Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hinha nh chu tieu de thuong4

35. Chú Điệu Lớn Lên Từ Ác Mộng

Mõ Chiều

Sau thời Kinh khuya. Sương đêm buốt trời, hồng chung điểm lên ba tiếng rồi lịm hẳn, chỉ có vài cơn gió đầu Thu

đi lạc, ghé qua, làm bay vạt áo người tu sĩ, ánh trăng bàng bạc chếch nghiêng bên cửa sổ soi rọi bóng dáng tĩnh lặng mờ ảo in trên nền đất lạnh. Bê chén trà nóng trên tay, ngước nhìn nụ cười an nhiên của Phật lòng đầy bình an.

Gửi em! Chú điệu đã từng lớn lên trong ác mộng. Có thể mọi người đang tự hỏi, “Chú điệu”?

Vâng! Con là một Tu Sĩ, tuổi ấu thơ đã từng là một chú điệu bi bô câu kinh tiếng kệ, từng lớn lên trong những tháng ngày không được hồn nhiên, tinh nghịch như bao đứa bạn cùng trang lứa.

Con!

Được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất Duyên Hải Miền Trung đầy nắng và gió. Tuổi thơ ở đó, dọc bờ biển dài, ngôi làng lợp bằng lá thấp lè tè để tránh gió thốc vào mùa biển động, trên những triền cát trắng là những rặng phi lao liêu xiêu trong bao mùa gió Bấc, những chiếc thuyền nhỏ ngày ngày giương buồm hứng gió đi về.

Nơi đây có những con người lớn lên cùng hơi biển mặn, làn da cháy nắng. Nơi có những trận bão biển, có những ánh mắt

 

đẫm lệ dõi về phía đại dương, vợ trông chồng, mẹ trông con trở về, và cũng có những người con ra đi mãi mãi trong một đêm bão biển. Không về nữa!

Ở đó có mùa cát bay, mịt mù như khói, như sương. Chú nhớ mãi!

Ngày chú rời xa mái nhà nhỏ, vùng quê sặc mùi biển cả, chú thấy má chú khóc, cùng đôi tay lau vội giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt rám nắng một nửa của bà.

Vì một lí do đặc biệt nào đấy chú phải xa làng quê này, phải chăng vì cuộc sống mưu sinh quá nặng nề, mà đôi vai của những người con nơi ven biển thì lại quá nhỏ bé. Họ luôn hy vọng và hướng đến những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với những đứa trẻ thơ nơi đây.

Họ mong những đứa bé ấy làn da sẽ không mang vị mặn của muối biển, trái tim sẽ không bị mùi cá tôm mà chai lì, họ muốn thấy những đứa bé được cắp sách đến trường cùng chúng bạn. Và có lẽ đó cũng là lý do mà bấy lâu nay chú vẫn luôn tin khi bước chân vào con đường hành điệu.

Và rồi.

Khi khoác lên mình mảnh áo nâu sòng, chú điệu đã được nuôi dưỡng, tưới tẩm hạt giống tâm hồn trong thế giới đầy sự hà khắc của những con người trưởng thành, cả những thanh quy nghiêm ngặt.

Chú vào Chùa với bao suy nghĩ bồng bột của một đứa con nít, chú cứ nghĩ cuộc đời là những gam màu hồng, là bao thước phim đẹp, là nơi đây chú sẽ được yêu thương theo cách trọn vẹn nhất.

Nhưng không!

Sau cánh cửa ấy, là một chú điệu cứ mỗi khi buồn lại dõi mắt về nơi xa, nơi có ba có má chú. Chú nhớ nhà, nhớ bát canh cải xoăn, nhớ những bữa cơm nghèo cùng vài tiếng cười trong làn khói chiều. Là một chú điệu dần khép mình lại, có những nỗi

 

đau chú chẵng biết nói cùng ai. Là chú điệu xem ánh đèn đường chiếu rọi vào sân Chùa để làm bạn tri kỉ. Và là chú điệu bắt đầu vô cảm với chính cảm xúc của mình.

Đâu ai hay?

Áp lực từ việc học, từ sự thay đổi môi trường của một đứa trẻ lần đầu tiên xa nhà, những suy nghĩ ẩm ương của tuổi dậy thì không có người thấu hiểu. Và đâu đó là những trận đòn roi vô cớ, những câu từ mắng nhiếc như xát muối vào tim, dành cho một đứa trẻ đôi mắt vẫn còn ướt bởi những đêm nhớ nhà, từ những người mang danh Phật tử thuần thành.

Tất cả như vô tình đã đánh thức con chó đen trầm cảm trong chú tỉnh dậy. Và rồi, những gam màu u tối ấy đã viết nên một đoạn thanh xuân chẵng mấy tươi đẹp dành cho chú.

Chú nhớ mãi!

Thời gian ấy chú luôn không ngừng suy nghĩ bản thân mình tầm thường, vô giá trị, chú luôn tìm mọi cách làm đau chính mình, vài vết sẹo trên cơ thể của chú là chứng tích cho những điều ấy.

Chú sợ đám đông, sợ ánh mắt của tất cả mọi người, chú đã từng nghĩ cuộc đời sẽ đẹp hơn, không khí sẽ trong lành hơn khi không có con người vô giá trị như chú xuất hiện.

Chú chẵng còn nhớ đã bao lâu rồi chú chưa nhìn thấy ánh mắt yêu thương của Ba Má, chưa từng có ai lắng nghe khi khóe mắt chú đỏ hoe, và bao cơn sóng dữ tràn về trong lòng chú. Những lúc cơn đau kéo về chú như cạn kiệt năng lượng, chú mong mọi người hiểu được chú đang chống chọi với con quỷ trong lòng chú như thế nào.

Chú luôn mong muốn ai đó cho chú tình thương, cho chú sự quan tâm như cảm giác đáng được nhận như bao đứa trẻ bên ngoài của xã hội. Suy cho cùng chú cũng như bao đưa trẻ khác mà thôi, thèm muốn sự chú ý từ những con người mà chú yêu thương.

 

Chú khát khao có được ai đó đồng cảm với nỗi đau của chú nhưng không có ai cả. Những lời chú nói ra sẽ trở thành một câu chuyện phím vô nghĩa đối với họ. Dù cố gắng đến mấy một chút quan tâm, cảm thông và thấu hiểu chú cũng không nhận được. Và cứ như thế chú và nỗi đau cùng nhau lớn lên vô tình trở thành tri kỉ.

Cái cảm giác không có gì trong cuộc đời này cần chú, níu giữ chú lại, thật sự nó rất tàn nhẫn. Đến hôm nay, khi vết thương đã lành nhưng nhớ lại hình ảnh của chú điệu của ngày ấy, trong tim vẫn nhói lên những nỗi đau mơ hồ.

Đã có những ngày chú sợ phải thức dậy, chú sợ tiếng gà gáy sáng, chú sợ bình minh. Có những hôm thức dậy bỗng thấy cuộc đời mình thay đổi quá nhiều, như đã sống qua một kiếp rồi. Nhưng chín mười tuổi đã đủ để gọi là một kiếp người chưa? Những suy nghĩ ấy cứ ám ảnh và dằn xé chú, chú hoảng sợ với ngày mới, vì chú không biết hôm nay mình phải đối mặt với những điều gì, mệt mỏi, đau khổ và cô đơn.

Hình ảnh một chú điệu với gương mặt sáng, thành tích học tập luôn khiến vài Thầy Cô khen ngợi. Nhưng đâu hay, trong chiếc đãy nâu ngã màu là những vỉ thuốc an thần, thêm vài lọ thuốc ngủ mà chú phải đi mua ở nhiều nhà thuốc khác nhau, với lời nói dối, kèm theo những ánh mắt không nghi ngờ gì, họ tặc lưỡi bảo “chú tiểu” mà!

Có lẽ vào thời điểm tăm tối này, chú còn quá nhỏ để đánh vần hai từ giác ngộ hay những câu Kinh giải thoát của Phật, thế nên nỗi đau vẫn ngày đêm chờ đợi chú yếu lòng để thi nhau xé nát tâm hồn chú ra từng mảnh nhỏ. Những bản kinh Phật được chú ê a hằng đêm cứ rơi tuột vào hư không, những bản kinh ấy không làm cho một đứa trẻ tuổi chưa kịp trăng tròn vơi đi chút bão giông mà cuộc đời hiển nhiên dúi vào tay chú.

Vào những đêm đông cắt thịt của miền trung, chú như người vô định chạy xe loanh quanh cả Thành Phố, mưa cùng nước mắt

 

hòa vào nhau. Vâng! Lúc ấy chú vô cùng chông chênh như chiếc thuyền lênh đênh mất phương hướng.

Chú đã từng cố gắng đưa ra những lời cầu cứu, nhưng cũng chưa ai chịu lắng nghe khi chú khẽ nói “con đang rất bất ổn”, điều chú nhận lại và những ánh mắt vô hồn, và đôi lời bâng quơ: “Chú đừng cố phức tạp hóa bản thân lên, hãy sống như một con người bình thường và đừng làm khổ mọi người nữa”.

Kèm theo đó, là những cái tát đau điếng người vào gò má non nớt của chú, cũng có thể là những lời đay điếng về sự xuất thân nơi nghèo khó, mẹ nó không học, bố nó như vậy, mẹ nó như vậy, và nó cũng phải như vậy. Những lúc ấy, chú lùi lại, thu mình, như con thú bị thương đang vẫy vùng tuyệt vọng.

Có những đêm, chú ngước nhìn bầu trời phố thị trong đêm trăng hạ huyền, mảnh trăng khuyết mỏng, nhưng đầy sao. Bầu trời lúc ấy trong mắt chú đầy bão tố, không bình an như vùng quê xa xôi ấu thơ thuở nào, chú thầm nghĩ phải chăng các vì sao ấy cũng giống như chú, thường chớp mắt khi gặp phải chuyện buồn.

Ngày ấy chú mơ hồ nghĩ rằng: “Phải chăng tất cả những bất hạnh mà một đứa trẻ đang chịu đựng có lẽ vì chúng chưa ngoan”, và chú cũng vậy!

Lạc lõng. Sợ hãi. Chú chọn cách cuộn tròn bản thân trong một vỏ kén, chỉ mong đừng ai đến gần và nhìn thấy chú.

Và rồi.

Đỉnh điểm của nỗi đau là chú đã từng phải đấu tranh, từng lưỡng lự bên khung cầu giữa nhảy xuống để kết thúc hay ở lại để tiếp tục chiến đấu.

Cho đến khi tiếng còi xe làm chú giật bắn người, chú mới trở lại thực tại và hình ảnh má chú hiện về, chú ngã quỵ khóc triền miên, chú thôi không làm điều đó nữa.

Chú đã đến với ý định tự sát ấy trong gang tấc, nhưng chú đã không làm, do đó chú đã trở thành kẻ may mắn sống sót, kẻ

 

đã đến bên bờ vực, đã nhìn xuống nhưng không nhảy. Chú đã sống sót để kể lại câu chuyện của chính mình gói gọn trong bốn từ “CON BỊ TRẦM CẢM.”

Thế đấy, đã từng có chú điệu tuổi chưa tròn mười lăm, một mình chống chọi cùng căn bệnh trầm cảm đáng sợ, bóng ma của những cảm xúc tiêu cực.

Dần dần.

Trầm cảm đôi khi đã trở nên bình thường với chú, nhưng cái chú sợ nhất không phải là sự đau khổ trong lòng mình nữa, mà là sự kì thị của những người xung quanh.

Chú xấu hổ, mặc cảm với những cái nhìn từ những người mà chú luôn yêu thương, những lời thì thầm trên hành lang rằng chú là kẻ yếu đuối, vô dụng, và không bình thường. Đó là những thứ đã ngăn chú đi tìm sự giúp đỡ và sống chung với những sự dày vò của căn bệnh quái ác ấy.

Chú nhớ!

Có lần, đi qua xóm, trong một buổi chiều, chú gặp hai đứa trẻ trạc tuổi chú đang cười đùa vui vẻ. Chú đứng tần ngần bên hàng rào dưới giàn bông giấy rực hoa: “Phải chi mình là họ, chú cũng muốn cười, nhưng sao tâm hồn chú lạ lắm.” Nghĩ xong chú bỗng thấy sao mà mình nghèo rơi, nghèo rớt, nghèo đến nỗi không có một niềm vui để cười cùng thiên hạ. Đôi mắt chú bỗng nhòe đi, không thấy rõ gì nữa.

Mọi người biết không?

Thật sự hiện tại con không ngừng rơi nước mắt khi ghi ra những điều này, chúng như một cuộn phim quay chậm, từng nét rõ ràng khứa vào tâm hồn từng nhát từng nhát, như thể mài đi mài lại con dao trên cùng một vết thương vậy. Nhưng con vẫn chọn cách nói lên, vì đơn giản những điều này có lẽ ai đó đang đắm mình trong bóng đêm sẽ cần đến.

Và rồi.

 

Vào một ngày cuối Thu, khi mùi hương hoa sữa bắt đầu quyện vào gió thì điều nhiệm mầu cũng theo đó xuất hiện. Không biết bằng sợi dây vô tình nào đấy chú gặp được Sư, một vị Sư đã từng mắc căn bệnh trầm cảm giống chú, và giờ đây Vị ấy trở thành một nhà tâm lí trị liệu cho bao bạn trẻ.

Sư như hiểu hết con người của chú, hiểu được cuộc đời, câu chuyện và cả những nỗi đau chú đang phải gồng mình chống chọi, chú có cảm giác chú không còn đơn độc trong cuộc hành trình này nữa.

Trong những ngày đầu trị liệu, chú hiểu được hóa ra trong mỗi cơ thể của chúng ta đều có khả năng tuyệt diệu, đó chính là khả năng tự chữa lành vết thương, chính ta mới là vị lương y tài ba cho những vết thương nơi tâm hồn, nỗi đau xuất phát từ tâm hồn thì chính tâm hồn là liều thuốc chữa lành.

Sau bao bài thực tập chuyển hóa nội tâm, chú phát hiện ra thế giới bên ngoài và nội tại luôn có sự liên quan chặt chẽ. Tâm hồn chú làm sao mới mẻ được khi bên ngoài còn bao nhiêu giông gió đang bủa vậy.

Và.

Chú quyết định ra đi.

Ngày ấy chú ra đi, chú như con chim non ngược giông ngược gió trong ngày bão. Đuối sức, mơ hồ. Nhưng chú vẫn chọn cách ra đi, đi để tìm lại lý tưởng, đi để tìm lại con đường đẹp mà chú đã đánh mất ở những năm tháng khờ dại. Chú quay lưng về phía ngôi chùa tráng lệ ở phố thị, đi mãi đi mãi, đi đến khi không còn nghe những âm thanh chua chát nơi ấy vọng về.

Chú tìm về một ngôi chùa cũ cuối thôn!

Nơi mà những phồn hoa của phố chợ không vọng đến được. Một cảnh chùa, một rừng cao su bạt ngàn, một mùa đất đỏ lấm chân người tu sĩ.

 

Nơi đây có vị Sư già khép mình ở ẩn, vị tu sĩ của thời xưa, cứ chậm rãi, cứ an nhiên đi qua hết những ngày khắc nghiệt nhất của cuộc đời. Đôi mắt thật sáng, thật hiền, khuôn mặt thông tuệ của người, giữa hàng mi dài, thấm đẫm gió sương.

Nơi có lời kinh tựa như gió như mây, vào những đêm trăng hạ huyền kéo về từng cơn mưa đêm, thoang thoảng hương trầm, ấm từng trang Kinh xưa. Nơi đây tháng năm có hương Ngọc Lan thơm nhè nhẹ, cùng những tiếng vỗ cánh thật khẽ của những chú chim ăn đêm.

Nơi đã sẵn sàng dang tay đón nhận, bao dung và chữa lành từng vết thương của chú điệu năm nào.

Chú quay về nương tựa Phật, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Nơi đây chú nhận ra đầu tiên trong quá trình chữa lành vết thương, đó chính là ta phải nhận ra mình đang bất ổn, và cần được chữa trị. Chú tập nhận diện được con người thật của mình, ôm ấp nỗi đau để chữa lành chứ không tìm cách trốn chạy như thói quen chú đã từng làm.

Chú luôn tìm cách dỗ dành vết thương mỗi khi con chó đen trầm cảm kéo về, chú tự tay nấu những bữa cơm ngon cho mọi người, chú ngêu ngao hát vài ca khúc để chế tác năng lượng tích cực, hay có những lần chú như quên đi nỗi đau khi đọc vài trang sách yêu thích, cứ như vậy vết thương trong chú dần dần bình phục, có thể nó sẽ không hoàn toàn biến mất nhưng đã không còn gặm nhấm tâm hồn chú như lúc trước nữa.

Chú điệu ấy đã học cách sống chậm lại, sống chứ không đơn giản chỉ là thở và tồn tại, chú thấy hoa cải vàng trong nắng, chuồn chuồn ớt bay khi mưa sắp đổ, vài chú dế kêu trong đêm tịch lặng, mọi thứ với chú thật dễ thương.

Chú cũng học cách yêu động vật, cái bánh, hộp sữa chú đều chia cho em mèo hay chú chó lang thang nơi công viên. Chú

 

muốn bảo vệ các em như chính chú đã từng mong ước được bảo vệ, chú đã thấy lòng mình bình an, chú thấy được giá trị của sự yêu thương và đâu đó chú cũng bắt đầu thấy cuộc đời dần đẹp hơn trong mắt chú qua từng ngày.

Chú còn tích cực tham gia những buổi thiện nguyện, chú thấy được những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn hơn cả chú về mọi mặt.

Bỗng chốc tình người trong chú dần trổi dậy, trái tim đồng cảm của chú có dịp được rung lên.

Chú đã không còn tự làm đau mình như lúc trước nữa, chú dần không còn suy nghĩ làm sao để tự sát và phải tự sát như thế nào?

Nhưng đâu đó.

Ý muốn tự làm đau đã không ngừng thôi thúc chú, nó như một cơn nghiện kéo đến, mây đen che mắt chú nó khiến những điều nhỏ nhoi cũng trở nên đáng sợ, đó là khi chú cứ nhìn chăm chăm vào con dao gọt hoa quả trên tay một Sư Chị, Sư như thấy được suy nghĩ trong chú, Sư chỉ nhẹ nhàng đến nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé đang run rẩy và khẽ thì thầm “ Sẽ ổn thôi, có Thầy đây!”

Những lần tự mình chữa trị, chú đã thẩn thờ, không cảm xúc, không buồn, không vui, không tức giận và không có gì để trông mong. Lúc ấy, vị Sư già đã đến bên chú đôi tay gầy guộc đặt lên chiếc vai bé nhỏ, “Muốn khóc, thì con cứ khóc…” Chú òa khóc như một đứa trẻ trong lòng Sư, và rồi những nỗi đau cũng vậy mà được chữa lành.

Bởi lẽ những giây phút ấy giúp chú nhận ra chú vẫn còn khả năng cảm nhận cuộc sống này, chú không phải con người vô cảm như chú hằng nghĩ. Sư bảo: “Thôi thì, mọi chuyện sảy ra trên cuộc đời này đều có mối quan hệ nhân quả.”

Phải chăng! Tất cả chúng ta phải trải qua nhiều biến cố, để

 

những biến cố bào mòn hết những gai góc trong lòng, thì ta mới bắt đầu sống bình thản được.

Những ngày kế tiếp.

Bao bữa ngọ trưa cùng đại chúng, chú ăn với sự chánh niệm, chậm rãi, cảm nhận được vị ngọt của đất mẹ bao dung nuôi dưỡng muôn loài, hay vị mặn của những giọt mồ hôi từ bác nông phu và tấm lòng hiếu kính của đàn na. Ngay giây phút hiện tại mầu nhiệm này chú ý thức rõ hơn về sự biết ơn và báo ơn với muôn loài, không còn những bữa cơm vội vã, tâm trí mơ màng mất chánh niệm như trước.

Hay những giờ tụng kinh, lời dạy của Đấng Cha Lành âm vang trầm bổng giữa miền quê nghèo khó, chú như hồi tưởng lại khung cảnh Người uy nghi thuyết pháp tại đỉnh núi Linh Thứu thiêng liêng_mầu nhiệm thuở nào.

Những lúc thế này, chú như bỏ lại bên ngoài mọi thứ thuộc về thế giới trần tục, môt lòng sống cùng Phật, tiếng kinh kệ vang xa như gõ động tâm can.

Những bản kinh thư ngày đêm xoa dịu tâm hồn cằn cỗi của chú. Chú thấm thía bao nỗi đau, bao sự trăn trở của nhân gian và học cách trân quý những bình an luôn tồn tại bên chú.

Có những lần.

Chú khẽ cười an nhiên khi nhìn thấy vài con người lấm lem bụi nhân thế, về lại dưới hiên chùa lắng lòng nghe một câu Kinh rồi đứng dậy mỉm cười bước tiếp.

Thế đấy!

Lời dạy của Phật, một Đấng Cha Lành không những xoa dịu nỗi đau mà còn mang tính chất chữa trị. Pháp âm của một bậc Y Vương.

Phải chăng! Đạo Phật là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim.

 

Chú tựa như cành sen non, giãy dụa trong bùn lầy, và cũng từ nơi ấy chú được tái sinh thêm một lần nữa.

Cuộc sống quanh chú như dần chậm lại, từng bước chân thảnh thơi không còn lăng xăng loạn động, chú bước từng bước chậm rãi cảm nhận được sự bình an, chú thấy hình ảnh những bước chân thảnh thơi của Tăng đoàn khi theo gót chân Phật.

Giờ chú mới nhận ra, bản thân chú như gã cùng tử mang ngọc trong chéo áo mà mãi miết mưu cầu sự sống, tựa như đã sẵn có bên mình một gia tài pháp bảo mà Đấng Cha Lành đã để lại, ấy vậy mà cứ vất vả đi tìm sự an lạc hạnh phúc ở một nơi xa xôi, viễn vông nào đó. Rồi vô tình làm bản thân đầy những vết thương nhân gian. Thế mới thấy, chân hạnh phúc không thể song hành với vô minh.

Và,

Kể cả một người tu hành bê bối đến mấy, chỉ cần chút chiêm nghiệm đàng hoàng cũng thấy Phật là lối về.

Chú nhận ra rằng!

Hạnh phúc thay khi được là đệ tử của Phật, được sống trong Tăng đoàn, bát cơm chú ăn, chiếc giường chú ngủ, viên thuốc chú uống…, tất cả đều của Người. Vì là con của Người, đi trên con đường mà Người đã đi, chú sẽ luôn tâm tâm niệm niệm giữ gìn bước chân ấy để không lạc lối nơi nhân sinh tối tăm này.

Chú ý thức được rằng con đường mà Đức Phật dạy là con đường có thể đem lại sự an lạc ngay giây phút đầu của sự tu tập, không cần phải chờ đến năm năm hay mười năm ta mới được an lạc, đó không phải là sự hứa hẹn hão huyền về tương lai, hay chỉ có quyền tin, trái lại đó là cái mà ta có thể thực chứng ngay hiện tại.

Xin người hãy nhớ có rong chơi đến bao xa xin cũng nhớ quay về. Vì tục lụy muôn đời chỉ là một cội cây sống bằng nước mắt kẻ trầm luân.

 

Bây giờ nhìn lại chú đã không còn đổ lỗi cho người lớn khi đó nữa. Bởi chú hiểu rằng thật khó để quan tâm nỗi đau vô hình, khi cuộc sống của cũng họ đầy rẫy những nỗi lo và đấu tranh với những tổn thương tinh thần của chính họ.

Hình như nỗi đau nào cũng khởi nguồn từ bóng tối nhận thức.

Giờ chú cũng đã nhận ra đời sống phải cần đến những xây xát, trầy xước để mà trưởng thành và bắt đầu hữu dụng. Niềm đau là cái bắt buộc trong đời, và nó chính là lối thoát, là cơ hội thăng hoa của vạn vật. Chính nỗi đau đã dạy người ta biết sống linh cảm, biết trăn trở, biết choàng dậy để không hoài ngủ mê.

Giống như hoa sen kia không mọc trên núi đá cao, đồng rộng mà chỉ mọc trong bùn đen tăm tối. Thế mới hay mọi phiền não đời này đều là hạt giống được gieo trồng bởi đức Như Lai.

Lại như, không vượt sóng dữ không vớt được ngọc quý, không trầm luân trong bể khổ, không thể lĩnh hội được những điều quý báu của đời sống vô tận.

Thế mới thấy, nhờ có cơn bão mà ta biết được luôn có những ngày bình yên phía trước, sự bình yên nằm ở trong chính tột cùng của khổ đau và hỗn loạn nhất, cũng ví như khi bầu trời màu đen ta mới có cơ hội thấy được những vì sao sáng.

Lần đầu tiên chú cảm thấy nhẹ lòng khi con chó đen đang xuất hiện và hành hạ chú, đó là khoảnh khắc chú nhìn thấy bầu trời hoàng hôn đỏ rực phía sau ngọn đồi của mái chùa cuối thôn, chú nhận ra rằng vũ trụ vẫn nguyên vẹn như vậy cho dù chú có đau đớn hay hạnh phúc, nỗi đau của chú bất chợt thật nhỏ nhặt. Những lần tuyệt vọng chú đều cố gắng hòa mình vào thiên nhiên để cảm thấy mình là một phần của một cái gì đó lớn hơn, một cái gì đó thật đẹp và vĩ đại.

…...

Đêm nay đã là cuối Thu, ánh trăng sáng mơ hồ, pha chút gió

 

se lạnh, nhìn dòng người hối hả nơi chốn bụi hồng, ai ai cũng đầy những vết thương.

Thầm tri ân tạo hóa đã cho con gặp Cha Mẹ, cảm ơn nhân duyên đã cho con gặp được Thầy tổ người đã thắp lên ngọn đèn chân lý đầu tiên trong cuộc đời con, sâu bên trong với lòng biết ơn vô hạn con thầm tạ ơn hình ảnh một vị thái tử từ bỏ bao điều mà nhân sinh hằng mong ước, vượt thành xuất gia với bao khó nhọc, để rồi hôm nay nhân loại được thừa hưởng một kho tàng chân lý, những liều thuốc xoa dịu đi những tang thương của nhân loại trong đó có cả con.

Thế mới thấy! Đời nếu mất đi Phật và chân lý của Ngài thì thiên hạ quay về với thuở hồng hoang. Hồng hoang ngay trong tâm thức, với những trái tim không tình người và những khối óc chỉ biết sắt thép. Đại khái buồn não ruột. Vậy là đời cần phải có Phật.

Có lẽ….

Khi con đang ngồi đây và viết những dòng này thì đâu đó trên thế giới có vài bạn đang tự làm đau chính mình, có vài bạn đang lưỡng lự trước lọ thuốc tự sát hay vài ca cấp cứu của những cuộc tự sát bất thành. Vì đã từng trải qua nỗi đau và sự tra tấn của con chó đen trầm cảm, hơn ai hết mình hiểu được các bạn đang bất lực như thế nào. Con chỉ mong bằng sợi dây vô tình của tâm thức đầy tổn thương như nhau, mong những bạn trẻ đang chông chênh ở cái thế giới đầy sự bấn loạn, mong các bạn sẽ đọc được lá thư này.

Con chỉ muốn nói với các bạn đang giam mình trong bóng đêm, các bạn hoàn toàn không đơn độc, hoàn toàn không dị thường, các bạn có quyền yêu thương và được yêu thương, chỉ có nỗi đau, sự sợ hãi, chúng mới đáng để đơn độc mà thôi.

Cảm ơn chú điệu của năm ấy.

Bởi lẽ không ai khác, chú đã từng kiên cường như thế mà,

 

chú đã cố gắng biết bao để có con của hiện tại. Cảm ơn chú tiểu năm ấy đã yêu thương luôn cả những khuyết điểm, những điều chưa lành lặn của tâm hồn. Có thể những khắc nghiệt trong cuộc sống chưa bao giờ mang đến cho chúng ta niềm vui, nhưng chúng sẽ mang đến cho chúng ta sự vững chãi, để không bị ngã đổ bởi gió giông ngoài kia.

Hôm nay chú hiểu rằng! Không một hành giả nào đến đích mà chân không rướm máu, chưa kể một trái tim rách bươm với những gai cỏ tàn độc trên đường.

Con biết!

Khi chọn nói lên những điều này sẽ là một thách thức rất lớn, có thể sẽ chạm đến những trái tim đồng cảm và rung lên sợi dây cảm thông. Nhưng, cũng có thể sẽ có những ý kiến trái chiều khi đem nếp sống nội thiền ra bàn luận.

Nhưng có một điều vẫn đang âm thầm tiếp diễn, và con không thể giả vờ như không biết gì.

Điều đáng đau lòng nhất là hôm nay, khi xã hội đã dần phát triển vượt bật, khi quyền trẻ em đã được lan truyền một cách mạnh mẽ kể cả sau cánh cửa Thiền môn, khi văn minh nhân loại đã dần thích nghi và bao dung hơn với căn bệnh xa lạ ấy.

Nhưng đâu đó, con vẫn nghe ngoài kia cũng có vài chú điệu đang phải trải qua những chuyện khủng khiếp như con.

Những trận đòn roi, những thiếu thốn về mặt tình cảm, có đôi khi còn được xem như một công cụ lao động chính đáng, mà bao người tặc lưỡi bảo “Con sãi ở Chùa phải quét lá đa”.

Có những chú dám nói lên để tìm được sự đồng cảm cùng nhau vực dậy, nhưng đâu đó cũng có những chú âm thầm chịu đựng, phó thác cuộc đời cho hai chữ “nhân duyên.” Và rồi, Thành công hay thất bại đều trong sự gắng gượng - chịu đựng và im lặng.

Hơn hai ngàn năm trăm năm, các chú điệu có mặt trên nhiều

 

quốc gia đã sống lặng lẽ như vậy mà chẵng cần ai nhìn tới, nói tới. Nhiều chú đã rơi rụng sau những hoàn cảnh khắc nghiệt của thời thế hay tâm tình riêng, nhiều chú đã đã thành đạt sau bao nỗ lực phấn đấu cam go trong cửa thiền.

Thất bại trong im lặng, thành công cũng trong im lặng.

Chẳng cần bút mực nào ca tụng hay thương tiếc.

Và đến hôm nay con mong, thế hệ thuần khiết ấy sẽ được nuôi dưỡng trong dòng sữa Pháp an lành đầy tình thương, bao dung và thấu hiểu, để những hạt bồ đề có cơ hội thuận lợi nảy mầm tươi tốt. Để dòng tiếp nối đẹp đẽ của nhiều thế hệ quét lá đó vẫn chảy mãi, trôi mãi.

Đến hôm nay chú điệu ấy đã tròn ba mươi, chú của hôm nay đã là một vị xuất sĩ có bình an và hạnh phúc, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều biến động. Chú điệu của ngày hôm nay đã làm cho vài bạn trẻ hạnh phúc khi lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau như chính nỗi đau của mình, chú cũng đang là chỗ dựa tinh thần cho vài bạn đã và đang chống chọi với con chó đen trầm cảm như chú thuở ấy.

Sinh ra trong chốn nhân sinh này, mỗi chúng ta, là một cuộc đời, một câu chuyện riêng. Con mong rằng dù thế nào thì câu chuyện của tất cả chúng ta cũng xứng đáng với hồi kết happy, đúng không nào?

Hôm nay trời đẹp lắm, mọi người có thấy điều đó không?

Mõ Chiều

(Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm