Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Đức Phật dạy trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa trên núi Linh Sơn, khi Ngài đưa cành hoa sen lên cho mọi người xem, ai cũng ngơ ngác, duy chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận ra lời yếu chỉ thiền tông của Đức Phật dạy. Điều này đã gây ra không ít thắc mắc: chẳng lẽ trên 1240 vị còn lại, trong đó có các đệ tử lớn của đức Phật như: Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Xá Lợi Phất, Ca Chiên Diên, v.v…là những vị tài giỏi, sao không nhận được ý sâu mầu của đức Phật dạy?

Quả thật, theo lý thiền thì nhiều người thật sự có kiến thức cao lại không nhận ra ẩn ý sâu mầu của Đức Phật dạy qua cành hoa sen ở Hội chúng Linh Sơn.

Vì sao vậy?

Theo các Tổ thày dạy: Nếu vị nào muốn nhận ra ẩn ý của đức Phật dạy qua vật có hình tướng. Thì vị ấy, luôn luôn lúc nào cũng phải sống trong Phật tánh thanh tịnh của chính mình; sống liên tục được như vậy, tự nhiên tánh Người của người ấy, bất ngờ nhận ra tánh Phật thanh tịnh của chính mình.

Khi đã sống trong cái thanh tịnh Phật tánh của chính mình rồi, thì mình mới thưc sự là thấy tánh (tức kiến tánh). Vì ông Ma Ha Ca Diếp đã sống trong cái thanh tịnh của chính ông liên tục. Nhờ vậy, khi đức Phật vừa đưa cành hoa sen lên ông thấy bằng tánh Thấy thanh tịnh của chính ông, nên ông lập tức cười.

Về điều này, các Tổ thầy thiền tông, đặc biệt là người tu theo pháp môn Thanh tịnh thiền họ luôn sống trong thanh tịnh của chính mình, nên thường có những điều như sau:

1 -  Không hơn thua. Vì sao vậy? Vì là thanh tịnh nên 16 thứ của tánh Người không khởi lên.

Khi sống hoàn toàn trong thanh tịnh thì có cái lợi: tất cả những việc bên ngoài dù có đến với mình, coi cũng như không có. Tuy không có mà lại diệu dụng vô cùng.

Để minh chứng điều nói trên, chúng ta cùng suy ngẫm câu chuyện dưới đây giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc sẽ thấy rõ điều này:

“Hồi Đức Phật còn tại thế, đức Phật được vua Ba Tư Nặc mời đến hoàng cung để cúng dường. Vua Ba Tư Nặc mải mê đánh cờ với các thầy tu tà đạo, nên quên đi việc cúng dường của Ngài. Người giữ ngựa thấy đức Phật đói, liền lấy lúa của ngựa ăn, nấu cơm dâng cúng dường cho đức Phật. Đức Phật cứ tự nhiên ăn, các đệ tử của đức Phật, thấy đức Phật ăn như vậy, vị nào cũng khóc! Đức Phật hỏi tại sao các ông lại khóc?

Ông A Nan Đà thưa:

-Kính bạch đức Thế Tôn: chúng con ăn gì cũng được, riêng đức Thế Tôn là vị Pháp vương Vô thượng, là vị Giáo chủ cõi Ta bà này, cũng như trong Tam giới này không ai bằng đức Thế Tôn được. Đức Thế Tôn là thầy của cõi Trời và làm thầy trong cõi Nhân gian này. Đức Thế Tôn ăn lúa của ngựa ăn, chúng con thấy thương quá nên chúng con khóc.

Đức Phật liền gọi ông A Nan Đà đến ngồi kế bên rồi tự tay Ngài nhúm lấy nắm cơm trực tiếp đút cho ông A Nan Đà ăn, ông A Nan Đà bật khóc lần thứ hai, dưới sự ngỡ ngàng của mọi người.

Đức Phật hỏi ông A Nan Đà:

-Tại sao ông lại khóc?

Ông A Nan Đà bạch cùng đức Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn: Từ khi chúng con theo đức Thế Tôn học đạo, lần thứ nhất con khóc là vì con nhận ra ý sâu mầu của đức Thế Tôn dạy nơi kinh Thủ Lăng Nghiêm, con có thệ nguyện rằng:

- Dù hư không này có hư hoại, nhưng lòng kiên cố của con tin lời đức Thế Tôn day không bao giờ thay đổi, Như Lai đã ấn chứng cho con, nên con khóc.

Còn hôm nay, con ăn miếng cơm mà nấu từ lúa của ngựa ăn, mùi vị của miếng cơm này: quá ư là tuyệt ngon, mà con chưa hề nếm được trong trần gian này, nên con cảm động mà khóc!

Đức Phật liền nói với ông A Nan Đà và những người có mặt:

-Này ông A Nan Đà và các đệ tử có mặt tại nơi này: Sở dĩ, hôm nay Như Lai ăn bữa cơm này, có 3 lý do như sau:

- Thứ nhất: Nhân quả của Như Lai phải trả ở cõi Ta bà này: vì đời trước, Như lai là vị Trưởng giả, có lần cho vua Ba Tư Nặc ăn cơm bằng lúa của ngựa ăn, nên Như Lai hôm nay phải trả quả này.

- Thứ hai: Chứng minh, khi một con người tu đã được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, thì phước báu của người chứng ấy trong thế giới này không có gì bằng được. Để chứng minh phước báu của một vị Phật, nên Như Lai cho ông A Nan Đà ăn miếng cơm tầm thường này, nhưng Như Lai đã chuốc phước của Như Lai vào trong miếng cơm ấy, để ông A Nan Đà cảm nhận được phước báu tuyệt diệu của Như Lai, chứ nếu Như Lai không chứng minh được thực tế phước báu này, các ông sẽ không tin.

Đức Phật dạy thêm:

-Một vị đã thành Phật rồi: Dù người đó có uống thuốc độc cũng không sao, tức muốn biến thuốc độc thành nước cam lồ cũng được, hay muốn cho thuốc độc tàn phá cơ thể vật lý trần gian này cũng được.

- Thứ ba: Như Lai sẽ độ vua Ba Tư Nặc này: không tin những lời tà ma ngoại đạo nữa. Vì khi Như Lai dùng bữa cơm này xong, chư Thiên sẽ quở mắng nhà vua, làm nhà vua thức tỉnh sám hối với Như Lai, sau đó Như Lai sẽ dạy nhà vua tu theo pháp môn thiền Thanh tịnh để không còn bị Ma ám nữa.

Ông A Nan Đà nghe lời đức Phật chứng minh và dạy như vậy, vui mừng hết sức cám ơn đức Phật, các vị đi theo đức Phật cũng vui theo.

Đúng như lời đức Phật dạy: Sau đó, vua Ba Tư Nặc bị chư Thiên quở trách, nhà vua liền đến trước đức Phật sám hối, được đức Phật dạy pháp môn tu Thanh tịnh thiền, từ đây nhà vua không còn tin những lời tà mỵ nữa, luôn lúc nào cũng hành Thanh tịnh thiền và tôn kính đức Thế Tôn.”

Qua câu chuyện nêu trên, chúng ta thấy, nhờ tu và hiểu cũng như sống được với Pháp môn Thanh tịnh thiền hay còn gọi là Như Lai thiền, mà chúng ta dễ dàng Giác ngộ và giải thoát. Tu theo pháp môn này, theo các Tổ thầy dạy: “Với Thanh tịnh thiền tông, đây là pháp môn tu không dụng công như thiền:  Quán, Tưởng (tức thiền Tiểu thừa) hay Nghi, Tìm, Lý luân (như thiền Đại thừa). Theo lịch sử thiền Phật giáo, Thanh tịnh thiền tông hay còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền, pháp môn này, Như Lai dạy trong 4 năm cuối, trước khi Ngài nhập diệt Niết bàn. 

Để người tu hiểu rõ Pháp môn Thanh tịnh thiền, Đức Phật dạy: Trong con người ta có hai tánh, đó là tánh Phật và tánh Người. Tánh Người là tìm, kiếm những thứ vậtchất, tinh thần thuộc bản ngã (tham, sân, si) hưởng thụ. Do vậy, bị dính mắc với vật chất, nên không giải thoát được. Còn Tánh Phật vốn là hằng: Thấy, Nghe, Nói, Biết. Bốn thứ này Thanh tịnh, nên không bị cuốn hút trong Tam giới luân hồi, vậy dễ dàng giải thoát.

Từ câu chuyện Đức Phật dạy vua Ba Tư Nặc tu pháp môn Thanh tịnh thiền: Nghĩ về Phái thiền Nhập thế Trúc lâm Yên Tử: lần theo cuốn “Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vị Tổ sư thiền tông Ấn Độ-Trung Hoa-Việt Nam” của soạn giả Nguyễn Nhân, tái bản lần thứ 2- (Do Nxb-TG ấn hành quý 3 năm 2015) ta thấy Sơ Tổ Trúc lâm Trần Nhân Tông là Tổ thứ 34 của Dòng thiền Thích Ca Văn nói trên.

Nối tiếp dòng thiền này, Sơ Tổ Trúc lâm Trần Nhân Tông, Ngài đã triển khai sâu rộng dòng thiền Thích Ca Văn hay còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền. Qua tìm hiểu đối chiếu chúng ta thấy: Từ thế kỷ 13, Phái thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử đã khẳng định rất rõ pháp môn Thanh tịnh thiền này, qua vai trò sáng lập của vua Trần Nhân Tông khi còn tại thế, và sau này Ngài là Sơ Tổ Phái thiền Trúc lâm. Cuộc đời của Ngài là biểu hiện sức sống diệu kỳ của đạo Phật trong mọi hoàn cảnh đời sống xã hội. Ngài đã chứng minh bằng chính cuộc đời mình qua đạo pháp. Bởi đạo Phật đối với Ngài luôn luôn biểu hiện trong tất cả mọi hoàn cảnh: “Đạo Phật có mặt khi đang ở ngôi vua, đạo Phật có mặt trong giờ phút chiến tranh dầu sôi lửa bỏng, đạo Phật có mặt trong lúc an nhàn như cảnh ngắm chiều quê trong bài thơ Thiên Trường văn vọng, đạo Phật trên con đương đi khắp thôn làng giảng kinh Thập thiện, đạo Phật có mặt trong tất cả các mối tương quan vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em…” (*). Đạo Phật hay nói đúng hơn là dòng thiền Nhập thế thời Trần đã không phân biệt đẳng cấp vua tôi, hoặc thứ dân, miễn sao “biện tâm” để có được cái tánh Thanh tinh Phật tánh nơi mình. Đó là giác ngộ-giải thoát, không phải tìm cầu đâu xa. Đây là yếu chỉ căn bản của giáo lý thiền tông mà đức Phât và các Tổ thầy thường dạy.

Với pháp môn Thanh tịnh thiền, Sơ Tổ nhập thế mà vẫn luôn giữ được sự tinh ba của dòng thiền này, bởi đây là dòng thiền ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu mầu. Để xác tín sự nhập thế (hòa quang đồng trần) ta hãy nghe một số câu kệ Ngài viết trong “Cư trần lạc đạo” sẽ rõ: “Đói thì ăn, mệt ngủ liền / Trong nhà có báu thôi tìm kiếm / Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Thật thanh thản, thật nhẹ nhõm, khi đọc xong những câu kệ này của Sơ Tổ. Phải chăng, từ những câu kệ trên không phải khó khăn lắm để chúng ta nhận ra đây là dòng thiền nhập thế (không dụng công) hay còn có tên khác ngắn gọn (Như Lai thiền). Xin được nhắc lại, để hiểu được cốt tủy và tinh ba của pháp môn thiền Nhập thế nói trên, đòi hỏi người tu phải có trí tuệ, và bản lĩnh mới Giác ngộ và thâm nhập được “Yếu chỉ thiền tông” của dòng thiền ẩn áo và thâm thúy này. Chớ không phải chỉ nghĩ cạn cợt theo ngôn ngữ nhập thế thông thường hoặc thông tục mà hiểu được.

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh

Số 18. Phố Quang Trung

Tp. Uông Bí – Quảng nịnh.

Tài liệu tham khảo:

(*) Trich dẫn trong bài: Tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua Thiền phái Trúc lâm Yên Tử - HT Thích Gia Quang  (Nội san nghiên cứu Phật học. số 6 -1992)

-         Thiền học đời Trần – Nhiều tác giả (Nxb.TG-2003).

-         Khai thị thiền tông – Tác giả Nguyễn Nhân- (Nxb.TG. Năm 2015)

-         Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vi Tổ thiền tông Ấn Độ, Trung hoa, Việt Nam- tác giả: Nguyễn Nhân –tái bản lần 2  (Nxb-TG quý 3 năm 2015)

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm