Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 hinh nen hoa sen

9. Hãy Mở Lòng Ra

Tâm Lễ Nguyễn Ngọc Luật

1.

Sáng nay trời bỗng nhiên âm u, những đám mây đen kéo đến vần vũ trên nền trời, gió thổi mạnh từng cơn, biển động và những cơn sóng biển khá cao nối nhau xô vào bờ cát, tạo nên những âm thanh ồn ào, cuồng nộ. Trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển 7 đã bước vào ngày cuối cùng, sáng nay Ban quản trại tổ chức “trò chơi lớn” cho trại sinh di hành lên mấy đồi cát, rừng tràm phía bên kia đường, tất cả thành viên Ban quản trại đều tham gia vào trò chơi lớn hết, chỉ có tôi là ngồi lại để chấm điểm các bài khảo sát của trại sinh cho kịp tổng kết điểm. Tôi ngồi một mình trên chiếc ghế nhỏ hướng mặt ra biển trên tay là một xấp bài khảo sát của trại sinh.

Giờ này khung cảnh chung quanh nơi chúng tôi đóng trại khá vắng vẻ, các em trại sinh thì đã được các anh chị hướng dẫn thực hiện “trò chơi lớn” trong rừng tràm phía sau. Bài làm của các em tôi đã chấm xong, tôi để những bài làm khá nhất lên trên và chợt bắt gặp tên em trên góc trái: Nguyễn Vũ Phương Uyên. Đây là một đoàn sinh đang sinh hoạt tại đơn vị tôi, em này là một đoàn sinh khá “đặc biệt,” cách đây không lâu từ một đoàn sinh thuần thành rồi vì hoàn cảnh gia đình và sự lôi kéo của bạn bè xấu em trở thành một đoàn sinh “cá biệt” và ngày càng trở

 

nên hư hỏng dần, có nhiều chiều chủ nhật em không đến chùa sinh hoạt nhưng khi huynh trưởng liên lạc với phụ huynh thì nghe chị Hoài mẹ Uyên trả lời:

  • Tuần nào em cũng nói đi sinh hoạt hết, nếu nó không lên chùa thì đi đâu?

Các huynh trưởng hỏi Hải, em của Uyên, thì Hải chỉ nói:

  • Em cũng không biết, mỗi chiều chủ nhật em hẹn chị cùng đi sinh hoạt thì chỉ trả lời em đi trước đi, chị sẽ đi sau một tý, thế nhưng suốt cả buổi sinh hoạt cũng không thấy chị đâu. Về nhà em cũng không dám hỏi vì sợ mẹ rầy la chị.

Chúng tôi âm thầm “mở cuộc điều tra” các bạn của Uyên thì biết rằng dạo này em hay đi chơi với nhóm bạn lêu lổng trong lớp hay la cà quán xá hay đi lang thang đàm đúm chỗ này qua chỗ khác, thậm chí các chiều chủ nhật ở nhà em mặc áo đồng phục nói với mẹ là đi sinh hoạt nhưng thực tế là tấp vào nhà một đứa bạn trong nhóm thay quần áo rồi cùng nhau đi chơi, trước khi về nhà thì thay lại đồng phục như cũ, thế là lừa được mẹ.

Hôm lễ Vu Lan vừa rồi, trong khi cả đơn vị tập trung lo lễ Vu Lan và nghi thức Bông hồng cài áo, em không tới tham gia. Tối mười bốn trong khi có rất đông đạo hữu và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử tập trung trước sân chùa nghe thầy thuyết pháp về ý nghĩa lễ Vu lan-Báo hiếu, trong khi mọi người đang lắng nghe thì tôi nghe phía sau lưng mình tiếng cười nói ồn ào của mấy bạn trẻ đang đùa giỡn nhau, có vài bác la rầy thì im được một lát rồi lại tiếp diễn.

2.

Tôi không nén được nữa quay lưng lại thì nhận ra Uyên và nhóm bạn đó đang tụ tập ở đây và đang đùa giỡn với nhau, tôi quắc mắt to tiếng.

  • Mấy em này ở đâu tới sao mà cứ làm ồn hoài không cho

 

người khác nghe pháp. Giờ thì: một là mấy em im lặng nghe pháp, hai là là mấy em rời khỏi chùa ngay.

Tôi thấy mặt Uyên tái lại và đôi mắt nhìn tôi ngỡ ngàng, có lẽ em đang nghĩ vì sao mà tôi làm mặt lạ với em như thế. Cả bọn tiu nghỉu ngồi xuống một chút rồi kéo nhau đi.

Sáng hôm rằm sau lễ Vu lan và Bông hồng cái áo, các em đoàn sinh đang dùng cơm trưa, tôi đi một vòng xem mấy em ăn uống thế nào, lại bắt gặp Uyên đang ngồi chen giữa bạn bè cùng ăn cơm. Thấy tôi em có vẻ sợ sệt và e ngại, nhớ chuyện hôm qua tôi định la rầy em vài câu nhưng bất chợt nhớ tới câu ông bà mình đã từng nói “trời đánh tránh bữa ăn” và một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu “ngày lễ Vu lan bất kỳ ai tới lễ chùa cũng được mời cơm, huống chi dù sao Uyên cũng là đoàn sinh của mình”. Thế là tôi trấn tĩnh kịp và cười vui với mấy em:

  • Các em cố gắng ăn nhiều vào nhé, chiều nay tổ chức trò chơi lớn phải vượt đường xa lắm đó.

Nói xong tôi rời đi để mấy em ăn uống tự nhiên, chuyện của Uyên tôi định sẽ họp với ban huynh trưởng đơn vị để có giải pháp rèn luyện cho em ấy. Nhưng chưa kịp họp hành thì sau lễ Vu Lan mấy hôm tôi bàng hoàng nghe tin chị Hoài, mẹ của hai em đoàn sinh ngành Thiếu là Hải và Uyên đã chết khi đang trong một cuộc phẫu thuật tim tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thấy gia cảnh đơn chiếc nên tang lễ của chị tôi điều động anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh tới túc trực để cùng gia đình lo hậu sự cho chị. Hôm đơn vị đi phúng viếng, lúc thắp nhang trước bàn thờ chị Hoài, nhìn hai đứa trẻ đang rũ rượi trong bộ áo tang nhàu nát tôi không cầm được nước mắt.

Lúc nói lời chia buồn cùng gia đình, tôi bắt gặp ánh mắt của Uyên nhìn tôi lạ lùng. Ôi! Cái ánh mắt u uẩn, thảng thốt và ngu ngơ của một đứa trẻ khi ý thức được mẹ mình không còn nữa. Ánh mắt như xoáy vào tim tôi đau buốt, ánh mắt đó đã ám ảnh tôi rất lâu. Sau này biết chuyện những ngày lễ Vu Lan, chị

 

Hoài đi bệnh viện, Uyên đã bị những đứa bạn hư hỏng lôi kéo đàn đúm các quán xá mà ít về nhà. Trong khi bạn bè trong Gia Đình Phật Tử đang tập trung sinh hoạt tại chùa thì Uyên cùng mấy đứa bạn xấu lê la đầu đường xó chợ, đến giờ ăn thì tấp vào Đoàn ăn ké, chị Đoàn trưởng thì thương em nên chỉ nhắc nhở mà không dám báo lên Gia trưởng, bạn Đoàn cũng không dám nói ra vì sợ mất lòng. Hôm lễ Vu Lan nếu như không kịp kềm chế có lẽ tôi đã đuổi Uyên ra khỏi bàn ăn thì bây giờ tôi đã ân hận biết chừng nào.

Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy hú vía! Chị Hoài là người phật tử rất có tín tâm, một mình nuôi hai con ăn học bằng nghề may quần áo tại nhà, chồng chị đã chia tay và đi theo một người đàn bà khác. Hai đứa con sống với chị và được chị cho ăn học tử tế, chị Hoài trước đây cũng xuất thân trong Gia Đình Phật Tử nên đứa nào cũng được chị cho đi sinh hoạt. Được sống trong môi trường giáo dưỡng của tổ chức và quý tăng, ni nên em nào cũng ngoan. Tuy nhiên thời gian này chị hay đau ốm, Hải đang còn nhỏ được đưa về nhà ông bà ngoại nuôi, còn Uyên thì đang tuổi mới lớn chơi với đám bạn con nhà giàu nhưng làm biếng học và có chiều hư hỏng. Chị Hoài không hề hay biết, cho đến khi chị lên cơn đau tim ngất xỉu bên bàn máy may, người nhà chở chị đi cấp cứu, bác sĩ đưa chị lên bàn mổ cấp cứu nhưng chị đã không qua khỏi…

3.

Sau cái chết của chị Hoài hai đứa về ở hẳn nhà ông bà ngoại, anh chị em huynh trưởng trong đơn vị cũng thường xuyên lui tới lo tổ chức tuần thất cho chị và hỏi han sách tấn tinh thần hai em. Với tình yêu thương chân thật như thế cả hai em đã trở lại sinh hoạt chuyên cần hơn và trở thành những đoàn sinh ngoan, tinh tấn tu học. Hè này Ban Hướng Dẫn mở khóa đào tạo huynh trưởng Lộc Uyển và Uyên được đơn vị giới thiệu đi tham dự

 

trại. Vốn là một đoàn sinh năng động và chăm học em là một trại sinh xuất sắc nhất trong khóa và có khả năng đạt thủ khoa của khóa. Tôi mừng vì Uyên đã thay đổi thái độ, lối sống theo chiều hướng tích cực, em đang tốt dần lên khi sống trong môi trường thân yêu của đại gia đình áo lam, được anh chị trưởng dìu dắt từng bước để trở thành người phật tử chơn chánh. Tôi mừng vì may mắn cho tôi trong một sát- na đã kịp kềm chế cơn nóng giận bộc phát, tôi đã kịp hồi tâm để bao dung, tha thứ cho một đoàn sinh hư hỏng. Nếu hôm đó tôi quát tháo đuổi Uyên ra khỏi bàn ăn thì không khéo tôi đã đẩy em trượt dài trên con đường sa ngã và thế là vô tình tôi đã biến em sẽ trở thành một con người xấu, còn tôi thì sẽ ân hận suốt đời!

Từ chuyện của Uyên tự nhiên tôi nhớ lại câu chuyện về lòng bao dung của một vị sư phụ với đệ tử. Một lần vị sư phụ phát hiện chú tiểu thường hay leo tường ra ngoài chơi, thầy đứng chờ nơi chiếc ghế mà chú tiểu thường dùng khi leo qua tường, đến khi chú tiểu đi chơi về tới chỗ cũ leo tường vào, nhưng rồi khi bàn chân của chú đặt xuống chiếc ghế chú có một cảm giác lạ là tại sao hôm nay chiếc ghế lại có cảm giác mềm mềm chứ không cứng như thường ngày, đến khi vào được bên trong chú mới tá hỏa vì vừa rồi chú không đặt bàn chân xuống chiếc ghế mà chân chú đặt lên vai của sư phụ mình. Chú hốt hoảng lạy sám hối với thầy nhưng sư phụ đã không la rầy gì mà còn bảo:

  • Đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chứ ướt lạnh hãy nhanh vào phòng nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau sư phụ cũng đối xử với chú ân cần và thương yêu bình thường như không có chuyện gì xẩy ra, đại chúng cũng hề hay biết câu chuyện hồi đêm giữa chú và sư phụ, lòng chú cảm thấy ăn năn và thương kính sư phụ nhiều hơn nữa, từ đó chú tiểu không bao giờ dám leo tường ra ngoài chơi nữa mà tinh tấn tu học. Có một câu chuyện khác cũng thể hiện đức tính bao dung, hỷ xả của một vị tăng. Vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một

 

tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm. Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói:

  • Anh bạn! Đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh.

4.

Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên người tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại. Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói:

  • Rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi.

Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên người tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói:

  • Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi.

Trong truyện Kiều có câu “Có dung kẻ dưới mới là người trên,” tôi thấy câu này quá hay, chỉ sáu chữ thôi nhưng thể hiện được tinh thần bao dung, độ lượng của một kẻ bề trên, đúng là có bao dung cho kẻ dưới mới xứng đáng là kẻ bề trên. Một quan niệm sống nhân văn, tích cực như thế mà có mấy ai để ý đến! Đức Phật của chúng ta cũng là hiện thân của hạnh từ bi và trí tuệ, tính chất từ bi theo giáo lý của ngài là bao trùm lên vạn loại chúng sanh chứ không phải chỉ giới hạn trong phạm vi con người.

Trong suốt bốn mươi lăm năm hoàng hóa độ sinh ngài đã thể hiện đức từ bi với lòng bao dung cao tột, ngài đã tha thứ với tất cả

 

những kẻ tà sư, ngoại đạo đang chống phá, hãm hại ngài, việc này không những chỉ xẩy ra ngoài xã hội với những kẻ xấu ác mà còn xẩy ra trong Tăng đoàn của Đức Phật. Có những đệ tử vì bất đồng quan điểm hoặc vì bất mãn với đức Phật khi không được ngài chiếu cố hoặc tán thành những quan điểm không đúng giáo pháp, họ đã kết hợp với nhau để chống phá Đức Phật, Đề-bà-đạt-đa là một trong những người như thế. Đức Phật quan niệm “Tài sản quý nhất của đời người chính là lòng khoan dung” thế nên ngài luôn dùng tình thương để tha thứ và hóa giải hận thù, chính vì lẽ đó mà ngài đã cảm hóa được nhiều người quay về chánh pháp hỗ trợ Đức Phật trên hành trình cứu nhân độ thế.

Đối với những người có hành vi sai trái Đức Phật chỉ dùng tình thương để hóa giải, để xử lý những tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ hoặc sự ganh ghét, đố kỵ giữa những người đang cùng sống chung trong Tăng đoàn, Đức Phật cũng luôn dùng tinh thần từ bi và pháp lục hòa để giải quyết, vì vậy không hề nghe thấy bất kỳ hình phạt nào đã được thực hiện đối với những đệ tử lầm đường lạc lối mà họ đã tiếp nhận nguồn năng lượng từ bi, hỷ xả từ Đức Phật để tự sám hối và quay về chánh đạo tiếp tục tinh tấn tu hành.

Có những bài học trong cuộc sống tuy đơn giản nhưng nếu ta chịu khó chiêm nghiệm thì sẽ giúp cho ta rất nhiều. Có những điều ta đã được học đi học lại rất am tường giáo lý Phật-đà về tinh thần vô ngã, vị tha, bao dung và độ lượng, hiểu và thương… Những khi bình tâm ta nghĩ là không không khó để thực hành, thế nhưng những lúc “cái ta” của mình bị ai đó làm tổn thương, “cái ta” của mình không được thỏa mãn, ta có còn bình tâm làm được những điều tưởng chứng đơn giản như thế không mới là điều đáng nói! Trường hợp của Uyên may mà tôi còn kịp hồi tâm để có thể xem em như đứa em dại dột mà thương và kéo em trở lại con đường ngay ngõ thẳng, để rồi hôm nay em sắp trở thành một huynh trưởng tập sự của Gia Đình Phật Tử để tiếp tục cùng các anh chị trưởng dìu dắt đàn em. Nếu không vì lòng

 

bao dung tha thứ những lỗi lầm của Uyên và đưa em ra khỏi tổ chức thì biết đâu giờ này em đang là một người sống lang bạt giữa chợ đời!

5.

Tôi ngước mắt nhìn ra biển khơi, vẫn những con sóng bạc đầu đua nhau chạy vào bờ tạo ra những âm thanh ầm ì muôn thuở, biển vẫn một màu xanh ngắt như bao đời nay, nhưng hôm nay tôi thấy lòng mình rộn rã một niềm vui vì đã làm được một điều gì đó góp phần cảm hóa một con người. Từ khi Uyên trở lại một đứa học sinh chăm ngoan, một đoàn sinh tinh cần em cũng dần dần trở thành học sinh giỏi và sau khi hoàn tất chương trình trung học em thi vào đại học Sư Phạm và cũng từ đó em từ giã đại gia đình áo lam để bước chân vào đời…

Hôm nay chùa tôi lại rộn ràng nao nức đón mừng Phật đản, mấy ngày nay khuôn viên chùa lúc nào cũng tấp nập, mấy bác đạo hữu, mấy anh chị huynh trưởng thiết trí lễ đài, làm sân khấu chuẩn bị đêm văn nghệ cúng dường ngày Đức bổn sư Thích-ca thị hiện đản sanh. Hôm nay cũng có rất nhiều em trước đây là đoàn sinh trong đơn vị những đã thôi sinh hoạt vì phải đi làm ăn xa, nay nhân ngày lễ Phật đản các em rủ nhau về cùng tham gia sinh hoạt với đơn vị.

Trong khi tôi đang ngồi soạn lại chương trình văn nghệ tối nay thì các em cũng tụ tập gần đó trò chuyện, hỏi thăm nhau cùng cười nói vui vẻ, có mấy bác đạo hữu cũng đến hỏi thăm mấy em. Khi được một bác đạo hữu già hỏi thăm Uyên về công việc làm ăn và khen em dù xa xôi thế mà cũng trở về cùng mấy anh chị tổ chức lễ Phật đản, tôi nghe tiếng Uyên trả lời

  • Dạ, cháu trưởng thành dưới mái ấm Gia Đình Phật Tử nên bây giờ đi đâu, làm gì cháu cũng luôn nhớ ngôi chùa làng và mấy anh chị đã giúp cho cháu trưởng thành.

 

Ngày xưa nhà cháu chỉ có mẹ lại vất vả công việc để nuôi hai chị em cháu không có thì giờ để dạy dỗ gì nhiều. Cháu nhờ học hỏi ở Gia Đình Phật Tử và mấy anh chị huynh trưởng đã thương mến dìu dắt cháu từ những ngày còn bé nên làm sao cháu quên được, những gì cháu có ngày hôm nay một phần là công sức của quý anh chị huynh trưởng đó. Tôi nghe những lời Uyên trả lời mấy bác mà thấy ấm lòng. Quả thực trong mấy mươi năm thực hành hạnh nguyện và sứ mệnh của huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, trực tiếp chứng kiến nhiều thế hệ đoàn sinh được mình đào tạo ra đi mà không trở lại nhiều khi cũng thấy chạnh lòng. Có anh chị đã nói rằng mình đào tạo cho lắm nhưng rồi không bao nhiêu người trụ lại được trong tổ chức và rất nhiều em đã rời gia đình áo lam bước chân vào đời là mất hút luôn. Nhưng tôi đã nghĩ rằng thực ra công sức mình hướng dẫn, đào tạo các em không mất đi đâu hết, các em đã được gieo chủng từ bồ-đề vào tâm thức thì khi bước chân vào đời nếu em nào có điều kiện trở lại với tổ chức để tiếp tục cuộc hành trình tu tập trong màu áo lam thì đó là niềm vui lớn, nếu không thì các em cũng đem những giáo lý Phật-đà đã huân tập để sống đạo giữa cuộc đời. Đó là nhân lành và quả ngọt của những người dấn thân phụng sự lý tưởng, phụng sự đạo pháp rồi vậy!

6.

Từ câu chuyện của Uyên tôi đã rút ra cho mình một bài học: Hãy mở lòng ra để cảm nhận, yêu thương và tha thứ những lỗi lầm của người khác, Cái NHÂN LÀNH từ trái tim yêu thương được ban ra ta sẽ nhận lại những QUẢ NGỌT cũng từ những trái tim thương yêu đáp lại.

Tâm Lễ Nguyễn Ngọc Luật

(Huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm