Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 cac loai hoa mau tim 13 min

26.  Tuổi Mười Tám

Kim Tiến

Sanh, già bệnh chết ư? Bao nhiêu cái khổ cái khó ở đời mà Đức Thế Tôn dạy dường như nó chưa từng phải nếm trải

thật cay đắng, thật chua chát thì phải. Chợt nhìn lại nó thấy sợ, thấy rùng mình, nó sợ bản thân sẽ không đủ năng lực, không đủ bình tĩnh để vượt qua những chướng duyên trên con đường tu.

Bấy lâu nay bao nhiêu giáo lý Phật dạy, nó chỉ học qua loa, suy nghĩ nông cạn, mơ mơ hồ hồ, nó sợ lắm nếu mình vấp phải tảng đá to trước mặt hay bị những mảnh đá găm vào chân thì nó có còn đủ tỉnh táo để nhớ lời Ngài đã dạy phải làm thế này thế kia hay không?

Sống từng ấy năm, cuộc sống của nó lúc nào êm đềm trôi, mặc cho ngoài kia sóng gió tưng bừng. Người ta trải nghiệm nhiều, kinh nghiệm nhiều, còn nó thì từ ngoài đời tới khi vào chùa cũng lặng lẽ êm xuôi thế ấy. Liệu rằng một ngày đẹp trời chướng duyên ùn ùn kéo tới thì nó phải làm sao đây. Ôi! Phật ơi!

Meo… meo…meo...

Bé mèo mướp phóng ra từ bụi cây ven hồ sen đã làm cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của nó. Đang quét dọn lại vườn rau của chùa mà tâm hồn nó mãi thả trôi đi đâu. Tính ra cũng nhiều năm xuất gia rồi, nó chưa về thăm gia đình. Nhớ ngày mới xuất gia, nó vui như trẩy hội, bao nhiêu nhiệt huyết của tuổi trẻ

 

nó gác lại hết, nhất quyết vào chùa làm bạn với kinh kệ, chuông mõ. Vậy mà giờ, hình như nó đang cảm thấy muốn trở về với ba mẹ rồi.

Nắng đã lên cao, nó tạm nghỉ, vào trai đường cúng ngọ, chuẩn bị dùng bữa rồi tranh thủ dọn lại mấy thùng sách cũ, bỗng nó phát hiện ra mấy cuốn tập cũ mà bản thân đã ghi hồi mới xuất gia. Bao ký ức về một thời tươi đẹp, hồn nhiên kiểu như “Nhất niên Phật tại tiền” hiện lại cứ ngỡ là mới xảy ra hôm qua. Nó lẩm nhẩm đọc lại một vài đoạn mà ngày ấy nó đã tỉ mỉ chép lại từ sách, báo, bài giảng mà giờ đọc lại vẫn thấy thấm thía:

Con đường tu hành là một con đường nhiều chướng ngại, gay go. Nó không chỉ đơn giản là vào chùa xuống tóc là xong, là thành chánh quả mà đó chỉ là một sự bắt đầu, mình phải biết áp dụng giáo lý của Phật vào cuộc sống “để xé lòng mình ra khỏi vỏ cứng kiêu sa, ích kỷ, tham lam.” Biết dung hòa được các vị chua, cay, mặn, ngọt làm thành những món ăn ngon miệng không chán. Buồn, vui, sướng, khổ đều là những yếu tố cần thiết cho tinh thần và làm đẹp cuộc đời. Vậy thì cớ chi mà mình cứ biết mỗi một việc buồn ơi là buồn!

Thay đổi quan niệm là thay đổi cả cuộc đời! Hãy cảm ơn những đau buồn, thất bại bởi đó chính là chén thuốc đắng tẩy rửa tâm hồn mình. Thật ra, buồn, vui, sướng, khổ đều là tặng phẩm quý giá của trần gian này. Ta nên đón nhận với lòng biết ơn thanh thoát.

Đạo Phật là để đến mà thấy chứ không ngôn từ nào diễn tả được hết. Chỉ có sống trong nó và thở cùng với nó thì ta mới hiểu được cảm giác đó là như thế nào. Cuộc sống là do BA MẸ cho ta và cách sống là do ta chọn. Hãy đi con đường mà tốt cho nhiều người và mình thấy được sự an lạc nơi ấy.

Bằng cấp học vị có cao đến đâu đi chăng nữa thì cũng vô dụng khi vô thường đến; bằng cấp học vị không giải quyết được những đau khổ sanh tử của con người. Chỉ có mảnh bằng giải

 

thoát mà chư Phật cấp mới có thể vượt qua mọi chướng lụy của trần lao.

Chúng ta nghe nói đến Đức Phật hoặc các vị A La Hán, đa phần chúng ta đều nghĩ rằng các vị ấy lạnh lùng nghiêm nghị như cây khô, đá lạnh, đối với thế gian chẳng lưu chút tình cảm nào. Thật ra không phải thế. Các vị ấy đã biến đổi nhân tình tạp nhiễm thành một thứ tình cảm tự nhiên cao thượng gọi đó là TỪ BI. Hạt giống từ bi nảy mầm từ cây trí tuệ, như đá nam châm thu hút chúng sanh, khiến chúng sanh sớm chiều gần gũi tiếp cận được nhân cách cao thượng ấm áp ấy liền sửa đổi tập khí của mình.

Làm việc thiện giống như cây cỏ mùa xuân, không thấy lớn nhưng thoáng một cái đã thấy tăng trưởng rất mau. Còn kẻ làm điều ác như việc mài dao, không thấy mòn nhưng mỗi ngày càng khuyết đi.

Chúng ta không nên nghĩ rằng lý tưởng Bồ Tát (Mười pháp Ba – la – mật) chỉ dành cho những con người phi thường. Điều gì người khác làm được, chúng ta có thể làm được nếu chúng ta nỗ lực và nhiệt tâm. Chúng ta cần cố gắng làm việc thiện một cách vô tư vì lợi ích cho bản thân và cả cho tha nhân. Như vậy chúng ta đã có mục đích, lý tưởng cao quý để phục vụ và hoàn thiện mình trong đời này.

Ngày nó mới vào chùa, hồi đó các ứng dụng mạng xã hội hay điện thoại thông minh chưa phổ biến, niềm vui của nó lúc tập sự xuất gia là đọc báo, đọc sách rồi sưu tầm, lượm lặt mấy mẫu truyện hay mấy câu nói mà nó thấy tâm đắc. Giờ đọc lại, nó cũng không nhớ là mình đã ghi những lời này từ đâu nữa. Dưới đáy thùng sách cũ, đầy bụi bặm, nó vô tình thấy lá thư của một sư chị gửi cho nó từ hồi nó còn ở nhà và nằng nặc đòi đi tu. Tuy nét chữ đã nhòe đi nhiều do bị ẩm nước mưa, nhưng nó vẫn đọc được những dòng chữ đầy thân thương như sau:

Ngày…tháng…năm

 

Thương gửi em, Em thân mến,

Thế gian mặc định rằng tuổi mười tám là Tuổi Trưởng Thành, không phải ngẫu nhiên mà người ta lại quy định như vậy, vì:

Em đã phát triển hoàn thiện về mọi mặt tâm lý lẫn sinh lý. Em phải có trách nhiệm với mọi việc mà em đã làm. Em được toàn quyền lựa chọn và quyết định cho cuộc đời em. Em đã kết thúc 12 năm thời học sinh vô tư vô lo. Tóm lại, Mười tám - em chính thức bước chân vào đời với một nghề nào đó để tự nuôi sống bản thân mình.

Xuất gia hay xuất giá? Đạo hay đời?

Đứng trước hai ngã rẽ, chắc chắn rằng em phân vân lắm.

Đi theo số đông, làm một người bình thường hay làm “Con gái Đức Như Lai”. Một hạng người mà trong kinh điển thường hay nhắc đến là “Người đi ngược dòng nước”. Cụ thể trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật có dạy rằng:

“Có bốn hạng người này, hiện hữu có mặt ở đời. Thế nào là bốn? Hạng người đi thuận dòng, hạng người đi nghịch dòng, hạng người tự đứng lại, và vị Bà – la – môn đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền. Vậy thế nào là hạng người đi nghịch dòng? Ở đây, có hạng người không thọ hưởng các dục, không làm ác nghiệp, với khổ, với ưu, nước mắt đầy mặt, khóc than, sống Phạm hạnh viên mãn thanh tịnh.”

Tất nhiên, đi xuôi dòng thì dễ, còn lội ngược dòng thì khó gấp trăm lần. Chọn con đường nào em cảm thấy tốt cho mình thì em cứ chọn và nhớ là hãy sống hết mình.

Em nên nhớ rằng ở đâu cũng là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ cung bậc cảm xúc, buồn vui, thương ghét, giận hờn. Cho nên em phải chuẩn bị cho mình “Tinh thần thép” nhé! Có ai đó nói vui rằng: nếu xuất giá (thêm dấu sắt) thì “làm dâu MỘT họ”.

 

Còn khi bỏ dấu sắt đi thì “làm dâu TRĂM họ”.

Nói nôm na vầy cho em dễ hiểu, khi mua đồ hay làm bất cứ việc gì ta đều chọn lựa kĩ càng, đi hết hàng này sang tiệm nọ để lựa một món đồ cho thiệt ưng ý. Khi ưng rồi, đem về xài rồi có khi ta còn chê hay chán rồi quăng vào xó. Vậy tại sao khi đi tu em không cho mình cơ hội CHỌN LỰA?

Đời người xuất gia không gì đau khổ hơn khi chọn sai chùa, tu sai pháp môn, nó giống như em làm trái nghề em thích vậy. Nhưng ngoài xã hội, mọi người cần tiền để trang trải cuộc sống, nên đành phải chấp nhận làm trái nghề để xoay sở “cơm, gạo, áo, tiền” nuôi gia đình, nuôi bản thân, dù họ không muốn. Còn khi đi tu, em có được phước báu không phải lo về vật chất, việc cúng dường bốn món vật dụng (thức ăn, y phục, thuốc men, chỗ ở) đã có Phật tử tại gia lo giúp, người xuất gia chỉ cần tập trung vào tu và học Phật Pháp. Nếu thế thì không lo chọn pháp môn và tu thì liệu rằng người xuất gia có xứng đáng với những vật chất mà Phật tử tín tâm dâng cúng cho em không?

Đành rằng em không thể chọn cha mẹ để sinh ra, nhưng em có quyền chọn một nơi để em gửi gắm trọn lý tưởng. Điều này cực kì quan trọng vì thầy tổ chính là người sinh ra giới thân – huệ mạng cho mình. Những bước chân đầu tiên vào đạo là do chính sư phụ dìu dắt. Nếu em không gặp được bậc minh sư thì đó là thảm họa. Cho nên em hãy cân nhắc kĩ trước khi “Cất bước lên phương trời cao rộng” em nhé!

Hơn nữa, người tu sĩ được ví như một cây khô nhưng không phải đã chết, chỉ cần tưới một ít nước là tươi xanh trở lại. Đôi khi vào chùa, em sẽ có những lúc yếu lòng, khi đó em phải thật sự tỉnh táo để không đánh mất tâm bồ đề của chính mình. Sẽ có lúc em ngã lòng, hay lạc lối trong những phút giây ngũ dục thế gian. Nhưng xin em hãy nhớ rằng con đường này một đi là không trở lại vũng bùn lầy tăm tối kia. Muốn làm khói hương nhẹ nhàng thơm dịu dàng dễ chịu hay làm tàn nhang rơi xuống

 

hòa lẫn nhạt nhòa là do mình.

Rồi thì ở chùa em sẽ được làm những việc chưa từng làm. Ăn những món chưa từng nếm. Tiếp xúc với những người chưa từng gặp. Và còn nhiều điều chưa từng lắm, thì em nhớ luôn đặt chữ NHẪN lên hàng đầu.

À có phải em đang đau khổ vì không được sự đồng thuận của gia đình đúng không? Điều đó là lẽ hiển nhiên thôi em à. Em hãy xem như đó là thử thách đầu tiên trong vô vàn thử thách mà em phải vượt qua. Không cha mẹ nào muốn nhìn thấy đứa con thân yêu của mình đã sống với mình suốt ngần ấy năm bỗng dưng cạo đầu, mặc áo tu, ăn chay đạm bạc cả. Em nghĩ đi, nếu là em, em có chấp nhận được không?

Vấn đề ở đây là thời gian và cần lắm sự kiên trì kết hợp với những lời thuyết phục cũng như những hành động chứng tỏ em THẬT SỰ muốn đi xuất gia. Cha mẹ nào cũng thương con cả, em phải tự chứng minh được rằng sau nhiều năm xuất gia em không còn là đứa con bé bỏng nữa, mà em đã thật sự trưởng thành cả tâm hồn lẫn về tâm linh. Làm được như vậy thì em chính là niềm tự hào của cha mẹ và cả dòng họ đấy!

Thôi thì đôi lời khuyên nhủ, mong em nhớ và xem như đó là hành trang để em xuất gia. Mong rằng em sẽ tìm được những gì em đã mơ ước. Cầu Tam Bảo luôn gia hộ cho tất cả những vị đã và đang phát tâm xuất gia, nhất là người đã phát tâm bồ đề dõng mãnh như em.

Xin gửi tặng em bài thơ Tự Sự của nhà thơ Lưu Quang Vũ, để em lấy đó làm động lực:

“Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh

Dù phàm tục, hay kẻ tu hành

Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

 

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm Đất ôm ấp cho mọi hạt nảy mầm Những chồi non vươn lên tìm ánh sáng Nếu tất cả đường đời đều trơn láng Chắc gì ta đã nhận ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa Nếu có khả năng tự mình đứng dậy

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy Không chỉ dành cho một riêng ai.”

Xếp lại bức thư đã nhàu, nó chợt như bừng tỉnh khỏi cơn mê. Quả thực vào chùa xuất gia đã khó, mà giữ được tấm y vàng trọn đời lại càng khó hơn. Trong thế gian này có năm sự kiện cực kì hiếm có là:

Hiếm có cơ hội gặp Phật trong đời. Hiếm được trở thành người.

Hiếm có niềm tin tuyệt đối trong chánh pháp. Hiếm được xuất gia trong tăng chúng.

Hiếm có cơ hội chính tai mình được nghe những lời dạy của Đức Phật và những vị đã được chứng ngộ giải thoát.

Vậy đó, mà chỉ một chút nản lòng mà nó đã muốn từ bỏ con đường này rồi. Thật là đáng hổ thẹn làm sao!

Nó chợt nhớ lại trong sách vở các bậc Hiền nhân có dạy rằng: “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn, Thiện duyên nan ngộ, Phật quốc nan sanh.” hay Đức Thế Tôn cũng từng dạy trong kinh Tăng Chi Bộ:

“Số ít là các loài hữu tình được tái sanh giữa loài Người, và nhiều hơn là các loài hữu tình được tái sanh ra ngoài loài người. Số ít là các loài hữu tình ấy được tái sanh ở các quốc độ trung

 

ương. Và nhiều hơn các loài hữu tình phải tái sanh ở quốc độ biên địa, giữa các loài man rợ không biết nhận thức. Số ít là các chúng sanh có trí tuệ, nhanh trí, không điếc, không câm, có khả năng suy xét ý nghĩa của những lời khéo thuyết hay vụng thuyết. Và nhiều hơn là các chúng sanh có ác trí tuệ, châm trí, điếc và câm. Không có khả năng suy xét ý nghĩa của những lời khéo thuyết hay vụng thuyết. Số ít là các chúng sanh được nghe pháp luật do Như Lai thuyết giảng. Và nhiều hơn là các chúng sanh không được nghe pháp luật do Như Lai thuyết giảng.”

Đúng là chỉ khi người ta khổ hay bất an thì mới tìm tới Đức Phật và những lời Ngài dạy. Phật Pháp giống như liều thuốc trị tâm bệnh có thể chữa lành các vết thương lòng và làm cho người thực hành cảm thấy an tâm hơn. Ngoài ra, đó cũng là phương pháp hay để canh phòng cho những pháp bất thiện đang lâm le phát sanh trong tâm mỗi người.

Nhiều năm sau, nó quyết định lên đường ra nước ngoài học tập. Đó cũng là dự định mà nó ấp ủ bấy lâu nay. Dẫu biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn chờ đợi nó ở phía trước, nhưng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, cho mọi người nên nó chấp nhận và sẵn sàng với mọi thử thách phía trước.

Ai rồi cũng phải tự mình lo lấy cho cuộc sống cá nhân của bản thân, dù đạo hay đời, ở đâu hay làm gì thì cũng cần trang bị cho mình kiến thức – trải nghiệm – kinh nghiệm để tồn tại trong xã hội. Tu sĩ không phải là một nghề nghiệp, nhưng cũng không phải là thành phần ăn bám xã hội như một số người cực đoan suy nghĩ. Thế nên bản thân người tu sĩ cũng phải nỗ lực trau dồi bản thân, từ kiến thức đến nội tâm tu tập để trở thành một công dân tốt cho xã hội, thì cũng đã là tốt lắm rồi. Chứ đừng nói chi đến bậc thầy mẫu mực, có đầy đủ kiến thức lẫn tâm đạo để hướng dẫn cho mọi người lánh ác làm thiện thì lại càng tốt hơn. Nhiều người cho rằng đi tu rồi thì cần gì phải học, chỉ cần tu là đủ rồi. Vậy xin hỏi rằng, nếu không học, thì làm sao có kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm để ứng dụng vào đời sống tu tập tâm

 

linh. Bậc Hiền nhân thuở xưa cũng từng nói rằng: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì chỉ là đãy đựng sách.” Chúng ta chỉ là những hạt cát giữa sa mạc, những gì chúng ta học được trong mấy mươi năm cuộc đời chỉ là một giọt nước nhỏ trong đại dương kiến thức mênh mông vô tận.

Đời người có tuổi trẻ - sức khỏe - thời gian là ba thứ nếu đã mất đi thì chẳng bao giờ lấy lại được, nếu bây giờ nó chấp nhận kiểu “sống qua ngày, chờ qua đời” thì chắc chắn rằng về sau này nó sẽ hối hận. Như trong Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy rằng: “Thời gian lặng trôi qua, đêm ngày luôn di động, tuổi tác buổi thanh xuân, tiếp tục bỏ chúng ta, những ai chịu quán sát, sợ hãi tử vong này, hãy bỏ mọi thế lợi, tâm hướng cầu tịch tịnh.”Thật vậy, thời gian có chờ đợi ai bao giờ, đời người hữu hạn có trăm năm, mà có mấy ai sống được trăm tuổi. Sáu mươi năm cuộc đời đã là mỏi gối chùn chân lắm rồi, sức khỏe có còn đi chăng nữa thì cũng như ngọn đèn treo trước gió, có thể ra đi bất cứ lúc nào không hẹn trước ngày giờ. Trong Kinh Pháp Cú, hai câu kệ số 155 và 156, Đức Thế Tôn cũng dạy rằng:

Lúc trẻ, không phạm hạnh, Không tìm kiếm bạc tiền, Như cò già bên ao,

Ủ rũ, không tôm cá.

(Kinh Pháp Cú, kệ số 155)

Lúc trẻ, không phạm hạnh, Không tìm kiếm bạc tiền, Như cây cung bị gẫy,

Thở than những ngày qua. (Kinh Pháp Cú, kệ số 156)

 

Bây giờ nó còn trẻ, còn đủ sức khỏe, còn đủ nhiệt huyết để lên đường tìm kiếm cho mình những nền tri thức mới, nếu nó chần chừ, thì chỉ vài năm nữa nó chẳng khác gì “cò già ủ rũ” hay “cây cung bị gẫy”. Nó nghiệm ra một điều rằng: Từ sách vở lý thuyết cho đến thực tế khác xa nhau lắm, chỉ có đi và trải nghiệm thì mới biết thế gian rộng lớn cỡ nào, còn mình thì hạn hẹp, yếu kém ra sao, nếu lúc nào cũng “An phận thủ thường”, hài lòng ẩn mình trong “chiếc vỏ ốc bé tẹo” của mình thì quả là uổng phí kiếp người. Nó chợt nhớ đến một câu trong một bài hát mà nó quên mất tựa là gì rồi, “Cuộc đời thật đẹp khi được đi muôn nơi xa xôi rộng lớn. Nhưng ta vẫn có nơi để trở về sau mỗi chuyến đi. Điều kì diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn. Không quên mang theo bên cạnh hành trang nỗi nhớ gia đình.” Lời bài hát cứ như viết dành cho nó vậy. Mỗi người đều có cách suy nghĩ, nhận thức khác nhau, nhiều người chỉ thích ở yên một chỗ, nhiều khi cả đời chỉ sống và làm việc ở một nơi. Nhưng nó thì thích đi đó đây tìm hiểu, học hỏi những điều mới lạ. Nói chung, mỗi người mỗi quan điểm, miễn sao bản thân thấy hạnh phúc, an lạc là được.

Dù gì thì du học cũng là cơ hội tốt để giúp bản thân trải nghiệm cũng như học hỏi nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, nhằm thay đổi nhận thức và hành động của chính mình. Nếu cho rằng học trong nước thôi là đủ rồi, cần chi phải ra nước ngoài cho tốn kém, thì e rằng quan niệm này có phần hạn hẹp.

Lấy ví dụ, các bậc tôn túc ngày trước, sau khi học giáo lý vỡ lòng tại chùa thì các ngài đã lên đường đi tham học ở nhiều nơi trong nước. Với bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay thì việc học cũng được mở rộng trên tầm nhìn quốc tế. Việc học trong nước sẽ tương đương với học gia giáo ngày xưa và du phương học đạo sẽ tương thích với du học ngày nay.

Khi sống ở nước ngoài, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để thay đổi chính mình nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới, môi trường mới, phong tục văn hóa, ngôn ngữ bản địa. Quan trọng

 

hơn hết là chúng ta phải mạnh dạn, dám đương đầu với những thách thức, rào cản thì chúng ta mới thành công và trưởng thành.

Không chỉ vậy, tài chính cũng là mối quan tâm đối với người đi du học. Trên thực tế thì ít ai dám mạnh dạn đầu tư cho người du học vì nó không thấy được kết quả liền mà phải chờ mười năm hay hơn e rằng quá ngán. Tâm lý chung của nhiều người là khi gieo hạt thì muốn có quả ngay. Nhưng chúng ta thử nhìn lại xem việc bỏ ra hàng triệu xây cơ sở vật chất mà sau khi xây xong, không ai sử dụng vì không có người giỏi, người tài để quản lý thì có phải uổng phí không.

Trong khi đó, đầu tư cho một vị tu sĩ đi học đến nơi đến chốn, chân chính đàng hoàng, tuy rằng kết quả không thấy ngay nhưng khi thành tựu sẽ mang lại lợi ích cho số đông. Huống hồ gì tu sĩ thuộc hàng Tăng bảo - người sẽ thay Phật tuyên dương chánh pháp.

Tăng xây chùa được nhưng chùa không dựng được Tăng. Chùa đời này không ai xây thì đời sau người khác sẽ xây. Thế nhưng Tăng đời này không được đào tạo đúng chuẩn thì chỉ như củi mục, như cây tầm gởi ăn bám Phật pháp. Thiết nghĩ, một ngôi chùa phải có một số vị tu sĩ trí thức trẻ để hoạt động mang lại lợi ích cho quần chúng.

Vậy cần lắm thay không chỉ tinh thần cầu học nơi vị tu sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, mà còn phải có những người có tâm ủng hộ hết mình cho người đi học. Nếu làm được như vậy thì mới mong đào tạo được lực lượng trí thức phật pháp kế thừa cho Phật Giáo sau này.

Mà thôi, dù gì đó cũng chỉ là những suy nghĩ khách quan của nó, chứ trên thực tế thì chắc gì giống với lý thuyết trong sách vở. Vừa ngừng suy nghĩ miên man trong lòng thì cũng là lúc máy bay vừa đáp xuống phi trường Ấn Độ, trời đã quá nửa đêm, bên ngoài lác đác một vài nhóm du khách cũng vừa đến sân bay. Cuối cùng thì nó cũng hoàn thành tâm nguyện mà bấy

 

lâu nay nó ấp ủ. Hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn định khi một hành trình mới với không ít thử thách đang chờ đợi nó ở phía trước.

Kim Tiến

(Uttar Pradesh, India)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm