Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 4 khong de tam thanh tinh long binh an 2

 

 

 

 

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ

 

Tên thật: Vĩnh Hữu, Pháp danh: Tâm Không

Bút danh: Tâm Không Vĩnh Hữu, Mãn Đường Hồng, Vĩnh Bò Cạp, Uất Kim Hương...

Sinh tại Nha Trang - Khánh Hoà.

Sở thích Viết văn Viết kịch - Viết báo (nhiều thể loại như: biếm hoạ, hí hoạ, thơ

trào phúng, tiểu phẩm châm biếm, phóng sự, bút ký, truyện ngắn…)

Hiện đang là Cộng tác viên của các Tiểu ban Văn Hoá, Hoằng Pháp và Thông tin Truyền thông trực thuộc Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Khánh Hòa, với nhiệm vụ hoằng pháp viên và thông tín viên tự nguyện.

 

Đạo Hữu Song Hành

 

Tác giả: Vĩnh Hữu Tâm Không

 

 

N

 

ăm 1988, khi ấy phụ thân tôi đã khuất bóng gần một năm, tôi  cùng  bào  đệ Vĩnh  Huy  hoàn  thành  xong

nhiệm vụ dọn dẹp bãi rác ô uế khổng lồ chiếm ngự nhiều nằm bên đường vào chùa Long Sơn, nơi đặt trụ sở Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Khánh Hoà nên còn được gọi là “Chùa Tỉnh Hội”, chuẩn bị mặt bằng trống trải để chư tăng tiến hành khai kiến một vườn hoa làm đẹp xứng tầm với chốn già lam nổi tiếng với kỳ quan Kim Thân Phật Tổ bên trên đỉnh đồi Trại Thuỷ sau ngôi chánh điện.

Suốt thời gian đó, ai ra vào chùa Long Sơn có nhìn thấy thì tưởng là anh em tôi làm công quả bòn phước, nhưng thật ra là quý thầy Minh Thông và Chơn Trí đã thương và tin cậy nên giao việc cho hai đứa con trai đang thất nghiệp của “Bà Tâm Tấn”, trả công thưởng lộc đầy đủ đàng hoàng, anh em tôi vừa có tiền để chi tiêu cà phê thuốc lá, ăn sáng suốt mấy tháng trời, vừa “đóng góp chút ít” để nhẹ bớt gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền cho người mẹ đã cao tuổi. Lớn to đầu hết rồi, mà đứa nào cũng bắt mẹ lo cho có miếng ăn dằn bụng con nhà nghèo, nhưng chưa bao giờ mẹ chúng tôi nhăn nhó la mắng, than vãn trách rầy khi nhìn thấy mấy đứa con lớn ầm của mình tụm đầu về một chỗ góc xó ở căn phòng ẩm thấp thiếu sáng, nằm đo chiếu đo nền

 

nhà cười đùa trò chuyện về những ước mơ giản dị trong tháng ngày thất nghiệp thê lương. Mẹ vẫn bình thản, xuất hiện với ánh mắt hiền từ độ lượng, rồi rời đi sau những lời nhẹ nhàng dỗ dành khuyên lơn như một vị Bồ tát vĩ đại. Anh em chúng tôi chỉ cần nhớ một điều mà cha mẹ đã dạy bảo nhắc nhở khi bước vào dòng đời nhiễu nhương nghiệt ngã với nhiều va chạm, đối chọi: luôn luôn hướng thiện, tuyệt đối không trở thành kẻ bất lương trộm đạo, lừa lọc gian manh, gạt trên dối dưới cho dù đang lâm cảnh đói khát bần cùng. Anh em chúng tôi chỉ cần giữ được như vậy thôi, thì nụ cười của mẹ cứ vẫn còn nở nhẹ trên môi, ánh mắt mẹ vẫn còn long lanh sự âu yếm dành cho các con.

Xong việc chùa, nhận tháng lương cuối cùng của quý thầy trao thưởng kèm với lời chúc may mắn trấn an, nghĩa là quay về lại với… thất nghiệp. Lo lắng lắm, chán ngán cái cảnh thất nghiệp nằm dài báo cơm mẹ lắm. Vậy rồi, nhân duyên đưa đẩy tới liền liền một người bạn của tôi, đúng ra là bạn đã ghé vào xem khu đất sẽ thành vườn hoa mà anh em tôi đang làm những ngày cuối, nay bạn quay lại gặp tận nhà, rủ anh em tôi đi làm… công nhân thuỷ lợi. Sức dài vai rộng, thanh niên trai tráng đã từng làm thuê cuốc mướn, từng cùng nhau vào tận nông trường cao su Thái Hiệp Thành ở Long Thành- Đồng Nai làm công nhân cực khổ cả năm trời, anh em tôi nào ngán sợ lao động tay chân, nên mừng vui lắm, thu xếp hành trang quần áo mùng mền lên đường ngay sau đó…

Có việc làm là có cơm ăn, có tiền chi tiêu, không phải bị thèm này khát kia khi tay trắng túi rỗng, khoảng trống lưng dài thất nghiệp đã được đắp ngay, nên tôi có nói nhỏ với em trai “Chư tôn hộ pháp sắp xếp cho tụi mình đó!”, nghe vậy Huy đồng tình đồng ý ngay, vì em tôi đã đồng hành cùng tôi trên các nẻo mưu sinh chông gai cay đăng của đường Đời, cũng như trên con đường Đạo từ khi em nó mới mười tám tuổi vừa tốt nghiệp cấp 3 trung học. Tôi và Huy gắn bó nhau như cặp bài trùng từ năm 1983, cùng “cày” để có bữa cơm no và manh áo lành, và

 

học đạo cùng thời điểm sống trong một mái nhà tranh vách đất ở gần chùa Long Quang vách đất mái tranh mà bào huynh của tôi lúc bấy giờ trụ trì với pháp danh Thích Tâm Quang. Anh em tôi đi đâu cũng có cặp, di chuyển bộ đôi, khóc cười no đói với nhau như hình với bóng, nên cũng coi nhau như một đồng đạo song hành. Đó là lợi thế, là biệt duyên đã giúp cho hai anh em tôi vượt qua được nhiều thử thách cam go, sau này trôi dạt tấp neo qua nhiều bến bờ gian truân sương gió từ Long Thành - Đồng Nai, Bến Đá -Vũng Tàu, Đức Trọng - Lâm Đồng, trở về chùa Long Sơn - Nha Trang, rồi chuẩn bị trôi dạt tiếp lên vùng đất Diên Khánh với nhãn hiệu mới là “công nhân thuỷ lợi”…

Hai anh em tôi gia nhập đội quân dẫn thuỷ nhập điền của Tổ Hợp Thuỷ Lợi huyện Diên Khánh, công việc đầu tiên là khai mương đào hồ chứa nước tại địa phận Suối Cát, nằm sâu gần chân một hòn núi, đường đi làm xuyên qua giữa các khu vườn xoài, vườn mít quả trái chín ngọt thơm nức cả không gian rộng lớn. Hai đứa “thư sinh thành phố” như được bước vào trong cảnh sắc thần tiên mộng mị, cứ ngơ ngác trầm trồ, cười vui thích thú khi được các bạn đồng nghiệp “nhà quê” chỉ bày cho ăn xoài rụng, mít chín muồi. Chỉ việc lượm nhặt trái quả rơi rụng dưới đất thôi, còn tươi rói và sạch sẽ, thoải mái tự do ăn no cành bụng mà không phạm giới trộm cắp, chủ nhà vườn mà có bắt gặp mình đang ăn thì vẫn vui vẻ chào hỏi, còn cho ăn thêm nữa chứ không hề quát la đuổi đánh. Mít đủ loại mít. Xoài nhiều loại xoài. Ngày nào anh em tôi cũng ăn trái rụng “đã đời” đến bỏ bê bữa cơm… Với bản tính hiền lành, vui vẻ, hai anh em tôi hoà nhập và thích nghi rất nhanh với tập thể trên ba mươi người đa số là dân lao động cục mịch chân chất ở vùng thôn quê ruộng vườn cằn cỗi vì đã gom chung vào các hợp tác xã nông nghiệp thường xuyên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”. Thanh niên trai tráng vùng quê đã rủ nhau thoát khỏi ruộng đồng trên nắng dưới nước, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà mồ hôi công sức của mình đổ ra chỉ đổi

 

lại được phần chia nông sản ít ỏi không tương xứng sau mỗi kỳ thu hoạch. Họ thà đi làm công nhân ở các Tổ hợp xây dựng, thuỷ lợi, thủ công mỹ nghệ… tuy chỉ là “lính lác” làm theo sự chỉ huy của các “ông chủ tư nhân” chứ không phải làm cho gia đình mình, nhưng được trả công xứng đáng, không bị ấm ức vì đối xử bất công. Hai anh em tôi đã sống cùng những con người như vậy, được những chàng trai trẻ quê mùa mộc mạc quý mến, gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ, gánh vác bớt khó khăn trong công việc nặng nhọc hằng ngày. Hai đứa “công tử thành phố” càng được các bạn đồng nghiệp quý thương hơn khi cùng đánh đàn cho họ nghe những khúc nhạc hoà tấu với hai cây đàn guitar thùng vào những giờ nghỉ trưa và mỗi tối. Tôi và Huy đã bắt thành bộ đôi nhạc công “hợp jeu ăn ý” từ thời còn làm công nhân cao su trong Long Thành, Đồng Nai vào các năm 1983 đến 1985.

Hồi đó, hai anh em được quý thầy ở chùa Long Quang cảm mến, cưng thương nên tặng cho một cặp đàn guitar gỗ loại rẻ mua từ Sài Gòn về, để có nhạc cụ tập ca múa cho các em phật- tử trong Ban hộ niệm của chùa. Đội văn nghệ được thành lập, những bài đạo ca quen thuộc như: Phật giáo Việt Nam, Trầm hương đốt, Kính mừng Phật đản… đã được hát vang lên mỗi tối trong khuôn viên của ngôi chùa nghèo ở vùng kinh tế mới heo hút với tiếng đệm của hai cây đàn do “hai anh em nhạc công” Hữu Huy phối hợp nhịp nhàng. Sau này, những bài ca do thầy trụ trì Tâm Quang sáng tác để phổ biến nội bộ trong nghi lễ và sinh hoạt của chùa, như: Lên đường dựng xây với ca từ “tay đan trong tay cho ấm tim ta vừa chớm…”, Đoàn ca với lời hào hùng “ngàn xưa ngàn sau không cùng, người xưa người nay nối nhau…” được bổ sung thêm vào danh sách Đạo ca. Tuyệt nhất là nhạc phẩm “Phút quay về”, thường được Ban hộ niệm hát ngân vang phía sau nhà hậu Tổ, sau khi trên chánh điện chư tăng và phật -tử vừa dứt thời kinh sám hối. Tiếng ca của các em, tuổi từ mười đến mười lăm trăng tròn, những sinh linh mang tâm hồn thơ ngây thanh khiết, đã hòa nhịp cùng tiếng đệm của hai cây

 

đàn guitar thùng mộc mạc, nghe sao mà tha thiết: “Nhạc hòa reo

Người người vui

Ôi… linh thiêng, trầm nghi ngút Hương muôn phương theo gió về… Lòng hân hoan

Quỳ nơi đây

Như hoa sen thường thơm ngát Dâng tâm tư theo khói hương… Trôi, dòng đời trôi

như cánh hoa vàng, như suối băng ngàn, như sương sớm đọng, như chớp mưa nguồn Vừa trông đã tan.

Thôi, dừng đi thôi Quên hết đua chen

Bao nỗi ưu phiền, bao nỗi ưu sầu

Theo tiếng kinh cầu tan như khói mây.”

Cũng nhờ hai cây đàn quý thầy trao tặng, hai anh em tôi mới có nhạc cụ tập dợt phối âm phối khí với nhau hằng ngày vào lúc rảnh rỗi sau những giờ lao động cực nhọc, Huy chuyên đánh solo, tôi đệm hợp âm và tuỳ bản nhạc mà chuyển qua bass, không chỉ luyện tập nhạc Phật giáo, mà còn hoà tấu với nhau những giai điệu rộn ràng của các ban nhạc quốc tế nổi tiếng: Abba, Boney M., Eagles, Beatles. Modern Talking… Một thời gian ngắn sau, miệng truyền tai đi xa hơn khỏi thôn ấp, anh em tôi được mời vào Ban văn nghệ để tập dợt cho công nhân các kỳ hội diễn ca múa nhạc toàn nông trường, những lần tập dợt như vậy đều được ưu ái chấm công chấm điểm để lãnh lương tiền

 

và thực phẩm mà không phải vác cuốc rựa đi lao động cực nhọc trên các lô cao su mới khai hoang để trồng cây con.

“Cặp bài trùng Hữu Huy” gắn bó với nhau hơn từ đó, khắng khít ý hợp tâm đầu, đúng nghĩa “huynh đệ tình thân như thủ túc”, ngủ chung mùng chung chiếu, hạt muối cắn đôi, muỗng đường chia đều, mà quên bẳng đi mình sống trong cảnh khốn nghèo vất vả gian nan, vẫn cứ tươi cười cùng nhau hằng ngày.

Ban ngày, song hành với công việc mưu sinh, anh em gắn bó nương giúp nhau phóng nọc, trồng cây con trên những lô đất trống bạt ngàn không có được chút bóng mát, hay trên vườn ươm tưới bón cây con, đào hồ chứa nước; tối về thì kề vai thích cánh lội bộ qua con đường đất chạy giữa hai bên lau sậy um tùm và những mảnh đất cỏ chen khoai mì để ra đến chùa Long Quang lạy Phật bái Tăng, tụng kinh nghe pháp, sinh hoạt với các anh chị em phật-tử, hoà mình vào cảnh giới thiêng liêng thanh cao mà thoát khỏi những lo toan ưu phiền, những mưu mô tính toán thiệt hơn thiếu đủ… Những lời ca tiếng hát hoà điệu cùng tiếng đàn ngân vang tán tụng ngợi ca đạo từ bi hỷ xả, thấm đẫm thiền vị và nhân văn như những nguồn nước mát tưới tẩm thân tâm qua từng tháng ngày, đã cho anh em tôi nguồn năng lượng vui sống, niềm tin vào chánh pháp tăng trưởng, quên hết quá khứ khốn khổ thê lương, không còn thao thức trăn trở ôm những ước mơ tương lai hão huyền, chỉ biết hài lòng chấp nhận những gì đang đến và rời đi trước mắt.

Cũng trong quãng thời gian ra vào lui tới chốn già lam thanh tịnh, tiếp cận được với kinh sách nhà Phật trên các kệ tủ của chư Tăng, tìm tòi tham cứu học hỏi say sưa mới thấu hiểu và nhận biết sự nhiệm mầu của chánh pháp, anh em tôi sau nhiều lần hội ý, đã đồng thuận cùng nhau ăn chay và hành thiền vào mỗi khuya tối ngay tại nhà, trì niệm “Chuẩn Đề đà-la-ni” để tiêu trừ nghiệp chướng, tăng thêm nội lực và trí tuệ, có vướng mắc trở ngại gì thì ra chùa mà tham vấn các thầy. Đó chính là bước ngoặt quan trọng của anh em tôi trong đời sống tâm linh, ảnh

 

hưởng rất sâu đậm và làm thay đổi rất nhiều về sự thấy biết với dòng đời ô trọc và nẻo đường kiếm tìm phương pháp giải thoát khổ đau.

Khoảng đầu năm 1985, chư Tăng rời khỏi vùng đất Long Thành nơi có ngôi chùa Long Quang hiền hoà, quý thầy tứ tán khắp các phương. Thầy trụ trì vì tham gia tổ chức “phản động, âm mưu lật đổ chính quyền” nên đã phải lo thoát đi khỏi chốn già lam mà mình lãnh trọng trách “trú Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”. Chùa không còn Tăng, chúng phật-tử không còn vị thầy nào dẫn dắt, như rắn mất đầu, rắn không bò chạy đi đâu trong oằn oại mà nằm bất động lặng im thin thít. Lo ngại bị liên luỵ vì có liên quan huyết thống với thầy trụ trì, qua được chừng một tháng sau khi chùa không còn thầy, tôi đã bàn bạc và khuyên Huy rời khỏi nơi chốn mà lâu nay hai anh em cứ tưởng là bình yên, là quê hương thứ hai để cùng nhau xây dựng cuộc sống tương lai dài lâu. Vậy là em Huy của tôi đành chia tay với tôi, bỏ việc làm công nhân cao su, trở về quê cũ Nha Trang đang có ba mẹ để tránh phiền phức, chuyện công ăn việc làm tính sau. Còn tôi “trụ” lại trong căn nhà tranh ở Ấp 5 vẫn còn vương đọng chút hơi ấm, để mỗi tối cùng các em phật-tử đi ra chùa giữ cho ngôi chánh điện hương không tàn, khói không lạnh. Các cô dì chú bác lớn tuổi cũng rủ nhau hằng tối ra lo thắp sáng hương đăng, tụng kinh niệm Phật cùng các anh chị em Ban hộ niệm. Ai cùng nhớ quý thầy, nhớ thầy trụ trì, tối nào cũng ngồi lại với nhau nơi gian lớp học mái tranh trống vách để thở dài than vắn, kể chuyện về thầy này thầy kia cho nhau nghe và ai cũng ngóng mong, cầu nguyện cho quý thầy được bình an, thoát nạn, sớm trở về lại với ngôi chùa vùng quê nghèo mộc mạc. Chính trong thời gian đó, thời gian nán lại để “giữ chùa”, tôi đã phát nguyện xuống tóc, cũng bỏ việc không làm công nhân cao su nữa, tạm thời mạo muội thay quý thầy hướng dẫn các em Ban hộ niệm, duy trì sinh hoạt cúng kiến lễ lạt để chùa không rơi vào thảm cảnh điêu tàn hoang lạnh. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in, buổi tối

 

đầu tiên tôi xuống tóc, mặc bộ đồ nâu sồng ra trông coi chùa từ chạng vạng, đến tối thì các dì các cô cùng các em phật-tử trong Ấp 5 rủ nhau ra chùa tụng kinh lạy Phật, thấy tôi ngồi nơi gian lớp học sau ánh đèn dầu chập choạng, ai cũng “Mô Phật, thầy về!”, vì tôi rất giống bào huynh của mình, thầy trụ trì Tâm Quang. Thấy mà thương cho bà con phật-tử, thương cho các anh chị em trong Ban hộ niệm trong tình cảnh thiếu vắng người thầy dẫn dắt, tôi cũng thương cho chính mình đã bỗng chốc trở nên trơ trọi không còn ai thích cánh chen vai, không còn người thân máu mủ gần gũi, nên tôi quyết định sẽ lấy đạo hữu làm thân thích, lấy tình Đạo làm mối quan hệ thiết thân trong những tháng ngày cô thân độc mã lui tới chốn già lam. Ngay sau đó, tôi sáng tác những bài Đạo ca, tập hợp các em Ban hộ niệm lại vào mỗi chiều tối, hâm nóng sinh hoạt phật-tử, bày và tập cho các em hát vang lên những nhạc phẩm mới với ca từ động viên tinh thần, dỗ dành những tâm tư đang buồn chán thất vọng tại khoảnh sân phía sau chánh điện. Như các bài ca: Cánh én mùa Xuân, Đừng lãng quên, hay bài hát Chè Chùa vui nhộn để xua tan nỗi tủi buồn…

Tôi nấn ná, cầm cự ở lại với chùa, với bà con phật-tử Ấp 5, với các anh chị em Ban hộ niệm… được thời gian khoảng sáu tháng tính từ ngày chùa vắng bóng quý thầy, rồi cũng phải đến ngày chia tay trong bịn rịn, lưu luyến, giao căn nhà tranh vách đất nằm giữa hai sào khoai mì trồng xen điều (đào lộn hột) qua cho chị Liên, bào tỷ của tôi, từ Sài Gòn xô bồ nhộn nhịp đến tạm trú dưỡng bệnh ở đó cùng với đứa con trai và một chị bạn thân của chị. Tôi rời đi, về lại quê cũ Nha Trang để kết hợp lại với Huy, tiếp tục song hành lang bạt kỳ hồ làm thuê cuốc mướn qua những vùng đất khác lạ cho đến ngày gia nhập đội quân thuỷ lợi. Không ngờ, đó là lần chia tay “một đi không trở lại” với Ấp 5 xã Bàu Cạn cũng như ngôi chùa mang phương danh Long Quang, vì có rất nhiều chướng duyên, nhiều biến cố đau buồn (phụ thân qua đời, hai người anh trong nhà lâm vào chốn lao lung tù tội

 

vì tội danh “phản động”, một trong hai anh là thầy trụ trì Tâm Quang), nhiều nhân duyên đến đi ồ ạt làm đổi thay cuộc sống đầy bão tố phong ba đan chen nắng đẹp mây hồng và nước mắt hoà lẫn tiếng cười…

Từ đầu những trang truyện ký đến đoạn này, tôi chỉ mới gọi Huy em tôi là “đồng đạo song hành” thôi, chứ chưa gọi là đạo hữu. Đạo hữu đã kề vai thích cánh đồng hành cùng tôi là người khác, sau này tôi và người đó mới gặp được nhau, người đó mới là nhân vật chính mà tôi muốn nhắc đến và kể ra trên những trang văn tự sự này, một đạo hữu rất đặc biệt!

Trở lại với thời gian hai anh em lần đầu sống chung với tập thể công nhân được anh em quý mến, kết thêm nhiều tình bạn bè chân tình, nên dù ăn uống kham khổ, lao động nặng nhọc, ở nơi vắng vẻ đìu hiu, vẫn không thấy là mình đang bị đày đoạ, quên hết cả địa ngục lẫn thiên đàng để vui sống qua từng ngày hiện tiền no đủ và an vui. Để thi công cho xong công trình đào hồ nước và kênh mương ở Suối Cát, anh em công nhân chúng tôi được bố trí ở tạm trong một lán trại mái tole, tứ bề trống vách, ngủ trên sạp đan bằng tre lồ ô, ngày ba bữa ăn có “anh nuôi”, một cách gọi chỉ người có phận sự đi chợ nấu ăn, lo cơm nước chung cho công nhân mà trong quân đội gọi là “hoả đầu quân”. Tối đến, sau khi tắm rửa ăn uống, anh em công nhân thường rủ nhau đi ra xóm ra làng để uống cà phê (loại cà phê từ bắp rang xay mà thành), giao du với nhà dân cho hết ngày giờ, còn tôi thì thường ở lại trông coi lán trại, giữ gìn đồ đạc hành trang của mọi người. Đó là lúc tôi sống giữa không gian và thời gian vắng lặng, nên không dại gì bỏ qua cơ hội ngồi thiền, hoặc ngồi yên niệm chú sám hối nghiệp chướng, duy trì đời sống tâm linh không tắt lửa nguôi lạnh… Do không phải lúc nào cũng chỉ có một mình tôi coi trại, cũng có khi có anh em khác đau bệnh phải nằm nghỉ dưỡng, hoặc không hứng thú ra nhà dân chơi, thì những tối như vậy tôi chọn giờ khuya khoắc khi mọi người đã ngủ say để ngồi thiền, trì niệm ấn chú, rồi cũng đến lúc có người

 

tình cờ trông thấy nên đã truyền tai nhau chuyện “anh Hữu ngồi thiền”, làm như phát hiện ra một bậc thánh nhân huyền bí trà trộn vào đám đông ô hợp phàm phu tục tử vậy. Cũng nhờ sự “phát hiện bí mật huyền bí” đó mà tôi được anh em công nhân nhìn bằng ánh mắt “kính nể” hơn, đối xử thận trọng hơn trước, không như họ luôn gần gũi thân mật với Huy em trai tôi, vì Huy đã không còn chuyên tâm chuyên chú ngồi thiền, trì chú nữa.

Công trình đào hồ khai mương ở Suối Cát hoàn tất sau khoảng ba, bốn tháng, nhóm công nhân chúng tôi được điều về một công trình thuỷ lợi khác ở xã Diên Điền, thuộc huyện Diên Khánh. Đó là một công trình lớn có thể kéo dài đến cả năm, công nhân chỉ sợ mình không đủ sức khoẻ để theo làm chứ không phải sợ thất nghiệp. Một hồ chứa nước rộng lớn đã được thi công hoàn thành bằng xe cơ giới, máy móc hiện đại của một xí nghiệp thuộc Nhà Nước, được gọi tên là Hồ Am Chúa. Công việc của công nhân thuộc Tổ Hợp Thuỷ Lợi là đào hai nhánh kênh điều tiết và dẫn nước xuất phát từ hồ chứa chạy dài hằng mấy cây số băng qua những khu đất đá khô cằn đến các vùng ruộng đồng bằng phẳng của các xã lân cận. Nhóm công nhân anh em tôi gần ba mươi nhân lực được sáp nhập vào nhóm công nhân đã “trực chiến” tại công trình Am Chúa, ở chung một công trường gồm có hai lán trại dã chiến lợp tranh lợp lá, sạp nằm đan tre, bốn bề đều trống trơn không vách không phên.

Con kênh rộng và sâu chạy ngay qua sát chân núi Đại An, ngọn núi nổi tiếng nhờ ở trên lưng chừng núi từ xưa đã có lập một am thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na. Tục truyền, qua sử sách cũng đã có chép ghi, đây là nơi Thánh mẫu hạ sanh trong ruộng dưa của hai vợ chồng tiều phu già, bà được nhận nuôi từ đó đến khi khôn lớn thì tu hành ở một ngọn núi khác thuộc địa phận xã Diên Toàn. có tên Suối Đổ, sau này tín đồ Đạo Mẫu cũng lập nên nơi thờ phụng, dần dà “cải miếu thành tự”, đến vài mươi năm sau thì đã trở thành một danh lam của đất Khánh Hoà, được an danh “Chùa Suối Đổ”, sau khi các ngôi chùa của Phật

 

giáo chính thống như chùa Quan Âm, Phổ Đà Sơn Tự được hiển hiện trên cùng ngọn núi cao của dãy Hoàng Ngưu. Còn Tháp Bà Ponagar nổi tiếng ở thành phố Nha Trang theo huyền sử là nơi Thánh Mẫu Thiên Y A Na đắc đạo, tịch và hiển thánh.

Công việc đào con kênh qua mấy tầng lớp đá sỏi sát chân núi Am Chúa quả thật rất nặng nhọc, gặp nhiều trở ngại, vì chỉ làm bằng sức lực, bằng tay chân với cuốc xẻng, búa đục, xà beng nạy đá… Nhưng với ý chí và sức lực của trai tráng thanh niên thì mọi gian nan thử thách đều hoá thành cơm áo gạo tiền trên bước đường tìm kế sinh nhai, thoát cảnh nghèo đói chán chường. Ngay những ngày đầu mới đến công trường Am Chúa, tôi đã lẳng lặng một mình mỗi tối đi qua những khu mồ mả của người Chàm chen giữa um tùm lau sậy và gai mắc cỡ để theo lối mòn lên núi, với ý tìm hiểu ngôi am thờ Thánh Mẫu. Tôi chỉ đơn thân độc hành, vì lúc đó em Huy của tôi đã về Nha Trang “lo chuyện riêng”, mãi sau này tôi mới biết là Huy được bạn bè và người quen cù rủ tìm đường … vượt biên, vì trước đó được tin bào huynh Tâm Quang đã “vượt” thành công sang đến trại tị nạn ở Thái Lan.

Ở công trường đập thuỷ lợi Am Chúa, tôi mới biết các anh trong Ban chủ nhiệm vì muốn ổn định đời sống cho công nhân lâu dài nên đã tìm tuyển được một người nữ lo chuyện bếp núc ăn uống cho tập thể đông người. Đó là “chị nuôi” đầu tiên của Tổ Hợp Thuỷ Lợi, một bóng hồng duy nhất lạc giữa một đám mày râu đực rựa cục mịch phàm phu. Phải công nhận là chuyện ăn uống mà vào tay phụ nữ thì hoàn toàn khác hẳn, công nhân được mỗi ngày ba bữa cơm với thức ăn tươi ngon, đủ dinh dưỡng, lại còn có trà để uống, xà bông cục để vừa giặt đồ vừa tắm. Phụ giúp cho “chị nuôi” những công việc nặng nhọc như bửa cũi, gánh nước suối, vác gạo, chia phần cơm… các anh chủ nhiệm đã cắt cử một người nam khoẻ mạnh, siêng chăm. Tôi xin gọi nhân vật phụ nữ hiếm hoi ở công trường thuỷ lợi Am Chúa bắt đầu từ bây giờ với cái tên Chị Nuôi được viết hoa. Trong

 

suốt thời gian mấy tháng ròng ở công trường này, tôi chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng của Chị Nuôi ở gian bếp cất dựng gần lán trại, hay những lúc nữ đầu bếp dọn cơm ra cho tám người ăn một mâm, vì tôi không quan tâm đến phái nữ, thật lòng là vậy. Chỉ nghe phong thanh từ mấy anh em công nhân truyền miệng nhau, Chị Nuôi là gái một con, tuổi gần ba mươi, nhà nghèo lắm, ở một xóm đạo, hay nói đúng rõ hơn là một giáo xứ lâu đời rất nổi tiếng của vùng thôn xã cận kề Cửa Tây của thành cổ Diên Khánh, tánh tình nóng nảy hung hăng, lầm lì ít nói. Lại nghe từ miệng chàng trai hàng xóm cùng đạo cùng giáo xứ, người đã giới thiệu Chị Nuôi đến lo bếp núc với các anh chủ nhiệm Tổ Hợp khi các anh đang cần kiếm tìm, thì đứa bé trai khoảng mười tuổi thỉnh thoảng đạp xe từ nhà, khoảng cách khá xa tầm sáu cây số đường đất, qua công trường thăm và xin tiền Chị Nuôi không phải là con mà là em út của chị. Chị đã nuôi nấng đùm bọc mấy đứa em còn nhỏ dại thay cho người mẹ đã qua đời trên vùng kinh tế mới ma thiêng nước độc vì căn bệnh sốt rét ác tính, trong lúc đó người cha vẫn còn ở trong trại một cải tạo xa xôi ngoài Bắc bặt tăm bặt tích với gia đình vì cái tội từng làm sỹ quan “lính nguỵ” cấp bậc Đại uý, binh chủng Biệt động chuyển về Địa phương quân giữ chức Đại đội trưởng, khét tiếng hung dữ và nghiêm khắc mà cũng rất chịu chơi, từng bị các “chiến sĩ cách mạng” ám sát hai lần không chết, trên mình còn mang hai vết thẹo do đạn xuyên thủng từ sau ra trước và từ trước ra sau… Tôi chỉ nghe phong thanh thôi, lúc ngắn lúc dài, lúc to lúc nhỏ, ngày này qua ngày khác từ nhiều miệng mồm khác nhau, trong đó có miệng mồm của một vài anh chàng đã có ý tán tỉnh, tỏ tình với người phụ nữ độc nhất của công trường, nên dù không quan tâm vẫn phải nghe biết, nghe biết những chi tiết như vậy càng làm tôi càng lãng xa, giữ khoảng cách an toàn giữa mình với Chị Nuôi, sau có còn “bị” nghe thêm gì nữa tôi đều cho lọt tai này vọt ra tai kia theo gió bay vào hư không. Trong một cái tập thể “nhiều chuyện”, tôi biết chuyện về cá nhân tôi chắc cũng đã được thêm mắm thêm muối, thêu dệt hoa hoè rồi truyền tai nhau

 

nghe biết hết rồi. Nghĩ ra vậy mà bật cười, kệ, tốt xấu dở hay gì thì tự mình biết là được.

Khoảng bốn tháng sau, công trình thuỷ lợi ở Hồ Am Chúa vẫn còn tiếp tục dài dài vì con kênh dẫn nước chạy theo sát chân núi toàn sỏi đá về đồng ruộng ở tận xã Diên Sơn chỉ mới được nửa đoạn đường, nhưng vì các anh Ban chủ nhiệm Tổ Hợp may mắn trúng đấu thầu thêm một công trình khác, nên đã cắt bớt nhân lực ở Am Chúa để “điều quân” lên Cà Nuông, vùng đất đìu hiu của dân tộc thiểu số thuộc một xã miền núi xa xôi. Tôi và khoảng hai mươi anh em công nhân được điều đi làm việc tại công trường mới, trong số đó có Chị Nuôi, vì ban chủ nhiệm đã thâu nhận thêm được một người “chị nuôi” khác lo cơm nước ở công trường Hồ Am Chúa. Công việc ở Cà Nuông nhàn hơn, nhẹ hơn, có điều ăn uống kham khổ, ba ngày Chị Nuôi mới đi chợ xa một lần, nên công nhân thường phải ăn cơm với canh lá giang hái ở ven rào ven bụi bờ với khô cá trích nướng, anh em gọi đùa là cá Long Hội, nói lái là Lôi Họng, ăn cá này bị dễ mắc xương phải lôi từ trong họng ra. Chị Nuôi được một anh lớn tuổi phụ giúp gánh nước suối từ mờ sớm, lượm củi, hái rau rừng, nghe anh em cho biết là anh rất thương yêu quý mến chị, sẵn sàng bảo vệ và đỡ đần cho chị suốt tháng suốt ngày nhưng không dám thổ lộ nên lời.

Vào một ngày tôi lâm bệnh, xin phép ở nhà tịnh dưỡng, thời gian trống trải quá, niệm Phật trì chú xong rồi làm thơ gieo vần điệu vào cuốn sổ tay nhật ký cho khuây khoả, khi mọi người đều đã đi làm, lán trại vắng im, chỉ còn Chị Nuôi loay hoay lui cui dưới gian bếp dựng tạm ngoài bờ bụi gần đó. Đến khi chợt thấy Chị Nuôi vào ngồi nơi đầu sạp lặng lẽ may vá, tôi mới nhớ là chiếc áo thường mặc khi lao động của mình đã rách nách nên lôi ra, đi lại chỗ chị ấy để mượn kim xin chỉ. Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt và mở miệng nói lời với Chị Nuôi của công trường.Từ trước tới giờ, trong suốt những tháng ngày lang thang phiêu bạt tự lập kiếm kế sinh nhai, tôi đã có thói quen tự may vá áo quần

 

cho mình, chưa một lần nhờ cậy hay làm phiền ai về chuyện nhỏ nhặt đó, nên tôi chỉ mượn kim chỉ nếu trong ba-lô hành trang không còn không có. Khi tôi hỏi mượn, Chị Nuôi hình như ngạc nhiên lắm, lúng túng lắm, rồi nhất định không cho mượn mà đòi tôi đưa áo để chị may vá giùm thôi. Ban đầu tôi còn lần khần từ chối, nhưng rồi đành chịu thua trước sự khăng khăng quả quyết của chị, phải đưa chiếc áo rách để nhờ bàn tay khéo léo của phụ nữ. Khoảnh khắc đó, giây phút đó, mọi vách ngăn rào chắn giữa tôi và Chị Nuôi bao lâu nay đã đổ sập xuống hết một cách diệu thường không một tiếng động. Mọi sự kiêng kỵ, e dè nghi ngại đã không còn nữa sau khi tôi nhận lại chiếc áo rách đã lành lặn của mình từ tay Chị Nuôi.

Khoảng hai tháng sau, công trình nhỏ ở Cà Nuông hoàn tất, nhóm công nhân chúng tôi rời khỏi vùng rừng núi xa xôi để trở về lại công trường ở Am Chúa, tiếp tục phá đá đào kênh. Quãng thời gian tiếp theo đó, tôi đã lập được một nhóm nhỏ riêng biệt xin ăn chay, gồm sáu người thân thiết với nhau. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tên từng chàng trai đã xin theo tôi học đạo, ăn chay ngồi thiền: Khoa “quắn”, Dũng “kẹo”, Hưng “rụng”, Yên “đen” và Du. Tôi chưa hề nghĩ mình là “thầy” bao giờ, mà chỉ làm một người anh tinh thần nhận hướng dẫn cho các em những bước đầu hướng về nẻo thiêng liêng, làm lành lánh dữ giữa cuộc sống nhiễu nhương u tối. Nhóm ăn chay chúng tôi được sự hỗ trợ nhiệt tình của Chị Nuôi nên không gặp khó khăn chướng ngại gì qua ba bữa hằng ngày để ra công trường lao động như bao người ăn mặn. Và rồi, cũng đến một ngày Chị Nuôi nhờ mấy anh em ăn chay “xin phép” tôi cho chị gia nhập nhóm, học Phật. Tôi thật ngạc nhiên và nghi ngờ, phải dành chút thời giờ để đối diện với người phụ nữ “con nhà Công giáo nòi, đạo dòng”, chất vấn thăm dò tâm ý, mới hay Chị Nuôi đã từ lâu có cảm tình với những người theo đạo Phật, luôn tôn kính trọng vọng hình bóng của những vị sư sãi, rất muốn được tìm hiểu sâu rộng hơn về cái đạo mà bà con dòng họ trong gia đình mình luôn chống đối, gièm

 

pha, bài bác, nhưng chỉ dám đứng đằng xa nhìn chùng ngó lén với hi vọng rất mong manh. Nay được gặp tôi, tuy không phải là sư sãi đầu tròn áo vuông, nhưng nhìn thấy mấy anh em luôn tỏ ra mến phục và kính quý theo ăn chay học Phật hằng ngày, nên Chị Nuôi biết là cơ hội thuận lợi đã đến với mình. Nghe được những lời bộc bạch chân thành của chị rồi, tôi không còn nghi ngại đắn đo chi nữa, chấp thuận thêm một thành viên mới gia nhập nhóm.

Thời gian trôi đi, nhóm công nhân chúng tôi lại được tách ra để chuyển qua một công trình nhỏ ở Suối Đá. Công trình thuỷ lợi mà các anh Ban chủ nhiệm mới nhận được thêm sau cuộc đấu thầu nằm gần chân núi mà bên trên có ngôi chùa Linh Sơn Pháp Ấn vốn xưa kia là căn nhà của bác sĩ Yersin, ông đã tạm dùng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi mỗi lần vào thăm vườn cao su trồng thử nghiệm và trại nuôi ngựa lấy huyết thanh ở Suối Dầu. Căn nhà nhỏ trên núi này được giáo hội tiếp nhận quản lý rồi “cải gia vi tự”, nhưng vẫn dành riêng một gian thờ để tri ân tưởng niệm vị bác sĩ lỗi lạc người Pháp đã nhận Nha Trang làm quê hương cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng...

Vào thời điểm đó, Huy em tôi đã quay trở lại xin làm việc sau mấy tháng trời vắng bóng về thành phố lo việc riêng. Không chỉ riêng tôi, mà anh em công nhân đều vui mừng chào đón sự trở lại của “chàng nhạc công guitar solo”. Hằng ngày, đi bộ cùng anh em công nhân từ nơi “lính thuỷ lợi đóng quân”, một nhà người dân vốn là bằng hữu của các anh trong Ban chủ nhiệm Tổ hợp cho mượn tạm, anh em tôi đều đi ngang qua ngọn núi có ngôi chùa ẩn hiện giữa cây cao bóng mát xanh um, ngước nhìn lên và hướng vọng đến Tam Bảo với lòng tôn kính và tri ân. Tạ ơn chư Phật, chư Bồ tát và thánh chúng đã cho chúng con những tháng ngày có đủ cơm ăn áo mặc, thân lành tâm an. Quãng đường đi bộ đó rất xa rất dài và hoang vắng, nên chỉ đôi ba lần anh em tôi mới tranh thủ vào giờ chiều tối rảnh rỗi vượt qua những bậc cấp, những đoạn dốc mòn lởm chởm đá chen cỏ

 

để vãn cảnh chùa, bái lễ tôn tượng đức Quán Thế Âm lộ thiên và lạy Phật từ bên ngoài sân.

Nhưng từ khi quay trở lại làm việc cùng tôi, không biết do đã nghe và đã nhìn thấy gì, Huy em tôi đã không ăn chay cùng nhóm, có đôi lần tỏ thái độ không bằng lòng, có lời nói bóng gió cảnh báo cho tôi biết phải cẩn trọng với Chị Nuôi. Tôi thì vô tư, xem Chị Nuôi như mấy anh em khác trong nhóm “ăn chay học Phật”, nên không phải lưu tâm nghĩ ngợi nhiều. Cuộc sống cứ tiếp diễn, dòng trôi vẫn tiếp trôi, công trình này vừa hoàn tất thì di chuyển đến công trình khác, nhóm công nhân thân thiết của chúng tôi chuyển lên vùng heo hút Cà Hon, đi tiếp qua Cà Khêu đều thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, rồi chuyển về lại Am Chúa, ra đến tận Sông Cầu ngoài Phú Yên… Suốt thời gian dài đó, tôi và Chị Nuôi gần gũi nhau hơn, thân mật hơn qua từng tháng ngày, còn Huy thì công khai tỏ thái độ phản đối, có ý chia tách người thôn nữ đạo nòi Công giáo cách xa ra người anh tình thân như thủ túc của mình, người anh đang mê muội, người anh đang bị mê hoặc bởi một kịch sĩ phỉnh phờ, nhưng em trai tôi đã thất bại sau bao phen “phá đám”, vì tôi và Chị Nuôi đã thương yêu nhau, tìm thấy được nơi nhau sự chân thành và đồng điệu. Tôi đã nhiều lần thử thách Chị Nuôi để biết được chân ngụy vàng thau, nên chỉ có tôi hiểu thấu biết rõ, mà không cần phải trình thưa hay hỏi ý ai. Tôi thấy rõ chuyện của tôi và Chị Nuôi là do duyên nợ sắp đặt, có trốn tránh hay xua đuổi cũng không được. Huy đã rời khỏi đội ngũ công nhân thuỷ lợi, trở về với phố thị xô bồ, không quay lại với cuộc sống tập thể lao động nặng nhọc nữa.

Năm 1989, tôi và Chị Nuôi công khai “có nhau bên đời”, tôi thản nhiên vô ngại lên xuống ra vào ngôi nhà từ đường ở giáo xứ nổi tiếng lâu đời. Ở ngôi nhà từ đường đó, những người thân của Chị Nuôi không hề có bất cứ cử chỉ và lời nói nào khinh chê, ghét bỏ, xua đuổi tôi mà còn quý thương đón nhận một chàng trai “công tử thành phố”. Đến khi tôi lâm bệnh nặng, bệnh lao

 

phổi, phải nghỉ việc về nằm nhà uống thuốc điều trị, tịnh dưỡng, Chị Nuôi vẫn tiếp tục công việc ở các công trường, nhưng đã tận tâm tận tình chăm sóc lo lắng cho tôi suốt mấy tháng trời ăn ở không trị bệnh. Tôi đã đáp lại ân tình đó bằng cách lập hồ sơ, lo thủ tục giấy tờ xin xuất cảnh theo diện HO cho cả gia đình của Chị Nuôi, gồm: người cha đã “học tập cải tạo” về, cùng ba đứa em trong nhà. Thời điểm lập hồ sơ xin xuất cảnh, Chị Nuôi vẫn còn độc thân, hợp lệ với một suất rời khỏi đất nước, nhưng đã không đưa tên mình vào danh sách, vì tình nghĩa đối với tôi đã sâu nặng lắm rồi, không thể ở cách xa nhau được nữa. Cũng trong năm đó, từ những tờ báo mà Chị Nuôi mỗi lần đi chợ cho công trường mua về cho tôi đọc giải khuây, tôi đã thử cầm bút sáng tác “thi văn hoạ” gửi đi tham dự một cuộc thi do tờ báo trào phúng châm biếm tổ chức, không ngờ lại đạt được giải Ba về biếm hoạ, công bố trên số Báo Xuân năm Kỷ Tỵ. Hứng khởi, tôi tiếp tục tham gia cộng tác với tờ báo Cười mỗi tháng phát hành một số đó, được đăng bài liên tục, rồi giật liền ba giải thưởng về thơ trào phúng, tiểu phẩm châm biếm và biếm hoạ rất ấn tượng trên số Báo Xuân năm Canh Ngọ. Một con đường lâu nay khép chặn bưng bít đã mở rộng ra trước mắt chào đón tôi, tôi chính thức gia nhập làng báo, giã từ cuốc rựa và các công trường dãi nắng dầm mưa, để trở thành một cây bút có tên tuổi khắp các báo trong nước suốt hơn hai mươi năm ròng, là lao động chính có nguồn thu nhập đủ nuôi sống tổ ấm riêng của mình tồn tại với mức sống trung bình, không cao sang mà cũng không còn phải đói nghèo…

Vào tháng Tư năm 1990, tôi và Chị Nuôi tiến đến hôn nhân sau thời gian tìm hiểu và thử thách nhau. Trước đó, tôi đã “ký gửi” Chị Nuôi qua chùa Hải Ấn, còn gọi là chùa Hang, phía sau lưng Tháp Bà Ponagar, để xin lĩnh thọ tam quy ngũ giới với Sư Bà Chánh Lượng truyền, ở lại chùa học kinh niệm Phật, chính thức trở thành một phật-tử với phái quy y mang về. Ngày cưới hỏi, gia đình hai bên gặp nhau, cha của Chị Nuôi đã giăng một

 

tấm rèm lớn che phủ hết gian bàn thờ chính để đón tiếp bên nhà trai có mẹ tôi, một nữ thi sĩ có tên tuổi của Phật giáo, dẫn đầu một đoàn gồm mười người, hai họ gặp nhau nơi gian kê bàn khách không Chúa không Phật. Đám cưới của tôi là đám tiệc có một không hai diễn ra ở giáo xứ từ xưa đến nay. Ban chủ nhiệm Tổ Hợp Thuỷ Lợi đã lo hết mọi chi phí từ A đến Z. Khách dự tiệc có đông đảo anh em công nhân thuỷ lợi. Có ban nhạc sống do các anh trai của tôi, cùng em Huy phụ trách, như một ban nhạc gia đình. Nói chung lại, đó là một sự kiện đặc biệt với những sự việc đặc biệt lần đầu tiên diễn ra ngay trong lòng một giáo xứ, “quái lạ” đến nỗi có nhiều người bà con thân tộc bên nhà gái đã không dám đến dự vì sợ Cha bề trên quở trách đã “làm chứng cho một con chiên bỏ đạo”. Cha của Chị Nuôi đã bị quở trách nặng nề tại nhà thờ vào buổi lễ sáng ngày chủ nhật sau đám cưới của chúng tôi.

Rồi mọi chuyện cũng qua đi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn…

Đến năm 1995, sáu năm sau khi hồ sơ xin xuất cảnh theo diện HO của gia đình phía bên vợ được tôi nộp ở Sở Ngoại Vụ, cha và ba đứa em của Chị Nuôi được lên máy bay đi qua Mỹ định cư, đổi đời, thoát khỏi cuộc sống bần cùng thiếu thốn.

Sau cơn mưa, trời lại sáng.

Sau này, tuy đại gia đình tôi đông anh chị em, nên rất đông con cháu ở khắp gần xa, nhưng em Huy của tôi luôn dành tình cảm đặc biệt, thương cưng hai đứa con của tôi nhất. Đến tận bây giờ, Huy vẫn giữ nguyên tình cảm đó, không chỉ cho các cháu gọi bằng chú, mà còn dành cho người anh một thời gắn bó đồng hành và người chịu dâu đã cải đạo theo tu học Phật pháp.

Trong cuộc sống phu thê, xây dựng tổ ẩm, dĩ nhiên vợ chồng tôi không tránh khỏi những xung đột, tranh cãi, giận hờn giận lẫy, thậm chí căng thẳng đến mức không muốn nhìn mặt nhau, nhưng sau cùng đều được dàn xếp, xoa dịu, dỗ dành nhau bằng những gì học được từ giáo pháp nhà Phật, đưa đến ổn thoả,

 

thuận hoà, thông xuôi. Giáo lý nhà Phật, là chánh pháp, không cần phải mang ra thực hành ứng dụng những điều cao siêu trên mây tầng huyền ảo, mà chỉ cần nhớ đến, nhắc đến những pháp căn bản thực dụng gần gũi với đời sống thực tế trích ra từ kinh sách, như thiểu dục tri túc, độ lượng khoan dung, nhẫn nhục, vị tha, kiểm soát thân khẩu ý… Nhở vậy mà bao nhiêu lần sai phạm, bao nhiêu lần lỗi lầm, bao nhiêu lần nghĩ sai làm lệch của cả vợ lẫn chồng đều được đem ra giải phẫu, phân tích, bàn bạc để rồi cùng dìu dắt nhau sám hối, từ bỏ, chỉnh sửa, tưới tẩm bón chăm những thiện lành, buông bỏ thói hư tật xấu, tiết chế kềm hãm sân hận, nhún nhường để tiêu trừ kiêu căng ngã mạn…Đời sống được cân bằng theo từng tháng ngày, từ lao nhao ồn ào dịu xuống thành thâm trầm lẳng lặng, vượt qua nhiều khúc chặng gập ghềnh lồi lõm gian truân để tổ ấm được lành lặn an vui trên ba mươi năm qua.

Hơn ba mươi năm trôi đi, Chị Nuôi thì vẫn luôn là người “đói khát pháp” nên từng xin theo học lớp học Phật pháp dành cho cư sĩ áo lam được tổ chức tại chùa Tỉnh Hội, rồi nhờ tôi gửi gắm theo học tu thiền với thầy Thông Huệ ở Thiền tự Viên Giác, thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử một thời gian dài với chuyên tâm chuyên chú. Từ đó, theo lối nẻo tu học đã rõ ràng dưới chân và trước mắt, Chị Nuôi đã tự nghe thuyết giảng kinh pháp qua băng đĩa, tự khám phá thêm để huân tập và rèn luyện những diệu pháp thanh cao thánh thiện, tưới tẩm cho tâm hồn mình ngày càng nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Với thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm người nội trợ bận bịu lo toan cho tổ ấm, Chị Nuôi đã không quên hỗ trợ, phụ giúp chồng, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi sáng tác thơ văn, chụp ảnh đưa tin lễ lạt ở các chùa chiền với nhiệm vụ một hoằng pháp viên, thông tín viên của Phật giáo tỉnh nhà suốt bao năm qua. Dù không gần nhau như hình với bóng, không thích cánh kề vai suốt ngày đến đêm bên nhau, nhưng vẫn khắng khít và phối hợp nhịp nhàng trên một con đường dài thênh thang toả ánh vàng thiêng liêng bất diệt.

 

Chính vì vậy, tôi mới xem Chị Nuôi là “đạo hữu song hành” duy nhất của mình. Chị Nuôi đã và đang tiếp tục đồng hành cùng tôi, chưa hề thoái bước trên đường Đạo, con đường giải thoát những khổ đau của cuộc đời…

Tâm Không Vĩnh Hữu

(Nha Trang - VN)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm