Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hinh anh hoa hai duong tuyet dep

36. Poya” Ngày Tháng Năm

Tường Vân

Poya” ngày tháng Năm!

Sáng 40h 30p, điện thoại reo chuông...

  • Con đang ở đâu vậy, con ra sân bay chưa?
  • Dạ chưa, con mới chuẩn bị đồ đạc xong, giờ mới lên xe ra sân bay thưa sư phụ.
  • Sao con ra trễ vậy, sư phụ đang ở sân bay đợi con đây.
  • Dạ, con đi sớm vậy sư phụ đi tiễn chi cho cực ạ.
  • Không sao, con đi học xa, sư phụ đưa con ra sân bay mới thấy yên tâm.
  • Dạ, sư phụ.

Tôi mỉm cười và trong lòng không khỏi cảm khái xúc động...

Bao năm rồi, sư phụ tôi vẫn vậy. Vẫn luôn là người thầy hết lòng thương và lo lắng cho đệ tử và cũng là người thầy luôn tận tâm với công việc phụng sự Tam Bảo và giúp đỡ cả những mảnh đời cơ nhỡ khó khăn.

Tôi xuất gia ở với sư phụ từ khi còn nhỏ xíu. Nhớ mãi, ngày đầu xuất gia, sư phụ cạo đầu chừa lại cái chỏm tóc ngắn cũn quăn quăn khi tôi vừa vô chùa được ba tháng, nhìn dễ thương ngây ngô hết sức.

 

Vậy mà thoắt cái 13 năm vụt trôi nhanh, chuỗi ngày tháng hành điệu tu tập ở chùa mới đó đã đi qua lúc nào, có lẽ đời sống bình dị nơi ngôi chùa nhỏ với hai thời kinh khuya, tối đều đặn, sự bận rộn với các công tác chấp lao phục dịch trong những tháng ngày khó khăn, nên dường như, tôi cũng quên đi sự của có mặt của thời gian.

Và rồi, tôi bắt đầu hành trình mới khi sư phụ cho phép đi học Trung Cấp Phật học, khoảng thời gian bốn năm vừa đủ nuôi lớn thêm phần nào hoài bão học Phật, lợi tha. Tôi lại tiếp bước lên chương trình cử nhân Phật học, trải qua tháng ngày miệt mài học tập. Ba năm trôi nhanh cuối cùng tôi cũng nhận được những kết quả ngoài cả sự mong đợi với tấm bằng tốt nghiệp cử nhân Phật giáo hạng giỏi.

Đầu năm 2020 là khoảng thời gian đầy biến động khi đại dịch covid ập đến, mọi thứ dường như đứng im và cũng vì thế mà mọi hoạch định của tôi cũng theo đó hoãn lại. Dù tôi đã xin được học bổng du học nhưng đành phải dời lại cho việc đợi chờ các chuyến bay được mở trở lại.

Khoảng thời gian hai năm đầy nguy hiểm, sợ hãi ấy có lẽ sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng mà mọi người sẽ không bao giờ quên. Hàng ngày nhà nhà theo dõi tin tức, các ca nhiễm bịnh vẫn tăng lên với con số chóng mặt. Những câu chuyện thương tâm vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, khi dịch bịnh đã lấy đi của nhiều người, sinh mạng của những người thân yêu...

Ở tận cùng trong sự hoang mang, sợ hãi, bi quan ấy, cuối cùng người ta cũng dần quen và chấp nhận sống chung trong tình trạng mới, cùng nhau vượt qua khó khăn, mất mát của trận đại dịch covid-19 đầy đau thương này.

Và rồi, mọi việc vẫn là diễn ra đúng theo chu trình nhân duyên của nó: sinh, trụ, dị, diệt, sau hai năm tình hình dịch bịnh dần đã giảm bớt, sự nhộn nhịp của phố xá cũng dần trở lại như trước. Sau tháng ngày đợi chờ cuối cùng tôi cũng thực hiện

 

được ước mơ du học của mình.

Tôi đăng ký khoá học Thạc sĩ Phật học tại Sri Lanka. Trước khi đi tôi về chùa đảnh lễ sư phụ, với đôi mắt hiền từ nhưng nghiêm nghị, giọng nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc , sư phụ tôi dặn dò vẫn câu nói thuở nào, “Con đi học xa dù ở đâu hãy luôn nhớ mình là người tu, làm gì phải luôn đúng chuẩn mực của người xuất gia, có gì khó khăn thì gọi cho sư phụ biết. Sư phụ ở xa không thể nhắc nhở con hằng ngày như lúc con còn nhỏ. Đi xa sư phụ phải biết cẩn thận đề phòng và nỗ lực trong tu tập nhiều hơn nữa con nhé.”

Sự háo hức xen lẫn sự hồi hộp trong buổi khuya ngày ra sân bay ngày hôm ấy tôi vẫn còn nhớ như in, trong sự vội vàng đóng gói hành lý, nào là nước tương, bánh tráng, nấm khô..vv tôi còn nhét thêm bịch muối ớt như thể ở xứ người sẽ chẳng có khi cần. 4 giờ 15 phút tôi vội vàng book xe tới sân bay là 5 giờ kém thì đã thấy sư phụ đứng đó tự bao giờ.

Khuya hôm ấy tôi đến sân bay trong sự vội vàng, xuống xe thấy sư phụ từ xa đang đứng đợi cùng với người chú em sư phụ. Tôi nhanh chóng lấy đồ xuống và chạy lại bên sư phụ với nụ cười tươi rói . Sư phụ cũng hỏi thăm tôi vài câu và sau đó tôi nhanh chóng chuyển hành lý vô check in cùng với một bạn du học sinh khác đi cùng chuyến bay, cùng vào check vé và kí gửi hành lý vì đã tới giờ. Vì việc check in vé có vài thủ tục phải đăng kí thêm nên tôi chạy ra vô để lấy giấy tờ bên ngoài , sư phụ cũng lo lắng hỏi thăm nhưng vẫn đứng đợi tôi cả gần 2 tiếng mới kí gửi xong đồ. Sau đó tôi ra xếp lại hành lý xách tay vào balo , sư phụ cũng loay hoay phụ xếp với tôi. Biết tính tôi xếp đồ không được gọn, sư phụ lấy từng thứ xếp đồ vào vali như hồi tôi còn nhỏ. Bỗng nhiên tôi thấy lòng mình thương sư phụ đến lạ, hệt như cảm giác ngày còn thơ bé,thấy mình vẫn bé nhỏ như chú tiểu của ngày nào...

Sau khi sắp xếp xong , cũng đã đến giờ vào bên trong , tôi

 

chụp vội tấm hình kỉ niệm với sư phụ và chào sư phụ để đi. Thấy sư phụ cầm trong túi áo ra một bao lì xì màu đỏ rồi nói: “Sư phụ cho con thêm để qua đó có mà chi tiêu sinh hoạt.” Tôi dạ nhỏ nhỏ trong miệng và cảm ơn sư phụ rồi vội đi vào trong sân bay cho kịp giờ. Vào đến cửa an ninh, quay nhìn lại tôi thấy sư phụ vẫn đứng đó dõi mắt xa xăm nhìn đứa đệ tử đã trưởng thành đi du học phương xa. Nhìn lại bóng dáng sư phụ nay đã hao gầy theo năm tháng, lòng tôi chợt lâng lên một nỗi niềm khó tả. Hình ảnh vị thầy màu tóc đã lấm tấm màu hoa tiêu vẫn luôn đọng lại, khắc khoải trong trái tim tôi trong sự nhộn nhịp của dòng người lữ hành...

Nhớ lại, sư phụ tôi vào chùa ở lúc 9 tuổi. Khi đó nghe mẹ sư phụ kể, đi tu mà bên nội không cho, đến sau này khi sư phụ tôi xuất gia cạo tóc tu một thời gian lâu mới nói cho bên họ hàng biết. Thời đó, chùa nghèo cũng không có phật tử cúng dường thức ăn như ngày nay, các chú tiểu phải ra chợ xin đồ ăn cũ và nhặt những lá bắp cải mà người bán bỏ lại đem về chùa muối dưa để ăn. Sư phụ nói lúc nhỏ mỗi lần đói bụng là hay chạy xuống lu muối dưa tướt vài lá để ăn rồi uống nước cho đỡ đói chớ không có gì để ăn cả. Thời đó còn nhỏ đói quá nên lấy đồ của chúng ăn đâu có biết là mang tội ăn biệt chúng, nên khi lớn lên sư phụ mới biết nên hay mua đồ thực phẩm thức ăn về cúng dường cho chùa. Chùa sư phụ tôi ở là Tổ đình lớn nên có nhiều quý sư lớn mà chỉ có 2 chú tiểu nhỏ là sư phụ tôi và cô sư đệ kia. Mà sư phụ tôi vai sư huynh vì lớn hơn 1 tuổi nên mọi việc cực nhọc trong chùa đều do sư phụ tôi làm hết. Thời đó chùa phát tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, nên hằng ngày ngoài công việc nấu ăn, dọn dẹp lau chùi quanh chùa, đi chợ, lo cho sư nội (là sư cố của tôi bây giờ), còn phải lo chăm sóc cho mấy em bên lớp trẻ mồ côi như nấu cơm, tắm rửa cho các em đó. Tôi nghe mà cảm thấy phục sư phụ vô cùng, thời xưa tâm bồ đề dõng mãnh lắm mới chịu khổ chịu cực như vậy, thời nay mà tu cực như vậy chắc cũng không còn được mấy người kham nổi. Có lần mẹ sư phụ đi lên chùa thấy sư

 

phụ tôi ở chùa cực quá nên hỏi chú có tu nổi không? Sư phụ nói: “Người ta tu được thì con tu được chớ, má cũng đừng lo lắng cho con.” Nói xong chào má rồi lại đi làm công việc của mình. Ở chùa một thời hành điệu biết bao khó khăn chướng duyên thử thách, mà sư phụ tôi cũng chưa bao giờ nói một lời than vãn nào với gia đình mình hay là với ai. Tôi từng đọc sách chư Tổ xưa dạy, người tu là người đi lội ngược dòng thế tục nên sẽ có gặp rất nhiều chông gai thử thách, người xuất gia phải luôn giữ vững tâm bồ đề chớ để thối lui, đời tu của sư phụ tôi là một mẫu mực điển hình mà tôi luôn lấy làm tấm gương để sách tấn chính mình mỗi khi gặp chuyện phiền não trong đời tu của tôi. Mỗi lần nghe sư phụ kể chuyện xưa là mỗi lần tôi được tiếp thêm ý chí nghị lực tu tập cho chính mình. “Sư phụ hay kể chuyện xưa cho các con nghe, để biết rằng thời nay đủ phước không bị thiếu thốn đói ăn khổ cực như thời xưa cái gì cũng không có, thời nay chỉ cần các con siêng năng tinh tấn nỗ lực tu học cho tốt thì cũng không uổng một đời xuất gia tu tập.” Lời sách tấn mà mỗi lần kể xong sư phụ tôi vẫn hay nói để nhắc nhở chúng tôi. Còn nhiều lắm những câu chuyện đời thường và những góc khuất của đời sống một người xuất gia ở chùa cần trải qua để chuyển hóa tham sân si, chuyển hóa những tâm tính của con người thế tục để bước lần đến con đường giải thoát giác ngộ.

Mãi suy nghĩ thì tiếng loa trong sân bay vang lên thông báo máy bay đã đến giờ cất cánh. Tôi xếp hành lý lên máy bay và ngồi vào chỗ của mình. Lần đầu đi máy bay quốc tế , lòng không khỏi hồi hộp pha lẫn sự vui sướng. Đi tu lúc 11 tuổi, bị say xe từ nhỏ nên hầu như tôi không đi đâu xa, ngoại trừ vài năm thì về quê thăm nhà một đôi lần. Còn nhớ đợt đó vào dịp tết, sư phụ dắt tôi lên thành phố thăm một vị sư bà là ân sư của sư phụ tôi. Tết nên tôi được ăn nhiều bánh chưng, dưa hấu, mứt đậu các loại. Trên đường đi xe khách về, ngồi gần sư phụ, tôi mệt lã vì say xe, và đã ói quá chừng dính cả lên người sư phụ, sư phụ lấy khăn ướt lau dùm tôi còn cười nói: “Người ta đi xa làm thị giả cho

 

thầy, đây thầy làm thị giả ngược lại”. Tôi cười ngại ngùng vì cái bệnh say xe này, biết làm sao được. Nhìn cách sư phụ thương và lo cho đệ tử , tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì gặp được một vị thầy như vậy trong đời tu của mình. Ở với sư phụ từ nhỏ, sư phụ dạy đệ tử chúng tôi rất kĩ càng từ việc ăn uống cho đến cách đi đứng, nằm ngồi sao cho đúng phép tắc của thiền môn. Cách dạy bảo của sư phụ đôi lúc nghiêm nghị như người thầy, lúc thì nghiêm khắc như người cha, lúc hiền hòa dạy bảo phép tắc lễ nghi như người mẹ. Sư phụ tôi luôn là tấm gương mẫu mực để tôi học hỏi, cải thiện bản thân mình.

Hình ảnh cô tiểu nhỏ với chóp tóc quăn quăn nhỏ xíu , khuôn mặt hồn nhiên bẽn lẽn ngồi bên người thầy với ánh mắt hiền từ ấm áp thuở nào vẫn luôn đọng lại trong tâm trí của tôi.

Tôi lim dim tỉnh giấc khi tiếng thông báo trên máy bay vang lên báo hiệu đã đến giờ chuẩn bị hạ cánh quá cảnh sân bay ở Malaysia sau hơn hai giờ đồng hồ cất cánh, tôi cùng người bạn lần lượt chuẩn bị và đi xuống bên dưới quá cảnh.

Dự định lúc đầu tới đây quá cảnh 9 tiếng sẽ đi dạo thăm xung quanh sân bay, cũng như ăn những món ăn nóng hổi cho ấm bụng , nhưng rồi đồ đạc cá nhân nhiều, đi xa lại không có chỗ kí gửi nên rốt cuộc chúng tôi đành check in vô luôn nơi đợi chuyến bay tiếp theo. Ngồi nơi phòng đợi, tôi mới có dịp tranh thủ ngồi nghỉ ngơi vì mấy hôm trước mãi lo lắng sắp xếp công việc mọi thứ cho xong để kịp đi du học nên cả người cũng mỏi mệt nhiều. Chín tiếng mới đó đã trôi qua, nghe tiếng chị bạn gọi để chuẩn bị lên chuyến bay cuối cùng đến Sri Lanka.

Sau hơn 3 giờ bay tiếp theo, chuyến bay đáp xuống sân bay Colombo giữa đêm khuya thưa thớt người, tôi ý thức được mình thực sự đã chạm chân đến chân trời mới. Một hành trình mới đang mở ra sẽ không ít những khó khăn thử thách, thế nhưng niềm hạnh phúc vẫn lan tỏa trong lòng, một cảm xúc lâng lâng khó tả.

Đất nước Sri Lanka, dù đã nghe từ lâu về một đất nước có

 

nền phật giáo làm gốc, các truyền thống văn hoá của Phật giáo sơ khai nhưng dường như được bảo tồn gần như nguyên vẹn như thời đức Thế tôn còn tại thế. Nhưng phải một khi thực sự đặt chân đến để sống và trải nghiệm môi trường và con người nơi đây, tôi mới thực sự cảm nhận sâu sắc nét đẹp của nó.

Đất nước này vốn là một quốc đảo riêng biệt với các nước xung quanh, không khí cũng giống như miền Nam Việt nam với hai mùa nắng mưa nối tiếp.

Tôi qua Sri Lanka vào những ngày tháng năm, thời tiết đang độ chuyển tiếp giữa mùa nắng sang mưa. Nhiều hôm tiết trời hanh nắng, thế nhưng không khí vẫn dịu không bị gay gắt do bởi màu xanh của cây cối bao phủ khắp nơi. Dù là thành phố, nhưng gần như nhà nào cũng có trồng cây xanh. Tôi nghe nói ở đây nếu ai muốn chặt một cây nào thì phải xin phép chính quyền địa phương và phải trồng bù lại hai cây khác. Văn hoá bảo vệ cây cối đã ăn sâu trong tiềm thức người dân từ hàng ngàn năm qua bắt nguồn từ thời các vua hộ trì Phật giáo, luôn chủ trương bảo vệ môi trường sinh thái trong những thế kỷ đầu.

Những con đường rợp bóng cây xanh, các góc ngã tư đều sẽ được trồng một cây bồ đề, bên dưới là tôn trí tượng Đức Phật. Người dân đi đâu cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh Đức Phật, như một hiện thân của chánh pháp, nhắc nhở bổn phận và vai trò của một người phật tử tại gia.

Ở đây vài tuần, tôi phát hiện thêm vài điều thú vị đó là những ngày “Poya day” (tức ngày rằm và ngày cuối mỗi tháng) mỗi khi ra ngoài sẽ thưa thớt người đi lại trên đường. Đa số người dân sẽ đi chùa vào những ngày này để nghe giới và thọ trì tám giới. Sáng sớm hay chiều về sẽ dễ dàng bắt gặp từng nhóm người mặc áo trắng ( y phục đi chùa) đi bộ trên các vỉa hè hành lang trên đường.

Thú vị hơn nữa là những ngày nghỉ lễ ngoài đường hầu như vắng hẳn bóng người, lý do là mọi người sẽ ở nhà quây quần bên

 

người thân sau những ngày bận rộn, thay vì đi chơi du lịch đó đây, như hình ảnh quen thuộc các con đường đầy ắp xe cộ nhộn nhịp ở Việt Nam.

Nhịp sống nơi đây dường như diễn ra chậm lại hơn, người dân có vẻ thong thả, chậm rãi trong mọi việc. Có vẻ như họ không hối hả lắm cho việc làm giàu, hay bởi họ cho rằng nhu cầu thiết yếu sống nên khá đơn giản, cơm ngày ba bữa quanh đi quẩn lại với hương vị nước dừa và mùi cà ri quen thuộc, sống vừa đủ để cho đời thong thả bình an. Dù rằng có người sẽ nói rằng nếu như thế thì biết bao giờ giàu nổi?! Thật ra, nếu đi đến những đất nước phồn hoa đô thị, điều duy nhất người ta bắt gặp là sự hối hả, tranh đua. Những ai đã từng ‘nghẹt thở’ trong những nơi tất bật như thế sẽ vẫn ưu tiên tìm đến những nơi chốn bình yên .

Người dân nơi đây còn khá giản dị trong cách ăn mặc, nếu không nói là khá ‘lỗi thời’ trong thế kỷ 21. Các bạn tôi vẫn hay đùa là thời trang ‘thập niên 90’ của Việt Nam. Đàn ông lớn tuổi vẫn giữ thói quen quấn chiếc váy (được làm bằng tấm vải) và phụ nữ thì ‘tiến bộ’ hơn với chiếc váy tách rời, họ thường mặc chiếc váy rộng gần như phủ chân, cùng chiếc áo cánh rộng. Thi thoảng trên đường đi sẽ bắt gặp vài chiếc sơ ri rực rỡ sắc màu của các cô gái nhân viên văn phòng đi bộ đến công sở làm việc.

Tôi chợt nhớ tới câu nói về quy luật phát triển “cái mới luôn phủ định cái cũ” trong môn triết học phương Tây, quả thật rõ ràng. Có lẽ nhờ những người dân luôn không ‘ bị cách tân’ đó mà những văn hóa Phật giáo lâu đời mới có thể bảo lưu tốt gần như nguyên vẹn, bên cạnh những thánh tích Phật giáo cổ xưa.

Đầu năm 2020 dịch bùng phát nặng khắp nơi trên thế giới khiến cho các nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, nhất là những nước nghèo lại càng khó khăn nghiêm trọng. Đến đầu năm 2022 tình hình dịch bệnh covid mới giảm bớt nhưng thay vào đó là chiến sự xảy ra ở Nga và Uraina khiến cho tình hình chung của thế giới về xăng dầu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nước

 

bị thiếu hụt về xăng dầu,làm cho phương tiện đi lại hằng ngày của người dân bị hạn chế, công việc trì trệ, riêng ở Sri lanka bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Tôi qua đây vào đầu tháng năm là những ngày Sri Lanka dường như chìm trong ‘bóng tối’ đúng nghĩa, mấy tháng ròng thiếu xăng ngoài đường xe lớn bé xếp thành hàng dài cả mấy cây số. Xe đạp bắt đầu ‘lên ngôi’ cho sự di chuyển, tôi cũng sắm được một chiếc xe đạp ngon lành để có đi đến trường và đi chợ. Mỗi lần đạp xe có cảm giác như quay về thời chú tiểu, hàng ngày tôi vẫn đi chiếc xe đạp cộc cạch đến trường từ cấp một đến cấp ba. Và bây giờ là thời ‘du học sinh’, nhưng tôi vẫn vui vì mình còn có phương tiện đi lại, trên đường có người còn phải đi bộ hàng cây số vì xe hết xăng, sau cả ngày đợi xăng mệt mỏi thế là họ bỏ xe lại tiệm xăng và cuốc bộ về nhà.

Việc thiếu hụt nhiên liệu cũng kéo theo tình trạng mất điện thường xuyên, mỗi ngày điện cúp hai lần trong buổi sáng và tối. Mỗi lần là 2 giờ, có hôm còn cúp luôn tới 13 tiếng đồng hồ, nên chúng tôi luôn phải xạc đèn dự phòng để có học trong buổi tối. Ngặt nỗi họ không cúp 1 thời điểm giờ cố định mà cúp luân phiên theo từng khu vực, nên đôi khi đang nấu nồi cơm chưa kịp bật nút thì điện cúp, thế là trưa đó tạm thời dời bữa lại đợi chờ 2 tiếng sau mới được ăn trưa.

Thông thường không có điện thì còn có gas để nấu, ấy vậy mà cũng giống như xăng, ở mấy tiệm gas cũng cạn kiệt nguồn hàng, người ta phải sắp hàng dài ngoằn chờ đợi để được tới phiên đổi gas, có người đợi từ sáng tới chiều sau đó phải gửi lại bình gas không mà trở về vì gas đã hết sạch.

Mọi thứ trở nên đắt đỏ, tất cả các mặt hàng nhu yếu đều tăng giá gấp 3, 4 lần ngày thường vậy mà ra siêu thị đồ ăn lúc nào cũng gần như sạch sẽ, có lẽ vì tâm lý người dân sợ nay mai không còn gì để mua. Hai năm dịch bịnh ở Việt Nam dù rất bất an nhưng chưa bao giờ tôi tận mắt chứng kiến tình cảnh như thế

 

này. Tình trạng mà “không điện, không xăng, không gas” mà các chị hay nói đùa là như thời bao cấp ở Việt Nam vậy. Nói thì cho vui nhưng dù sao chúng tôi là du học sinh vẫn không đến nỗi thiếu thốn lương thực. Chỉ khổ cho những người lao động nghèo, những người kiếm tiền nuôi gia đình bằng việc lái xe tuk tuk, mà tình trạng không xăng kéo dài này, cả những người dân thất nghiệp rất nhiều quả thật là một cơn ác mộng.

Và rồi như một kết quả tất nhiên, sự khó khăn dồn dập cao ngất đã đẩy người dân kéo nhau lũ lượt đi biểu tình. Bắt đầu từng đoàn người biểu tình nổi lên, từ nhỏ đến lớn, từ công nhân, đến trí thức, đến cả sinh viên các trường đại học cũng đồng lòng kêu gọi chính phủ hành động để giúp đỡ người dân qua cảnh khốn khó này. Những người nông dân với khuôn mặt khắc khổ với mong muốn duy nhất là được trở lại cuộc sống như ngày thường..

Tôi chợt nhận ra, kể cả những ngày chúng ta được sống trong sự đủ đầy, ấm no, nhưng mấy ai nhận ra được hạnh phúc đơn giản ấy để luôn tri ân những sự thọ nhận trong đời, sự được sống khỏe mạnh, được thọ nhận đủ đầy trong khi còn biết bao người còn phải chật vật ngoài kia. Cho đến khi những biến động trong cuộc đời xảy ra chúng ta mới nhận ra những ngày tháng bình thường mới là hạnh phúc.

Kể ra chuyến hành trình du học của tôi cũng được gọi là một trải nghiệm thử thách, vài bạn ở Việt Nam đọc báo có gọi qua để hỏi thăm tình hình bên này. Câu kết bao giờ cũng là “nghĩ sao đang ở Việt Nam sung sướng mà qua đó cho cực vậy chời?! Tôi cũng chỉ cười cho qua chuyện, vì trong cuộc sống này muốn có được điều gì chẳng phải đánh đổi, muốn tìm cầu tri thức thì việc chịu cực tí cũng có là gì.

Tôi cũng từng đã trải qua thời hành điệu vất vả, thức khuya dậy sớm, làm mọi việc công quả cho chùa. Đôi khi tôi thầm nghĩ, có lẽ nhờ những tháng năm tinh cần tu tập thời tiểu mà

 

bây giờ cuối cùng tôi cũng đủ duyên được qua Sri Lanka du học. Chút thử thách này cũng không là gì so với các vị đi trước. Thời nào chẳng có khó khăn, không nhiều thì ít, nếu không kiên tâm bền chí thì những cơ hội tốt sẽ vụt qua trong tầm tay.

Trước đó tháng tư, tôi đã nghe nhiều về tình trạng bất ổn kinh tế ở Sri Lanka, nhưng nhờ được các sư chị đang ở bên này khích lệ nhiệt tình nên tôi cũng quyết định mạnh dạn, “các chị ở được thì mình cũng ở được”, và đó là lựa chọn đúng đắn của tôi. Dù mọi thứ có khó khăn nhưng đổi lại tôi có môi trường học tập tốt, bên cạnh đó hình ảnh các vị vừa tốt nghiệp cũng giúp tôi có thêm động lực trước những khó khăn buổi đầu. Vì tôi biết rằng sự đi du học không hề đơn giản , cũng rất nhiều sự đắn đo, suy nghĩ , quan trọng là tâm thái của mỗi người phải dứt khoát, mạnh mẽ bước đi thì mới có thể thành tựu được những ước mơ ấp ủ bấy lâu.

Sri Lanka đảo quốc bé nhỏ hiền hoà, rồi sẽ qua đi những tháng ngày gian khó. Dù là kinh tế chật vật khó khăn, người dân tới ngày Poya vẫn đều đặn tới chùa. Người dân tuy nghèo vẫn dành dụm sửa soạn những bữa cơm trưa để cúng dường cho các Sư. Ngôi chùa Sư chị tôi đang ở, các Sư ni vẫn duy trì việc ăn chay thanh đạm, sáng sớm và chiều tối những chiếc loa mở bài kinh tụng tiếng Pali vẫn vang lên đều đặn mỗi ngày. Âm thanh trầm bổng vang xa khắp chốn, người nghe thấy dù có hữu tâm hay vô ý cũng sẽ phần nào lắng đọng tâm tư, sự thiện lành cũng vì thế mà duy trì, tăng trưởng.

Trải nghiệm năm tháng nơi đây dù có trải qua những sự thiếu hụt như thế nhưng tôi cảm nhận được hết đỗi bình yên. Những ngày gần đây mọi thứ đã dần ổn định trở lại, đường xá xe cộ dần trở về như trước. Dù những khó khăn nhất định của đất nước vẫn còn đó, và con đường của tôi cũng chỉ mới bắt đầu. Nhưng người ta vẫn thường nói rằng ngàn dặm đường luôn bắt đầu bằng từng bước chân đi, và tôi đã bước những bước sơ khởi. Có vượt qua khó khăn con người mới càng phát huy tối đa sức

 

mạnh của tự thân.

Ngày tháng Mười, một ngày Poya nữa lại đến trong sự bình yên, trong những lời Kinh mầu nhiệm âm vang. Bài kinh Metta (lòng từ) lại được truyền khắp chốn. Tôi ước mong cho hành trình học Phật của mình sẽ luôn được thuận duyên, để có thể hiểu đúng lời Phật dạy ban sơ cho con đường chuyển hóa tâm thức chính mình và sẽ là hành trang lý tưởng để hướng dẫn cho những người đủ duyên cùng tìm về bến giác.

Tường Vân

(University Kelaniya, Sri Lanka)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm