Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 images 2

37.  Mùa Xuân Của Bé Ken

Hồ Thị Mỹ Diệp

Xuân 2009 - đó là một mùa xuân rất buồn... Mùa xuân mà Ken không muốn cất lại vào tim. Ken đang nghĩ về đó -

nơi có ông Chín và 5 đứa con mồ côi. Chắc giờ này họ đang vui cười thổi nến mừng sinh nhật ông Chín, đang hò reo với những chai nước ngọt, những ổ bánh kem, thôi nghĩ về đó làm gì nữa, xót xa. Cái nơi mà Ken cho rằng có đầy đủ bằng chứng để chứng minh sự phủ phàng của cuộc đời.

Ken sinh ra ở vùng quê nghèo, ba mẹ mất sớm. Ken ở với ngoại. Năm Ken lên 10 tuổi, ông Chín đi từ thiện ở quê Ken và xin Ken về làm con nuôi, ngoại đứt ruột xếp bốn bộ đồ chắp vá cho Ken đi vì không đủ sức nuôi cháu.

Ken đón nhận cuộc sống mới nơi nhà ông Chín tại Lâm Đồng. Ken chăm ngoan, học giỏi và đầy hứa hẹn ở một tương lai tươi sáng, nhưng cuộc đời vô thường đã dập tắt ước mơ của Ken khi cô lên 19 tuổi, cô bị bệnh về thần kinh và đau đầu, mỗi ngày mỗi nặng, cuộc đời cô cũng từ đó bước sang trang mới.

Ông Chín đánh đập và đuổi cô đi, mặc cho cô quỳ lết năn nỉ. Nhưng với ông Chín, chỉ cần làm được việc và học giỏi để ông “nở mặt nở mày”; còn lại, ông không quan tâm. Thế là cô phải đi, cô nhờ sự giúp đỡ của bạn bè rồi đi đây đó chữa bệnh. Tết năm ngoái, Ken trở về trong sự hất hủi, chà đạp lên vết thương

 

chưa kịp kéo da non. Ken quỳ trước cửa phòng ông Chín hàng giờ để đợi nói một câu xin lỗi. Nhưng Ken có tội gì chứ? Cái tội bệnh hoạn? Chỉ đợi ông Chín mở cửa với câu nói đặc giọng miền Nam “mày muốn ở thì ở tao không cấm...”

Ken ôm chiếc ba lô còn thơm mùi thuốc bắc lê thê bước về phòng, nhưng Ken không có quyền đó. “Mày không được ngủ ở đó nữa, bây giờ mày đã là người Sài Gòn rồi, chỗ của mày đã có bé Nâu thay thế. Mày không được bước chân vào phòng” - Ông Chín la xối xả. Ken chỉ kịp mượn cái chăn của thằng Cỏ, lủi thủi ra nhà khách, cuộn tròn trên tấm ván, Ken trằn trọc không ngủ được, phần đắng cay, phần lạnh buốt. Lúc trước ông Chín thương Ken bao nhiêu thì giờ đây ngược lại bấy nhiêu. Như một trò đùa trớ trêu, từ khi Ken lâm trọng bệnh là lúc Ken bị chà đạp và bị hất ra một cách tàn nhẫn, cuộc đời họ sống với nhau vì cái gì nhỉ... Ken không hiểu... Mùa đông lạnh, Lâm Đồng như lạnh hơn.

Ken lang thang qua từng chặn xe. Cuối cùng, cô dừng lại ở Đồng Nai, tá túc đây đó, bị bệnh hoạn, bị xua đuổi, bị ăn hiếp, cô tuyệt vọng, chán nản, và bắt đầu đắm mình trong những vũ trường theo bạn bè. Ban ngày cô đi làm thuê, đêm về lang thang quán xá. Cô hận ông Chín, cô oán hận cả cuộc đời, cô thả mình khi say khi tỉnh trong những men rượu rẻ tiền. Cái ngày rằm tháng 7 năm 2008, ở Bệnh viện MeDic, cô trèo lên lang cang lầu 4 muốn tự vẫn cho xong. Trong cùng cực tuyệt vọng, cô nhớ lời Ni Sư Như Đức dạy về sự khổ mà cô nghe đuợc nhờ bà phòng trọ kế bên mở suốt ngày đêm. Dù cô không cố ý nghe, nhưng vạn pháp qua tai đều thành duyên, nó như cái phao cứu lấy cô.

Cô trở về, lân la đến chùa. Cô quỳ trước chánh điện nhìn Đức Phật Bổn Sư mà nước mắt cô ràn rụa, cô muốn hỏi Ngài bao nhiêu câu hỏi “tại sao...” Nhưng Ngài chỉ mỉm cười nhìn cô với ánh mắt hiền từ. Tại sao ư? Câu hỏi như một tiếng thở dài muôn thuở của thế nhân, của những bước chân quay cuồng trong đêm dài tăm tối, trong đó có cô.

 

...

Cô dần dà được dạy và hiểu Phật Pháp, cô tu chí làm ăn và làm lại cuộc đời. Nhưng cơm áo gạo tiền giữa cuồng quay thế sự với tấm thân èo ọt, cô lại rơi vào bế tắc, những hạt giống oán hận tưởng đã ngủ quên lại bao nhiêu lần thức giấc. Cô nhiều lần muốn quay về đánh cho ông Chín một trận, cho ông Chín một bài học, cô muốn phá tan cái căn nhà nơi ông ấy đang ở, cô chán nản đến tự kỉ. Cô sợ con người, cô không muốn gặp ai, không muốn nghe ai nói. Dường như cái gì được nuôi dưỡng thì sẽ tươi tốt phát triển, và hạt giống tiêu cực trong cô cũng vậy, sinh sôi ra đầy tâm hành bất thiện, nhấn chìm cô trong đau đớn cùng cực.

Mặc dù cô hiểu nghiệp duyên, nhân quả, oán kết luân hồi, cô nghe đều hiểu hết. Nhưng với sự huân tu còn non yếu, Cô chưa đủ sức để vịn câu kinh Thầy trao hôm qua mà đứng dậy. Mãi sau này cô mới hiểu rằng cho dù làu thông thiên kinh vạn quyển mà không thấu rõ được nguồn tâm thì khác gì kẻ đói mà ngồi học thuộc lòng bản thực đơn vậy, làm sao no được. Cô không có lối thoát, tăm tối, mịt mờ.

Tiểu Khiêm qua thăm cô, dắt cô về Thiền Viện, cô thất thểu lê gót trước hiên thiền đường, bên trong hơn cả trăm vị Sư Ni ngồi yên phăng phắc, một cảm giác bình an lạ thường, tự nhiên cô thèm được sống lại, thèm khát một điều gì đó tận sâu trong mình mà cô không hiểu được, cô muốn sống một cuộc đời thật trọn vẹn và ý nghĩa như thế, cô ngồi trước hiên mà hít từng ngụm bình an. Cô biết ơn tiểu Khiêm đã đưa cô về đây, bước chân đó là bước nhân duyên đưa cô một lần nữa trở về...

Mùa đông đến với những ngọn gió se lạnh... Ken nhặt chút cát, bâng quơ... Cũng mùa đông này, năm ấy, Ken lang thang trên Sài Gòn để chữa bệnh. Ken mượn tiền của các bạn, gom lại một cọc tiền lẻ. Ken tính được 900.000 đồng vậy mà vào bệnh viện, Ken khám xong không đủ tiền mua thuốc, bệnh viện Pasteur mắc tiền thật, Ken nghĩ vậy. Còn đúng 8000 đồng, làm

 

sao về tới Đồng Nai đây. Ken lầm lũi trên ngã tư Bồ Tát Quảng Đức, lâu lâu lại nhìn quanh, chỉ mong ước có ai quen để mượn

30.000 đồng, đủ về tới Tân Vạn rồi tính tiếp. Nhưng làm gì có ai. Sương đêm bắt đầu buông... lành lạnh... đói... Phải làm sao đây. Ngày mùa đông năm ấy rất lạnh...

...

Một lối sống cứ len lỏi đau thương. Ken muốn thoát ra khỏi, nhưng cô không làm được. Cô càng đấu tranh thì tâm cô càng giống một bãi chiến trường. Cô học cách thương yêu và lắng nghe những khổ đau của chính cô, nhưng đôi khi cô bất lực vì cái khối nội kết bên trong cô nó mạnh quá, nó chi phối, nó trở thành một năng lượng nặng nề kéo tâm cô chùng xuống. Những khe rãnh thần kinh trong bộ óc cô nó khiến cho cô bị dẫn dắt theo những cách nhìn cũ, những cảm xúc cũ, những kinh nghiệm khiến cô ám ảnh trong quá khứ nó chi phối hiện tại. Cô dễ dàng hành động, tư duy, nhìn nhận sự việc theo kinh nghiệm đã xảy ra. Con ma quá khứ nó trấn ngự và điều khiển hiện tại.

May mắn cho cô có tiểu Khiêm và quý Sư Cô đồng hành, có đủ tình thương, có đủ sự bao dung, có đủ sự tươi mát và vững chãi để đi cùng cô. Mỗi ngày thực hành chánh niệm, mỗi ngày chế tác yêu thương cho tự thân, mỗi ngày nuôi dưỡng cô bằng niềm vui, bằng niềm yêu thích cuộc sống, yêu thích làm việc, yêu thích bầu trời bao la và thiên nhiên đẹp diệu kỳ, và mỗi ngày cô làm bạn với niềm đau trong cô, cùng với người bạn đồng hành, cô có thêm niềm tự tin, có thêm vững chãi. Niềm đau kia dần trở thành một đối tượng thương yêu rất dịu hiền, rất bao dung và thanh khiết ở trong cô.

Vậy nhưng có những lúc biến cố xảy đến trong cuộc đời, thì cô vẫn bị cái tập khí cũ dẫn lối, cô tìm tới những người bạn trong quán Bar để chạy trốn khổ đau. Nhưng may mắn khi bước chân vào quán thì cái khổ đau ngày xưa bừng sống dậy và cô quay gót về chùa, ngồi trước Phật, nhìn từ dung của Ngài mà bình tâm lại

 

và nhận ra được rằng khi đủ yên, đủ bình an, thì chuyện gì cũng qua, chuyện gì mình cũng đủ sáng suốt để giải quyết nó.

Tuy rằng giữa bộn bề cuộc sống, cũng nhiều lúc khiến cô có đủ hờn - giận - ghét - thương, nhưng cô đã có đường đi, con đường rất sáng mà Đức Thế Tôn đã khai mở từ bao ngàn năm trước. Dù cô không hoàn mỹ, cô chưa thực hành được trọn vẹn giáo pháp. Nhưng hôm nay, cô đã hơn cô của ngày hôm qua một ít, đã biết dừng lại, biết thương chính mình. Cô yêu con đường mà Đức Thế Tôn đã dạy, cô yêu cuộc sống của cô, yêu cả những thứ chưa hoàn thiện của mình. Cô hiểu rằng những thứ chưa hoàn thiện nơi cái cô làm cũng là một cơ hội, cơ hội để cô chấp nhận chính mình. Cô học cách chấp nhận để thương yêu những vụng về, yếu kém của chính mình và của mọi người. Và cô cũng học cách thương yêu những hoàn cảnh không thuận lợi đến với mình nữa, cô yêu bản thân mình đã đi qua những trở ngại một cách vui vẻ. Mỗi ngày được lạy Phật, ngồi thiền và thắp hương cho ông bà là khoảng thời gian bình yên nhất đối với Ken, cô thấy mình có gốc rễ, thấy có quê hương để trở về, mỗi ngày ngồi yên với Phật, cô thấy bình yên và vững chãi lắm, bao nhiêu sóng gió bên ngoài khi đi làm bỗng trở nên nhẹ tênh.

Nhìn lại chặng đường mình đi qua, cô lại thấy nhiều cảm xúc, nhưng xem những tấm ảnh trong veo của bé Bông trong khoá tu tuần trước, tự nhiên thấy ấm áp, an lành. Trẻ thơ cho chúng ta nhiều bài học, mỗi ngày ta học cách trở về với em bé hồn nhiên bên trong mình.

Hôm nay, cô đến Thiền Viện và nghe thầy dạy chủ đề “Ai là tri kỷ của đời mình?” Thầy nói: “Cuộc đời này không dễ gì mình tìm được một người tri kỷ. Vì vậy khi chúng ta tìm được người tri kỷ của mình thì đừng để mất đi.”

Cô nghĩ đến Ni Sư, đến tiểu Khiêm, đến quý sư cô, đến những người bạn cùng giúp trẻ em mồ côi và trẻ em khó khăn với mình, trong lòng cô tràn ngập biết ơn. Cuộc đời cô sao mà

 

được nhiều tri kỷ đến vậy! Cuộc đời cô vẫn còn may mắn lắm! Mỗi ngày được uống từng dòng sữa pháp thoại, cô cũng tập làm người tri kỷ của chính mình nữa. Có mặt cho chính mình, lắng nghe mình, làm bạn với mình, cô thấy trái tim mình thật ấm áp.

Ngày trước cô có một người bạn khá thân. Mỗi lần cãi nhau, cậu ấy thường đến làm hoà và cuối cùng cậu hay nói câu “mình vẫn là bạn nha!”

Sau này, thỉnh thoảng cuộc sống phải trải qua nhiều sóng gió, cô mệt mỏi, quên có mặt cho mình. Những lúc như vậy, cô đặt tay lên trái tim của mình và nói “mình vẫn là bạn nha!” Và cô thấy thật ấm áp.

Thầy nói: “Đôi khi ta phải vượt qua những luân lý thông thường, những định kiến, những rào cản, để làm được những điều phi thường hơn.”

Thì ra, khi ta cảm thấy được tình bạn rồi, cảm thấy được tri kỷ bên trong mình rồi, thì mình có thể vượt lên nhiều khó khăn lắm, để làm được những điều phi thường nhất.

Sau tất cả, cô muốn mang một hành trang mà trong đó chứa đầy tình thương, lòng bao dung, và lòng biết ơn để trang trải vào đời, để lan toả đến những người xung quanh cô, để cuộc sống này đẹp hơn, mầu nhiệm hơn.

...

Hôm nay, cô ngồi nơi đây, trước hiên nhà ván đơn sơ cũ kĩ của ngoại, với nắng, với từng cơn gió lùa mát dịu. Ngoại đi rồi, nhưng ngoại hoá thành hơi thở nơi cô, nơi mỗi sự sống cô tiếp xúc. Trời cuối năm trong veo, từng tán lá xanh, từng bông hoa vàng, thật đẹp. Trong lòng cô chứa cả sự sống nơi đây, những con người, những tình thương, lòng biết ơn sâu sắc. Thương mảnh sân nhỏ nhà ngoại, thương từng đoạn đường mình đã đi qua, dù vui dù buồn, đều rất đẹp, tất cả đã tạo nên một cô Ken hôm nay, khi mà cô có thể đối xử dịu dàng với những lao xao

 

hỗn độn xảy ra thường ngày trong cuộc sống. Một đoạn đường đi qua như một cuộn phim rất rõ. Cô hiểu rằng những hoàn cảnh đến với mình trong hiện tại chính là tấm gương phản chiếu nội tâm mình. Đôi khi mình nghĩ là người này hay người kia đem lại cho mình những điều không vui. Nhưng thực ra là họ đang giúp cho mình thấy được bên trong của mình đang có những điều như thế. Nhìn kỹ, mình sẽ hiểu mình hơn, và có cơ hội để chuyển hoá. Vậy nên, cô luôn biết ơn mọi thứ đến với mình. Tất cả những gì xảy ra đều có lý do của nó, duyên này kết thúc thì có duyên khác mở ra, trùng trùng duyên khởi như vậy. Cô nhắm mắt, hít một hơi thật dễ chịu, cô cảm thấy mình may mắn vì được gặp Phật pháp. Cô chắp tay tri ân Đấng Từ Phụ, và thầm biết ơn mọi nhân duyên đã trợ duyên cho cô trên đạo lộ này.

...

Từng mùa đông trôi qua, Ken trưởng thành lên dần qua mỗi mùa gió chướng. Ken ý thức được rằng phải tự dùng tay mình để nhổ từng cây gai dưới lòng bàn chân của kẻ lữ hành đang đi tìm vẻ đẹp. Chặng đường Ken đi như một bài ca trữ tình mà Ken là nhân vật chính. Bài ca ấy phải hay, thật hay... Bởi sau mỗi mùa đông lạnh giá, có một mùa xuân lại về... Hơn 10 năm trôi qua, chính nơi những chặn đường này, đã trao cho Ken một mùa xuân miên viễn, chân tình này là kí ức đẹp của đời người mà cô muốn khắc hoạ nên một bức tranh đẹp, bức tranh của sự sống.

Đâu đó trên kệ sách của cô, vẫn còn rất nhiều lá thư tay mà cô tự gửi cho chính mình, cũng như những trang nhật kí mà cô đã viết lại quá trình thực tập của mình. Những lá thư mà cô cảm thấy có giá trị cho bản thân và cho những ai đang thực tập để đi ra khỏi những khổ đau, để tháo gỡ được những mối tơ vò trong tâm trí, để tự chữa lành mình sau những tháng ngày dại dột mang theo bên mình nhiều vết thương. Và đến hôm nay, khi nghĩ về ông Chín, cô đã thấy không còn oán hận nữa rồi. Cô chọn một bức ngẫu nhiên và đọc:

 

“Bức thư gửi cho chính mình. Ngày 28/03/2017.

Em thương.

Cho dù cuộc đời có vùi dập, có đau thương, tôi cũng mong rằng hồn em vẫn trong và mộng em vẫn xinh. Sau những niềm đau, tôi mong em vẫn còn hồn nhiên, vẫn còn tươi mát. Cho dù tôi biết niềm đau sẽ còn đến với em, tôi vẫn mong em hãy ước mơ, hãy tin tưởng, và hãy can đảm bước tới.

Có đôi khi trong cuộc đời mình cũng gặp những nghịch duyên. Đâu phải ai cũng đủ kiên nhẫn với mình, và đâu phải lúc nào mình cũng kiên nhẫn đủ đâu. Sau tất cả, ta vẫn luôn luôn chắp tay nguyện cầu cho ta đủ kiên nhẫn, đủ hiểu ta và hiểu người, để tình thương trong ta vẫn mãi còn, vẫn đơm hoa.

Em biết không, mình học pháp để hiểu pháp, hiểu pháp để hành pháp, hành pháp để đem lại sự an lạc cho bản thân, và cho nhiều người quanh ta. Tôi mong rằng, mỗi phút giây, em tập chế tác được chất liệu chánh niệm, để không đánh mất chính mình. Bằng việc thực hành chánh niệm, chúng ta có thể làm việc bằng hết cả trái tim của mình, làm việc bằng niềm đam mê, sự thảnh thơi và bình an bên trong mình.

Chúng ta cũng cho phép cơ thể mình được nghỉ ngơi, thư giản và tận hưởng những tinh hoa của Vũ Trụ nữa. Để thân và tâm mình được sạc pin cho hành trình phía trước.

Thỉnh thoảng những vết thương quá khứ lại trồi lên, làm cho em cảm thấy khó chịu, tắc nghẽn, tức bên trong, có khi là sự cô đơn, có khi là lo lắng, sợ hãi, có khi bồn chồn, có khi tuyệt vọng... Không biết do đâu.

Em đừng chạy trốn, đừng đấu tranh với chúng. Mà hãy ngồi xuống, thở thật sâu, thật chậm, thư giản toàn bộ cơ thể và tâm trí. Thì những khó chịu ấy chắc chắn sẽ giảm bớt chừng

 

50% rồi.

Hãy tiếp xúc với chúng, mỉm cười, gửi tình thương yêu đến cái khó chịu bên trong mình. Năng lượng chánh niệm là năng lượng của sự có mặt, an lành, nhẹ nhàng, yên lắng nhưng tươi vui. Khi ta ôm ấp những khổ đau bên trong mình, gửi tình thương cho khổ đau đó, ta phải duy trì hơi thở chánh niệm. Như vậy, nỗi khổ niềm đau kia, bằng tình thương yêu, bằng năng lượng chánh niệm, bằng định lực, ta sẽ phát khởi tuệ giác, ta sẽ hiểu được gốc rễ của nó. Và nhờ sự hiểu biết và thương yêu, nhờ năng lượng chánh niệm, khối khổ đau kia sẽ tan dần.

Mình cứ từng bước như vậy mà đi, em nhé. Mong em bình an.

Thư tôi viết cho tôi:

Nhuận Phát. “

...

Lá thư khép lại, âm hưởng còn đọng trong từng ngõ ngách của cuộc sống. Gió vẫn thổi, lá vẫn bay, Ken ngồi đây thôi, tháng 10 quê mình thật đẹp.

Hồ Thị Mỹ Diệp

(Đaklak, VN)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Thư viện

Pháp âm