Đã là người tu sĩ của Phật Giáo mỗi chúng ta ai cũng mang tâm niệm hoài bão: “Hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” để báo Phật thâm ân, không cô phụ chí nguyện xuất gia của mình. Việc hoằng pháp thời nay là nhu cầu thiết yếu rất cần thiết cho xã hội ngày nay, đòi hỏi mỗi Tăng Ni đều phải biết cách ứng dụng linh hoạt thực tế giáo lý của Đức Phật cũng như kết hợp “từ bi - trí tuệ” “vô ngã - vị tha” “dấn thân phục vụ và hy sinh” nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh môi trường, con người địa lý và thời tiết. Có như vậy việc làm đó mới thành tựu viên mãn sự nghiệp hoằng pháp, ngõ hầu làm “Tốt đời đẹp đạo” và “Báo Phật thâm ân” trong muôn một.
Tăng Ni cần phải nâng cao ý thức mình là người xuất gia, cần phải khép mình trong thiền môn quy củ, tôn trọng Giới Luật và thực hành theo lời Phật dạy, tìm cho mình một vị Thầy hướng dẫn, sống trong đại chúng nương theo một pháp môn tu tập sao cho phù hợp.
Tích cực học hỏi tại các trường lớp Phật học, tiếp thu lắng nghe trau dồi đạo học lẫn thế học, tham gia các hoạt động Phật sự tại địa phương, phát huy sôi nổi đẩy nhanh, đẩy mạnh phong trào giảng dạy giáo lý cho Phật tử, kết hợp mở các khóa tu trên địa bàn đang cư ngụ, ứng dụng kịp thời giáo lý Phật đà vào cuộc sống, làm cho đời sống tâm linh ngày một thăng hoa. Với giá trị nhân văn ấm lòng nhân đạo mang bản sắc văn hóa Việt, khi tu sĩ truyền đạo dù ở nơi đâu cũng hướng tới làm việc thiện, nghĩ điều thiện, hành động đi đôi với việc làm “Nghìn lời nói hay cũng không bằng một việc làm dù nhỏ” và “Tất cả đều vì Phật Pháp”. Vì vậy ứng dụng tư tưởng giáo lý Phật Giáo vào đời sống xã hội ngày nay là một điều cần thiết cho ngành giáo dục cũng như hoằng pháp.
Với ngành hoằng pháp, khi chúng ta nhường cơm sẻ áo, phát quà từ thiện giúp người là việc làm thể hiện tinh thần “Từ bi - cứu khổ - ban vui” của Đạo Phật. Nhưng “Tài thí” chỉ mang lại lợi lạc hiện đời cho nhu cầu sinh tồn của con người, còn “Pháp thí” mang lại lợi lạc tinh thần, gieo duyên lành, không những trong đời này mà nhiều kiếp đời sau nữa, nên Pháp thí có giá trị rất lớn trong việc hoằng pháp lợi sanh. Vì Đức Phật đã dạy rằng: “Trong tất cả sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng”.
Đất nước Việt Nam đã và đang hội nhập môi trường toàn cầu hóa, không những cả về văn hóa mà cả về kinh tế với nhiều thách thức của thời đại. Chính vì vậy để hòa nhập cùng xã hội, Tăng Ni ngoài việc nhận thức đúng đắn vấn đề tu học, chúng ta phải năng động để tạo ra những thay đổi phù hợp đón nhận những cơ hội đầy thách thức này.
Ngày nay việc hoằng pháp của thế hệ Tăng Ni đang được đề cao và xã hội hưởng ứng vì giáo lý của Đức Phật rất không rời xa thực tế, dễ gần gũi cảm thông và nó còn đem lại suối nguồn an lạc thiết thực cho mỗi con người trong thời đại văn minh tiến bộ này. Vì vậy Tăng Ni cần dấn thân phục vụ và nhập thế truyền bá giáo lý tùy theo căn cơ trình độ, vùng miền của người dân ngày càng sâu rộng hơn nữa, để giúp con người vượt qua bao nổi khổ bi thương cám dỗ của cuộc đời.
Tương lai Phật giáo Việt Nam còn tồn tại đậm màu sắc dân tộc và phát triển bền vững hay không là phụ thuộc vào giáo dục Phật giáo thông qua việc hoằng pháp. Vì vậy chương trình giáo dục cho Tăng Ni ở các cấp phải phù hợp với thời đại được giảng dạy dưới nhiều hình thức, chuyên sâu việc thực hành cọ sát thực tế nhiều hơn là lý thuyết trên bục giảng. Bậc cổ đức có dạy rằng “Đức là gốc, tài là ngọn”, thế nên giáo dục Phật giáo phải đề cao đạo đức, chất lượng hơn là số lượng. Dù nền kinh tế có phát triển, văn minh văn hóa có hội nhập nhưng cũng không thể chạy theo cái gì đó mà quên đi nguồn cội, vì đạo đức là nền tảng căn bản hình thành nhân cách của con người.
Hãy quay ngược lại trang sử vàng của Phật Giáo Việt Nam nhiều thế kỷ trước, biết bao nhiêu hình ảnh Chư Tôn Thiền Đức nhị bộ đã ghi lại những tấm gương sáng về đạo hạnh và tinh thần tu học nghiêm trì giới luật, đã để lại nhiều tác phẩm Kinh- Luật- Luận có giá trị bất diệt cho giáo dục Phật giáo Việt Nam như: Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, HT Thích Trí Tịnh, HT Thích Minh Châu…Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh, Ni Trưởng TN Diệu Không, Ni trưởng Hải Triều Âm, Ni Trưởng TN Diệu Nhân, …mà không sao có nét bút mực ngôn từ nào có thể kể hết và sánh kịp. So với quý Ngài thì Tăng Ni trẻ bây giờ, quý vị học hành rất nhiều, bằng cấp trong ngoài nước không thiếu, ngoại ngữ cũng lưu loát nhưng lắm lúc nội lực và kết quả của việc hành đạo thì không khả quan, mau chán nản dễ bực tức và cáu giận, bỏ ngang hay đi sai đường lạc lối. Đây là nghịch lý mà mỗi một chúng ta nên đặt câu hỏi và cần phải lưu tâm khắc phục để có câu trả lời chính xác nhằm đưa ra giải pháp tối ưu cho những vấn nạn của thế hệ Tăng Ni ngày nay.
Đạo Phật là Tôn giáo của “Chân- Thiện- Mỹ”, vì vậy yếu tố căn bản để hình thành một người tu sĩ làm tốt đời đẹp đạo cũng xuất phát từ ba yếu tố đó và song hành với việc tự giác và ý thức tầm quan trọng của “Giới- Định- Tuệ” để thực hành sao cho phù hợp.
Công tác quản lý con người và sự nghiệp giáo dục con người cho thế hệ tương lai là một công tác cực kỳ quan trọng ở tất cả mọi thời đại. Nó luôn mang trên mình một sứ mệnh sống còn hay hủy diệt của cả một thế hệ, từ cái không đến cái biết, cái chưa hoàn thiện đến cái hoàn thiện. Vì thế ở bất kỳ một không gian, thời gian, quốc gia hay xứ sở môi trường nào thì việc quản lý con người và giáo dục con người, đặc biệt là vai trò hoằng pháp của người tu sĩ luôn đặt trọng trách hàng đầu và luôn sống trong tinh thần lục hòa, hết sức đoàn kết thì dù có khó khăn đến cách mấy cũng có cách giải quyết. Điều này cũng đòi hỏi các cấp Giáo Hội nên quan tâm đúng mức và có kế hoạch đào tạo hướng cho Tăng Ni đi đúng con đường chánh pháp nhất là với thế hệ Tăng Ni trẻ hiện nay.
Vai trò và trách nhiệm của Tăng đoàn Phật giáo là một tổ chức rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do vậy xã hội rất cần thiết những vị tu sĩ dấn thân phục vụ, những mẫu người có đạo hạnh và trình độ nội cũng như ngoại điển thực sự, biết thức tỉnh lòng người, lắng nghe thấu hiểu nỗi khổ niềm đau và biết cảm thông chia sẻ, biết thực hành giáo lý “vô ngã vị tha” mà Đức Phật đã dạy. Người làm công tác giáo dục hay hoằng pháp phải luôn học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin thường xuyên, đổi mới cách thức để phù hợp với thực tế, truyền thông cho mọi người biết để cùng tham gia, đổi mới chính là khắc phục những tồn tại trong thực tế, mở ra cái mới cho tương lai, gạn đục khơi trong để thuyết phục lòng người giúp họ có cuộc sống an lành giải thoát trong Pháp Phật. Thật đúng là: “Tăng là đoàn thể đẹp cùng đi trên đường vui, cùng tu tập giải thoát làm an lạc cuộc đời”.
Thay lời kết cho bài viết này, tác giả xin gởi những lời chúc tốt đẹp nhất dâng lên Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, kính mừng “40 năm xuất gia tầm Sư học Đạo- lập chí xuất trần thượng sĩ và cứu nhân độ thế- báo Phật thâm ân” của Sư. Ni Sư cũng như là vị Sư Tỷ người đi trước, bậc mô phạm với đời sống giản dị thanh bạch và phạm hạnh, tâm luôn hoan hỉ từ bi và luôn là tấm gương sáng cho chúng con noi theo. Ni Sư thật đúng là bậc Ni lưu xứng đáng để được tán thán khen ngợi cả trong và ngoài nước:
“Đời tu sĩ bốn phương trời rảo bước
Cõi Ta bà đâu cũng nhà ta
Một mình đi với bình bát, Ca sa
Trong khắp chốn muôn nhà là quyến thuộc.”
Học viện PGVN TpHCM, ngày 27/11/2019
Ni sư Tâm Thảo
Giảng Viên Khoa Anh Văn Phật Pháp
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Ni sư Giới Hương và Ni sư Tâm Thảo ngày 06-9/12/2019
Nhân ngày lễ Kỷ Niệm 35 Năm thành lập Học Viện PGVN
Sc Viên Trang, Sc Viên Chân, Ni sư Chánh Tuệ, Ns Giới Hương,
Ns Tâm Thảo, Sc Viên An và Sc Viên Tiến (từ trái sang)
Trước cổng chùa Hương Sen
Mời xem toàn bài với hình ảnh: 3.16._Loi_Khuyen_Tan_Hoang_Phap_Thoi_Nay_-_Ni_Su_Tam_Thao.pdf