Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Trong bức tranh luân hồi vẽ cảnh địa ngục có cột đồng nóng bỏng, tội nhân nằm trên giường chông sắt nhọn hoắt, núi đao, rừng kiếm, suối máu nóng tưới vào thân. Có tội nhân chịu hầm xương thịt, có tội nhân bị treo trên nọc có đại bàng, chim cú tới thay nhau mổ rỉa thịt ăn và lửa đỏ cháy khắp nơi.

Những đau khổ ở cõi này kéo dài từ kiếp này sang kiếp khác. Đức Phật tận tình khuyên chúng ta phải tránh mười tập nhân địa ngục. Đó là tham dục, tham của, khinh mạn, sân giận, giả dối, lừa gạt, hiềm oán, ác kiến, vu vạ và che dấu lỗi mình, bới lỗi người.

Vua Lưu Ly và Tỳ Kheo Thiện Tinh (xin xem thêm ở Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 2 thì sẽ rõ hơn) cho chết là hết, không có nhân quả, nên không cần lo gì cả. Tỳ Kheo Ni Bảo Liên Hương tuyên bố rằng ái ân không phải là ác nghiệp, không có ác hại như giết người, cướp của. Do tà kiến, hiểu sai như thế, nên cả hai vừa dứt hơi thở, thần thức tức khắc rơi vào địa ngục vô gián. Nhân quả báo ứng vô cùng phức tạp, chỉ thánh nhân, bậc có định lực thâm sâu đã dừng vọng động, trí tuệ sáng tỏ mới thấy được việc này.

Đức Phật dạy vào cận tử nghiệp hay khi lâm chung, thân thể chúng ta rã rời, rối loạn không còn nghe thấy gì nữa. Ý thức hoang mang hiện ra nhiều cảnh, theo sự ghi nhớ trong một đời, đặc biệt là hiện ra những việc thiện ác đã từng làm. Nếu người lúc sanh tiền tạo ác nghiệp thì khi lâm chung thấy có nhiều dãy núi lửa lớn, thành sắt lửa cháy đỏ rực, biển lửa, núi lửa đỏ rực vây quanh không có đường ra. Có nhiều rắn lửa, chó lửa, ngục tốt đầu trâu, la sát đầu ngựa cầm thương xốc lùa tội nhân vào chỗ khổ của địa ngục.

Trong Nhị Khoá Hiệp Giải nói có những địa ngục như sau:

  1. Địa ngục vô gián: vô là không, gián là ngừng, tức thống khổ không ngừng, triền miên lũy kiếp.
  2. Tám địa ngục nóng: Sức lửa mạnh, đến độ phỏng ước, hòn đá vuông ba thước khối bỏ vào lửa tức thời tiêu tan, hết hạn trong địa ngục này lại rơi vào các địa ngục phụ khác. Tám địa ngục là:
  3. Đẳng hoạt: Chúng sanh móng tay sắt cào nhau rách thịt.
  4. Hắc thằng: Dây sắt trói, búa sắt chặt.
  5. Chúng hợp: Hai núi ép cho thịt nát, xương tan.
  6. Khiếu hoàn: Nấu trong vạc dầu, kêu la inh ỏi.
  7. Đại hô: Nấu trong chảo sắt, liệng lên tấm sắt quay rán.
  8. Viêm nhiệt: lò sắt rực nóng.
  9. Chúng nhiệt: Ngục tốt (quỷ địa ngục) cầm cây thiết xoa đâm tội nhân, rồi để dựng đứng trong hầm lửa.
  10. Xe lửa: Lột da rồi để dưới xe lửa cho bánh xe nghiền nát

16 địa ngục phụ là:

1. Rìu búa

2. Chó sói                 

3. Cây kiếm  

4. Rừng đao  

5. Cát đen (cháy da thấu xương)

6. Phân tiểu (sôi nóng đổ vào miệng)

7. Đinh sắt (đóng khắp thân)

8. Nước đồng sôi (rót vào miệng)

9. Hòn sắt nóng (bắt ăn)

10. Vạc đồng (nấu sôi)

11. Nhiều vạc đồng

12. Cối đá (xay thân)

13. Mủ máu (nấu sôi mình ở trong)

14. Đấu sắt nóng (phải cầm đong lửa)

15. Sông tro nóng (phải gieo thân vào)

16. Hòn sắt nóng (tay nắm, sức lửa cháy khắp thân)

      Tám địa ngục lạnh: Cũng như địa ngục nóng, tuổi thọ như có 20 hộc mè, cứ mỗi 100 năm lấy ra 1 hột. Lấy hết hạt mè là hết tuổi thọ. Tám địa ngục lạnh là:

  1. Án phù đà (tội nhân trong đó rét ngặt, thịt nát nhừ).
  2. Vi lại phù đà (gió lạnh thổi tới, thân thành bọt nước).
  3. A tra tra (lửa khua ra tiếng a tra tra).
  4. A ba ba (môi đập thành tiếng).
  5. Ẩu hầu hầu (từ cuống họng phát ra).
  6. Uất ba la (thịt như ướp đá thành màu tái xanh).
  7. Ba đầu ma (thịt đỏ tươi).
  8. Phân đà hợi (lạnh chẻ xương trắng).

Ngoài ra trong nhân gian có các địa ngục rải rác ở các núi, trong lòng nước, ngoài cánh đồng.

Trong kinh Lương Hoàn Sám nói nơi địa ngục có võng sắt, tối tăm, hang sắt, xe đao, đá nhọn, máy sắt, hầm than, rừng gai, rừng cháy, nước sôi, đá mài, than nóng, trâu cày, hổ lang và phun lửa.

Còn trong kinh Địa Tạng nói có địa ngục thông thương (phóng đâm), sông lửa, dao bay, tên lửa, đao binh, núi đao, bùn lầy, trâu sắt, chó sắt, lửa sắt, ôm cột đồng nung đỏ, kéo lưỡi cho trâu cày, đốt tay, đốt chân, ăn mắt, tranh cãi, nhiều sâu, voi lửa, chó lửa, ngựa lửa, trâu lửa, núi lửa, đá lửa, cưa răng, giường lửa, lột da, uống máu, treo ngược, nhà lửa, nhà sắt, thành lửa, rút lưỡi, chém chặt, mổ xẻ, ngu si, khóc lóc, mỏ sắt nhọn, giếng lửa, sỏi bay và gió nóng.

Khế kinh dạy: “Bị thiêu đốt trong địa ngục chưa gọi là khổ. Chỉ ngu dốt không biết đường đi mới gọi là khổ. Vì ngu si là gốc nguồn tội”.

Nếu những ai phá luật phạm giới, hủy báng Phật pháp, làm tổn thương đến tuệ mạng của chúng sanh, nên phải chịu quả báo địa ngục trong nhiều kiếp. Chúng sanh gây những nghiệp dữ khác, khi đã đền tội hết rồi thì tái sanh làm quỷ để chịu các quả báo còn lại của các nghiệp dữ đã gây ra. Đến khi dư báo trong loài quỷ đã chịu đủ, ác quả của các nghiệp dữ cũng đã hết rồi thì mới lên làm súc sanh, trả lại các nợ cũ.

Nói tóm lại, những nhân quả trong ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều do tự mình gây nhân và chuốc lấy quả. Những nhân quả đó không phải từ trên trời sa xuống và cũng không phải do người khác đưa đến, mà chính do những vọng tưởng giả dối chấp có cái ta thật, có sự vật thật, nên mới hoá thành có thật. Tất cả đều do tự tâm huân tập tự tâm, bằng những tư tưởng xấu, làm cho tự tâm hiện ra những quả báo xấu. Nếu ngộ được bản lai tâm tánh, thì tất cả sự vật đều như huyễn như hoá, vốn không có ai làm và làm gì, vốn không có ai chịu và chịu cái gì.

Lại trong kinh Lăng Nghiêm, mục “Nghiệp quả tiếp tục” [1] Đức Phật dạy trong lúc lấy thân súc sanh trả các nợ cũ, nếu trả quá phần mắc nợ thì trở lại làm người, đòi lại những cái đã trả dư. Như thế trong đường luân hồi, chúng sanh vay trả, trả vay lẫn nhau, nhất là khi mắc nợ thân mạng dù đã trải qua vô lượng vô số kiếp vẫn phải trả.

Chúng sanh gây ác nghiệp, khi chịu hết quả báo huân tập và đối đãi rồi, trở lại làm người, thì tùy theo tập quán trước kia mà thành những người có tư tưởng khác nhau, có những người thông minh, có những người ngu dại. Thế mới biết được sinh làm người, không phải là dễ. Nếu không học hiểu chánh pháp, biết nhân biết quả, bỏ dữ làm lành, lỡ ra phải sa vào đường dữ thì rất khó trở lại làm người được.

Trịnh Công Sơn trong bài hát “Xa dấu mặt trời” hát rằng:

“Hôm nay thức dậy, không còn thấy mặt trời, không còn thấy loài người, vây phủ quanh đời, nói tiếng yêu thương. Hôm nay thức dậy, không còn thấy mặt trời, không còn thấy mặt người, hay mình đã lạc loài. Hôm nay thức dậy ôi ngẩn ngơ tôi. Hôm nay thức dậy mê mỏi thân tôi”.

Đây là trạng thái nghiệp thức lạc loài vào một cảnh giới của tâm. Cảnh đó tệ hơn cõi người có thể là cõi ngạ quỷ và địa ngục mới không thấy được mặt trời, mặt người….

Trong câu kết của bức tranh sáu (hoặc bảy) cảnh giới khổ này là:

“Anh đang sống trong vòng quay tròn của bánh xe luân hồi. Đầu tóc anh đang bị lửa cháy. Nếu anh vội vàng dập tắt lửa trên đầu thế nào thì việc ra khỏi sanh tử cũng phải vội vàng như thế.

Ái dục là gốc khổ đau. Hãy dập tắt ngay lửa ái dục”.

Trong kinh Lăng Nghiêm[2] Đức Phật khai thị chỗ hư vọng của bảy loài để khuyến khích tu hành đúng pháp:

“Này A-nan, xét rõ bảy loài: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên, trời và A-tu-la như thế đều là những tướng hữu vi tối tăm, giả dối tưởng tượng thọ sanh, giả dối tưởng tượng theo nghiệp, đối với tâm tánh diệu viên minh, bản lai không năng tác, sở tác thì đều như hoa đốm giữa hư không, vốn không dính dáng, chỉ cái hư vọng, chứ không có cỗi gốc manh mối gì.”

A-nan, những chúng sanh đó, không nhận được tâm tánh bản lai, chịu luân hồi như thế trong vô lượng kiếp, mà không chứng được chân tánh thanh tịnh, đó đều do chúng thuận theo những sát, đạo, dâm hoặc ngược lại ba cái đó thì lại sanh ra không sát, không đạo, không dâm.

Có thì gọi là quỷ, địa ngục, bàng sanh; Không có thì gọi là trời, thần tiên. Có và không thay nhau và phát khởi ra tánh luân hồi. Chúng sanh theo vọng tưởng phân biệt thì không ra ngoài cái có và không. Dục giới có sắc có dục. Sắc giới có sắc không dục. Vô sắc giới không sắc không dục đều không thoát ra khỏi cái có và cái không của phát khởi tánh luân hồi.

Đến đây chúng ta thấy mấu chốt của luân hồi rồi.

Trong sáu đạo luân hồi, bốn cõi dưới khổ não bức bách không thể nào tu hành. Cõi trời thường bị cảnh vui gây mê. Duy chỉ có loài người đủ giác tỉnh và thông minh để làm nguyên liệu giác ngộ. Làm người là cơ hội duy nhất để tự chuyển hoá. Nếu ta để lỡ thì lại một thời gian vô cùng tận nữa mới gặp như ví dụ rùa mù tìm bọng cây. Được thân người thật khó. Trong số làm người mấy ai may mắn gặp được Phật pháp? Và người biết đạo, biết tu lại càng hiếm hoi khó thấy.

Sỡ dĩ có bảy cõi khác nhau đều do phận trong và phận ngoài nặng hay nhẹ. Hay nói cách khác là do trong tâm ta tình hay tưởng nhiều hay ít.[3]

“A-nan, tất cả thế gian sống chết nối nhau, sống thuận theo tập quán, chết thì đổi sang dòng khác. Khi gần mệnh chung, chưa hết hơi nóng, thiện ác một đời đồng hiện ra, cái nghịch của chết, cái thuận của sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau.

 Thuần là tưởng thì bay lên, chắc chắn sinh lên cõi trời, nếu trong tâm bay lên gồm có phúc đức, trí tuệ cùng với tịnh nguyện thì tự nhiên tâm được khai ngộ, thấy tất cả tịnh độ thập phương chư Phật, theo nguyện mà vãng sanh.

Tình ít tưởng nhiều, cất lên không xa thì làm Phi tiên, đại lực quỷ vương, Phi hành da xoa, địa hành la sát đi khắp bốn cõi trời không bị ngăn ngại. Nếu có nguyện tốt, tâm tốt hộ trì Phật pháp hoặc hộ trì cấm giới, theo người trì giới, hoặc hộ trì thần chú, theo người trì chú, hoặc hộ trì thiền định, giữ yên pháp nhẫn, thì những vị đó chính mình được ở dưới pháp tòa Như Lai.

 Tình tưởng ngang nhau, không bay lên, không đọa xuống thì sinh nơi nhân gian, tưởng sáng suốt nên thông minh, tình u ám nên ngu độn.

Tình nhiều tưởng ít thì đi vào các loại bàng sanh, nặng làm giống có lông, nhẹ làm giống có cánh bay lên.

Bảy phần tình ba phần tưởng chìm xuống dưới thủy luân, sinh nơi mê hỏa luân chịu khí phần của lửa hồng, thân làm ngạ quỷ, thường bị đốt cháy, vì nước có thể hại mình nên trải trăm ngàn kiếp, không ăn không uống.

Chín phần tình, một phần tưởng, xuống thấu qua hỏa luân và giữa giao giới của phong luân và hỏa luân, nhẹ thì sinh vào hữu gián địa ngục, nặng thì sinh vào vô gián địa ngục.

Thuần là tình thì chìm sâu vào ngục A-tỳ. Nếu trong tâm chìm sâu đó lại có hủy báng đại thừa, phá cấm giới của Phật, lừa dối nói pháp để tham cầu tín thí, lạm nhận cung kính hoặc phạm ngũ nghịch, thập trọng thì lại còn sinh vào địa ngục A-tỳ thập phương.

Theo ác nghiệp gây ra, tự chuốc lấy quả báo nhưng trong đồng phận chung vẫn có chỗ sẵn.

Chúng sanh mê lầm chấp ngã, lấy phân biệt làm tâm, lấy xác thịt làm thân, nên phải theo với cái thân, cái tâm này mà xoay vần trong đường sanh tử.

Chúng sanh trong mỗi nghiệp, lúc đương sống thì hàng ngày hành động theo nghiệp thức hiện tiền của mình, nhưng đến khi chết thì lại phải tùy theo sự huân tập mà đổi sang nghiệp khác.

Việc ác thuộc về phận trong. Việc thiện thuộc về phận ngoài. Hai thứ này đua nhau lôi kéo tâm thức đi lên hoặc đi xuống. Như thế tất cả lục đạo đều do chúng sanh tự mình gây ra nghiệp nhân, rồi tự mình chịu lấy quả báo. Quả báo giống nhau thì thọ cảnh giới giống nhau. Quả báo khác nhau thì thọ cảnh giới khác nhau.[4]

Tâm không giác ngộ thì chỉ thấy thế giới, còn tâm giác ngộ thì thay vì thấy thế giới ta thấy được pháp giới. Chúng ta biết rằng địa ngục là một sáng tạo của tâm thức cá nhân và cộng đồng và chúng ta có thể thoát ra được. Nếu tâm tạo ra địa ngục thì tâm cũng có thể làm ngưng địa ngục. Nếu chúng ta làm cho tâm tịnh độ phát hiện thì tự nhiên tịnh độ sẽ phát hiện. Chán ghét hoả ngục, mong ước tịnh độ thì tự nhiên tâm sẽ hướng về tịnh độ. Quay lưng lại địa ngục và xoay mặt về tịnh độ thì thế nào tịnh độ cũng hiện tiền. Đây là tông chỉ của kinh Hoa Nghiêm.

Trong Mông Sơn Thí Thực tụng rằng:

“Lửa đói đốt thành sắt chảy

Cô hồn đói khát than van

Muốn sanh về chốn lạc bang

Hoa Nghiêm phúng tụng vài hàng như sau:

Nếu muốn biết rõ

Ba đời chư Phật

Quán pháp giới tánh

Đều do tâm tạo.”

Muốn phá địa ngục cho người khác, thì chúng ta phải thoát ra khỏi địa ngục của chúng ta trước. Muốn mở những dây oan cho người khác thì những sợi dây oan khổ của chính ta, phải được mở ra trước, nghĩa là mỗi chúng ta phải có lòng từ bi, tha thứ, thương yêu và không chứa hận thù thì sẽ không có địa ngục hiện diện ở cõi này.

(Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)

 

[1] Nt, trang 292-3.

[2] Nt, trang 745-6.

[3] Kinh Lăng Nghiêm, 687-8.

[4] Xin xem cuốn Luân Hồi trong Lăng Kính Lăng Nghiêm, TN Giới Hương, chương 12, trang 274-294.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm