Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 11.4.2.Hoa Ha cung duong lai tien thuong

 

 

 

 

 

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ

 

Bút hiệu Hoa Hà (tên thật là Hà Thị Hòa), pháp danh: Diệu Thuận.

Hoa Hà sanh tại thành phố Biên Hòa. Sau cha chuyển đổi công tác đến thị trấn Lagi, tỉnh Bình Tuy, để thành lập tòa án Bình Tuy, nên gia đình sống tại Lagi.

Năm 1992, cùng gia đình sang Mỹ lập

nghiệp tại Boise, Idaho.

Năm 1993, làm việc tại hãng điện tử ECCO. Tham gia công tác từ thiện của ECCO Children Relief Fund và từ thiện cho quê hương Việt Nam.

Năm 2013, thi viết văn của nhà báo Người Việt kỷ niệm 35 năm thành lập.

Từ năm 2020 nghỉ hưu, đi chùa và làm từ thiện.

 

Con Dịt

 

Tác giả: Hoa Hà

 

Nghĩ tới đây, lòng tôi sôi sục những nỗi giận hờn, bực tức, đau đớn, tủi nhục, sợ hãi, lo âu và pha trộn tất cả

để thành những giọt nước mắt sẵn sàng nhảy ra bất cứ lúc nào… Vì thế tôi đã trở thành một người “mít ướt” dễ khóc mà người đời thường chế diễu là hay “khóc nhè” như con nít, còn nếu tử tế hơn thì sẽ là “ồ, bà ấy dễ xúc động thôi.” Mọi sự đều được xảy ra trong con người tôi chỉ vì “con dịt” đấy ạ.

Năm nay nhờ trời thương, thân tặng cho tôi số tuổi sáu mươi bẩy “cái xuân xanh” đã biến tôi thành bà già lúc nào không hay! Buồn cười nhỉ? Trong những lúc yêu đời tôi lại có suy nghĩ rằng “Mình chỉ mới có năm mươi thôi… “ Kệ! Còn trẻ mà vẫn còn có quyền chưng diện, ăn mặc màu mè một tí, nhí nha, nhí nhảnh, nhìn đời với đôi mắt màu xanh hy vọng. Nào…một chút phấn hồng, mắt nâu, môi đỏ trang điểm, vớt vát cho cái tuổi già sắp xế bóng của tôi.

Niềm hãnh diện đi bên cạnh chồng mình một cách hạnh phúc, chúng tôi đã chung sống với nhau hơn bốn mươi bẩy năm, cùng chia sẻ ngọt bùi, cay đắng và cùng già với nhau, chưa móm mém nhưng cũng gần đến rồi đó các bạn ạ.

Chúng tôi đã có được ba mặt con, hai trai và một “thị mẹt,”

 

một con số lý tưởng trong thời nay là có nếp có tẻ, không cần thêm nữa. Chồng tôi thường hay nói với tôi, “Chúng ta chỉ cần có ba đứa con thôi nha em, mình sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng chúng nên người, đủ rồi, còn hơn đẻ cho nhiều mà chẳng ra gì.”

“Vâng phu quân mà nói thì tôi “OK” ngay, tôi sợ sanh thêm lắm, rất nguy hiểm và mệt mỏi, tuy tôi có cái “lưng tôm” mà ông bà xưa thường hay ví von rằng “gớm, cái lưng tôm thì tha hồ mà lắm con.”

Qua Mỹ được sống trên một đất nước văn minh bậc nhất thế giới; có nhiều cơ hội cho mọi người sinh sống, không còn thấy những cảnh nghịch lòng, nghèo khổ nữa. Bên này người dân hạn chế sinh đẻ vì cuộc sống, luật lệ, công bằng của xã hội nên con người có đời sống sung túc, hưởng thụ, vui sướng hơn, mỗi gia đình chỉ có một hay hai, ba con thôi, còn muốn nhiều hơn thì cũng được “ráng mà chịu khổ, mà kéo cày.”

Thế nhưng cái “con dịt” đã làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi cũng như tất cả mọi người trên thế giới, nó chẳng biết kiêng nể ai cả. Khi nghe đến tên của nó ai cũng phải ngán ngẫm, e dè và kinh sợ. Nó được mọi người “thương tặng” cho rất nhiều cái tên nghe rất kêu, rất ghét.

“Dạ… xin thưa nó là con “covid 19” đấy ạ.” Đối với tôi đó là “con dịt”, cái con mắc dịch, cái con trời đánh… Nó được sanh sản ra trong năm 2019 nên được gọi vắn tắt là covid 19, sức lây lan khủng khiếp, nhanh chóng, nguy hiểm. Nó tấn công con người một cách tàn bạo. Chúng ta không thấy hình hài quá nhỏ của chúng đâu, chỉ qua kính hiển vi điện tử mới phát hiện ra nó, mắt thường không nhìn thấy được, thân tròn, chung quanh có những giác tu như bạch tuộc, bay nhảy trong không khi, lơ lửng và sẽ bay vào tai, mũi, họng của con người như siêu nhân, đi qua cổ họng xuống phổi, đóng đô, làm nghẹt các tế bào phổi. Bệnh nhân nghẹt thở vì thiếu ô xy và đi đến cái chết nhanh chóng.

Bệnh nhân bị lây lan cấp kì thường là ở chỗ đông người, con

 

covid ẩn nấp qua đường hô hấp, ho, nước bọt, nói chuyện vói nhau, sự đụng chạm tay, chân, con người với con người, dễ dàng lắm, là cơ hội tốt cho nó phát triển, giết người không cần gươm dao hay súng đạn mà chúng cứ nhởn nhơ, bay nhảy, gặp ai là “sực ngay” nhất là các người lớn tuổi, người có bệnh nền là nó khoái lắm, bệnh viện chật ních người, không có giường trống nữa, người chết đông như rạ, những nơi mai táng làm cả ngày lẫn đêm để phục vụ người chết vì bệnh dịch.

Chánh phủ các nước trên toàn thế giới đã phải điên đầu, họ đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn sức lây lan, sức giết người, nhưng rất khó khăn. Các nhà khoa học, chuyên viên phải nghiên cứu ngày đêm để đương đầu với bệnh dịch nguy hiểm có một không hai từ trước tới giờ. Hậu quả của covid 19 làm cho cả thế giới điêu đứng khủng khiếp, ngoài sự tiêu diệt loài người, nó còn làm kinh tế tê liệt, suy yếu, đau khổ cho nhân loại. Việc ngăn sông cấm chợ lan rộng, hễ chỗ nào có người là phải ngăn cấm. Biết bao nhà thờ, chùa chiền, trường học v..v… đều bị đóng cửa hay hạn chế lại. Nạn thất nghiệp gia tăng, mọi người may mắn thì được làm việc tại nhà, học trò cũng vậy, học qua “online”. Đường xá vắng hoe’ xa hơn nữa mọi người đều bị ở nhà nên tâm lý con người trở nên bực bội, thay đổi, khó chịu, hoảng sợ.v.v..đã có nhiều người thất chí vì lỗ lã, tiền bạc nên tự tử, điên khùng… còn gia đình thì khủng hoảng, cha mẹ, vợ chồng, con cái tình cảm bị sứt mẻ, chưa kể đến tình trạng gia đình tan nát. Covid 19 đã cướp đi người thân, con mất cha, mất mẹ, cha mẹ mất con, chồng mất vợ, vợ mất chống, ôi thảm cảnh não nề như địa ngục trần gian, nước mắt của con người tuôn ra như suối không ngừng.

Trách nhiệm to lớn này ai sẽ là người gánh đây? Hậu quả trầm trọng, ác nghiệt là do đâu?... Có lẽ đây là cuộc chiến tranh vi trùng học của bọn khủng bố nào đó… Nguyên nhân ở đâu ra? Còn trong nghi vấn? Thực tế thì ai cũng biết… nhưng cũng chưa có bằng chứng chứng minh chính xác vì… vì… cứ hỏi “ông

 

giời” thì sẽ ra ngay đó mà.

Tôi không muốn va chạm vào chính trị vì cái “con dịt” là do màn kịch chính trị của ai đó mà thôi…Chúng ta hãy chờ đợi đi, thời gian sẽ trả lời tất cả. Bây giờ mọi người phải tuân theo luật lệ của chánh phủ, cứ giả câm, giả điếc mà nghe theo: chích ngừa, đeo mask, tránh chỗ đông người, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên, sát trùng miệng bằng nước muối hay listerin, rửa tay bằng hand sanitizer thì sẽ tránh được “con dịt” hỏi thăm.

Nhưng sẽ còn dài dài cho mọi người thưởng thức và cũng còn tùy vào sức giết người của nó, hình như nó cũng sắp tàn lụi, yếu hơn… dịch này đã kéo dài hơn hai năm, khiếp nhỉ. Lúc này ít thấy người chết và bệnh nhân vào bệnh viện nữa, chỉ uống vài viên thuốc là khỏi, cũng giống như bệnh cảm cúm thôi và mọi người cảm thấy thoải mái, vui vẻ, nhẹ nhõm, thật hú hồn hú vía.

Bây giờ ngồi đây tưởng nhớ lại những giây phút kinh hoàng trong bệnh dịch mà tôi cảm thấy thương cho con người, trong đó có đại gia đình của chúng tôi, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Hồi đó nhà tôi phôn reng liên hồi và tiếng con trai tôi nói dồn dập.

“Bố mẹ ơi! Biết tin gì chưa?” “Cái gì vậy con,” Tôi hấp tấp hỏi.

“Mẹ ơi! Boise có người chết đó, nghe đâu có mấy người vì con covid 19, bố mẹ cẩn thận đừng đi đâu nha.”

“Ủa! Rồi mẹ cần phải đi làm mà.”

“Mẹ thì hay đi chợ đó, đi làm là về ngay, mẹ đừng đi mua gì thì được, cái con này lây dữ lắm.”

“Vậy à, để mai mẹ đi làm coi sao nhá con.”

Ngày mai tôi đi làm là cả công ty xôn xao, họp khẩn, phổ biến về bệnh dịch nguy hiểm và họ đưa ra những biện pháp để

 

đề phòng nào là đeo mask, rửa tay thường xuyên bằng hand sanitizer, không hội họp đông người, ăn trưa không được ăn cùng giờ, nhóm này cách nhóm kia một tiếng và trong khi làm việc, đi đứng, hội họp mọi người phải cách xa nhau 6 feet.v.v…

Chúng tôi hồi hộp và rất lo sợ, thần chết gõ cửa đâu đây, không khí làm việc đầy âu lo, trước kia chúng tôi vui vẻ nói chuyện huyên thuyên, bạn bè tíu tít nắm tay, ôm vai thả cửa, bây giờ thì khép nép, đi đứng chầm chậm, cách xa nhau, có khi cả ngày cũng không gặp mặt nhau, nếu đi ngang gặp nhau thì cũng chỉ vẫy tay, ra về cũng từng nhóm ra xe, không như ngày xưa mà tán gẫu, cười giỡn, la cà.

Các con tôi gọi cho chúng tôi thường xuyên, báo cáo tình hình mọi nơi, “bố mẹ phải thế này, thế kia.” Tụi nó còn cảnh cáo tôi rằng, “Mẹ là hay đi rồi lây cho bố đó, bố ở nhà hoài không sao, tụi con chỉ lo cho mẹ thôi. Con Covid 19 này thích người già lắm, hay là mẹ nghỉ làm đi.”

Tôi giẩy nảy, “Không được, mẹ còn hai năm nữa mới nghỉ hưu mà mẹ thích đi làm, ở nhà chán lắm con ơi.”

Một thời gian sống chung với Covid, chúng tôi như người mất hồn, lo sợ, đi đâu cũng hồi hộp, đau tim với những tin tức khủng khiếp hằng ngày, bao nhiêu người chết đầy bệnh viện, hai vợ chồng già luôn mở TV, ngày đêm lắng nghe, xem những cảnh chết chóc, tang thương, nghe điện thoại khẩn cấp của con cái, bạn bè muốn cháy cả phone. Những câu chuyện lây lan chết người từ những người đi ăn tiệc. Những công ty, nhà hàng, chùa, nhà thờ v.v… rồi phải đóng cửa. Mọi người ở trong nhà, hạn chế đi lại, chúng tôi nghe những câu chuyện chuyền tai nên sợ luôn cả những lá thơ từ bưu điện gởi đến, phải đeo găng khi lấy thơ và bỏ ngoài garage một ngày sau mới đem vào nhà, đồ ăn cũng thế đi chợ mua về là để ở ngoài garage vài tiếng sau mới được đem vào trong nhà, lau kỹ chúng rồi mới bỏ vào tủ lạnh.

Nhà cửa, bàn ghế cũng phải lau chùi bằng thuốc khử trùng,

 

bóng lưỡng cả lên.

Mọi người cứ phải làm những công việc thừa thãi, nhưng rất thận trọng, mất thời gian ngay cả chỗ làm việc cũng thế, tất cả mọi người phải “clean” trước và sau khi làm việc, các vật dụng, máy móc cho đến từng cây viết, cái kềm, cứ bốn tiếng lại có người đi vòng vòng lau lối đi, bàn ghế, cửa nẻo, nghĩa là bất cứ chỗ nào con virus này cũng có thể đến được.

Buổi sáng trước khi làm việc, tất cả mọi người phải đi qua một cái máy, đeo mask, phải đứng và chỗ đánh dấu và máy sẽ rà vào mặt bạn cho biết nhiệt độ trong người. Nếu không may nhiệt độ cao một xíu là phải báo cáo với sếp ngay nhưng không cần đâu đã có người theo dõi bạn và sẽ mời bạn về nhà nghỉ bốn ngày. Trời ơi! Con tim cứ hồi hộp mỗi ngày, làm việc chẳng vui tí nào. Còn cái màn phải rửa tay với thuốc mà phải rửa đúng cách nữa, phiền toái ghê lắm.

Có lần con trai lớn của chúng tôi gọi phôn với giọng khàn đục. “Mẹ ơi! Con bị rồi.”

“Ối trời! Con bi cái gì vậy.” Tôi hốt hoảng la lên. “Dạ, con bị Covid rồi, hôm nay con nghỉ làm ở nhà.” Hồn vía lên mây, tôi nói như muốn khóc, lắp bắp hỏi: “Con bị hồi nào, con…con… thấy thế nào?”

“Dạ con bị ho, nóng, đau cổ họng, mệt, đi tiêu chảy hôm qua. Bi anh cũng bị nữa, còn vợ con và bi em không sao, à mẹ có bị gì không? Chiều thứ bảy tụi con nghi là bị Covid nên không qua mẹ ăn cơm đó.”

Tôi chợt nhớ ra… à cứ mỗi thứ bảy là cả nhà con trai qua bên tôi ăn cơm. Chúng tôi muốn như vậy để nhìn thấy gia đình của con, những khuôn mặt đáng yêu của tụi nó nên cũng tôi “dụ khị” con cháu mình bằng những bữa ăn hoành tráng, ngon miệng như phở, bún bò Huế, gỏi cuốn..v.. v... tùy theo khẩu vị. Hơn nữa, ít có nhà hàng Việt Nam nào nấu ngon nên tôi mới ra

 

chiêu nấu ăn hấp dẫn để dụ bọn trẻ, tuần này là bún bò Huế, đặc sản quê hương vậy mà chúng từ chối không qua vì “bận việc.” Hai vợ chồng nhìn nồi nước lèo to tướng trên bếp, đĩa rau, rổ bún, đĩa thịt bò gân giò heo, ngó nhau mà buồn.

“Thôi tuần này chúng nó không qua… Nhà trống vắng, nhớ hai thằng cháu quá! À mà hai vợ chồng mình làm sao ăn hết đống đồ ăn này đây trời.”

Tôi đang suy nghĩ tìm cách thì chợt nhớ ra. Đây rồi hí hửng tôi vội gọi phôn cho con trai, cháu tên là Bột (tên gọi ở nhà).

“Bột ơi! Con rảnh không? Tụi con không qua cả nhà thì một mình con qua đây lấy bún bò Huế đi, mẹ sẽ sắp sẵn đồ ăn, rồi con mang về cho cả nhà ăn, nhanh lắm con không phải đợi lâu đâu.”

Tôi biết cậu con trai cưng của mình thích ăn bún bò lắm, là món tủ của nó mà, thế nào nó cũng sang thôi, cứ nhìn cái mặt của nó là đủ rồi…Bao nhiêu mệt nhọc cũng tan biến hết.

“Dạ, con bận lắm…nhưng thôi để con qua, mẹ làm sẵn cho con nha, cảm ơn mẹ.”

Tôi mừng húm như bắt được vàng, ba chân bốn cẳng báo tin vui cho chồng.

“Ông ơi! Bột sẽ qua lấy đồ ăn, tí xíu nữa thôi.” “Vậy à, mẹ nó chuẩn bị đi nhá.”

Lòng mừng khấp khởi sẽ đươc nhìn thằng con ngoan của mình và hai vợ chồng không phải ngâm nga ăn hết món bún bò ba bốn ngày nữa… sao mà mình thông minh, lẹ làng đến thế nhỉ.”

Không đợi lâu khoảng mười lăm phút, tôi nghe tiếng cửa garage bật mở, tiếng chân bước vội và cánh cửa mở và khép nhẹ nhàng.

“Mẹ ơi! Xong chưa.”

“Rồi đó con, mẹ để trên bàn.”

 

Cậu con kì này đeo mask, bước đi nhanh băng qua nhà bếp, nhìn tôi một tí rồi tiến lại bàn, ôm lấy thùng đồ ăn, vọt lẹ ra cửa và nói.

“Con về, cám ơn mẹ.”

Thế là Bột biến mất một cách lẹ làng. Tôi lẩm bẩm:

“Quái lạ! Cái thằng nhỏ này làm gì vội thế, chưa kịp hỏi nó câu gì.”

Tôi nghe tiếng cửa garage đóng lại và tiếng xe chạy vội, tôi còn nghe tiếng ông chồng bước từ trên lầu bước xuống.

“Bột đến chưa? Bố nghe tiếng cửa mở.” “Con đến rồi, nó mới đi xong.”

Hai vợ chồng ngó nhau một chút rồi mạnh ai đi làm việc nấy và đồng suy nghĩ.

“Thằng bé lúc nào cũng bận rộn.”

“Mẹ còn có ở đó không?” Giọng khào khào của con làm tôi tỉnh giấc mơ.

“Ồ, mẹ còn đây, con sao rồi, đi bác sĩ chưa, hai bố con có bị nguy hiểm gì không?” Tôi hỏi một loạt với giọng thổn thức, nước mắt đã tuôn rồi.

“Chúng con đi bác sĩ, họ nói hai đứa con bị nhiễm covid nên cho thuốc. Bi Anh bị nặng hơn con, nó mệt và tiêu chảy, đau, ho nhiều. Tại nó đi đá banh, hay bi lây ở trường học đó, thôi mẹ cẩn thận hơn nha, hôm qua con gặp mẹ đó… con mệt rồi, con đi ngủ đây?” Thế là Bột cúp phôn tôi.

Tôi nghe như trời đất sụp đổ bên mình. Thần chết đã đến, vây quanh gia đình mình rồi… làm sao đây. Tôi vừa khóc, mếu máo ngó chồng cũng đang lo sợ, ngồi trên ghế gần đó.

“Bột và Bi Anh bị rồi… chắc em cũng bị luôn vì hôm qua

 

hai mẹ con gặp nhau mà.”

Chồng tôi cũng sợ hãi nhưng anh ấy vẫn bình tĩnh hơn tôi “để tôi gọi cho mấy chỗ điều trị covid xem sao? Rồi tụi mình phải đi test thôi.”

Tôi gật đầu, lòng lo âu, mình phải làm gì đây? Một suy nghĩ nhanh nhất là tôi chạy đến bàn thờ Phật, quỳ gối, chắp tay xin người cứu giúp và lẩm bẩm câu nói trong đầu.

“Phật ơi! Con xin ngài cho chúng con bình an, gia đình con trong cơn hoạn nạn, xin người cứu giúp Bột, Bi Anh và chúng con nhé.”

Khi con người đã đến bước đường cùng, hết hy vọng trong cơn thập tử nhất sinh hay nguy hiểm đều một lòng hướng về Phật, mong một phép nhiệm màu của ngài xóa tan những khổ đau, sợ hãi, chứ bây giờ biết tin vào đâu? Hết cách rồi cầu Phật gia hộ là tốt nhất.

Chồng tôi đã đi gọi nhiều nơi nhưng họ đều nói là phải chờ vì chỗ nào cũng đông bệnh nhân và họ chỉ test khi mình có triệu chứng Covid… mà tụi tôi chưa có gì cả, chúng tôi gọi cho hai đứa con ở Cali, báo tin buồn cầu cứu.

Con trai ở Cali cũng gọi phôn tứ phía hỏi thăm về tình hình ở Boise, các nơi cần phải đi test, bệnh nhân cần phải làm gì... v..v…

Con gái quính quáng, giọng của nó sắp khóc và lo lắng “Bố mẹ phải nghe con nói đây, bố mẹ uống ngay mật ong, thuốc mà con gửi tuần rồi đó, pha với chanh, nước ấm, đừng đi đâu nhiều, năng tập thể dục, nghỉ ngơi, con chỉ lo cho mẹ nhiều hơn vì mẹ phải đi làm… mẹ cẩn thận nhé.”

Các con tôi luôn săn sóc, lo lắng cho chúng tôi, trong những lúc nguy cấp, như thế này mới biết tấm lòng của con cái, đáng yêu như thế nào.

Phải làm gì đi chứ! Không thể ngồi yên đây mà than với khóc,

 

chúng tôi phải đương đầu, phải chiến đấu với con Covid nguy hiểm này, con cháu của mình đang gặp nạn, chúng tôi phải cứu nó.

Tôi gọi ngay vợ Bột, con bé này người Đại Hàn nên vấn đề ngôn ngữ cũng có phần khó khăn, chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau. Khi có chuyện gì con bé hay dùng phương pháp của Đại Hàn, còn chúng tôi thì dùng phương pháp Việt Nam nên hay bị phản đối nhưng giờ đây trước sự nguy kịch của chồng con vợ Bột đã mất đi tính ngang phè phè của nó mà mềm như cọng bún nhúng nước, dịu giọng nghe lời tôi tất tần tật.

Nào là phải mua chanh, cam, gừng, hành, tỏi để ở nhà, nấu cái này cái kia, v.v… gia đình chúng nó cũng không được gặp nhau mà phải cách ly như ngưu lang, chức nữ. Hai bố con nhà Bột ở trên lầu, hai mẹ con nó ở nhà dưới, liên lạc với nhau qua cầu thang và điện thoại. Thuốc men, đồ ăn đặt ở cầu thang, hai bố con cứ tự xuống lấy, bốn mắt nhìn nhau mà lòng quặn đau, vì phải cách ly nên phải như vậy thôi. Con bé Đại Hàn này rất nguyên tắc nên tôi cũng yên lòng. Cứ hai ngày một lần, tôi nấu đồ ăn ngon đến cho tụi nó, để trước cửa nhà, bấm chuông và chạy như bắn vào xe, ngồi chờ đợi. Nhìn thấy con dâu mở cửa và ôm thùng đồ ăn, vẫy tay chào, với vẻ mặt âu lo, hốc hác, ráng mỉm cười nói, “Cám ơn mẹ.”

