Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hoa hong

 

20. Mẹ Ơi! Xin Mẹ Đừng Khóc

Hoa Hà

Làn gió mạnh, làm lay động tấm màn cửa màu lam, làm tôi tưởng nhớ đến câu chuyện của một vị sư cô trẻ tuổi với

cánh tay áo phất phơ trong gió.

Một khoảnh khắc xúc động khi đứng trước cô với thân hình bé nhỏ; khuôn mặt hơi bị lệch và một cái sẹo to, dài từ trên đầu xuống trán, tạo một ấn tượng đau đớn, khổ sở mà cô phải chịu đựng trong thời gian dài khi trị bệnh. Lòng đau xót của một người phật tử phương xa hướng về vị sư cô có một cuộc đời tu hành, không được hanh thông, may mắn. Nhưng cô là người có một nghị lực phi thường, sức chịu đựng dẻo dai hiếm có, sự can đảm vượt gian khổ mà cô không hề than van, vẫn luôn tươi cười, lướt qua những khó khăn một cách nhẹ nhàng. Cô vẫn sáng ngời trong đạo hạnh, dâng hiến cuộc đời còn lại của mình từ khi còn thơ đến lúc trưởng thành, mãi mãi và luôn trung thành với đạo pháp.

Đức Phật đã tạo cho cô một niềm tin tuyệt đối và cô đã nương theo để sống một cuộc đời khổ hạnh, tu tập nhiều hơn, cô còn cống hiến làm việc để giúp đời, giúp những người khổ đau khác. Những người kém may mắn khi gặp cô, họ đều cảm thấy mình vẫn còn tốt hơn cô nên họ cảm thấy lạc quan, bớt phiền não và có thêm sức sống, không còn chán nản hay đau khổ như trước kia nữa; cô đã tạo ra sức sống cho mọi người, chỉ còn một

 

cánh tay thôi nhưng với khối óc thông minh, sáng suốt cô đã là tấm gương tuyệt vời, trong vắt cho người đời ngưỡng mộ, trong đó có tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên khi gặp cô ấy, trong buổi chiều tại chính điện của ngôi chùa Linh Thứu, thành phố Boise, Idaho; tôi đang cắm, sửa lại hai bình bông để thay đổi vị trí của các nhánh bông bằng vải (lần này do ý kiến của người bạn Phật tử Sofia, nên tôi đồng ý thay đổi tí xíu kiểu cắm) cô nàng nói với tôi rằng: “Chị ơi! Chị đi mua thêm bông để cắm dùm em đi, em đưa tiền chị nhé.”

Giọng của cô hơi thận trọng một chút vì sợ tôi không nhận tiền… vì trước đến giờ tôi ít khi nhận tiền của ai để mua bông cắm vì bông vải không rẻ mà Phật tử ở đây không được “khá lắm” nên tôi chỉ làm tự nguyện, không hỏi ai về vấn đề tiền bạc.

Muốn cắm một bình hoa, giỏ hoa, hay những kiểu khác nhau thì những bông hoa đó phải đẹp, tươi, nhìn như thật, tinh vi, nhiều người phải bị lầm… Tôi cũng vậy, đi giữa rừng hoa, lá của các tiệm mắc tiền tôi như bị mê hoặc, sờ từng cánh hoa mịn như nhung, mềm mại màu sắc tươi đẹp quyến rũ. Những chiếc lá to, nhỏ, có lông măng, gai góc, cứ như là thật, sợ mạnh tay cánh hoa sẽ rụng, nát… nhưng không đâu! Loài hoa lá này rất mạnh, bền bỉ, nó có thể làm bạn chảy máu đấy ạ, hoa vải không thể cắt bằng dao kéo mà phải cắt bằng kềm bén, nhỏ, to, khác nhau mới đủ sức; có khi phải nhờ đến những bàn tay khỏe, gân guốc để cắt những thân cây to nữa.

Tôi thích cắm hoa vải vì dễ làm hơn, mình có thể vặn vẹo đủ kiểu, cong, thẳng, xoắn, uốn éo mà không sợ bị gãy, lìa, tan nát như hoa thật. Hoa cứ nằm ì, trơ trơ cho mình tha hồ tạo hình, lên cao, xuống thấp chẳng bao giờ phàn nàn, dơ thì rửa xà bông, lau chùi hoặc thổi phù phù cho bay bụi bám, tuổi thọ lại rất cao nên ít khi bị vất vào thùng rác.

Tội nghiệp cho những bông hoa thật tươi mát, thơm tho,

 

xinh đẹp để cho người ta ngắm nghía trầm trồ khen tặng nhưng sau vài ngày, vài tuần cho chí đến vài tháng, bị thời gian làm tàn tạ, héo mòn, già nua, xấu xí thì ôi thôi! Tương lai sẽ bị vào nơi tối tăm, nghẹt thở…thùng rác, bao rác đang chờ đợi.

Có bài hát ví von mang tên “Hái hoa” của bác Phạm Duy không bao giờ quên trong tôi và chỉ có vài đoạn nhớ tâm đắc mà thôi, đó là: “Hái hoa cho khéo, hoa nào héo héo thì hái bỏ đi, chớ để làm chi… ứ ử ừ hoa tàn.”

Đôi lúc nhìn ngắm những bông hoa vải, đẹp tinh khiết, tôi lại nghĩ đến vị ni sư, một vẻ đẹp thuần nhã, trang trọng, bền bỉ và thoát tục. Còn những bông hoa tươi rói, xinh đẹp quyến rũ, hương thơm, màu sắc hài hòa, lộng lẫy như những cô gái tuổi dậy thì như chỉ trong một thời gian ngắn là xấu xí ngay như người đời. Chuyện vô thường khó mà nói ra được.

Tôi cũng được may mắn là được học hỏi ở chùa Linh Thứu rất nhiều về cắm hoa, một nghệ thuật tuyệt vời mà tôi rất yêu thích. Sư cô Đồng Hạnh đã ưu ái cho tôi về bông hoa vải, tôi muốn cắm kiểu gì cũng được, cao, thấp, vuông, tròn, tam giác.v.v..hoa tươi chỉ dùng trang trí cho những buổi lễ lớn như lễ Phật đản, Tết, lễ Vu Lan, vía Bà hay những buổi lễ cúng cơm, v..v..Còn ngày thường thì những bình hoa vải được để lên các bàn thờ. Chúng cũng làm tăng vẻ tươi mát, long trọng, mà còn tiết kiệm được tiền bạc, chăm sóc. Chùa luôn phải đơn giản, tiết kiệm và không hoang phí.

Sofia hỏi tôi: “Chị muốn em làm gì đây.”

Tôi ngắm nhìn hai bình hoa gỗ cao hơn tôi một cái đầu, có đầy những bông hoa, lá, cành, tôi đã cắm lâu nay và nói: “Em giúp chị giữ cái thang, để chị leo lên lấy bớt hoa cũ xuống và đưa cho chị những hoa mới mua nha.”

“Dạ.”

Hai chị em cứ leo lên, leo xuống, cắm tới, cắm lui, ngắm

 

nghía cái bình hoa đầy màu sắc, kiểu cọ.

“Chưa được, mình phải cắt thêm lá, thêm vài bông bi nữa.” “Vậy tụi mình làm ngay thôi.”

Hai đứa tôi lại ngồi xuống thềm nhà, lựa thêm lá, thêm hoa, cắt bằng kềm, kéo kêu “cạch, cạch”, âm thanh vang dội trong chánh điện im vắng. Bỗng tôi cảm thấy có một bóng dáng ai trước mặt, chúng tôi vội ngẩng đầu lên. Sofia vội chấp tay tươi cười chào hỏi “Nam mô a di đà Phật.”

Tôi cũng làm động tác như cô bạn và tôi hơi giật mình kinh ngạc, vì trước mặt tôi là một vị sư cô không còn trẻ lắm nhưng có một khuôn mặt hơi lạ hơn người bình thường và đặc biệt là cô chỉ có một cánh tay, vai áo của cô bị lõm xuống và cánh tay vải buông thõng lắc lư, cô chỉ chắp một tay chào lại chúng tôi.

Qua một lúc giới thiệu, tôi được biết tên vị sư cô đáng kính là Đồng Lộc, bạn đồng môn với sư cô Đồng Hạnh, chủ trì của chùa Linh Thứu chúng tôi; cô được mời đến thành phố Boise bé nhỏ để tham quan.

Thật may mắn cho tôi khi gặp được cô, thương cảm và tò mò nên tôi ngỏ ý xin tiếp chuyện. Sư cô suy nghĩ một chút và cuối cùng hoan hỉ chấp thuận cho tôi biết về cuộc đời sóng gió của cô.

Vào năm Dậu, gió mùa xuân mơn man trên đất nước Việt Nam, tại mội tỉnh lẻ miền Trung, một bé gái đã ra đời được ba ngày tròn, sống trong vòng tay của mẹ của cha, tình yêu ấp ủ của gia đình luôn tràn ngập chung quanh. Ngày tết đã gần kề nên mọi người luôn bận rộn, làm bánh mứt, bánh tét, bánh chưng luôn tay. Cha của bé làm việc tại hãng xăng nên trong nhà luôn có vài thùng xăng dự trữ. Mẹ bé thì vào nhà tắm, duy chỉ có cậu bé trai sáu tuổi đang chơi một mình gần phòng của bố mẹ.

Bỗng có một con heo, nuôi ở chuồng sau bếp chạy xổng ra, nó húc đổ đồ đạc lung tung, húc luôn cả mấy thùng xăng,

 

đổ tung tóe ra sàn nhà, mùi xăng bay ngột ngạt, bắt luôn vào nồi bánh tét đang đun nóng, bụi lửa tung bay. Thế là cháy, cháy phừng phực, khói bốc cao hơi nóng tỏa đầy nhà. Người anh trai sáu tuổi hoảng sợ khóc thét, nước mắt như mưa, trong phút hoảng loạn vì căn phòng đã tràn ngập khói lửa, cậu bé vẫn còn nhớ đứa em gái bé nhỏ đang ở trong phòng nên cậu can đảm chạy vào phòng ngủ ôm lấy em đang nằm ngủ say trong chăn, chạy lệt bệt ra khỏi nhà như một con mèo tha một con chuột vậy.

Hàng xóm thấy nhà cháy la ơi ới, đổ xô kéo nhau đi cứu lửa, chẳng có ai để ý đến hai anh em nhỏ xíu chạy bắn ra từ trong đám khói đen ngùn ngụt; cậu bé vừa chạy, vừa khóc, vừa mệt nhưng nhất định không buông em mình ra, cứ thế mà chạy ra khúc đường rầy xe lửa, mệt quá nên cậu để em bé nằm ngủ trong tấm chăn nhỏ, cạnh đường rầy.

Cũng may là buổi sáng hôm ấy, chẳng có đoàn tàu xe lửa nào chạy qua cả nên cậu cứ ngồi chờ… lúc em khóc, cậu mới ôm chặt lấy đứa em gái, đong đưa nhẹ như mẹ hay làm, thế là con bé nín khóc ngay; kể ra ông anh nhỏ tuổi này cũng giỏi thật.

Không biết thời gian qua đi bao lâu nữa, cậu bé ôm lấy đứa em đang giẫy giụa, đạp tay chân khóc oe oe, cậu cố giữ chặt lấy em, có lẽ nó đang đói bụng đây mà. Cả hai anh em đều khát nước, mệt mỏi lẫn sợ hãi; thôi thì về nhà với mẹ, có lẽ cha mẹ còn ở đấy nên cậu bé thất thểu ôm em trở về nhà. Dọc đường mọi người đã ổn định, không còn lao nhao nữa nhưng có vẻ lo sợ và âu sầu dữ lắm.

Về gần tới nhà, cậu thấy mẹ cậu khóc than, lăn ra đất, bà khóc rất nhiều, bố cậu thì ôm lấy vai mẹ, mọi người đều khóc, nước mắt rơi như mưa. Ngôi nhà thân yêu đã bị cháy rụi, tro tàn bay bay trong gió, dân làng đã đổ nước để cứu chữa ngôi nhà nhưng vô hiệu, nước đen pha lẫn tro, nhẫy nhụa trên sàn nhà loang lỗ, mùi xăng cháy vẫn còn phảng phất đâu đây. Bà mẹ đau khổ như muốn ngất đi trước cái chết của hai đứa con nhỏ,

 

mấy bà hàng xóm bôi dầu trên trán, hai mang tai, có bà còn giật tóc mai, bà mẹ khốn khổ chỉ muốn chết đi theo con thôi, sức của phụ nữ mới sanh nên còn yếu lắm, giọng bà khào khào nói không ra hơi.

Bỗng có tiếng la thất thanh, “Bà con ơi! Nhìn xem kìa.” Mọi người đều trố mắt ra nhìn và khóc ra nước mắt, “Trời ơi! Thằng nhỏ còn sống mà bà con ơi, cả con nhỏ nữa.” Bà mẹ mừng như sống lại, nhổm cả người đang đau đớn, bà giang hai tay ôm lấy hai đứa con bé nhỏ thoát chết đã trở về, ông bố cũng hét lên “Con ơi! Tội nghiệp các con quá, cảm ơn trời Phật cứu giúp gia đình chúng ta. Nam mô A Di Đà Phật.” Bà mẹ quá sức vui mừng, ôm lấy đứa con gái bé nhỏ, tưởng chừng như không còn nữa, giọt nước mắt sung sướng rơi trên mặt đứa bé ra đời mới có ba ngày, lem luốc và kiếm chỗ cho bé bú vì nó đã sắp lã cả người, ông bố thì lo cho con trai ăn uống vì cả hai có ăn uống gì đâu, dơ dáy, bẩn thỉu như trẻ bụi đời.

Thời gian trôi qua, cuộc sống của gia đình thật cơ cực sau hỏa hoạn, tất cả bị tiêu hủy, bố mẹ của bé trắng tay nhưng nhờ bà con chòm xóm, hai bên nội ngoại giúp đỡ nên ngôi nhà được xây dựng lại tạm bợ và cuộc sống của họ bắt đầu lại từ đó. Cô bé lớn lên trong tình yêu của mẹ cha, anh chị, mẹ thương cô, chăm sóc rất chu đáo để đền bù phần nào sự khốn khổ khi mới lọt lòng và trong thâm tâm bà không muốn mất đi đứa con nào cả. Điều đó rất khủng khiếp; cô bé và anh, chị đều được đến trường học, con đường dài lê thê, đi qua nhiều nhà dân và ngôi chùa nhỏ bé với mái nhà cong cong, nhiều tượng Phật, khói hương nghi ngút. Mỗi lần đi ngang qua chùa là cô cảm thấy một sự bình yên thân thương, thu hút cô một cách kỳ lạ và cô bé cứ nhìn mãi cho đến khi đi khuất mới thôi.

Cô bé đã nhiều lần theo mẹ và chị đến chùa vào những ngày rằm hay lễ, cô quì rất lâu trước tượng Phật, lòng cảm thấy yêu kính và cô rất thích khung cảnh trong chùa im lặng, tôn nghiêm, mỗi lần đến chùa là cô mong được ở lâu, không muốn về nữa.

 

Khi học đến cấp hai cô có ý định đi tu, trong trí óc non nớt cô đã hình dung được cuộc sống tu hành, trở thành một ni cô như thế nào, cô yêu những mái chùa, tiếng kinh đọc, chuông, mõ, trống vang. Cô yêu nhiều về thuyết nhà Phật, tất cả luôn ấp ủ đầy trong tâm trí và cô ngỏ ý với cha mẹ về quyết định của mình. Nhưng cô đã bị sự phản đối mãnh liệt của song thân, nhất là mẹ, bà đã khóc khi biết được ý định mong muốn của cô.

Thật kỳ lạ trong những giấc mơ cô thấy mình mặc áo nâu sồng và được ở trong một ngôi chùa tĩnh mịch, cô đã gặp những tăng ni đạo hạnh; giấc mơ đó cứ hối thúc cô khiến cô quên ăn bỏ ngủ, bứt rứt trong lòng. Đã nhiều lần mẹ cô ngăn chận không cho cô thực hiện giấc mơ, cô đi đến chùa nào, bà cũng lên bắt cô về vì bà đi xem bói, họ nói cô sẽ bị mất mạng nên bà rất lo sợ càng canh giữ cô nhiều hơn. Cô không tin vào những điều thị phi của những người chung quanh mà cô tin vào Phật, cô tin vào vận mệnh của mình. Cô hiểu, gia đình luôn yêu thương cô, mẹ cha luôn bảo bọc, mong muốn cô là người con gái bình thường lấy chồng, sanh con đẻ cái… nhưng cô không mong muốn những điều ấy, cô chỉ quyết tâm với con đường đi tu và cô đã mạnh dạn cắt đứt tất cả để đi vào nơi đã đặt sẵn cho cô. Thế là cô thoát ly gia đình… để không bị bắt trở lại, cô đã bỏ nhà đi thật xa, mặc dù trong lòng ray rứt, thương cha nhớ mẹ, nhớ anh chị vô cùng nhưng thôi định mệnh của cô đã sắp đặt cho cô đến một ngôi chùa rất nhỏ, hẻo lánh, vị sư chủ trì đã chấp thuận cho cô tu hành tại chùa, sau nhiều sự thử thách, cuối cùng trước sự quyết tâm nên sư bà cũng đành xuống tóc cho cô.

Nhìn mái tóc đen nhánh rơi xuống thềm nhà, cô nhớ lại những ngày mẹ chải, mẹ vuốt mái tóc cho cô, tết thành bím, cột nơ săn sóc, tắm gội, những chậu bồ kết nấu công phu của bà dành cho đứa con gái nhỏ, từng gáo múc, mùi thơm chùm kết giờ đã không còn và sẽ không bao giờ còn nữa… cô âu yếm cầm những lọn tóc đen, dài mềm mại, nâng niu. Đây là món quà quí giá, cô sẽ đem gởi đến bà ngoại vì bà bị bệnh rụng tóc, nên những lọn tóc này sẽ

 

giúp cho bà che đỡ nắng mưa, và hy vọng bà ngoại sẽ vui vì có đứa cháu gái nhỏ luôn bên cạnh bà ngày đêm.

Cô rất ngưỡng mộ đạo pháp của đấng Thế Tôn, ngưỡng mộ về cuộc sống hy sinh tìm ra triết lý cho cuộc sống nhân gian để cứu độ chúng sanh, giác ngộ và giải thoát. Ngài đã từ bỏ ngôi vị, cha mẹ, vợ con để xuất gia tầm đạo, chuyên tu khổ hạnh, đức trí siêu phàm của Phật đã cảm hóa con người, vạn vật trên thế gian. Cô học hỏi rất nhiều trong chùa với những giới luật, lúc đầu cô chưa thông hiểu hết, nhưng từ từ với lòng say mê học đạo cô đã được thấm nhuần qua vị sư chủ trì, sách học đạo, cô còn được các vị sư cho đi tu học các nơi hầu thông suốt đạo pháp nhưng cô vẫn nghĩ cô cần học hoài học mãi để tu thân, giác ngộ, trí tuệ tuyệt diệu, tâm định, hòa cùng vũ trụ, trải tình thương yêu đến khắp tất cả vạn vật muôn loài. Đạo Phật còn là siêu khoa học, là con đường vượt thoát khổ, luân hồi sanh tử nữa nên cô luôn trân trọng, say mê.

Là một vị ni cô thì rất đơn giản, chỉ mặc chiếc áo tràng đàng hoàng là xong, không có điều gì bận lòng phải sửa soạn, trang điểm, v.v… Cô thích đi tu là vì thấy tình cảm ở thế gian bị cột trói, ràng buộc con người trong vòng tài sắc, muốn được giải thoát nên mình phải tu thôi.

Sau vài tháng tìm con, bà mẹ đã được như ý nguyện qua một người thân ở tỉnh xa. Bà vội vàng tìm qua địa chỉ ngôi chùa và lặn lội đường xa, tìm cho được cô con gái yêu. Bây giờ cô bé trong bóng dáng một vị ni cô, mái tóc đen nhánh, mềm mại, thơm mùi chùm kết không còn nữa mà là mũ ni che đầu. Nhìn con mà lòng quặn đau, bà không còn là người mẹ muốn ôm con lúc nào cũng được mà giờ đây có một khoảng cách giữa hai mẹ con, nên không thể… một vị ni cô mặc áo nâu sồng, đầu đội mũ len, hai tay chắp lại, đứng chào bà với câu “Nam mô A Di Đà Phật.” Khuôn mặt hơi cúi xuống nhưng bà nhận ra ngay, chiếc mũi thanh mảnh, bờ môi hồng nhỏ với làn da “bánh ít” bà hay gọi đùa thế.

 

Bà vội chạy đến bên con, ôm lấy sư cô trẻ tuổi và bật khóc kêu lên hai tiếng “Con ơi.” Hai dòng lệ nóng rơi trên khuôn mặt con gái bé nhỏ của bà.

Hai mẹ con ôm nhau khóc vì thương nhớ lâu ngày xa cách, là con người thì sự cảm xúc ấy khó mà tránh được, vị sư cô nhỏ tuổi vẫn chắp tay, cô cố cầm giữ nước mắt và nói trong sự xúc động: “Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ, xin mẹ cho con đạt ý nguyện.”

Mẹ cô nói trong nước mắt:“Ừ, mẹ không bắt con về, nhưng thỉnh thoảng con nên về thăm ba mẹ và anh chị nhé. Khi rảnh cả nhà sẽ lên thăm con, cố gắng mà học nghe con.”

Bà mẹ lo lắng nói chuyện với cô, có người nói với bà là cô bé sẽ trở thành phế nhân, qua nét chỉ tay nên bà khuyên cô nên cẩn thận đủ điều, cô lắng nghe và ngạc nhiên khó quên những lời mẹ dạy.

Một buổi chiều khi cô và các bạn cùng khóa tu học ở chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, trong giờ giải lao bỗng các cô nghe một tiếng hát rất hay ở dưới sân chùa, các cô tò mò nên rủ nhau xuống xem ai vậy? Các sư cô nhỏ tuổi trầm trồ khi thấy một bác ngồi trên chiếc xe lăn cụt hết hai chân, hai ống quần rỗng buông thỏng, bỗng có tiếng nói của một cô thì thào bên tai: “Ồ! Bác phế nhân này ca rất hay, còn dùng tay vỗ vào trống nữa.” Và các cô không bảo nhau tự móc tiền túi, trân trọng bỏ tiền vào lon sữa bò cho người phế nhân đó. Sư cô Đồng Lộc cũng làm như các bạn và cô suy nghĩ về từ phế nhân. Cô đã kể cho một người bạn là cô Diệu Thọ, mình sẽ thành phế nhân như mẹ đã nói và cô tỏ ý lo lắng, phân vân về điều này, lúc đó cô đã được ba mươi hai tuổi, vào năm hai ngàn.

Nghe tin sư thầy bị xuất huyết bao tử (thổ huyết) thầy phải vào cấp cứu trong bệnh viện, các cô đều vào thăm, bỗng có một cô tên là Mỹ Thiện, nắm lấy tay cô và nói, “Sư cô sắp bị tai nạn có thể mất mạng đó.”

Cô Đồng Lộc nghe xong, cảm thấy lo âu; thấy vậy sư cô

 

Diệu Hòa cười giỡn và an ủi rằng, “Nếu có thể chết mà được nhiều người phúng điếu là vui rồi.”

Trước khi về Đà Lạt cô thưa với thầy thượng tọa Thích Hồng Phương và được thầy dặn dò: “Cẩn thận không leo trèo, xe cộ, không thọ nhận của mọi người.”

Ngày mồng sáu tháng bảy, thầy Phương gọi cô lên núi Lam tìm cây thuốc quý để chữa cho sư thầy. Trong lúc tìm thuốc quý cô đã thầm khấn nguyện xin cúng dường tuổi thọ của mình cho thầy để mong thầy qua khỏi. Khi định đi gửi thuốc theo xe về Bình Định thì cô Đồng Lộc nhận tin bà ngoại mất ở Bình Định nên cô phải về với sư cô Diệu Hòa để lo đám tang cho bà cô đã gặp một người em họ lớn tuổi, đi tu nhưng đã ra đời, nhìn cô Đồng Lộc thật kỹ và nói “Coi chừng chị bị mất mạng vì kiếp trước mang nghiệp sát sanh sâu dầy lắm. Thôi nếu có bị đòi thì hãy trả vui vẻ cho hết cuộc đời.”

Cô Lộc hỏi: “Sao chú biết là nghiệp sát sanh đòi.”

Ông cầm bàn tay phải xem và nói: “Phần mềm ngón tay cái có nhiều vết gạch ngang dọc, nát trên bàn tay phải nên phải chịu thôi.” Sư cô Đồng Lộc rất lo sợ vì có rất nhiều cảnh báo về cô, nhưng biết làm sao chuyện gì đến sẽ đến và cô bình tâm chờ đợi.

Ngày mười một tháng bảy hai ngàn lẻ một, lúc bốn giờ chiều, sư cô trở lại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trên xe Quốc Tài, và xe bị lật trên đường đi trước nhà máy dệt Nha Trang. Tai nạn khủng khiếp này đã làm cho hai em sinh viên chết ngay tại chỗ, sư cô Diệu Hòa không sao, còn riêng cô Đồng Lộc bị mất nguyên một cánh tay, đứt lìa khỏi thân, cô còn bị mất xương hàm má trái, da đầu bị lột thấy cả sọ, máu tuôn ra như suối, mọi người trên xe đều cầu nguyện cho cô và trong lúc tỉnh lúc mơ cô thấy đau đớn thấu trời xanh nhưng cô luôn tụng Nam Mô A Di Đà Phật và thiếp đi, bên tai còn nghe văng vẳng tiếng của sư cô Diệu Hòa kêu gọi, than khóc.

Cô Đồng Lộc bất tỉnh, nằm im thiêm thiếp một thời gian

 

dài. Trong tiềm thức cô luôn thấy Phật bà Quan Âm độ cho cô và cô luôn nhất tâm khấn vái Phật. Các thầy, cô đến thăm ai nấy đều mủi lòng, các vết thương quá trầm trọng, đau đớn vô cùng, mạng sống như chỉ mành treo chuông, miệng cô ngậm nhiều máu nhưng không hiểu sao vẫn niệm Phật, trước sự nguy hiểm của các vết thương trông cô thật thảm hại, không còn là vị sư cô vui vẻ ngày xưa, các thầy thương có người cầu mong cho cô đi sớm để tránh đau đớn, khổ đời vì thương tật, tương lai là một phế nhân rồi.

Ngày mười bảy tháng bảy, cô Đồng Lộc đã cảm nhận được một chút sự sống, cô mở mắt không ra vì khuôn mặt của cô sưng húp, mắt mũi miệng đều ngậm máu, chung quanh im lặng chỉ nghe tiếng máy chạy rì rì và cô nghe có tiếng nói, tiếng chắc lưỡi của ai, có lẽ là y tá, hay bác sĩ gì đó, họ nói với nhau:“Tội nghiệp sư cô này quá, không còn tay nữa.”

Cô nghe như có quả bom nổ chậm, cô suy nghĩ và cô chấp nhận điều này vì cuộc đời phế nhân luôn ám ảnh trong cô nay thành hiện thực.

Các thầy, cô đến thăm thấy tình trạng nguy kịch của cô nên đề nghị bệnh viện tỉnh Khánh Hòa chuyển cô về bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn nhưng họ không đồng ý. Cuối cùng các sư huynh bàn bạc, họ đi quyên tiền, thuê xe đem cô về Sài Gòn cứu chữa vì ở đây không có khả năng, bệnh càng ngày xấu hơn. Rốt cuộc cô được về bệnh viện Chợ Rẫy, nổi tiếng về răng hàm mặt, có đội y sĩ giỏi và phương tiện máy móc tốt hơn.

Hai giờ sáng, cô tỉnh dậy thấy chung quanh khác lạ cô cảm thấy khát nước, không có thân nhân nào ở đây, căn phòng lại quá lạnh, bệnh nhân lại quá đông, sự va chạm vào cô thường xuyên nên làm cô quá đau đớn, vừa lạnh, vừa khát, vừa đau làm cô nghĩ đang sống trong địa ngục trần gian.

Cô được vào bốn bịch máu nhưng các vết thương bị nhiễm trùng, sưng tấy, sự tắc trách của bệnh viện Khánh Hòa và điều

 

kiện kém săn sóc nên cô có thêm nhiều vết thương mới sanh ra, khuôn mặt cô nhìn không ra nữa, mùi hôi cô cảm nhận trong miệng, mũi, máu mủ vàng lan tỏa khắp trên mặt, da bị nổi cục, ngứa ngáy đau đớn, khiến cô không biết chỗ nào đau nữa, toàn thân đều nhức nhối; nằm trên băng ba vì không có đủ giường cho bệnh nhân, cứ mỗi lần họ tông và băng ca lại đẩy cô vào trong góc phòng khiến cô đau đớn thấu trời xanh, cô rất khổ chỉ biết cầu cứu với Phật Bà Quan Âm, luôn niệm trong lúc tỉnh lúc mê, miệng luôn mấp máy, trong tỉnh thức cô vẫn nghe mọi người nói chuyện họ nói rằng:“Người này sao mà lì quá, chưa thấy một ai như vậy, không có thuốc tê, thuốc mê mà vẫn không la hét, không biết đau.”

Quả thực khi nằm trên bàn mổ các bác sĩ, y tá, khoan xương, ghép da, khâu da trên sọ, cô không mê vẫn mở hí mắt, miệng luôn mấp máy niệm Phật, đưa tâm ra ngoài thân, nên cô vẫn chịu được cơn đau khủng khiếp, mặc cho mọi người muốn làm gì thì làm trên thân thể cô. Sau bốn tiếng phẫu thuật, cô vẫn tỉnh táo khiến mọi người phải hoảng sợ, khâm phục.

Mẹ cô lại khóc thêm lần nữa vì con, lòng thương cảm của người mẹ trước tấm thân tàn tạ, không ra hình người của một phế nhân trước mặt bà, sự chịu đựng không than van, khóc lóc của cô làm bà đau đớn như ai đó xát muối vào lòng.

Đứa con đã từng được nâng niu, bú mớm, tung tăng chạy nhảy, nụ cười tươi như bông như hoa, giờ chỉ là một thân người nằm bất động với nhiều vết thương dễ sợ sau tai nạn.

Sau ba tháng trong bệnh viện, nhờ sự chăm sóc của bác sĩ y tá, nên các vết thương đã tạm lành. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời cô là nhờ những lời động viên, chăm lo của mẹ, của các thầy cô huynh đệ nên cô đã đứng vững, tập tành nếp sống mới của một phế nhân. Mọi thứ đều khó khăn, cô bước đi trong một hình thái chơi vơi, lạ lẫm, không cân bằng. Khuôn mặt đã thay đổi, thần thái khác xưa, cô trở nên trầm lặng ít nói, ý chí

 

mạnh mẽ hơn, cô chấp nhận tất cả những gì đời đã cho và lấy mất đi của cô.

Qua sự việc này, cô cảm nhận rõ ràng Phật luôn ở trong tâm, đã cứu giúp cô thoát khỏi tay thần chết để trở về với cuộc sống mà cô đang thực hiện là tu hành, tu học theo chánh pháp, truyền bá đạo Phật, tuân thủ những lời Phật dạy, giúp người đời giác ngộ và giải thoát nhiều hơn, đó là điều mong ước lớn nhất trong cuộc đời của cô.

Khi về đến tịnh thất, cô được các sư ở đây tặng cho cô một giỏ hoa cẩm chướng và một bài thơ ý nghĩa, nhớ đời… giúp cô có thêm nghị lực để mà sống mạnh sống tốt hơn :

Hoa cẩm chướng ngỡ ngàng. Nhìn cuộc đời xuân sang.

Lóng lánh sương mai điểm. Thắm tươi sắc đỏ vàng.

Rồi hoa dần tàn úa. Hương phai và nhụy rữa. Hạt mưa đọng đài hoa.

Giống như dòng lệ ứa. Hoa khóc có ích gì.

Vô thường thịnh rồi suy. Luân hồi tàn lại nở.

Thôi khóc nữa mà chi. Khi nở hãy thật đẹp.

Khi tàn thanh thản đi. Lẽ đời đơn giản thế. Thôi khóc nữa mà chi.

---- Mùa xuân 2002

 

Mọi người trong tịnh thất đều yêu thương cô, họ giúp đỡ cô trong hoàn cảnh khó khăn, khiến cô cảm thấy ấm áp và vững tâm. Dần dần cô đã vượt qua nhiều thử thách, sinh hoạt điều độ như trước đây, niềm tin tăng cao, người đời làm được, cô cũng làm được. Cô vẫn lái xe bằng một tay, chiếc xe “cà tàng” cũng được thay đổi như con người của cô, đổi tay thắng, tay ga và bây giờ cô vẫn thường đi chợ, nấu đám tiệc chay, may áo nhà tu, đem thu nhập về cho tịnh thất trong thời buổi khó khăn bệnh dịch.

Cô vẫn thường xuyên làm Phật sự, hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người kém may mắn khổ sở không ngừng.

Khi gặp con, bà mẹ tám mươi chín tuổi vui sướng, mãn nguyện nhìn về người con gái mà bà luôn yêu thương và đã từng khóc, nước mắt đầy như dòng sông cho con vì những điều bất hạnh. Giờ đây trước mặt bà là một ni sư phế nhân nhưng khỏe mạnh, rắn rỏi, đầy lòng từ bi, cứu độ chúng sanh; mọi người đều kính phục, yêu mến. Bà cảm thấy hãnh diện, mừng vui khôn tả, nước mắt bà lại tự rơi xuống mặt con lúc nào không hay, nước mắt hạnh phúc, nước mắt thật lòng và bà cảm thấy ánh hào quang của Phật phảng phất đâu đây.

Ni sư khẽ nói: ”Mẹ ơi! Xin mẹ đừng khóc…nữa.”

Chúng tôi là những người mộ đạo, phật tử thuần thành hay là những người dân thường đến chùa, được nghe giáo pháp hay đọc được những sách kinh phật quí báu như những làn nước ngọt ngào, tưới vào vùng đất khô cằn và trở nên màu mỡ tươi tốt lợi ích cho thế gian. Riêng tôi là một phật tử đến chùa tu tập vẫn còn non nớt, cố gắng học hỏi thêm về kinh sách lòng khâm phục dòng kinh A Hàm: “Mưa pháp chuyển hóa phiền não, thấy giá trị đỉnh cao của A Hàm để chúng ta đi sâu vào, khám phá những ngõ ngách của tâm linh diệu của mình hầu thoát khổ. Hễ tan được bóng tối thì ánh sáng trong tâm hiện lên, hễ mưa pháp

 

được rưới tỏa thì bụi phiền não sẽ trôi đi. A Hàm giúp chúng ta rửa sạch bụi mê lầm, sự hiểu sai của thân, khẩu, ý, để những sự sáng suốt nhẹ nhàng, an lạc, thảnh thơi của tâm vi diệu sẽ hiện ra” (trích đoạn sách “Kinh A Hàm: Mưa pháp chuyển hóa phiền não” của Ni sư Giới Hương).

Chúng tôi là những phật tử đến chùa tu tập, vẫn còn non nớt, nên cố gắng học hỏi thêm về kinh sách, lòng khâm phục đạo Phật ngày càng gia tăng muôn vàn kính phục. Chúng tôi luôn tuân lời Phật dạy, cố gắng giữ gìn tâm mình, tránh vướng vào tham, sân si càng ít càng tốt vì ba điều này rất khó trong đời sống hằng ngày của chúng sinh. Phật còn giúp chúng ta nên thực hiện năm điều chánh Pháp khi quy y là : không sát sanh, không trộm cắp, không uống rượu bia, không tà dâm, và không nói dối để chúng ta bảo vệ gìn giữ con người mình tốt hoàn hảo, tránh khổ đau, phiền não, giúp cho xã hội thăng tiến. Người thường như chúng ta cố gắng duy trì những điều căn bản Phật dạy là tốt, còn muốn tốt hơn nữa là tu hành như các vị tăng, ni với các giới luật nghiêm khắc, khổ hạnh tại chùa, luật Phật Giáo phải thọ cho các Tì Kheo là 250 giới luật, còn Tì Kheo Ni là 348 giới. Đức Phật đã mở đường, mở lối cho mọi người, tùy theo nhân duyên, chọn cho mình một hướng đi phù hợp với mong ước.

Ba báu vật của Đạo là: Phật, Pháp, Tăng nên mọi người chúng ta phải luôn quí trọng, yêu quí, gìn giữ và bảo vệ lưu truyền cho con cháu sau này cũng như các bậc tiền bối đã trao lại cho chúng ta hưởng lấy.

Một lòng chân thành xin cảm ơn chùa Hương Sen cũng như toàn thể ban tổ chức, ban giám khảo đã cho chúng tôi có dịp thể hiện việc viết lách, văn chương đã bỏ quên từ lâu, học hỏi mở mang thêm về phật pháp để ngày càng hoàn thiện hơn.

Kính chúc sức khỏe mọi người, cầu mong chùa Hương Sen luôn phát triển thành công tốt đẹp trong việc xây dựng chùa, để phát huy đạo pháp ngày càng thăng tiến, giúp đỡ chúng sanh tu

 

học. Xã hội sẽ có thêm nhiều bông hoa đẹp, tươi mát.

Kính

Boise, ngày 9 tháng 8 năm 2022

Hoa Hà

(Boise, Idaho)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm