Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Tại Việt Nam, có nhiều miếu Ba Cô như ở Quảng Ninh, Tây Ninh... Thế nhưng, mỗi khi ngang qua miếu Ba Cô ở lưng chừng đèo Bảo Lộc (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng), nhiều người vẫn có cảm giác rờn rợn với nhiều huyền tích.

Đi tìm ngôi miếu kì lạ

QL20 là tuyến đường độc đạo nối TP. Hồ Chí Minh với cao nguyên Langbian, cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển. Muốn đến phố hoa Đà Lạt, đầu tiên phải đi qua đèo Bảo Lộc (còn gọi là đèo B,Lao theo tiếng K,ho), dài 10km, tiếp theo là vượt đèo Prenn. Đèo Bảo Lộc là ranh giới giữa địa phận thành phố mới Bảo Lộc (được “lên hạng” năm 2010) và huyện Đạ Huoai.

Với cánh tài xế miền Đông thì hãi nhất là phải vượt qua những khúc cua tay áo trên đèo Bảo Lộc, một bên là núi Lu Bu (theo tiếng gọi của dân địa phương) toàn hoa tím của núi rừng và màu xanh ngút ngàn của hoa chuối và cây cổ thụ, bên kia là vực thẳm. Thế nhưng, điều họ vẫn sợ nhất là đi vào ban đêm khi gặp lời đồn thổi về... ba thiếu nữ xinh đẹp, mái tóc buông dài, mặc đồ trắng, đứng vẫy xe. Điều này giống như “lời nguyền” của những người thích hư cấu khi tạo dựng một câu chuyện y hệt trên đèo Prenn khi chúng ta đi ngang qua biệt điện Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu của ngụy quyền Sài Gòn - P.V).

Trên chuyến taxi bảy chỗ xuất phát từ thủ phủ ngàn thông Đà Lạt trực chỉ miếu Ba Cô, anh Hùng - một tài xế taxi - còn “phụ họa” thêm cho việc mê tín dị đoan để thu hút du khách. Anh tài xế này nói về “lời nguyền chết chóc” trên đèo Bảo Lộc: “Trước đây có ba cô gái tên là Loan - Hòa - Thảo là người dân miền đất Bảo Lộc, đều là sinh viên đang học tại Sài Gòn. Mùa hè đến, khi ba cô trên chuyến xe về quê, chạy tới khúc cua này thì bị lật xe và lao xuống vực, tử nạn.

Không lâu sau đó có một đoàn xe du lịch lên Đà Lạt chạy tới khúc quanh này cũng bị lật xe và lao xuống vực. May mắn thay trong đoàn xe ấy còn bốn người sống sót gồm một chàng trai và ba cô gái. Dù rất yếu sau vụ tai nạn nhưng cả bốn người đều cố động viên nhau để cùng leo lên tới mặt đường. Trong quá trình leo lên dốc, cả bốn người đã làm quen với nhau, nói chuyện rất vui vẻ, hợp ý nhau. Do chàng trai bị thương nặng hơn nên thường xuyên được ba cô gái dìu dắt, kéo lên.

Khi lên tới mặt đường, do đuối sức, chàng trai ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chàng trai thấy mình nằm trong bệnh viện nhưng không thấy ba cô gái kia đâu. Chàng hỏi mọi người thì biết rằng người ta chỉ thấy có mỗi mình chàng nằm bên đường mà không hề thấy có thêm ai cả. Khi chàng miêu tả nhân dạng ba cô gái, cảnh sát cho biết toàn bộ số người trong đoàn xe ấy đã thiệt mạng, chàng là người duy nhất may mắn sống sót. Hình dáng chàng trai miêu tả rất giống với ba cô gái bị tử nạn lúc trước.

Người ta cho rằng vì chết quá trẻ và còn trinh trắng nên oan hồn của cô gái lúc trước cứ vất vưởng nơi chân đèo, khi gặp trường hợp tai nạn tương tự đã hiển linh giúp đỡ chàng trai trẻ thoát chết. Dân làng nơi đây đã lập một ngôi miếu nhỏ bên chân đèo để cầu siêu cho linh hồn những người chết oan vì tai nạn xe cộ, nhất là oan hồn của ba cô gái trẻ. Từ đó tai nạn xe cộ, ngay chỗ đèo nguy hiểm cũng bớt, và sau này người ta không còn thấy ba cô hiện ra nữa”.

Miếu Ba Cô

Bước xuống xe ôtô, khi thấy chúng tôi chụp ảnh miếu Ba Cô, bà Vũ Thị Thuận - bán nước gần miếu Ba Cô vội xua tay rồi hoảng hốt nói: “Cậu đừng chụp ảnh, quay phim làm gì nhé. Trong đó linh thiêng lắm. Chụp vào là... hư máy ảnh đó!”. Nhiều người khác đi du lịch cũng xì xầm làm theo. Chúng tôi vừa nghe vừa phì cười khi câu chuyện này xảy ra hệt ở các biệt thự không người ở cửa ngõ vào thành phố ngàn hoa.

Phơi bày sự thật

Miếu Ba Cô có nét lai tạp giữa kiến trúc của đền và chùa. Sau khi thắp mấy nén nhang, chúng tôi gặp bà Đặng Thị Lộc (pháp danh Tam Phước) là trụ trì miếu Ba Cô. Bà Lộc là con của hai người lập miếu là ông Đặng Hà và bà Nguyễn Thị Biện. Hướng ánh mắt xa xăm về đại ngàn xanh thẳm, bà Lộc kể: “Năm 17 tuổi, dưới thời Pháp thuộc, ba tôi từ Bình Định lên đây tìm miền đất mới và trốn lính. Khi tới con đèo này, thấy có nhiều vụ tai nạn thương tâm quá do địa hình khắc nghiệt nên ba tôi đã dựng miếu này để thờ cúng”.

Hiện trong miếu còn có bàn thờ ông Hà - bà Biện cùng gia quyến của bà Lộc. Lúc đầu, miếu thờ nhỏ lắm nhưng sau đó nhờ công sức và tiền bạc của bá tánh gần xa ủng hộ nên miếu mới khang trang như bây giờ. Lí giải về ba cô gái trong “lời nguyền chết chóc”, bà Lộc nói rằng, trước đây mộ của ba cô gái quê ở Sài Gòn (chứ không phải dân Bảo Lộc như lời phỏng đoán - PV) chôn sát ven đường nhưng nay đã được người thân bốc đưa về Sài Gòn. Tới đây, tôi nhớ đến câu chuyện về mộ phần anh Tâm - chị Thảo trong câu chuyện tình yêu say đắm ở hồ Than Thở (TP. Đà Lạt) cũng được bốc cốt nhưng người dân địa phương vẫn kháo nhau về rất nhiều “kịch bản” trái ngược hoàn toàn so với nguyên gốc.

Hỏi chuyện về ba oan hồn trinh nữ trong lời hư cấu của người dân, bà Lộc chia sẻ: “Tôi ở đây bao nhiêu năm mà không thấy gì cả. Việc tài xế dừng chân ở đây cúng kiếng chỉ là họ tin tâm linh chứ có ma quỷ, oan hồn nào đâu. Giờ đây, con đèo này giờ nào cũng có xe hơi, xe máy đi qua chứ ngày xưa thì cô quạnh lắm”.

 

Khúc cua “khó thở” cho tài xế qua đèo Bảo Lộc

Một tài xế xe khách Phương Trang đứng cạnh tôi nói rằng, cứ một giờ sẽ có một chuyến xe xuôi ngược Sài Gòn - Đà Lạt, dù xếp tài vào đêm khuya nhưng qua đây, anh tài xế này vẫn vi vu huýt sáo, chứ không thấy gì cả ngoài... đèo dốc quanh co. Có lẽ do một hai tài xế “thần hồn át thần tính” nên mới nghĩ ra đủ chuyện để... hù bạn bè mua vui mà thôi!

Là người dân sở tại thường hay lên miếu chơi, em Nguyễn Thị Tâm (SN 1993, quê xã Đạm B,ri, huyện Bảo Lộc, hiện là sinh viên năm 1, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương 2 đóng tại Q9) chia sẻ: “Nhiều năm rồi, hễ về quê nghỉ cuối tuần, bạn bè em hay lên miếu chơi từ sáng sớm đến khuya tối mà không thấy ma quỷ hay bóng hình gì cả”. Đây chính là một nhân chứng xác thực.

Ông Trần Tân - Trưởng phòng Văn hóa, thông tin và du lịch huyện Đạ Huoai cho biết: “Miếu Ba Cô thuộc sự quản lý của ngành văn hóa theo tín ngưỡng của người dân, được duy tu, bảo dưỡng nhưng không có kế hoạch phát triển vì sợ đồi núi sạt lở vào mùa mưa”. Ông Tân khẳng định, ở đây hoàn toàn không có chuyện oan hồn trinh nữ mà tất cả là bịa đặt. Nhiều cán bộ tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, câu chuyện oan hồn trinh nữ giống như các ngôi nhà ma (mà chúng tôi từng phanh phui trên Báo CATP) là chuyện “thêu hoa dệt gấm”, hoàn toàn bịa đặt. Một số tài xế xe khách, xe taxi vì muốn hút khách để họ chở đi tham quan, du lịch nên đã bịa chuyện nhằm kiếm tiền chạy xe.

Trời cao nguyên bỗng âm u vì những cơn mưa nặng hạt, mịt mù mặt đất. Tôi đi trong gió, trong mưa, trong hơi thở của rừng già vọng về và suy nghĩ về lời đồn thổi làm cho xứ sở thông reo mang nhiều sắc màu đã được “giải mã” kịp thời.

Theo An Hòa - Gia Minh 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm