4. Tâm Sự Mùa Đông
Thích Nữ Vạn Hiếu
10/03/2022
Đài Loan, một buổi sáng an yên, tôi đang nhìn cảnh vật bên ngoài qua không gian nhỏ bé của khung cửa sổ.
Ngoài sân, trời đang mưa và những giọt nước đang chảy thành dòng vào lòng đất. Tôi bắt đầu nghe thoang thoảng hương của mùa đông đang len trong gió, mùa đông làm ta cảm nhận rõ sự hiện diện của những miền băng giá trong tâm hồn, mùa của màu hạnh phúc và của nỗi buồn, của từng cơn gió lạnh, thổi tung bay chiếc khăn choàng ấm áp và nỗi cô đơn của một lữ khách xa xứ.
Ngày còn bé tôi thường hay xem phim, tôi thấy phong cảnh trong phim đep mê lòng người, cứ ngỡ chỉ có trong các câu chuyện cổ tích. Khi bước chân qua vùng đảo nhỏ xinh đẹp này, tôi biết mình không phải đang mơ, mà đó là một sự thật. Phật học viện tôi ở, được bao quanh bởi những cánh đồng hoa sặc sỡ đủ màu sắc. Chiều chiều, còn gì thú vị hơn khi thong thả dạo quanh các ngõ nhỏ, lắng nghe gió hát bản tình ca mùa Đông, và ngước đôi mắt lên, đếm từng chiếc lá vàng cuối cùng của mùa Thu còn sót lại, ngắm nhìn những lộc non bắt đầu đâm chồi xanh. Có những ngày rảo bước một mình cảm giác thật lãng mạn và ngồi giữa cánh đồng hoa trên khe các con đê hưởng thụ chiếc bánh nóng, cắn từng miếng thật nhẹ để cảm nhận vị nóng
thấm vào đầu lưỡi, làm ấm cho cái bụng đang biểu tình giữa cơn gió lạnh buốt. Còn gì hạnh phúc hơn, khi các Sư Thầy cũng đi dạo, thế là người cầm sáo, người cầm đàn và đàn cho tôi nghe những bản nhạc không lời đầy lãng mạn của đất nước các bạn. Những cuộc gặp gỡ không hẹn mà gặp, nó khiến tôi cảm thấy cuộc đời này thật đáng sống, thật đẹp, cho dù phái trước còn biết bao phong ba bão tố trước mắt, chỉ như vậy thôi tôi đã cảm thấy ấm lòng người xa xứ.
Có lẽ tôi yêu mùa Đông, bởi cảm giác lạnh lẽo và ấm áp xen lẫn nhau trong từng dòng cảm xúc mà chỉ Đông về mới có thể cảm nhận thật rõ rệt và sâu sắc trong chính tâm hồn của tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao? cứ mỗi mùa Đông về tôi hay buồn, những nỗi buồn mênh mang vô hạn, những nỗi buồn bâng khuâng chẳng biết từ đâu đến. Hay chính cái lạnh đã thổi nỗi buồn vào sâu trong trái tim tôi, để tôi hay suy tư về một nỗi niềm mỏng manh mà chỉ mùa Đông mới cảm nhận hết được. Cái lạnh làm mỗi người sống chậm rãi hơn đôi chút, và đôi khi giống như đi chậm lại quãng đường, mỗi người lại cảm thấy thêm vững tâm, chắc chắn hơn về cuộc sống này. Mùa Đông giúp tôi cảm nhận rõ về từng ngóc ngách tâm hồn của mình mà bấy lâu nay tôi bỏ quên hay mùa Đông đã giúp tôi hâm nóng lại những miền ký ức của tuổi thơ.
Mùa Đông của một chú tiểu.
Năm 2005, tôi theo đám bạn trong xóm đi đến chùa chơi, tuổi thơ tôi cũng không hiểu gì về chùa hay giáo lý nhà Phật, tôi chỉ thường coi phim kiếm hiệp và biết các Sư phụ ở chùa có phép thần thông, tôi cũng muốn có phép thần thông bay lên trời, muốn được học giỏi để không bị ai chê cười. Suy nghĩ của một đứa trẻ trong tôi cứ vậy được hình thành và cho đến mùa hạ năm 2006 tôi đã chính thức được xuống tóc xuất gia. Với cái tuổi còn bé tí, không hiểu gì về con đường xuất gia, nhưng tôi biết tôi phải ngoan không được làm ba mẹ buồn, phải chăm học, chăm tu Sư phụ mới cho tôi gặp ba mẹ. Con đường trở thành chú tiểu
không chỉ có màu xanh, mà con đường ấy là một quá trình đầy gian khổ đối với những đứa trẻ chỉ biết ăn, ngủ và học như tôi. Tôi được huấn luyện qua các thời khóa thức khuya dậy sớm, cốc cốc keng keng lại vội xếp hang cầm chén đi ăn, ăn xong lại kinh hành niệm Phật để niệm ơn đàn na tín thí, tụng Kinh bái sám không vắng một thời nào. Thời đó, những ý nghĩ của một chú tiểu như tôi rất đơn giản, thích được đánh chuông, gõ mỏ, thích được thuộc Kinh như Sư phụ, thích được nấu ăn ngon như Sư chú, thích được đắp lên mình chiếc vàng y mà Sư phụ và Sư chú rất trân quý. Sư phụ tôi và Sư chú cũng rất hiểu tâm lý của mỗi đứa trẻ như chúng tôi, rất thích bánh kẹo, chính vì thế cứ mỗi ngày Sư Phụ và Sư Chú sẽ giao cho tôi phải học thuộc 10 câu Chú Lăng Nghiêm thì Sư phụ cho tiền chạy xuống xóm mua một que kem, còn nếu bữa nào không học thuộc tôi sẽ bị quỳ hương, vừa quỳ vừa học bài, nhưng động lực khiến tôi không bao giờ muốn quỳ hương vì tôi còn có bốn người bạn cùng xóm cũng xuất gia chung với tôi, tôi sợ tôi sẽ bị các bạn chê cười, sợ Sư phụ gọi ba mẹ vào mắng vốn tôi không ngoan và cứ thế tôi không bao giờ muốn sai phạm.
Dần dà theo năm tháng, tôi cũng không còn ngoan ngoãn như ban đầu nữa, tôi còn nhớ khi còn là một chú tiểu tôi cũng lì lắm, lúc nào cũng làm đầu đàn dẫn mấy huynh đi hái trộm trái cây đầu mùa. Trên mảnh đất Ban Mê đầy nắng và đầy gió, cái nắng và cái gió không mang tên mà nó mang một vẻ hoang dại đặc trưng của vùng miền, mảnh đất bazan đầy hoa màu, bông trái. Nơi tôi xuất gia là một Tịnh Thất trồng toàn sầu riêng, chôm chôm, cà phê, và một vài loại cây xen kẽ đủ loại như mít, ổi, xoài, măng cụt, sơ ri và nhiều loại trái cây khác. Tôi còn nhớ như in, cứ trái cây đầu mùa Sư phụ và Sư chú tôi dặn: “Các con không được hái, vì trái đầu mùa phải dành cúng Phật.” Tôi thấy có bảy cây chôm chôm chín vàng ươm, thậm chí là xà xuống mặt đất vậy mà vẫn chưa được ăn, thế là trưa sau giờ ăn, tôi rủ mấy huynh đệ đi khóa cổng và chia mỗi người một gốc cây, hái
ăn xong chúng tôi lấp vỏ lại leo lên giường ngủ. Nhưng làm sao qua mắt được Sư Phụ và Sư Chú, thế là hỏi ra đứa đầu đàn như tôi sẽ bị phạt nặng hơn các bạn khác, Sư Phụ và Sư Chú cũng không quên dạy chúng tôi rằng: “Dù lá cây cọng cỏ người khác chưa cho vẫn không được lấy, huống hồ các con ăn trộm và nói dối, lần này tha lần sau là Sư Phụ gọi ba mẹ nghe chưa?” Dạ và vâng vậy đấy, nhưng với tính khí của một đứa trẻ hơi hiếu kỳ như tôi thì không thể nào lại ở yên.
Lần sau tôi chú ý có một cây xoài Ấn Độ ra 3 trái đầu tiên to lắm, có một trái nó bị cuốn trên tán lá không ai thấy, nó vừa xanh vừa đỏ lửa, tôi thấy nó đẹp lắm ước gì được ăn ngay và liền. Thế là tôi lén bẻ một trái, ngồi dưới gốc cây ăn ngon lành, tận hưởng trời đất thật trong xanh, ăn hết xong phi tan vật chứng, lần này thì Sư Phụ và Sư Chú tôi không biết. Nhưng có một điều khiến tôi rất hối hận, vì Sư Phụ tôi đã dặn “Trái cây lần đầu mới ra các con không được hái, vì các con hái thì những lứa sau trái sẽ bị nứt,” mà đúng thiệt ý như rằng tôi cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng cứ đến mấy mùa sau trái nào ra thì sẽ bị nứt ra và bị thối. Tôi cảm thấy tôi đã sai, tôi thương tiếc cho cây xoài, tôi thương tiếc cho công sức của Sư Phụ và Sư Chú bỏ ra vun bón và chăm sóc, nhưng chỉ vì sự tinh nghịch của một đứa như tôi mà cây xoài ấy sau này đã bị chặt bỏ để thay một cây mới.
Năm dài tháng rộng cứ thế trôi qua bao mùa mưa nắng và dể lại trong lòng tôi những mùa Đông buốt giá, khắc nghiệt. Gió mùa tràn về cũng là lúc báo hiệu mùa đông đã đến, khung trời ảm đạm không còn trong xanh và những đám mây lững lờ trôi biến mất thay vào đó là một màu xám xịt. Cái lạnh khắc nghiệt và đường phố cũng ít sinh động hơn thường lệ. Làn gió mang theo hơi khô lạnh làm thời tiết hanh hao hơn. Tôi rất nhớ cái cảm giác đi học thêm trong đêm tối, với con đường im ắng, vắng lặng, hòa quyện mùa hoa sữa thơm thơm bên ven đường. Vì được ăn học trên thành phố, nên tôi càng phải phấn đấu bằng các bạn, tôi là một chú tiểu có trái tim không an phận, chính cái
không an phận như thế nên tôi cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn. Lên đến lớp 8, tôi được bồi dưỡng thi học sinh giỏi Văn cấp trường, Hóa cấp thành phố, và Lịch sử cấp Tỉnh. Lúc này Sư Phụ tôi cũng đầu tư cho tôi ăn học, nhưng tôi cảm thấy rất cô đơn, vì lúc này Sư Phụ tôi đã có một ngôi chùa mới, các huynh đệ cũng theo Sư Phụ, chỉ riêng tôi xin ở lại với Sư Chú, vài tháng sau Sư Chú tôi cũng bắt đầu đi học Trung cấp Phật Học, thế là tịnh thất chỉ có một mình tôi.
Cũng con đường hằng ngày đi học, tối lại đạp chiếc xe đạp cọt kẹt đi qua khắp nẻo đường trong thành phố, trong ký ức của tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh của một cụ bà bán bánh ngay còn đường Lê Qúy Đôn gần trường học của tôi.
Bà rất quý chú tiểu như tôi, ngày ngày bà đều thấy tôi đi học về một mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vào mùa Đông bà thường chiên chuối chiên để bán và lúc nào bà cũng canh gần 20h30 bà sẽ gói cho tôi những miếng bánh chuối chiên nóng thơm ngon, dạo quanh thành phố, bụng thì đói mà gió thổi vù vù bên tai thì còn gì vui hơn là một miếng bánh chuối nóng. Đây cũng là món bánh chuối đi theo suốt cuộc đời một chú tiểu như tôi khiến tôi nhớ da diết nhất, món bánh chuối làm tôi gợi nhớ mùa Đông êm đẹp của quê hương, ăn kem lạnh mùa Đông để cảm nhận giá trị của sự ấm áp, thật sự không có gì hạnh phúc bằng. Đôi lúc tôi tự hỏi bản thân, bà già rồi bà không lạnh sao ta? Ban ngày thì dưới cái nắng chói chan bà bán từng viên kẹo, từng ly nước, tối đến trong màn sương đêm giá lạnh bà phải vất vả chiên từng miếng bánh chuối, mặt mũi thì lem lút tôi thấy thương bà vô cùng. Nhưng tôi biết, cũng chính vì cuộc sống mưu sinh bà còn trách nhiệm với con cái, với gia đình thân yêu của bà, ngay lúc này tôi bất giác nhận ra một điều, mùa Đông của những người nghèo là những mùa Đông cơ cực, nhấp nhô, gian nan, lo âu và tuyệt vọng. Nhưng bà vẫn chọn làm, vì bà nhìn thấy gập ghềnh phía sau con đường bằng phẳng lo âu, phía sau của sư phấn đấu, phía sau của sự tuyệt vọng là hy vọng. Phía sau bà không một bóng
người nên bà không dám ngã xuống, vì bà biết có tiền mới có sức lực, có tiền mới có tôn nghiêm, có tiền mới có khả năng tạo ra cuốc sống vô cùng tươi đẹp.
Ký ức về mùa Đông xa xưa ấy đôi khi vẫn hiện hữu, rõ nét và đầy đủ. Thỉnh thoảng tôi vẫn còn cảm nhận được hơi thở của mùa đông ấy, mùa hoa sữa ấy, mùa đông mà tôi từng rất yêu thương, mùa đông mà tôi thực sự cảm nhận được một chiếc bánh chuối nóng có ý nghĩa thế nào? Một chiếc bánh chuối là đủ để sưởi ấm cả một mùa đông, sưởi ấm một tâm hồn, một trái tim của một cụ gìa và một đứa trẻ như tôi. Tôi luôn cảm thấy biết ơn bà, tôi luôn tự nhủ với lòng sau này nếu tôi có trở thành một vị Sư cô thì tôi cũng sẽ quay lại hỏi thăm và trả ơn bà đối với tấm lòng của một vị Sư cô như tôi. Ấy thế, nhưng tôi vẫn chưa một lần quay lại để nói lời cảm ơn đến bà.
Hằng ngày ngoài việc tụng kinh và tự nấu ăn, thêm phần học thế học, tôi phải tự trưởng thành trong tất cả mọi công việc. Cũng bắt đầu từ khi ở một mình tôi có thêm biệt danh “thần tiên tỷ tỷ.” Hằng ngày tôi đều bắt đầu công việc của một chú tiểu, tôi không dám làm sai lời Sư phụ dạy, mọi người trong xóm dần dần đã quen mắt với hình dáng một chú tiểu lặng lẽ đi học về, chào hỏi lễ phép và họ rất có thiện cảm với tôi. Thế là mỗi lần các cô chú đi công việc, đều gửi gắm các bạn nhỏ lên chỗ tôi. Tôi nấu ăn cho các bạn nhỏ ăn, dạy các bạn nhỏ phải siêng học, và hiếu kính ba mẹ, ban đầu chỉ một, hai đứa. Dần già về sau, các bạn mỗi ngày một đông, ba mẹ các bạn thấy các bạn nhỏ ngoan ngoãn, vâng lời thế là sự quý mến đối với một chú tiểu như tôi càng tăng gấp bội, cho dù họ là những người khác tôn giáo.
Mùa Đông của người trưởng thành.
