LỄ VÍA VĂN THÙ BỒ TÁT
(Ngày 4 tháng 4 âm lịch)
--- o0o ---
- Cúng hương
- Cầu nguyện
- Khen ngợi Phật
- Quán tưởng Phật
- Đảnh lễ
- Tán dương chi
- Chú Đại Bi
- Kệ khai kinh
- Kinh Văn Thù Bồ Tát
- Kinh Văn Thù Sư Lợi Tuần Hành
- Bát Nhã Tâm Kinh
- Niệm Phật
- Sám Mười Nguyện Phổ Hiền
- Hồi hướng
- Phục nguyện
- Kính lễ bốn ân, ba cõi
- Tam quy
- Bài kệ Chư Thiên
--- o0o ---
KINH VĂN THÙ BỒ TÁT
Như vậy tôi nghe: Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc, cùng tám nghìn đại Tỳ-kheo, trưởng lão Xá Lợi Phất, đại mục Kiền Liên.v.v... làm thượng thủ. (o)
Bồ-tát Hiền kiếp một ngàn vị, đức Di Lặc làm thượng thủ. Lại có mười phương Bồ-tát đến dự, đức Quán Thế Âm làm thượng thủ.
Cuối đêm, Phật nhập định, hào quang rực rỡ chói khắp rừng Kỳ Đà, xoay quanh vận chuyển, chiếu ngay phòng Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, hoá thành bảy cái đài bằng vàng. Mỗi đài có năm trăm hoá Phật đi kinh hành.
Bồ-tát Bạt đà Bà La kính lễ tịnh xá Phật, đến liêu ngài tôn giả A Nan giục báo hiệu cho đại chúng biết.
- Kính Thưa Thánh giả, Thế Tôn chưa ban sắc lệnh, tôi làm sao dám đánh kiền chuỳ họp chúng.
Tôn giả Xá Lợi Phất cũng vừa đến, bảo tôn giả A Nan: “Pháp đệ! Nên tuỳ nghi nhóm chúng”. Tôn giả A Nan liền đánh kiền chuỳ tập chúng. Tiếng vang dội khắp cả nước đều nghe. Trên cõi trời Hữu Đỉnh, Thích Phạm Hộ Thế Tứ Thiên Vương cùng các thiên tử vội hoa hương đến vườn Kỳ Đà. Bấy giờ đức Thế Tôn xuất định, mỉm cười, hào quang năm sắc từ miệng Phật hiện ra. Rừng Kỳ Đà biến thành ngọc lưu ly. Thánh giả Văn Thù vào trong tịnh xá lễ Phật, dưới mỗi đầu gối bỗng có năm bông sen. Từ trên đầu mười ngón tay chắp lại, hiện ra 10.000 hoa sen vàng. Ngài Văn Thù dùng hoa này tung lên cúng dường đức Phật. Xong ngài nhiễu Phật ba vòng rồi lui về chỗ ngồi. Bồ-tát Bạt Đà Bà La đảnh lễ thỉnh Phật nói về Thánh giả Văn Thù. Phật dạy: Ngài đã từng gần gũi trăm ngàn chư Phật, nay ở cõi Ta-bà làm Phật sự. Ngài thường biến hiện tự tại khắp mười phương thế giới, về sau lâu xa mới nhập Niết-bàn. (o)
Phật bảo: Bạt Đà Bà La và đại chúng, thánh giả Văn Thù vô lượng thần thông. Chúng sanh nào được nghe tên ngài, liền dứt trừ mười hai ức kiếp sanh tử tội nặng. Ai lễ bái cúng dường, đời đời thường sanh trong nhà Phật. Cho nên chúng sanh phải ân cần nhớ niệm hình tượng Ngài. Nếu quán không được tỏ rõ (bởi vì đời trước đã gây nghiệp chướng nặng nề) thì phải tụng kinh Thủ Lăng Nghiêm xưng niệm danh hiệu Thánh giả từ một đến bảy ngày, cầu nguyện thì sẽ thấy hình tượng ngài trong mộng. Muốn cầu chứng quả, lễ bái Thánh tượng một ngày một đêm, quán tưởng thấy được hình ngài, sẽ chứng A-la-hán. Ai thâm tín kinh Phương Đẳng, tu pháp thiền định, tâm còn tán loạn, thành kính niệm danh hiệu ngài, thì trong chiêm bao được nghe nghĩa chân thật viên diệu. Tâm người này được kiên cố, bất thoái nơi đạo Vô-thượng. (o)
Này Bạt Đà Bà La! Ai muốn tu phước nghiệp Bồ-tát, mà thường nghĩ nhớ đến Thánh giả Văn Thù thì ngài hiện thân bần cùng cô độc đến trước hành giả.
Các bậc trí tuệ phải nhìn xét cho kỹ Văn Thù đủ ba mười hai tướng quí, tám mươi vẻ đẹp. Hằng quán tưởng như vậy. Lại nhờ oai lực chánh định Thủ Lăng Nghiêm, sẽ mau chóng được thấy thánh giả Văn Thù.
Sau khi Phật diệt độ, ai được nghe danh hiệu Văn Thù, Thấy hình tượng văn Thù thì trăm ngàn kiếp chẳng xa ác đạo. Ai thọ trì danh hiệu Thánh giả, thường sanh về các quốc độ thanh tịnh, gặp Phật nghe pháp, chúng vô sanh nhẫn.
Này Bạt Đà Bà La! Thánh giả Văn Thù chứng được thân bất hoại. Ông đã nghe những lời ta nói, phải khéo thọ trì, vì chúng sanh rộng bày.
Bạt Đà Bà La cùng các đại Bồ-tát, tôn giả Xá Lợi Phất cùng Thanh-văn Tăng, Thiên Long Bát Bộ, tất cả đại chúng hoan hỷ phụng hành.
Phật nói kinh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã xong. (ooo)
(Kinh Văn Thù Bồ Tát, Đại Tạng Kinh, quyển 463)
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI TUẦN HÀNH
(Đời Nguyên Nguỵ, Tam tạng Pháp Sư Bô-đề lưu chi dịch
từ chữ Phạn ra chữ Hán. Ni trưởng Huê Lâm việt dịch)
Như vậy tôi nghe, một thời đức Bạc-già-phạm ở thành Vương Xá, núi Kỳ Xà Quật, cùng 500 đại Tỳ-kheo. (o)
Mặt trời vừa mọc, đức Văn Thù cùng 500 Tỳ-kheo thứ lớp tuần hành. Trước hết đến trưởng lão Xá Lợi Phất, thấy ngài đang đoan nghiêm an toạ.
-Thưa ngài Xá Lợi Phất, tâm tịnh tịnh sẵn đủ sao còn nhập thiền để cầu tịnh tịnh? Đại đức Xá Lợi Phất y pháp thiền nào? Y quá khứ, hiện tại hay y vị lai? Y nội thân hay y ngoại cảnh? Y tâm hay y thân mà nhập thiền?
Ngài đã thông suốt Pháp này chưa? Ngài có hành trì pháp lạc chưa?
-Nếu chưa nắm được pháp ấy làm sao tôi biết tu? Nếu không có pháp lạc làm sao tôi hành trì? Đây là pháp ly dục, Như Lai vì hàng Thanh-văn giảng dạy. Tôi y lời mà hành thiền. Y theo quá khứ, y theo hiện tại, y theo vị lai cho đến y theo thân tâm mà hành trì. Thiền của tôi tu chánh niệm, gồm cả định và tuệ. (o)
-Thưa đại đức Xá Lợi Phất!
a/ Nếu y theo các Pháp quá khứ, Như Lai không có. Hiện tại, Như Lai không có. Vị Lai, Như Lai không có. Pháp này như thế là không, đã không có pháp thì không có chỗ y.
b/ Quá khứ Như Lai, hiện tại Như Lai, vị lai Như Lai không có người an trụ cũng không có sứ sở để an trụ. Đã không có chỗ an trụ thì nương nơi đâu có chỗ sở y?
c/ Nếu nói quá khứ, hiện tại, vị lai Như Lai là chỗ y hay chẳng là y, đều là phỉ báng Như Lai. Bởi vì Như Lai vô niệm vô sở niệm. Chân như bất thoái, chân như vô tướng.
d/ Quá khứ chân như bất khả đắc, hiện tại chân như bất khả đắc, vị lai chân như bất khả đắc cho đến tâm chân như cũng bất khả đắc.
f/ Không có pháp ngoài chân như để có thể nói. (o)
-Thưa Thánh giả Văn Thù, Như Lai an trụ chân như mà nói pháp.
-Chân như chẳng phải có, pháp ấy cũng không có. Như Lai cũng không có.” Có thể được chánh pháp hay chẳng thể được chánh pháp”. Cả hai lời nói này chẳng thể được.
-Thưa Thánh giả, sau này ai thọ lãnh được đúng nghĩa như ngài dạy?
-Không chấp thủ pháp hữu vi, cũng chẳng trông mong nhập Niết-bàn, sẽ thọ được pháp này. Không được các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai. Không biết các pháp ấy, sẽ được pháp này. Chẳng thấy ô nhiễm thanh tịnh, không tâm thủ xả, sẽ lãnh được pháp này. Chẳng ngã hành trì cũng chẳng vô ngã mà hành trì, sẽ lãnh thọ được pháp này. (o)
-Thưa Thánh giả Văn Thù, pháp này còn chẳng phải cảnh giới của A-la-hán, huống chi phàm phu ngu si làm sao lãnh hội?
-Bạch đại đức! Không trụ, không xứ, gọi là A-la-hán. Vậy A-la-hán ở cảnh giới nào? Đối với danh sắc không phân biệt gọi là A-la-hán. Phàm ngu bất khả đắc, pháp của phàm ngu cũng bất khả đắc. A-la-hán bất khả đắc, pháp A-la-hán cũng bất khả đắc. Đã bất khả đắc thì chẳng phân biệt. Chẳng phân biệt thì không có chỗ sở hành, không sở hành thì không có hý luận, không có hý luận thì mới thật là tịnh tịnh. Người tịnh tịnh không chấp có, không chấp không, không chấp chẳng phải không. Không chấp thủ là chứng vô sở đắc, nghĩa là xa lìa tất cả sở đắc, vô tâm, ly tâm. Trụ pháp Thanh-văn phải biết rõ như thế.
Năm trăm Tỳ-kheo vội bỏ pháp hội ra đi, nói rằng:” Chúng ta chẳng muốn thấy mặt Văn Thù, chẳng muốn nghe đến tên Văn Thù. Nơi nào có Văn Thù chúng ta cũng bỏ đi. Vì ông ấy nói những lời khác với phạm hạnh của chúng ta”. (o)
Trưởng lão Xá Lợi Phất trách Thánh giả Văn Thù đã nói pháp nghĩa quá cao, khiến các Tỳ-kheo phạm tội phỉ báng.
-Thưa đại đức Xá Lợi Phất! Các Tỳ-kheo đã nói những lời thật hay, thật quý hoá, thật khéo đúng với Phật pháp. Bởi vì Văn-thù bất khả đắc thì làm sao thấy? Làm sao nghe? Nơi nào còn có chấp văn thù thì dĩ nhiên chúng Tỳ-kheo bỏ đi. Nhưng nếu thật không có Văn Thù thì còn cần gì đến những chuyện gần gũi hay bỏ đi?
Nghe nói như thế năm trăm Tỳ-kheo quay trở lại. Thánh giả Văn Thù nói tiếp: Thưa các Tỳ-kheo, pháp này chẳng do nhận thức mà biết được, chẳng do trí tuệ suy tư mà biết được mà chẳng phải chỗ sở niệm. Hàng Thanh-văn đệ tử của đức Như Lai nếu học được như thế, đức Thế Tôn sẽ khen là bậc tối thắng phước điền của thế gian, xứng đáng thọ sự cúng dường của trời người. (o)
Bốn trăm Tỳ-kheo lãnh đại pháp, sạch hết các kết sử hữu lậu, liền được giải thoát. Còn một trăm Tỳ-kheo vì ác tâm đoạ địa ngục.
Trưởng lão Xá Lợi Phất lại trách Thánh giả Văn Thù không chịu hộ niệm chúng sanh. Đức Phật can rằng: “Này Xá Lợi Phất! Một trăm Tỳ-kheo vì tội phỉ báng, đáng lẽ phải chịu khổ địa ngục trọn một kiếp. Nhưng vì được nghe đại pháp vô lậu thượng diệu của Văn Thù (dù là nghe qua tai) nên chỉ thọ nghiệp rất ít rồi liền sanh lên cõi trời Đâu Suất, ở chung một chỗ. Một trăm Tỳ-kheo này, Long Hoa đệ nhất hội của đức Di Lặc, sẽ chứng A-la-hán. Như thế Xá Lợi Phất! Nghe được pháp môn tối thắng này, sẽ chẳng còn phải tu tứ thiền, tứ vô lượng tâm v.v... mà vẫn giải thoát hết thảy sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Trưởng lão Xá Lợi Phất tán thán Thánh giả Văn Thù khéo nói pháp lợi ích chúng sanh. (o)
Thánh giả văn Thù đáp: Thưa đại đức Xá Lợi Phất! Chân như chẳng giảm bớt, chẳng tăng thêm. Pháp giới chẳng giảm bớt, chẳng tăng thêm. Chúng sanh giới chẳng giảm bớt, chẳng tăng thêm. Bởi vì việc này chỉ có lời nói, không có người y cứ, không có chỗ y cứ. Chẳng phải y hay không y. Thưa đại đức Xá Lợi Phất! Chỗ chẳng y như thế tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là giải thoát. Nếu y nơi pháp là còn phân biệt. Biết chẳng phải hữu vi (có tạo tác) chẳng phải vô vi (không tạo tác), tức là Niết-bàn. (o)
Đức Thế Tôn ấn chứng: Đúng vậy! Đúng vậy! Và muốn cho nghĩa này tỏ rõ kệ rằng:
Nếu phân biệt quá khứ,
Cùng hiện tại vị lai,
Các pháp, tướng, vô tướng,
Hữu vi hay Niết-bàn,
Phân biệt khiến tạo nghiệp,
Chấp thủ tức chói buộc.
Nếu dùng trí quan sát
Ấm, nhập, giới giả danh
Vô tướng không sanh diệt,
Được trí tuệ xuất thế.
Dùng trí vô phân biệt
Không chấp thủ giải thoát,
Cảnh giới của hạnh này
Nhàn tịnh như hư không. (o)
Của báu đầy ba ngàn
Bố thí được hưởng phước.
Nếu người nghe pháp này
Phước hơn người bố thí.
Bố thí, trì giới, nhẫn,
Thần thông đại tự tại,
Ức kiếp thường tu hành
Chẳng bằng nghe kinh này.
Nên biết thắng pháp đây
Đức chánh biến tri nói
Những ai vui nghe kinh
Quyết sẽ chứng quả Phật. (o)
Phật nói kinh xong, mười ngàn chúng sanh xa trần lìa cấu, được pháp nhãn tịnh. Các Tỳ-kheo đều phát tâm Vô-thượng chánh đẳng giác. Thế Tôn thọ ký năm trăm Tỳ-kheo sẽ thành Phật, đồng một hiệu là Pháp Hoa Như Lai, chánh biến tri... Thánh giả Văn Thù, trưởng lão Xá Lợi Phất, thiên long bát bộ... nghe Phật giảng thuyết, đều tín thọ phụng hành. (ooo)
(Kinh Văn Thù Sư Lợi Tuần Hành, Đại Tạng Kinh, quyển 14. Bộ 4. Số 471)