Nhìn nó đóng cửa nhà mà lòng tôi như có ai xát muối. Không biết hai bố con nhà Bột đã đỡ chưa? Con Covid đã “từ giã” bọn nhỏ lúc nào chứ nghe qua điện thoại thì giọng nói vẫn còn khàn đục, mệt mỏi lắm. Tôi sợ con Covid bay lảng vảng đâu đây nên mỗi lần đến nhà con trai, là tôi phải thận trọng, ông chồng đòi đi theo nhưng tôi không cho.

“Anh ở nhà, đừng theo em, nguy hiểm lắm. Nếu hai đứa mình bị luôn thì khổ.”

Trên đường đi tôi chợt thấy bóng dáng một cậu bé gầy cao, mặc áo khoác, quần ngắn đang đi bộ bên kia đường và đi rất chậm, có vẻ mệt mỏi lắm… Tôi thấy hơi quen quen nên vội cho

 

xe chạy từ từ, đằng sau cháu bé đó.

“Ủa, Bi Anh đây mà, tại sao nó lại ra ngoài đường, không ở nhà, con đường vắng vẻ, lỡ nó té xỉu thì ai đem nó về… Trời ơi! Lại còn mặc quần ngắn nữa, mái tóc quăn của nó bay trong gió, che lấy khuôn mặt trắng xanh, thằng bé trông thật tiều tụy. Tôi bật khóc, “Cháu của bà ơi! Đứa cháu đích tôn của ông bà nội đây mà, sao bà không dám lại gần con, ôm lấy con, vỗ về như ngày nào thằng bé con của bà, hic, hic, cháu ơi là cháu!”

Cháu chẳng biết lo cho thân mình, bệnh như thế mà vẫn ra ngoài đường. Với số tuổi mười ba là cầu thủ đá banh nhí của trường, cháu thích đá banh, cả Bi em nữa. Ba bố con cứ luôn đi đá banh ngoài giờ học và đi làm. Cũng tại vì đá banh mà dính con Covid hỏi thăm, chứ ở nhà thì chắc không bị đâu.

Cái chân hay chạy nhảy mà bị cô lập ở nhà nhiều ngày nên bực bội. Bi Anh chắc ra ngoài hít thở khí trời, nhưng như vậy sẽ nguy hiểm cho cháu và mọi người xung quanh nữa.

Tôi ngừng xe trước mặt đứa cháu nhỏ, can đảm mở hí cửa kính nói, “Cháu về đi, ngoài đường lạnh đó.”

“Dạ, cháu không sao đâu! Cháu đi chút xíu sẽ về.” “Bà đem phở cho hai bố con, về mà ăn nhá.”

“Dạ, cảm ơn bà nội,” giọng lơ lớ như chú Ba làm tôi buồn cười, quên đi nỗi buồn bực, đau khổ trong lòng.

Tôi ngắm nhìn khuôn mặt đáng yêu nhưng pha chút mệt mỏi của cháu.

Cũng may phía sau tôi không có xe chờ nên tôi yên tâm nhìn thằng bé thêm năm phút nữa, bốn mắt nhìn nhau qua cửa kính xe mà lòng xé đau. Thằng bé vừa cười vừa giơ tay vẫy. Tôi cho xe chạy, ngoái cổ nhìn cháu và cũng vẫy tay, nước mắt đầy rồi, tôi không thấy đường đi nữa nên ngừng xe lại và lau vội nước mắt.

Cháu còn vẫy tay cho đến khi tôi đi khuất con đường. Tôi mất việc làm vì con Covid, nó đã cản bước chân làm việc của tôi. Tôi

 

căm hận cái con mắc dịch làm khổ biết bao nhiêu người, đến trẻ con chúng cũng không tha, biết bao giờ thế giới mới bình an đây.

Cũng may tổng thống Mỹ đã đôn đốc ngày đêm cùng với những nhà nghiên cứu, công ty chế ra thuốc chích như hãng Moderna, Pfizer, Johnson… đã cứu nhân loại thoát cảnh chết chóc lầm than. Chúng ta phải chích thuốc, không biết sẽ có bao nhiêu đợt nữa, đợt một, đợt hai, ba, bốn năm, sáu… dân chúng cứ việc đưa cánh tay mềm mại, yêu dấu để “xin ông chích vào đi ạ.” Sau đó về nhà lên cơn sốt, cơn đau, ăn ngủ không yên. Người già được ưu tiên trước, trong đó có chúng tôi.

Tôi rất sợ phải chích, nhìn mũi kim mà hãi hùng khiếp đảm, nhưng vì con Covid, sợ nó… sợ nó giết mình… chết thì sao… nên đành phải núp sau lưng chồng, rón rén, chậm chạp đưa cánh tay cho bà y tá, muốn làm gì thì làm đi… khổ ghê lắm người ơi…

Sau khi chích được mũi thứ hai, mọi người đều yên tâm phần nào nhưng vẫn phải cẩn trọng vì sức giết người vẫn còn lan rộng, bệnh viện vẫn chật ních người, là theo báo chí và truyền thông loan tin. Ông Covid-19 lại còn sanh lòng tà dâm, biến chủng nữa, chúng đẻ ra các em như Alfa, Delta, Omicron, B.A 2, khỉ con gì đó và con người cứ tiếp tục mà lo, mà chích. Mẹ tôi sống ở Cali, với sự chăm sóc của cậu em trai ở nhà, gia đình con gái, con trai tôi vẫn phụ với cậu để lo sức khỏe cho bà. Chúng tôi hồi hộp vì mẹ tôi như chuối chín cây, không biết rụng đi lúc nào nữa. Rồi ngày phải đến đã đến, chúng tôi nhận được hung tin… Mẹ tôi đã qua đời với tuổi chín mươi lăm trong mùa dịch tràn lan. Bà không nhiễm bệnh Covid mà là bệnh già thôi nhưng cũng phải tuân theo luật lệ nghiêm khắc, phải chờ đến hơn một tháng sau mới chôn.

Nghĩ mà thương mẹ vô cùng, chúng tôi luôn cầu mong cho bà qua năm tới để thoát được bệnh dịch, có thể tình hình sẽ tốt hơn nhưng số phận của mẹ tôi đã an bài, trúng vào mùa Covid.

Tôi biết có những gia đình có người thân mất, nhà quàn chỉ cho có năm, sáu người tham dự, khống chế người đi viếng, tránh

 

đông người, cho nên lễ an táng đã buồn càng buồn thêm vì sự vắng vẻ của người thân và bạn bè… Không ai dám đến viếng người đã mất, chỉ còn có gia đình, có khi họ còn chôn vội vàng, không cần người thân nữa.

Đối với tôi, mẹ là tất cả, mẹ là người tôi luôn yêu quí, kính trọng, thương yêu dù tôi ở xa mẹ, từ khi lấy chồng đến giờ, trong tâm luôn có mẹ, luôn nhớ về những lời dạy, lời yêu thương của mẹ, của cha. Bố mẹ là Phật trong con, là sức sống, là mọi thứ trên đời, con được như ngày nay là do công ơn dưỡng dục của cha mẹ chúng con rất biết ơn trời biển này, không bao giờ quên. Phật ơi! Mẹ ơi! Bố ơi! Hãy giúp chúng con có nghị lực, can đảm để con sáng suốt, và con mắc dịch không làm nỗi sợ hãi nữa. Tôi quyết tâm sẽ về Cali lo đám tang cho mẹ của tôi.

Mọi người chung quanh hỏi thăm, chia buồn và khuyên tôi đừng đi Cali nữa vì trên máy bay dễ bị nhiễm Covid lắm, không gian nhỏ hẹp sẽ là nơi lây lan dễ dàng, lại đông người nữa. Nhưng tôi đã quyết tâm đứng vững như kiềng ba chân. Còn một vấn đề quan trọng nữa là chồng tôi, anh ấy đã bẩy mươi cũng như tôi, ở cái tuổi này, con covid khoái “cắn” lắm vì người già thì sức khỏe yếu kém nhưng mình cũng phải hỏi anh ấy một tiếng chứ, vợ chồng với nhau mà. “Bố ơi! (tôi hay dùng từ này để nói chuyện cho thân thương) vậy bố có đi cùng với mẹ không? Nếu không tiện thì một mình mẹ đi cũng được.”

“Tại sao không? Mẹ đi đâu bố đi đó.”

Trời ơi! Tôi mừng quá vì chồng tôi xưa nay ít đi đâu, chỉ thích ở nhà, tánh tình hơi khó khăn một chút nhưng khi có chuyện quan trọng thì quyết định rõ ràng.

Tôi muốn ôm lấy chồng và khẽ nói, “Em yêu anh quá!” nhưng có vẻ “cải lương” nên tôi đổi ngay, nắm tay chồng và… ”Mẹ cảm ơn bố,” tôi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt đã rơi tự lúc nào không hay.

Ngay lúc đó cô gái út gọi phôn cho tôi.

 

“Mẹ ơi! Mẹ quyết định chưa để con mua vé máy bay, nếu chần chừ, để lâu vé sẽ mắc lắm đó mẹ.”

“Bố mẹ đi chứ, đám tang của bà Ngoại con mà.”

Con bé mừng quá reo lên, giọng của nó như muốn khóc. “Vậy mà con tưởng mẹ không dám đi như những người

khác, mẹ giỏi lắm, bà ngoại của PQ, em Bi hết xẩy nhưng bố mẹ phải tuân theo luật lệ cách ly.”

“Là sao hở con?”

“Bố mẹ phải ở khách sạn bốn ngày, rồi test sau đó về nhà thay đồ nhanh, chúng con sẽ thuê khách sạn, ăn uống thì có người đem tới mỗi bữa. Bố mẹ không phải lo gì cả, chỉ ở trong khách sạn, đi la cà nhé. Bố mẹ thông cảm vì con có con nhỏ nên phải cẩn thận hơn ạ :

“Úy trời, khổ vậy à.”

“Mẹ ơi! Vì con Covid này rất nguy hiểm, chết người đó, ở Cali đang bị nhiễm bệnh nhiều lắm.”

“Ok, bố mẹ chịu mà, cứ như là đi chơi thôi!”

Khi bước vào trong máy bay, sự hồi hộp, lo lắng tăng cao, hai vợ chồng ngó dáo dác, chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, hai cái mask đeo trùm vào nhau làm tôi khó thở quá, lâu lâu tôi kéo hở chút xíu để lấy Oxy, hít thở nhẹ nhẹ kẻo con Covid nó nhào vào thì khổ.

Cô tiếp viên hàng không cũng đeo mask kín mít, tất cả mọi người đều phải đeo, nếu không có họ sẽ tặng cho bạn một cái, bắt buộc đấy ạ. Hành khách được ngồi cách xa, mỗi người một hàng ghế ngồi chéo, cũng may vì bịnh dịch nên rất ít người đi máy bay nên chúng tôi cũng “mừng húm.”

Bé Hoa là cục cưng của chúng tôi, chỉ có một con gái nên cháu rất đặc biệt, nguyên tắc giống như con dâu Đại Hàn của tôi nhưng khác biệt là con bé này rất ngọt ngào, ăn nói dễ thương, cư xử biết điều và rất lo cho hai vợ chồng chúng tôi hơn. Cô nàng còn bắt

 

chúng tôi mặc hai quần, hai áo, hai mask nữa, nhưng không sao mùa đông mặc hai cái đều rất ấm, tốt thôi.Tôi thích đeo mask về mùa đông vì nó che kín lấy khuôn mặt chỉ lộ hai con mắt để nhìn, ấm áp lắm các bạn ơi. Còn mùa hè thì ôi thôi, cả một vấn đề đau khổ nhưng vẫn cứ phải đeo, để được an toàn, lâu lâu cứ việc kéo tụt xuống một chút để thở, có sao đâu nào!

Tôi ngồi trên máy bay, lúc nào cũng ôm khư khư cái ví nhỏ, trong đó ngoài những vật dụng tùy thân như thẻ tiền, thuốc rửa tay hand sanitizer, tôi còn đặc biệt có tấm hình của Phật, đức tin tuyệt đối của chúng tôi và luôn cảm thấy một sự che chở, linh thiêng, ấm áp của ngài. Không phải vì sợ bịnh dịch nên nhờ Phật đâu! Mà đã từ lâu tôi tin vào ngài, sự truyền đạt tuyệt vời giúp chúng sanh giải thoát những u tối cuộc đời, hướng thiện dạy dỗ con người sống thế nào cho hợp với luân thường đạo lý xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Sợi dây chuyền có Phật bà Quan Âm, tôi luôn đeo trên cổ, luôn nhắc nhở tôi phải luôn tu chỉnh đốn con người mình và cầu mong được sự che chở bình yên của ngài.

Ở khách sạn tôi buổi trưa thì có người gõ cửa để đồ ăn trước phòng. Buổi tối thì cháu mua những món ăn chơi nóng hổi, buổi chiều thì gia đình Hiếu, là con trai giữa mang thức ăn của nhà hàng đem tới. Nhìn con, nhìn cháu mà thương vô cùng nhưng không được ôm chúng, chỉ đưa mắt nhìn nhau và giữ khoảng cách xa, mặc dù đã khử trùng tay chân. Bao ngày xa cách trông chờ vì con Covid, nay “nhờ có” tang của mẹ tôi nên chúng tôi được gặp nhau sau hơn một năm trời, đây là sự hội ngộ đớn đau của gia đình chúng tôi trong cơn bệnh dịch này.

Con bé Hoa luôn chuẩn bị chu đáo cho hai vợ chồng chúng tôi, nó chọn khách sạn đặc biệt là xa chợ, xa nơi đô hội, sát cạnh free way để chúng tôi không đi tham quan, la cà ăn uống, nhưng chẳng khó gì với hai ông bà già này đâu đấy. Chúng tôi vẫn đi tản bộ trên những con đường đẹp có hai hàng cây bóng mát,

 

bông hoa nở rộ, công sở sang trọng; xe cộ vẫn chạy và chúng tôi vẫn cứ đi, đến khi mỏi chân thì về khách sạn nghỉ ngơi, thương con yêu nên chúng tôi không dám làm gì hơn…chỉ có thế…chứ có tiền, có miệng thì đi đâu chả được.

Qua ngày thứ hai, sáng sớm cô nàng đã gõ cửa đánh thức chúng tôi dậy.

“Bố mẹ ơi! Dọn đồ mình về nha!” “Ủa mới có hai ngày mà con.”

“Dạ, vậy cũng tạm đủ ạ. Bố mẹ không muốn về nhà sao? PQ, cu Bi nhớ ông bà lắm đó, tụi nó hỏi từng ngày.”

Bố mẹ mừng lắm, muốn khóc luôn vậy đó, nhưng mình có phải đi “chọt lỗ mũi” không hả con? (tức là đi test Covid)

Dạ khỏi, mau lên bà Ngoại, mình còn phải trả phòng nữa ạ.

Đám tang của mẹ tôi được diễn ra vào buổi sáng hôm ấy, nhà quàn tất bật, có thảy là ba bốn đám gì đó, sao mà người mất nhiều đến thế! Căn phòng rộng rất nhiều vòng bông tươi, xinh đẹp, lộng lẫy. Mẹ tôi đã nằm ở đây, bà như ngủ say giấc nồng. Khuôn mặt nhân từ ngày nào vẫn còn đó. Mẹ ra đi như một chuyến đi xa, mẹ đã đến với vòng tay của bố rồi. Mẹ yên tâm mẹ nhé, chúng con luôn yêu thương nhớ đến mẹ, người mẹ tuyệt vời, bà ngoại đáng kính của các con cháu. Nhìn cậu em trai là người đã chăm sóc cho bố mẹ, cậu già đi hẳn, gương mặt u buồn. Cậu đã hy sinh cuộc đời tươi đẹp của mình, không lập gia đình, tập trung để lo cho bố mẹ, lòng biết ơn vô bờ bến của người Chị này, chân thành đến với đứa em trai.

Bố mẹ tôi đều mất ở tuổi chín mươi lăm, cậu em tôi quả là người con hiếu thảo tuyệt vời.

Đứng nhìn mọi người chung quanh, họ im lặng, thành kính, chia buồn với gia đình chúng tôi, họ là ai? Tôi không biết nữa, chỉ biết họ là những người bạn thành đạt của các con tôi đã có tấm lòng can đảm, chân tình đến với đại gia đình chúng tôi trong

 

lúc tang chế, bịnh dịch đang hoành hành nguy hiểm. Dù biết rằng mọi người đều chích mũi thứ hai, nhưng mà ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra… sau này.

Chúng tôi thành thật cảm ơn tất cả những người đã đến với đại gia đình chúng tôi, cả những vòng bông tươi xinh đẹp của sui gia, bạn bè thân hữu phương xa đã gởi đến cho mẹ chúng tôi, hẳn bà cũng cảm nhận được sự ấm cúng, thân thương của mọi người đến đưa tiễn bà về cõi Phật hôm nay. Tiếng mõ, tiếng đọc kinh của các vị Ni Sư vang vang trong bầu không khí trang nghiêm, mùi trầm hương thơm bay quyện tiếng khóc sụt sịt của chúng tôi, chắc mẹ tôi cũng thổn thức, đau lòng trong phút chia tay; sự huyền diệu của kinh Phật sẽ đưa bà về bên kia thế giới huyền ảo.

Ba màu áo vàng của ba vị Ni Sư chùa Quan Âm Đại Bi làm tăng thêm phần long trọng của buổi lễ. Mặc dù bịnh dịch vẫn còn tác oai, tác quái nhưng các cô cũng như mọi người ở đây vẫn đến, đều một lòng giúp đỡ chúng tôi hoàn tất tang lễ một cách chu đáo. Chỉ có những lúc này mới nhận rõ được sự quan trọng của các Ni Sư, các cô đã sưởi ấm linh hồn người mất và xoa dịu nỗi đau mất mát của thân nhân gia quyến, sự lạnh lẽo, cô độc đã được nguôi ngoai.

Khi còn trẻ, tôi không đến chùa nhiều, chỉ đến với những ngày tết mà thôi. Nhưng khi qua đất Mỹ, cuộc sống thay đổi khôn lường, những lúc đau khổ, buồn bực không biết làm sao! Chúng tôi đã đến chùa, đến với Phật để tu tập.

Khi bước vào thế giới của đạo Phật, tôi cảm thấy sự tin tưởng tuyệt đối; Đức Phật ra đời, sự hy sinh của ngài để cứu vớt nhân loại, thoát cảnh tăm tối, u mê. Chúng ta không thể tưởng tượng cách đây hơn hai ngàn năm mà những giáo pháp, luật giới đều được áp dụng hiệu quả cho con người; những chứng minh về khoa học vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Thuyết luân hồi, luật nhân quả và còn nhiều nữa đã cho thấy sự uyên bác của Đức Phật, giúp cho chúng sinh khai phá, mở

 

mang chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành giác ngộ Đức Phật và đạo Phật có mặt trên cuộc đời này là để giảng dạy và giáo hóa cho con người biết tu tập, biết chuyển hóa tham, sân, si, biết bỏ ác làm lành, biết hướng thiện, mở mang trí tuệ, bằng cách áp dụng, thực hành vào đời sống hằng ngày của mình. Chúng sinh sẽ được sống an lạc, hạnh phúc và thương yêu nhiều hơn.

Để thực hành những điều Phật dạy, chúng tôi và gia đình, bạn bè quyết tâm chia sẻ những đau thương với những người nghèo hèn, kém may mắn, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già trong nhiều năm nay. Nhất là trong thời gian bệnh dịch hoành hành tại Việt Nam, người dân nghèo, đói khổ rên siết, không có cơm ăn, áo mặc, đói rét, không có việc làm, sự chết chóc kề bên như địa ngục trần gian.

Những thảm cảnh đó đã làm cho chúng tôi tỉnh giấc, Phật tánh trong người trỗi dậy, chúng ta phải làm gì bây giờ? Trước tiên là phải có tiền, đồng tiền sẽ giải quyết tất cả. Bất chấp con Covid, đang lộng hành nhưng giúp người là khẩn cấp, tôi cùng với chồng nấu những món ăn ngon và kêu gọi mọi người ăn ủng hộ để làm từ thiện.

Những đêm khuya phải nấu ăn hay sáng sớm thức dậy lo toan để hoàn thành những phần ăn nóng hổi, thơm phức, rồi đem giao hàng. Những thùng đồ ăn nặng trĩu không làm nản lòng chúng tôi.

Những khi mỏi mệt, nản chí, rồi con Covid hăm dọa làm chúng tôi chùn bước, không muốn tiếp tục làm công việc này nữa. Nhưng khi nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn của người nghèo khổ, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già đang mong đợi từng gói quà, hộp cơm, những món tiền nhỏ…tay họ run run cầm lấy, nụ cười rạng rỡ, vui sướng trên những khuôn mặt bất hạnh, lại tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi và tôi tự khấn với Phật rằng: “Xin người cho con thêm lòng dũng cảm, sức khỏe để con hoàn thành công việc này.” Quả nhiên tôi đã thấy sự nhiệm màu, tất

 

cả những mỏi mệt, khó khăn đều vượt qua được, sự may mắn trợ giúp và niềm vui xuất hiện trong tôi khi đã thực hiện trên hai ngàn xuất cơm và biết bao quà cho ngày tết, suất học bổng cho các trẻ nghèo mồ côi.

Và để bảo vệ cho đời sống, rèn luyện con người mình, chúng tôi quyết tâm thực hiện năm điều cần thiết của năm giới quy y là: Không sát sanh - Không trộm cắp - Không tà dâm - Không uống rượu - Không nói dối.

Khi làm đúng năm điều của Phật dạy thì nhân loại sẽ được ổn định trật tự, xã hội, gia đình sẽ hạnh phúc tốt đẹp. Sự tuyệt diệu này sẽ mãi mãi bền vững trong con người. Phật ơi! Phật quả là điều may mắn cho trần thế, mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho chúng sinh.

Vì vậy chúng ta phải luôn cố gắng bảo vệ ba báu vật là Phật, Pháp, Tăng, để duy trì, tồn tại, lưu truyền vĩnh viễn cho con cháu sau này hưởng lấy. Cũng như những tiền bối đi trước đã truyền lại cho chúng ta.

Mùi hương sen của Phật đã bay lan tỏa khắp mọi nơi. Tôi hít một hơi dài, thấm nhuần đạo pháp quý báu trong tôi và mọi người.

Cuối cùng chúng tôi xin cảm ơn chân thành chùa Hương Sen và Ban Giám Khảo đã tổ chức cuộc thi viết văn ứng dụng Phật Pháp để chúng tôi được tâm sự, học hỏi thêm về giáo pháp tuyệt vời có một không hai trên thế gian này.

Trân trọng kính chúc toàn thể quý Ni Sư chùa Hương Sen cũng như toàn thể Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo nhiều sức khỏe, tinh tấn, thành công để phục vụ cho chúng sinh ngày càng tốt đẹp hơn.

Kính

Boise (Idaho), ngày 9 tháng 8 năm 2022

Hoa Hà

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm