Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 doi la vo thuong

 

 

 

50.   Nhận Diện Sự Vô Thường Trong Cuộc Sống

Qua Lời Đức Phật Dạy

Mộc Lan Xứ Tuyết

Heraclitus sống vào khoảng thế kỷ (535-475 TCN), được mệnh danh là một nhà triết học duy vật nổi tiếng

cổ đại phương Tây. Ông được coi là ông tổ của phép biện chứng. Dưới con mắt quan sát của Heraclitus mọi sự vật hiện tượng trong thế giới luôn luôn biến đổi, vận động, phát triển không ngừng. Từ đó ông đưa ra một luận điểm nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông.” Ông cho rằng không có gì thường xuyên biến đổi như dòng sông và cũng không có gì ổn định như dòng sông. Bởi khi nó vận động cũng là khi nó đứng im. Nói cách khác, tính biến đổi của dòng sông không loại trừ sự đứng im, tức là cái mà nhờ đó dòng sông là xác định, ổn định và bất biến. Đó được xem là một nhận thức sớm nhất của triết học phương Tây trong quan điểm thế giới luôn chuyển động và thay đổi. Song song với thời gian ở một thế kỷ trước đó, năm 624 TCN Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đánh dấu sự kiện ra đời của bậc thầy vĩ đại của nhân loại và trong suốt hành trình tu tập của Người cũng như cách nhìn nhận về thế giới quan, nhân sinh quan từ đó Ngài chứng ngộ và tuyên bố định luật vô thường là một trong những bài pháp quan trọng và thiết thực nhất trong tất cả các bài Pháp của Ngài theo một số bài kinh Nguyên Thủy cổ xưa còn lưu lại đến ngày nay. Tất cả những lời dạy của đức Phật đều chú trọng đến nhận thức hoặc nhận diện được sự vô thường

 

và từ đó con người có thể làm chủ được khổ đau, làm chủ được cảm xúc và không bị chi phối của tự nhiên nhằm đạt tới hạnh phúc chân thật vĩnh hằng bằng chuyển hóa nỗi khổ niềm đau sang an vui hạnh phúc.

Đề cập đến thế giới và con người, đức Phật nhấn mạnh rằng, thế giới này là sự kết hợp của tất cả các nhân duyên hòa hợp lẫn nhau, pháp nào có sự hợp duyên thì pháp ấy phải chịu sự chi phối của sinh diệt, vô thường, tan hoại và diệt vong. Theo Trung A Hàm bài kinh (Ngưu Phẩn Dụ) số 61 đức Phật đã đề cập đến sự bất biến, thường trú vĩnh hằng như đoạn kinh sau:

Vào lúc xế chiều, vị Tỳ - kheo ấy từ chỗ ngồi yên tĩnh đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên và bạch: “Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay ở chỗ nhàn tĩnh, con ngồi tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Có sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức, nào thường trú, bất biến, chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn chăng?’ Phật bảo Tỳ - kheo:“ Không có một sắc nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn; không có thọ, tưởng, hành, thức, nào thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn.”

Như vậy đức Phật khẳng định không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào là thường trú, bất biến, hoàn toàn chỉ có lạc, tồn tại vĩnh viễn.

Do đó, mối tương quan giữa quan điểm của đức Phật tới nhận thức của Heraclitus, khi ta nhận ra chân lí vô thường không bị giới hạn bởi quan điểm tôn giáo nào hoặc khoảng cách địa lí mà tất cả chúng tuân theo quy luật của vũ trụ. Vậy nên chúng ta cần có một cái hiểu sâu rộng ở khía cạnh cuộc sống bởi cuộc đời này, tất cả những sự vật hiện tượng cho đến con người phải chịu chung một quy luật đó là vô thường. Đức Phật dạy rằng, khi chúng ta nhận diện được bản chất của sự vô thường một cách thấu đáo và sâu sắc, khi đó chúng ta sẽ không còn bị ràng

 

buộc bởi khổ đau và phiền não. Bởi vì con người thường bị dính mắc vào cái khổ đau là vô thường mà cho là thường, cái biến dịch mà cho là bất biến và cứ thế con người xoay quanh trong vòng lẩn quẩn của khổ đau. Cùng với những đặc tính của sự vô thường con người sinh ra với muôn vàn khổ đau, hận thù, chấp trước bởi do thấy thật có một cái “ngã” thường còn, thật có một cái “ngã sở” luôn thuộc về ta.

Theo quan điểm đạo Phật con người là sự kết hợp của năm yếu tố của: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Hoặc có một cách gọi khác là thân và tâm. Thế gian thường gọi là vật chất và tinh thần. Các nhà khoa học thì gọi là sinh lí và tâm lí. Hai yếu tố chính này hòa quyện với nhau tạo nên con người. Một con người bằng xương bằng thịt, đầy đủ nhận thức cho sự yêu thương, buồn vui, hận thù. Bởi do chúng ta thiếu chánh niệm nên thường sống trong vọng tưởng rồi ngộ nhận hoặc nhầm lẫn rất nhiều về bản chất của thân tâm, chúng ta thiếu đi sự quán sát của tâm nên thường không nhận diện ra được đặc tính của vô thường, không nhận ra được sự biến hoại và thay đổi của thân tâm. Từ đó, ta cố chấp, bảo vệ và tranh đoạt những cái mà vốn dĩ dù có được nó thì nó cũng sẽ rời xa ta vào một ngày chúng ta tàn hơi kiệt sức. Ấy thế, trãi qua bao thế kỷ biết bao nhiêu thi sĩ văn hào dùng rất nhiều mỹ từ, lời hay ý đẹp để diễn tả vẻ ngoài của con người.

Đến với tác phẩm Truyện Kiều, với ngòi bút đa tài Nguyễn Du đã lột tả hết vẻ đẹp của hai chị em qua những ngôn từ vô cùng tinh tế. Cô em Thúy Vân được ông miêu tả vẻ đẹp hoa phải cười, ngọc thốt, tuyết nhường màu da trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của vẻ đẹp của Thúy Vân như sau:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang Hoa cười ngọc thốt đoan trang.

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”

 

Còn cô chị là Thúy Kiều:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn.

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh Một hai nghiêng nước nghiêng thành Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.”

Nét đẹp của hai giai nhân thật mặn mà, diễm lệ không gì so sánh được. Qua nét bút tài hoa của Nguyễn Du đã làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Vân bởi ở nơi cô sở hữu nép đẹp thật kiều diễm đến nỗi hoa phải cười, ngọc phải thốt, tuyết thì nhường màu da. Còn Thúy Kiều thì nhan sắc kiều diễm bội phần so với Thúy Vân. Đứng trước nhan sắc của nàng Kiều mà hoa phải ghen tức vì không đẹp bằng Kiều, liễu phải dỗi hờn vì sự duyên dáng của Kiều, đẹp đến nỗi nghiêng thành nghiêng nước, làm ngây ngất lòng người trước vẻ đẹp kiêu sa của Kiều. Và cũng chính vì vẻ đẹp nghiêng thành, đổ nước mà sau này cuộc đời Kiều gặp nhiều bão táp phong ba, hồng nhan bạc phận và trở thành đối tượng tranh giành của biết bao kẻ “không biết liêm sỉ” vùi hoa dập liễu. Đó là họ không hiểu được sự quy luật vô thường: Cho dù Kiều có kiêu sa tráng lệ đến đâu thì cũng có ngày úa tàn như cánh phù dung lúc chiều xuống mà thôi. Chính vì sự vô minh không nhận rõ về bản chất của vô thường của những con người như: Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư… vì ganh ghét, đố kỵ, mà tạo biết bao nghiệp bất lương,… cho đến một vị quan chức nhà Nho có học sách Thánh Hiền như Hồ Tôn Hiến đầy đủ nhân cách đạo đức nhưng đứng trước vẻ đẹp của Kiều cũng không còn giữ được cái phẩm hạnh đạo đức của bậc trượng phu. Chung vi lại, bởi vì con người cứ ngộ nhận, lầm tưởng rằng thanh xuân sẽ ở bên mình mãi, thân thể sẽ luôn mạnh khỏe, tráng kiện, trẻ đẹp mãi theo thời gian, và cuộc đời là cả một bài thơ kiệt tác, người ta luôn nghĩ rằng cuộc đời còn rất dài và sự chết là điều gì đó rất xa xôi. Song, nào ai có biết: tấm thân dài một trượng này đang dần già cỗi trong từng khoảnh khắc và chết đi trên từng đơn vị

 

thời gian (đạo Phật gọi đó là sát-na) kṣaṇa. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã chứng minh rằng các tế bào trong thân thể con người được chúng liên tục được tái tạo. Nghĩa là hàng triệu tế bào già sẽ chết đi và hàng triệu tế bào mới sẽ được sinh ra trong một ngày. Mặc dù ta đang sống nhưng chúng chết đi mỗi ngày. Và cho đến khi tế bào già chết đi tế bào mới không còn được sinh ra nữa chúng ta bước vào giai đoạn lão hóa và chết đi theo thời gian.

Vì vậy, chúng ta hiểu rằng vạn vật trên cuộc đời này và con người đều phải chịu chung một quy luật là sinh ra ở giai đoạn đầu, thay đổi ở giai đoạn giữa và hoại diệt ở giai đoạn cuối. Sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi thân thể phát triển của con người, lớn lên, từ một cậu bé sẽ trưởng thành nên một thanh niên trai tráng, sau đó là trung niên, lão niên, cuối cùng là một hình hài nằm trong quan tài, thân tứ đại này trở về với cát bụi. Tóc khi trẻ còn đen mướt, vài mươi năm trôi qua đã trắng tựa mây trời. Hôm nay, làn da còn được tươi láng, mịn màng, bụi thời gian sẽ khiến chúng nhăn nheo theo năm tháng. Tấm thân trẻ trung, khỏe đẹp của con người trong từng phút, từng giây đều sinh và diệt liên tục.

Khi đức Phật đang còn là một thái tử sống sung sướng trong cung vàng điện ngọc, nhưng rồi một ngày nọ Ngài đã than với vợ mình rằng: “Chúng ta sẽ già yếu và xấu xí. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mắt trong của em rồi sẽ mờ đục! Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu!... Ta nghe trong ta, trong em và trong tất cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ, dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý báu của đời người… chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương!”

Trở lại với tư tưởng về sự vận động biến đổi của sự vật theo luận điểm của Heraclitus, mọi sự vật trong thế giới của chúng ta luôn luôn thay đổi, vận động, phát triển không ngừng. Thế giới như một dòng chảy, cứ trôi đi mãi. Từ đó Heraclitus đưa ra

 

một luận điểm nổi tiếng “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Chúng ta càng thấy rõ hơn sự thay đổi, bởi lẽ không có gì thường xuyên biến đổi như một dòng sông nhưng cũng không có gì ổn định như dòng sông. Khi nó vận động cũng là khi nó đứng im. Nói cách khác, tính biến đổi của dòng sông không loại trừ sự đứng im, tức là cái đó dòng sông là xác định, ổn định và bất biến. Ở Heraclitus, không những sông mà cả mặt trời cũng thường xuyên và liên tục đổi mới, cũng như dòng sông, ông cho rằng không có gì ổn định và bất biến hơn mặt trời luôn chiếu sáng. Heraclitus đã tiếp cận được với những tư tưởng rất cơ bản của phép biện chứng. Ông nói: “Trong cùng một dòng sống ấy chúng ta lội xuống và không lội xuống, chúng ta có và không có.” Đó chính là những tư tưởng về mối liên hệ phổ biến tất yếu của quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập.

Thật vậy! Khi tâm chúng ta đủ chánh niệm cùng với sự quan sát sẽ thấy được trên cùng một dòng chảy của một con sông, nước của ngày hôm nay mới nhìn qua chẳng khác gì so với nước của ngày hôm trước, nhưng thật ra nước ngày hôm nay là nước mới ở trên nguồn vừa chảy xuống, còn nước ngày hôm qua giờ đây đã trôi đi xa và có lẽ đã hòa nhập với nước của đại dương. Và thân người cũng có khác gì so với dòng chảy của con sống, sự vận hành của tâm thức vẫn luôn song hành với dòng chảy sinh tử, âm trôi miên viễn như dòng bộc lưu, cuốn phăng đi tất cả, còn ta thì vẫn cứ ngu ngơ sống xuôi theo dòng chảy, trôi xa không bến bờ. Mọi thứ dần thoáng qua như bóng ngựa phi qua cửa sổ. Nói theo danh từ nhà Phật, vạn vật vốn tuân theo quy luật “vô thường.”

Vô thường có nghĩa là không có gì là có thể kéo dài vĩnh viễn và tồn tại mãi mãi. Tất cả các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ vĩnh viễn đều không ở yên một trạng thái mà luôn thay đổi, biến chuyển liên tục. Hình thành, tồn tại, nhưng biến đổi liên tục để cuối cùng đưa đến tan rã, diệt vong. Đạo Phật gọi những giai

 

đoạn đó là: “thành, trụ, hoại, không” hay “sinh, trụ, dị, diệt”. Quá trình biến đổi này diễn ra ngắn hay dài tùy thuộc vào bản chất của chúng. Nó được quí một con sóng ngoài biển khơi, khi sóng nhô lên là thành (sanh), sóng lên cao khỏi mặt nước chính là trụ, sóng hạ thấp xuống là hoại (dị) và cuối cùng là không (diệt). Tương tự như vẻ đẹp của một bông hoa, khi hoa bắt đầu nở là “sinh”, vẻ tươi đẹp tồn tại một thời gian ngắn là “trụ”, tiếp đến là sự thay đổi, chuyển qua mầu héo úa là “dị”, và cuối cùng khô héo, tàn lụi gọi là “diệt”. Còn xa hơn nữa như kiếp người, từ khi mới sinh ra ta như một đứa bé, dần theo thời gian đến mấy mươi năm sau đã trở thành một lão già tóc bạc trắng. Chỉ cần quan sát một làn sóng, ngắm nhìn một bông hoa từ sinh đến diệt, chúng ta cũng có thể nắm bắt được giáo lý nhà Phật về “vô thường” và thấy được mình trong từng làn sóng, từng bông hoa. Tất cả sự vật trong vũ trụ từ nhỏ li ti như con vi trùng, như hạt cát, đến vật rất lớn như núi cao, biển cả, như trái đất, trăng sao đều phải đi theo con đường mòn đó – con đường biển đổi. Vũ trụ không tĩnh, vũ trụ luôn dịch chuyển, vũ trụ không phải là ao tù nước đọng, vũ trụ là một ngọn thác luôn chảy xiết, các giọt nước hợp thành luôn thay đổi luân phiên.

Cùng với sự phát triển của xã hội chúng ta chạy đua với thời gian để lo toang cuộc sống và quên đi dòng chảy của thời gian cứ nhầm tưởng rằng bốn thời kỳ ấy dài và bền lâu tùy theo mỗi sự vật. Thí dụ một bông hoa thường sống vài ngày, một con vật nhỏ sống từ một vài tháng đến vài chục năm, riêng với con người lại thường chúc tụng nhau là sống lâu “trăm tuổi”, một cây cổ thụ sống vài trăm hoặc vài nghìn năm, một ngôi sao tồn tại vài muôn nghìn triệu năm chẳng hạn… Nhưng thực tế khắc nghiệt hơn nhiều, dưới cái nhìn của bậc trí giả, bậc kiến giả, bậc lợi tuệ, bậc đại tuệ, bậc đại A-la-hán, Chánh đẳng giác thì trông thấy tấm thân con người và vạn vật biến đổi. Ngài thấy bốn thời kỳ “sinh, trụ, dị, diệt” không đầy “một cái nháy mắt.”

Có rất nhiều bài kinh Pháp Cú đề cập đến cái vô thường,

 

vạch rõ ra những hiện trạng đè nén lên trên kiếp sống của một con người. Sau khi sinh, con người làm sao tránh khỏi già, tránh khỏi bệnh, tránh khỏi chết. Đó là bốn giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử.” Thí dụ một tích truyện nổi tiếng trong kinh Pháp Cú kể về một nhà sư trẻ tuổi đem lòng thương cô kỹ nữ Surima nổi tiếng nhất vùng. Cô là em gái của thần y Jivaka, con của bà kỹ nữ Salavati, và cũng là con nuôi của hoàng tử Abhaya. Thình lình cô ấy chết, Phật biết được câu chuyện này nên đề nghị với vua ra lệnh cho thanh niên trai tráng trong vùng bắt buộc đến nơi xem thi hài cô kỹ nữ. Đức Phật chỉ cho các Tỳ-kheo nhìn xác chết sình thối ghê tởm ấy và giảng về sự bất tịnh, ô trược của thân thể, nhờ đó thầy Tỳ-kheo trẻ đã có cuộc chuyển hóa vĩ đại, Ngài đã đắc pháp nhãn, bước vào dòng thánh.

Hãy nhìn cái tấm thân này

Bề ngoài đẹp đẽ, trong đầy nhớp nhơ Đống xương lở lói vô bờ

Mang bao tật bệnh, cứ ngờ tốt tươi Chứa gì bền vững ở đời

Đâu tồn tại mãi mà người bận tâm. (Pháp Cú số 147)

Một Tỳ kheo ni già hơn trăm tuổi run lẩy bẩy, chân bị vấp ngã, Ðức Phật giảng về bản chất vô thường của đời sống:

Thân này suy yếu, già nua

Dễ dàng hư nát tựa như khu rừng Tập trung bệnh tật chập chùng

Thời gian hủy hoại, cuối cùng tan đi Có sinh có tử lạ gì.

(Pháp Cú số 148)

 

Mạng sống, hay tuổi thọ của mỗi chúng sinh được ví như bò hay trâu, tuổi già là cây gậy, đồng cỏ là sự chết, và người chăn là nghiệp lực. Đời sống của chúng sinh bị nghiệp lực xua đuổi đi tới cái chết bằng tuổi già, như bò hay trâu bị người chăn xua đuổi ra đồng cỏ bằng cây gậy. Và khi cái chết đến, cho dù bạn có muốn hay không, bạn có chấp nhận nó hay không, thì nó vẫn cứ diễn ra, vì đó là quy luật tự nhiên không ai tránh khỏi. Điển hình như đức Phật một bậc toàn giác nhưng cũng không tránh khỏi được quy luật của “Vô thường.”

Chúng sinh không được tự chủ trong hành động, cũng như bò hay trâu không được tự chủ trong sở thích của chúng. Bản chất của con người luôn mong muốn có được sự cung phụng bản thân hết mức như vậy là do mỗi người đều mang trong mình cái tôi quá lớn, đó là hiện tượng bóng dáng của vô thường, mà ẩn tàng sâu thẳm bên trong nguyên nhân chính yếu là do tham ái, từ đó muốn nắm giữ mọi thứ.

Đức Phật dạy chúng ta thấu rõ quy luật vô thường, sinh trụ dị diệt của vạn hữu. Từ đó, mỗi người nên quán thân như bọt nước vì bản chất thay đổi, tạm bợ của nó, hoặc quán thân như huyễn cảnh vì bản chất mờ ảo của nó. Liên tưởng đến sự vô thường trong Truyện Kiều mỗi người chúng ta phải tự thấy bản thân không phải mãi như hoa cười ngọc thốt của Thúy Vân hay hoa ghen liễu hờn nơi Thúy Kiều, mà mình chỉ là từng con nước ngày hai buổi xuống lên, là bông hoa phù dung ngoài bờ dậu sớm nở tối tàn, là ánh đèn khuya chực chờ tắt lịm… từ đó mới thoát khỏi những cố chấp, tham ái, ngã mạn, kiến thủ. Lối sống đẹp là cuộc đời biết đủ, không quá chiều chuộng bản thân, tránh buông trôi theo ngũ dục lục trần, từ đó nhìn rõ mục đích và lý tưởng của một hành giả tầm cầu giải thoát. Cho nên, đối thời trong cuộc đời ô hợp này tấm thân đó cũng có thể tạo ra được biết bao nhiêu việc tốt lành, việc thiện, để giúp ích cho người khác. Đó là hình ảnh mượn chiếc bè để qua sông - mượn tấm thân giả tạm để vượt trùng dương sinh tử. Một người còn rong

 

chơi nơi cõi thế thì phải có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh mình, giúp đỡ mọi người cố gắng tu tập để vun bồi thiện pháp. Đó chính là bản hoài của chư Phật ba đời mười phương, dạy con người nhìn rõ và sống đúng. Mình thấy bản chất của cuộc đời là khổ, vô thường, vô ngã không phải để bi quan yếm thế. Ngược lại, trong cuộc đời ô trược này mình hãy trở thành đóa sen thơm, cao thượng và thanh lương giữa bùn lầy nước đọng.

Trong suốt 45 năm hoằng truyền chánh Pháp, đức Phật chỉ ra nhiều phương pháp để đi đến giải thoát, tùy theo nhân duyên nghiệp báo mỗi người. Bởi lẽ chúng sanh vốn nhiều căn cơ khác nhau, có người thông mình, sáng suốt, có kẻ ngu tối u mê, có người nặng về tham ái, có kẻ nặng về sân hận… từ đó sự hành trì tu tập sẽ có nhiều dị biệt khác nhau. Nhưng cho dù thực tập bằng phương pháp nào cũng phải đi qua con đường Bát chánh đạo, đây cũng chính là con đường trung đạo. Tu theo Bát chánh đạo để thấu triệt được Tứ Đế, từ đó thấy rõ lý duyên khởi, biết rằng cuộc đời không nằm ngoài Tam tướng: Nhận ra được bản chất của khổ, thấy rõ được thực tánh của vô thường, và biết rằng các pháp điều không có thực thể (vô ngã).

Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), bài kinh 135, Đức Phật dạy rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa”. Sự hiện hữu của mỗi con người đồng thời là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện từ (vô lượng kiếp) quá khứ. Và sau đó Ngài cũng dạy, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, hãy tinh tấn tu hành, thoát khỏi khổ đau, luân hồi sinh tử, làm lợi lạc chúng sinh. Ngày nay, với sự hưng thịnh của Phật giáo trên mỗi phương diện truyền thông chúng ta có thể tiếp cận giáo lý một cách dễ dàng cái tâm thân này ta đã có được, Phật pháp đã nghe, chỉ duy nhất phụ thuộc nơi mình là có chịu tu hành, sống cuộc đời lương thiện, lợi mình lợi người hay không mà thôi!

 

Thực tập thiền quán về sự vô thường là một phương thức hữu hiệu giúp chúng ta nhận biết được bản chất sinh diệt của vạn hữu. Chúng ta quan sát các Pháp xung quanh để thấu hiểu sự sinh và diệt từ đó có tư duy tích cực để thực hành lời dạy đức Phật về sự vô thường để nhận diện rằng những khó khăn ta đang trải qua đều không phải là mãi mãi, tất cả đều sẽ qua đi. Quán vô thường là một phương pháp hữu ích trong quá trình tu tập, giúp chúng ta đương đầu với những thăng trầm trong cuộc sống, biến cố trong cuộc đời, bế tắc trong tư tưởng, giúp ta hiểu rằng: Không nên cố gắng để nắm giữ hay níu kéo bất cứ cái gì trên thế gian nay bởi vì mọi thứ sẽ biến đổi theo không gian và thời gian. Từ đó, ta sống như thế nào cho phải lẽ, có giá trị, trưởng dưỡng và vun trồng hạnh phúc, an lạc nơi tự thân mỗi ngày.

Là người đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia, chúng ta phải có sự hiểu biết và nhận thức sự vô thường là một quy luật vận động tương tục trong vòng xoay của tạo hóa. Vạn vật, từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình đến vô hình, nếu được sinh ra ắt tất nhiên sẽ bị diệt đi, nó xoay quanh theo trục quỹ đạo của sự sống con người. Có khi những thay đổi theo hướng tiêu cực sẽ làm chúng ta mệt mỏi, buồn chán, bi ai, đau khổ và tuyệt vọng. Nhưng cũng có những thay đổi mang tính tích cực sẽ làm thân tâm chúng ta vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng cuộc sống. Quán sát sự thay đổi là một chân lý không thể tránh khỏi, chúng ta sẽ buông bỏ không bám víu mỗi thứ thì mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Không ai thoát khỏi già chết, kể cả bậc Thánh nhân, vì thế phải sống hết mình, sống phải thật xứng đáng và có ý nghĩa để khi nhắm mắt lìa đời ta khẽ nở một nụ cười. Cũng chính nhờ thái độ sống tích cực mà những sóng gió của cuộc đời sẽ không làm ta đau khổ chúng ta. Nó sẽ giúp chúng ta cảm thấy tâm an nhiên, tĩnh lặng, trước sự biển đổi thịnh - suy, được - mất, hơn - thua, phải - trái… của một kiếp người giả tạm.

Mộc Lan Xứ Tuyết

(University of Kelaniya, Sri Lanka.)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Thư viện

Pháp âm