Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 anh nsgn

 

Tưởng là một trong những sắc thái sự sống căn bản nhất của tất cả các loài chúng sinh,
bao gồm hữu tình chúng sinh và cả vô tình chúng sinh. Tưởng cũng là tác nhân có vai trò tác
động chủ yếu trong vô vàn khổ-vui, thất tình, lục dục... của bao kiếp sống luân hồi; và nó cũng là
đối tượng thử thách lớn cần được chế phục, vượt qua trong tu tập thiền định, giải thoát. Theo
Duy Thức Học, cội nguồn của Tưởng xuất phát từ nơi A Lại Da thức , mà sự hiện diện của
Tưởng thì bao khắp, xuyên suốt 8 thức Tâm Vương (Bát thức Tâm Vương). 8 thức Tâm Vương
bao gồm A Lại Da thức, Mạt Na thức, Ý thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức,Thiệt thức, và Thân
thức . Từ Mạt Na thức đến Thân thức được gọi tên là 7 Chuyển thức, từ Ý thức đến Thân thức
được gọi tên là Tiền Lục Thức (Sáu Thức Trước), từ Nhãn thức đến Thân thức được gọi tên là
Tiền Ngũ Thức (Năm Thức Trước). 8 Thức Tâm Vương được chia ra làm 3 nhóm Năng Biến là: A
Lại Da thức, Mạt Na thức, và Tiền Lục Thức.
Thức A Lại Da (nhóm Năng Biến thứ nhất ) thuộc về Tâm sinh diệt, để phân biệt với
Chơn Tâm (Như Lai Tàng Chơn Như Tâm) bất sinh, bất diệt. Thức này hiện diện ở tất cả các loài
chúng sinh hữu tình (chúng sinh có đủ 8 thức Tâm Vương) và ở cả chúng sinh vô tình (chúng
sinh chỉ có 2 thức là thức A Lại Da và thức Mạt Na mà không có Ý thức và Tiền Ngũ thức). Nó có
rất nhiều tên gọi khác như Dị Thục thức (Thức chuyển biến đổi khác, thành thục từ nhân ra
quả), Nhất Thiết Chủng thức (Thức có tất cả, vô lượng chủng tử), Tàng Thức (Thức kho tàng có
công năng tích chứa), Đệ Bát Thức (Thức thứ tám trong Bát Thức Tâm Vương), Căn Bản Thức
(Thức cội nguồn, từ đó sinh xuất ra 7 Chuyển thức kia), ...Đặc điểm chính yếu của A Lại Da thức
là vô phú (rất mênh mang, do không có đủ sức để trụ bám, chấp trước, vướng mắc) và vô ký
(hồn nhiên, không có sự phân biệt thiện ác, tốt xấu, hơn thua, hay dở; không có âu lo, khổ sở,
mừng vui, an vui vì không có các Ưu thọ, Khổ thọ, Hỷ thọ, Lạc thọ, mà chỉ duy nhất có một Xả
thọ...). Do là vô phú, vô ký nên trong tổng số 51 tâm sở của Duy Thức Tam Thập Tụng (Tác giả:
Tổ Thế Thân (316-396)), A Lại Da thức chỉ có 5 tâm sở gọi tên là 5 Biến Hành Tâm Sở, bao gồm
Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, và Tư.
Được gọi là Tâm Sở vì đây là hành trạng (trạng thái chuyển hành, chuyển biến, hiện
tướng sanh diệt) của 8 thức Tâm Vương. Chữ "Tâm Sở" có thể được tạm dịch là "Chỗ Tâm"
cũng như các chữ "Sở Kiến", "Sở Văn", "Sở Tri", "Sở Trụ"...có thể tạm dịch là "Chỗ Thấy", "Chỗ
Nghe", "Chỗ Biết", "Chỗ Y Nương"… Như thế, "Tâm sở Tác Ý" có thể được tạm dịch là "Chỗ Tâm
khởi tạo ra Ý", "Tâm sở Xúc" được tạm dịch là "Chỗ Tâm chạm biết", "Tâm sở Thọ" là "Chỗ
Tâm cảm nhận biết"... Tương tợ, chữ “Tâm Sở Hữu” có thể được dịch là "Chỗ Tâm Có" hoặc
"Chỗ Có Tâm" (tức là chỗ Tâm có mặt, chỗ Tâm có biểu lộ sự hiện hữu). Lý do được gọi tên như
vậy là vì Thức A Lại Da nói riêng và bản thể tâm thức nói chung vốn là mênh mang biến khắp ra

2
các nơi chốn, không có chỗ ở nhất định, nhưng nay do ở trạng thái bị tác động bởi các duyên
nào đó, nên chúng bắt đầu có sư hiện khởi ra các chỗ có tướng trạng khác nhau. Các tướng
trạng này chính là các Tâm Sở hoặc Tâm Sở Hữu. 5 Biến Hành Tâm Sở nơi A Lại Da thức chính
là 5 tướng trạng chuyển hành tâm thức tinh khôi, sơ khai nhất của chúng sinh. Sở dĩ có tên gọi
là Biến Hành vì do các tâm sở này có sự hiện diện ở khắp các nơi chốn trong không gian, ở
trong mọi lúc của thời gian, bao gồm tất cả tánh (thiện, ác, và vô ký) , và ở nơi tất cả 8 thức
Tâm Vương cùng có tương quan liên hệ với tất cả tâm sở. Duy Thức Tam Thập Tụng (tác giả: tổ
Thế Thân(316-396)) có bài kệ về thức A Lại Da cùng 5 Biến Hành tâm sở như sau:
"Sơ A Lại Da thức
Dị Thục, Nhứt Thiết Chủng

Bất khả tri chấp thọ
Xứ liễu thường dữ Xúc
Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư
Tương ưng duy Xả thọ

Thị vô phú vô ký
Xúc đẳng diệc như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A la hán vị xả"

Tạm dịch:
“Sơ khởi là thức A lại da
Còn có tên gọi là Dị thục, Nhứt thiết chủng

Không thể biết, nương chấp và cảm thọ
Xứ cảnh rõ biết với Xúc
Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư
Chỉ tương ưng với Xả thọ

3

Là vô phú, vô ký
Năm Biến Hành cũng như vậy
Luôn chuyển động như dòng thác chảy xiết
Bậc A La Hán mới xả bỏ xong thức này"

