Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 21766393 1861024487246822 20857381207798280 n

25.  Quê Người

Lý Thu Linh

Lời Trần Tình. Tôi viết câu chuyện này vài chục năm về trước, khi chưa biết có một Đức Phật trên đời. Phật pháp,

hay giáo lý của Đức Phật chưa hề chạm đến tôi. Giờ đọc lại câu chuyện này, khi đã lỏm bỏm chút hiểu biết về Tứ Diệu Đế, về nhân quả, nghiệp duyên, tôi thật thú vị khi bắt gặp mình đã vẽ một cách vô thức những bức tranh minh họa cho khổ đế, tập đế như đã được học. Mọi người trong câu chuyện này đang trải qua đủ cảnh khổ như Đức Phật đã miêu tả trong Tứ Diệu Đế. Rất tiếc là họ không biết điều đó, nên chìm đắm trong khổ đau. Ai cũng bế tắc vì không nhìn thấy được nhân của khổ đau, nên dù có đi đến đâu, hoàn cảnh có thay đổi, nhưng liệu họ có tìm được đường ra. Chỉ có một con đường duy nhất là hướng đến đời sống tâm linh. Soi rọi lại mình. Nhận lấy quả nghiệp rồi hướng thiện để đổi thay.

Quê Người

- Ông đập chết tôi đi! Ðập đi. Tôi không thiết sống nữa. Ông đi mà lo cho nó... Ði! Ði!

Tiếng mẹ vang lên từ phòng bên. Tiếng bàn ghế xô đẩy. Tiếng ba gầm gừ đe dọa. Mấy chị em Thi giật nẩy mình như bị điện giật. Thằng Cảnh đang nửa nằm, nửa ngồi trên bàn, vụt ngồi

 

thẳng lên, sửa quyển sách trước mặt lại ngay ngắn dù không ai đòi hỏi nó làm chuyện đó trong lúc này. Nó ngước nhìn Thi lo lắng. Thi lảng tránh cặp mắt em. Cánh tay đang cầm thước kẻ giơ lên, định khẽ vào tay Vân, em nó, cũng đã hạ xuống tự bao giờ. Con Vân thấy chị không đánh nữa, định giựt tay lại chạy ra xa, nhưng không hiểu sao nó cũng không nhúc nhích nổi. Hai bàn chân nó tê cứng dưới gầm bàn, nó cũng không dám duỗi ra. Tiếng khóc kể của mẹ làm nó sợ. Bao giờ trẻ con cũng sợ hãi khi thấy người lớn khóc. Giống như Cảnh, nó lấm lét nhìn chị Thi chờ đợi.

Thi năm nay 14 tuổi. Cái tuổi nửa người lớn, nửa trẻ con đôi khi làm Thi lúng túng. Nó muốn tỏ rõ vai trò chị lớn của nó. Nhưng cũng không giấu được sự sợ hãi khi nghe tiếng mẹ cha cãi vả. Mà hình như từ ngày đặt chân đến xứ này, ông bà Hai, cha mẹ lũ trẻ, cứ cãi nhau sằng sặc. Tại sao lại cãi nhau nhỉ? Mẹ và cha trước chuyến đi này đã chẳng kêu tụi nó lại dặn dò đủ điều sao? Ba nói: “Cha mẹ đã quyết định đi ra xứ người sinh sống. Tất cả là vì tương lai của tụi con. Tụi con càng phải thương yêu, đùm bọc nhau hơn.” Mẹ vuốt đầu Thi khuyên: “Con là chị lớn, phải phụ mẹ mà lo cho các em. Nội già, nội không đi xa được.” “Vậy Nội sống với ai?” Thi hốt hoảng hỏi. Nó sợ cho Nội. Lúc không có Thi, ai lấy dầu cù là thoa chân cho Nội. Nhất là những tối trời mưa Nội kêu nhức tưởng như chỉ có bẻ mấy ống xương tay, xương chân quặt quẹo ra mới thấy đã. Rồi Nội còn biết kể chuyện đời xưa cho ai nghe đây. Chỉ có Thi là cứ nghe hoài những sự tích con trâu, con thằn lằn, chuyện cây tre trăm mắt... mà không thấy chán. “Ối toàn mấy chuyện cũ rích. Con biết hết rồi. Con Tấm bị em ghẻ xúc cá nè... Lát nữa có ông tiên hiện nè...” thằng Cảnh hay phá đám kiểu đó. Mồ tổ cái thằng. Không nghe để con Thi nghe. Con Thi ngoan biết gãi lưng Nội. Ðã ngứa lắm. Nội chỉ khen mình Thi. Nó thích cái cảm giác khi mấy ngón tay khô gầy của Nội xoa trên tóc nó. Tóc rối lên nhưng nó thích. Thích như Nội được nó xoa lưng,

 

bóp chân vậy.

Thi uất ức nghẹn ngào. Nó có cả trăm câu hỏi để hỏi mẹ. Tại sao phải đi chứ. Tương lai là cái gì ? Thi và các em vẫn đi học. Học rồi lớn lên có bằng cấp, có việc làm... thì có tương lai chứ gì. Như mấy chú, mấy cô Thi hồi trước. Ba dỗ: Nội đã có chú thiếm Bảy lo. Thi nhớ là hồi đó Nội hay nói: Con đông như Nội chứ không đứa nào nuôi tao tử tế như ba má con. Thi hỏi: “Chú thiếm Bảy thương Nội bằng ba không?” Ba chưa nói gì, mẹ đã nạt: “Con nít không biết gì, hỏi lôi thôi ăn đòn bây giờ. Mau đi tắm em đi.”

Hôm trước khi đi. Thi ngủ chung giường Nội. Nó rúc vào ngực Nội. Ngực áo Nội ướt đẫm nước mắt nó. Không biết bao giờ bà cháu lại gặp nhau. Không chừng lúc con về thăm, Nội đã đi rồi. Nội đi đâu. Nó hỏi. Nhưng Nội bảo nó ngủ sớm mai còn lấy sức lên máy bay.

Người ta chia cho gia đình Thi ở một căn hộ có tới năm phòng, trong một foyer (chung cư) dành cho người tỵ nạn, vì gia đình Thi đông nhất so với các gia đình di dân khác. Ba mẹ có đến bảy đứa con. Bảy đứa? Ông Tây, trưởng đoàn chìa bảy ngón tay bự xự vào mặt ba, nói một tràng dài. Nhìn mặt ba ngớ ra trong tiếng cười của một đôi người biết tiếng Pháp, hắn lắc đầu nhìn ba, rồi nhìn mẹ cười làm mẹ đỏ mặt. Chiều về ba chưởi thằng Tây già vô duyên. Không biết có đến tai hắn không, nhưng hắn đì ba hết chỗ nói. Hôm đó ông Tây già cho người lên gọi ba xuống văn phòng có việc. Ba có vẻ lo lắng, nói: Con đi với ba. Có gì con làm thông dịch cho rõ ràng. Trước khi đi ba ăn mặc cẩn thận, áo trắng bỏ vô quần. Tóc ba xức bi-dan-tin đen bóng. Mẹ nói: Ðây xuống văn phòng có mấy bước mà diện dữ vậy? Ba nói: “Phải cho nó biết mình đâu phải dân cùng đinh, đến xứ nó ăn xin. Ðẻ bao nhiêu tôi vẫn nuôi đầy đủ. Mắc mớ gì nó hạch sách tôi trước mặt mọi người?” Thi bụm miệng cười. Chắc đã có ai đó dịch lại cho ba những lới ông Tây trưởng đoàn nói bữa nọ, nên ba vẫn còn tức ổng. Ba quay lại nạt Thi: “Xong

 

chưa? Ði nhanh lên, cười gì?... Ráng dịch cho trúng nha con.”

Hai cha con Thi rụt rè bước vào văn phòng chung cư, lí nhí nói, “Bonjour Monsieur.” Ông Tây già ngẩng lên, sửa lại cặp kính trễ xệ trên sóng mủi cao sững, rồi lại cúi xuống đống giấy tờ trên mặt bàn, càu nhàu nhiều việc mà không có ai giúp. Ông Tây già nói bằng cái giọng lè nhè như người say rượu. Thi phải nghiêng mình, lóng tai nghe tiếng được, tiếng mất để dịch lại cho ba. Cái vốn tiếng Pháp ít ỏi nó học được trong các trường bà Soeur, bỗng biến nó thành một nhân vật quan trọng trong gia đình. Ba đã thôi không còn cốc đầu nó mỗi khi nó lý sự với ba. Giờ nó là tiếng nói của gia đình, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Tự nhiên cái trở ngại về ngôn ngữ bỗng biến ba thành rụt rè, thiếu tự tin. Hình như ba hỏi ý nó về nhiều vấn đề, về mọi vấn đề, đôi lúc quên nó chỉ là đứa trẻ. Không hiểu sao nó buồn. Nó muốn ba của nó lúc nào – hay ít nhất là trước mặt nó- cũng phải oai nghi. Đỉnh đạc. Uy quyền. Nó cần một người cha như thế để bước theo bóng người. Thi thấy thương ba mà cũng gịận ba vì sự sụp đổ của ông trong mắt nó.

Thi nhớ lại ngày hôm ấy.

“Sao? Nó bảo ba đi làm phu vác hàng chợ à? Con thấy tao đào đâu ra sức. Con có nói với nó, ba biết sửa TV, radio không?... Phải biết tiếng mới làm được à?... Con nói chưa? Cho nó biết ba từng sửa những cái máy hóc búa kỹ sư còn bó tay Con hỏi coi

khiêng đồ có nặng quá không? Con thấy sao?. ”.

Thi nhìn ba ái ngại. Ba đã gần năm mươi rồi. Thi nhìn đôi vai ba. Nó nhớ đến các chú bốc xếp ở chợ gần nhà. Những bắp thịt cuồn cuộn. Những bộ ngực săn chắc. Còn ba? Nó đoán chắc là dưới làn vải phẳng phiu, che đậy những bắp thịt đã nhão, những gân cốt giòn như mấy nhánh củi khô trên cây mùa đông chực gãy đổ vì một cơn giông nhỏ. Nó thở dài. Sự im lặng của nó chẳng giúp gì được cho ba. Ông Tây lại càu nhàu dân tị nạn kén cá chọn canh. Lúc nào cũng đòi việc nhàn hạ. Dân Pháp còn

 

làm cu-li, huống hồ. Ba cầm cái giấy giới thiệu từ tay ông Tây.

Hai cha con đã ra đến cửa ông Tây gọi tên Ba lại:

  • Ông Kim!
  • Oui?
  • Ði học tiếng Tây đi. Ở đây không biết chữ không làm được việc tốt đâu. Ông Tây nói bằng tiếng Việt sành sỏi như một người Việt chánh cống. Ra ông biết tiếng Việt nhưng không thèm nói. Lúc trở về Thi thấy ba bước lên cầu thang bằng những bước dài như chạy, lặng thinh không trả lời những câu hỏi của mẹ, ba vào phòng, cánh cửa đóng rầm sau lưng.

Sáng hôm sau trời có mưa tuyết nhẹ, Thi nằm trong phòng nghe tiếng ba mẹ lục đục dậy khi trời hãy còn mờ tối. Ba phải lấy xe buýt xuống chợ. Cửa hàng bán trái cây ba sắp đến làm ở trong khu phố dưới chợ. Mùi cà phê mẹ pha bay vào phòng Thi ngào ngạt. Tiếng mẹ: “Ông mặc thêm cái áo ấm, đội mũ nữa. Khéo không bịnh phổi trở lại thì khổ.” “Ði khuân vác, mặc gòn gọn chứ ra đó thì móc áo, móc nón ở đâu?” Thi nghe tiếng cửa mở, rồi tiếng những bước chân ba xa dần. Còn lâu lắm mới đến giờ Thi dậy sửa soạn đi học. Thi lăn trở trong chiếc giường ấm, nghĩ đến ba đang co ro cô độc đứng đợi xe buýt trong sương lạnh buổi sáng. Không biết ba có nhớ trạm xuống không? Hai cha con hôm qua đã lấy xe buýt đi trước để hôm nay ba có thêm tự tin. Không biết bác tài có đủ tử tế để nhắc nhở ba. Không biết.   Thi thấy hai mắt mình ấm nước mắt. Tại sao phải thế này

chứ? Ở quê nhà dầu gì ba cũng là chủ tiệm sửa TV, radio. Mấy người học trò học nghề lúc nào cũng quấn ở chân. Ba cần gì chỉ hô một tiếng là họ vội vã làm vừa lòng ba. Ra đường người nầy kêu anh Kim vô uống cà-phê, kẻ móc thuốc lá mời. Còn bây giờ hình như ai cũng có thể nạt nộ, lấn át ba. Có lần trong chợ khi xếp hàng trả tiền, ba vô ý đạp lên chân một cậu thanh niên. Dĩ nhiên là đạp nhẹ, nhưng gã thanh niên cao hơn ba một cái đầu, xô trả ba chúi nhủi, và luôn tay phủi giày như ghê tởm về sự

 

đụng chạm hơn là sự đau đớn. Không biết ba mẹ đã bắt đầu ăn năn về quyết định ra đi của mình chưa? Thi ước gì mình có thể quay trở về với Nội. Nó nhớ trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè... Những đứa cùng lớp ở đây luôn tìm cách trêu chọc sự khác biệt của mấy chị em Thi. Ðứa vuốt cái mũi xẹp của Chi, đứa chọc cái chân hơi có tật của Cảnh. Có lúc Cảnh sợ bị chọc phá đến nỗi cậu bé vào trường là đứng chết dí một chỗ chứ không dám di chuyển. Những đứa hiền nhất cũng cười cái giọng nói tiếng Pháp quê mùa, không phải Parisienne của Thi.

Thi nhớ nhất là Nội. Không biết Nội đã nhận được lá thư đầu tiên của nó gửi về chưa? Mẹ bảo, “Ðừng có viết tùm lum làm Nội buồn nghe chưa?” Nên Thi chỉ kể về cái thành phố nhỏ bé nó đang ở. Chỉ có một tuyến xe buýt mỗi ngày đậu ở trước cổng chung cư bắt lên và thả xuống những người phụ nữ lúc nào cũng mệt mỏi. Họ là những người đàn bà Ả Rập, và Việt Nam đi làm trong các hãng làm thịt gà. Công việc của họ mỗi ngày chỉ đứng tuột những lớp da nhầy nhụa mỡ ra khỏi các con gà đã được mổ bụng treo dốc ngược đầu xuống. Cô Dung ở tầng trệt cũng làm ở đó. Cô bảo bây giờ nhìn thấy thịt gà cô ngứa cổ, buồn nôn không ăn được. Tối ngủ cô mơ thấy những đàn gà trụi lông, chìa những cái cánh nhỏ xíu, chạy le te đến, bâu vào rỉa rói da thịt cô. Cô khuyên mẹ Thi đừng nên làm ở đó.   Sau Thi biết

cái Foyer (chung cư) nầy chỉ chứa những người di dân nghèo khó từ các nơi đến. Tập trung ở đây để chuẩn bị hội nhập vào xã hội mới. Ðông nhất là người Algerie và người Việt Nam. Người Algerie đã đến sớm hơn người Việt. Buổi chiều họ -dĩ nhiên là đàn ông - trải chiếu ngồi dài dài ngoài sân, ồn ào nói với nhau bằng thứ tiếng nghe chẳng êm tai chút nào. Người Việt Nam - cũng là cánh đàn ông - thường chiếm những cánh cửa sổ - nhìn xuống. Họ gọi đám người kia là Rệp. Thi hỏi tại sao? Ba bảo vì họ ăn nhiều thịt cừu quá. Họ hôi như rệp. Thi nghĩ không biết đám người kia sẽ gọi lại dân Việt Nam là gì. Chắc là cá vì người Việt hay ăn nước mắm làm bằng cá. Có lẽ vì sự hôi hám đó mà

 

hai dân tộc nầy ít giao thiệp qua lại. Dầu số phận họ rất giống nhau. Họ cùng là thứ đồ dơ dáy trong con mắt của người dân bản xứ. Vậy mà họ vẫn dè bỉu, chê cười nhau. Thi thấy người lớn thật buồn cười. Trẻ con giành nhau đồ chơi. Người lớn giành nhau những danh dự hảo. Ai ra đường cũng hếch mũi lên trời và tưởng rằng cái ngã của mình là tột đỉnh. Dân tộc mình là nhất. May mà chưa có xung đột gì. Những người Việt Nam không có ai để tạo chiến tranh, thường quay vào gây gổ với chính trong gia đình mình. Như ba và mẹ của Thi.

Ba đi làm được đúng một tuần. Rồi thì, một buổi chiều lúc Thi đang dẫn tụi con Vân, thằng Cảnh đi nhặt hoa, nhặt cỏ chơi bán hàng, Thi nhìn thấy ba đang từ cổng đi vào. Ba đi đầu cúi xuống như đang tìm kiếm vật gì. Ba không nhìn thấy đám con. Thi kêu: “Ba!” linh cảm một sự chẳng lành. Ba giật mình ngó lại. Vẻ mặt ba vui lên một thoáng, rồi chùn xuống, nụ cười như mếu. Thi dám đoan chắc là nó thấy đôi mắt ba ươn ướt. Ba mở miệng ra định nói gì đó, rồi im bặt. Rồi bước những bước dài vội vã lên cầu thang như chạy trốn.

Khi Thi đã gọi được các em lên nhà thì cuộc cãi vã của ba mẹ đã ở hồi quyết liệt. Ðứng ở ngưỡng cửa, mấy chị em Thi nghe tiếng ba la lối:

  • Bà muốn tôi phải làm sao? Quỳ xuống lạy chúng nó, van xin cho tôi ở lại làm chắc? Bà có biết nhục không? Bà có biết nó gọi tôi là gì không? Bà biết là gì không?...Ðồ ăn cắp. Phải đồ ăn cắp... khi tôi thấy những cây cải nó bảo vứt còn có thể sử dụng được, nên giữ lại. Tôi tức quá, tôi không nói được. Giá mà tôi

có súng. ”

  • Ðể làm gì? Bắn người thì ông ở tù. Tưởng giỏi lắm. Nhịn chút có chết không chứ?
  • Nhịn nè. Nhịn nè... Tiếng ly tách vỡ trên nền gạch chát chúa. Chị em Thi mở cửa ùa vào, kêu khóc như đám giặc. Ðứa ôm chân ba, đứa níu áo mẹ:

 

  • Tụi con lạy ba. Tụi con lạy ba... Như thể chúng đang van xin cho tội lỗi của chính mình. Có lẽ chúng cũng mường tượng được rằng sự có mặt của chúng trên thế gian này đã là một nguyên nhân xa gần nào đó. Ba gạt chúng ra, đi vào phòng, đóng cửa lại. Mẹ ngồi phịch xuống ghế, hai hàng nước mắt tái tê. Thi và mấy đứa em lặng lẽ đi quét dọn. Thi thấy nghẹt thở. Sự câm lặng như một khối đá vô hình đè lên ngực nó. Giá mà Thi có cánh để bay về với Nội. Khu vườn nhà Nội chắc vẫn đầy bóng mát của những cây ổi, cây xoài, bông sứ... Gió vườn nhà Nội chắc vẫn mát như quạt những buổi trưa hè. Sao những làn gió đó quá hiếm hoi ở nơi nầy. Chỉ có thứ gió độc như Nội vẫn nói từ những cánh quạt sắt quay đi, quay lại...

Mẹ đã có việc. Ông Tây nhờ mẹ phụ văn phòng, dầu mẹ có ái ngại về cái vốn tiếng Pháp nghèo nàn của mình. “Dễ ợt, Madame đừng có sợ. Tôi sẽ giúp mà...” Ông nói đánh máy, lưu trữ hồ sơ... cũng dễ ợt. Mà có lẽ cũng dễ thật, mẹ đã làm hơn hai tháng vẫn chưa bị đuổi việc. Ông Tây lại đặc biệt dành cho gia đình Thi những quyền lợi như: được lựa đồ trước trong đám quần áo người ta gửi đến cho người tỵ nạn. Thức ăn trong hộp thì được những thứ chưa quá date. Và có tin tức gì về quyền lợi của đám dân tỵ nạn mẹ cũng biết trước. Ðịa vị của mẹ trước mắt những người Việt tỵ nạn khác bỗng sáng sủa hơn. Họ hay đến thăm căn phòng của gia đình Thi vào mỗi buổi tối sau khi cơm nước xong, để nghe ngóng tin sốt dẻo, để nhờ chị Kim để ý giùm hồ sơ xin nhà, xin việc, xin tăng trợ cấp... của họ đã đến đâu rồi. Nhà Thi hình nhu lúc nào cũng có khách. Có bữa ba ngồi ở sofa đọc báo. Nhưng Thi thấy ông cứ dừng lại, để tờ báo xuống đùi, liếc về phía bàn ăn chổ mấy bà hàng xóm xúm xít quanh mẹ:

  • Mợ thiệt là giỏi. Kể như trong nhà bây giờ một tay mợ rồi...
  • Ủa, bộ ba con Thi cũng chưa có việc à? Hay biểu ổng đi lột da gà với tụi tui đi. Tụi nầy đang thiếu đàn ông đây... Người đàn bà mập với hai bắp tay chảy thịt, cười lớn tiếng, ném cho ba một cái nhìn khiêu khích. Ba thở dài đứng dậy, nhìn vào trong bếp

 

như tìm mẹ. Nhưng mẹ đang kể chuyện gì coi bộ vui lắm, mấy bà bạn bò ra cười. Ba ra cửa, vò đầu Thi nói: “Ba lên nhà bác Tuyền. Tụi con ăn cơm trước với mẹ. Ðừng chờ ba.” Thi nói dạ, muốn kêu ba ở nhà mà không dám.

Gia đình bác Tuyền ở trên tầng ba. Hai bác đã lớn tuổi, được lãnh tiền già, nên không phải bận tâm gì. Năm cô con gái. Bốn cô đã đi làm ở hãng gà. Cô Ngọc, lớn nhất, 24 tuổi lại không đi làm. Người ta bảo cô Ngọc tâm thần vì phải bỏ người yêu lại Việt Nam. Suốt ngày Thi thấy cô ngồi ở cửa sổ lầu ngó xuống đất. Cô ngồi nghiêng người, mái tóc đen xõa bay theo gió. Có lúc Thi tưởng cô là một hình nộm được đặt ngồi đấy để canh đám bồ câu không đậu vào bệ cửa ỉa bậy. Ðôi khi bác Tuyền gái muốn nhập với hội phụ nữ của mẹ cũng dẫn cô theo. Những lúc ấy nhìn cô mà tội nghiệp. Hình như không ai để ý đến sự có mặt của cô. Cô ngồi cam chịu giữa những người đàn bà ồn ào, soi mói. Nhưng cũng vì thế, cô như một điểm sáng nổi bật lên trên cái nền đen tối. Ðiểm sáng đó làm ba chú ý. Thỉnh thoảng ba nhìn cô nghĩ ngợi. Ba nói cô là tiên mắc đọa.

Tháng trước hai vợ chồng bác Tuyền phải đi xa thăm người bà con. Mấy đứa em cô Ngọc mỗi sáng đi làm gửi cô Ngọc ở nhà với ba và mấy chị em Thi. Mẹ nói: “Dầu gì anh cũng ở nhà trông mấy đứa con, ngại gì. Với lại cô Ngọc đặt đâu ngồi đó thì phiền hà gì...”

Hôm đó cô Ngọc mặc áo lụa trắng. Tóc cô thắt bím thả trước ngực. Một lớp phấn hồng nhẹ trên đôi má trắng xanh. Cô đứng ngồi e dè, ngập ngừng như sợ lũ trẻ con và người đàn ông nghiêm nghị trước mặt. Tất cả ở cô gợi lên sự mỏng manh, dễ vỡ. Thi thấy ba nói đúng. Cô Ngọc giống như một cô tiên trên các bức tranh lụa Nội treo trên vách nhà. Cô ngồi ở phòng khách nhìn mấy chị em Thi học. Ba bảo Thi làm cho cô ly nước cam, rồi ba đứng lên đi vào buồng như sợ sự có mặt của mình làm cô Ngọc thêm mất tự nhiên. Thi và mấy em học bài nhưng con mắt cứ liếc nhìn cô Ngọc. Thi sợ cô lên cơn bất ngờ như những

 

người bịnh tâm thần Thi gặp ngoài đường. Họ có thể bất thần chạy xổ đến trước mặt ai đó sừng sộ. Hay bỗng khóc bỗng cười. Thi hồi hộp như đang đi trên con đường tối đầy những bóng ma tưởng tượng. Con Vân thì thào hỏi: “Cổ có biết nói không chị?” Thi suỵt suỵt, sợ cô Ngọc nghe, buồn. Ba đi rồi, cô Ngọc men đến ngồi bên lũ trẻ. Cô mỉm cười nói: “Giống mấy em tôi hồi nhỏ quá.” Cô nói giọng nhỏ nhẹ nên Thi không thấy sợ nữa. Nó đưa bàn tay ra nhè nhẹ sờ lên bàn tay trắng trẻo, có những ngón thon dài. Bàn tay cô rất mềm, lạnh. Thi có cảm tưởng mình vừa cầm lên một nhúm bông gòn ngâm nước lạnh. Từ bữa đó mỗi ngày cô Ngọc xin được xuống ngồi xem chị em Thi học. Thì ra cô cũng có học. Có bữa cô chỉ cho Thi cách đặt câu tiếng Pháp, dạy con Vân một phép tính. Thi thấy người ta bịa đặt về cô nhiều quá. Cô đâu có tâm thần chút nào. Chỉ có điều khi có mặt người khác, cô câm lặng, xa vắng như thể người mất hồn. Từ ngày có cô, chị em Thi rất thích, vì có người để nhỏng nhẻo. Mẹ lúc nào cũng bận, cũng mệt. Từ lâu rồi mẹ không còn thì giờ để trò chuyện với chị em Thi nữa. Lần trước con Vân, thằng Tùng xề lại bên mẹ để khoe mấy cái bảng khen ở trường bị mẹ gạt ngang. “Ðược rồi. Ðược rồi, mấy đứa giỏi rồi. Ði ra ngoài cho mẹ nghỉ. Mẹ mệt lắm.” Hai đứa em Thi tỉu nghỉu quay ra... Bây giờ cô Ngọc xem bài mỗi đứa, vổ đầu, hôn má. Thi hay nhìn cô ngồi bên mình và nghĩ, cô đúng là cô tiên.

Ba cũng thích có cô Ngọc đến nhà. Giờ ba không còn bỏ vào buồng nằm khi có cô đến. Ba vẫn ngồi nguyên chỗ đọc báo - bổn phận hằng ngày của ba - để chiều khi mẹ về hỏi, “Ông có đọc báo kiếm việc hôm nay không?”. Ba sẽ gật đầu. Ðiều đó đủ làm mẹ hài lòng. Hình như hỏi cũng chỉ là một bổn phận còn lại của mẹ đối với ba. Mẹ không còn lo cơm nước mỗi ngày cho ba như hồi xưa nữa. Bây giờ ba tự làm hết mọi chuyện trong nhà. Thi có cảm tưởng như ba là cái cô gì chun trong quả thị ra. Ba như ông vua đã mất ngôi. Không còn ngồi đợi mẹ về đặt những chén cơm bới sẵn đến trước mặt. Không còn chờ mẹ khâu lại mấy

 

cái áo đã đứt khuy của ba. Thi thấy vừa thương vừa giận ba. Nó thấy ba của nó như bị mụ phù thủy nào thu nhỏ lại. Ba nhỏ lại trước mẹ. Trước mọi người. Thi muốn khóc khi thấy ba xỏ sợi chỉ qua cây kim mấy lần không được. Cái bàn tay to bự của ba nắm chặt sợi chỉ như sợ nó vuột mất. Mồ hôi trán ba rịn ra, mà bàn tay cầm cái kim cứ như không chịu đứng yên cho sợi chỉ được luồn qua. “Ðể con làm cho”. Nó nói, đưa tay ra. Ba gạt đi. Ba phải tập làm chứ con. Bây giờ đâu phải ngày trước nữa. Cô Ngọc cũng nhìn ba. Rồi cô đưa tay ra. Ba hơi ngạc nhiên nhìn cô, rồi như sợ phật lòng khách, ba miễn cưỡng trao cho cô cây kim và chiếc áo. Cô Ngọc tự nhiên ngồi ngay dưới chân ghế chỗ ba đang ngồi. Ba cầm tờ báo hình như để đọc. Cô Ngọc nhanh nhẹn đưa cây kim lên xuống trên tấm áo. Thi vẫn nhìn trộm hai người từ xa. Không hiểu sao nó thấy hồi hộp sợ mẹ bước chân vào nhà ngay lúc ấy. Sự im lặng trong căn phòng hình như lại ồn ào, xao động. Nó linh cảm như sắp có chuyện gì xảy ra. Nhưng không. Ba vẫn ngồi im. Ngoài kia nắng chiều đang rực rở. Nằng óng ánh trên làn tóc xõa dài của cô Ngọc. Mái tóc đen mượt mà như mời mọc một bàn tay ve vuốt. Ba thở dài khi cô Ngọc đưa trả cho ba chiếc áo đã vá xong.

Hôm qua cả Foyer ồn ào, náo động. Xe cứu thương, có cái đèn đỏ trên mui quạt qua, quạt lại luồng ánh sáng màu đỏ, như bàn tay xô đuổi đám đông tò mò, thọc mạch. Bao nhiêu người bỏ ngỏ cửa - mà ngày thường lúc nào cũng khóa chặt, sợ tụi Rệp chôm đồ - ào lên lầu theo sát chân hai ông Tây mặc áo trắng, mặt khẩn trương, tràn vào nhà bác Tuyền chỉ chỏ, bàn tán:

  • Không... Không biết sao nữa. Cô Ngọc uống thuốc ngủ tự tử!
  • Chết chưa? Cứu được không? Hồi nào vậy?
  • Thiệt dại. Cha mẹ già... Hay thất tình thằng nào? Bao nhiêu tiếng thở dài. Chặc lưỡi.

Ðám đông lại ào tràn trở xuống dưới đường. Chiếc xe cứu thương và tiếng còi đinh tai đã khuất hẳn ở ngã rẽ vào xa lộ.

 

Ðám đông lóng ngóng thêm chút nửa, rồi từ từ giải tán. Ở đàng sau mổi cánh cửa đóng là câu chuyện lại nổi lên với bao nhiêu điều thêu dệt.

Sau cánh cửa đóng ở nhà Thi.

Ba xấn tới, gần như xô đẩy mẹ: “Bà nói cái gì để người ta tự tử?” Mẹ mặt tái xanh, lắp bắp:

  • Nói... cái gì? Hồi nào? Ðừng... có đổ thừa kỳ cục. Ba đưa nắm tay lên nhấp nhứ trước mặt mẹ. Chị em Thi ào vào, khóc lóc. Nắm tay, níu chân Việc này có lẽ đã trở thành quá quen thuộc với lũ trẻ. Tiếng khóc là thứ khí giới duy nhất chúng có thể sử dụng để ngăn chặn cuộc chiến tranh thường xuyên giữa ba mẹ chúng. Chỉ có tiếng khóc của chúng mới làm cho người cha, người mẹ như chợt tỉnh sự sân si của mình.

Ba vẫn đứng chắn trước mặt mẹ. Tia mắt ba Thi chưa thấy bao giờ. Như có lửa. Như căm thù. Mẹ rùng mình, quơ tay ôm thằng Út vào mình như cái khiêng chống đở:

  • Tôi...thế nào? Ông nói đi? Tôi thế nào chứ?

Cái nhìn của ba vẫn chưa dứt rời mẹ. Bất ngờ ba nhổ phẹt nước miếng xuống thảm. Quay ra cửa ba nói: “Ði mà hỏi thằng sếp Tây đó!” Cánh cửa đóng rầm. Mẹ đổ xuống như cành cây gãy.

Ðó là những tháng ngày gia đình chỉ còn như một chỗ trọ của ba. Ba có mặt đó mà lúc nào cũng xa vắng. Không hiểu sao Thi có cảm tưởng như ba biết lý do vì sao cô Ngọc tự tử. Thi tự hỏi không biết hai người có yêu nhau? Nghĩ vậy nhưng trong lòng Thi không hề trách ba. Thi thấy mẹ đã phần nào có lỗi khi mẹ suốt ngày: “Ông Tây lịch sự... ông Tây thương người...” Lại thường xuyên làm thêm giờ? Không lẽ mẹ quên ba vẫn là một người đàn ông.

Lại mùa đông. Gia đình Thi chuẩn bị đi Mỹ đoàn tụ với Cô Bích, em ba. Mẹ là người vui nhất nhà. “Vài hôm nữa ăn Noel bên Cali rồi. Bên đó không có lạnh cóng như bên này đâu. Ông...

 

đã sắp xếp valise xong hết chưa?” “Bà khỏi lo cho tôi,” ba đáp.

Ngoài cửa, những bông tuyết rơi như ai nắm những nắm bông vải từ bầu trời thải xuống. Tuyết trắng trên những nhánh cây, trên những mái nhà, nóc xe. Vài người đi lom khom, cẩn trọng trên mặt đường trơn trợt. Thi không thích cái xứ lạnh lẽo này. Cô Bích bảo bên Mỹ sướng lắm. Có bao nhiêu đồ chơi. Có biển. Có núi... Nhiều thứ lắm, nhưng chỗ cô ở không có tuyết, khí hậu giống Việt Nam. Càng thích. Mấy chị em Thi đã náo nức trông chờ cái ngày đi đến một chốn thiên đường khác. Mọi thứ chắc sẽ tốt đẹp hơn.

Cô Ngọc cũng đã xuất viện. Nhưng hình như cô không bao giờ ra khỏi nhà nữa. Ðôi khi Thi thấy cô ngồi bên cửa sổ, nhưng chưa kịp chào hỏi thì cô đã vụt mất như con chim nhút nhát trong vườn, sợ hãi vút cánh bay khi có tiếng chân người. Thi muốn lên thăm cô Ngọc nhưng sợ mẹ. Cả ba cũng thế. Từ ngày cô Ngọc trở về, ba cũng chưa một lần bước lên thăm. Có lẽ ba không dám khơi động lại một vết thương vừa mới lành da.

Ngày gia đình Thi rời khỏi Foyer. Trời không có nắng. Hai cánh cửa sổ nhà cô Ngọc đóng kín. Ba liếc nhìn lên đó khi chất những chiếc va-li dầy cộm lên xe. Ai cũng đã vào xe, trừ ba. Ba loay hoay đóng cửa cái phòng không biết rồi ai sẽ đến ngụ. Bác tài đã nhấn những tiếng kèn sốt ruột.

Cuối cùng ba quay ra, bước những bước dài lên cầu thang. Như chạy. Mẹ quay nhìn ra cửa xe. Trong sân đám trẻ nít Ả Rập đang chơi tuyết. Những nắm tuyết bay qua lại trong tiếng cười giòn giã của lũ trẻ.

Ðó là những ngày Thi sống ở Valence, miền Nam nước Pháp.

Rồi tất cả sẽ đi theo nghiệp riêng của mình.

Lý Thu Linh

(Tân Bình, TP.HCM)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm