mẹ quay về sống với lối cũ của mẹ đi.” Nghe con gái nói như vậy, bà rất buồn nghĩ chẳng lẽ do mình lạc hậu so với thời đại này hay sao? Nhưng dầu sao bà cũng không đồng ý với cách ăn mặc áo hở lưng, quần thì ngắn cũn cỡn của thời bây giờ. Bà thấy bao nhiêu thiếu nữ đi làm vẫn ăn mặc kín đáo, đàng hoàng kia mà! Dầu sao từ nhỏ bà cũng được giáo dục trong khuôn khổ của người phụ nữ Việt Nam công dung ngôn hạnh. Đã có những trận bất đồng ý kiến nói ngọt có, la có nhưng con gái bà nói, “Mẹ nói gì con cũng không nghe theo lời mẹ đâu!” Bà không bao giờ dám nói những câu đại loại như vậy đối với mẹ bà. Bà và con gái lâu lâu cũng xảy ra cảnh xung đột, khắc khẩu hay sao mà nó luôn nói ra những câu trách móc như sinh nó ra ba mẹ không giàu có để nó khổ, rồi con nó cũng khổ lây. Nó phân bì ba mẹ dở, không lót đường cho nó ra đời đi làm được sung sướng như bạn nó. Bà cứng họng không biết nói sao, nỗi buồn đứa con gái bà thương yêu, hy sinh cho nó bây giờ lại nuôi con cho nó để nó yên tâm đi làm xa mà nó nỡ nói ra như vậy. Những lời con gái nói như bao trùm lấy bà, bà bất nhẫn lắm nhưng đành chịu vì giờ bà đã bất lực không có tài chánh để lo cho con đầy đủ. Con gái bà nói cũng đúng vì vợ chồng bà nghèo quá, thời gian gần đây ông lại hay đau ốm nên không có khả năng nuôi con cháu. Bà thiếu phước vì kiếp trước không gieo trồng hạt giống tốt nên con bà khổ theo bà. Thật tội nghiệp cho các bậc làm cha mẹ, lo cho con ăn học chưa đủ mà còn phải tạo dựng cho con công ăn việc làm nữa. Bà Kiên nghe con nói buồn thì ít mà lo sợ cho con thì nhiều bởi những lời nói của nó. Nhưng bà cố khỏa lấp vì nó bị bịnh trầm cảm nên mới nói như vậy, có khi nó còn nói lấp lửng, “Có ngày nào đó, con bỏ con của con lại cho ba mẹ nuôi không?” Hay là trong đầu óc nó nghĩ quẩn tới chuyện quyên sinh, bà cảm thấy sợ thật sự với ý nghĩ đó của con mình. Bà cầu Phật gia hộ cho con gái bà bình tâm lại như xưa và không phải chịu bất cứ hậu quả nào. Vì cha mẹ nào mà không thương con, nước mắt chảy xuôi mà!
Bà Kiên buồn thấu ruột thấu gan từ chồng bà cho đến con. Chồng bà không am hiểu Phật pháp đã đành mà còn chống đối, nói những lời to tiếng khó nghe khiến bà rất xấu hổ. Bà rất ngại và sợ bị tổn phước, nhưng chồng con không ai hiểu cho bà. Bà nhớ mang máng trong kinh có dạy, “Người trí gần người trí, chớ thân cận kẻ ngu.” Theo sự hiểu biết non nớt của bà kẻ ngu ở đây không phải là người không có tri thức mà là người không hiểu biết nhân quả, còn cang cường tạo ra lỗi lầm từ miệng. Họa từ miệng mà ra, cho nên chồng bà hết bịnh ngặt nghèo này tới bịnh khác đau đớn rên rỉ mà không có tiền chữa trị. Bà biết nguyên nhân vì đâu nhưng khuyên ông niệm Phật ông không nghe, bà biết làm gì hơn được. Bà nói ông cũng như nước đổ lá môn, đôi khi ông còn phỉ báng nên bà sợ không dám nói nữa.Thật bà chưa đủ duyên để khuyên được người nhà. Bà nghĩ một người mà sao nghiệp nặng dữ không biết, bà và hai con cũng bị cộng nghiệp chung luôn. Ở gần chùa mà không biết tu tập. Thật là thiếu phước quá!
Hai đứa con từ nhỏ được bà cố gắng cho đi Gia đình Phật tử nhưng chúng cũng bị chồng bà phản kháng không ủng hộ cho lắm. Khi lớn lên chúng ra xã hội làm ăn thì càng xa rời phật pháp. Đứa con gái thì đỡ hơn, có chút tín tâm nhưng khi có gia đình, nó bị trầm cảm sau sinh do chuyện hôn nhân không mấy tốt đẹp. Con gái bà nói nó đã trả hết duyên nợ với chồng rồi vì chồng nó không chịu làm ăn gì cả đợi vợ nuôi, tưởng phía vợ giàu có để đào mỏ. Đôi khi nó nói những câu mà bà không ngờ “Nếu được chọn ba mẹ một lần nữa, con sẽ không chọn ba mẹ nghèo như vậy đâu”. Lời nó nói làm bà đau thắt ruột nhưng bà thương con vì nghĩ nó bị bịnh nên bà bỏ qua hết. Hơn nữa bà hiểu không nên chuốc phiền não vào lòng thêm nhiều không ích lợi gì cho bản thân. Bà nghĩ mình gặp chồng con như ngày nay chắc kiếp trước mình nợ họ, không có nhân sao có quả được. Gia đình bà có gốc đạo Phật từ thời ngoại bà, mẹ bà nhưng đến đời con bà thì bà thất vọng lắm! Hồi nhỏ bà cũng được mẹ cho
đi “GĐPT”, đọc kinh sách nên bà cũng thấm nhuần chút đỉnh tư tưởng Phật giáo. Ngay cả chuyện lập gia đình bà cũng không muốn vì không yêu thương ai đến nỗi quên lý trí cả. Ngoài giờ đi làm bà dành hết thời gian đi chùa không để tâm đến chuyện khác.Vào thời bà, bạn bè cùng trang lứa đều có gia đình và con của họ đều đem đến trường gởi bà dạy. Gần ba mươi tuổi theo lời gia đình bà lập gia đình vì sợ hàng xóm tiếng ra tiếng vào gia đình bà cảnh mẹ góa con côi. Vì mẹ bà hết duyên với ba của bà nên đã ly dị sớm khi mẹ còn rất trẻ. Bà cảm phục mẹ có lập trường kiên định đến thế, nhờ vậy mà cuộc đời mẹ bà rất sung sướng không phải khổ vì chồng. Giờ chỉ lo tu tập cho bản thân, nghe nói mẹ bà ngày xưa cũng bị ép gả. Bà Kiên miễn cưỡng lập gia đình, trước đó bà đã bỏ qua một luật sư tới dạm hỏi cưới bà, vì bà không thương yêu nên không muốn ràng buộc. Nhưng rồi nghiệp đến bà lại phải lấy một người chồng làm công nhân, học vấn thua bà lại không biết Phật pháp. Ngay khi mới lập gia đình, bà đã bất mãn, đã muốn thoát khỏi ông. Bà đã hiểu cuộc đời bà và ông sẽ là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau, không cùng chí hướng. Bà biết nghiệp quả này do mình tạo ra, chia tay không được vì ông nói nếu ly dị ông sẽ giết bà rồi chấp nhận ở tù nên bà phải chịu đựng hơn ba chục năm nay. Thật là nghiệp chướng không biết chạy đâu, trốn đâu cho khỏi. Bà mơ ước có ngày nào đó chồng con bà hồi tâm hướng thiện thì gia đình bà trong hiện tại hạnh phúc, an lạc biết bao nhiêu. Sớm được ngày nào đỡ tạo nghiệp được ngày nấy.
