Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 giu tam y trong sach 1 0943

 

 

 

 

 

 

 

21. Bột Mì

Hoa Hà

Bột là tên gọi ở nhà do bà nội đặt, khi cháu mới tròn một tuần tuổi. Lý do tại sao Bột có một cái tên ngồ ngộ vậy

vì cháu trắng như cục bột, hơn nữa Bột lại sanh vào lúc nhà nước bán bột cho dân, thay gạo. Bột lại còn một người anh bà con sống trong cùng một nhà, sanh sau Bột vài tháng cũng được bà nội cho một cái tên gọi là Bo, vì nhà nước cho bán bo bo thay gạo nữa. Mà Bo cũng ngộ lắm à nha, với nước da hơi ngăm đen, Bo lại tròn trịa như hột bo bo, nên anh chàng này cũng có một cái tên ở nhà để đời. Thế là bé Bột, bé Bo được mọi người nhắc đến tên suốt một thời gian dài. Hàng xóm kêu réo hai tên Bột, Bo hàng ngày.

“Ơi bà con ơi! Hôm nay hợp tác xã bán bột, nhớ ra mua nha.” “Ơi bà con ơi nhớ đem sổ mua bo bo nha. Nhanh tay lên.” “Bột bao nhiêu kí lô, được giá không nhỉ?”

Hoặc “Bo bo bán cho rồi, ăn sao được!” “Ồ, rẻ thế hả? Thôi bán quách cho xong!”

Mỗi nhà phải chuẩn bị bao bì để đi mua bột, bo rồi sẵn tiện đem đi bán để đổi lấy gạo chứ ai mà ăn hai thứ này mỗi ngày được. Bột còn làm bánh ăn nên giá cũng còn cao, bo bo thì dân trộn với gạo nấu ăn qua ngày, chỉ có nhà nghèo mới tạm ăn thôi

 

chứ thường là người dân cứ đem bán, bán hết cái gì cũng bán để mua gạo. Đó là kỷ niệm của thời mới sau năm 1975.

Nãy giờ nói dông dài tiểu sử ra đời của Bột Bo nhiều rồi, bây giờ tôi xin kể lại câu chuyện của Bột để hầu chuyện cùng với quý vị nhé.

Bột là tên dễ thương của mẹ chồng tôi đặt cho cháu. Ở trường học cháu tên là Chí Nhân, là con trai đầu lòng của vợ chồng chúng tôi. Bột còn có hai em là cu Tí và con bé. Quan điểm của mẹ chồng tôi phải đặt cái “tên xấu xí” cho bọn nhỏ để những người khuất mày, khuất mặt không ganh tị và để ý. Chúng tôi là những người ăn học nên không tin những chuyện này, nhưng với mẹ chồng thì rất là quan trọng không được cãi lại.

Nhưng mẹ chồng tôi đặt những cái tên nghe cũng hay hay, nên chúng tôi cũng vui lòng tuân theo. Lúc mới sanh, Bột rất ngồ ngộ, mái tóc lưa thưa mềm như râu bắp, mặt mũi trông sáng sủa thông minh, đặc biệt con trai mà lại trắng trẻo như trứng gà bóc, cứ như là Tây vậy. Bột rất xinh trai nên đi tới đâu cũng được bà nội kiểm tra kỹ lưỡng.

“Này… mẹ cu Bột đi nhanh thế… Chờ bà một chút.”

Tôi dừng lại, ngạc nhiên, ôm con quay vào nhà, chờ mẹ. Các bạn biết gì không?... Trời ơi, bà vào bếp dùng ngón tay quết vào đít nồi đen nhọ nồi, rồi dí vào giữa trán thằng bé một vệt đen nhỏ, trong khi thằng bé vẫn ngủ khì trong vòng tay mẹ.

Tôi mở to mắt nhìn mẹ chồng. “Ủa sao vậy mẹ?”

“Chẳng làm sao cả cứ cho thằng bé xấu xí đi. Không ai có trách nó đâu. Thôi hai mẹ con đi bác sĩ nhé!”

Tôi ôm con đi mà lòng buồn đau. Đứa con trai nhỏ bé xinh đẹp của mình giờ thành kỳ cục, dơ với vết lọ nồi. Tôi rất muốn khoe với bác sĩ khám thường kỳ rằng con trai của tôi trông xinh lắm đây. Giờ thì hết rồi, thằng bé đã bị xấu xí. Nhưng nhìn kỹ

 

thì con trai cưng của mình vẫn còn trông ngộ lắm. Tuy ngủ say, Bột lại thỉnh thoảng nhoẻn nụ cười trên đôi môi hồng nhỏ, như khuyến khích tôi.

“Mẹ ơi! Đừng lo, con vẫn xinh mà!”

Tôi không lo cho cháu mà cứ giữ nguyên như vậy cho đến khi về nhà. Mẹ chồng tôi nhìn Bột một cách trìu mến và dùng khăn ướt lau cho cháu, khuôn mặt Bột lại sáng sủa trở lại.

Thôi, cũng tại mẹ chồng thương cháu mà phải làm như vậy, đó là phong tục lỗi thời của người xưa cứ sợ “ông bà quở trách” rồi con nhỏ tối đến khóc đêm..v…v

Tôi cũng đã biết nhiều về những “quy tắc” nuôi con như của ông bà xưa, có những cái tốt nhưng cũng có cái dở, cũng cần nên bỏ bớt. Thời nay chắc hẳn không còn những điều này đâu… Trước nhất lấy ra đâu lọ nồi mà bôi vì thời nay chúng ta dùng nồi bếp điện thay cho than củi.

Bột sanh vào thời điểm sau 1975, cuộc sống người dân rất khổ cực. Hai vợ chồng chúng tôi trở thành nghèo mạt hạng. Chồng tôi tuy là giáo sư dạy học, nhưng lương không có, nhà nước chỉ trả chút tiền gọi là sinh hoạt phí là 10 đồng một tháng, còn tôi làm tại ngân hàng được trả 5 đồng trong khi giá một con gà là 20 đồng.

Như vậy cuộc sống làm sao đây? Vậy mà mọi người vẫn sống được, sống lây lất qua ngày. Đến bây giờ tôi vẫn thường tự hỏi làm sao mà con người có thể tồn tại được với cuộc sống khủng khiếp đến như vậy. Sự chịu đựng bắt buộc. Trong nhà có gì đem bán hết, nhà cửa trống trơn. Ăn là để sống.

Tôi may mắn hơn vì được ở trong gia đình chồng. Chồng dạy học xa, hai tuần về một lần. Mẹ chồng tôi rất giỏi, bà quán xuyến việc trong nhà, xoay đầu này sang đầu kia. Tôi chỉ việc đi làm, còn những chuyện khác không cần phải lo. Nhưng chính là vì làm cho nhà nước nên được ưu tiên mua gạo, mua nhu yếu phẩm cho

 

toàn thể gia đình chồng, nên cũng được mọi người nể nang.

Mẹ chồng tôi rất thương hai mẹ con tôi vì không có chồng bên cạnh, nên bà chăm sóc chúng tôi kỹ lưỡng lắm nhưng tôi vẫn buồn vì lý do không có tiền, mọi chi phí, mọi mua sắm đều hoàn toàn không có đối với tôi thời đó.

Biết được điều đó nên mẹ chồng tôi luôn để ý đến tôi hơn. Bà biết tôi không có tiền nên mỗi buổi sáng bà đều ra chợ nhỏ mua quà sáng cho tôi, để trên bàn dặn dò tôi phải ăn trước khi đi làm và bà luôn tránh mặt trong khi tôi ăn vì sợ tôi mắc cỡ…

Khi tôi có bầu Bột thì được cưng hơn, quà sáng được tăng cao, nào là phở, bánh canh, hủ tíu, cơm tấm..v..v.. Chiều về thì luôn có chè xôi.

Vì thế khi sinh Bột, cháu nặng đến 3 kí lô 4. Ngoài mẹ chồng tốt ra, tôi còn có anh chồng, em chồng tốt bụng nữa. Tôi quả là may mắn có phước nên mới được như vậy. Nên trong lòng luôn biết ơn và kính trọng gia đình chồng mình lắm.

Khi Bột được đầy tháng, mọi người tất bật lo cúng kiến, nấu xôi, chè, mùi đồ ăn mặn bay khắp nhà, tôi ngồi ôm con ngắm nhìn thằng bé mà lòng sung sướng quá. Anh chàng đã lớn hơn một xíu. Sữa mẹ đã làm hai má hồng hồng, làn da mịn màng. Cháu biết nắm tay ngón tay mẹ, đưa mắt nhìn mọi người. Bỗng có người nói lớn tiếng làm hai mẹ con giật bắn cả mình.

“Bột, Bột thức dậy rồi hả?”

Nghe tiếng rộn rảng là tôi biết ai rồi. Người chị em bạn dâu của tôi đó. Rồi bất thình lình, chị ấy dùng ngón tay trỏ dí vào trán thằng bé nói lớn:“Thằng nhỏ này giống mẹ, khó ba đời.”

Hết hồn tôi ôm chặt lấy con, mắt mở to nhìn chị ta không nói lời nào cả. Lời nguyền rủa ấy tôi luôn nhớ mãi đến ngày nay không bao giờ quên.

Khó ba đời nghĩa là sao?? Chỉ vì con trai giống mẹ và cuộc đời bé sẽ nghèo tới ba đời: đời con, đời cháu, đời chắt. Ghê quá.

 

Cái nghèo đã làm đời tôi buồn khổ rồi bây giờ đến đời con tôi nữa sao? Vô lý! Tôi không chấp nhận. Tôi tự nói với chính mình không để con mình nghèo giống mình. Hãy đợi đấy…! Nhưng tôi vẫn lo sợ khi nghĩ đến lời độc địa, trù ẻo đó mãi. Nó cứ vang lên trong đầu tôi bất cứ lúc nào.

Mẹ chồng tôi nhìn Bột và nói chống chế cho tôi:“Thằng Bột giống bố nó cái nước da!”

Em chồng tôi thì đứng chống nạnh, liếc bà chị dâu ác mồm ác miệng và nói cho tôi vui lòng:“Í, Bột nó giống bố nó cái trán rộng mà!”

Tôi cảm ơn hai người tốt bụng đã bênh vực cho tôi, quả thật nhìn Bột nó giống bên ngoại nhiều hơn bên nội, từ khuôn mặt cho đến mắt mũi miệng, tỏa sáng nét thanh tú.

Có lẽ trong lúc có bầu tôi hay ngắm nhìn mình trong gương, vì chỗ tôi làm việc chung quanh nhiều kính lắm. Nhìn đâu cũng thấy mặt mình, riết rồi con cũng giống mình.

Rút kinh nghiệm nên những bé sau tôi cứ nhìn chồng đắm đuối, lúc ăn lúc ngủ lúc nào cũng nhìn anh ấy… Quả nhiên cu Tí sanh ra giống chồng tôi như đúc. Lạ nhỉ, con của mình chứ đâu phải con ông hàng xóm đâu mà. Thật tội nghiệp cho các bà mẹ ghê! Mình sinh con trong bụng đâu biết cái gì đâu? Người đời thường hay lắm mồm lắm miệng biết đâu mà lường!

Bột lớn lên trong tình yêu của đại gia đình. Cháu luôn sáng giá trong trường học, bất cứ chỗ nào vì cái tên Bột, ai nghe cũng tức cười, gieo ấn tượng ghê lắm. Nhất là các cô giáo cứ nói đến tên Bột là các cô cười tủm tỉm. Ở trường cháu tên Nhân, chỉ ở nhà mới gọi tên Bột mà thôi.

