50. Vu Lan Với Tình Mẹ
Thích Nữ Quảng Định
Nói đến Vu Lan là nói đến tình mẹ bao la thẩm thấu và diệu kỳ. Vẫn biết Vu Lan Thắng Hội đã qua rồi nhưng
trái tim chúng ta luôn thổn thức và nghe dư âm như còn vang vọng mãi đâu đây, với một thứ ân nghĩa sâu nặng mà chẳng ngôn từ nào với tới được, bởi lẽ ở đó không có sự cho đi và đòi lại, tất cả đều trôi chảy hồn nhiên. Không có gì ngưng đọng để người cho và kẻ nhận phải lưỡng lự, ngập ngừng, ân nghĩa ấy là “TÌNH MẸ” cao vút! sâu thẳm và mầu nhiệm!
Thật vậy, không biết tự bao giờ, một truyền thuyết của Phật giáo đã “hóa thân” trở thành một thuần phong mỹ tục trong đời sống văn hóa của người Đại Việt, để rồi mỗi năm chúng ta lại có một ngày Vu lan - ngày báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tới hôm nay, dù cuộc sống đã phát triển thì mọi người vẫn cần làm cho mỗi ngày đã sống, đang sống và sẽ sống là một ngày Vu lan...
Theo đạo Phật thì lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại thừa “Phật thuyết kinh Vu Lan Bồn” do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng nam 750 – 801 và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sankrit : Ullambana, Hán
dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn nhân treo ngược.” Giải có nghĩa là gỡ ra cho khỏi vướng mắc, cởi trói buộc giải mê lầm. Đảo là ngược, nghĩa bóng là những hành động điên đảo gây nên do sự thấy biết sai lầm, như việc phải cho là quấy và việc quấy cho là phải, do tạo nghiệp dẫn đến cảnh khổ. Huyền là treo. Đảo huyền là treo ngược, đầu trở xuống đất, chân đưa lên trời. Cụm từ “giải đảo huyền” nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, gỡ cho họ khỏi gông cùm xiềng xích, khỏi khổ đau ách nạn. Sâu xa hơn, giải đảo huyền còn có nghĩa là giải thoát tất cả những mối phiền não, những dây luyến ái đã từng trói buộc cái tâm đi luân hồi giải thoát sự trói buộc của tâm tham, tâm sân và tâm si.
Vậy lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của ông Ma Ha Một Đặc Già La, thường gọi là Đại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên.
Mẹ! Trong tiếng Việt gọi là người đàn bà đã sinh ra ta. Trong đó bao gồm ý nghĩa mười tháng cưu mang chịu không biết bao nhiêu điều cực nhọc cho đến ngày khai hoa nở nhụy và nuôi nấng dạy dỗ con đến khi khôn lớn nên người. Những thâm ân đó khi nào chúng ta nuôi con mới biết được công ơn của mẹ. Như đức Khổng Tử đã nói: “Dưỡng tử phương phi phụ mẫu ân.” (Khi nuôi con mới biết được công ơn của người mẹ).
Theo tiếng Tây Ban Nha thì danh từ Mẹ được gọi là Madre, tiếng Ý cũng gọi là Madre. Tiếng La Tinh là Mater, tiếng Anh là Mother, tiếng đức là Mutter, tiếng Pháp là La Mère, tiếng Hy Lạp là Mitera, tiếng Nga là Mat, tiếng Iran là Modar, tiếng Trung Hoa là Mouchan, tiếng Ấn Độ là Mata, tiếng Nhật là Okaasan, tiếng Ả Rập là Waldetak, v.v…
Tất cả là 14 ngôn ngữ vừa nêu trên hầu như là đại đa số các dân tộc trên thế giới ngày nay đang dùng những ngôn từ đó. Trừ tiếng Nhật và tiếng Ả Rập có âm vận riêng còn mười hai ngôn ngữ còn lại âm vận na ná giống nhau và đều bắt đầu
bằng mẫu tự “M”.
Mỗi nước trên thế giới đều có ngôn ngữ riêng, thế nhưng khi nói danh từ MAMA tất cả đều biết đó là Mẹ. Làm sao chúng ta có thể cả quyết điều đó, và không được thỏa mãn cho mấy, bởi vì tiếng nói bập bẹ đầu tiên của một đứa bé vừa tập nói mà ra rồi thành tiếng nói phổ thông bất thành văn trong dân gian của mỗi dân tộc mà thành. Trừ danh từ MAMA là Mẹ vừa nói, ngoài ra không có một từ nào có tính phổ thông như thế cả. Như vậy, đủ chứng tỏ Mẹ là thiêng liêng cao cả không có người nào hoặc vật gì khác có thể sánh bằng Mẹ. Khi nghĩ đến công sanh thành dưỡng dục đứa con mà nói, ngay cả cha cũng không bằng mẹ. Vì chỉ có thân thể người mẹ mới có thể thai nghén và sinh con ra được mà thôi.
Mẹ là người mười tháng cưu mang, ba năm bồng bế, sau đó giáo dục cho con nên người hữu ích trong xã hội như trong Chinh Phụ Ngâm đã nói:
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Hai câu thơ trên nói lên bổn phận, công lao của người mẹ đối với con trong gia đình Việt Nam. Mẹ là chỗ dựa tinh thần và là cây cổ thụ để con nương nhờ:
“Gió đưa cây cửu ly hương, Con xa cha mẹ thất thường bữa ăn.”
Biết bao nhiêu là thơ, nhạc văn chương nói về mẹ. Nào là ví lòng mẹ như biển rộng bao la như trời cao không cùng tột… Bài nào nói về Mẹ cũng hay, cũng réo rắt, cảm động dễ đi vào lòng người. Bởi vì nói về mẹ là nói về tình thương, mà tình thương bắt nguồn từ cõi chân thật và sâu lắng nhất của tâm hồn mình. Do đó nói về mẹ là nói về những gì mình có kinh nghiệm sống thực, những xúc động chân thành những suối nguồn êm dịu trong lành mát mẻ nhất. Vì thế cho nên những bài thơ, nhạc…
viết về mẹ rất hay và cảm động.
Mẹ! ngôn từ ấy sao mà giản dị lạ thường, có phải mọi chân lý đều gần gũi và đơn giản. Mẹ là chân lý mà cả đời ta cũng không sao hiểu hết được, dầu gần gũi xiết bao!
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”
Có thể nói, cuộc sống của con người bắt đầu từ tình thương, khác với bản năng di truyền của con vật, chúng ta được thọ hưởng tình thương cao cả nơi cha mẹ từ khi chỉ là mầm phôi mong manh. Theo thời gian, ta lớn lên và tồn tại cũng bằng tình thương ấy, như vậy mẹ trước hết phải là cội nguồn yêu thương. Đơn giản thế thôi! Bởi suy cho cùng, chính mẹ là người yêu thương ta nhất trên đời này, không có mẹ nghĩa là ta mất đi một kho tàng yêu thương vô tận nuôi dưỡng con tim, khối óc ta. Bởi thế, ta mới thấy hai tiếng “Mẹ ơi”, đơn sơ là thế nhưng lại mầu nhiệm và rộng lớn hơn cả vũ trụ mênh mông. Có một lý thơ nói rằng:
“Biển thì sâu thẳm quá! Lòng mẹ sâu hơn nhiều.”
Trong tôi, trong bạn, trong tất cả mọi người đều có một phần máu huyết của mẹ. Vâng! Mẹ là người sinh ra ta trên cõi đời, nâng đỡ bước chân ta qua những chông gai, có mặt khi ta cần điểm tựa và lặng lẽ âm thầm vui sướng trong sự thành công của ta. Yêu thương, thấu hiểu và chỉ có thấu hiểu mới thật yêu thương. Ta có lúc bồng bột, không hiểu được tình cảm của Người, thế mà! cứ như một lòng sông, cha mẹ ôm trọn cuộc đời con và con có mặt trong cuộc đời cha mẹ, cả ba hòa quyện vào nhau, để có chung môt nhịp đập trong lưu viễn thời gian và yêu thương. Bởi thế, ta có lỗi lầm đến đâu, kém hèn đến đâu cũng được mẹ nâng đón ta về.
Rất tiếc trên cõi đời này, không bút mực nào có thể vẽ nổi một bức chân dung sống thực của mẹ. Cho nên, ta chỉ xin mượn
những gì cao đẹp nhất của vũ trụ để mường tượng về trái tim người mẹ:
“Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào Tình mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào”
Ca từ của Y Vân như khúc vọng thanh tao, tha thiết về tình mẹ, về lòng mẹ, một tượng đài bất tử của muôn đời. Cuộc đời vốn vô thường, màu thời gian miên viễn vô tình, trớ trêu thay, ta càng lớn, càng khỏe thì mẹ càng lúc càng đến gần dốc bên kia của cuộc đời. Sợ lắm chứ! Có một ngày nào đó, ta thấm thía sự cô đơn mênh mông của những ai không còn mẹ:
“…Như đóa hoa không mặt trời Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”
Và từ đó, ta càng xót xa, càng đau cho những ai đã mất mẹ, đã mất đi món quà tuyệt diệu của Thượng đế ban cho :
“Khi xưa tôi còn nhỏ Mẹ tôi đã qua đời Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi.”
Khi còn mẹ, ta thật sự cảm nhận được từng ngày từng giờ niềm hạnh phúc của người còn mẹ, niềm hạnh phúc của đứa con đang sống trong trái tim, trong tình yêu thương của mẹ, để ta không ngậm ngùi hối tiếc khi cái ngày ấy đến:
“Quỳ sám hối trước mộ chiều khóc mẹ Dù muôn phương chỉ một nơi này.”
Nói tóm lại, giả sử cõi đời này có một Đấng tạo hóa, một Thượng đế nhào nặn ra muôn loài, thì rõ ràng ta cảm thấy mình thật hạnh phúc. Vì Thượng đế là đấng tự sinh, còn ta, ta có mẹ,
ta có những lời ru ngọt ngào khi còn nằm nôi, có dòng sữa ngọt lịm và nhất là có cả một biển yêu thương vô tận:
“Dầu cho đi trọn kiếp người
Cũng không đi hết những lời me ru.”
-- (Nguyễn Duy )
Và ai có thể quên được khúc hát ru mênh mông tình mẹ qua tiếng thơ Xuân Quỳnh:
“Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mông trời đất Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát
.....
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.”
Đẹp và kỳ diệu là thế, mẹ hiện hữu trong mỗi chúng ta, dường như mọi ngôn từ cao quý của nhân loại đều dâng lên chữ mẹ. Nữ Xuân Quỳnh cũng đã từng làm mẹ, cũng lắng nghe được âm thanh nho nhỏ của con thơ khi nằm trong bụng, cũng từng yêu thương cái quẫy đạp của con mình, bởi thế tấm lòng của một người mẹ được chị viết:
Mẹ đi trên hè phố
Nghe tiếng con đạp thầm Mẹ nghĩ đến bàn chân Và con đường tít tắp Bỗng như lên tiếng hát Từ màu mạ dưới đồng Từ hạt cây trong rừng Từ con buồm trên biển.
Vâng! Những điều này, chỉ khi nào trở thành cha mẹ thì mới có thể hiểu được, bởi lẽ lúc đó con mới thấy được công lao trời bể của hai đấng sinh thành, đạo lý này không phải chỉ được nhấp trên đầu môi, mà đó là sự co thắt trong từng khúc ruột. Sinh con ra, mẹ đã dành cho con tất cả từ cái màu xanh trên cửa sổ, bông hoa cuối vườn đến ông mặt trời trong nắng sớm mai, tiếng chim kêu buổi sáng. Trên cõi đời này, có những điều như huyền thoại, những cái huyền thoại mà làm nên cái thật muôn đời. Mẹ cũng thế, ở bất kỳ nơi đâu dù thành thị hay nông thôn, dù chốn cung đình hay ở túp liều tranh, dù là người miền xuôi hay miền ngược cho đến cả quả địa cầu này nơi đâu cũng có tình mẹ. Cả nhân loại dù khác màu da, tôn giáo, sắc tộc và ngôn ngữ, song tất cả đều thấm nhuần tình thương của mẹ, đều được lớn lên trong tình thương ấy. Cảm ơn mẹ! Một giáo sư tài ba dạy về lòng yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất của trường đời.
Năm 1962 thiền sư Thích Nhất Hạnh cho ra đời tác phẩm Bông Hồng Cài Áo rất nổi tiếng và rất thành công trong mục đích cổ vũ cho ngày Mẹ nhằm ngày Vu Lan Rằm Tháng Bảy âm lịch. Hiện nay ngày Rằm Tháng Bảy đã hiển nhiên trở thành ngày “Mẹ” của người Việt Nam. Trong ngày ấy hoa hồng được cài cho người có diễm phúc còn mẹ và hoa trắng cho những người mà mẹ đã qua đời.
Theo truyền thống Đông Phương thì hiếu đứng đầu trăm hạnh lành như trong Nhị Thập Tứ Hiếu Diễn Âm của Lý Văn Phức có câu:
Chữ hiếu hạnh niệm tròn một tiết Thời suy ra trăm nết điều nên.
Người bất hiếu nghĩa là đối xử không tốt với đấng sinh thành của mình thì khi ra đời không còn ai tin tưởng người ấy nữa. Do đó, mà trăm sự trăm việc sẽ đổ vỡ, không thể thành công trên đường đời dù việc nhỏ hay việc lớn.
Trong Pháp Bảo Đàn kinh phẩm Hành Do có nói đến hiếu
hạnh của Lục Tổ Huệ Năng. Trước ngày đi tu, cha mất sớm, mẹ góa con côi, hằng này Ngài phải gánh củi ra chợ bán để kiếm tiền phụng dưỡng mẹ.
Đạo Nho dạy rằng: “Hiếu là cội đức – hiếu đứng đầu muôn nết tốt”. Đức Phật cũng dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hạnh hiếu, điều ác cùng cực không gì bằng tội bất hiếu.” Tội bất hiếu là một trong năm tội ngũ nghịch. Kinh Địa Tạng viết: “Kẻ nào phạm tội ngũ nghịch thì bị đọa vào địa ngục a tỳ đời đời không ra khỏi được,” cho nên hiếu ở đây cũng gọi là giới là điều thọ trì trước nhất của người tu hành. Thế nên có câu:
Ai ơi phát nguyện tu hành
Trước tiên hiếu thảo với người sanh ta Phận làm con phải xót xa
Cù lao cúc dục mẹ cha nghìn trùng.
Đức Phật lại dạy: “Người nào khéo biết hiếu thảo phụng thờ cha mẹ tức là thờ Phật – thờ Trời đất quỷ thần không bằng thờ cha mẹ, người nào biết hiếu thảo với cha mẹ, kẻ đó quỷ thần đều kính nể.” Trái lại dầu ta có thông minh tài trí, quán triệt huyền cơ, thông rành kinh sử đi nữa mà không có lòng hiếu thảo với cha mẹ, kẻ đó đáng bị người đời khinh khi nguyền rủa. Xem thế đủ biết hiếu là cội gốc lành trong muôn hạnh. Trong các đạo giáo – tôn giáo cao siêu thuần túy, đều chú trọng vấn đề hiếu đạo và xây dựng căn bản con người trên nền tảng ấy. Chính vì vậy tổ tiên ta xem hiếu đạo là nền tảng căn bản của dân tộc.
Trường hợp Nhật Bản trong truyện cổ tích có câu chuyện người con hiếu thảo như sau: ngày xưa trên đảo Kita có một chàng thanh niên chuyên làm nghề chài lưới tên là Taro ngày ngày lo đánh cá nuôi mẹ.Mẹ anh đã tám mươi tuổi, anh cũng đã lớn tuổi mà không chịu lấy vợ sinh con để nối dõi tông đường theo như phong tục người Nhật. Mẹ thường bảo anh hãy lấy vợ sinh con nhưng anh nhất định không, vì sợ lấy vợ phải lo cho vợ
con không có thì giờ hầu hạ mẹ. Taro nói rằng: Con dù xác thịt thai phàm
Cũng lo phụng dưỡng xin an tấc lòng…
Trường hợp Nhật Bản ngày nay họ cũng áp dụng ngày Mẹ như các nước Tây Phương chọn ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm để kỉ niệm. Họ gửi thiệp, tặng hoa tặng quà cho mẹ để tỏ lòng hiếu kính và thương yêu mẹ.
Mother’s Day (Ngày Mẹ) là ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm trong một năm. Mỗi năm đến Ngày Mẹ dù người lớn bao nhiêu tuổi mà có diễm phúc còn mẹ đều rất sung sướng về thăm mẹ, tặng mẹ môt thiệp chúc mừng Ngày Mẹ, một món quà và một đóa hoa tươi để mừng mẹ được sống lâu. Tục lệ này hầu hết các nước Phương Tây đều áp dụng như: Hoa Kỳ, Anh, Úc Đại Lợi, Thụy Điển, Đan Mạch… Người Tây Phương giải thích rằng họ làm như vậy là để biểu lộ tình thương và lòng hiếu kính đối với mẹ.
Khởi nguyên của ngày này là do bà Julia Ward Howe khởi xướng 1872 tại Hoa Kỳ, Vài năm sau tại Boston, tiểu bang Massachusetts bà đã kêu gọi và đã thành công trong buổi tập hợp kỷ niệm Ngày Mẹ hàng năm. Bà Julia Ward Howe là một học giả, giảng sư Đại học rất nổi tiếng đương thời cuả Hoa Kỳ.
Mãi đến năm 1914 quốc hội Hoa Kỳ mới chấp nhận Ngày Mẹ nói trên như một ngày lễ quốc gia bằng một đạo luật do quốc hội thông qua.
Kể từ đó các nước theo văn hóa Tây Phương hoặc ảnh hưởng của nền văn hóa của họ đều theo phong tục kể trên để biểu lộ lòng hiếu kính và yêu thương đối với mẹ.
Khế kinh dạy rằng: “Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật xanh tươi, hiếu cảm đến người thì mọi phước lành đều đến.” Có lần đức Phật nói với các thầy Tỳ kheo rằng: “Nếu có người nào biết đền đáp công ơn cha
mẹ, người đó đáng kính đáng mến, quỷ thần đều kính nể, dù một chút ơn nhỏ còn không quên, huống là ơn lớn. Giả sử người này ở xa ta ngàn dặm vẫn như gần gũi bên ta. Vì sao? Vì ta hằng khen ngợi người biết đền đáp công ơn cha mẹ.” Như vậy, chúng ta dầu ở hoàn cảnh nào, thời đại nào cũng phải lo tròn hiếu đạo, bằng trái lại sẽ mang tội bất hiếu.
Trong kinh Nhẫn Nhục đức Phật dạy: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột điều ác không gì bằng tội bất hiếu.” Người mang tội bất hiếu quỷ thần chẳng kính, trời đất giận hờn, mọi người xa lánh... cho nên có câu:
“Cha mẹ thương con tựa biển trời Làm sao đền đáp được người ơi Nếu không có hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ muôn đời.”
Người mẹ chịu khổ trăm đường chỉ mong con khôn lớn nên người xứng đáng, ích nước lợi nhà. Thế mà vẫn có những người con làm cho cha mẹ phải đau lòng thất vọng.
“Không ngờ ngày nay, hóa ra bất hiếu, mẹ già cha yếu, con chẳng đỡ đần, cãi lại song thân, nói năng thô lỗ, hành động gàn dở, khinh rẻ mẹ cha, chú bác ông bà, cô dì chẳng nể, anh em cũng kệ, gây lộn xảy ra, ô nhục nếp nhà, bất trung bất nghĩa, bất hiếu bất lương, phép nước coi thường, mẹ cha chẳng kể”. (Kinh đã dẫn).
Những người mà kinh này vừa mô tả chẳng qua là số tối thiểu trong xã hội, nhưng không phải là không có. Để nhắc nhở hạng người này trở về con đường hiếu thuận và hướng dẫn mọi người báo hiếu theo chánh pháp, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, những ai đền ân cha mẹ chỉ bằng phụng dưỡng và chu cấp của cải vật chất thì không bao giờ trả hết ân cha mẹ, mà phải khuyên nhủ cha mẹ trở về với chánh đạo… nếu làm được như vậy thì mới trả ơn cha mẹ một cách xứng đáng.”
Bậc cổ đức từng dạy:
“Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên.” (Trời có bốn mùa xuân là gốc
Nhân sinh trăm nết hiếu đứng đầu.”
Vì vậy để khuyến khích những người thiếu phước duyên, sinh ra đời không gặp Phật, đức Phật dạy: “Sinh ra đời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật.” (Kinh Đại Tập).
Qua những trình bày trên đây, tất cả đều nhằm minh họa Vu Lan Với Tình Mẹ. Do đó, phận làm con phải báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, vì đây là nghĩa vụ thiêng liêng nhất trong những nghĩa vụ làm người.
Mưa ngâu rả rích, tiết trời bắt đầu sang Thu. Một mùa Vu lan đã về, các ngôi chùa lại được sửa sang đón khách hành hương. Các bà các chị lại chuẩn bị lễ chay cúng dường cha mẹ, ông bà và các “vong nhân”. Lại mong không vì hiếu đễ mà mọi người bị cuốn theo sự lãng phí, cầu may, lơ là với hành vi báo hiếu thiết thực. Vì nếu thật lòng hiếu đễ, thì mỗi ngày sẽ phải là một ngày Vu lan.
Thay lời cho những ai đang còn mẹ, xin cài lên ngực áo của người bông hồng thắm đỏ, tươi màu… hãy dưỡng nuôi trân quý và phụng thờ.Tháng bảy - mùa Vu Lan báo hiếu một lần nữa sẽ lại về. Chỉ tháng bảy thôi ư ? Sao không là suốt cả một cuộc đời
- một cuộc đời với những tháng bảy cho con.
Mẹ! Cái tiếng gọi thân thương mà từ khi bập bè cho đến lúc bạc đầu con cũng chưa hiểu hết chiều sâu ấy. Mẹ! Có nghĩa là bắt đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc.
Mẹ! Mẹ là duy nhất là mặt trời, mặt đất, một vầng trăng. Mẹ là tứ thơ lung linh nhất đời con. Mẹ! Một lần nữa, con xin nói hai tiếng cảm ơn mẹ thật to, thật rõ, thật chân thành và con nghe đâu đây trong tâm tưởng con có một mùa Vu Lan lại về, đóa hoa
tâm hiếu hạnh tròn đầy, tuy không gợi sắc màu và hương thơm, nhưng đó là cả tấm lòng của con, con xin thành kính dâng lên mẹ, nguyện rằng trong suốt cuộc hành trình của đời con luôn có Mẹ, Mẹ ơi!
Cuối cùng xin tất cả đồng nhất tâm cầu nguyện: “Đa sinh phụ mẫu, tùng tư nhập thánh siêu phàm, luỵ thế oan thân, tự thử thừa ân giải thoát. Thiên thượng ngũ suy bất hiện, nhân gian tứ tướng giai không, Tu La xả tận sân tâm, địa ngục tức chư khổ báo,hà sa ngạ quỷ, hóa nhiệt não nhi tác thanh lương, vạn loại hàm sinh, xả mê đồ nhi đăng giác ngạn. Bao đời cha mẹ từ đây nhập thánh siêu phàm! Lắm kiếp trái oan giờ được nhờ ân giải thoát! Cõi trời “năm suy” không hiện. Cõi trần “bốn tướng” đều không. Tu la bỏ hết sân tâm. Địa ngục trừ tiêu khổ não. Quỷ đói hà sa, đổi “nóng phiền” trở lên tươi mát. Muôn loài trong cõi “sống” tránh bỏ đường mê, bước lên bờ giác. Quay về đời sống hiếu tâm, thể hiện tinh thần tri ân và báo ân cha mẹ ngõ hầu xây dựng những con người xã hội thuần lương, tươi sáng.
Thích Nữ Quảng Định
(Uttar Pradesh, Ấn Độ)