Nơi con người lần đầu biết đến cà phê:
|
Từ túp lều hẻo lánh tới Quán sành điệu nơi đô thị, Nghi lễ uống cà phê là tâm điểm trong đời sống xã hội ở nơi món đồ uống thần kỳ này ra đời.
Ở vùng đất này, con người vẫn duy trì Nghi thức pha, uống cà phê cổ xưa nhất, với hơn 5.000 loại cà phê từ những khu rừng nguyên sinh.
Linh hồn của xã hội Ethiopia:
“Hãy mời họ dùng cà phê bằng cốc tre,” bà Annaz Haile, người chủ gia đình nói, trong lúc tôi và người bạn đồng hành Thomas ngồi giữa những vị khách trong nghi thức uống cà phê, mà bà tổ chức bên ngoài nhà.
Chúng tôi đang ở vùng nông thôn Bonga, trên cao nguyên miền Nam vùng Kafa của Ethiopia. Lúc đó là vào giữa buổi sáng, những tia nắng mặt trời nóng bỏng xuyên qua đám mây.
Các vị khách trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ bản địa, tiếng Kafi Noonoo, trong khi bà Annaz và con gái tên Asayech – bị mẹ giám sát kỹ càng – pha cà phê.
Chồng bà, ông Gebremariam, bẻ ổ bánh mì nhà tự làm to tướng thành từng miếng nhỏ, và hướng dẫn bọn trẻ trong gia đình chia bánh cho khách.
Thưởng thức hương thơm:
Để pha cà phê, những phụ nữ này phải đổ hạt cà phê tươi vào đĩa gốm và phơi nắng cho khô đi, sau đó đem rửa rồi rang hạt trong chảo kim loại đáy bằng trên đống lửa.
Khách được giục hãy hít ngửi để thưởng thức hương thơm tỏa ra từ hạt cà phê trên chảo rang. Rồi cà phê được cho vào cối, dùng chày giã nhỏ, và bột cà phê được đổ vào bình jebena, một loại bình pha cà phê Ethiopia truyền thống.
Bên cạnh việc thưởng thức hương thơm của hạt cà phê tỏa ra từ chảo rang, trong rất nhiều nghi thức uống cà phê Ethiopia, khách được cũng được mời thưởng thức mùi Trầm hương châu Phi.
Trong những nghi thức tổ chức trong thành phố và thị trấn, rời xa thiên nhiên, người ta trải cỏ và rơm xuống sàn nhà để nhắc lại ký ức thời sống trong làng của nhiều người..
“Chúng tôi bắt đầu học pha cà phê khi chừng bảy tuổi. Mẹ chúng tôi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn rang, giã, và rửa hạt cà phê,” bà Annaz nói.
Cà phê mở đầu câu chuyện:
Dù nghi thức này tốn thời gian và công sức, nhưng bà Annaz đã quen tổ chức buổi uống cà phê ba lần mỗi ngày. “Chúng tôi học từ Tổ tiên rằng: Trước tiên phải mời khách uống cà phê. Đó là biểu hiện của lòng tôn trọng !,” bà giải thích.
“Đó không phải là việc nhà đâu, mà đó chính là văn hóa của chúng tôi !,” bà Annaz tự hào kể, và nhấn mạnh sự quan trọng của truyền thống xã hội trong đời sống cộng đồng của người Ethiopia.
“Khách khứa tới nhà tôi cảm thấy vui vẻ, vì hương thơm tỏa ra từ khói cà phê, và vì họ đến đây để trò chuyện với nhau.”
“Tán” chuyện xóm làng:
Trong buổi uống cà phê, chủ khách trò chuyện về những thứ xảy ra trong ngày. “Nếu như trang trại nhà ai cần giúp đỡ gì vào ngày hôm sau, thì tại buổi uống cà phê, hàng xóm sẽ hỏi họ có thể giúp gì không,” bà Annaz giải thích.
Con gái bà Asayech cười lớn, nhắc với mẹ rằng: “Không phải người ta chỉ nói toàn điều hay trong buổi uống cà phê đâu”. Cả hai sau đó giải thích rằng: Mọi người cũng thường bàn tán những chuyện phiếm, ‘buôn chuyện’ tưng bừng. Chẳng hạn như chuyện cô nào đang cặp với anh chi, và nàng nào lỡ mang bầu rồi ….
Cà phê là quê hương:
Nghi thức uống cà phê kể trên có thể thấy trên bất cứ con đường nào ở Ethiopia. Nhưng ở vùng Kafa, quê nhà bà Annaz, thì còn nổi bật hơn. Cả nhà bà đều là nông dân trồng cà phê, và Kafa (ngay cái tên cũng nói lên điều này) là nơi khởi thủy, là quê hương tâm linh của thứ cà phê Arabica hoang dã.
“Cà phê gắn liền với chúng tôi. Vùng đất của chúng tôi được biết đến vì cà phê. Chúng tôi trồng cà phê, hái quả, bán hạt cà phê, và kiếm tiền từ nó,” bà Annaz nói.
Chàng Kaldi khiêu vũ với bầy dê:
Theo truyền thuyết, một chàng trai trẻ chăn dê trẻ tên là Kaldi, khi đang dẫn bầy gia súc của mình đi qua cánh rừng dày đặc ở Kafa thì để ý thấy những con dê trở nên đầy hưng phấn – gần như nhảy múa. Chàng để ý thấy chúng ăn những quả chín đỏ trên cây. Chàng cũng nếm thử, rồi sau đó cùng khiêu vũ với bầy dê luôn….
Rất phấn khích, Kaldi mang quả cà phê đến Tu viện gần nhà nơi người chú của chàng đang tu hành. “Các Tu sĩ ném những quả chín vào đống lửa vì nỗi sợ tâm linh,” Mestfin Kekle, một người dân sống ở Kafa kể lại câu chuyện được nghe từ thời Ông nội kể.
Nhưng khi các vị Tu sĩ hít phải hương thơm của cà phê rang, tất cả họ đều có cảm giác như Kaldi. Họ đổi ý, và nghĩ rằng sự tích cực trong loại năng lượng mới tìm ra sẽ có thể truyền qua thực hành tôn giáo.
“Sau khi họ ngửi hạt cà phê trong lửa, mẹ Kaldi lấy hạt ra và bỏ chúng vào nước cho nguội. Cách này tạo ra hương thơm mới và họ bắt đầu nếm hạt. Đó là khởi nguồn hành trình uống cà phê và nghi thức thưởng thức cà phê của chúng tôi,” Mesfin nói.
Nơi con người lần đầu biết đến cà phê:
Ngày nay, Mesfin làm việc cho Khu dự trữ Sinh quyển Cà phê Kafa để bảo tồn những cánh rừng cà phê bản địa của Ethiopia, nơi cây cà phê mọc tự nhiên.
“Rừng là nhà tôi, là cuộc sống và là mọi thứ của tôi,” ông nói và mời chúng tôi vào cánh rừng rậm xanh biếc, đầy rêu phủ, nơi ông đã dành cả đời để bảo tồn.
“Rừng cà phê của chúng tôi là món quà cho cả thế giới. Ngày này, cả thế giới thưởng thức và yêu thích cà phê,” ông mỉm cười, và nói thêm rằng: Trong ngày bận rộn ông có thể uống đến 14 ly cà phê.
‘Vườn địa đàng’ của cà phê:
Ở độ cao này, nơi đây là “Vườn địa đàng” của người trồng cà phê.
Quả chín từ cây cà phê dại rơi trên mặt đất, nảy mầm và lớn lên, tất cả theo nhịp điệu của riêng chúng – một hiện tượng cực kỳ hiếm.
Có hơn 5.000 loại cà phê khác nhau, được tìm thấy trong rừng nhiệt đới Kafa. Nhưng giống như hầu hết những cánh rừng bản địa khác, rừng Mankira đang trên bờ vực tuyệt chủng. Theo Unesco: 40 năm trước rừng phủ khắp 40% diện tích bề mặt của Ethiopia, ngày nay diện tích rừng chỉ còn 3%.
“Cà phê là định mệnh của tôi,” Mesfin nói. “Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ rừng cà phê.”
Cà phê cha, cà phê mẹ:
Dưới tán cây cao vút, chúng tôi gặp một cụ già, người địa phương, có tên là Woldegiorgis Shawo.
“Cây này là cha của các cây cà phê, tỏa bóng mát cho các cây khác,” ông giải thích cho chúng tôi, và nói thêm chính ông cũng tận dụng bóng mát từ cánh rừng cho chính mình và bầy gia súc. “Tôi thừa kế quyền chăm sóc và thu hoạch cây cà phê trong rừng từ Tổ tiên mình.”
“Nếu cây lớn nhất là cây cha, thì đâu là cây mẹ?” Tôi tự hỏi. Mesfin tự hào dẫn chúng tôi đến nơi mà người địa phương gọi là “cây cà phê mẹ” – đó là cây già nhất trong rừng Mankir. Họ tin rằng cây này là mẹ của tất cả các cây cà phê khác trong rừng, vì vậy nơi đây được gọi là nơi chôn nhau cắt rốn của hạt cà phê.
Giống như bà Annaz và gia đình đã mời khách tại nhà bằng một ly cà phê, chúng tôi cũng được mời vào khu rừng cổ, nơi có cây cà phê cha, cây cà phê mẹ.
Truyền thống:
Truyền thống uống cà phê của người Ethiopia không hề có dấu hiệu phai nhạt đi. Trở lại làng, Asayech nói với chúng tôi: “Tôi vẫn sẽ làm giống vậy khi ra ở riêng. Chúng tôi sẽ theo văn hóa của Tổ tiên – tôi không cần phải tạo ra văn hóa mới mẻ mà làm gì ?.”
Dù văn hóa cà phê mới vẫn tiếp tục phát triển ở Ethiopia – chẳng hạn như những chi nhánh bắt chước kiểu Quán cà phê của Starbucks có tên Kaldi’s Coffee (Cà phê của Kaldi) đã xuất hiện quanh Addis Abada, nhưng những Quán cà phê rang xay bên đường (như trong ảnh) và truyền thống uống cà phê vẫn rất phổ biến, dù ngay giữa thủ đô đang phát triển nhanh chóng.
Và với những nhà bảo tồn quyết tâm bảo vệ rừng cà phê bản địa của Ethiopia như Mesfin, thì họ hy vọng rằng cà phê sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều thế kỷ tiếp, để cung cấp cho các Tín đồ cà phê khắp nơi trong nước và trên thế giới.
“Khi tôi thấy một cây cà phê mới lên, tôi thấy một thế hệ mới. Đó là món quà từ tự nhiên kết nối chúng tôi với quá khứ, và dẫn dắt chúng tôi đến tương lai,” Mesfin nói.
Thomas Lewton – Alice McCool