Có lẽ vì Bột rất thông minh, lại xinh trai trắng trẻo, ăn mặc gọn gàng, tướng lại đạo mạo. Cháu có thể thuộc lòng những bài hát, bài thơ dài, bài toán khó nên các thầy cô giáo rất thích, thường mượn Bột đi trình diễn hoặc làm bạn học mẫu trong lớp

 

nữa. Chúng tôi rất hãnh diện vì Bột. Nhưng Bột ta lại có tính ngang tàng, đi đâu cũng có đám lâu la đi theo sau, quân lính trung thành chỉ có cu Tí và Bo. Hai tên này luôn nghe lời Bột nhất nhất, cái tánh “đầu têu” này là giống bố, mẹ nó vì hồi xưa chồng tôi và tôi cũng vậy, đi đâu cũng có “lâu la” đi theo sau.

Có một lần cái tính ngang bướng ấy làm tôi hết cả hồn. Buổi chiều sau khi làm về, dựng xe trước nhà, tôi bỗng thấy Tí chạy sộc vào nhà nắm lấy tay tôi lắc mạnh, tóc tai thì bù xù, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt xanh lè, hàm răng cái lớn cái nhỏ đang run lập cập nói không ra lời.

“Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ cứu anh Bột đi. Anh bị người ta bắt rồi, hu … hu.”

Tôi cũng run theo thằng bé : “Trời ơi ở đâu? Bột đang ở đâu hả Tí?”

Tôi vội gọi bà người làm đang bế con bé nhỏ, dặn trông chừng nhà. Thế là hai mẹ con tông cửa hàng rào, để chạy đi cứu Bột. Lòng tôi lo sợ cho con trai, không biết chuyện gì đã xảy ra cho con tôi, tôi muốn khóc rồi đây…

“Công an hay mẹ mìn bắt thằng bé?” Mình biết tánh con rất lì lợm, chắc nó giống bố nó, còn cu tí thì nhát lắm, lúc nào cũng chỉ có anh Bột. Tí dễ dạy hơn anh nó, chỉ đưa cái chổi lông gà ra là đã khóc rồi.

Dọc đường đi, tôi chất vấn thằng bé.

“Tại sao hai đứa không ở nhà mà lại đi ra đường cái, xe cộ đông đúc như thế này hả?”

“Dạ tại anh Bột tập lái xe, ảnh còn chở con nữa.”

“Trời! À thì ra hai đứa âm mưu, thấy mẹ không có ở nhà nên lấy xe đạp chạy chứ gì? Mà Bột chưa biết đạp xe mà Tí?

“Dạ, anh biết đạp rồi ạ!” “Chèn ơi, nó tập hồi nào?”

 

“Ảnh tập mỗi ngày, chạy vòng vòng trong sân đó mẹ.” “Ủa sao mẹ không biết?”

“Dạ, bố mẹ không có nhà anh mới tập.”

“Trời ơi, con ơi là con. Cả hai đứa âm mưu qua mặt mẹ hả?” Tí cúi mặt sợ hãi khóc thút thít.

“Hu hu… Mẹ đừng la con nữa, mẹ đi cứu anh Bột đi mẹ!” “Biết chứ, hai đứa con hư quá đi!”

Tôi vội bước nhanh hơn, hai tà áo dài cứ quấn vào chân, nó cũng không thèm nghe lời tôi nữa. Nếu như ở nhà là tôi sẽ cột chúng nó ngang hông, nhưng ở giữa đường xá đông người, ai lại làm như vậy bao giờ. Ráng nén cục tức tôi nhìn thằng bé, bàn tay Tí đang run trong bàn tay tôi, thương con nên tôi nhẹ giọng

“Tí ơi, anh Bột đang ở đâu.”

“Dạ, ảnh bị bắt đứng ở trước cửa trường Lam Sơn đó mẹ.”

Theo ngón tay bé nhỏ của con chỉ thẳng, tôi cố gắng nhón gót nhìn theo. Á, thằng bé đứng kia rồi. Cái dáng dong dỏng, mái tóc dài như ca sĩ, áo xanh da trời quần short màu xám đây rồi. Thằng bé đang cúi đầu, dùng chân đá vài cục đá nhỏ nhỏ, dáng hơi cong cong. Tôi mừng quá vì con mình an toàn, còn nguyên vẹn, không bị thương. Chiếc xe đạp nằm bên cạnh chân Bột. Tôi hốt hoảng lại gần thằng con hỏi :

“Con có sao không con? Có trầy trụa, đau chỗ nào không hả?” “Dạ không ạ!”

Bỗng có tiếng nói sang sảng, gay gắt:“Cô là má thằng nhỏ này hả? Trời ơi, hai anh em nó lái xe đạp tông vào hàng chuối chín của tui nè. Cô phải đền, trả tiền cho tôi chớ!”

“Dạ, xin lỗi bác ạ! Cháu hư quá. Hai đứa xin lỗi bà chưa vậy?” Bột nhìn tôi sợ hãi mặt xanh lè như tàu lá chuối.

“Dạ con xin lỗi rồi mà bà không cho con đi. Bà bắt con ở

 

đây, bắt cu Tí về kêu mẹ ra đây gặp bà nếu không sẽ gọi công an đó mẹ!”

“Xin lỗi mà làm gì. Cô phải đền đám chuối bẹp nhép này cho tui. May mà tui trông thấy hai chú lủi vào đây, tui né. Nếu không thì tui bị thương đó nha, từ sáng giờ thiệt là xui, bán ế quá trời!”

Tôi nhìn đám chuối của bà cụ mà ngao ngán, chuối chín rục trái vàng, trái đen, lại còn ốm nhom nữa, ít có trái mập tròn, nhưng thôi, tại con mình tông vào chuối của bà cụ mà.

“Dạ, để cháu mua hết đám chuối của bà. Gần tối rồi, bà bỏ vào bao ni lông để tụi con xách về.”

Sau khi trả tiền, ba mẹ con phụ với bà cụ bán chuối bỏ tất cả lên xe đạp. Tôi dắt xe đèo hai bịch này vào ghi đông, còn hai thằng con trai đi bộ sau xe, vịn bịch chuối cho tôi.

Dọc đường nhìn hai đứa con trai mà tức, mà mừng vì chúng được an toàn giữa đám chợ đông, xe cộ chạy như mắc cửi.

Thôi thì nào là chè chuối, bánh chuối, khô chuối cho hai đứa ăn ngán luôn, bỏ cho cái tội nghịch ngợm, phá làng phá xóm.

Chưa xong, Bột còn nhiều tội nữa… nào là hai đứa kéo đổ, gãy chân tivi mới mua, may mà tivi không rớt vào đầu, hai đứa cứ nằm dài ra sàn nhà, thằng anh nắm trên, thằng em kéo mạnh, còn phước đức nên hai anh em hổng sao. Đó là lời bà Sáu người làm nói lại.

“Hai cậu làm lẹ lắm, tôi làm hổng kịp.” Còn nghe cô hàng xóm mách lại :

“Cô ơi, cháu nghe Bột, Tí dùng cây chổi làm kiếm, nhảy lên salon thách thức bà Sáu.”

“Bà Sáu ơi nhảy lên ghế đánh kiếm với tụi con nè.”

“Già rồi không thèm đánh kiếm với hai cậu đâu, để tôi về méc với má cậu nghen.”

Vậy mà bà cụ không méc với tôi, nhưng tôi đã bắt hai con

 

khoanh tay cúi đầu xin lỗi bà cụ.

Mỗi khi có đám đông trẻ hàng xóm bu quanh trước cửa nhà là tôi biết có chuyện. Thường thì Bột chạy nhanh vào nhà, Tí lót tót chạy sau là tôi lo rồi…

“Má thằng Bột đâu, nó oánh con tui nè.” Tôi lật đật chạy ra khỏi sự tình.

“Có chuyện gì vậy chị?”

“Con chị oánh con tôi. Thằng lớn đó, không phải thằng nhỏ.” “Dạ, em xin lỗi. Bột đâu ra đây con, thật là hư quá!”

Hai cu cậu rón rén đi ra gặp tôi, vẻ mặt lo sợ, nhất là Tí, nó sắp khóc rồi, hai tay đã quẹt lên mặt. Bột hùng hồn nói:

“Tại nó đánh em con, nên con đá nó!”

Tôi vội hỏi mấy đứa trẻ hàng xóm chơi chung đang đứng lao nhao nhiều chuyện.

“Có phải không tụi con?”

“Dạ, tụi con chơi đá cầu. Thằng Tèo thua nên nó tức, nó xô thằng Tí té trầy đầu gối đó cô.”

“Trời, con có sao không Tí?” “Con đau, hu… hu…”

Tôi nhìn đầu gối chỉ lấm tấm cát, không có gì nhưng tại thằng bé hay khóc thôi.

“Tôi thấy con cô đá con tôi hai cái lận, thằng nhỏ chuí nhũi luôn.”

“Thôi được. Tèo nó lớn hơn Tí mà, xô em cũng không được đâu chị. Nhưng để em dạy lại con em!”

Tôi dắt hai cậu con trai cứng đầu vào nhà và đóng cửa lại. Tôi biết Tí thì còn nhỏ, chỉ theo anh đi chơi, chắc lượm trái cầu rớt cho anh, rồi vỗ tay, cười khúc khích nên Tèo nó tức thôi, còn

 

Bột thì thương em. Hai anh em tụi nó rất thương nhau, gắn bó từ nhỏ đến lớn, lúc nào cũng có nhau, hơn nữa tôi luôn dạy bảo:

“Bột là anh hai, phải luôn bảo vệ các em, lo cho em thay cho bố mẹ khi không có ở đó, anh em như thể tay chân. Nhớ nha con.”

Tôi cầm chổi lông gà hét lớn, mục đích là thị oai và cho cô hàng xóm, biết là tôi đánh con, trừng trị Bột và họ sẽ giải tán ngay, tôi quất nhẹ vào mông thằng bé nói nhỏ nhỏ.

“Khóc đi con, to lên đi, mau!”

Thế là Bột Tí vừa khóc, vừa tru tréo:

“Mẹ ơi! Con biết lỗi rồi con xin lỗi mẹ hu…hu…”

“Tụi con nhớ nha. Không được đánh lộn ngoài đường nghe chưa?”

Thế là xong, hai anh em cất chổi lông gà, rồi dắt nhau đi tắm, tiếng nước xối vang dội, tiếng cười trẻ thơ vang rộn khắp nhà làm tôi suy nghĩ

Ông ngoại là nhà tử vi đã lấy lá số cho Bột bảo rằng, “Thằng bé này rất giỏi, sau này tốt lắm nhưng bị cái tính bướng bỉnh cứng đầu, khó dạy, phải coi chừng đấy”. Tôi đã đem chuyện này bàn với chồng nhưng anh ấy nói:

“Anh không tin. Con cái mình dạy dỗ đúng cách, là do mình, cứng cũng phải mềm.”

Mà ông ngoại nói cũng đúng phần nào, cứ vài bữa là có người đến “mắng vốn.” Bột làm tôi rất lo lắng, cứ lôi thằng nhỏ ra xử tội liên tục. Có một lần tôi nghe cháu chửi thề, lòng hoảng loạn lo âu. Con thầy giáo mà thế này không được nên tôi phải thẳng tay với thằng bé.

“Bột ra đây, mẹ nghe con nói cái gì đó? Con biết như vậy là quá hư biết không?”

Bột đứng yên, khoanh tay, không nói tiếng nào. Đôi mắt lì lợm nhìn tôi như thách thức. Tôi bèn quất một roi vào mông Bột

 

hét lớn :

“Con biết tội chửi thề là xấu lắm không hả?” Thằng bé vẫn đứng yên không nhúc nhích: “Mới có tí tuổi đầu mà lì lợm hả con?”

Tôi cho thêm một roi nữa. Tôi chưa bao giờ đánh con nhiều như thế này. Lòng quặn đau khi phải dùng đến hình phạt này. Bột ơi! Sao con lại quá lì như thế này, con khóc di, con xin lỗi mẹ đi, con phải biết lỗi của mình để sửa đổi đi chứ. Tí chạy đến bên tôi khóc và giữ tay tôi lại:

“Mẹ ơi, đừng đánh anh Bột nữa, mẹ đánh con đi mẹ hic.. hic…”

“Con đi ra chỗ khác, anh Bột hư lắm, mẹ phải đánh đòn cho chừa. Con đâu có hư mà mẹ đánh con, con xê ra!”

Tôi bực tức quá, thằng bé cứ mỗi lần sắp sửa đánh Bột là tí lại bênh và nói như vậy khiến tôi dừng tay nhưng kỳ này quá lắm nên tôi phải đánh thôi, đánh cho chừa.

Tôi suy nghĩ, mình đã quất hai roi rồi, mà nó không suy chuyển, mặt nó cứ lì ra, không thèm xin lỗi. Chắc phải giao thằng bé cho bố nó xử lý. Tôi dạy không được rồi… kệ.. bây giờ phải thử roi thứ ba, đánh cho mạnh tay hơn. Lòng tôi đau như cắt, như ai xát muối vào lòng. Bột ơi! Con hãy khóc đi. Con hãy xin lỗi, nhận lỗi đi con. Mẹ không muốn đánh con như thế này đâu. Con đừng giận mẹ nhé, chỉ tại con hư quá, không dạy con tốt sao làm gương cho hai em con được.

Dạy đứa đầu ngoan thì những đứa sau sẽ theo anh nó thôi. Khi nghĩ đến đây tôi như bình tĩnh lại. Bột phải làm gương cho hai em nên tôi phải can đảm lên… với giọng cứng rắn tôi nói với Bột.

“Bột, con đã quá hư, mẹ dạy không được rồi, con là con của thầy giáo, là anh hai, con phải làm sao cho hai em phục con chớ. Con không làm Bột ngoan của bố mẹ mà con là “cục bột chua”

 

vất đi vào thùng rác nhá. Mẹ đánh con roi thứ ba, con phải biết nhận lỗi là con sai rồi, biết không con?

…Và tôi nhắm mắt lấy sức dùng chổi lông gà quất mạnh vào mông thằng bé lì lợm. Tôi đã khóc vì thương con, vì bất lực trước đứa con trai đầu lòng yêu dấu của chúng tôi. Bỗng tôi nghe tiếng khóc nức nở và đau đớn của Bột.

“Mẹ ơi, con biết lỗi rồi. Con xin lỗi mẹ! Con sẽ không chửi thề nữa đâu mẹ ơi.. hu… hu…”

Trời ơi, thằng bé đã biết nhận lỗi. Tôi mừng quá, ôm ngay lấy con, dùng tay xoa nhẹ lên vết roi, ba mẹ con ôm nhau khóc như mưa, còn con bé đứng nhìn mẹ và hai anh “làm trò” không hiểu!

Tôi vội đi lấy dầu nóng xoa nhẹ lên vết roi hằn, cái roi thứ ba quả thật công hiệu. Kể từ bữa đó Bột không còn lì lợm nữa, bướng bỉnh chỉ còn đôi chút không đáng kể. Bột xưa nay vẫn ngoan chỉ lâu lâu “nổi hứng” với cái tuổi con nít. Những khi Bột lau mũi cho Tí, bế con bé, chơi với hai em rất thương yêu làm cho chúng tôi rất vui, trách nhiệm làm anh luôn đứng hàng đầu của con. Có lần bốn chúng tôi đi chợ Bà Chiểu, tôi thì ẵm con bé, Bột dắt tay Tí đi bên cạnh tôi. Bốn mẹ con tung tăng giữa chợ đông người qua lại, bỗng tôi nghe tiếng Bột nói lớn, hốt hoảng:

“Mẹ ơi! Mẹ ơi, cái cô mặc áo xanh sờ tai em bé đó mẹ!”

Tôi quay đầu lại, thì cô đó hoảng sợ bỏ chạy, chiếc áo xanh thấp thoáng và biến mất nhanh chóng thì ra Bột thấy cô gái định lấy cái bông tai vàng của con bé. May mà Bột phát giác kịp thời nên đã giữ được chiếc bông tai cho em. Tánh của Bột thích bảo vệ mọi người tuy còn bé, nhất là bà nội lúc nào cũng nói:

“Bà chỉ nhờ Bột chở bà đi chùa thôi, thằng bé kỹ lưỡng và chạy rất an toàn làm bà yên tâm lắm.”

Cũng có thể Bột hay đi chùa với bà nội mà tính tình thay đổi chăng? Đó cũng là điều tốt cho cháu và gia đình chúng tôi.

Rồi thời gian qua nhanh, chúng tôi định cư tại Mỹ và ở tạm

 

nhà chị tôi lúc đó Bột ở tuổi 15. Sáng nào cả bọn vẫn phải đi học với hai chị họ với tuổi đồng trang lứa. Ba đứa được xe bus nhà trường đến đón đưa hai bữa mỗi ngày.

Ngày đầu tiên đi học Bột hí hửng và thích đi gần hai chị hay ngồi cùng ghế thế nhưng không, hai chị lại bỏ đi chỗ khác, không muốn ngồi gần Bột nữa. Đến trường học vào mùa đông băng giá, tuyết phủ cao, Bột lẽo đẽo đi theo sau hai chị, một mình với lối đi trơn trợt, đôi giày tây mà mẹ mua cho Bột ở chợ Tạ Thu Thâu Sài Gòn, đẹp bóng mắc tiền không còn tác dụng gì nữa. Nó như muốn đùa giỡn, thử sức với cậu bé ngu ngơ trên đám tuyết dày cộm, trắng xóa.

Cái té đầu tiên do mất thăng bằng, không cưỡng được làm Bột ê cả cái “bàn tọa” của mình. Thật là bất ngờ, lại còn mắc cỡ nữa chứ. Bột vội vã chống cả hai tay mau mau đứng dậy nhưng lại bị té chúi nhũi lần nữa. Cái cặp đi học mà mẹ mới mua cho bị văng ra xa khỏi tầm tay. Và Bột nghe tiếng vỗ tay cười chế nhạo của đám học sinh đứng gần đó… Bột giận đỏ cả mặt nhưng biết làm sao? Hai bàn tay như lạnh cóng vì tuyết lạnh cũng đỏ lên như khuôn mặt của Bột.

Hai bà chị họ cũng cười vang, quay lưng bước nhanh không thèm giúp Bột đứng dậy. Bỗng tiếng chuông reng, bọn học trò vội vã đi nhanh vào lớp, bỏ rơi một cậu học sinh, lính mới nước ngoài không giống ai, đang lận đận với đám tuyết ác ôn trơn trợt. Rồi cái té nữa làm Bột sợ hãi thật sự vì không đứng lên được, cứ loay hoay với đôi giày. Bột muốn tháo liệng, vất nó đi nhưng không được... Bột chợt nhớ tới lời bà nội căn dặn là những lúc nguy cấp nên khấn phật với câu “Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ thoát ngay.

Bột lẩm bẩm đọc câu ấy, cẩn thận, nhẹ nhàng từ từ chống tay đứng dậy, như đứa bé mới tập đi phủi đám tuyết trắng bám đầy hai ống quần, ướt sũng, cầm lấy cặp mà lạnh run cầm cập, hai hàm răng đánh bọ cạp luôn, cứ thế vừa đi chậm, vừa đọc,

 

vừa buồn thổn thức trong lòng, cô độc một mình bước đi trên đám tuyết lạnh giá. Với kinh nghiệm té ba lần, nên Bột đã học được cách đi, không coi thường những hạt tuyết bé nhỏ nhưng rất khủng khiếp, có thể quật ngã con người dễ dàng như võ sư Judo vậy.

Chẳng biết hai em và bố mẹ có bị té như mình không? Và Bột cảm thấy lo lắng cho người thân ghê lắm. Hôm nay là ngày đầu tiên đi học mà thấy ớn lạnh, bị té, bị chọc quê bị trễ học vì phải đi kiếm lớp học nữa, chưa bao giờ trong cuộc đời Bột lại bị thảm hại, tủi thân như thế này. Bột không thích thái độ của hai bà chị họ và đám học sinh coi thường Bột. Bột hứa với bản thân mình là không bao giờ đứng vỗ tay, cười trước sự khổ nạn của người khác. Đó là sự tàn nhẫn và vô nhân đạo…

Bột nhớ đến thầy cô, bạn bè, ngôi trường thân yêu quá, giờ chỉ còn xa cách vời vợi, muốn trở lại cũng không được nữa. Bây giờ đối mặt với thực tế, Bột cảm thấy sốc nặng ghê lắm. Từ một gia đình đầy đủ sung sướng, bố mẹ đã trở nên nghèo, không nhà, không xe… chưa chắc bố mẹ sẽ mua cho Bột đôi giày mới nữa. Mọi sự phải được tiết kiệm tối đa… để ổn định cuộc sống trước mắt. Bột là anh lớn, muốn gánh vác với bố mẹ, nhưng Bột vẫn còn bé, số tuổi 15 chưa làm được gì đâu? Bố mẹ nói “Phải lo học, học thật giỏi để có tương lai nha con”

Hai đứa em thì chẳng biết gì, chúng ngây thơ chỉ có Bột là mang nhiều tâm sự nhưng biết ngỏ cùng ai?? Cuối cùng thì Bột quyết định chiến đấu, phải chăm chỉ học thật giỏi như ở Việt Nam vì Bột đã từng là thủ khoa của trường mà. Đó là cứu cánh để mang niềm vui cho bố mẹ, hai em sẽ noi theo. Và nhất là không để hai bà chị họ kiêu căng và đám học sinh kia coi thường. Nhất định không chịu thua.

Tiếng Anh và các môn học chỉ làm Bột và 2 em chao đảo một chút nhưng chỉ sau vài tháng là tụi Bột lấy lại thăng bằng. Môn Toán mấy anh em ăn đứt tụi bạn trong lớp, khiến tụi nó

 

phải nể phục mấy đứa Việt Nam mới sang.

Có lần trong buổi ăn tối với một giọng cương quyết mạnh dạn, Bột nói với cả nhà:

“Bố mẹ ơi, con không muốn học ở trường này nữa. Con có thể chuyển trường, học tại trường Borad không? Vì trường này giỏi nổi tiếng ở Boise, và con không muốn học chung với hai chị nữa.”

Thằng bé này ít nói nhưng khi nó nói thì có vấn đề nên hai vợ chồng tôi nhìn nhau suy nghĩ. Bỗng chồng tôi cất tiếng:

“Con đợi cho bố mẹ ổn định việc làm, bố mẹ sẽ mua nhà trong thành phố, không lâu đâu con à.”

Ba đứa nhỏ nghe đến đây bỏ cả cơm ôm nhau nhảy cẫng lên, cười vang cả ngôi nhà đang ở thuê.

“Bố mẹ giỏi quá đi. Tụi con thích có nhà mới hahaha…” Hai vợ chồng tôi nhìn con mà trong lòng tràn đầy hạnh phúc.

Các con là nhất, là trên hết, mà bố mẹ sẽ làm những gì các con mong muốn. Các cục vàng của bố mẹ ơi! Mua nhà ở đây không khó miễn có việc làm là được. Tiền thuê nhà và mua nhà đều bằng nhau thì dại gì mà không mua chứ. Cái quan trọng nhất là mua nhà ở trong thành phố thì các con tôi sẽ học được những trường nổi tiếng, tương lai sẽ tốt đẹp, có xe bus đưa rước mỗi ngày. Chúng tôi không phải lo lắng gì thêm.

Người Việt Nam ở tiểu bang Idaho, thành phố Boise rất ít ỏi chỉ có khoảng hơn vài trăm, sống rải rác nên để gặp gỡ nhau là rất khó. Cũng may là sư phụ Như Tâm đã đến và thành lập một ngôi chùa nhỏ, gọi là chùa cho oai, chứ chùa chỉ là một ngôi nhà dân nhỏ, bình thường ở ngoài nhìn vào không ai biết đó là ngôi chùa nữa, phải nhìn kỹ mới thấy được tượng Phật Bà khiêm nhường, nhỏ bé đặt ở góc sân và hai lá cờ Việt Nam ba sọc đỏ và lá cờ Phật giáo tung bay. Nhiều người bị đi lạc hoài, trong đó có chúng tôi nữa…

 

Chùa lại không có chỗ đậu xe nhiều nên chúng tôi đậu ở ven đường rồi đi bộ lại. Lòng thành tâm thì có khó gì đâu chứ. Chánh điện ở phòng khách, chùa chỉ có một phòng ngủ, bếp, phòng ăn, tất cả đều nhỏ cả. Mỗi lần lễ lớn thì cô làm ở sân sau, cỏ được cắt gọn và giăng tấm dù che nắng, Phật tử chúng tôi cùng với sư phụ tổ chức Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, gia đình chúng tôi có năm người đều tham gia hết. Chồng tôi thì làm MC, tôi thì phụ nấu ăn, dọn dẹp, Bột cầm cờ, Tí và Hoa thì hát Quốc Ca và bản Phật giáo Việt Nam. Chúng nó biết tiếng Việt nên hát cùng các chị lớn giọng thì “chua lè” nhưng biết kiếm ca sĩ ở đâu? Sư cô cần người nên trưng dụng tất cả mọi người nên buổi lễ cũng thành công viên mãn.

Ngôi chùa tuy bé nhỏ nhưng đã giúp những người dân Việt Nam sống tha phương trên xứ người tìm lại cội nguồn quê hương ấm áp. Họ sống đoàn kết, bảo bọc nhau phát huy văn hóa dân tộc, học hỏi nếp sống phù hợp, thành tâm hướng Phật, tu tập thương yêu và giúp đỡ nhau hơn. Chùa còn giúp con cháu học tiếng Việt, trau dồi kiến thức, đạo đức giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp.

Gia đình chúng tôi thường hay lên chùa làm công quả. Cả ba đứa nhỏ học được nhiều điều ở chùa, học cách tu tập, lễ phép, hiếu đạo. Các cô giảng dạy giáo pháp, chúng cũng lắng nghe và thực hành. Bọn trẻ được giáo dục ở gia đình, trường học xã hội và ở chùa nữa nên sẽ là những công dân tốt cho tương lai sau này.

Niềm vui sướng, hãnh diện khi đi bên cạnh ba đứa con, chúng đã trưởng thành cao lớn, đẹp đẽ, tốt nghiệp đại học và có việc làm. Tôi đã nhìn thấy những con mắt chiêm ngưỡng, xen lẫn chút ganh tị về chúng tôi rồi đó. Đứa con ngoan làm chúng tôi thấy hạnh phúc và mãn nguyện nhưng chưa xong đâu, vấn đề yêu đương mới là khó khăn cho vợ chồng chúng tôi.

Trước nhất vẫn là Bột, anh chàng này rất đào hoa. Con gái vẫn hay liếc nhìn, nhưng cuối cùng thì lại trúng vào đôi mắt

 

một mí lót của cô nàng xứ sở kim chi. Cô bé xinh xắn, nước da trắng trẻo, khuôn mặt sáng thông minh, học sau Bột một năm, nhìn không giống Việt Nam! Vấn đề khó là người dân Đại Hàn rất “dữ dội,” tánh cứng cỏi không có mềm dịu. Hơn nữa con bé này lại là đạo Công Giáo, cái khổ là chỗ đó. Bột là trưởng Nam, lại là cháu đích tôn phải lo việc cúng giỗ ông bà, hơn nữa người nước ngoài làm sao mà “nói chiện” dễ dàng. Còn phong tục tập quán. Ôi, nhiều thứ rắc rối lắm! Nên vợ chồng chúng tôi phản đối kịch liệt.

Hai em của Bột cũng không đồng ý về chị dâu tương lai nên cũng ra ý kiến ý cò nhiều lắm làm Bột đôi khi phải ngã lòng, nhưng trước người đẹp Đại Hàn Dân Quốc “bỏ bùa mê” nên không suy chuyển vẫn cứ yêu và… yêu.

Nói hoài, nêu nhiều lý do, nhưng anh chàng vẫn lì lợm. Đó là bản tính của Bột. Sau nhiều ngày suy nghĩ “hay là con mình bị con nhỏ đó bùa mê thuốc lú, nên phải hành động thôi.” Tôi bèn đi chợ mua thật nhiều tỏi, củ nào củ nấy to đùng, rồi lén vào phòng Bột, rồi nhét, rồi giấu khắp mọi nơi… dưới gầm giường, ngay đến cả bàn làm việc, sau computer nữa. Và chờ đợi xem có hiệu quả gì không? Một ngày, hai ngày, cả nhà đang ngồi xem tivi thì Bột ôm một gói giấy đứng trước mặt tôi cười tủm tỉm và nói một cách khôi hài :

“Mẹ ơi! Chỉ có mẹ thôi chứ không có ai hết. Cái này là cái gì đây? Củ này ở dưới gối này, củ này ở dưới gầm giường, cả computer mẹ cũng không tha… Sao kỳ vậy mẹ? Phòng con đầy mùi tỏi, thấy ghê quá. Con trả cho mẹ hết đó, để mẹ nấu ăn đi nhá!”

“Ai biểu con mê cái con bé đó làm chi!” - tôi trả lời con trai. “Trời ơi!” - Anh chàng lắc đầu, giơ hai tay xin đầu hàng. Cả

nhà tôi được một phen cười bò.

“Bùa trị yêu của mẹ hết linh rồi hi… hi…”

 

Rốt cục thì Bột đã thắng, vượt qua hàng rào cản của bố mẹ và hai đứa em cũng lắm chiêu trò. Nhưng chưa chịu thua tôi phải làm một “cam kết” với con bé kim chi này mới được, bắt Bột phải mời con bé lên nói chuyện một mình với tôi. Bột đồng ý và bà mẹ chồng với con dâu tương lai bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Anh. Tôi hỏi :

“Con là cô gái tốt, đẹp, xinh. Tại sao con lại thích Bột nhỉ?” “Dạ, con rất yêu Bột. Chúng con yêu nhau hai năm rồi ạ!” “Trời, vậy mà bác không biết!”

“Chúng con quen nhau ở thư viện và yêu nhau ạ!”

“Bột nó hay làm biếng, ở dơ, lì lợm, thích ăn ngon, lại hà tiện nữa…”

“Dạ, không sao. Con hiểu và con sẽ thích ứng được hết!”

Cái con nhỏ này, mình đã chê thằng con quá trời mà nó không sợ, vẫn OK hết ráo. Nhìn khuôn mặt xinh xắn, thông minh khi trả lời tôi, giọng hơi run nhưng rất bình tĩnh. Con bé này khá bản lĩnh, sẽ trị được Bột đây, nhưng lỡ nó ăn hiếp chồng thì sao? Không được, tôi phải trị nó trước:

“Nếu lấy Bột, con phải biết cúng giỗ ông bà, phải yêu thương chồng. Gia đình hai bên phải đi chùa nữa.”

“ Dạ, bố con theo đạo Phật, nên con cũng đến chùa, cũng cúng giỗ ông bà ạ.”

“Nếu sinh con cũng phải để tụi nó đi chùa theo bố nó.” “Bác đừng lo, con đồng ý hết ạ!”

Tôi bèn kể chuyện Bột bị nguyền rủa lời thề giống mẹ đó vẫn ám ảnh trong tôi, nên đem ra “khè” con bé.

“Con rất ngạc nhiên về lời thề “khó ba đời”, nhưng con nhất quyết không để chồng, con, cháu phải nghèo đâu. Chúng con sẽ giàu ạ!”

 

Hết ý luôn. Cuối cùng tôi hỏi một câu chống chế xem nó trả lời ra sao:

“Bác biết có một bác sĩ hỏi cưới con. Nhưng tại sao con lại thích Bột, Bột vừa dở, chỉ là kỹ sư quèn, bác sĩ học giỏi lại giàu nữa. Thôi đi lấy bác sĩ cho tốt hơn đi con!”

“Dạ, không ạ. Tại ba con ở Đại Hàn muốn con về nước lấy chồng. Con không thích, con chỉ yêu Bột thôi. Mong bác thương tụi con!”

Nhìn con bé đang run hai tay, vẻ mặt đáng yêu. Nó cũng là con nhà tốt đây, biết lễ phép và nề nếp nên tôi cũng mềm nhũn như thằng con trai khi đứng trước con bé Hàn Quốc này. Thôi tôi chịu thua rồi, hết mơ mộng con dâu Việt Nam. Nhưng không sao, tôi còn Tí nữa mà, sẽ có con dâu Việt Nam. Hãy đợi đấy!

Thế rồi Bột lập gia đình với cô nàng xứ sở kim chi. Hai bên sui gia khi gặp nhau, chỉ biết nhìn nhau, cười gật gù mà không nói câu gì, chỉ hả, hử, à…! Thế thôi, vì cả đôi bên chẳng biết tiếng của nhau. Vậy cũng tốt, không có nhiều chuyện để cãi nhau, và thông cảm cho nhau hơn.

Kết quả của tình yêu, gia đình Bột sản xuất ra được hai cậu bé lai Việt Nam và Đại Hàn. Đôi khi nhìn chúng giống Việt, nhưng có khi lại giống Hàn. Ôi! Thây kệ, giống ai cũng được, miễn là con của bố mẹ nó. Tôi chẳng quan tâm nữa, nhưng tôi lại có thêm luật lệ cho hai thằng bé là trước khi ra về bye bye ông bà nội, 2 cháu phải ra “ạ bàn thờ” tức là ra lạy bàn thờ Phật và ông bà ở phòng khách. Sau đó tôi sẽ phát lộc trái cây. Chồng tôi luôn sẵn một bịch ni lông đứng chờ và tôi sẽ đem dĩa trái cây cúng Phật vào bịch cho bọn trẻ xách về nhà thưởng thức.

Hai đứa nhỏ không bao giờ quên, có nhiều khi vội vã ra đến cửa rồi, chúng lại lật đật chạy bay vào trong nhà vái bàn thờ… riết rồi thành thói quen. Hai vợ chồng tôi rất vui và hạnh phúc khi nhìn hai cháu trai “ạ bàn thờ”. Tôi đã dạy chúng :

 

“Các con chỉ cần vài ba lạy thôi.”

Nhưng với đầu óc ngây thơ, hai cháu nội tôi như bảo nhau, lạy càng nhiều càng tốt cho ông bà nội vui lòng.

Cứ nhìn dáng đứng chắp tay thành tâm, miệng lẩm bẩm nói gì không biết và hai cái đầu bé nhỏ nhấp nhô vái lạy lia lịa làm tôi cảm thấy hài lòng, ấm áp, pha chút buồn cười mãn nguyện. Tụi nhỏ đã có hai đấng tài năng Phật và Chúa yêu thương trong cuộc đời. Vậy cũng tốt thôi, quả đúng là con của ông bố Bột mì không sai.

Hoa Hà

(Boise, Idaho)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Thư viện

Pháp âm