Khi đang trong thời đại hoàng kim của cuộc đời, tôi có rất nhiều tham vọng. Tôi muốn được yêu thương nhiều hơn, muốn ăn các món ăn, thậm chí còn muốn trong chớp mắt có thể biến thành vầng trăng nửa sáng nửa tối trên bầu trời cao vòi vọi. Về
sau tôi mới hiểu rằng, cuộc sống là một quá trình trưởng thành, trưởng thành không đến từ việc chúng ta sống được bao nhiêu năm trên đời, tuổi tác sẽ không nói lên được nhiều điều về sự chín chắn trong con người ta. Trưởng thành đến từ cách sống, cách suy nghĩ, cách nhìn nhận sự vật, sự việc dưới góc độ của một người đủ trải nghiệm và được bộc lộ thông qua việc chúng ta đối xử với thế giới như thế nào, và tôi cũng không ngoại lệ, lúc này tôi bỗng nhận ra trong chính bản thân tôi mỗi ngày một già đi và tham vọng cũng dần bị mất đi.
Năm tôi chuyển cấp phổ thông, cũng là lúc tôi được Sư Phụ gửi tôi cho một vị Sư Phụ khác, bắt đầu từ đây tiếp xúc với cuộc sống mới, môi trường mới, và đặc biệt tôi phải đến một tỉnh thành xa khác, nơi không có gia đình, không có người thân. Lúc đó tôi chỉ biết là phải ngoan ngõan và tiếp tục làm quen với môi trường mới. Xuống môi trường mới này, tôi ý thức được nhiều hơn, tôi biết rằng tôi không còn là một đứa trẻ vui đùa một cách thỏa thích, tôi biết rằng tôi phải tự làm chủ cuộc đời của mình. Vì từ bé tôi là một chú tiểu rất được Sư phụ nuông chiêu, tôi quen với sự che chở mà không hề suy nghĩ bất cứ mọi việc gì trên đời. Ở với Sư Phụ mới, tôi bắt đầu làm quen dần với mảnh đất miền Trung, mảnh đất khô cằn không được ông trời ưu ái, luôn phải hứng chịu những trận bão lụt mưa lớn triền miên.
Tôi nhớ năm 2010, năm đầu tiên tôi đã được chào đón bởi cơn lũ lịch sử, chứng kiến bao nhiêu đồ bị ngập lụt bị lũ cuốn trôi, nước không có để uống, đồ ăn đều bị nước lũ nhấn chìm, điện thì không có, bao nhiêu nhà phải li tán, người chết, người người chỉ biết đứng nhìn những ngôi nhà nhấp nhô bị nước nhấm chìm- nơi duy nhất để người dân có thể bám trụ, thành quả lao động suốt mấy thắng trời cũng bị lũ cướp trắng mà lòng lại xót xa. Tôi và các Sư phụ trong chùa ai ai cũng sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, lo sợ làn da cũng xám đi vì ngậm mình trong nước để dọn đồ. Tôi thấy thương cho các cụ già, trẻ em nhiều hơn chính bản thân tôi nữa, có những đứa trẻ mới sinh
ra mới vài tháng, cơ thể như không còn chút sinh lực. Trận lũ đi qua để lại bao hoàn cảnh thương tâm. Nhưng cũng chính lúc này tôi chợt mới thấm thía câu tục ngữ mà tôi đã học từ bé “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.” Sau những trận lũ thương tâm, nó khơi dậy biết bao thiện tâm trong chính mỗi con người chúng ta. Tình nghĩa xóm làng, tình nghĩa chiến sĩ gắn bó hơn bao giờ hết. Chia sẻ cho nhau từng miếng gạo, từng hớp nước, bó rau, gói mì.
Tôi còn thấy cả, tình cảm đoàn kết, yêu thương sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn nhất. Cả đất nước cùng nhau hướng về miền Trung thân yêu, biết bao sự hy sinh và cống hiến thầm lặng, các tình cảm giữa người với người, lúc này cũng không còn phân biệt Bắc, Nam nữa, “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Hàng loạt hình ảnh mang đậm ý nghiã nhân văn sâu sắc của các tổ chức các nhân, tập thể, và chùa tôi cũng không ngoại lệ. Qúy Sư trong chùa tuy cũng rất cực và vất vả nhưng vẫn đồng hành miếng cơm manh áo cùng bà con, cùng bà con vượt qua hậu quả của bão lũ. Tôi từng nhớ, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết trong lời một bài hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Tấm lòng ấy chính là cửa sổ mang hương vị yêu thương, là cầu nối gắn kết tình cảm giữa con người với con người để sưởi ấm bao mảnh đời cơ cực.
Lúc này tôi dần nhận ra, trong cuộc sống không có gì là không thể cũng không có gì là tuyệt đối. Một điều quan trọng hơn cả đó là cách chúng ta sử dụng chính con người mình ra sao, sống sao cho có ích là quyền mà ai cũng có. Không chỉ sống có ích, chúng ta phải còn cần phải sống vui vẻ và hạnh phúc. Lựa chọn sống như thế nào đều là do chúng ta. Chúng ta nên hạn chế việc đổ thừa cho hoàn cảnh, cho số phận, cho cái này cái kia nếu bỗng một ngày, mọi việc xảy ra không như ý muốn. Đứng trước sơn phẫn nộ của ông trời, con người vẫn không có quyền lựa chọn. Nhưng khi chúng ta đối mặt với cuộc sống đầy dẫy những khó khăn thách thức sẽ khẳng định được mức độ trưởng thành của mỗi chúng ta.
Mất mát chính là cơ hội tốt để mỗi chúng ta nhìn lại sự tích lũy kinh nghiệm sống, trải qua quá trình đối diện với những sự mất mát đau thương, chấp nhận những thương tổn, rồi từ đó gượng dậy sau những đống tro tàn đổ nát. Cho ta ý thức được đời vốn là “Vô Thường,” cuộc sống vạn vật xung quanh ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có bất kỳ sự vật hiện tượng nào là tồn tại. Thành-Trụ-Dị
-Diệt chính là quy luật muôn thưở của vụ trụ, tài sản vô thường của chúng ta có thể mất vì nhiều nguyên nhân khác nhau, do thiên tai, hỏa hoạn, trộm cướp. Cũng như vậy, kiếp sống của một chúng sanh cũng vô thường Sanh-Lão-Bệnh-Tử, đó là một quy luật muôn thuở và cũng không ai có có thể chống đối lại được.
Đời người tuy dài mà lại ngắn, trăm năm qua đi chỉ như cơn gió thoảng, yêu ghét vui buồn, chức trọng quyền cao, cuối cùng cũng chẳng khác nào mây bay khói tỏa. Ý thức được vô thường giúp chúng ta sống không bám víu, sống với tâm bình thản trước những nghịch cảnh của cuộc đời, thấy được rõ bản chất của cuộc đời giúp ta tránh được trạng thái tuyệt vọng, chán nản ở hiện tại. Trên thực tế, chúng ta thấy rõ ràng là không ai vui hoài mà cũng không ai khổ hoài, cuộc sống của con người luôn là một chuỗi dài tiếp nối những niềm vui và nỗi buồn, đan xen giữa khổ đau và hạnh phúc. Tất cả đều lặng lẽ trôi qua, và tâm niệm chúng ta luôn luôn thay đổi, trong từng sát-na sinh diệt, khổ hay không còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân con người. Thực tế, sự vật, hiện tượng luôn thay đổi mà chúng ta tưởng là thường tại, chúng ta muốn nó không thay đổi, như muốn trẻ mãi không già và nhiều thứ tham muốn khác. Để rồi chúng ta nhận ra rằng càng mất mát nhiều, càng trải nghiệm nhiều những nỗi đau tâm hồn, chúng ta càng mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Thích Nữ Vạn Hiếu.
(Huyện Tuy Phước -tỉnh Bình Định)