Một bữa nọ, nhờ bạn bè giới thiệu chồng bà lên làm điện trên chùa. Bà mừng như mở cờ trong bụng và khuyến khích ông, “Anh cứ làm được việc gì trên chùa thì làm, biết đâu nhờ đó mà hết bịnh. Lại con cháu học hành sáng suốt nữa.” Bà đánh vô tâm lý ông vì ông rất thương thằng cháu ngoại. Chuyện mừng chưa kịp thì tiếp theo việc ông đi chữa cái chân bị bướu sưng to, chỗ đó không biết có phải tà kiến hay không mà ông về bày biểu đủ chuyện. Già rồi, tiền chữa bịnh còn chưa có mà làm ăn buôn
bán gì được nữa. Ấy vậy mà nghe đâu đem cá con về nuôi trong chậu rồi bảo bà mỗi sáng phải múc đổ ra ba ly, đổ nước mới vào ba ly để bà làm ăn được. Bà nghe thấy tức cười nhưng thấy cũng không hại gì, chỉ làm theo cho yên chuyện. Bà không thích nuôi một con gì cả vì bận rộn suốt ngày với thằng cháu ngoại. Nhà bà đã có một hồ cá kiểng to trước nhà rồi mà ông còn mê tín nuôi thêm. Thật chồng bà không hiểu phước đức hay giàu có đều do mình tạo ra. Kiếp trước không tạo, không bố thí cúng dường nên kiếp này nghèo. Nay không tạo duyên lành gì hết lấy gì mà hưởng cho mai sau. Ví như ta trồng cây xoài không chăm bón nó từ nhỏ thì làm gì có cây xoài lớn, có quả thơm chín ngọt cho ta ăn. Đang yên đang lành, nhà có bàn Phật để khuya bà thức dậy công phu, cầu nguyện cho gia đình biết quy hướng Phật pháp. Vậy mà ông bảo bà dẹp bàn Phật qua chùa tụng gì thì tụng. Nhà thì cha mẹ hai bên vẫn còn, ông bà thì thờ bên chùa và có nhà từ đường của hai bên thờ rồi. Bản thân ông thì ở rể, không biết nghe đâu về bảo bà lập bàn thờ để mời ông bà về chơi, ăn uống. Bà không đồng ý, bảo, “Ông bà lâu năm quá cũng đi đầu thai theo nghiệp hết rồi. Mình cúng ông bà chỉ để tưởng nhớ ông bà mà thôi, mà cúng thì cúng chay chớ cúng mặn thì ông bà thêm tội. Vả lại, khi nào giỗ mình cũng về nhà Họ mà.” Ông nói, “Bà không thích thì đường nào bà nói cũng được.” Bà nghĩ không biết mình chịu đựng đến bao giờ, thôi kệ tới đâu hay đó. Khi nào chết hết nghiệp.
Đối với bà, Phật pháp bất khả tư nghì vô cùng diệu dụng trong đời sống hàng ngày. Có nhiều việc xảy ra đối với bà nên bà thêm vững đức tin đối với Phật pháp, nhất là Chú Đại Bi. Khi bà còn trẻ học ở trường CĐSP Trung ương, như thường lệ mỗi sáng đi học khi ra đường trong đầu óc bà hay nhớ chú Đại bi. Khi đi tới gần ngã tư sắp cua qua đường thì đằng sau nghe “soạt” một tiếng rất mạnh, một chiếc xe ba gác máy chở sắt dài vọt lên đụng mạnh vào tay lái của bà. Tay bà ê ẩm, tay lái loạng choạng một chút nhưng xe vẫn vững không ngã, cũng may lúc
đó không có xe nào ở đằng sau đi tới. Về nhà bà nghĩ mà hú hồn, vì chỉ cần xe Honda hoặc xe đạp quẹt sơ vào tay lái là cũng đủ xảy ra tai nạn rồi huống chi xe ba gác máy đụng bà rất mạnh. Nếu không nhờ tha lực của bồ tát QuánThế Âm thì chắc bà đã không được bình yên trở về nhà. Và một lần nữa, bà nhớ hồi đó vào hôm thứ sáu, trong không gian tĩnh mịch của đêm khuya tự nhiên đầu bà đau dữ dội như có ai đó lấy búa đánh vào đầu kêu đùng đùng. Bà nghĩ mình đã gieo việc dữ gì đây nên giờ phải chịu sự hành xác thân này. Trong lúc đau đớn như vậy bà nghĩ đêm nay chắc mình không qua khỏi nhưng bà vẫn tỉnh táo vớ liền phao cứu tinh cứu mình là chú Đại Bi. Bà ráng ngồi dậy xếp bằng vừa niệm chú vừa khóc, khoảng một tiếng đồng hồ nhưng bà cảm giác thấy nó lâu lắm vì những cơn đau đầu đồn dập. Sau đó cơn đau từ từ lui dần, tiếng trống trong đầu cũng nhẹ bớt. Tới bốn giờ sáng theo thường lệ, bà đứng dậy qua phòng thờ công phu tụng chú Đại bi tiếp. Sau lần thập tử nhứt sanh đó bà nhớ hoài và cố gắng duy trì tụng chú Đại Bi hơn vì bà biết Bồ tát Quán Âm đã cứu bà thêm một lần nữa. Bà cũng ngạc nhiên vô cùng tại sao trong lúc đau như vậy mà bà lại nhớ tới chú Đại Bi, chắc là “lúc khó ló cái khôn.” Việc gì mình làm thường xuyên thì nó quen thuộc giống như nâng cao tay nghề vậy, không phải tự nhiên mà trong đầu óc bà vẫn lởn vởn thần chú Đại Bi. Đó là do khuya nào bà cũng trì tụng lâu ngày nên mới có được sự lợi ích như vậy.
Nói chung, Phật pháp đã thấm nhuần trong bà từ nhỏ nên bà có một đức tin vô cùng mãnh liệt không gì lay chuyển được. Chồng bà nói bà bị lậm, mê tín dị đoan chùa chiền, nghĩ xấu cho bà nói bà đi chùa với ai, ghen tuông bóng gió.Việc ăn chay cũng bị ngăn cản và nhiều chuyện nữa khiến bà đôi lúc cảm thấy nghẹt thở. Bà cố gắng niệm Phật để không nhớ nghĩ đến những chuyện đã xảy ra trong gia đình bà. Chỉ có niệm Phật thì nước mắt bà mới bớt rơi, bớt đau khổ ám ảnh bà. Lâu dần, nghe ông nói gì bà coi như gió như mây vậy mà khỏe, tỉnh bơ như không
nghe không thấy vì bà không làm gì sai cả. Việc bà cảm thấy đúng không ảnh hưởng, không hại tới ai là bà cứ làm.
Đúng như sư phụ bà nói, nghiệp của bà dày như tảng dầu hắc dính cứng, nếu khéo tu tập thì nó sẽ rớt ra từng chút một để bớt khổ và đem lại hạnh phúc an lạc cho bà và gia đình. Bà lấy lời thầy dạy làm kim chỉ nam định hướng cho mình.
Một thời gian sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, con gái bà bỗng nhiên bình tâm trở lại. Nó đã biết tụng chú Đại Bi một biến, mỗi sáng trước khi đi làm. Cuối tháng lãnh lương lại còn mua quà về cho bà. Bà bảo con gái, “Con lo làm kiếm tiền để nuôi thân và nuôi con của con. Không cần phải mua gì cho mẹ hết.” Từ đây, bà đã có niềm vui lớn vì con gái đã thay đổi. Bà không quên nhắc nhở con phải thường xuyên tưới tẩm cho cây sen này thơm tỏa mãi không héo. Đó cũng là niềm an ủi cho bà hiện tại lúc tuổi già. Đối với bà bây giờ không gì hạnh phúc, quý giá hơn là chồng con hồi tâm hướng thiện, trong nhà ai cũng có niềm tin và làm theo lời Phật dạy.
Bà Kiên hy vọng mọi người xung quanh mình ai cũng có chánh kiến, có cái nhìn đúng về đạo Phật để có một hướng đi hoàn thiện nhân cách. Bà nghĩ có đồng minh đồng đạo mạnh mẽ xung quanh chung một chí hướng, mọi người sẽ cảm thấy niềm tin được nhân đôi lo gì xã hội không phồn vinh, thái hòa. Như gia đình bà nay ít nhiều đã mở ra được sợi dây oan trái, chấm dứt những buồn tủi âu lo. Bà Kiên giờ đây lại còn tụng chú Đại Bi tinh tấn hơn trước nữa, bà thầm cảm ơn bồ tát Quán Âm đã từ bi quan tâm, thương xót gia đình bà nên mới có ngày hôm nay.
Ngày mai trời lại sáng! Ánh nắng sẽ càn quét những con vi khuẩn oan trái đã nằm lâu trong gia đình bà Kiên.
Phạm Thị Ngọc Hiền
(Nha Trang, Khánh Hòa)