Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 screenshot 1 04 23 41 24

43. Khúc Ngặt Nghèo

Tâm Không - Vĩnh Hữu

Thoạt tiên, để tham dự cuộc thi viết về “ứng dụng Phật pháp trong đời sống hằng ngày”, tôi đã có ý định viết

thể loại “truyện ngắn”, ấp ủ ý tưởng, hình thành và nuôi dưỡng bố cục bên trong tâm trí suốt một tháng trời để chờ duyên chín muồi mới đặt bút. Đến sáng sớm mồng Một tháng Mười âm lịch, tôi thức dậy lúc 4h với tinh thần sảng khoái, lòng thanh thản sau khi thắp hương đăng bàn thờ và lạy Phật, rồi ngồi trước máy tính bàn đã bật sẵn giữa không gian yên tĩnh của một xóm hẻm ngoại thành. Sau vài hớp cà phê nóng nạp năng lượng cho tỉnh táo, tôi bất chợt… đổi ý.

Câu chuyện diễn ra có thật, những tình tiết mang đầy ắp hơi thở và tâm tư của gia đình mình, mà nay lại đưa vào một truyện ngắn, liệu có là hay là ổn không? Truyện ngắn, viết xong rồi cứ cho là hay đi, nhưng người đọc có thể sẽ nghĩ rằng đó là hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng, vì vậy con số phần trăm của “sự thật” sẽ giảm đi rất nhiều, câu chuyện của mình dễ trở thành chuyện giải trí, chuyện nghiễn, chuyện… xạo. Nên, tôi quyết định viết truyện ký, và bắt đầu ngay sau dòng chữ này…

“Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, người xưa truyền đến người nay thường nói vậy, tôi tin về điều đó qua nhiều trải nghiệm trong đời sống suốt 30 năm qua, kể từ khi lập gia đình,

 

xây tổ ấm riêng.

Tuy nhiên, khi đã học Phật pháp rồi, những kiến thức căn bản như ánh sáng vi diệu soi rọi xuyên suốt màn đêm u tối khiến cho trí huệ của người học Phật ngày càng tăng trưởng, để từ đó có cái nhìn sâu rộng và tinh tế hơn về mọi sự vật, về vạn pháp.Tôi đã nhìn cái “hoạ” mà thấy ra cái “nghiệp”, rõ biết cái “nghiệp” để chuyển hoá cái “hoạ”, thực hành những phương pháp trong giáo lý nhà Phật hướng dẫn chỉ dạy để làm cho cái “hoạ” lớn vơi đi thành “hoạ” nhỏ, còn “hoạ” nhỏ thì không chỉ tiêu tan vào hư không mà còn có thể biến đổi sắc thái thành cái “phúc”. Bấy giờ, người học Phật sẽ nhìn ra một sự thật không thể chối cãi, không thể bác bỏ được bằng bất cứ lý luận gì: chỉ có chính mình, tự mình triệt tiêu được những cái “hoạ”, nghiệp chướng tiêu trừ, buồn đau tiêu tán, rối rắm hoá suốt thông… bằng cách lấy cái thiện trấn áp, đè bẹp, lấp xoá cái ác. Một khi mình đã làm cho một cái “hoạ” biến mất, đã là một cái “phúc” rồi, sự biến mất không còn nhìn hay cảm nhận được nữa chính là “phúc” rồi.

“Tránh làm những điều Ác Siêng làm những việc Thiện Giữ tâm ý trong sạch

Đó là lời chư Phật dạy” (Chư ác mạc tác.

Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý.

Thị chư Phật giáo).

Chỉ chính mình tự làm tự cứu, tự giải thoát cho mình thôi. Phật chỉ dạy bảo, hướng dẫn, chứ Phật không ban phát hay thu hồi, không thưởng phạt mình. Phải rõ biết như vậy, mình sẽ luôn

 

sáng suốt nhớ đến và thực hành pháp Phật trong cuộc sống hằng ngày, như sử dụng thanh tuệ kiếm để chặt đứt dây phiền não.

Học và hành, hiểu và ứng dụng pháp Phật, tôi đã nhận ra khi hoạ đến dồn dập “vô đơn chí” mà mình chuyển hoá cho những cái hoạ đó tiêu tan ra mây khói thì đó cũng là lúc phúc về tới tấp, chứ không phải “bất trùng lai”!

Vào thời gian gần đây nhất, những chuyện xui rủi, những chướng duyên đã rủ nhau ùn ùn về với gia đình nhỏ của tôi chỉ trong một thời gian ngắn trước cái Tết năm con trâu Tân Sửu 2021, như một cuộc hội ngộ lao nhao của đau buồn, lo lắng, phiền não…

Đứa con đầu, “con gái rượu” của tôi, đã không còn sống nổi với gia đình bên chồng, khi nước tràn ly liền bồng con thơ hai tuổi về nương náu trong vòng tay dang đón ấm áp của cha mẹ. Vào thời điểm đó, đại dịch COVID-19 đang hoành hành gieo tai ương khốn khổ khắp nơi trong và ngoài nước, nên con gái tôi phải chịu ảnh hưởng, không phải bị dính nhiễm bệnh hiểm mà bị thất nghiệp, công việc tư vấn du học của nó đã bị ngưng ngang do công ty phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Cũng trong thời gian đó, đứa con kề còn độc thân, “con trai quý tử” của tôi, cũng lui thân về nhà nương tựa vào sự đùm bọc của cha mẹ, vì công việc hướng dẫn viên du lịch của nó đã bị tắt dừng đang khi chuẩn bị theo tour dẫn khách sang Hàn Quốc, do công ty giải thể đột ngột vì bị ảnh hưởng đại dịch viêm phổi. Thất nghiệp, buồn chán, nó cứ rúc trong phòng suốt ngày để loay hoay tìm kiếm việc làm trên các trang mạng tuyển dụng lao động một cách vô vọng…

Vậy là trong căn nhà cấp 4 ở ngoại thành của gia đình tôi đã tập trung năm thành viên, năm miệng ăn mà không có nguồn thu nhập nào. Khoản tiền dành dụm phòng khi bất trắc, đau ốm, dưỡng già của vợ chồng tôi, cả hai vợ chồng đã qua tuổi sáu mươi, đã phải lôi ra dần dần, xuất chi để trả các món nợ “vay

 

nóng” của con gái, lo bỉm sữa cho đứa cháu ngoại cưng, cùng chi phí ăn uống hằng ngày cho gia đình năm nhân mạng kéo dài mấy tháng trời…

Rồi cũng đến lúc nguồn dành dụm cạn khô sau thời gian vơi hao dần với chi tiêu dè sẻn cầm chừng. Các anh em, bạn bè ở xa nào biết chuyện, hiểu rõ tình cảnh của gia đình tôi đều phải lo ngại giùm nhưng chỉ có thể “tiếp cứu giải nguy” nhất thời mang tính chất động viên, an ủi.

Chiếc xe máy hiệu Future của vợ chồng tôi mua được sau khi bán nhà ở phố để ra ngoại thành sống tháng ngày yên tĩnh, xe còn mới do chỉ chạy qua hơn một năm, đã “tuỳ duyện” phải chia ly với gia đình với giá chuyển nhượng khẩn cấp chỉ bằng nửa giá khi mua, để có được khoản tiền đắp đổi qua ngày, qua giai đoạn nguy biến...

Trong suốt khúc ngặt nghèo ấy, vợ chồng tôi vẫn nhắc nhở động viên nhau giữ niềm tin Phật pháp vững chãi, tin sâu nhân quả, luôn luôn “đoạn ác tu thiện”, giữ gìn thân khẩu ý của một người phật-tử đã và đang tiếp tục tu tập những gì mình tu học được. Tôi vẫn ung dung đi dự lễ lạt ở các chùa, chụp ảnh, viết tin, làm thơ viết truyện cộng tác với các ấn phẩm văn hoá nhà Phật, nhiều lúc chiếc ví trong túi chỉ có vỏn vẹn vài chục nghìn, thậm chí còn có lúc bốn túi không một xu teng, mà sắc diện vẫn tươi tỉnh, nụ cười vẫn nở trên môi giữa phố phường chợ búa, giữa đại chúng đa phần là đạo hữu thân quen … Vợ tôi thì ngoài những công việc bếp núc nội trợ bận rộn hằng ngày vẫn đi chùa lễ Phật, tụng kinh sám hối sáu căn mỗi tối tại nhà, tham dự những giờ học giáo lý, thuyết giảng Phật pháp được tổ chức ở các chùa, thay vì than vãn, tâm sự kêu rên với ai thì dành thời giờ đó niệm Phật để tâm không bị bấn loạn gây nên hoảng hốt, yếu đuối…

Khúc ngặt nghèo của gia đình trôi qua với tốc độ thật chậm, chậm hơn cả rùa bò, thật ra là do đang chật vật cùng lo lắng

 

buồn khổ nên mình thấy trôi quá chậm, đã vậy còn kéo dài hơn sáu tháng. Hơn nửa năm, năm nhân mạng vượt qua từng ngày thấp thỏm lo âu, kiếm tìm xoay trở với những tia hi vọng vừa chợt loé lên lại tắt ngúm, với những lối đi nhỏ hẹp đủ luồn lách để dè dặt từng bước vào… một ngõ cụt và những cánh cửa vừa thấy mở he hé đã khép đóng lại thật lạnh lùng… Nếu niềm tin vào Phật pháp không vững chãi, nếu không tin sâu nhân quả, không chấp nhận đương đầu đối chọi với nghiệp báo của mình, thì vợ chồng tôi đã suy sụp, ngã quỵ trước tình cảnh hầu như đã bế tắt tứ bề rồi.

Vợ chồng tôi đã đôi ba lần ngồi lại bên nhau trên chiếu trước bàn thờ Phật khi con cháu đã say giấc ngủ ban đêm, để bàn bạc, trần an trấn tỉnh cho nhau, quan trọng nhất là các cuộc thảo luận về Phật pháp, học và hiểu được những gì đều đem ra trao đổi, chia sẻ, phân tích, cùng tìm hướng, tìm giải pháp để tháo gỡ, giải mở những mối rối, rào chắn vách che chướng ngại trên mọi nẻo lối thường đi về vào ra… Phải nhìn nhận, thấy và hiểu đó là nghiệp báo của cả một gia đình có năm thành viên, là cộng nghiệp, cái nghiệp ngặt nghèo túng thiếu vật chất tài lợi đã đến và đang còn tiếp diễn réo đòi chưa ngưng nghỉ. Đành rằng nghiệp ai nấy gánh, nghiệp của con gái gieo thì nó gặt, nghiệp của con trai tung tác thì nó hái, nghiệp của chồng thì chồng khuân, nghiệp của vợ thì vợ vác, nhưng vì đang cộng sinh nên phải gánh chịu chung với nhau. Đồng thuận phu thê rồi, bắt đầu cùng tìm đầu mối của cái mớ rối rắm nhùng nhằng, rồi thấy được giải pháp cấp thiết là gỡ hai mối rối ở nơi hai đứa con. Gỡ được cho con cái, tức là sẽ cởi trói được cho cha mẹ, cả nhà sẽ vượt thoát ngặt nghèo hung hiểm. Nhưng gỡ cách nào? Nhận ra rồi, thấy biết rồi, thì cùng nhau thành tâm sám hối mà giải nghiệp thôi. Tu là chuyển nghiệp. Quan trọng là tu gì và tu như thế nào kìa!

Thắp hương lạy Phật, vợ chồng tôi cùng phát nguyện bắt đầu tụng kinh trì chú thành tâm sám hối để tiêu tan nghiệp chướng

 

nặng nề. Vợ tôi mỗi tối tụng “Ngũ Bách Phật Danh Kinh”, trì “Chuẩn Đề đà-la-ni” vào bất cứ thời gian rảnh trong ngày. Tôi trì “Dược Sư quán đảnh chơn ngôn” bất cứ lúc nào niệm được, khi đang chạy xe ngoài đường, khi đang rửa chén, phơi đồ, quét nhà… chỉ riêng khi ru đứa cháu ngoại ngủ thì tôi hát ru niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm theo Đạo tràng Mai Thôn của Thiền sư Nhất Hạnh, “Namo Avalokiteshvara”, cho đến khi cháu thiếp rồi thì mới chuyển qua niệm nhỏ chú Dược Sư theo nhịp chiếc quạt giấy trên tay.

Liên tục, ráo riết và thành tâm, vợ chồng tôi tự giác tụng niệm, không cần phải nhắc nhở nhau làm gì, chỉ cần cùng nhau tin rằng mình đã chọn hướng đi, chọn phương pháp đúng đắn để chuyển nghiệp tức cũng chuyển cộng nghiệp.

Em trai tôi bên Mỹ xem được Facebook của tôi, thấy tôi đang tích cực phụng sự đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của hắn còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá. Dĩ nhiên là tôi rất vui mừng, cảm ơn em trai đã quan tâm, đã nhìn ra nhược điểm của tôi khi tác nghiệp. Tôi về nhà từ đường, mở tủ, xách laptop về với tinh thần phấn chấn, hí hửng tập làm quen với chiếc máy tính xách tay di động ngay. Chưa được một buổi, đã nghe con gái tôi báo cho hay tin vui: “Con được tuyển vào làm việc ở một công ty trên mạng rồi!”, đó là một công ty chuyên về công nghệ thông tin có tầm cỡ quốc tế, một ánh sáng vừa ùa vào góc tối của căn nhà, thật đúng là vậy! Ánh sáng đó còn bùng lên sáng hơn, khi cả nhà được biết đứa con trai của tôi cũng được tuyển chọn vào làm với chị, trúng chuyên môn của nó. Vậy là cả hai chị em tìm được việc làm cùng lúc, cùng chỗ, thoát cảnh thất nghiệp nằm dài thở vắn than dài, tù túng ngột ngạt hơn sáu tháng qua. Điều làm cho vợ

 

chồng tôi phải kinh ngạc, không biết phải lý giải làm sao, là đứa con trai đã có sẵn máy tính bàn CPU của nó lâu nay rồi, còn đứa con gái thì… đâu có máy gì để gõ, để làm. Vậy là, chiếc laptop mà tôi được tặng mới mang về nhà đã chuyển quyền sử dụng ngay cho con gái. Như có sắp đặt và đưa đẩy, vừa khít, sát rạt, không sớm cũng không trễ hơn. Nam mô Phật!

Trước mắt là hai tháng thử việc của hai đứa con tôi, hai chị em chỉ ngồi trong mát ở nhà, không phải chạy ra đường ra phố khi “đại dịch viêm phổi Vũ Hán” đang càng ngày càng lây nhiễm hung hiểm, thật là thuận lợi và đúng là phước duyên! Trong thời gian đó, vợ chồng tôi vẫn không ngưng tụng kinh trì chú, không xao lãng, vẫn đến chùa lễ Phật, bái Tăng, nghe Pháp trong điều kiện giữ gìn 5K (Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), và luôn giữ tinh thần “thiểu dục tri túc” để thích ứng với hoàn cảnh. Khi hai đứa con trong nhà vừa lãnh được tháng lương đầu tiên thì… bùng dịch ở Sài Gòn, căng thẳng và đầy đau thương, nên công việc cũng bị ảnh hưởng, tạm ngưng chờ qua đại nạn.

Rồi tiếp sau đó, dịch bùng phát dữ dội khắp cả nước. Nha Trang, địa phương mà gia đình tôi đang sinh sống, cũng không thoát khỏi hiểm hoạ, chính quyền đã phải công bố biện pháp khẩn cấp phòng và chống đại dịch với các phương án cách ly khu vực, giãn cách, rồi đến phong toả toàn thành phố, ai ở đâu ở yên đó, không được ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng, kèm theo những hình thức xử phạt, răn đe khiến cho dòng sống nhân sinh phải nghẹt thở, con người trở nên yếu đuối và hốt hoẳng như bầy chim bầy thú bị nhốt trong lồng trong chuồng…

Thật là cuộc sống hãi hùng. Dịch bệnh đe doạ, tấn công, lan toả khắp bên ngoài. Bên trong nhà, không phải chỉ riêng nhà tôi, mà mọi nhà, thì cạn khô lương thực, thực phẩm. Phải tỉnh táo để nhận ra tình trạng hung hiểm và căng thẳng do đại dịch viêm phổi gây nên đó là cộng nghiệp, mọi gia đình trong cộng đồng phải chịu chung, thì biết than thở, trách móc, hay cầu cứu ai đây?

 

Thành phố phong toả suốt ba tháng trời, từ tháng 7 đến qua tháng 10 năm 2021, nhiều khá giả, có của dư của để đều còn phải chịu cảnh thiếu hụt thực phẩm lương thực, huống chi những nhà nghèo, những nhà đang lâm cảnh ngặt nghèo như nhà của tôi, gia đình tôi?! Căng. Những sợi dây đàn đã bị bàn tay vô hình vô ảnh của Nghiệp vặn trục tăng cho mỗi ngày càng căng thêm lên để chuẩn bị… đứt.

Một đứa em đang ở bên phương trời xa cách nửa vòng trái đất, vì lý do tế nhị, xin không nói rõ là đứa em nào vì em nó đã yêu cầu, mới thời gian trước đó còn loay hoay chật vật tìm việc làm để có thu nhập, bỗng dưng gặp được quý nhân thương mến và giúp đỡ, tạo công ăn việc làm với mức lương “dễ thở”, không dư dả gì nhưng cũng đủ để nhịn mà nhường, mà chia sẻ cho gia đình ông anh đang lâm cơn nguy khốn ở quê nhà. Lại thêm một lần nữa, sau này khi mọi chuyện qua đi, tôi ngồi gẫm lại mới thấy là như có sự sắp đặt, đưa đẩy cho thiện duyên đi và đến vừa kịp lúc, vừa đủ, vừa khít khao, vừa sát sao kỳ diệu. Suốt ba tháng bị phong toả, cách ly toàn xã hội kinh rợn đó, đứa em tội nghiệp của tôi đã lặng lẽ chuyển ngoại tệ về ba lần bốn lượt, người giao tiền phải vượt bao rào chắn kiểm soát dịch bệnh để trao tân tay tôi những tờ giấy bạc đậm nghĩa tình “để anh chị lo cho các cháu”, cứu nguy cho cả nhà thoát cảnh đói ăn, khô khát nhu yếu phẩm cho đến ngày gỡ bỏ lệnh phong toả… Sau đó một, hai tháng thì đứa em tôi lại thất nghiệp, di chuyển đến nơi cư trú khác với công việc khác, không còn “khoản nhịn bớt cho anh” nữa.

Khi tình hình chung cả nước đã dễ thở rồi, vaccine tiêm phòng đã kềm hãm, giảm vơi được mức độ lây lan và nguy hiểm của lũ virus corona, công việc của hai đứa con trong nhà đã được tiếp tục trở lại với nhiều thuận tiện và lương cao hơn rồi, vợ chồng tôi đã ngồi lại bên nhau, nhìn nhau không bình luận gì, nói chi hay khen chê chi cũng bằng thừa, chỉ thấy trong ảnh mắt của nhau đang rực lên ánh sáng của niềm tin chánh pháp và thấy

 

cả những giọt lệ đang ngấn đọng sắp sửa tuôn rơi vì cảm động, vì quý kính tri ân mọi nhân duyên thù thắng đã đến đã đi, đã về đã tới dưới ánh vàng lấp lánh mầu nhiệm.

Khúc ngặt nghèo đã qua. Nghiệp đã được chuyển đổi. Cuộc sống đang tiếp diễn. Vẫn còn đọng lại đó một bài học quý báu rất thật, rất mầu nhiệm, để cho vợ chồng tôi phải luôn ghi nhớ khi tiếp tục đồng hành trên con đường đã cùng chọn, con đường ứng dụng Phật pháp để giải thoát khổ đau cho chính mình và gia đình nhỏ của mình.

Ôn lại chuyện đã qua, gẫm nhớ khúc ngặt nghèo, vào một sớm tinh sương bên tách trà nóng thơm với tâm trạng vui tươi sảng khoái, tôi đã cảm tác một áng văn vần để tặng cho riêng mình, người học và hành theo pháp Phật nhiệm mầu:

Chuyển nghiệp dầy hóa mỏng tang Chuyển im ỉm lặng rung vang ồn ào Chuyển ao bùn vượt đồi cao

Chuyển trên tuyệt đỉnh rơi vào hố sâu Chuyển vô minh sáng nhiệm mầu Chuyển tình giãy chết qua cầu tái sinh Chuyển họa tai hóa phước lành Chuyển em câm nín tụng kinh rung trời Chuyển bầy hoang dã thành người

Chuyển tôi khóc thét nay cười nhe răng!

Viết xong lúc 12h ngày 25/10/2022

Tâm Không Vĩnh Hữu

(Nha Trang - VN)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Thư viện

Pháp âm