Theo Hiển Dương Thánh Giáo Luận (Tác giả: Đại sĩ Vô Trước (310-390), Dịch giả Phạn-
Hán: Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (602-664), Dịch giả Hán- Việt: Quảng Minh) giải thích về 5
tâm sở Biến Hành được ghi nhận khái quát như sau:
“1. Tác Ý: được sinh ra từ chủng tử nơi A Lại Da thức, dựa vào A Lại Da mà sinh khởi,
cùng tương ưng với A Lại Da, và cùng A Lại Da chuyển hiện.
2. Xúc: là sự phân biệt có được từ sự hòa hợp 3 sự Căn, Cảnh, Thức. Xúc làm chổ sở y
cho tâm sở Thọ tiếp nối theo ngay sau đó.
3. Thọ: là cảm nghiệm, lãnh nạp (những cảm nhận, cảm giác....).
4. Tưởng: là những ảnh tượng, ấn tượng, hình bóng... trong tâm thức được tiếp nối ngay
sau tâm sở Thọ.
5. Tư: là ý nghiệp nơi cảnh khiến có tâm tạo tác các điều thiện, ác, phi thiện phi ác...
Ngay đây, ta có thể tạm rút ra 2 điều:
Điều 1: Có thể rõ thấy là tâm sở Tưởng đã xuất hiện rất sớm trong sự vận hành của tâm
thức chúng sanh: Tưởng đã có mặt ngay nơi cội nguồn tâm thức là thức A Lại Da và Tưởng được
xem là có vai trò căn bản và trọng yếu nhất trong 5 Biến Hành Tâm Sở. Nói vậy là do sau 3 tâm
sở Tác Ý, Xúc, và Thọ (tạm gọi chung là 3 tâm sở mầm của niệm tưởng), Tưởng liền đã xuất
hiện; rồi liền sau đó nó được tâm sở "Tư" duy trì, trưởng dưỡng, nuôi nấng, phát triển . Tâm sở
Tư có thể được cảm nghiệm là một chuổi "Tưởng" liền lạc, rõ ràng được nối kết, phát triển qui
mô ra các quan niệm, quan điểm, chủ trương, thành kiến, định kiến …theo nghiệp thức của mỗi
chúng sinh.
Điều 2: Có thể xem tất cả Tưởng chỉ là Vọng Tưởng. Lý do là Tưởng chỉ là một động thái
của Thức mà chính ngay cội nguồn Thức A Lại Da còn chưa là chơn thực, chỉ là ảo huyễn, không
có thực thể, thiếu vắng tự thể huống là động thái của chính nó. Điều này khiến trong đạo Phật
nói chung, và Duy Thức Học nói riêng dù có đề cập về Chơn Tâm, Chơn Tánh, Chơn Tướng,
Chơn Thể , Chơn Kiến, Chơn Tri, Chơn Giác...mà không hề có đề cập đến Chơn Tưởng.
Do bởi thức A Lại Da có tánh mênh mang, mong manh, nhẹ nhàng, hồn nhiên, không
vướng mắc nên tâm sở Tưởng nơi A Lại Da cũng chỉ là những dạng tướng tâm thức rất vi tế,

4
chuyển động rất nhanh nhạy, không có sức bám trụ, biến hiện và ẩn khuất rất khó có thể nhận
thấy và suy lường. Vì thế, phàm phu và kể cả các bậc Hiền Thánh chưa đạt đến Tam Quả (quả vị
A Na Hàm, còn gọi là Bất Lai, không còn luân hồi trở lại vào Dục Giới) không thể thấy và chưa có
khả năng nhận biết được 5 tâm sở Biến Hành nói chung và tâm sở Tưởng nói riêng nơi A Lại Da
thức cùng sự vận hành ẩn hiển, có không của chúng nơi A Lại Da thức.
A Lại Da thức có thể được cảm nhận là Thức Ấm, một trong 5 Ấm (Sắc Ấm, Thọ Ấm,
Tưởng Ấm, Hành Ấm, và Thức Ấm) hình thành nên thân và tâm của chúng sinh. Gọi là Thức Ấm
vì chính sự hiện hữu của lớp thức này đã khiến làm che mờ đi Giác Tánh. Trong tiến trình tu tập
giải thoát khỏi sự buộc ràng của 5 Ấm, kinh Thủ Lăng Nghiêm (Dịch giả Phạn-Hán: ngài Bát Lạt
Mật Đế (đời nhà Đường, Trung quốc), dịch giả Hán- Việt: Hòa thượng Thích Duy Lực (1923-
2000)) gọi Thức Ấm là Điên Đảo Vọng Tưởng. Điều này khẳng định là ngay nơi căn nguồn sự
sống , tâm sở "Tưởng" nơi A Lại Da thức của chúng sinh, đã sẵn cưu mang tính chất điên đảo
rồi. Tính chất điên đảo này được tạm giải thích qua 2 khía cạnh:
Khía cạnh 1: là tính cách dị biệt giữa Như Lai Tàng tâm và A Lại Da thức. Tính cách này
được phân biệt khái quát như sau: Thức A Lại Da (Tâm Sanh Diệt) được hình thành chính là do
sự hòa hợp giữa Như Lai Tàng Chơn Như Tâm (được xem là Giác Tánh, là Phật Tánh, là Chơn
Tâm, là cái chơn tịnh, bất động, không có Sinh- Diệt, đã vượt qua phân biệt hai bên về Có và
Không, về Sinh và Diệt ) và vô lượng chủng tử (là cái có Sanh- Diệt, Có- Không, cái nhiễm ô, luôn
động chuyển theo các duyên); nên khi A Lại Da ở thể Tịnh thì nó không khác biệt với Như Lai
Tàng, còn khi A Lại Da ở thể Động thì nó có khác với Như Lai Tàng. Như Lai Tàng Chơn Tâm thì
không có Đồng- Khác (không có Một- Khác, không có Hòa Hợp- Bất Hòa Hợp) nên chỉ nói là A Lại
Da khác (là khác với Như Lai Tàng ) và nói A Lại Da đồng (là đồng với Như Lai Tàng). Hai thuật
ngữ khác hay được nhắc đến là "Như Lai Xuất Triền"("Triền" là trói buộc, xoay vấn chung
quanh) dùng để chỉ cho Như Lai Tàng Chơn Tâm, bao hàm các pháp vô lậu thuần chơn thanh
tịnh, không bị trói buộc bởi những phiền não, triền phược; và thuật ngữ "Như Lai Tại Triền"
dùng để chỉ cho thức A Lại Da, bao hàm các pháp hữu lậu, nhiễm ô, còn bị trói buộc, che mờ,
lấp khuất bởi vô lượng não phiền.
Khía cạnh 2: là trong tất cả kinh điển của đạo Phật, đức Phật đại từ, đại bi đã khai thị và
hàm ý xác quyết là "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn, câu
nói được đức Phật tuyên thuyết nhiều lần là“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh ấy
là Thường Lạc Ngã Tịnh.” Như thế, mỗi loài chúng sinh đều có sẵn Phật Tánh, sẵn có Như Lai
Tàng Chơn Như Tâm, sẵn có cảnh giới Đại Niết Bàn tự tại, giải thoát. Nhưng do vì chúng sinh
mê lầm, không thấy được tánh Phật (gọi là "Bội Giác": là quay lưng lại với Như Lai Tàng Chơn
Như Tâm , Giác thể, Chơn Trí) mà lại nhận chấp, hòa nhập vào với các thứ lớp Vọng Tưởng (gọi
là "Hiệp Trần": là theo Vọng Thức A Lại Da rồi cùng các Vọng Tưởng choàng ôm, nâng niu các
trần cảnh) nên bị các phiền não kiết sử trói buộc mà đành chịu lưu chuyển trong sanh tử, luân
hồi. Như thế, tính chất "Điên Đảo" của Vọng Tưởng nơi Thức Ấm A Lại Da có thể được rút gọn
là: do mê lầm, không có Trí Tuệ nên gọi là "Điên"; do nhận chấp sai quấy nên gọi là "Đảo".
Lại nữa, kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng ghi nhận Vọng Tưởng Điên Đảo do nương chấp nơi
thức A Lại Da, nên tự gánh mang vào nó duyên phần, thân phận có sinh có diệt, gọi là Mạng

5
Căn, căn nguyên sự sống và thọ mạng của thân tâm chúng sinh trong vô lượng kiếp luân hồi.
Mạng Căn là một trong 24 món Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp trực thuộc nơi thức A Lại Da,
không thuộc phạm vi Tam Hòa Hợp (Căn- Trần - Thức) của Tiền Lục Thức, nên được gọi là "Bất
Tương Ưng" (để phân biệt với nhóm tâm sở được gọi là "Tương Ưng" của Tiền Lục Thức). Chính
Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp “Mạng Căn” nơi thức A Lại Da đã khiến có ra Mạng Trược, lớp ô
trược, uế trược về thọ mạng, về ràng buộc tái sinh, về vọng chấp y nương vào thân tái sinh, và
là 1 trong 5 lớp trược của đời sống chúng sinh trong Tam Giới.
Tựu trung, tâm sở Tưởng nơi thức A Lại Da, cội nguồn sơ khai nhất của Vọng Tưởng, tạm
nêu có 3 đặc điểm sau:
Đặc điểm 1: Tâm sở Tưởng nơi thức A Lại Da được xuất sinh, biến thể từ 3 tâm sở Biến
Hành khác của Thức này là Xúc, Tác Ý, và Thọ. Nhưng nguyên nhân xuất sinh của 3 tâm sở Xúc,
Tác Ý, và Thọ lại khó có thể xác định rõ ràng vì chỉ có các bậc Thánh từ quả vị A Na Hàm trở lên
mới có khả năng phân biệt, nhận biết được.
Đặc điểm 2: Tâm sở Tưởng nói riêng và 5 Tâm sở Biến Hành nói chung nơi thức A Lại Da
có cường lực, sức lực không đáng kể. Có thể ví các tâm sở này chỉ là những chuyển biến rất nhẹ
nhàng, mềm mỏng, có tác động như là chỉ để đánh thức, khơi nguồn chảy cho thức A Lại Da.
Điều này có nghĩa là nếu ví A Lại Da thức như biển lớn thì những chuyển biến này chỉ là các
động thái còn rất vi tế, rất mơ hồ, chỉ như nước nổi tăm, nổi bọt, nổi bong bóng …, chưa đủ sức
tạo ra những nét nhăn lăn tăn mong manh huống chi là những gợn sóng, làn sóng , lượn sóng
chao động trên mặt biển.
Đặc điểm 3: Do có tính cách rất nhẹ nhàng, hồn nhiên nên tâm sở Tưởng nơi thức A Lại
Da không có khả năng kết nghiệp, tạo lập thêm các chủng tử mới vào trong thức A Lại Da mà nó
chỉ có thể làm chỗ dựa, nền tảng để sinh khởi và phát triển thêm cho tâm sở Tư. Tâm sở Tư nơi
thức A Lại Da này cũng chưa có khả năng kết nghiệp mà chỉ đóng vai trò chủ yếu, quan trọng
trong sự sinh khởi, hình thành, và phát triển ra tất cả các dạng tướng tâm thức khác của 7
Chuyển Thức sau (Mạt Na thức và Tiền Lục Thức).

Khi A Lại Da thức theo dòng tập nghiệp chuyển biến mà lại có sự tự chấp nơi Kiến phần
(năng lực, năng lượng tri giác) của chính nó rồi chấp trì, gìn giữ thì khi đó có thêm một biến thể
mới, một tâm vương mới gọi là thức Mạt Na. Tâm sở Tư theo sự chấp ngã này cũng có biến
chuyển, trở nên rõ ràng, đậm nét hơn và phát triển tối đa thành một nguồn tư lương vô tận.
Nguồn tư lương vô tận này chính là nét đặc trưng, là Tánh, là Tướng của Mạt Na thức. Tạm nói
là vô tận bởi vì thức Mạt Na cũng như thức A Lại Da đều vẫn còn tồn tại khi chúng sinh còn có
mê chấp; 2 Thức này chỉ biến mất, không còn tồn tại sau khi chúng sinh đã kiến tánh, đắc A La
Hán quả, đã được giải thoát, không còn luân hồi, đã chuyển Thức thành Trí.
Trong khi A Lại Da thức có đặc tánh là Vô Phú, Vô Ký; Mạt Na thức cũng có đặc tính là Vô
Ký (giống như ở A Lại Da thức) nhưng nó lại là Hữu Phú, vì nó có chổ y nương, chỗ trụ chấp là
nương dựa vào thức A Lại Da. Do tính cách Hữu Phú và do là nguồn Tư Lương Chấp Ngã bất tận,

6
nên Mạt Na thức ngoài 5 tâm sở Biến Hành còn có thêm 13 tâm sở khác bao gồm 1 tâm sở Biệt
Cảnh và 12 tâm sở Phiền Não:
1 tâm sở Biệt Cảnh nơi Mạt Na thức = là tâm sở Huệ;
Biệt Cảnh là phân biệt trần cảnh, đối tượng được thu nhận, thấy biết, nghe biết...từ nơi
6 căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý Thức). 5 tâm sở Biệt Cảnh gồm: 1. Dục = Tâm ham muốn
nhận biết, phân biệt; 2.Thắng Giải = Tâm liễu tri rõ được đối tượng muốn nhận biết; 3. Niệm =
Tâm nghĩ nhớ về các đối tượng liễu tri; 4. Định = Tâm an ổn, không chao động; và 5. Huệ =
Tâm sáng suốt, không chướng ngại, rõ biết các đối tượng. Cần rõ thêm là tâm sở Biệt Cảnh Huệ
nơi Mạt Na thức không là rõ biết về các đối tượng trần cảnh mà là rõ biết về các đối tượng nội
tâm, về Ngã chấp sơ khai nơi nội tâm, và về hai bên Năng và Sở nơi nội tâm. Do vậy, trong 5
Biệt Cảnh tâm sở, Mạt Na thức chỉ duy có một tâm sở Huệ.
12 tâm sở Phiền Não nơi Mạt Na thức = bao gồm 4 Căn Bản Phiền Não (gồm có 3 tâm
sở thuộc về Tư Hoặc là Tham, Si, Mạn và 1 tâm sở thuộc về Kiến Hoặc là Ác Kiến), và 8 Đại Tùy
Phiền Não (gồm có Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, và
Bất Chánh Tri).
Gọi là “Phiền Não” vì chúng khiến gây ra các khổ đau, các tập nghiệp khiến che mờ Giác
Tánh và khiến chúng sinh chịu đày đọa trong các nẻo luân hồi bất tận. Gọi là "Căn Bản Phiền
Não " vì những phiền não này có tính cách cội gốc trong Mạt Na thức, chỉ thuần là các đối tượng
tâm thức mênh mang trong nội tâm, chưa nhuốm hình tướng, bóng dạng của đối tượng cảnh
trần nên chúng là tiền đề để sinh khởi ra các Tùy Phiền Não. Gọi là "Tùy Phiền Não" vì các phiền
não này được sinh khởi tùy vào Căn Bản Phiền Não và tùy vào các đối tượng cảnh trần.
Căn Bản Phiền Não trong Duy Thức Học gồm có 6 tâm sở chính:
1.Tham = tâm ham muốn chỉ mong được có và cứ có thêm, thủ đắc bất tận ;
2. Sân = tâm giận tức, nổi nóng, bực bội, thù oán;
3. Si = tâm vô minh, u muội, không rõ chơn lý, đạo lý;
4. Mạn = tâm cao ngạo, luôn thấy mình hơn người khác;
5. Nghi = tâm chưa liễu tri, chưa phân biệt rõ ràng;
6. Ác Kiến = là tâm nhận biết, phân biệt, chấp thủ còn sai lầm, trái nghịch với chơn lý,
đạo lý. Ác Kiến lại được phân định ra 5 thứ: 6.1.Thân Kiến = là cái thấy biết chấp trước có thân
tâm 5 uẩn, có Ngã và Ngã Sở; 6.2. Biên Kiến = là cái thấy biết chấp trước về 2 bên như chấp
đoạn - thuờng, chấp có – không, chấp sinh – diệt, chấp khổ – vui, chấp thương – ghét, chấp đẹp
– xấu …; 6.3. Tà Kiến = là cái thấy biết chấp trước chấp sai lầm đối với chơn lý và đạo lý;
6.4.Kiến Thủ = là thủ chấp cái thấy biết sai lầm của mình, không chấp nhận các ý kiến đúng đắn
khác; và 6.5. Giới Cấm Thủ =là thủ chấp vào các cảnh giới, các cấm giới còn sai lầm của mình
nên còn thiếu sót sự tu tập chân chính.

7
5 tâm sở Phiền Não Căn Bản đầu tiên (Tham, Sân, Si, Mạn và Nghi) còn được gọi là Tư
Hoặc . Tư Hoặc là những mê mờ, sai lầm, có tánh nhiễm ô nơi tà tư, tà niệm, nơi nghĩ suy, tư
duy không đúng với chơn lý, đạo lý. Tâm sở Phiền Não Căn Bản còn lại (Ác Kiến) được gọi là Kiến
Hoặc dùng để chỉ cho tất cả những mê mờ, sai lầm nơi dụng năng của 6 thân căn là thấy biết,
nghe biết, ngửi biết, nếm biết, xúc biết, và nhận biết. Như thế 6 Căn Bản Phiền Não chính là
toàn bộ Kiến Tư Hoặc. Trong 6 tâm sở Căn Bản Phiền Não trên, Mạt Na thức do bản tính mênh
mang, nhẹ nhàng nên chỉ có 4 tâm sở là Tham, Si, Mạn, và Ác Kiến mà không có 2 tâm sở Sân và
Nghi.
Tùy Phiền Não trong Duy Thức Học được phân định chi tiết ra 3 loại tùy vào phạm vi
tương ưng với nhận thức, và tùy vào kích thước, dung lượng dính mắc vào đối tượng nhận thức
(nơi nội tâm hoặc nơi trần cảnh bên ngoài) là rộng lớn hay nhỏ hẹp. Đó là 3 loại: Đại Tùy Phiền
Não, Trung Tùy Phiền Não, và Tiểu Tùy Phiền Não:
Đại Tùy Phiền Não: là Tùy Phiền Não có phạm vi rộng lớn, không có đối tượng rõ ràng,
mà lại mênh mang, khó nhận biết rõ. Đại Tùy Phiền Não có 8 tâm sở là: 1. Trạo Cử =
thân tâm chao động, không tĩnh lặng; 2. Hôn Trầm = tâm nặng nề, không sáng suốt;
3. Bất Tín = không có lòng chánh tín nơi Tam Bảo; 4. Giải Đãi= lười biếng,không tinh tấn;
5. Phóng Dật = tâm phóng túng, buông lung; 6. Thất Niệm = tâm hay quên, không nhớ
các sự việc đã trải qua; 7. Tán Loạn = tâm rối ren nhiều việc, không thể nhất tâm vào
một việc; 8. Bất Chánh Tri = không biết đúng sự việc thực tế nơi thân tâm. (Mạt Na thức
có đủ 8 tâm sở Đại Tùy Phiền Não này);
Trung Tùy Phiền Não: là Tùy Phiền Não có phạm vi trung bình, có đối tượng rõ ràng hơn,
dễ nhận biết hơn so với Đại Tùy Phiền Não. Trung Tùy Phiền Não có 2 tâm sở là: 1. Vô
Tàm = không biết tự hổ thẹn với chính mình; 2. Vô Quý = không biết xấu hổ với mọi
người khác. (Mạt Na thức không có tâm sở Trung Tùy Phiền Não do không thích hợp về
phạm vi tương ưng);
Tiểu Tùy Phiền Não: là Tùy Phiền Não có phạm vi nhỏ hẹp, có đối tượng cụ thể, rõ ràng,
dễ dàng nhận biết như phiền não về một người, một việc, một vật...nào đó rõ rệt, không
mông lung. Tiểu Tùy Phiền Não có 10 tâm sở là: 1. Phẫn = tâm giận dữ; 2. Hận = tâm trì
giữ những phẫn nộ trong quá khứ; 3. Phú = tâm che dấu các tội lỗi, các việc xấu ác của
mình; 4. Não = tâm chao động, xáo trộn, băn khoăn, muộn phiền; 5. Tật = tâm đố kỵ,
ganh ghét; 6. Xan = tâm bỏn xẻn, xan tham, không san xẻ, giúp đỡ người khác;
7. Cuống = tâm dối trá, lường gạt; 8. Siễm = tâm a dua, nịnh hót; 9. Hại = tâm gây tổn
thương, thiệt hại đến người khác; 10. Kiêu = tâm tự mãn, xem mình hơn người khác về
chuyên biệt một sự việc nào đó. (Mạt Na thức không có tâm sở Tiểu Tùy Phiền Não do
không thích hợp về phạm vi tương ưng).
Có thể cho rằng 13 tâm sở có thêm nơi Mạt Na thức này đều được sinh khởi, phát triển
ra từ cội nguồn là tâm sở Tư, tâm sở Biến Hành có mặt nơi A Lại Da thức và nơi Mạt Na thức,
nên chúng nhận tâm sở Tư là Chánh Nguồn và nhận tâm sở Tưởng là Sơ Nguồn. Duy Thức Tam
Thập Tụng có bài kệ về Mạt Na thức cùng 18 tâm sở tương ứng như sau:

8

“Thứ đệ nhị năng biến
Thị thức danh Mạt na
Y bỉ chuyển duyên bỉ
Tư lương vi tánh tướng

Tứ phiền não thường câu
Vị Ngã si, Ngã kiến
Tinh Ngã mạn, Ngã ái
Cập dữ Xúc đẳng câu

Hữu phú vô ký nhiếp
Tùy sở sanh sở hệ
A la hán Diệt định
Xuất thế đạo vô hữu”

Tạm dịch:
“Thức Năng Biến thứ hai
Thức này tên Mạt Na
Nương A Lại Da rồi lại duyên A Lại Da
Tánh tướng là tư lương

Thường cùng bốn phiền não
Là Ngã Si, Ngã Kiến
Thuần Ngã Mạn, Ngã Ái
Cùng gắn liền với 5 Biến Hành

9

Nhiếp trì tánh Hữu Phú - Vô Ký
Tùy chỗ nào khởi sanh, chỗ đó hệ thuộc
Bậc A La Hán, Diệt Tận Định
Đạo Xuất Thế Gian, không còn có Thức này”
Thức Mạt Na được cảm nhận là Hành Ấm vì nó là dòng chuyển biến của nguồn năng
lượng vô tận từ nơi vô lượng chủng tử rất nhanh nhạy, rất vi tế, khó nhận biết của tâm thức A
Lại Da. Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi Hành Ấm (Mạt Na thức) với tên gọi là U Ẩn Vọng Tưởng (vọng
tưởng u nhàn, ẩn mật, mờ tối, bị khuất lấp, khó nhận biết), tượng trưng cho Chúng Sinh Trược
(lớp uế trược về sự thọ nhận thân phận chúng sinh, có sinh rồi có diệt cùng với bao điều xấu ác
nơi thân tâm).
Nhìn chung, tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức tạm nêu có 4 đặc điểm:
Đặc điểm 1: Tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức được xuất sinh từ vô lượng chủng tử tàng
trữ sẵn có nơi A Lại Da thức. Do vậy nó có tính cách giống như là bất tận, như dòng nước chảy
ào ạt, dữ dội từ ống nước thông với biển cả tâm thức khiến cho dòng Tưởng này cứ chảy mãi
miết, liên tu bất tận, không ngưng nghỉ.
Đặc điểm 2: Tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức có tướng trạng được thể hiện như một
dòng Tưởng chảy liên tục nên được xem là rõ nét, đậm đà hơn so với tướng trạng bọt Tưởng,
tăm Tưởng nơi A Lại Da thức. Lý do là Mạt Na thức luôn có khuynh hướng chấp Ngã, chấp trước
vào 2 bên (Năng- Sở, Bỉ- Thử...) khiến cho 5 Biến Hành tâm sở nơi A Lại Da thức từ trạng thái
mênh mang, nhẹ nhàng trở nên có chút nặng nề hơn khi được chuyển hóa thêm ra, tạo thành
18 tâm sở nơi Mạt Na thức. 18 tâm sở này cũng có thể được xem là 18 sắc thái, 18 giai điệu tâm
thức khiến phong phú hóa và cường lực hóa cho tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức. Tuy vậy, cũng
giống như ở A Lại Da thức, tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức cũng chưa có đủ sức gây tạo, hình
thành nên các chủng tử mới.
Đặc điểm 3: Sự đậm nét rõ ràng hơn của tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức lại gắn liền với
tính chất phiền não, gây tạo khổ đau từ chính nó và cho chính nó. Điều này được thể hiện rõ là
trong 18 Tâm Sở của Mạt Na thức có đến 12 Tâm Sở (12/18 = 2/3) thuộc về nhóm Tâm Sở Phiền
Não . Như thế ở A Lại Da thức, tâm sở Tưởng đã sẵn mang tính cách điên đảo, nay qua đến Mạt
Na thức, lại mang thêm tính cách u buồn, não phiền, tăm tối, ẩn khuất (U Ẩn Vọng Tưởng).
Đặc điểm 4: Tâm sở Tưởng nơi Mạt Na thức có quan hệ mật thiết với khuynh hướng
chấp Ngã. Khuynh hướng này không có ở A Lại Da thức, mà chỉ bắt đầu xuất hiện ở Mạt Na thức
khi Mạt Na thức trụ nương, chấp mắc vào Kiến phần của A Lại Da thức rồi khiến phát sinh Ngã
Tướng. Từ Ngã Tướng (tướng chúng sinh này) lại sẽ có thêm Nhân Tướng (tướng chúng sinh
kia), Chúng Sinh Tướng (tất cả các tướng chúng sinh này và tướng chúng sinh kia hợp lại), Thọ
Giả Tướng (khoảng thời gian hiện hữu lâu mau của Chúng Sinh Tướng). Bốn tướng này chính là
cơ sở tiền đề của Chúng Sinh Trược vừa được đề cập bên trên.

10
Thế nhưng khi theo nghiệp tái sinh vào trong thế gian, thân và tâm của chúng sinh dần
dà được kết tụ, hình thành thì 2 lớp Ấm (Thức Ấm, Hành Ấm), 2 lớp Tưởng (Điên Đảo Vọng
Tưởng, U Ẩn Vọng Tưởng) của 2 thức A Lại Da và thức Mạt Na chưa dừng lại nơi đó mà còn tiếp
tục được bồi đắp thêm 3 lớp Ấm, 3 lớp Tưởng nơi Tiền Lục Thức (Đệ Tam Năng Biến, Thức Năng
Biến Thứ Ba).
Tiền Lục Thức chính là 6 nguồn thức để nhận biết, phân biệt trần cảnh bên ngoài và
được gán mắc, nương gá vào 6 cơ quan nơi thân: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Bộ Óc (Não Bộ)
cùng hệ thống dây thần kinh tương quan. Do vậy, Tiền Lục Thức có tánh Hữu Phú (có chỗ
nương trụ), Hữu Ký (có phân biệt về thiện, ác, và vô ký) khác với A Lại Da thức (Vô Phú, Vô Ký),
và khác với Mạt Na thức (Hữu Phú, Vô Ký). Duy Thức Tam Thập Tụng có bài kệ về thức Đệ Tam
Năng Biến như sau:
"Thứ Đệ Tam Năng Biến
Sai biệt hữu lục chủng
Liễu cảnh vi tánh tướng
Thiện, bất thiện, câu phi"

Tạm dịch:
“ Thức Năng Biến thứ ba
Có sáu thứ sai biệt
Tánh tướng là rõ cảnh
Thiện, Ác cùng Vô Ký”

Tùy vào các giai đoạn hình thành và phát triển công năng liễu cảnh, Tiền Lục Thức được
phân định ra 2 nhóm là Tiền Ngũ Thức (5 Thức Trước) và Ý Thức (Đệ Lục Thức).
Tiền Ngũ Thức nương dựa vào A Lại Da thức mà phát khởi; 5 thức này khởi phát đồng
thời (như vừa nhìn, vừa nghe...), hoặc không đồng thời (như chỉ nhìn, hoặc chỉ nghe …) và được
ví như sóng nước biển trên mặt biển A Lại Da, trong bài kệ của Duy Thức Tam Thập Tụng sau:
"Y chỉ Căn Bản Thức
Ngũ thức tùy duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu

11

Như đào ba y thủy"

Tạm dịch:
“Nương vào Căn Bản Thức
Năm thức hiện theo duyên
Hoặc cùng hoặc chẳng cùng
Như sóng nương trên nước”
Tiền Ngũ Thức đóng vai trò thu gom, đón nhận trần cảnh tiếp xúc được từ bên ngoài rồi
đưa vào Ý thức tổng hợp, chọn lọc, và phát triển ra thành những nhận thức, những nhận định,
những phân biệt qui mô, chính xác. Theo Bát Thức Quy Củ Tụng (Tác giả: Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang (602-664)), Tiền Ngũ Thức được xem là có 34 tâm sở qua 2 câu:
"Biến Hành, Biệt Cảnh, Thiện thập nhất
Trung nhị, Đại bát, Tham Sân Si"
Tạm dịch:
"Biến Hành, Biệt Cảnh, Thiện mười một
Hai Trung, tám Đại, Tham Sân Si"

Như thế, 34 tâm sở nơi Tiền Ngũ Thức bao gồm:
5 tâm sở Biến Hành gồm: 1. Xúc, 2. Tác Ý, 3. Thọ, 4. Tưởng, 5. Tư. 5 tâm sở này xuất
sinh và chuyển hóa trọn vẹn từ A Lại Da thức và Mạt Na thức (đã đề cập ở phần A Lại Da thức);
5 tâm sở Biệt Cảnh gồm: 1. Dục, 2.Thắng Giải, 3. Niệm , 4. Định và 5. Huệ. (đã đề cập
ở phần Mạt Na thức). Như thế Tiền Ngũ Thức có số lượng tâm sở Biệt Cảnh nhiều hơn so với A
Lại Da thức (A Lại Da thức không có tâm sở Biệt Cảnh), và nhiều hơn cả với Mạt Na thức (Mạt
Na thức chỉ có tâm sở Huệ);
11 tâm sở Thiện gồm: 1. Tín = Tâm tin vào chơn lý, đạo lý, vào Tam Bảo; 2. Tàm = Tâm
tự hổ thẹn với chính mình; 3. Quý = Tâm xấu hổ với người khác; 4. Vô Tham = Tâm không tham
cầu; 5. Vô Sân = Tâm không giận dữ; 6. Vô Si = Tâm không u tối; 7. Cần = Tâm tinh tấn, chuyên
cần; 8. An = Tâm an lành, nhẹ nhàng; , 9. Bất Phóng Dật = Tâm không giải đãi, buông lung,
phóng túng; 10. Hành Xả = Tâm buông bỏ, không chấp trước, vướng víu, níu kéo;
và 11. Bất Hại = Tâm không làm tổn thương, thiệt hại đến các chúng sanh khác. Như thế phải

12
đến Tiền Ngũ Thức mới có hiện diện 11 tâm sở Thiện (vì cả 2 thức A Lại Da và thức Mạt Na đều
không có Thiện tâm sở);
8 tâm sở Đại Tùy Phiền Não: (đã đề cập ở phần Mạt Na thức), Tiền Ngũ Thức có số lượng
tâm sở Đại Tùy Phiền Não bằng với Mạt Na thức và nhiều hơn so với A Lại Da thức (thức A Lại
Da không có Đại Tùy Phiền Não tâm sở);
2 tâm sở Trung Tùy Phiền Não: (đã đề cập ở phần Mạt Na thức), Tiền Ngũ Thức có số
lượng tâm sở Trung Tùy Phiền Não nhiều hơn Mạt Na thức và A Lại Da thức (cả 2 thức A Lại Da
và thức Mạt Na đều không có Trung Tùy Phiền Não tâm sở);
3 tâm sở Căn Bản Phiền Não cua Tiền Ngũ Thức chỉ bao gồm: 1.Tham, 2. Sân, và 3. Si
(đã đề cập ở phần Mạt Na thức). Tiền Ngũ Thức có số lượng Căn Bản Phiền Não nhiều hơn so
với thức A Lại Da (A Lại Da thức không có Căn Bản Phiền Não) và ít hơn so với thức Mạt Na
(thức Mạt Na không có tâm sở Sân nhưng có thêm 2 tâm sở Mạn và Kiến).
Tiền Ngũ Thức nương gá nơi nhục thân nên thuộc về Sắc Ấm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi
Sắc Ấm là Kiên Cố Vọng Tưởng. Gọi là Kiên Cố vì đây là loại vọng tưởng khó phá vỡ, loại vọng
tưởng có từ vô lượng kiếp trong quá khứ, loại vọng tưởng giao kết chồng chất thêm vào vọng
tưởng của cha và của mẹ trong khi tái sinh. Kiên Cố Vọng Tưởng tượng trưng cho Kiếp Trược,
lớp uế trược về sự thọ nhận muôn vàn khổ đau, vô thường nơi thân phận chúng sinh.
Ngoài Tiền Ngũ Thức, Đệ Tam Năng Biến còn có thành phần cơ bản, rất trọng yếu là Ý
Thức. Đây là tâm vương Đệ Lục Thức được nương gá vào bộ óc (não bộ), nơi có sự tương hệ
mật thiết với các cơ quan khác trong toàn thân thể qua hệ thống dây thần kinh chằng chịt, phức
tạp, và cũng là nơi có hoạt động gắn liền với 2 tâm vương Đệ Thất Mạt Na thức và Đệ Bát A Lại
Da thức. Do Ý Thức là nơi 8 Thức Tâm Vương tụ hội , nơi dồn tụ, duy trì và phát triển tối đa tâm
sở Tưởng nói riêng và tất cả các tâm sở khác nói chung nên Ý thức có đẩy đủ tất cả 51 tâm sở
của Duy Thức Học, bao gồm:
5 Biến Hành (Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, và Tư) (đã đề cập ở phần A Lại Da thức);
5 Biệt Cảnh (Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, và Huệ) (đã đề cập ở phần Mạt Na thức);
11 Thiện (Tín, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Cần, An, Bất Phóng Dật, Hành Xả và Bất
Hại ) (đã đề cập ở phần Tiền Ngũ Thức);
6 Căn Bản Phiền Não: gồm 1. Tham, 2. Sân, 3. Si, 4. Mạn, 5. Nghi, và 6. Ác Kiến (đã đề
cập ở phần Mạt Na thức);
20 Tùy Phiền Não , chia ra gồm 8 Đại Tùy Phiền Não: 1. Trạo Cử, 2. Hôn Trầm, 3. Bất Tín,
4. Giải Đãi, 5. Phóng Dật, 6. Thất Niệm, 7. Tán Loạn, 8. Bất Chánh Tri (giống như nơi Mạt Na
thức); thêm 2 Trung Tùy Phiền Não : 1. Vô Tàm, 2. Vô Quý (giống như nơi Tiền Ngũ Thức); và
nay Ý Thức đặc biệt có thêm 10 Tiểu Tùy Phiền Não (1. Phẫn, 2. Hận, 3. Phú, 4. Não, 5. Tật, 6.
Xan, 7. Cuống, 8. Xiểm, 9. Hại, và 10. Kiêu) ( 20 Tùy Phiền Não này đã được đề cập ở phần Mạt
Na thức). Quan trọng là 10 Tiểu Tùy Phiền Não không có hiện diện ở A Lại Da thức, ở Mạt Na

13
thức, và cả ở Tiền Ngũ Thức. Chúng chỉ xuất hiện nơi Ý thức và là một nét vô cùng độc đáo, đặc
sắc của Ý thức vì chúng đã đưa sự rõ biết cảnh trần (Liễu Biệt Cảnh) đến tận cùng qua các tâm
sở có phạm vi tương ưng nhỏ nhiệm, cụ thể nhất . Thí dụ: tâm sở Phẫn không thể hiện hữu mà
không có đối tượng cụ thể mà phải là có thấu suốt rõ ràng phẫn về việc gì, phẫn với ai, phẫn
trong hoàn cảnh, trường hợp nào.
4 tâm sở Bất Định: gồm 1. Hối = là tâm nuối tiếc những sự việc, sự vật thiện hay bất
thiện đã trải qua; 2. Miên = là tâm không tỉnh giác, mệt mỏi, buồn ngủ; 3. Tầm =là tâm tìm tòi,
truy cứu để liễu tri; và 4. Tứ = là tâm cảm nhận, dò xét, tìm hiểu tinh tế và đánh giá đối tượng
được tìm thấy. Gọi là Bất Định vì các tâm sở này không nhất định là thiện hay bất thiện, cũng
không nhất định là thuộc về ngoại trần cảnh hay nội tâm thức. Cũng như 10 Tiểu Tùy Phiền Não,
4 tâm sở Bất Định này không có hiện diện ở A Lại Da thức, ở Mạt Na thức, và cả ở Tiền Ngũ
Thức. Chúng chỉ xuất hiện nơi Ý thức và cũng làm nên nét đặc sắc quan trọng khác của Ý thức vì
chúng đã mở rộng thêm phạm vi về thời gian và về không gian cho tâm sở Tưởng nói riêng cũng
như cho tất cả các tâm sở khác của Ý thức nói chung. Thí dụ tâm sở Hối là tâm thức quay
ngược vào quá khứ với xiết bao sự việc, cảnh vật, tình huống đã trải nghiệm qua; tâm sở Tầm
và tâm sở Tứ là hướng về tương lai cũng với xiết bao sự việc...sẽ thực hiện.
Ý thức thuờng xuyên hiện hữu , ngoại trừ trong 5 trường hợp là : 1. Sanh ở cõi trời Vô
Tưởng; 2. và 3. Ở 2 Vô Tâm Định (là Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định, cả 2 đều không còn có sự
hiện hữu của Tiền Lục Thức); 4. Ở ngủ say; và ở 5. Ở chết ngất. Như trong bài kệ của Duy Thức
Tam Thập Tụng sau:
"Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh Vô Tưởng thiên
Cập Vô Tâm nhị định
Thùy miên dữ muộn tuyệt"

Tạm dịch:
“Ý thức thường khởi hiện
Ngoại trừ sanh nơi cõi trời Vô Tưởng
Cùng hai định Vô Tâm
Ngủ say với chết ngất"

14
Ý thức được cảm nhận gồm cả 2 Ấm là Thọ Ấm và Tưởng Ấm. Lý do là 5 loại cảm thọ
(Ưu thọ, Khổ thọ, Hỷ thọ, Lạc thọ, và Xả thọ) và tất cả hoạt động về tư tưởng của não bộ đều
được xuất hiện, nhận biết và phân biệt thông qua Ý thức. Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi Thọ Ấm và
Tưởng Ấm với tên gọi lần lượt là "Hư Minh Vọng Tưởng" và "Dung Thông Vọng Tưởng". Hư
Minh Vọng Tưởng là lớp vọng tưởng mờ tối, hư huyễn; là cái rõ biết ("minh") về những cảm thọ
vốn là hư vọng, không có thực thể ("hư"). Hư Minh vọng tưởng tượng trưng cho Kiến Trược
(lớp uế trược về sự thấy biết sai lầm, không đúng với chân tướng, thực tướng của vạn pháp).
"Dung Thông Vọng Tưởng" là lớp vọng tưởng liền lạc, hòa nhập, thông suốt không chướng ngại,
biến hóa khắp thân tâm, khắp trần cảnh. Dung Thông Vọng Tưởng tượng trưng cho Phiền Não
Trược (lớp uế trược do nơi phiền não, tưởng niệm lấp che Giác Tánh).
Nhìn chung, tâm sở Tưởng nơi Tiền Lục Thức tạm nêu có 5 đặc điểm:
Đặc điểm 1: Tâm sở Tưởng nơi Tiền Lục Thức là sự tiếp nối trọn vẹn và có thêm sự phát
triển rộng lớn, sâu sắc, tinh tế trong dòng tư lương cuộn chảy ào ạt, dữ dội, mãi miết, liên tu
bất tận, không ngưng nghỉ từ tâm sở Tưởng nơi cội nguồn là 2 thức Năng Biến thứ nhất (A Lại
Da thức ) và thức Năng Biến thứ hai (Mạt Na thức).
Đặc điểm 2: Khác với cảnh giới của thức A Lại Da và thức Mạt Na chỉ thuần là nơi nội
tâm với những nét hành chuyển tâm thức còn mơ hồ, u huyền, ẩn khuất; thì khi qua đến Tiền
Lục Thức, cảnh giới này đã được mở sâu, mở rộng thêm ra bên ngoài trần cảnh có tính cách cụ
thể hơn. Điều này khiến cảnh giới của Tiền Ngũ Thức có thêm muôn vàn các hình ảnh, các sắc
thái, các tướng trạng rõ ràng, với đầy đủ hình tướng, sắc màu, âm thanh, hương vị, xúc
chạm...được thu thập từ xiết bao trần cảnh bên ngoài nơi vũ trụ, không gian, núi sông, mây
nước, cây cỏ, hoa lá, con người, thú vật,...
Đặc điểm 3: Do cảnh giới của Tiền Lục Thức vừa là nội tâm, vừa là ngoại trần nên tâm sở
Tưởng và dòng tư lương nơi Tiền Lục Thức cũng được phát triển vô cùng mạnh mẽ, phong phú.
Điều này được thấy rõ qua sự phát triển về số lượng (và cả về chất lượng) các tâm sở nơi 3 thức
Năng Biến: nơi thức A Lại Da chỉ có 5 tâm sở, Mạt Na thức có 18 tâm sở; còn nơi Tiền Lục Thức,
Ý thức có đầy đủ 51 tâm sở. Chi tiết hơn, từ Mạt Na thức với 18 tâm sở qua đến Ý thức với 51
tâm sở có độ cách biệt (có thêm) là 33 tâm sở. Vậy 33 tâm sở này có thể được dùng làm sự biểu
hiện của công năng liễu cảnh của Tiền Lục Thức. 33 tâm sở này bao gồm:
4 tâm sở Biệt Cảnh: Dục, Thắng Giải, Niệm, và Định
2 tâm sở Căn Bản Phiền Não: Sân, và Nghi
11 tâm sở Thiện: Tín, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Cần,An, Bất Phóng Dật, Hành
Xả, và Bất Hại
2 tâm sở Trung Tùy Phiền Não: Vô Tàm, Vô Quý
10 tâm sở Tiểu Tùy Phiền Não: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật,Xan, Cuống, Xiễm, Hại, và Kiêu;
4 tâm sở Bất Định: Hối, Miên, Tầm, và Tứ

15
Đặc điểm 4: Tiền Lục Thức nói chung và Ý thức nói riêng là nơi tụ hội của 3 nguồn thức
Năng Biến. Mỗi nguồn thức lại có một sự chấp mắc riêng biệt, không giống nhau : thức A Lại Da
(Năng Biến 1) chấp mắc vào chủng tử nghiệp thức, thức Mạt Na (Năng Biến 2) chấp Ngã, thức
Năng Biến 3 chia ra có Tiền Ngũ Thức chấp cảnh trần (chấp cảnh), còn Ý thức chấp pháp trần
(chấp pháp). Tất cả sự chấp mắc, vướng víu này thể hiện các hành tướng, hiện tướng của tâm
sở Tưởng tập trung nơi Ý thức. Điều này khiến nếu cho tâm sở Tưởng nơi A Lại Da thức ví như
các bọt nước, tăm nước nơi mặt biển âm thầm, phẳng lặng thì Tưởng ở nơi Ý thức lại được xem
là các cơn sóng ào ạt nhất, lớn lao nhất, dữ dội, có khi điên cuồng nhất.
Đặc điểm 5: Chính do bản thân, bản chất là các cơn sóng lớn nên tâm sở Tưởng nơi Tiền
Lục Thức có tính cách kết nghiệp, gây tạo nghiệp thức rất mạnh mẽ. Nghiệp thức lâu ngày, năm
này tháng nọ, lại được kết tinh thành các chủng tử. Các chủng tử kết tinh này do là sản phẩm từ
tâm thức nên không thể bị tiêu hao, hủy diệt bởi bất kỳ phương tiện nào ở bên ngoài mà chúng
chỉ có thể được chuyển hóa từ công phu thiền định nội tại. Tiến trình chuyển hóa này chỉ có thể
thành tựu nơi quả vị A La Hán, sau khi đã Kiến Tánh, được gọi là "Chuyển Thức thành Trí" trong
Duy Thức Học: chuyển Ý thức thành "Diệu Quán Sát Trí", chuyển Mạt Na thức thành "Bình Đẳng
Tánh Trí", chuyển Tiền Ngũ Thức thành "Thành Sở Tác Trí", và chuyển A Lại Da thức thành "Đại
Viên Cảnh Trí".
Trong nhà Thiền có câu chuyện kể:
"Tăng hỏi tổ Hoàng Bá: "Vọng tưởng hay chướng ngại tâm. Lấy gì để trừ vọng?”
Tổ đáp: "Nếu khởi tâm muốn trừ vọng, là đã có thêm một lớp vọng.
Vọng vốn không có gốc, vì nó chỉ do nơi phân biệt mà có. Nếu ở hai đầu phàm thánh mà
không có khởi tâm suy lường, nhớ nghĩ thì tự nhiên không có vọng. Đâu cần phải tính toan trừ
bỏ nó..."
Tựu trung, trong hào quang Phật đạo Đại Từ, Đại Bi soi rọi; khi ngay cả thức A Lại Da
chưa là Chơn Tâm mà chỉ là Vọng thức và khi cả kho tàng vô lượng chủng tử, tập khí nghiệp
thức cũng chỉ là các kết tinh từ vọng ngã, vọng tưởng, vọng tình...hư vọng chấp mắc, vướng víu,
đan bện vào nhau nơi tâm thức hàng ngày của chúng sinh; lại có điều oái oăm, đau đớn là
những hư vọng này lại có thể khiến chúng sinh cứ phải trôi lăn, gắn kết vào vòng sinh tử luân
hồi vô  nghỉ của 7 Chuyển Thức ; rồi ngược dòng tư lương của Tiền Lục Thức và của Mạt Na
thức; vượt qua 5 lớp Ấm, 5 lớp Vọng Tưởng, 5 lớp Trược mà trở về tắm mát nơi biển lớn A Lại
Da thức ảo huyền cùng với phước trí, thiện duyên đầy đủ; một lúc nào đó, sương tuyết rã tan,
khói bụi không còn, bỗng lại nhận ra được cội nguồn chơn tâm thường hằng thanh tịnh vậy.

Khánh Hoàng
Plano _ October 02, 2023

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm