Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Chieu Tren Canh Dong 01

 24. Thắp Tâm Tư Thay Ánh Mặt Trời

Trần Hải Bằng

Mượn hai câu trong bài thơ “Mộng ngày” của hoà thượng Tuệ Sỹ mà mình rất tâm đắc, tôi muốn chia sẻ

với các bạn đồng đạo đôi điều về Phật Pháp dưới góc nhìn của một cư sĩ tại gia. Hai câu thơ đó nằm trong khổ thơ:

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh Ngoài hư không có dấu chim bay Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ, Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?

Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ

Tôi sinh ra tại Quảng Bình – miền gió lào cát trắng. Quê hương của những rặng phi lao và những cồn cát trắng chạy dài mãi miết dưới ánh nắng chang chang. Khách phương xa khi đi dọc ngang quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Bình, sẽ không khỏi liên tưởng đến sự hoang vu, cằn cỗi và nỗi nhọc nhằn khắc nghiệt trong mưu sinh.

Thật vậy, Quảng Bình là vùng đất bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, chùa chiền và phật pháp, kinh điển gần như không

 

có gì nhiều. Quanh năm bão lụt chồng chất, mùa hè nắng như thiêu đốt. Chúng tôi học tiểu học đến cấp III ở thị xã Đồng Hới mà không hề hay biết gì về kinh điển và cũng không có ý niệm gì về chùa chiền và Phật pháp.

Lớn lên chỉ thấy có Nhà Thờ Tam Toà là công trình tâm linh duy nhất của thị xã bị đạn bắn nham nhở ven sông Nhật Lệ - nơi chúng tôi thường ra ngồi hóng mát. Hoạt động tâm linh nhiều nhất mà chúng tôi thường thấy là cúng bái, ma chay, đám giỗ, bói toán. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của tôi, quê hương vẫn có hai vị hoà thượng lớn xuất thân từ Quảng Bình là Hoà Thượng Tuệ Sỹ và Hoà Thượng Trí Quang. Tại huyện Lệ Thuỷ, vẫn còn dấu tích am Tri Kiến nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành khi ngài vào nam thăm Vương Quốc Chiêm Thành. Điều này khiến tôi cảm thấy có một niềm tự hào an ủi khi biết rằng mầm Phật pháp vẫn bén rễ sâu ở vùng đất này.

Gốc gác gia đình Ba Mạ tôi không phải ở thị xã Đồng Hới, mà nằm ở xã miền núi Quảng Sơn, sát một nhánh của sông Gianh, cách thị xã khoảng 45 km. Địa thế sơn thuỷ hữu tình nhưng dòng họ khá nghèo, ít người học hành đỗ đạt. Trong làng tập tục uống rượu men rượu nấu rất phổ biến. Người duy nhất trong họ được học nhiều nhất có lẽ là tôi. Tôi thường hay trêu đùa với Ba Mạ tôi rằng dòng họ nhà mình nhiều đời có mối thâm thù với tiền bạc, ghét đường quan lộ, khước từ cuộc sống văn minh, yêu thích săn bắt hái lượm.

Mà cũng thật, đời ông đời bà từ xưa chủ yếu đi rừng lấy củi, hái lá may nón và các sản vật khác trong rừng đem ra chợ bán. Mỗi khi nghe như vậy Ba tôi chỉ cười nhắc nhở anh em tôi: “Trong nhà tau, Ông nội bây mà vất cái rạ xuống gầm là cả nhà chết đói, bọn bây lo mà học hành cho đến nơi đến chốn để thoát ly.” Ở vùng đó, có một cái cồn dân gian thường gọi là Cồn Mã Bụt, tôi hết sức tò mò về cái tên có liên quan đến Đức Phật này, cố gắng hỏi các vị cao niên trong làng mà cũng không ai biết về nguồn gốc tên gọi. Cũng lạ, một cái tên truyền từ nhiều đời

 

nhưng không ai biết.

Những năm 1983 - 1984, tài sản có giá trị và cũng là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình tôi thời đó là chiếc xe đạp. Ba tôi xin được vào làm công nhân cơ khí ở một nhà máy đóng tại thị xã Đồng Hới. Mạ tôi làm thủ thư trường cấp I, II gần nhà. Nhà tôi chuyển vào thị xã Đồng Hới, thoát ly cuộc sống rú rừng.

Tôi không được may mắn về sức khoẻ - chứng bệnh hen suyễn nặng nề và viêm phế quản mãn tính, khiến việc hô hấp rất khó khăn. Quanh năm suốt tháng đi viện thường xuyên, mỗi khi lên cơn, đờm chẹn ngang cổ, chỉ còn cách ngồi thở dốc, chống hai tay mà không thể nằm được. Nhiều lần tôi có cảm tưởng bất lực, nghĩ rằng mình khó qua được mỗi khi thời tiết thay đổi – dân gian gọi là động trời.

Ba Mạ tảo tần tìm thầy, kiếm thuốc nhiều năm, tôi dần dần lành bệnh nhờ một vài thang thuốc lá cây của đồng bào vùng cao. Trước đó thì chữa bệnh theo kiểu cúng vái tứ phương, ai nói gì nghe vậy. Thôi thì từ ăn thịt mèo đen, nuốt thằn lằn sống, uống nước đái, nước thầy bùa, cao trăn, cao khỉ…v.v. Thậm chí một lần nọ, ở lâm trường Ba Rền có một con voi bị xử bắn, ông Bác đã cố gắng tìm mọi cách xin cho tôi một tảng thịt voi và miếng da về để chế biến làm thuốc chữa bệnh, vì nghe rằng loại này có thể chữa khỏi hen suyễn. Nhưng đâu vẫn vào đấy, bệnh không khỏi được.

Người em kế tôi thì không được may mắn như thế, em đã mất khi còn thơ ấu cũng vì bệnh phế quản này. Sau này, thỉnh thoảng mỗi khi vào ngồi thiền, hình ảnh người em bé bỏng mới tập đi ấy vẫn hiện ra trong tâm, mặc dù lúc em mất tôi chỉ mới khoảng 3 - 4 tuổi. Căn phòng nhỏ đơn sơ tại Quảng Lưu, nơi 3 mẹ con ở khi ấy cứ hiện lên trong tâm với một cảm giác buồn rười rượi, lạnh lẽo, quạnh hiu.

Tôi còn nhớ khi vào Đồng hới, gia cảnh cũng nghèo nàn, căn nhà vách đất đơn sơ đã không chịu nổi cơn bão năm 1983,

 

sập tan tành trong gió xoáy. Mẹ tôi một tay bồng em, một tay dìu dắt tôi đi xiêu vẹo trong mưa bão để tạm lánh nhờ nhà bác Thời - hàng xóm duy nhất trong vùng có một phần bê tông trên mái. Ngoài giờ đi học, đi làm, cả nhà phải mò cua bắt ốc, hái rau ruộng để có cái ăn.

Chúng tôi còn đi nhặt phế liệu, mảnh sắt, mảnh bom, xác xe từ thời chiến tranh còn sót lại để bán lấy tiền. Việc thỉnh thoảng nghe ai đó bị nổ bom bi chết không phải là chuyện lạ.

Tôi nhớ mạ đã tảo tần ngủ gà ngủ gật ở góc nhà bên cạnh ấm nước chè xanh đã ủ nóng. Bà choàng tỉnh dậy mỗi khi nghe tiếng còi tàu thống nhất báo hiệu vào ga Đồng Hới. Đó là lúc tầm 1h - 2h sáng. Cầm vội ấm nước chè xanh, rổ trứng gà luộc, túi đựng bánh mì, chạy vội ra ga cho kịp bán chuyến tàu thống nhất muộn. Thời gian mỗi chuyến tàu dừng chỉ khoảng 15 đến 20 phút nên phải chạy gấp để kịp bán hết. Tiếng rao đêm “ai chè xanh đây, ai trứng đây, ai bánh mì đây” của các bà các chị vang trong đêm khuya, át cả tiếng đầu máy tàu . Thủa ấy, không riêng gì mẹ tôi, mà hình như cả xóm đều lam lũ như vậy cả.

Tôi nhớ hình ảnh Ba tôi phải bán đi con chó trong nhà để có tiền xoay xở. Ngày họ đến bắt, hai chân con chó bị trói quặt đằng sau rồi cho vào rọ. Nước mắt con chó trào ra, đau đớn, nó nhìn tôi, tôi nhìn lại nó, ánh mắt như không hiểu chuyện gì. Xe chở đi khuất, ánh mắt nó vẫn cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ, dù có lẽ đã 35 năm trôi qua. Mỗi khi nhớ đến sự việc đó, tôi vẫn nhói trong lòng, và thầm cầu xin, “Chó ơi, dù bạn ở đâu, hãy tha thứ cho tôi nhé, tôi còn quá bé bỏng để có thể làm được chuyện gì. Hãy tha thứ cho gia đình chúng tôi bạn nhé, tất cả đều chỉ vì cái nghèo túng và sự không hiểu biết.”

Có lần khi đọc tài liệu nói về Tứ thánh đế, đến đoạn nói về KHỔ ĐẾ, tôi lặng người đi: không còn nghi ngờ gì nữa, Khổ là thực, là chân lý phổ quát. Dù bấy giờ chỉ mới hiểu Khổ Đế ở mức hiện tượng, tôi đã sáng tỏ, không còn nghi ngờ.

 

Lớn lên, điều kiện kinh tế gia đình dần thay đổi tích cực hơn theo sự cải thiện chung của cả xã hội. Ba tôi được thăng chức làm một công chức nhỏ của tỉnh, được phân đất làm nhà và cuộc sống dần ổn định hơn. Học hết cấp 3 ở Đồng Hới, chúng tôi được ra Thủ Đô Hà Nội để học đại học, thạc sĩ và sau đó vào Sài Gòn lập nghiệp.

Cả bầu trời cơ hội Sài Gòn mở ra, chúng tôi năng động lao vào làm việc mãi miết, buôn bán kinh doanh, đầu tư, lập gia đình, lấy vợ, có con, cuộc sống dần ổn định. Khi công việc tạm lắng, sâu thẳm trong tâm trí tôi vẫn thao thức trăn trở tìm hiểu về ý nghĩa của đời sống.

Các câu hỏi cứ không ngừng lởn vởn: với tất cả sự khốn khó, nhọc nhằn phấn đấu vươn lên như thế chỉ để vì miếng cơm manh áo mưu sinh thôi sao? Chỉ như thế rồi từ từ tiến về cái già và cái chết? Phải còn có điều gì đó cao cả hơn chứ? Không nhẽ chết là hết? mà chết còn hay chết mất? có lẽ mình chưa thực sự hiểu và nắm bắt.

Tôi lần tìm các kiến giải trên mạng về mọi chủ đề triết học và gặp được rất nhiều bài thuyết pháp về Đạo Phật rất hay và có ý nghĩa. Nhất là chủ đề vô thường. Tôi cực kỳ tâm đắc khi nghiên cứu về chủ đề Vô thường Trong Phật Giáo. Vô thường như tôi thường hiểu không phải chờ đến Chư Phật ra đời mới được đề cập, trước khi Phật Thích Ca ra đời nhiều truyền thống tâm linh ở Ấn Độ đã đề cập. Nhiều thế hệ thức giả cũng đã từng trăn trở thao thức trước sự ngắn ngủi và khốn khó của đời người. Sự vô thường từ khi cất tiếng khóc chào đời đến tuổi già tàn tạ, cũng đã khiến họ đau đáu lần tìm ý nghĩa của đời sống. Nhìn một chiếc lá vàng rơi lìa cành, bất kỳ ai cũng có thể chạnh lòng suy tư quán chiếu về lẽ sinh diệt vô cùng của đất trời càn khôn, họ chắc đều có những dự cảm tâm linh về sự bé nhỏ của số phận con người cá nhân trong vũ trụ bao la.

Chỉ đến khi Phật Thích Ca ra đời, Vô Thường mới được

 

nâng lên thành một ý nghĩa khác phục vụ cho GIÁC NGỘ và giải thoát. Được hiểu ở một tầm cao hơn, tầm thực chứng, chứng ngộ ở cấp độ trực tiếp. Có một loại vô thường khác được Đức Phật và các đệ tử chứng ngộ bằng HÀNH THIỀN ở những tầng thiền định thâm sâu, những khảo sát tỉ mỉ liên tục của thiền minh sát vipassana về thân và tâm.

Ta biết rằng, tạng vi diệu pháp đã mô tả rất chi li về danh pháp và sắc pháp, điều này không thể được đề cập nếu chỉ quan sát một cách hời hợt bên ngoài. Ngài thấy rằng 17 lần danh pháp sanh diệt thì 1 lần sắc pháp sanh diệt. Ngài thực chứng ở mức độ sát na (đơn vị thời gian siêu nhỏ). Chính sự thực chứng này về bản thân mình đã kết thúc cách nhìn hời hợt và đập tan ảo tưởng có một tự ngã, một cá thể, một cá nhân. Chấm dứt sự ảo tưởng và kết thúc khổ đau, luân hồi sinh tử.

Tôi quan tâm sâu hơn về lịch sử Phật Thích Ca Mâu Ni. Thật choáng ngợp trước sự đồ sộ về kinh điển Phật để lại, tôi đọc ngấu nghiến các tài liệu về Phật Giáo và các quan điểm chính của Đức Phật mà mình tìm được. Nhưng nghi ngờ vẫn còn đó: đây là một dạng triết thuyết hay là một dạng mê tín tôn giáo? Nó có bi quan yêm thế không? Phật Thích Ca là thực hay được dựng lên theo truyền thuyết ? có những chứng cứ gì để xác thực? vv..

Năm 2018, nhân dịp chùa Giác Ngộ có chuyến hành hương sang Nepal và Ấn Độ thăm quan 4 thánh tích Phật giáo, tôi đã đăng ký tham dự để vừa du ngoạn thăm thú vừa tìm hiểu thêm về lịch sử Đức Phật. Chuyến đi đã cũng cố giúp tôi vững tin về một vị Đạo Sư đặc biệt đã như thật xuất hiện trên thế gian, với tất cả thánh tích vẫn còn ở đó, từ Kinh thành Ca tỳ La vệ, Kỳ viên Tinh Xá, Bồ Đề Đạo Tràng, Hang khổ hạnh, Đỉnh núi Linh Thứu..v.v. Tôi đã không bỏ lỡ dịp may này để quy y làm cư sĩ tại gia ngay tại cội bồ đề nơi Đức Phật thành đạo với pháp danh là Ngộ Minh Thắng.

 

Thắp tâm tư thay ánh mặt trời

Về lại Sài Gòn, tôi bắt đầu tự xem các clip trên internet, tự hành thiền định, thiền vipassana, nghiên cứu kinh điển, nghe giảng pháp. Dưới sự soi rọi của tuệ giác Phật thì tôi dần dần hiểu ra, vỡ lẽ về mọi chuyện. Không có điều gì trên đời là vô nguyên nhân, khổ không phải không có nguyên nhân, hoàn cảnh ta hiện tại chính là quả biểu hiện của một dòng tương tục từ quá khứ mà ta cần chịu nhận. Và cũng do những điều kiện hiện tại mà ta sẽ có mặt ở vị lai với các ảnh hưởng từ hiện tại. Số phận về cơ bản là do bản thân ta định đoạt bằng thân khẩu ý thiện lành hay xấu ác mà thôi. Chữ thiện nhà Phật có một nghĩa rất khoa học: thiện không chỉ là tốt mà còn là sự thiện xảo, sự khéo léo và chính xác. Gieo nhân tốt lành thì quả tốt lành. Tâm thức sẽ tái sinh ở cảnh giới tương ưng theo nguyên tắc “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Khổ có mặt nhưng Diệt khổ cũng có mặt, con đường cũng có mặt. Vô thường có mặt , nhưng sự hết vô thường cũng có mặt.

“Do cái này có mặt, cái kia có mặt” “do cái này phát sinh cái kia phát sinh” “do cái này biến mất, cái kia biến mất ” “do cái này hoại diệt cái kia hoại diệt” – khi nhận thức rõ nguyên lý duyên khởi này ta bỗng thấy rộng rãi hơn, cái ngã nhỏ hẹp dần đều, và hoà hợp xảy ra với môi trường xung quan một cách tự nhiên. Với cái nhìn duyên khởi, ta chú ý thật nhiều hơn đến những người, những vật, và môi trường xung quanh chúng ta. Ta thấy rằng số phận của người khác gắn chặt chẽ với ta, có liên hệ đến ta.

Bệnh tật cũng vậy, không phải vô nguyên nhân. Chỉ cần trừ hết nguyên nhân thì bệnh tự khỏi. Bệnh hen suyễn cũng vậy, đôi khi là do thời tiết khu vực quá khắc nghiệt, ăn mặc phong phanh không đủ ấm, cơ địa mẫn cảm, ăn uống sai cách, dị ứng, thuốc men, y bác sĩ…v.v Nếu bản thân hoặc những người thân của mình giác ngộ những điều này sớm hơn thì có lẽ tôi đã không chịu sự hành hạ của bệnh tật mười mấy năm như vậy.

 

Cái khổ nhọc hay sung sướng của ta là kết quả của phước báu cá nhân, của sự cộng sinh với người khác, cái khác, nói một cách khác. Được sống trong thành phố lớn với đầy đủ điều kiện y tế, học hành, công việc là một phước đức. Được gặp thầy giỏi để học, bác sĩ hay để chữa bệnh, bạn lành là phước đức…Và ta thấy rằng, nhờ có trí thức, dù ở mức tục đế, cũng là sự cứu rỗi cho chúng ta. Nó giúp ta lần lần ra khỏi bóng đêm đói nghèo, nợ nần, bệnh hoạn, ổn định tinh thần mà tiếp tục đi lên.

Tôi nhận ra rằng “Vô minh duyên hành” trong thập nhị nhân duyên không chỉ có ý nghĩa trong giải thoát siêu thế, nó còn cực kỳ giá trị trong tục đế. Sai lầm thường bắt nguồn từ thiếu hiểu biết – vô minh. Nói nôm na, không biết sẽ dẫn đến hành động sai lầm, ít học sẽ đưa đến đoạ lạc nghèo khổ, hoàn cảnh xấu... Tư duy không sáng suốt, dẫn đến việc ra quyết định sai lầm… Mê tín mù quáng thiếu căn cứ sẽ dẫn đến đoạ lạc, huyễn hoặc, hoang đường, khổ đau kéo dài.

Bát chánh đạo cũng vậy, con đường này được thiết kế cho 2 mục đích: phục vụ cả những người tại thế và tìm cầu thánh quả siêu thế. Bất kỳ ai, dù tôn giáo nào, màu da nào, cộng đồng nào, nếu bước đi trên đạo lộ Bát Chánh thì sẽ an toàn và dần ra khỏi khổ. Cũng như cách thức nấu cơm có sẵn, bất kỳ ai cũng có thể nấu được cơm ăn nếu biết cách thức không kể đó là người da vàng, da đen, da trắng, người kito, đạo hồi hay hindu...Đạo Phật không phải là tôn giáo, nơi tín ngưỡng ngự trị. Chỉ tin thôi là phỉ báng Phật Giáo.

Trong mắt tôi, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các bác sĩ y khoa bệnh viện là hiện thân của các vị hành bồ tát đạo, làm sáng rõ quy luật của Pháp (Dhamma). Tôi tin chắc phải từ bỏ mê tín, đặt niềm tin vào khoa học để có cuộc sống an toàn, trước khi tiến bước vào lĩnh vực tâm linh siêu hình.

Tôi thấy rằng, cần thiết phải phân biệt rõ: Phật và Pháp. Pháp là công trình khám phá vĩ đại của Đức Phật: khám

 

phá Tứ Diệu Đế! Khám phá lại 4 sự thật bị che lấp. Pháp Phật cần hiểu là tứ diệu đế - Tứ diệu đế cần hiểu là pháp của Phật. Pháp này đã được các vị cổ Phật xa xưa giác ngộ, tuyên thuyết, nhưng đã bị lãng quên. Đức Phật Gotama đã tái khám phá lại con đường xưa cũ.

Ta biết rằng có vô số khám phá: khoa học kỹ thuật, các vì sao, năng lượng hạt nhân, điện, động cơ, công nghệ kỹ thuật số…v.v.. chúng cũng được coi là Pháp, vì chúng cũng là những quy luật khách quan được khám phá. Nhưng chúng không phải là Pháp mà Phật phát hiện, không kỳ vĩ như phát hiện 4 thánh đế của Phật. Chúng chỉ hoá giải được một phần nổi khổ của con người như thiếu năng lượng, đi lại, chữa bệnh, kết nối…v..v Pháp Phật lại có công năng toàn diện có thể giúp chữa lành cả phần Tâm Linh và giải thoát hoàn toàn khỏi khổ.

Pháp khác với Phật. Phật khác với Pháp. Phật không muốn ta tôn thờ một cách si mê cuồng tín, giáo điều. Phật chỉ muốn chúng ta thấy rõ về Pháp để bớt khổ và hết khổ. Phật muốn chúng ta đừng nhìn chăm chú đến ngón tay trỏ của ngài, mà hãy nhìn thấy mặt trăng, hãy hưởng lợi lạc từ việc phát hiện thấy mặt trăng giáo pháp.

Hãy quên đi ngón tay. Đừng thờ cúng ngón tay. Phật không muốn thành lập tổ chức tôn giáo. Phật không muốn trở thành giáo chủ với số lượng tín đồ khổng lồ. Ngài chỉ muốn pháp luân được thường chuyển, ban rải trí tuệ về giáo pháp khách quan với tâm từ bi vô hạn, qua đó làm vơi bớt khổ đau cho chúng sinh, bằng cách để họ tự ứng dụng thực hành. Ví dụ, trong 5 giới cấm của cư sĩ tại gia, tôi quan sát và tâm đắc về giới thực hành không uống rượu và chất say. Có biết bao thảm cảnh khổ đau do chìm ngập trong rượu bia. Bản thân tôi đã từng suýt gây tai hoạ cho gia đình khi uống bia say điều khiển xe máy làm ngã cả nhà xuống đường.

Phật Pháp như biển cả mênh mông vô lượng, sâu thẳm, dung chứa nuôi dưỡng nhiều loài thuỷ tộc từ to lớn đến bé nhỏ

 

trong lòng mà không hề ngăn ngại. 26 thế kỷ sau ngày Đức Phật Gotama chuyển pháp luân, có biết bao thế hệ tăng ni cư sĩ, người học Phật, người tầm cầu chân lý đã được thụ hưởng lợi ích to lớn trong biển giáo pháp. Tôi có cảm nhận 2 mặt khi ứng dụng Phật pháp.

Một đạo Phật thế gian

Ngoài giáo huấn các vị xuất gia, Đức Từ Phụ cũng tràn đầy bi mẫn chuẩn bị sẵn, ban rải giáo pháp cho những người cư sĩ với cuộc sống tại gia mưu sinh bình thường như chúng tôi. Chúng tôi đã băn khoăn liệu giáo pháp có một giá trị thực dụng nào đó nhằm nâng cao hiệu quả công việc kinh doanh hay không

– điều này có vẻ rất kỳ khôi với đạo Phật – nơi mà đa số người ta tìm đến với hy vọng đạt được các tầng thánh quả. Các “tầng thánh quả” mà tôi đang hướng đến là cách làm giàu bền vững, cách để có hạnh phúc gia đình, có sức khoẻ tốt đẹp, thọ mạng lâu dài…v.v.

Một dịp nọ, đem tâm sự này trao đổi với một người bạn khá am hiểu về phật pháp, vị ấy cũng chỉ cười cười, không nói gì nhiều mà chủ yếu trao đổi về khía cạnh giải thoát, giác ngộ tâm linh. Tôi loáng thoáng nghĩ rằng các câu hỏi của mình có vẻ tham lam ích kỷ và ngớ ngẩn.

Ấy vậy, dù thời đại lịch sử đổi thay, dòng sông Hằng giáo pháp vẫn còn đó, cuồn cuộn tuôn chảy, mạnh mẽ hơn, to lớn hơn, thấm đẫm vào những con người hữu duyên trong thời đại kỹ thuật số. Tôi phát hiện nhiều gợi ý về tiền bạc và đời sống khi đọc tích truyện kinh pháp cú cũng như kinh Hạnh Phúc.

“Lúc trẻ, không Phạm hạnh, Không tìm kiếm bạc tiền, Như cò già bên ao,

Ủ rũ, không tôm cá”

 

“Lúc trẻ, không Phạm hạnh, Không tìm kiếm bạc tiền, Như cây cung bị gãy,

Thở than những ngày qua”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư thuyết khi ngự tại rừng Lộc Giả, đề cập đến con trai ông Bá hộ Mahādhana.Tương truyền rằng: vị công tử này sanh ra trong một gia đình cự phú trong thành Ba La Nại, giàu có đến tám trăm triệu đồng vàng. Công tử này lại lấy một người vợ cũng là gia đình cự phú nức tiếng, gia sản cũng có đến tám trăm triệu đồng vàng. Vậy mà chỉ vì quen bạn xấu rủ rê uống rượu, ăn chơi đàn đúm thành thói quen bán dần gia sản của hai gia đình để lại. Nghiện ngập tiều tuỵ, phải bán sạch sành sanh nhà cửa gia sản, dẫn vợ đi ăn xin bằng một cái mai rùa trên tay. Tuổi già đến, nằm co quắp nhờ bên hiên mái nhà nọ, dáng người như cây cung bị gẫy, cứ buồn than về dĩ vãng. Phật đi ngang thấy vậy nói lên hai kệ trên. Bài học rút ra ở đây là: việc phạm giới uống các chất say rất tai hại cho gia đình và cá nhân. Bia rượu là nguyên nhân của bao thảm cảnh xã hội. Điều này đặc biệt đúng ở thời đại chúng ta, nơi hàng quán nhậu nhẹt giao tiếp gần như luôn sẵn có.

Thứ hai là, thân cận với người xấu rất dễ đoạ lạc, tập nhiễm các thói xấu sẽ trở nên khó bỏ. Sự nghiệp dù đồ sộ vẫn có thể bị sụp đổ nhanh chóng. Bởi vậy, tránh thân cận bạn xấu ác là gợi ý đầu tiên.

Thứ ba là, thời gian tuổi trẻ rất quý giá và nhanh trôi qua, nó không chờ đợi ai cả, hãy tận dụng sức khoẻ tuổi trẻ để kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp, phòng thân tuổi già, làm lợi ích cho mình và cho người, trau dồi tâm trí, tu tập đạo pháp, chứng ngộ Niết Bàn.

Năm 2018 khi sang Ấn Độ, chúng tôi được Thầy Huyền Diệu trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự giới thiệu Kinh Đại

 

Phước Đức (Maha Mangala Sutta). Thật tuyệt vời và hoàn hảo. Đây là một bài kinh với 38 điều chỉ dẫn thật chi tiết, thật cặn kẽ, vô giá. Bài kinh cũng mở đầu với hướng dẫn của Đức Phật là nên tránh né bạn xấu ác, gần gũi thân cận bậc hiền trí…Phật cũng khuyên nên trở thành có học, có được nghề nghiệp hay và hành trì giới luật…v.v Bài kinh thật tuyệt vời, đầy đủ, không cần thêm bớt gì cả, tôi đã áp dụng chỉ mới vài điều và thấy công việc ngày một thuận lợi hơn, việc kinh doanh buôn bán và gia đình dần ra khỏi khó khăn, trả hết nợ, tích luỹ được ít vốn liếng cho tuổi già.

Một đạo Phật xuất thế

Như đôi cánh chim trời nâng đỡ nhân loại, một cánh của Đạo Phật là để nâng đỡ người tại thế và một cánh còn lại là hộ trì những bậc đại sĩ có khả năng xuất trần, đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Tuy chưa hiểu gì về Pháp xuất thế, nhưng qua thực hành thiền, thỉnh thoảng trong tôi đã loáng thoáng thấy được điều gì đó rất an lạc chân thực, Niết Bàn là thật có ! bằng sự chiêm nghiệm, thực hành thiền định, thiền quán. Khi mình hành thiền thật sự với buông xả, tâm có những lúc tiến đến các trạng thái thiền định, vắng lặng, an vui, thảnh thơi mà trước đó chưa hề biết đến. Mỗi khi xả thiền, tình trạng tâm lại trở lại bình thường, vẫn không có gì thay đổi nhiều nhưng tôi đã kinh nghiệm được những điều mà trí tuệ thông thường không thể biết nếu thiếu trải nghiệm về thiền. Có thiền, đã có thể phát triển được trí bát nhã, trí về tánh không, do vậy tâm không bị chướng ngại bởi các câu hỏi có – không, còn – mất, một – khác. Khi các câu hỏi rơi rụng, tâm tự động chuyển sang trạng thái “tâm không.”

Trạng thái “tâm không” đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các oai nghi, chánh niệm có mặt nhiều hơn trong các hoạt động thân tâm. Sự phiêu lưu trong công việc kinh doanh ngày càng ít đi, lòng tham giảm dần, bạn bè nhâu nhẹt rơi rụng, đôi

 

khi ngồi một mình lòng vẫn thấy vui. Đó là cái đặc biệt của Đạo Phật – khía cạnh xuất thế gian mà vẫn an vui.

Viết đến đây thì trời cũng đã gần sáng. Ngoài kia, thấp thoáng bóng người thể dục qua lại, ánh bình minh một ngày mới sẽ lại bắt đầu. Tiếng côn trùng, tiếng cá quẫy đuôi, chim chóc, tiếng gió lùa qua vách, tiếng xạc xào lá cây như ngàn xưa vọng lại….Vạn Pháp đang thuyết cho tôi những lời kinh cao siêu mầu nhiệm: “Chư pháp tùng bản lai thường tự tịch diệt tướng”. Các chư Như Lai ra đời là để chỉ ra Pháp, chỉ ra Con Đường đến Niết Bàn, hãy cùng nhau chia sẻ và học tập chúng ta sẽ thụ hưởng một đời sống tốt đẹp hơn.

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh? Ngoài hư không có dấu chim bay? Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ Thắp tâm tư thay ánh mặt trời.

Phải, phải là như thế, chỉ có thắp sáng tâm tư mới hết khổ. Chỉ có thắp sáng trí tuệ mà Chư Phật đã truyền trao mới có bình an. Chỉ có bước trên con đường Bát Chánh mới quét sạch đêm tối si mê lầm lạc. Xin tri ân một bài thơ đẹp của nhà thơ đồng hương - Thiền Sư Tuệ Sỹ.

Hành trình đi từ “màu đêm đất khổ” đến “thắp tâm tư thay ánh mặt trời” của tôi xin dừng lại ở đây. Tôi thành thật biết ơn chùa Hương Sen đã có ý tưởng tổ chức cuộc thi này để có dịp chia sẻ câu chuyên của mình với tất cả các đồng đạo. Nguyện cầu cho Chư Phật gia hộ đến tất cả mọi người.

Sài Gòn, rạng sáng 16 tháng 9/2022

Trần Hải Bằng

(Thủ Đức, TP.HCM)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Thư viện

Pháp âm