5. Trái Tim Người Mẹ
Phong Cầm
Trời cuối thu, vài chiếc lá bồ đề chuyển vàng khẽ khàng rơi xuống, dường như trước lúc đáp xuống cũng chẳng
nỡ làm ồn khung cảnh thanh tịnh trong chùa nên la đà đung đưa giữa thinh không rồi mới chậm chạp đặt mình xuống nền đất. Chú tiểu đang quét sân, thấy nó nằm trúng nơi chú đã quét xong cũng chẳng lấy làm muộn phiền, cười nhẹ rồi quét tiếp.
Ngôi chùa nhỏ nằm trong ngõ phố chợt thanh bình lạ giữa những ồn ào xe cộ ngoài kia. Mái chùa cong phủ màu bụi mờ thời gian lại càng tôn thêm dáng vẻ cổ kính, linh thiêng.
Bà Lan là khách quen của ngôi chùa này, thường thường cuối tuần luôn dành thời gian tới ăn chay niệm Phật. Chẳng hiểu tự lúc nào, bà đã quá mệt mỏi chán chường với công việc, cuộc sống nhiều điều không như ý cũng chẳng thể tâm sự cùng ai, chỉ khi quỳ dưới chân Đức Phật, niệm chú đại bi lòng bà mới có đôi chút bình yên. Thầy trụ trì ngôi chùa đã chẳng xa lạ với bà, vị Phật tử vừa chăm đi lễ chùa vừa có lòng bác ái. Thầy cũng biết đôi chút về gia đình bà Lan, vậy nên hôm nay thấy nét u sầu vương trên mặt vị khách quý, thầy cũng không ngần ngại tới hỏi:
“Con bé Chi lại ương bướng khiến cô phiền lòng rồi à? Nó còn nhỏ, cô hẵng từ từ dạy bảo, đừng vội quá.”
Bà Lan thở dài, nhịn không được mà khóc lớn:
“Chi bị tai nạn tháng trước thầy ơi, tới giờ không tỉnh. Con tới xin Đức Phật từ bi rủ lòng thương xót cho con bé ở bên con lành lặn, vui vẻ như trước đây thì nó thế nào cũng được,” rồi không cầm lòng bà khóc lên.
“Như trước đây” trong lời bà Lan, thầy trụ trì tự hiểu là dù nó có ngang bướng hay cãi lời bà thế nào cũng được, ít nhất còn khỏe mạnh. Nhắc tới đời tư, bà Lan là người phụ nữ tài giỏi, sau khi li hôn chồng cứ ở vậy nuôi con. Một mình bà lăn lộn sớm khuya buôn bán xây được nhà cao cửa rộng, cho con cái không thiếu thốn điều gì cũng là điều nhiều đấng mày râu phải phục. Nhưng cuộc đời luôn như vậy, cho ta thứ này lại lấy mất thứ khác, không toàn vẹn như ý.
Bé Chi càng lớn lại càng hay cãi lời, cũng do bà Lan bận bịu làm lụng không có thời gian bên con cái nhiều, sớm lúc con chưa dậy thì bà đã đi làm, tối chuẩn bị ngủ mới thấy tiếng xe lọc cọc dắt vào cổng kèm tiếng cằn nhằn nhà cửa bừa bộn, mãi rồi bé Chi cũng quen. Mới đầu, nó khoe điểm tốt, giấy khen cũng chỉ nhận được cái xoa đầu khen con giỏi lắm, nó điểm kém, cãi nhau với bạn phải mời phụ huynh, mẹ nó cũng không nóng không lạnh bảo nó lần sau đừng có làm vậy, tuyệt không hỏi thêm gì. Tới tuổi mười lăm mười sáu biết điệu đà, bé Chi cũng dần biết yêu. Bà Lan cũng không phải thờ ơ với con quá, nên chuyện yêu đương của con bé nhanh chóng bị bà biết được. Bà cố ý tìm hiểu xem cậu trai qua lại với con mình thì thấy phong cách nhố nhăng không thể ưa thích nổi. Bà biết thế hệ khác nhau sẽ có những yêu thích, thẩm mỹ khác nhau, nhưng bà không cách nào chấp nhận được một người không lịch sự, không tôn trọng người lớn như thế. Bà Lan nhớ lại lần gặp riêng cậu ta tại quán nước để nói chuyện, cậu trai mặc quần áo có đoạn rách rưới lộ vẻ ngỗ nghịch, tai mũi xỏ vài chiếc khuyên, chân ngồi bành ra hút thuốc phì phèo cũng chẳng biết chào hỏi trước. Sau khi biết bà là mẹ của người yêu, cậu ta nhếch mép cười:
“Cô gặp cháu làm gì,” nói với âm sắc cao, như nói với đứa bạn cùng lứa.
Bà Lan không vui nhưng cũng lịch sự, cười lấy lòng hỏi: “Cháu với Chi nhà cô qua lại bao lâu rồi, hai đứa quen nhau
thế nào? Cháu nhà…”
“Thôi thôi, cô định tra khảo cháu đấy à? Con cô cô quản được chưa mà đòi quản cháu. Với lại, nay cháu yêu con Chi, mai lỡ cháu chán thì cháu lại yêu con khác thôi, hỏi kỹ mà làm gì. Đúng là rách việc.” Nói đoạn húp hết cốc nước rồi bỏ đi trước.
Bà Lan nuốt câu nói dở dang vào bụng, trong thâm tâm không thể hiểu nổi con gái bà ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà có thể thích người con trai thế này.
Với việc yêu sớm, một phần vì luôn thèm khát cảm giác được quan tâm từ trong sâu thẳm mà chính nó cũng không nhận ra. Gặp người con trai đưa đón, luôn có mặt mỗi khi nó cần tới khiến trái tim mới lớn của Chi cảm nhận được những ấm áp chưa từng có. Sau khi gia đình nó chia đôi, bố cùng người phụ nữ khác - người mà nó căm ghét vô tận, bỏ đi cũng chưa từng về thăm hỏi nó một lần. Chi yêu cậu trai hư hỏng ấy, hoặc là yêu cảm giác được quan tâm, cô bé không rõ. Người trong cuộc luôn không tinh tường, mẹ càng cấm cản nói về người yêu khó nghe, Chi lại càng thấy ghét mẹ.
“Mẹ cấm con yêu đương với cái thằng mất dạy ấy. Tập trung vào học hành. Mày xem nó lêu lổng suốt ngày có làm gì đâu mà mày cứ đâm đầu vào cái ngữ đấy hả con’’.
“Mẹ biết gì về anh ấy chưa mà mẹ nói. Nếu mẹ nhìn người tốt như thế thì sao ngày xưa còn lấy ông ta?”. Chi cãi lại, không thể thiếu những từ ngữ như xát muối vào người mẹ.
Cứ cãi lộn nhiều lần như vậy cho tới một ngày bà Lan không kiềm chế được cơn giận mà hét vào mặt con: “Tao mà còn thấy mày qua lại với thằng đấy thì đừng về cái nhà này nữa”. Có ai
ngờ, Chi bỏ nhà đi thật. Ngay cái đêm ấy, cậu trai dẫn Chi đi đua xe, bao lần phi xe ở tốc độ cao nhất để kiếm tiền cá độ, tiếng nẹt bô xe phá phố phường, hắn từng khoe mẽ với Chi chiến tích cắt đuôi đội 141 thế nào nhưng đêm đó thật chẳng may hắn mất tự chủ tay lái, phi xe xuống bờ đê. Chính hắn bò dậy được, chân tay trầy xước nhưng vẫn cập kễnh bước đi. Nhìn chiếc xe cách đấy mấy chục mét, Chi nằm trong vũng máu ngất lịm không xa, hắn chửi thề “đúng là dẫn theo đàn bà xui xẻo hỏng cả việc”, rồi vứt bỏ Chi nằm đó, tự hắn cà nhắc dắt xe lẩn vào trong màn đêm.
Bà Lan hay tin con gặp nạn, vừa đau đớn vừa ân hận, nhất là khi nghe bác sĩ nói rằng bé Chi rơi vào trạng thái thực vật. Người đàn bà tội nghiệp khóc rống giữa hành lang bệnh viện, giờ chẳng có ai để bà có thể dựa vào, an ủi bà, bà còn mỗi đứa con, nếu nó mất chắc bà chẳng còn thiết sống. Mỗi ngày bà lau rửa cơ thể cho con gái, bóp chân tay trị liệu cho cơ khớp không bị teo, nói những chuyện vụn vặt cuộc sống, vừa kể mà giọng bà nghẹn lại, nước mắt cứ chảy ra rồi vẫn phải gắng gượng chăm sóc con hỗ trợ điều trị. Bà Lan siết chặt chuỗi hạt có tượng Quan Âm trong tay mà cầu nguyện, giờ đây chỉ có đức tin mới an ủi bà, khích lệ bà mạnh mẽ hơn.
Đã hơn tháng nay, bà vừa tranh thủ buôn bán để duy trì cuộc sống và trả viện phí cho con. Trưa và tối lại tranh thủ chạy vào bệnh viện chăm sóc con bé. Gương mặt bà vì thế cũng tiều tụy, hốc hác thấy rõ. Thầy trụ trì nghe câu chuyện cũng không khỏi trùng lòng xuống.
“Mọi việc sẽ ổn thôi, cô đừng suy nghĩ quá nhiều, giữ gìn sức khỏe và tinh thần, giờ cô là người duy nhất để con bé nương nhờ, nếu cô gục ngã trước thì con bé biết đi đâu về đâu. Thầy tin rằng nếu cô giữ vững niềm tin, tụng kinh niệm Phật thì con bé sẽ sớm vượt qua kiếp nạn này.” Lúc này, thầy cũng chỉ có thế giúp bà Lan giữ tâm thanh tịnh lại.
Bà Lan thành khẩn quỳ xuống trước bàn thờ Phật, nhắm mắt
lẩm nhẩm đọc kinh mà bà đã thuộc lòng từ lâu, một lòng cầu cho con gái mau tỉnh, cầu cho mọi người bình an.
***
Chi nằm trong bệnh viện, ý thức rệu rã dần dần thanh tỉnh hơn. Cô bé muốn cử động tay chân nhưng cơ thể dường như không theo ý muốn, cứ nặng nề không thể điều khiển được. Trước mắt luôn ở một mảnh đen xì, không rõ ngày tháng, không thấy hình ảnh, Chi cảm thấy nếu bản thân không nghe được tiếng mẹ nói thì mình chắc chắn sẽ không thể chịu nổi. Tiếng mẹ nhẹ nhàng vang trong đêm, toàn những chuyện trước kia nó chẳng thích nghe: “Hôm nay có cô bé học sinh trạc tuổi con đi mua cam, con bé chẳng biết cam sành là cam gì, có điểm ngốc nghếch y như con vậy”; “Con có chỗ nào mỏi không? Mẹ xoa bóp tay chân cho con rồi, móng chân con dài quá, mẹ cắt nhé”, “Chi của mẹ thật xinh đẹp”… Nếu là trước đây nó sẽ cảm thấy mẹ nhiều chuyện, còn giờ nó lại ước rằng được nghe tiếng của mẹ, những khoảng thời gian không có mẹ ở bên, chỉ nghe được mỗi âm thanh tít tít từ chiếc máy cạnh giường, đoán rằng đó là chiếc máy đo chỉ số cơ thể, báo hiệu cô vẫn còn sống. Thi thoảng, tiếng bàn tán của mấy cô y tá về tình trạng của mình, họ nói rằng xác suất tỉnh lại không cao, chi phí nằm viện nếu cứ kéo dài chắc cũng phải bán hết nhà cửa mới duy trì được. Ở trong không gian chật chội, tối tăm không có tương lai, nó chẳng biết là mình đã trải qua bao nhiêu thời gian, có hi vọng nào thoát khỏi căn phòng này không? Cảm giác bất lực, buồn bã, lo lắng luôn thường trực trong tâm trí Chi. Một buổi tối nọ, vẫn như thường lệ, mẹ tới dùng khăn ấm lau từng ngón tay gầy trắng của Chi, sau đó choàng vào cổ nó thứ gì đó rồi nói:
“Nay mẹ có đi chùa cầu bình an cho con, lúc về thầy Nhật Minh có gửi tặng con dây chuyền Phật. Mong Đức Phật sẽ bảo hộ con sớm khỏe lại.”
Giọng mẹ run run dường như kìm nén cảm xúc gì đó. Mẹ
lại nói chuyện với bác sĩ một chút, họ cổ vũ mẹ cố gắng. Một buổi tối bên mẹ cứ vậy lại trôi qua, hôm nay mẹ đọc cuốn “Gieo trồng hạnh phúc” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, có lẽ mọi sự ngoài kia không có quá nhiều chuyện vui để mẹ kể cho Chi nghe nữa rồi. Khi tất cả chìm vào yên lặng, Chi nghĩ có lẽ giờ là nửa đêm, nó ước giá như nhìn thấy một ngôi sao cho nó đỡ cô đơn cũng được. Đúng lúc ấy, nó nhìn thấy một khóm sen vàng nở rộ, một người đàn ông mặt mũi phúc hậu, có lẽ là ông Bụt trong truyền thuyết mà mẹ vẫn đọc cho nó nghe đấy ư. Ngài bước tới gần nó rồi hỏi: “Con có muốn nhìn thấy chuyện bên ngoài không? Ta sẽ giúp con.” Nó vội vã gật đầu đồng ý. Bông sen đưa nó bay ra ngoài căn phòng tối. Nó nhìn thấy chính mình đang nằm trên giường, dường như linh hồn nó được tự do hơn. Nó thấy mẹ đang nằm gục xuống cuối giường. Mẹ gầy đi nhiều quá, bỗng nó không kìm được nước mắt lăn dài trên gương mặt non nớt. Nó khẽ gọi “Mẹ!” rồi vuốt ve mái tóc xơ rối của mẹ.
Bốn giờ sáng, khi trời còn chưa rạng, mẹ đã vội tỉnh dậy, hôn lên ‘nó’, nói lời tạm biệt rồi vội đi ra khỏi bệnh viện. Có lẽ vì chẳng biết đi đâu, có lẽ vì linh hồn nó cảm thấy thật thoải mái khi theo mẹ nên mẹ đi đâu Chi theo đấy. Nó thấy mẹ chạy con xe máy cà tàng, nó nhớ rõ là xe của mẹ trước đây là xe tay ga đời mới, bỗng nó nghĩ tới viện phí của mình, hẳn là mẹ đã bán xe đi để trang trải, nó lại phát ra thứ cảm xúc màu hồng của tình yêu xen lẫn màu xám buồn bã. Nếu có thân hình của mình hẳn là mũi nó sẽ cay lên, nước mắt chực trào. Mẹ bê những thùng trái cây lớn từ xe tải cất hàng, bê một lèo vào trong gian ki ốt. Thùng trái cây mấy chục cân, nặng còng lưng mẹ nhưng đôi chân mẹ thoăn thoắt dường như đã quá quen với công việc này. Mùa thu thật kì lạ, buổi sáng còn mờ hơi sương, đi đường lạnh thấu ấy vậy mà tới trưa lại nóng hơn cả mùa hè, giữa chợ mẹ cân bán, phân loại, lúc vắng khách mẹ lại ngồi lau mồ hôi, đếm lại mớ tiền lẻ trong túi rồi thở dài một hơi: “Vẫn chưa đủ tiền thuê hộ lý chăm sóc cho con bé.” Thế là mẹ lại gắng cất lời chèo
kéo khách đi ngang: “Chị ơi, mua cam đi chị, nay cam ngọt lắm, lại mua em bán rẻ cho”; “Em ơi, đang có táo đá ngọt lắm, mua không em”. Mười một giờ, mẹ bắt đầu bê các thùng trái cây vào sâu trong gian ki ốt nhưng chưa vội đóng cửa. Nó thấy cô gì ở gian hàng bên cạnh ngó sang hỏi:
“Chị lại chuẩn bị vào bệnh viện đấy à.”
“Ừ, cố nốt tí nữa giờ này công nhân tan làm sẽ ghé qua chợ mua đồ. Mày trông hàng hộ chị tí chị đi mua nắm xôi nhé.”
Mẹ nói rồi tất tả chạy ra cách đấy mấy hàng mua hộp xôi không thịt không trứng năm ngàn, rồi lại chạy về nơi bày hàng ngồi ăn vội vã.
“Chị ngày nào cũng ăn thế sao đủ sức. Đây, cho chị bát bún, em nấu nhiều lắm ăn không hết chị ăn đi.”
“Thôi, cô để mà ăn, chị ăn này nó quen, thấy cũng ngon”
Người chối người đẩy một lúc thì mẹ cũng nhận bát bún, nói câu cảm ơn rồi tranh thủ ăn. Thì ra, mẹ đã luôn vất vả như vậy. Vất vả để kiếm được tiền lo cho bữa ăn,giấc ngủ của nó, mua cho nó những bộ váy đẹp nhất, luôn đáp ứng mỗi lần nó yêu cầu. Vậy mà, nó nhớ lại chính mình đã chỉ biết trách mẹ không quan tâm yêu thương nó, không giống những người mẹ khác sẽ tết tóc, làm đẹp cho con, dắt con đi dạo siêu thị, cùng nhau chụp ảnh đăng lên mạng xã hội khoe con gái. Các bạn nó luôn đăng hình cùng mẹ làm việc này việc kia khiến nó tủi thân nhiều lắm. Nó chưa từng nghĩ tới chuyện tìm hiểu công việc của mẹ, lúc đi làm về mệt chắc mẹ cũng từng mong được nó rót cho cốc nước, từng mong nó bóp vai khích lệ, từng mong nó nói ba chữ “Con yêu mẹ” hoặc là “Mẹ mệt không?”. Nếu được khỏe lại, điều đầu tiên nó làm đó là nói những điều đó với mẹ. Một câu nói dễ dàng, vào thời điểm dễ dàng để thực hiện nó lại bỏ lỡ, để giờ đây rất muốn nói ra thì không biết còn cơ hội nào không? Cơ hồ vào giây phút này nó không hề nghĩ tới người con trai mà vì hắn nó đã cãi nhau với mẹ, giận ghét mẹ. Hơn tháng nay nó
chưa từng thấy hắn tới thăm, nó cũng không tự hỏi tại sao bởi đột nhiên nó tỉnh táo kì lạ, như một kẻ ngoài cuộc nhìn vào quá khứ, phân tích được bản chất cuộc tình này chỉ là sự ăn mày tình thương đớn hèn từ nó. Chi chẳng trách hắn, chỉ trách mình sao cứ cố làm chuyện ngốc nghếch để đối đầu với mẹ, làm mẹ tức.
***
Bà Lan đi xe trên đường không may gặp phải chiếc xe từ trong ngõ hẻm đi ra với tốc độ rất nhanh. Bà Lan phanh xe gấp, chiếc xe cũ phanh lốp đã sờn khiến xe trượt đổ, bà ngã ra, đầu óc đập xuống đường choáng váng mất một lúc, dưới sự giúp đỡ của người qua đường bà mới ngồi dậy được. Mọi người dồn dập hỏi bà có sao không, máu đã chảy thấm ra ngoài chiếc quần đã thủng một lỗ to. Bà hoàn hồn, nghĩ tới bé Chi bơ vơ trong bệnh viện, chắc con bé cô đơn lắm, bà liền vội vã nói không sao, cảm ơn mọi người rồi tập tễnh lên xe đi tiếp. Tối đó, Chi lơ lửng nhìn mẹ ngủ thiếp dưới giường bệnh, dường như giấc ngủ không yên ổn như mọi khi, mẹ thở khò khè, mặt đỏ rực, hình như mẹ sốt rồi. Nó hét lên gọi mọi người tới cứu mẹ nhưng chẳng ai nghe thấy.
Thì ra, tuyệt vọng nhất không phải là cái chết, không phải là mất đi của cải, tình yêu, mà là nhìn thấy người thân yêu nhất gặp nguy hiểm mà chẳng thể làm gì cả.
“Con có muốn trở về thân xác mình và giúp đỡ mẹ con không?”
Một giọng nói hiền từ vang lên, nó ngước mắt nhìn thấy ông Bụt tọa ngôi sen ở đó. Nó quỳ xuống, một lòng thành tâm muốn đền đáp ơn dưỡng dục của mẹ, một lòng hướng thiện mong được trở thành con người hữu ích ngày sau mà đáp: “Kính lạy Đức Phật, cầu xin Ngài cho con cơ hội”.
Ngài mỉm cười trìu mến, đôi mắt như nhìn thấu tất cả mọi sự trên thế gian, khẽ phẩy tay một cái, Chi chỉ thấy linh hồn mình lại nhẹ bẫng, bay lên rồi nhập làm một với thân thể, từ đó, bóng tối lại bao quanh. Dường như một giấc ngủ dài trôi qua, Chi khẽ
động tay, mí mắt nặng trĩu mở ra, tiếng mẹ hô lên: “Bác sĩ ơi, bác sĩ, con bé tỉnh rồi”, bàn tay mẹ siết chặt tay nó. Chi nhớ rõ dáng vẻ ngày hôm qua của mẹ đang bệnh chẳng ai chăm sóc, hôm nay đã khỏe hơn, mái tóc dường như bạc thêm nhiều sợi. Nó mấp máy đôi môi gọi “Mẹ”.
Bà Lan nước mắt chảy dài, bao nhiêu đêm cầu xin Đức Phật phù hộ rốt cục Người đã thương xót bà. Bà chắp tay cảm tạ Ngài.
Sau khi tỉnh lại, sức khỏe Chi nhanh chóng hồi phục rồi xuất viện, ai quen biết bà Lan hiền lành chịu khó đều mừng cho bà vì từ lúc xuất viện, Chi dường như thành một con người khác, con bé ngoan ngoãn, phụ giúp mẹ, luôn chào hỏi mọi người, cuối tuần còn cùng mẹ đi bái lễ Phật. Chi cũng biết được nó không phải tỉnh lại vào ngay hôm ấy mà tận ba tháng sau, hôm mẹ bị ốm sốt, thật may mắn thầy Nhật Minh cùng vài vị Phật tử quen biết mẹ không yên tâm nên tới thăm, biết được hai mẹ con gặp nhiều khó khăn đã thay nhau chăm sóc cho Chi, ở bên động viên mẹ rất nhiều. Không gì bằng những cánh tay ôm nhau lúc hoạn nạn, cũng bởi là duyên lành bà Lan đã từng gieo.
Thầy Nhật Minh nhìn bé Lan theo mẹ tới chùa trong bộ áo nâu thêu hoa sen, thầy cũng vui vẻ hỏi thăm nó:
“Chi dạo này chăm đi lễ với mẹ ghê.” Chi đáp lời:
“Bạch thầy, con đã may mắn gặp kì ngộ. Có lẽ thật khó tin, nhưng Ngài đã mở tâm trí cho con thấy rõ những điều con từng ngu muội. Giờ con là đứa con của Ngài, con hứa sẽ làm nhiều việc thiện, gieo duyên lành từ đây để xứng với cơ hội mà Đức Phật đã trao cho con”.
Quả nhiên từ ngày ấy con bé tham gia các khóa tu, tranh thủ những ngày không học tới chùa nghe thầy giảng kinh, không những thế còn tới nơi những người già neo đơn chăm sóc, đọc sách cho các cụ già nghe. Nhìn bé Chi chăm sóc em nhỏ bị bỏ rơi
như những đứa em trong nhà đến bà Lan cũng ngạc nhiên lắm. Bà không khỏi cảm thán những lời thầy Nhật Minh từng nói với bà trước đây: “Trong họa biết đâu gặp phúc, mong bà luôn giữ cái tâm lương thiện rồi cũng sẽ được Phật tổ xót thương”.
Thế sự vô thường, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn tin tưởng vào ngày mai, hướng về phía ánh sáng.
Phong Cầm
(Hải Hậu, Nam Định, Việt Nam.)