Không phải ai cũng có con đường học vấn thuận lợi. Có thể bạn chưa bao giờ tưởng tượng ra một ngày mình bỏ học (dù lý do từ bạn hay bạn bị buộc thôi học đi chăng nữa). Cảm giác chắc hẳn là rất tồi tệ, nhưng nghe này, bạn không phải là người đầu tiên mà cũng chẳng phải là người cuối cùng đối mặt với việc học tập không diễn ra theo kế hoạch. Có thể khi chuyện này vừa xảy ra, bạn cảm thấy bất ngờ, thất bại, chỉ muốn ở lì trong phòng không nói chuyện với ai. Tuy nhiên hãy tự động viên mình, rằng ngoài kia có không ít doanh nhân nổi tiếng, các chủ doanh nghiệp và các nhân viên hạnh phúc đã không tốt nghiệp đại học mà vẫn tạo ra một con đường cuộc sống trọn vẹn. Mình tự mình vượt lên trên sóng gió để đứng lên thành công, chính vì thế chọn đề tài này.
Thối chí là trạng thái tâm lí mất hết ý chí, không muốn theo đuổi mục tiêu đang theo vì gặp khó khăn, áp lực, trở ngại hoặc một biến cố tâm lý.
ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ CỦA SỰ THẤT BẠI
Đừng bao giờ nghĩ mình có thể thành công mà không phải trải qua thất bại. Hãy luyện cho mình cách nghĩ về sự thất bại như những dấu mốc của thành công.
Cứ mỗi lần vấp ngã, bạn sẽ lại tiến một bước dài trên con đường khai thác tiềm năng. Thất bại còn có một giá trị khác nữa, đó là khả năng làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Bởi thế đừng bao giờ sợ thất bại. Bạn sẽ không bao giờ đến gần được chiến thắng nếu không trải qua một lần thất bại. Cứ mỗi lần vấp ngã hay gặp thất bại, hãy nhớ một điều, bạn đang tiến gần hơn tới nguồn tiềm năng và ước mơ của mình. Hãy học cách đứng lên từ những lần thất bại.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy rằng trong mỗi trường học, mỗi lớp, trong công ty … các sinh viên thi đại học không đủ điểm, chịu áp lực của gia đình đưa đến trầm cảm, tự kỉ sống khép mình trong bóng tối, nhiều trường hợp có thể tự tử.
Tiến sĩ Sam Collin (tác giả cuốn sách Radio Heaven: One Woman's Journey to Grace) cho rằng, chúng ta nên trân trọng những thất bại, và xem đó như một bước đệm cần thiết để thành công. Thậm chí nữ tác giả còn khuyên độc giả cũng như khán giả của mình rằng hãy thử một lần bị mất việc. Bạn sẽ có được những nhận định và kinh nghiệm sinh động mà không bao giờ có được nếu bạn không thất nghiệp. Chính điều này thúc đẩy bạn tìm kiếm điều bạn thật sự muốn, công việc bạn thật sự yêu thích.
Dưới đây là sáu điều bạn có thể làm để khiến tâm trạng hồi phục nhanh hơn và đưa cuộc sống của bạn trở lại đúng hướng:
- 1. ĐỪNG ĐỂ THẤT BẠI LÀM BẠN MẤT NIỀM TIN
Hầu hết mọi người đều không biết cách đứng dậy sau những lần thất bại bởi họ đã mất niềm tin ở bản thân. Có sự khác biệt rất lớn nếu ai đó nói: “Tôi đã thất bại” thay vì “Tôi là kẻ thất bại”. Người gặp thất bại sẽ luôn biết cách rút ra những bài học từ sự thất bại của mình và luôn tiến lên phía trước. Thất bại không làm thay đổi ý chí của người đó. Ngược lại, nếu ai đó tự nhận “mình là kẻ thất bại” thì người đó sẽ không có hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Dân gian có câu: “ Thất bại là mẹ của thành công”. Thành công và thất bại, hai khía cạnh tưởng chừng đối lập nhưng lại luôn song hành cùng với nhau. Biết vươn lên sau thất bại chính là một loại thành công, còn sau khi thành công mà dễ dàng buông bỏ thì đó chính là thất bại. Bởi thế, hãy luyện cho mình cách nghĩ về sự thất bại như những dấu mốc của thành công.
Nếu bạn hay nghi ngờ về năng lực của mình mỗi khi gặp thất bại hay sẽ bị thất bại thì đã đến lúc phải dừng ngay việc đó lại. Việc phạm sai lầm cũng như việc hít thở vậy, khi thở vô thở ra, một khi bạn còn sống thì sẽ không bao giờ tránh khỏi sai lầm, có thế này thế khác. Bởi vậy, hãy học cách sống chung với nó và luôn tiến lên phía trước.
- 2. ĐỂ SỰ THẤT BẠI CHỈ LỐI CHO BẠN
Đôi khi sự thất bại sẽ báo hiệu cho bạn biết đã đến lúc cần phải thay đổi hướng đi. Nếu cứ tiếp tục đi tới, bạn sẽ đụng đầu vào tường. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc quay trở lại và tìm cho mình một lối ra. Nếu đi theo những ngã rẽ thì đó có thể là con đường chính. Cho dù thất bại liên tiếp, nhưng chỉ cần bạn giữ được ước mơ và niềm khao khát cháy bỏng thì hãy tiếp tục tiến lên.
Nếu liên tiếp gặp thất bại nhưng vẫn muốn đứng lên và tiếp tục, thì hãy để sự thất bại dẫn lối cho bạn. Khi các cánh cửa đóng lại trước mắt bạn, đừng bao giờ đứng mãi một nơi để băn khoăn rằng, tại sao bạn không thể mở được cánh cửa nào. Hãy nhìn xung quanh và tìm một cánh cửa đang mở khác. Có thể một cánh cửa nào đó đang mở ngay bên cạnh bạn mà bạn không nhận ra.
3.HƯỚNG KHẮC PHỤC LÀ LUÔN GIỮ SỰ HÀI HƯỚC
Khi gặp thất bại, hãy cười thật to. Khi mọi thứ suôn sẻ, thật dễ dàng để nở một nụ cười, nhưng khi mọi chuyện trở nên tồi tệ thì việc đó thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Không gì có thể cải thiện sức khỏe tốt bằng nụ cười. Nó giúp bạn xua tan mệt mỏi và căng thẳng, đồng thời khiến những sai lầm của bạn nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Khi mắc phải sai lầm trong cuộc hành trình tìm kiếm thành công, hãy giữ thái độ vui tươi và lạc quan.
4.BIẾN THẤT BẠI THÀNH BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Để thành công, hãy trau dồi khả năng học hỏi từ những sai lầm của mình. Sự thay đổi trong quá trình nhận thức sẽ là một ngã rẽ, làm bàn đạp giúp bạn khai thác tiềm năng của mình.
Tinh thần sẵn sàng học hỏi từ thất bại và khả năng vượt qua nó có mối liên kết không thể tách rời. Nếu ngừng học hỏi, bạn sẽ còn lặp đi lặp lại những sai lầm đã qua. Nhưng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi lần vấp ngã, bạn biết đứng dậy và rút ra những bài học quý.
5.ĐỪNG ĐỂ SỰ THẤT BẠI LÀM BẠN SỤP ĐỔ
Khi tham gia vào cuộc hành trình tìm kiếm thành công, chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Bạn sẽ bỏ cuộc và tiếp tục gục ngã, đắm chìm trong những thất bại hay là bạn sẽ đứng lên bằng chính đôi chân của mình với thời gian nhanh nhất có thể. Nhiều người không làm được như vậy. Họ gục ngã quá lâu đến nỗi họ cảm thấy, cứ nằm đó và gục ngã còn thoải mái hơn là phải đứng dậy.
Khi vấp ngã, hãy cố gắng đứng lên bằng sức mạnh của chính đôi chân mình. Hãy học hỏi từ những sai lầm đã trải qua và mau chóng quay trở lại cuộc hành trình.
- THẤT BẠI LÀ THƯỚC ĐO CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Hầu hết mọi người khi đánh giá thành công thường đánh giá bằng cách xem ai ít bị thất bại nhất. Nhưng những người thành công nhất thì cũng trung bình thất bại tới bảy lần trước khi thành công. Bạn thấy đấy, nếu càng cố gắng, bạn sẽ càng thu được các bài học quý báu từ sự thất bại và càng trở nên thành công.
Mỗi lần vấp ngã hãy nhìn nhận lại sự tiến bộ của mình. Đừng nản chí vì có thể sau nhiều lần thất bại, thành công có thể đến với bạn ngay sau đó. Nó tạo nên sự phát triển và tiến bộ. Đó chính là ý nghĩa của việc đứng lên sau những thất bại và tránh được những ngã rẽ không cần thiết.
Điều giúp bạn đối mặt với thất bại tốt hơn là nhìn vào viễn cảnh trước mắt. Khi đấu tranh với sự thất bại, hãy luôn nghĩ tới một tương lai tươi sáng. Tất cả chúng ta đều có những sai lầm, nhưng quan trọng là chúng ta biết cách vượt qua chúng.
Thất bại là dấu hiệu báo cho bạn biết cần phải khám phá các cơ hội khác. Điều này có lúc đúng, nhưng hầu hết thành công là kết quả của sự kiên cường. Hầu hết những người thành công nổi tiếng, đều đã từng phải đối mặt với những chướng ngại vật trước khi trở thành người chiến thắng. Họ chiến thắng bởi họ đã không để những thất bại làm họ chùn bước và mất đi dũng khí. Ai cũng dễ dàng bị thất bại nhưng giá trị của thành công chính là ở sự kiên trì.
Ni sư Giáo Thọ Giới Hương kính,
Đây là bài thuyết trình của Tăng sinh Thiện Hiệp trong khóa Thực Hành Diễn Giảng của Khoa Hoằng Pháp vào sáng ngày 30/11/2019, được Ni sư chấm điểm và khen hay, chọn cho vào Tuyển tập “40 Năm Tu Học Và Hoằng Pháp của Ni Sư Giới Hương” bằng tiếng Anh và Việt. Thật là niềm vui cho con và cả lớp. Nhân dịp 20 tháng 11 và kỷ niệm 40 năm Tu học và Hoằng Pháp của Ni sư, chúng con Lớp Hoằng Pháp, khóa XII, xin chúc cho Ni sư pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành. Chúng con thầm niệm ân:
“Người đưa đò suốt đời chở khách
Trên con sông đưa lớp lớp người qua
Chợt một hôm soi mình mặt nước
Thấy mái đầu đã tuyết pha sương.”[1]
Người đưa đò chở khách sang sông, người sống với hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh và cũng là người cầm đuốc soi đường cho bao thế hệ mai sau. Chúng con xin hướng nguyện công tác phật sự của Ni sư trong tuyển tập: “ 40 Năm Tu Học Và Hoằng Pháp Của Ni Sư Giới Hương” được thành viên mãn. Chúng con hứa sẽ tiếp bước hoằng pháp trong tương lai, người đưa đò, người cầm đuốc vì mạng mạch Phật pháp mai sau, không phụ lòng kỳ vọng của Ni Sư và quý giáo thọ thương kính khác.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Học viện PGVN, Tp.HCM ngày 30/11/2019
Kính bái,
Lớp Hoằng Pháp - khóa XII
và Thầy Thiện Hiệp
(This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)
Giáo thọ Ns Giới Hương và Tăng sinh Thiện Hiệp
Lớp Hoằng Pháp - khóa XII
Mời xem toàn bài với hình ảnh: 5.2._That_Bai_la_Thuoc_Do_cua_Thanh_Cong_-_Tang_sinh_Thien_Hiep.pdf
[1] Người Đưa Đò của nhà giáo Nguyễn Khuê.
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/sang-tac/nguoi-dua-do