Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Image result for hình ảnh về đài loan 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Sáng nay nhận được thư mời của Ni Sư Thích Nữ Giới Hương bên Mỹ, mời viết vài lời vào tuyển tập nhân ngày kỷ niệm xuất gia 40 năm của Ni sư Giới Hương. Ni Sư Giới Hương là người bạn đồng giới của đàn giới thọ Cụ túc Tỳ Kheo Ni với tôi (Ns Hồng Phúc) và Ni sư Thanh Đức (em họ của NS Giới Hương) vào năm 1983. Ba chúng tôi đồng sanh năm 1963, đồng thọ giới “một đàn 3 vị” và cũng là bạn đồng liêu, đồng sàng tại tịnh Thất Liên Hoa, Bình Thạnh. Nay thì tôi định cư ở Pháp, NS Thanh Đức ở Việt Nam còn Ni sư Giới Hương thì ở Mỹ.

Thật là biết viết gì đây, 40 năm không dài nhưng cũng không ngắn cho cuộc đời của một tu sĩ. Bao nhiêu thăng trầm buồn vui xảy ra trong cuộc đời từ hồi còn làm chú tiểu trong đại chúng, cho đến ngày ra ngoài lập thất tu hành, độ chúng sanh. Rồi đến lúc vân du ra nước ngoài hành đạo, một mình một nẻo chống chỏi với bao phong ba bão táp của cuộc đời. Có lúc như bị đẩy vào bức chân tường, nhưng vẫn có một bàn tay vô hình kéo ra. 40 năm trôi qua thật là bao nhiêu kinh nghiệm học hỏi từ những cảnh thăng trầm. Những kinh nghiệm này chỉ có thời gian mới so sánh được, chứ không có tiền bạc nào có thể mua được.

Thế nên vào chùa xuất gia tu hành không dễ, nếu không có thiện căn thì không thể ở chùa được. Người xuất gia tu hành như nước chảy ngược dòng, nếu không tinh tấn thì sẽ không chảy ngược lên được mà sẽ bị trôi lại dòng đời cũ, cho nên tu hành cần lắm phải ép mình vào pháp Phật đã dạy, nếu không thì uổng phí cả một đời tu, bất quá chỉ là ngày qua ngày cho xong một kiếp.

Tu có nhiều cách tu, huynh đệ chúng tôi rất là có phước, vì đã gặp được Minh sư Tôn Sư Hải Triều Âm dạy bảo, đường lối tu hành đều đã được học qua. Sư bà chúng tôi đã ngày đêm dạy bảo tận tình, thật là không chỉ học ngày đêm trên lý thuyết, mà Sư bà đã dạy chúng tôi bằng hành động kỷ cương của chính Ngài. Sư bà đã cho chúng tôi một kim chỉ nam chỉ phương hướng, mà chính cái kim chỉ nam này mà bây giờ chúng tôi, dù có lạc bước vào chân trời góc biển nào, chúng tôi cũng nhận định được phương hướng sáng mà đi. Cho nên mới có câu: 

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

Đời này chúng tôi đã được Sư bà hướng dẫn đi đúng đường, thì mãi mãi ở kiếp tương lai, chúng tôi cứ thế mà thẳng đường tiến lên bờ giải thoát.

Tiện đây tôi cũng xin sơ lược Giải thích về chữ TU.

Có nhiều người được nghe câu nói: 

Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Rồi dựa vào hai câu này, mà cho rằng ở nhà báo hiếu cho cha mẹ, đó là đệ nhất tu, không cần phải vào chùa đi tu. Nếu nghĩ như vậy, thì gọi là cái hiểu căn bản, nhưng chưa mở rộng.

Tôi xin được giải thích một ít rằng:

Tu có nhiều cách tu. Chữ Tu có nghĩa là sửa, là thay đổi. Tu sửa, tu bổ, tu dưỡng và tu chứng.

Nếu ở nhà báo hiếu cho cha mẹ, thì đây gọi là TU HIẾU.

Đi làm từ thiện, phóng sanh, ăn chay, giữ gìn giới luật, đây gọi là TU THIỆN.

Vào chùa cúng dường, giúp đỡ cho người bần cùng, đắp cầu, xây lộ, đây gọi là TU PHƯỚC.

Cắt ái, từ thân vào chùa tu học, đây gọi là TU CẦU GIẢI THOÁT.

Bốn phương pháp này, cách nào cũng là TU, nhưng mỗi cách đều ra quả báo khác nhau, tùy theo chúng ta thực hành theo cái nào.

Phật dạy: “Nếu không ái, thì không sanh Ta bà” (tức là còn lẩn qun trong vòng luân hồi).

Vì vậy Phật dạy, những ai muốn thoát luân hồi, thì phải cắt ái, từ thân, vào chùa cạo đầu xuất gia tu học hạnh xả ly. Cho nên, hạnh của người xuất gia rất là cao quý, mà ít có người có thể thực hành được, nếu không có đủ thiện căn. Vào chùa tu không dễ, giống như dòng nước chảy, chảy xuôi theo dòng bao giờ cũng nhanh và dễ hơn chảy ngược. Người vào chùa xuất gia tu học, giống như dòng nước chảy ngược lên, rất là khó và chậm, nếu không có ý chí kiên nhẫn, sẽ tuột lại theo dòng.

1) TU HIẾU

Thế cho nên, nếu ai TU HIẾU, thì kết quả người đó sẽ có một gia đình đầm ấm thuận hòa, con cái cháu chắt sống có kỷ cương, thuận trên nhường dưới, biết hiếu thuận, biết ân biết nghĩa, nhưng vẫn còn luân hồi tái sanh trong thế giới Ta bà, để chịu thọ thân khổ (vì Phật dạy Thân là gốc của khổ đau).

2) TU THIỆN

Người tu thiện nghiệp cuối cùng sẽ được sanh lên cõi Trời, bởi vì cõi Trời là nơi dành cho những vị có tâm lành, trong nhân gian thường làm việc lành để tái sanh lên đó sống hưởng một đời sống lâu dài và an lành. Nhưng theo lời phật dạy, cõi Trời cũng còn tai nạn, vì lên đó quá đầy đủ vật chất, sắc đẹp, thọ dụng, nên chỉ hưởng mà không có duyên để tạo, cuối cùng khi hưởng hết phước báo, thì sẽ bị đọa trở xuống (hữu phước bất hưởng tận, hưởng tận sanh bần cùng) là ý đây vậy.

3) TU PHƯỚC

Người nào thường hay đem công, đem của cải của mình ra để làm phước cúng chùa, tạo tượng, in kinh, đắp đường, xây cầu, giúp cho mọi người bớt cơ cực. Thì kết quả sẽ được đời đời sanh ra trong gia đình giàu sang phú quý, danh gia vọng tộc, được mọi người kính nể. Nhưng dù có giàu sang phú quý đến đâu cũng là của phù vân, thế gian là giả tạm, rồi cuối cùng cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt ra đi, buông bỏ lại tất cả, nào nhà cửa, xe cộ, vợ, (chồng) con cháu, tiền bạc. Nên phật dạy tối thượng nhất là tu cầu giải thoát.

4) TU GIẢI THOÁT

Xuất gia vào chùa tu tập hạnh xả ly, cầu được giải thoát sanh tử khổ. Còn luân hồi tái sanh là còn đau khổ. Trong kinh BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC Phật dạy: “Sanh tử là bì lao. Tức sanh tử là khổ nhọc”, nghĩa là mỗi một lần sanh ra là trùng trùng sự khổ, khổ vì chồng (vợ), khổ vì con, khổ vì tình cảm, khổ vì tiền bạc, nhà cửa, luật lệ, quan trên đè ép, chủ tớ bức bách câu xé dành giựt lẫn nhau vì cơm gạo, danh tiếng, địa vị, tình cảm... Trong đời hiện tại nhan nhãn trước mắt chúng ta. Vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy buồn phiền. Trong cuộc đời nước mắt chảy nhiều hơn nụ cười. Đó là chưa kể đến thân bịnh hoạn khổ đau, không thầy, không thuốc, không người trông coi.

Thế nên, Đức Phật dạy còn luân hồi còn thọ thân là còn đau khổ, muốn thoát luân hồi khổ thì hãy mau tìm cách thoát ra ba cõi. Mà muốn thoát tam giới, chỉ có một con đường duy nhất, là vâng theo lời phật dạy xuất gia tu học hạnh viễn ly. Xuất gia có ba nghĩa: 

  1. Xuất thế tục gia tức ra khỏi nhà thế tục và vào chùa ở tu học.
  2. Xuất phiền não gia tức là buông bỏ phiền não tham sân si và an trú nơi thanh tịnh ngày ngày thiền quán tụng kinh để dần dần xả được ba độc tham sân si nơi tâm mình.
  3. Xuất tam giới gia tức ra khỏi ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Ba độc tham sân si có hết, thì luân hồi sanh tử mới chấm dứt, mới ra được ba cõi nhà lửa của sự vô thường sanh tử.

Trong bốn cách TU trên, tu cách nào cũng tốt, nhưng từng bậc thứ lớp thì quả báo muôn lần sai biệt. Hỡi ai ơi! Đừng vội đem cái hiểu biết thiển cận của mình mà phê phán.

Vài lời xin gởi đến người huynh đệ đồng đàn thọ đại giới, hy vọng những dòng chữ này, sẽ làm tô điểm một chút trong cuốn kỷ yếu 40 năm xuất gia của chúng ta. Kính chúc Ni sư Giới Hương và chư Ni chúng trên đoạn đường còn lại của cuộc đời, sự tu đạo và hành đạo muôn phần trôi chảy và tốt đẹp hơn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Paris Pháp Quốc, Mùa Thu năm Kỷ Hợi (2019)

Kính đề,

Ni Sư TN Hồng Phúc (Thanh Lương)

Trụ Trì Chùa Liên Hoa Tịnh Độ, Razes, Pháp

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Ni sư Hồng Phúc (đứng thứ ba từ phải), TKN Viên Chân và Ni sư Giới Hương

Cùng phái đoàn Chùa Hương Sen đang tham quan London năm 2016

Liên Hoa Tịnh Thất, nơi NS Giới Hương, NS Hồng Phúc

Và NS Thanh Đức đã thế phát xuất gia.

Mời xem toàn bài với hình ảnh:  3.11.Người_Bạn_Đồng_Đàn_Giới_TKN-_TN_Hong_Phuc.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm