Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 anh dep avt

14. Viết Về Một Người...

Phạm Thị Ngọc Hiền

Khi tôi trên đường vào Saigon khám bệnh, xe chạy ngang qua một ngôi chùa, trong tranh tối tranh sáng vụt thấy

chữ trên băng rôn “Vu Lan Thắng Hội” làm tôi chợt nhớ đến một người đã từng đóng vai Mục Kiền Liên. Mặc dù trời đã khuya, tôi lật đật lấy điện thoại ra hí hoáy bấm luôn một hồi vì sợ những dòng chữ đang xuất hiện, nhảy múa trong đầu tôi sẽ tan biến đi mất. Hình như chữ nghĩa trong đầu tôi chỉ xuất hiện vào đêm khuya hay sao ấy!

Kể ra thì Đức Nhuận rất thân với tôi, lần đầu quen biết là do sư ở gần nhà nhờ tôi thuê đồ và cho địa chỉ. Thế là tôi theo địa chỉ tới nhà cậu và hai chị em quen biết nhau từ đó. Có gì cậu ấy cũng tâm sự với tôi, có vẻ như cậu tin tưởng tôi lắm. Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ, kỳ đó Đức Nhuận lái xe đưa cả nhóm ra thăm chùa Huyện Hội Ninh Hòa, khi lui xe cậu lỡ đụng đuôi xe vào trụ đá xi măng làm cho biển số xe và phía sau xe rớt ra như càng cua bị gãy, cả nhóm phải đi sửa xe đến tối mịt mới về. Khi đi ngang qua đọan đường tối, xa xa trong xóm thấy có chóp đèn tỏa sáng cả một vùng rất đẹp, tôi nói, “Mọi người ơi! Trong kia có chùa gì đẹp quá!” Vậy là cả nhóm được một trận cười quên cả kiến cào ruột, Đức Nhuận trêu tôi: “Bộ chị thích cảnh chùa rồi tưởng tượng hay sao mà nhìn quán café hóa ra ngôi chùa.”

 

Một lần sinh nhật tôi, cậu ấy trang trí và viết tên pháp danh tôi lên phông chữ rất đẹp, thấy hay hay nên tôi cảm động và có ấn tượng về cậu. Sinh nhật tôi toàn đãi tiệc chay, bạn bè đều đến dự đông đủ. Đức Nhuận và cả tay nhạc công trong đội văn nghệ lớp Áo lam đều nói “Hồi giờ lần đầu tiên em dự sinh nhật tiệc chay, ngon quá chị ơi.” Thấy bạn bè hoan hỷ tôi rất vui và cảm ơn mọi người đã nể tình đến dự vì thông thường ai cũng thích dùng tiệc mặn hơn.

Đức Nhuận hay nói với tôi: “Em sẽ ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai.”

Đó là câu nói cửa miệng của cậu ấy, lúc đó tôi chỉ cười cho rằng cậu ta nói dí dỏm tán gẫu cho vui. Vì chuyện này không thể nói chơi được, nếu không thực hiện sẽ phạm vào tội vọng ngữ. Song tôi vẫn ái ngại cho cậu ấy và nói: “Nói được phải làm được đó nghe!”

“Em sẽ thực hiện được mà chị!” Đức Nhuận nói giọng cương quyết.

Nghe cậu ấy nói vậy, tôi cũng không quan tâm và tin tưởng cho lắm lâu ngày rồi quên đi. Hơn nữa Đức Nhuận là con út trong một gia đình khá giả, được hưởng gia tài của cha mẹ để lại mà nói chuyện đi tu thật là hy hữu. Mỗi khi Đức Nhuận có việc tới chùa gần nhà tôi, có ghé qua thăm chị em tôi nói chuyện năm ba câu rồi về. Cậu đến cũng như đi, lẹ làng mau chóng không la cà. Bẵng đi một thời gian không thấy Đức Nhuận đến nhà tôi nữa, tết cũng không thấy bóng dáng đâu. Tôi nghĩ chắc cậu ấy bận công việc gì đó, qua tết mới thấy cậu lò dò đến. Tôi hỏi cậu:“Làm gì mà lâu nay không thấy tăm hơi đâu vậy em?”

“Em vô sư Nhân thiền tịnh tâm ba ngày, an lạc lắm chị ạ!” Đức Nhuận trả lời với một gương mặt vui tươi, phản chiếu sự an lạc khiến tôi ngạc nhiên và vô cùng nể phục. Đức Nhuận còn nói thêm, ”Khi nào rảnh nhóm mình vô sư Nhân tập sự một ngày chị nhé!” Một thanh niên không vui chơi ba ngày tết với gia đình,

 

bè bạn mà vào trong núi tĩnh tâm thật hiếm thấy!

Thỉnh thoảng Đức Nhuận có vô núi Đồng Bò, cậu hay rủ cả nhóm áo lam chúng tôi đi vào tịnh thất của sư Nhân sinh hoạt và đàm đạo. Cậu tâm đắc, kính trọng và rất có duyên lành với sư Nhân. Năm sau đó Nha Trang có trận bão to, làm sập núi lở đất. Chắc là hai cụ Sơn Tinh và Thủy Tinh lại nổi cơn thịnh nộ đánh nhau rồi. Núi sập đá lăn xuống làm bao nhiêu người thiệt mạng, trời đất nổi cuồng phong một số người bị cuốn đi mất tích, sư Nhân là một trong số đó. Đó là kết quả của những trận phá núi lấy đá về xây dựng nhà cửa, chặt cây phá rừng do lòng tham của con người mà ra. Nha Trang chưa bao giờ có bão to như vậy cả, bao nhiêu lần đài khí tượng nói có bão nhưng cuối cùng cơn bão đều dạt đi nơi khác. Vậy nên dân ở đây rất chủ quan không phòng bị, mặc cho nhà nước kêu gọi làm tất cả phương tiện để phòng chống lũ, họ không tin có bão còn rủ nhau đi ra biển xem bão để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Họ nghĩ như vậy cũng có lý do: Nha Trang là nơi đất lành chim đậu, mưa thuận gió hoà lại có những vị tôn túc tu hành nghiêm mật nên có những bậc thánh nhân độ trì. Nhưng thật không ngờ! Khi nghiệp đến thì vẫn phải đến. Điển hình như dòng họ Thích Ca đã coi thường và xua đuổi một cậu bé con của một tỳ nữ, không ngờ đó là hoàng tử con vua. Hoàng tử nuôi hận trong lòng, sau lớn lên đã tiêu diệt hết dòng họ Thích Ca, cho dù Phật đã giải cứu nhiều lần vẫn không thoát khỏi cái quả đã gây ra. Phật dạy: “Có bốn việc không nên coi thường, đó là: Không nên coi thường một hoàng tử nhỏ, một con rắn nhỏ, một đốm lửa nhỏ và một sa di nhỏ”. Vì sao? Vì một hoàng tử nhỏ khi lớn lên sẽ cai trị thiên hạ, nắm quyền sinh sát trong tay, một con rắn nhỏ khi lớn lên có thể cắn chết người, một đốm lửa nhỏ khi gặp gió có thể bùng lên thiêu rụi cả thành quách và một sa di nhỏ đã có chủng tử của Phật, khi lớn lên là một người đức hạnh cho chúng ta noi theo và sau này có thể sẽ thành Phật độ chúng sanh. Vì vậy, chúng ta phải biết tôn trọng và không nên coi thường bất cứ ai. Như trong kinh Pháp Hoa có

 

Bồ tát Thường Bất Khinh, gặp ai Ngài cũng cúi đầu quỳ lạy và nói: “Tôi không dám coi thường các ngài vì sau này các ngài sẽ thành Phật”.

Đó cũng là một bài học kinh nghiệm nhớ đời cho tôi đã dám coi thường một người.

Sau khi sư Nhân tịch, Đức Nhuận như con chim nhạn bay đi biền biệt, nghe đâu đã thế phát xuất gia ở Đồng Nai. Tôi thật bất ngờ, miên man tự hỏi: Tại sao lúc đó mình lại coi thường và không có niềm tin về Đức Nhuận vậy chứ? Tôi rất hối hận và nghĩ mình không đủ sáng suốt để nhìn nhận về một con người. Nếu thật sự Đức Nhuận đã đi tu thì cậu quả là người trí tuệ , không như tôi giờ này vẫn còn lặn hụp trong vòng xoáy của cuộc đời. Chắc có lẽ sau tai nạn của Sư Nhân, cậu ấy thấy cuộc đời như chiếc lá rơi, sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc nên càng thúc đẩy cậu thực hiện ước mơ của mình. Thầy giáo thọ tôi có dạy: “Đừng chủ quan và coi thường người không hiểu đạo. Tới lúc họ ngộ còn hơn mình nữa, mình chạy theo không kịp.” Phần vui mừng, phần nhìn lại mình tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì tôi chỉ mới giác chứ chưa ngộ. Là người đi học trước nhưng chưa ngộ bằng người đi sau, tôi nhớ Đức Nhuận vẫn thường nói: “Em luôn là người đến sau...” Đến sau mà giác ngộ vẫn hơn người đến trước, tôi thật lòng nghĩ như vậy. Do tôi chưa đủ duyên!

Tôi phấn khởi vì mình là người giới thiệu đưa Đức Nhuận vào học lớp Áo Lam, góp phần hội đủ duyên kết thành quả để có thêm một Thích tử như ngày hôm nay. Hòa thượng trưởng ban hoằng pháp hay dạy chúng tôi: “Tu phải hú, hú bạn cùng tu mới vui và mọi người đều được lợi lạc.” Lời dạy đó tưởng chừng nói cho vui nhưng thật đúng vậy.

Với cuộc sống hiện nay, hầu hết thực phẩm phục vụ nuôi sống con người đều bị thuốc hóa do những người chỉ biết trục lợi, không màng đến sức khỏe của con người. Nếu chúng ta biết

 

cách tu , biết niệm Phật trước khi ăn uống sẽ giảm được bịnh tật nhiều hơn. Nhất là khi ăn chay chúng ta sẽ thấy thân tâm nhẹ nhàng và thanh thoát. Ăn chay để tưới tẩm, nuôi dưỡng lòng từ bi tránh giết hại các con vật vì người, vật đều tham sống sợ chết :

Ăn chay không phải là tu Không ăn thú vật cũng là tâm tu

Người xưa thường nói: “Ăn chay niệm Phật”. Chuyện đi tu cũngđược bắt đầu từ việc này để mài dũa tâm tánh.

Do đó, tôi thấy Đức Nhuận đi tu mới chính là người thức thời. Một vị sư trẻ gần tịnh thất sư Nhân đã nói với chúng tôi, “Ai mà tụng kinh Dược Sư nhiều sẽ đẹp lắm!”

Đức Nhuận nói thêm: “Mấy chị nhớ niệm Phật Dược Sư cho đẹp nhé! Tu là phải đẹp, xấu Ai tu thì chính mình là người giải thoát cho mình ra khỏi vòng luân hồi ác đạo. Không gì vững chắc bằng dựa lưng vào phiến đá do tâm mình tạo ra.”

Thật vậy, chỉ có tu con người mới thật sự an lạc và thoát được biển khổ ở đời mà thôi.

Lênh đênh qua bể Thần Phù Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Cho đến một hôm, đang loay hoay với đám học trò thì chợt nghe tiếng nói: “Chào thư ký áo lam!”

Tôi giật mình quay lại thấy một vị sư , theo quán tính tôi chắp tay xá chào. Nhìn kỹ lại thấy không ai khác hơn là Đức Nhuận trong dáng dấp của một vị khất sĩ. Tôi mừng rỡ định kêu lên nhưng chợt nhớ cậu đã đi tu nên dừng lại kịp lúc (bây giờ tôi gọi cậu ấy là sư). Thật bất ngờ, lần đầu gặp nhau sau khi Đức Nhuận đi tu lại thêm phải sửa cách xưng hô cho đúng phép con nhà Phật nên không tránh khỏi bối rối. Đức Nhuận ngày xưa, nay đã đi con đường của Như Lai, mặc áo Như Lai và ở nhà Như Lai rồi. Tôi nói chuyện một cách gượng gạo chưa quen vì trước giờ chỉ xưng hô bằng chị em, Đức Nhuận hay trêu chọc tôi là thư ký

 

áo lam. Sư không quên hỏi thăm bạn bè trong lớp Áo Lam của tôi. Nói về lớp tôi, lại nhớ năm đó chúng tôi làm chương trình Văn nghệ cúng dường Vu Lan, tôi tiến cử Đức Nhuận đóng vai Mục Kiền Liên trong hoạt cảnh cùng tên, vai này cậu ấy diễn đạt hơn người khác. Và tôi đã đề nghị cậu đọc luôn bài “Cảm niệm Vu Lan” trong khi cả lớp đang chọn người đọc. Tôi biết giọng đọc của cậu ấy rất truyền cảm, lôi cuốn người nghe. Tính ra tôi cũng có mắt tinh đời chút chút đã chọn Đức Nhuận diễn thành công, còn được quý thầy mời đi diễn nhiều sô nữa. Không biết có phải đó là sự khởi điểm, trở mình đánh dấu cho bước đường tu của sư hay không? Đức Nhuận vừa nói vừa cười với tôi: “Chị thấy không? Xưa nay chị làm chương trình hoài mà toàn lên sân khấu nhỏ. Năm nay em diễn nên được lên sân khấu lớn đó!”

Tôi cũng cười vì sự thật như vậy, xưa nay chỉ diễn văn nghệ trong phạm vi lớp Áo Lam thôi. Năm ấy chùa mới xây xong, khuôn viên rộng rãi làm lễ khánh thành, hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp cho làm sân khấu rất quy mô, đặc sắc để chào mừng mùa Vu lan. Lúc ấy, tôi nghĩ Đức Nhuận may mắn gặp đúng thời điểm thôi.

Ôi! Hai tiếng Vu lan thật là linh thiêng! Vậy là Đức Nhuận đã làm điều mà tôi không nghĩ tới, Sư đã có quyết định đúng đắn trong hành trình làm người. Tôi rất tự hào có một người bạn như Đức Nhuận, mừng vì sư đã thực hiện lời hứa của mình, làm một cuộc cách mạng cao cả mà sư đã định hướng từ lâu. Sư đang noi theo gương của Đấng Từ phụ Thích Ca khai sơn và đi trước. Chuyện ngoài đời sư đã dõng mãnh dứt khoát, buông bỏ tài sản, cuộc sống giàu sang để đi trên con đường mình đã chọn. Thật sáng suốt! Vì chuyện đi tu thời nay, không phải ai nói được cũng làm được như sư Đức Nhuận. Trong truyện “Hồn Bướm Mơ Tiên,” Khái Hưng đã nói: “Con đường mòn đến đây là dứt nẻo...” để biểu tượng cho những ai đã chấm dứt cõi đời ô trược, con đường mòn là vết xe lăn của sanh, già, bệnh, chết để bắt đầu đi tới con đường mới rộng rãi, giải thoát tươi sáng hơn: Con

 

đường chánh pháp của Phật.

Thời nay, xã hội văn minh tiến bộ đưa con người vào hợp tác xã máy móc, cần gì lên bấm ông Google là ra ngay. Nhưng cái chính là chúng ta xử dụng nó với mục đích như thế nào? Trẻ em cũng vì thế mà ảnh hưởng, đa số cháu nào cũng đeo kính nhóp. Xa rời chùa chiền là tình hình chung của tất cả giới trẻ, kiêm luôn cả trẻ em. Lớp người già đi chùa biết Phật pháp lần lượt ra đi, không có thế hệ trẻ tiếp bước. Kêu goị lớp trẻ đi chùa, trẻ con đi “Gia đình Phật tử” thật khó khăn. Các ngôi chùa ngày càng thưa thớt, vắng bóng Phật tử.

Đứng trước tình hình này, đòi hỏi chúng ta phải tạo dựng thế hệ trẻ biết đến chùa, biết đến Phật pháp trong mỗi gia đình có phật tử “Phật hóa gia đình “trước, sau đó lan dần ra xã hội. Hiện tại trong trường Mầm non của tôi, tôi hướng dẫn các cháu bước đầu mỗi sáng trước khi vào học đều xếp hàng ngay thẳng trước hình Đức Bổn Sư và niệm danh hiệu Phật ba lần. Sau đó đứng đối diện nhau cùng hát bài Ba điều tâm niệm. Trong số các cháu có một bé theo Công giáo, ba của bé rình hoài không cho niệm Phật rồi lâu dần cũng lơ luôn, không thấy nói gì cả. Tôi nói với các cháu rằng “Các con siêng năng niệm Phật mỗi sáng, Phật sẽ phù hộ cho các con học giỏi thông minh”. Mới đầu các cháu cũng ngỡ ngàng nhưng bây giờ đã quen và thuộc bài, sáng nào cũng thực hiện vui vẻ lắm! Thậm chí cô giáo có quên là các cháu nhắc liền, việc này không to tát gì nhưng ít nhiều đã tạo cho trẻ thói quen niệm Phật, đó cũng là những chồi non ươm mầm Phật.

Phạm Thị Ngọc Hiền

(Nha Trang, Khánh Hòa)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm